Tôi có một người bạn lúc nhỏ học ở trường trung-học Tây, lớn lên sang Pháp du-học, đến khi thành-tài trở về nước, chưa hề được đọc một trang quốc-sử nào !
Gần đây, vì tình-hình thế-giới kích-thích, người bạn tôi tự-nhiên nhận thấy cái khuyết-điểm lớn trong sự học-vấn của mình, có mượn tôi mấy quyển sử nước nhà để đọc.
Được ít lâu, ảnh thực-thà thú với tôi rằng : « Người ta thường trách một số người trong bọn du-học chúng tôi là vong-bản, thực cũng chẳng ngoa. Đến nay được đọc mấy bộ sử nước nhà, tôi hối hận là bấy lâu đã trót đi vào con đường quên gốc, nhưng tôi lại tự an-ủi rằng đã biết tỉnh-ngộ, và lấy làm hãnh diện là người trong một nước đã có những trang sử rất vẻ-vang » .
Lời thú ấy của bạn tôi khiến tôi cảm-động vô-cùng, và chỉ cho tôi một bổn-phận : có lẽ chăng người trong nước còn nhiều kẻ chưa từng đọc quốc-sử như bạn tôi, hoặc cũng có người khi bé học sử nước nhà một cách cẩu-thả, đến khi lớn lên quên bẵng cả những chiến-công oanh-liệt, những cử-chỉ anh-hùng của tổ-tiên ta ? Đối với những người ấy thì một quyển sách nhỏ gom-góp những trang sử vẻ-vang của nòi giống có lẽ là một vị thuốc hay làm tan được cái nỗi bi-quan của họ, giữa lúc chiến-tranh đương đảo lộn thế-giới này chăng ?
Vậy mục-đích của người viết quyển sách này chỉ là nhắc lại giữa bạn thanh-niên những hành-vi siêu-việt của ông cha ta, để ai nấy đều có một tin-tưởng mãnh-liệt đối với tiền-đồ của đất nước. Mình có tin rằng giống nòi mình không hèn, tổ-tiên mình không kém, thì mình mới có đủ nghị-lực mà gây cho non sông một tương-lai rực-rỡ.
Biên quyển sách này, thuật-giả không có cái cao-vọng làm công-việc một sử-gia dày công nghiên-cứu, mà chỉ mong làm một nhà cổ-động kêu gọi bạn trẻ nên quay về tìm ở trang sử cũ nước nhà một lẽ sống xứng-đáng cho cuộc đời mình.
Bờ sông Hương, vụ hè năm 1943
Từ-ngọc
***
Nước ta từ khi mới lập-quốc cho đến thế-kỷ thứ ba trước tây-lịch, còn ở vào thời-kỳ hoang-đường.
Sau khi Triệu Đà đánh An-dương-vương, cướp nước Âu-lạc, sát-nhập vào quận Nam-hải, lập thành nước Nam-Việt, thì cái mầm nội-thuộc nước Tàu đã bắt đầu nhú nảy.
Song tuy Triệu Vũ-vương thần-phục Hán Văn-đế, người nước ta cũng chưa hẳn ở dưới quyền cai-trị của Hán-triều.
Đến khi cháu của Triệu Đà là Anh-Tề sang chầu Hán-đế, lấy một người vợ họ Cù ở Hàm-đan bên Hán, thì cái nạn đô-hộ mới sắp-sửa thực-hiện.
Anh-Tề về nước làm vua, lấy hiệu là Triệu Minh-vương, lập Cù-thị làm Hoàng-hậu và phong cho con thị là Hưng làm thái-tử 1, tuy đã có con trưởng với một người vợ Nam-Việt.
Năm mậu-thìn (113 trước tây lịch), Minh-vương mất, thái-tử Hưng lên nối ngôi, lấy hiệu là Triệu Ai-vương. Ai-vương tôn mẹ là Cù-hậu lên làm thái-hậu.
