Vào một chiều mưa gió tơi bời ở Thủ đô, ông LÊ VĂN KHOA đến thăm tôi tại văn phòng Trung Tâm Nhân Xã. Từ trước theo dõi hoạt động của ông chớ tôi chưa được hân hạnh quen biết ông nhiều. Gặp gỡ nầy là lần thứ ba. Sau khoảng vài mươi phút hàn huyên hỏi thăm về sinh hoạt văn nghệ, ông LÊ VĂN KHOA đưa cho tôi coi bản thảo cuốn Giáo Dục Nhi Đồng của ông và có nhã ý mượn tôi viết lời tựa. Tôi ngạc nhiên. Tên tuổi ông thì ông tự giới thiệu từ lâu rồi qua những thành tích và những hoạt động của ông.
Trong Thế Giới Tự Do, tập XVII, số 4, trang 11-12 thấy viết : « Từ năm 1963 đến nay, anh đã dự tất cả tám cuộc thi nhiếp ảnh lớn nhỏ trong nước và đã từng hai lần giữ giải Danh Dự liên tiếp 1966-1967, ba huy chương vàng, hai huy chương bạc, bảy huy chương đồng và mười bằng tưởng lệ… Ngoài bộ môn nhiếp ảnh LÊ VĂN KHOA còn tham gia nhiều hoạt động khác… Hai nhạc phẩm Hùng Tiến và Đoàn Thanh Niên do anh sáng tác đã trúng giải trong cuộc thi sáng tác âm nhạc 1955 do Bộ Thông Tin tổ chức… Anh cũng là tác giả các sách giáo dục như Vệ Sinh Thường Thức, Đức Dục Thực Hành… Giáo Dục Nhi Đồng… Anh cũng là chủ bút tập Gia Đình và Giáo Dục và phụ trách phần nhi đồng trên đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam ».
Đọc qua mấy dòng trên của tạp chí Thế Giới Tự Do tất bạn thấy tôi sẽ làm một việc thừa nếu đề tựa để giới thiệu ông. Không. Tôi không có ý đó. Tôi biết ông LÊ VĂN KHOA vì cảm tình nên trước khi cho tái bản cuốn Giáo Dục Nhi Đồng cho tôi cái danh dự đọc trước bản thảo được sửa chữa cẩn thận của ông. Trong đời cầm bút, được một vài bạn nghĩ đến mình như vậy là ngàn vàng rồi hả bạn ? Biết được hảo ý của ông thế là tôi bỏ ra một buổi đọc hết 155 trang đánh máy.
Sách ông viết công phu. Phần lý luận phân tích tâm lý được yểm trợ bằng phần kinh nghiệm phong phú và nhiều gương danh nhân làm cho cả hai phần cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối.
Nhìn toàn diện cuốn Giáo Dục Nhi Đồng, bằng con mắt tổng hợp, người ta thấy ông LÊ VĂN KHOA dung hòa khéo léo hai phương pháp giáo dục mà những nhà giáo dục gọi là nhu dục và cương dục.
Nhu dục dựa trên thông cảm tâm lý. Cương dục dựa trên uy quyền kỷ luật. Nhờ nhu dục tâm lý trẻ con tự do cởi mở, rộng rãi phát triển. Nhờ cương dục con trẻ trưởng thành trong kỷ luật và các tình dục xấu, các quái tật bị kiềm hãm, bài trừ.
Giữa rừng sách hiện nay thứ thì lạc hướng, thứ thì đầu độc, thứ lại lòe loẹt biểu diễn, thứ khác mất gốc, vọng ngoại, cuốn Giáo Dục Nhi Đồng là một tối thiểu cố gắng xây dựng. Dung lượng nó không bề bộn mà nó là một tác phẩm có sức nặng về phẩm. Nó đáng được chỗ danh dự trong những tủ sách gia đình. Nó sẽ thay thế phụ huynh chuẩn bị cho thế hệ ngày mai những mầm non, những cuộc đời đang lên sống có lý tưởng, làm việc có phương pháp và dám dấn thân cho đại cuộc.
