Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen (dù hai người chưa từng gặp gỡ) như thế này: “Hôm nay, tôi cũng sẽ hạnh phúc – hạnh phúc hơn nữa – nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak D”
Isak Dinesen là bút danh của bà Karen Blixen – tác giả cuốn sách Out of Africa, tựa tiếng Việt: Châu Phi nghìn trùng. Cuốn hồi ức ra đời từ những năm tháng bà sinh sống tại châu Phi (1914 - 1931) trên một đồn điền cà phê rộng 4000 mẫu Anh gần Nairobi.
Châu Phi nghìn trùng bao gồm 5 phần: hai phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lí cũng như sự trừng phạt. Phần thứ ba, Các vị khách của đồn điền, chuyển sang khắc họa tuyến nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen – như bà lí giải: “Tại các xứ thuộc địa mới khai phá, lòng hiếu khách là điều cần thiết cho cuộc sống của không chỉ du khách mà cả của người định cư tại đây. Mỗi vị khách là một người bạn, đem đến tin tức, tốt hoặc xấu, thứ bánh mì cho những tâm trí đói khát sống nơi cô quạnh. Một người bạn chân chính ghé chơi là một thiên sứ, mang theo bánh thánh”. Phần bốn, Trích sổ tay một người nhập cư, bao gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi. Cuối cùng, phần năm khép lại dòng hồi ức: Đồn điền lụn bại, vài thân hữu của Blixen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.
Về bối cảnh tác phẩm, độc giả có thể băn khoăn: Duyên cớ nào đã đưa bà, trong vai trò một người “thực dân”, tới miền đất Kenya bấy giờ thuộc về Anh quốc? Rời quê hương Đan Mạch, bà cùng chồng – ông Baron Bror von Blixen-Finecke – đặt chân đến đây, cai quản đồn điền cũng như những nhân công bản xứ: dân bộ lạc Kikuyu. Năm 1925, đôi vợ chồng chia tay nhau, bà Blixen chứ không phải ông Blixen đảm đương toàn bộ điền sản nói trên. Vị nữ điền chủ rất phù hợp với vai trò, điều đó thể hiện ở hai khía cạnh: khả năng coi sóc trang trại quy mô lớn một cách độc lập, và đặc biệt là mối quan hệ thân tình với con người châu Phi – bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, cố gắng lắng nghe và phân xử những “sự vụ” xảy ra trên vùng này “Cá nhân mình, ngay từ vài tuần đầu sống tại Phi châu, tôi đã lập tức đem lòng quý mến người bản xứ. Tình cảm chân thật này tôi dành cho mọi lứa tuổi và giới tính.” Đáp lại, con người châu Phi cũng yêu quý, tin tưởng Blixen: từ Farah Aden, anh đầy tớ người Somali đã gắn bó với bà trong suốt quãng thời gian Blixen ở châu Phi, chú nhóc Kamante thuộc bộ lạc Kikuyu “sống thui thủi giống con thú bị ốm” nhưng lại dành cho Blixen thiện chí khó phai mờ, đến ngài Kinanjui – vị thủ lĩnh tối cao cai quản hơn 100.000 dân K
Blixen gần gũi với châu Phi là vậy song tiếc thay địa hình, khí hậu của khu vực lại chẳng hề lí tưởng cho cây cà phê, đồn điền của bà phải trải qua mùa khô hạn cũng như họa châu chấu, việc làm ăn lụn bại dần. Blixen khép lại cuốn hồi ức bằng một chương thật buồn, đầy những ấn tượng khắc nghiệt về thiên nhiên: “Cũng năm ấy lũ châu chấu kéo đến. Sáng hôm sau tôi mở cửa nhìn ra ngoài, khắp nơi đã nhuộm màu hoàng thổ xỉn nhạt. Cây cối, bãi cỏ, con đường, mọi thứ trong tầm mắt, bị phủ thứ thuốc nhuộm ấy, tựa như đêm qua một lớp tuyết dày màu hoàng thổ đã đổ xuống khắp vùng” lẫn những giây phút lực bất tòng tâm của con người:
“Kinanjui nằm xẹp trên giường. Mùi xú uế quanh ông ngột ngạt tới nỗi ban đầu tôi không dám mở miệng nói vì sợ buồn nôn. Đầu và thân trên Kinanjui teo quắt tới mức bộ khung xương to lớn của ông nổi nhô cả lên. Từng phân từng phân ông gom sức tàn kéo lê bàn tay phải qua thân mình để chạm vào tôi”.