Nhà Hán thấy quốc-vương Nam-Việt là người lai Hán, liền sai một người tình-nhân cũ của Cù thái-hậu là An-Quốc Thiếu Quí (người ở Bá-lăng) sang dụ mẹ con Ai-vương về hàng Thiên-quốc.
Cù thái-hậu tư-thông với người tình cũ rồi khuyên Ai-vương nên đem nước Nam-Việt dâng cho Hán-đế. Người trong nước thấy thế, tức-giận vô-cùng.
Tháng 11 năm kỷ-tị (112 trước tây-lịch), thái-hậu và Ai-vương sắm-sửa hành-trang, định đem nhiều đồ quí-báu sang chầu vua nhà Hán.
Trong khi mẹ con Cù thái-hậu sửa-soạn phá nền độc-lập của Nam-Việt, thì một nhà ái-quốc sáng-suốt đứng lên hô-hào dân-chúng, kêu gọi lòng yêu nước của một dân-tộc còn ấu-trĩ. Người đó là Lữ Gia :
Lữ Gia lúc bấy giờ đã già, làm tướng đã ba triều, được người trong nước rất kính-trọng.
Ông đã hết lời khuyên vua đừng chịu nội-thuộc nhà Hán, nhưng Ai-vương không nghe. Vì thế ông cáo-bệnh, không ra mắt sứ-giả.
Nhân có người em làm đầu tướng võ, ông ngầm mưu với các đại-thần, định họp quân khởi-sự. Được tin Lữ Gia không theo mệnh-lệnh, vua nhà Hán liền sai tướng Hàn Thiên-Thu cùng với em Cù thái-hậu là Cù Lạc đem hai nghìn quân vào nước Nam-Việt. Lữ Gia bèn truyền hịch đi mọi nơi :
« Lữ Gia truyền hịch bốn phương :
Nỗi Hưng thơ-dại nỗi nường dâm-ô.
Tình riêng chim Việt, ngựa Hồ,
Chuyên vần bảo-ngọc, các đồ sạch không.
Rắp toan bán nước làm công,
Quên ơn thuở trước, không lòng mai sau » .
(Đại-Nam quốc-sử diễn-ca)
Sau khi đã tỏ được lòng mình với quốc-dân, Lữ Gia cùng em và mấy người đại-thần đem quân đến giết đôi gian-phu, dâm-phụ và ông vua bán nước, rồi tôn lên ngôi người con trưởng của Minh-vương tên là Kiến-Đức, Vệ-dương-hầu, con người vợ Nam-Việt. Nam canh-ngọ (111 trước tây-lịch), khi Lữ Gia đã lập Kiến-Đức làm vua, thì quân của Hàn Thiên-Thu cũng đã vào trong nước, đánh phá các ấp nhỏ. Lữ Gia đem quân đón đánh Thiên-Thu ở ngoài kinh đô 2 40 dặm. Thiên-Thu bị giết. Vua Vũ-đế nhà Hán được tin ấy liền sai Phục-ba tướng-quân Lộ Bác-Đức, Lâu-thuyền tướng-quân Dương-Bộc, Qua-thuyền tướng-quân Nghiêm, Hạ-lại tướng quân Giáp, Trì-nghĩa-hầu Quí cùng kéo quân đến đánh Nam-Việt. Thành Phiên-ngung bị đốt phá. Lữ Gia phò vua chạy ra bể, nhưng quân Hán đuổi theo. Trước cái sức mạnh không thể chống được, nhà ái quốc đầu tiên của sử ta đã phải hiến thân cho nước và chịu tuẫn-nạn dưới ngọn giáo của quân địch. Cái gương sáng của người đã mở đầu cho cuốn sử yêu nước, còn chói-lọi hơn hai nghìn thu và đã soi đường cho Trưng-vương, Ngô Quyền, Trần Hưng-đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Theo lời một nhà làm sử gần đây, Lữ Gia thực xứng cái tên « Véc-xanh-giê-tô-rích » 3 của nước Nam !
Mời các bạn đón đọc Những Trang Sử Vẻ Vang của tác giả Nguyễn Lân.