Vì những đặc điểm đó tác phẩm của ông LÊ VĂN KHOA quả thực là một tác phẩm không chỉ đọc một lần mà là sách gối đầu giường cho những ai có sứ mệnh rèn người cho ngày càng người thêm.
HOÀNG XUÂN VIỆT
Trung Tâm Nhân Xã
2, Nguyễn văn Thinh, Saigon
***
Thượng Đế ngưng mọi công việc sáng tạo sau khi tạo dựng xong người nam và người nữ đầu tiên theo hình thể Ngài. Với lòng yêu thương vô lường. Ngài ban cho con người quyền năng sáng tạo, để chính họ sẽ tạo nên những sinh vật theo hình thể họ. Rồi họ phải giáo hóa những sinh vật do mình « tạo nên » để chúng cũng theo đường lối họ đã đi, tức đường lối mà chính Thượng Đế đã đích thân chỉ điểm họ thuở ban đầu.
Do sự khôn ngoan tuyệt vời mà Đấng Tạo Hóa sắp đặt cho đứa bé ra đời trong vòng tay vững chắc của người cha và lòng yêu thương bao la của người mẹ. Đứa bé hiện diện trong gia đình như một nguồn vui thỏa, một sứ giả của bình an và tình yêu, là móc nối của thiên đàng và nhân thế, là chốn ngơi nghỉ của thể xác, là niềm an ủi của tâm hồn bối rối. Nhưng đó chỉ là một sinh vật nhỏ bé, vô dụng, hoàn toàn lệ thuộc vào sự nuôi dưỡng của cha mẹ để sống từng phút một ; còn tương lai cốt cách của nó cũng đều phó thác vào sự khuôn đúc của song thân. Vì vậy nếu sự nuôi dưỡng không khéo, dạy dỗ không thông suốt, cha mẹ tạo nên tai hại lớn chẳng những riêng cho đứa bé, mà cho cả gia đình và xã hội nữa.
Sự giáo dục là điều cốt yếu của con người trong bất cứ thời đại nào. Con người khi vừa ra khỏi bàn tay của Đấng Tạo Hóa là một sinh vật hoàn toàn thánh khiết trong cả mặt thể, trí, đức, tâm. Dẫu thế Ngài vẫn đặt họ vào học đường. Đó là một học đường thiên nhiên, tức vườn Phước Hựu, và chính Ngài, Đấng tạo nên họ, làm giáo sư để chỉ dạy họ từng điểm một. Ngày nay gia đình là học đường đầu tiên của con trẻ, và cha mẹ lại thay mặt cho Đấng Tạo Hóa để chỉ dạy, hướng dẫn con cái mình.
Những bài học đầu tiên ở trong gia đình tuy âm thầm nhưng lại có năng lực quyết định mãnh liệt, và sẽ làm hướng dẫn viên chân chính trong cuộc đời đứa bé. Bà Ellen G. White ghi nơi trang 21, quyển sách Child Guidance như vầy :
« Một trách nhiệm vô cùng quan trọng đã được phó thác cho cha mẹ, là phải dạy dỗ con cái họ thế nào để khi ra đời chúng sẽ làm lợi chớ không làm hại những kẻ chúng giao tiếp ».
Ngày ấy có biết bao nhiêu cơ quan, bác sĩ, nhà giáo dục sẵn sàng giúp đỡ các bậc làm cha mẹ những ý kiến và phương pháp tân kỳ để nuôi dưỡng và giáo hóa con trẻ nên người hữu ích trong xã hội xô bồ hiện đại. Tuy nhiên chính cha mẹ chịu trách nhiệm trong việc giáo hóa con cái mình, vì cha mẹ là người gần gũi chúng nhứt trong những năm đầu tiên của đứa bé, là thời kỳ chúng sẵn sàng đón nhận mọi lời chỉ dạy dầu phải hay quấy, dầu có lợi hoặc có hại cho cuộc đời chúng sau nầy.