Kết cục chẳng thể tránh khỏi, Blixen buộc phải bán đồn điền rồi trở về Đan Mạch. Tại đây, bà bắt đầu viết lách lại – niềm mê thích từng bị ngăn cấm thời trẻ. Năm 1934, bà cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn, sau đó vào năm 1937 – cuốn hồi ức Châu Phi nghìn trùng. Có phỏng đoán rằng tiêu đề sách bắt nguồn từ tiêu đề thi phẩm Ex Africa (tạm dịch: Châu Phi xưa cũ) mà Blixen sáng tác trong năm 1915. Dù chi tiết này có thực hay không thì âm hưởng chung của toàn bộ cuốn hồi ức vẫn là niềm hoài vọng châu Phi, mãnh liệt đến nỗi kí ức trở nên sống động trên từng trang sách. Cách hành văn của tác giả gần gũi, mến yêu, quả là đáng ngạc nhiên bởi bà viết từ góc độ một thực dân da trắng. Chẳng hề xa cách, khinh mạn, chẳng hề cho rằng mình đến để “khai sáng” cho người châu Phi, Blixen tiếp cận dân cư bản xứ đầy cởi mở, trìu mến, và càng về sau càng gắn bó, bảo bọc. Cũng có lẽ vì ăm ắp những kỉ niệm với châu Phi, dù là vui hay buồn, lành hay gở thì tất cả đều như “mới hôm qua” nên tác giả đã chọn mạch phi-tuyến tính khi viết, hầu như xáo tung, làm mờ trật tự thời gian. Thế nhưng trên phương diện không gian rõ ràng giữa Blixen và châu Phi đã tồn tại khoảng cách “nghìn trùng” để rồi nỗi nhớ thêm day dứt. Qua phần cuối sách, độc giả sẽ biết ông Remi Martin – chủ nhân mới của đồn điền – từng ngỏ ý để bà Blixen ở lại căn nhà thân thương tại châu Phi, song bà từ chối. Ngẫm kĩ, sự khước từ này hóa ra có lí, bởi bấy giờ vùng thuộc địa đã chất chứa những nỗi buồn khó tả.
Châu Phi nghìn trùng – tác phẩm ra đời từ những trải nghiệm cá nhân của một con người, nhưng lại mở cho chúng ta cánh cửa tới châu Phi rộng lớn: Có thiên nhiên hoang dã, khoáng đạt, trao tặng nhiều song lấy đi cũng cực kì tàn nhẫn; có con người “nguyên sơ” lắm lúc đến mức khôi hài và cũng thật đáng yêu. Qua cuốn hồi ức, châu Phi hiện lên lạ lùng trong mối tương giao giữa cái bản địa và thực dân da trắng, từ góc nhìn khác biệt, không khinh khi, xa cách mà ẩn chứa tình yêu.
Trang bản quyền:
Out of Africa
Copyright by Karen Blixen
Dịch từ bản tiếng Anh: Out of Africa
Bản quyền tiếng Việt: Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 2020
Bìa 4:
Nhân một cuộc phỏng vấn sau sự kiện công bố giải Nobel Văn chương năm 1954, Ernest Hemingway từng nói về Isak Dinesen: “Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc, hạnh phúc hơn, nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak D”
*
Còn Carson McCullers, một nhà văn Mỹ, thì nhận định về cuốn hồi ức như sau: “Lúc ốm đau hay bất hòa với thế giới, tôi lại tìm về Châu Phi Nghìn Trùng và lần nào cuốn sách cũng an ủi, nâng đỡ cho tôi.”
*
Khi đã quen với thơ, cư dân bản địa thường năn nỉ: “Nói nữa đi. Nói giống tiếng mưa ấy.” Tôi chẳng rõ vì sao họ cảm nhận thơ giống mưa. Tuy nhiên đó hẳn là lời tán thưởng, bởi ở châu Phi mưa luôn được yêu quý và chào đón.