Cha mẹ phải giáo huấn con trẻ ở mặt thể xác cũng như trí tuệ, ở sự khéo léo và tháo vát của tay chân ; đào luyện cả tính nết, nếp sống tình cảm, ý hướng của tâm hồn để bảo tồn sự trong trắng nguyên thủy như ý định của Đấng Tạo Hóa từ buổi ban đầu.
Bản năng làm cha mẹ tiềm ẩn trong buổi thiếu thời của người nam và người nữ vùng dậy mãnh liệt theo sự xuất hiện của sinh vật nhỏ bé vốn là khí huyết của hai người, đồng thời một tình yêu mới tràn ngập trong lòng họ khiến họ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để dưỡng dục đứa bé. Nhưng tình yêu bao la kia nếu cứ tuôn chảy mà thiếu hướng dẫn, không hạn chế, kém suy xét, không phải lúc nào cũng có lợi cho đứa bé.
Bà Elise Sommer trong quyển Autour du Berceau, có nói : « Yêu thái quá bao giờ cũng có hại cho kẻ được yêu và cả những người lân cận kẻ ấy nữa ». Tình yêu của cha mẹ đối với con cái tuy không thể sánh bằng nhưng cũng có thể dùng đó để hiểu tình yêu của Đấng Tạo Hóa đối với nhân loại. Ngài hy sinh mọi sự. Ngài khuyên mời, chỉ dạy, răn phạt và luôn luôn kiên nhẫn trong việc uốn nắn cho con người có được bản tánh như Ngài vốn có. Tuy Đấng Tạo Hóa giàu lòng bác-ái, nhưng Ngài cũng là Đấng công bình tuyệt đối. Bởi vậy trong việc dạy trẻ thơ, ngoài tình yêu, cha mẹ còn cần phải thật công bình trong việc thưởng phạt để duy trì tôn ti trật tự trong gia đình và làm gương mẫu cho trẻ noi theo.
Chúng ta đều biết sự thiên vị dễ gây nên bất mãn, từ bất mãn đưa qua bất phục, bất kính, chừng đó vòng thân ái gia đình đã bị rạn nứt, nghĩa tương trợ không còn nồng nàn, và một mối thâm thù ngấm ngầm manh nha trong lòng con cái. Trẻ con không còn thấy không khí gia đình là nơi lý tưởng để chúng tìm về. Đứa trẻ bị đối xử bất công âm thầm sống trong cô đơn.
Phần lớn cha mẹ đối xử với con cái tùy theo lượng thương yêu của họ đối với chúng, và ngược lại đứa trẻ nào làm cho họ vui thích hơn, sẽ được ưu đãi đặc biệt. Có gia đình thích con gái hơn, gia đình khác thì ngược lại. Có người quá nuông chiều đứa con nhỏ nhứt và không ngó ngàng tới những đứa con khác lớn hơn. Trai hay gái, lớn hay nhỏ đều hoàn toàn không phải do ý muốn và sự lựa chọn của đứa bé khi nó ra đời. Ngay cả cha mẹ cũng không kiểm soát được khi tạo ra nó thì làm sao trách nó không ra đời đúng theo sở thích của mình.
Có người nêu câu hỏi : Chúng ta có yêu thương mấy đứa con bằng nhau không ? Trong một ý nghĩa nào đó thì người ta có thể đáp rằng có, nhưng xét cho cùng thì đó là việc vượt quá phạm vi khả năng của con người. Nếu cần, cha mẹ có thể hy sinh đến mức vô lý cho tất cả các đứa con của mình, để chúng được thành đạt. Tình yêu vẫn tuôn tràn qua con cái dầu con mình đã lớn, đã có gia đình riêng, cũng chưa thoát khỏi vòng bảo bọc chăm sóc của cha mẹ. Ít có cha mẹ nào không một chút tình thương đối với con mình.
Nhưng xét nghĩa yêu thương qua sự vui thích, tán thưởng, đề cao phẩm chất nào đó của con cái mình, thì không thể nào có sự ngang nhau giữa hai hay nhiều đứa con được. Có những bà mẹ ưu đãi một đứa con nào đó hơn đứa khác vì nó gần gũi với bà nhiều hơn, luôn luôn quấn quít cạnh bà, hay nó gợi lại hình ảnh thân yêu nào đó của một người thân khuất bóng. Đối với những đứa bé như vậy, dầu nó có phạm lỗi lầm nào cũng được tha thứ dễ dàng. Như vậy là có sự bất công trong việc đối xử với con cái rồi. Đứa trẻ tuy không nói ra, nhưng nó nhìn thấy rõ lắm sự bất công ấy. Đứa được ưu đãi thì càng thêm nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ thứ. Riêng đứa không được may mắn kia lại âm-thầm đau khổ.
Trẻ con đứa nào cũng muốn được thương yêu hơn hết. Người lớn chúng ta cũng vậy, cho nên đừng vội trách trẻ con. Nếu ông chủ sở khen ta làm việc giỏi hơn hết, chắc chắn ta rất sung sướng và hãnh diện ngầm. Nếu một người bạn khen ta ăn ở cũng giống y như một người bạn khác, hẳn ta thấy lời khen nầy bớt giá trị và ngấm ngầm nuôi lòng tỵ hiềm đối với người bạn kia, chờ cơ hội để được nổi bật hơn nếu không cố ý làm hạ phẩm giá của người kia xuống.
Ta phải chấp nhận có sự khác nhau giữa tánh nết của con cái trong gia đình, và coi đó như những màu sắc khác nhau phải được hòa trộn lại để tô điểm cho đời thêm tươi thắm và cuộc sống tràn đầy hương vị nồng nàn.
Người cha tuy lòng chan hòa tình yêu đối với con cái, nhưng người cha không phải là người mẹ thứ hai. Từ ngàn xưa, người cha vẫn được coi như người có đầy đủ quyền uy, là người mà cả nhà phải kính nể, thán phục. Người cha là tượng trưng cho sức mạnh. Lời cha phân xử là công lý. Trẻ con nhận thấy rõ điểm ấy. Chúng biết ai là người chúng không thể, hoặc không dám « qua mặt ». Trẻ con thường thán phục quyền uy và tài năng của cha chúng. Chúng nhắc đến cha trước mặt bạn bè với vẻ suy tôn và lòng hãnh diện. Một đứa bé trai 5 tuổi một đêm nọ cầu nguyện như vầy : « Kính lạy Thượng Đế, xin Ngài tạo con nên người… như cha con, mạnh khỏe, khôn ngoan và đáng kính… ! »
Điều đáng tiếc là không phải tất cả những người cha đều được sự kính mến ngưỡng mộ của con cái mình như vậy. Không thiếu gì những trường hợp trẻ con quá sợ oai vũ, tánh khí thay đổi bất thường của người cha đến nỗi không dám lại gần, không dám tâm sự gì với cha cả, để suốt đời cảm thấy bị cô độc, bị bỏ rơi, như trường hợp của nhà văn Franz Kafka, chẳng hạn.
Chắc chắn chúng ta không ai muốn ngược đãi con cái mình, nhưng xét kỹ lại, đã bao nhiêu lần ta bày tỏ trong hành động và lời phán đoán, chỉ rõ ta không hiểu trẻ con. Ta nghĩ thế nào về nỗi lòng của bé Minh trong câu chuyện nhỏ « Chừng nào ba má mới hiểu con » mà tôi mạn phép ghi lại sau đây ?