*
Cũng năm ấy lũ châu chấu kéo đến. Sáng hôm sau tôi mở cửa nhìn ra ngoài, khắp nơi đã nhuộm màu hoàng thổ xỉn nhạt. Cây cối, bãi cỏ, con đường, mọi thứ trong tầm mắt, bị phủ thứ thuốc nhuộm ấy, tựa như đêm qua một lớp tuyết dày màu hoàng thổ đã đổ xuống khắp vù
*
Từ đây, xa trông về hướng Tây Nam, tôi vẫn thấy rặng Ngong. Dải sơn mạch trập trùng nét lượn sóng cao sang, thuần một sắc lơ đứng sừng sững giữa miền đất bằng phẳng xung quanh. Nhưng do khoảng cách quá xa nên bốn đỉnh núi giờ nom nhỏ nhoi, khó phân định, và khác hẳn hình thế vẫn thấy từ đồn điền.
Gấp mép:
Isak Dinesen là bút danh của nhà văn Karen Christenze Blixen (1885-1962). Bà sinh trưởng tại Rungsted, một thị trấn nhỏ ở bờ đông đảo Zealand, gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cả hai bên nội ngoại, bà bắt đầu sáng tác thơ, kịch và truyện ngắn từ khá sớm.
Trong bối cảnh các đế quốc châu Âu tranh nhau xâu xé lục địa châu Phi hồi đầu thế kỉ XX, năm 1913, Karen Blixen cùng chồng sang Kenya mua một đồn điền cà phê dưới chân rặng Ngong để sản xuất cà phê hạt.
Đến năm 1931, sau liên tiếp những thất bại trong kinh doanh và phải bán đồn điền, bà hồi hương, tiếp tục sống và sáng tác tại đây cho đến cuối đời.
Cuốn Châu Phi nghìn trùng được in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Danh tiếng nhanh chóng lan tới quê nhà nên bà đã dịch cuốn sách sang tiếng Đan mạch.
Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.
***
Tôi có một đồn điền tại châu Phi, dưới chân rặng Ngong*. Miền cao nguyên này, cách một trăm dặm về hướng bắc, có đường Xích Đạo chạy qua, và đồn điền nằm trên mực nước biển hơn sáu ngàn bộ*. Ban ngày bạn thấy như đang ở trên cao, giữa không trung, gần phía mặt trời, còn sáng sớm hay buổi tối khí trời lại trong trẻo và dễ chịu, ban đêm thì lạnh.
Vị trí địa lí và độ cao nơi đây đã phối tạo nên thứ khung cảnh có một không hai chốn trần gian. Đất đai không chỗ nào màu mỡ, cây cối chẳng đâu sum suê, nơi đây là châu Phi chưng cất qua suốt sáu ngàn bộ, tựa như phần cốt tủy cô đặc của một khối lục địa vậy. Cảnh sắc nhuộm màu khô cháy, giống của gốm. Cây cối có tán lá thưa mỏng, cấu trúc khác ở châu Âu; không có tán dạng nón hay tròn mà vươn ngang ra nhiều lớp, và điều này ngoài việc khiến mấy cây cao đơn độc nom như biểu tượng của chiến thắng hay có khí thế hào hùng hoặc lãng mạn tựa một đoàn thuyền nhiều cột buồm mà mọi cánh buồm đều cuộn cả lên, còn đem lại cho bìa rừng chốn đây một diện mạo lạ thường với hết thảy cây lá đều nhẹ rung. Trên mặt cỏ bình nguyên bát ngát, lác đác vài cây gai già trơ trụi, cong queo, còn cỏ thì thơm nồng như cỏ xạ hương hay dâu thơm; có những nơi mùi hương gắt đến nhức mũi. Tất cả các loài hoa bạn bắt gặp trên bình nguyên, hay hoa của những loại dây leo trong rừng tự nhiên, đều nhỏ xíu như hoa ở các vùng đồi thoải, chỉ ở giai đoạn bước vào mùa mưa dầm, trên bình nguyên chợt vươn lên hằng hà sa số bông loa kèn to, tỏa mùi thơm ngào ngạt. Tầm nhìn tại xứ này thoáng rộng ngút tầm mắt. Nơi đây, hết thảy những gì đập vào mắt bạn đều toát lên cái vĩ đại, sự tự do, cùng vẻ quý phái chẳng đâu bì.
Phong vị chủ đạo của miền này, và của cuộc sống bạn chốn đây, là khí trời. Nhìn lại đoạn thời gian trú tạm nơi cao nguyên châu Phi, lòng bạn thảng thốt bởi xúc cảm được sống giữa không trung. Chất chứa cái hùng vĩ, cái không trọng lượng của những đụn mây chất ngất liên tục biến đổi và trôi dạt, bầu trời tuy hiếm khi có màu khác lơ hay tím nhạt song lại mang một sinh lực xanh để tô lên non cao rừng cả ở khoảng cách gần thứ màu sắc tươi tắn, thăm thẳm. Ban trưa, không khí tựa một sinh thể, ngùn ngụt như ngọn lửa; nó lóng lánh, cuồn cuộn và lấp lóa giống dòng nước, nó phản chiếu, nhân đôi vạn vật và tạo ra các ảo tượng phi thường. Trên đây, giữa không trung, bạn hô hấp rất dễ dàng, hít vào người lòng tự tin trước cuộc sống cùng tâm trạng nhẹ nhõm. Nơi vùng cao này, buổi sáng bạn thức giấc và tự nhủ: Ta đang được sống ở đúng chỗ phải sống.
Trải dài theo hướng Bắc-Nam, rặng Ngong đội chiếc vương miện bốn đỉnh cao sang nom như bốn con sóng bất động, có màu xanh thẫm hơn, in trên nền trời. Nó vươn cao tám ngàn bộ trên mực nước biển, và cao hơn vùng phụ cận mạn Đông hai ngàn bộ; nhưng về phía Tây, mức chênh còn nhiều hơn thế, sườn cũng dốc hơn, thế núi như lao thẳng đứng xuống thung lũng Great Rift.
Gió xứ cao nguyên này luôn thổi theo hướng Bắc-Đông Bắc. Dưới mạn duyên hải châu Phi hay Ả Rập, người ta gọi nó là Gió Mùa hay Gió Đông, con ngựa kéo ưa thích của quốc vương Salomon. Lên tới đây, ta cảm giác ngọn gió ấy chỉ như sức cản không khí, khi Trái Đất lao đi trong không gian. Gió thổi thẳng vào rặng Ngong, và triền núi là vị trí lý tưởng cho một chiếc tàu lượn cất cánh và được các luồng gió đưa lên tới đỉnh. Mây, đồng hành với gió, va vào sườn núi và bám lơ lửng tại đó, hoặc bị mắc lại ở đỉnh núi rồi tan thành mưa. Song nếu dong theo những lối cao hơn và tránh thoát được rặng đá ngầm kia, mây sẽ tan biến về hướng Tây, bên trên sa mạc bỏng cháy của thung lũng Great Rift. Đã bao phen tôi rời nhà theo bước những đám rước kỳ vĩ nọ, và kinh ngạc thấy những hình khối giăng giăng ngạo nghễ ấy, ngay khi vượt qua rặng núi, liền hút bóng giữa trời biếc.
Nhìn từ đồn điền, rặng núi thay hình đổi dạng nhiều lần trong ngày, đôi khi ta thấy nó sát sạt gần, thời điểm khác lại vời vợi xa. Vào chiều muộn, khi trời trở tối, thoạt nhìn bạn như thấy có một đường viền mảnh, màu bạc, vẽ bao lấy bóng núi đen trên nền trời; và rồi, khi màn đêm buông, bốn đỉnh như bằng phẳng và mềm mại hơn, tựa như rặng sơn mạch tự giãn mình và trải rộng ra.
Từ trên rặng Ngong bạn có một tầm nhìn vô song: phương Nam là các bình nguyên mênh mông, xứ sở rộng lớn của hoang thú trải đến tận Kilimanjaro, hướng Đông và Bắc là vùng đất tựa như công viên gồm khu vực chân núi cùng những cánh rừng phía sau, và cả dải đất nhấp nhô của Khu bảo tồn Kikuyu kéo tít tắp tới Mount Kenya* cách cả trăm dặm, một bức tranh khảm các ô vuông nhỏ những nương ngô, rừng chuối, đồng cỏ, đó đây bốc lên vài tia khói xanh của xóm nhỏ người bản xứ, một nhúm mô đất chuột chũi đùn lên. Nhưng tụt sâu theo hướng Tây là quang cảnh khô cằn tựa mặt trăng của miền trũng châu Phi. Sa mạc nâu điểm xuyết vài đốm xanh những bụi cây gai, các lòng sông uốn khúc được vẽ bằng những vệt lượn xanh rì; đấy là các vạt rừng cây Mimosa cao lớn, tán rộng, gai như mũi đinh, cũng là nơi loài xương rồng sinh trưởng và chỗ cư ngụ của lũ hươu cao cổ cùng bầy tê giác.
Bản thân vùng núi này, một khi tiến nhập, bạn sẽ thấy vô cùng rộng lớn, đẹp tựa tranh và đầy huyền bí, với hình thế đa dạng từ những thung lũng trải dài, các bụi cây lúp xúp, những triền dốc xanh và các vách đá hiểm trở. Lên cao hơn, dưới một đỉnh núi, thậm chí mọc cả một vạt rừng tre. Trong núi có nhiều suối và khe nước, nơi tôi từng hạ trại kề bên.
Hồi tôi sống ở đó, trong rặng Ngong có trâu rừng, linh dương và tê giác, các cụ già bản xứ vẫn nhớ cái thuở chốn đây còn có cả voi, và tôi luôn thấy lòng trìu nặng mỗi lúc nghĩ tới việc toàn bộ vùng núi Ngong đã không được quy hoạch thành Khu bảo tồn động vật hoang dã. Chỉ một bộ phận nhỏ của nó được khoanh thành Vùng bảo tồn thú hoang, ranh giới phân định bằng cột mốc đặt trên đỉnh Nam. Một khi xứ thuộc địa phát triển phồn thịnh, và thủ đô Nairobi trở nên một thành phố lớn, rặng Ngong lẽ ra có thể trở thành một vườn bách thú vô song của nó. Song trong những năm cuối tôi sống trên đất châu Phi, cứ tới Chủ nhật là đám thị dân trẻ Nairobi nhao cả lên núi, bằng xe gắn máy, và xả đạn vào mọi thứ bắt gặp, và tôi tin lũ đại thú* sẽ rời khỏi rặng núi, xuyên qua những dải đất sỏi đá mọc đầy bụi gai rậm rạp hòng lánh về phía Nam.
Bạn có thể nhàn tản cất bước ngay trên sống núi hay tại bốn đỉnh; cỏ mọc le te như trong vườn nhà; đây đó những tảng đá xám nhô lên phá vỡ mặt cỏ xanh. chạy dọc sống núi; lên xuống bám theo nét lượn các đỉnh; tựa một vệt chữ chi mờ mờ; là lối hẹp thú đi. Một sớm, trong dịp hạ trại qua đêm trên núi; tôi leo lên đi dọc lối này và bắt gặp dấu chân cùng phân còn mới của một bầy linh dương. Những con thú to lớn hiền lành ấy hẳn đã có mặt trên sống núi buổi bình minh; nối nhau đi thành một hàng dài, và bạn chẳng thể hình dung ra nguyên do nào khác ngoài việc chúng tới chỉ để ngó xuống ngắm miền đất nằm trũng sâu hai bên sườn.
Đồn điền của tôi trồng cà phê. Vùng này hơi quá cao đối với cây cà phê; và chăm cây cho sinh trưởng quả thật vô cùng gian nan; đồn điền chẳng bao giờ giúp chúng tôi trở nên phong lưu cả. Vậy nhưng quản lí đồn điền cà phê lại là một việc đầu tắt mặt tối; không lúc nào ngơi tay và luôn có chuyện phải làm: nói chung bạn thường xuyên không đủ thời gian thực hiện mọi công việc cho đúng tiến độ.
Giữa cái hoang vu; vô phép tắc khắp miền này, một vùng đất được quy hoạch và trồng trọt quy củ nom thật thích mắt. Sau này, khi có dịp bay trên bầu trời châu Phi; và đã quen thuộc hình ảnh đồn điền từ trên không; tôi vẫn tràn trề thán phục mỗi khi ngắm mảnh đồn điền xanh thắm nằm giữa cả miền xám xịt và tôi nhận ra tâm trí con người luôn khao khát các hình thù cân đối biết nhường nào. Cả vùng Nairobi; nhất là ở mạn Bắc, đều có khung cảnh tương tự; và đây là chốn cư ngụ của những con người dốc lòng trăn trở, bàn bạc cho gieo trồng, chăm sóc hay thu hái cà phê; đêm xuống lại chong chong nung nấu các dự định cải tạo xưởng chế biến cà phê của mình.
Mời các bạn đón đọc Châu Phi Nghìn Trùng của tác giả Isak Dinesen.