Hồi chiều ba đưa em Hải và con ra lan can ngồi chơi. Những lúc được ngồi bên ba như chiều nay, con vui mừng vô kể. Ba ngồi giữa, một tay ôm em, một tay áp con vào ngực ba. Ba đâu biết được lúc đó con muốn khóc lên vì sung sướng. Ba có nhớ không ? Con úp mặt vào ngực ba thật lâu để chùi nước mắt chảy ra. Được gần ba, con cảm thấy sung sướng biết bao nhiêu, nhưng nào được hưởng phút ấy thường !
Rồi ba bận việc gì đó nên bỏ vô nhà, để em và con ngồi lại. Một lúc sau, có con sâu rọm đen thui, lông lá xù xì bò lần lại chỗ em và con ngồi. Em chỉ cho con thấy con sâu, mặt lộ vẻ sợ hãi. Con cũng sợ. Con nhảy xuống đất, em Hải còn nhỏ quá, không dám nhảy theo. Em vội đứng lên lan can, kêu lớn : « Ba ơi ! » Nhưng không thấy ba ở đâu cả.
Con vật đen đúa ghê gớm kia cứ bò lại càng lúc càng gần em con hơn. Em càng sợ, càng kêu thét nhiều mà chẳng thấy ba ra. Con thương em quá. Con biểu em ngồi xuống rồi thòng chơn ra để con ẵm em đi chỗ khác. Phải chi con cao hơn một chút nữa thì con ẵm em con được rồi.
Em Hải phần sợ con sâu, phần sợ té nên không dám ngồi. Con nắm hay chơn em kéo nhẹ để em trợt ngồi bẹp trên lan can thì con sẽ ẵm em đi dễ hơn. Em níu lại. Con kéo mạnh thêm. Không hiểu tại sao em con lại té luôn xuống. Em Hải khóc thét lên, lăn trên thềm gạch. Con hoảng hốt khòm xuống nắm tay em kéo dậy.
Lúc đó ba ở trong nhà chạy ra, thấy vậy chẳng hỏi chẳng rằng, ôm con đánh liên hồi. Con càng khóc, ba càng đánh nhiều hơn. Ba lại la lớn tiếng rằng : « Mầy là đồ hung ác… Tao biết mầy muốn hại em mầy lắm… Đồ thú chớ không phải con người… ! » Ba ơi, lời mắng nhiếc của ba mới làm cho con đau lòng hơn những cái tát tai, những cái đập của ba. Ba có đánh con mấy cũng không sao. Mấy đứa nhỏ hàng xóm có chế giễu mấy cũng mặc. Nhưng con van ba đừng mắng nhiếc con như thế ! Con đâu có ghét em. Con đâu muốn hại em như ba nói.
Khi ba đỡ em dậy, thấy có máu dính sau ót em, ba vội ẵm vô nhà. Con sợ quá, chạy theo. Con hối hận lắm. Vì muốn giúp đỡ em nên bây giờ em con mới bị đau.
Vừa vô khỏi cửa, má ở dưới bếp đi lên. Thấy em Hải như vậy, sẵn chiếc đũa bếp ở trong tay, má giơ cao lên, mắt nhìn con tức giận. Vừa thấy má giơ tay lên, con biết trước việc gì sẽ xảy ra rồi. Con sợ quá, khóc thét lên nhưng không dám chạy trốn khi chiếc đũa bếp nện xuống đầu con. Má vừa đánh vừa nhiếc : « Tao biết mầy từ lâu rồi mà. Đồ súc sanh ! »
Con khóc to lắm, không phải vì bị đòn đau, nhưng là muốn bày tỏ nỗi oan ức của con. Má la thêm : « Còn khóc nữa, hả Minh ? Có im đi không ? Bộ oan cho mầy lắm sao mà khóc dữ vậy ? Thật là đồ khốn kiếp ! » Má ơi. Thật oan cho con đó ! Nhưng làm sao cho má hiểu được. Ước gì con chết liền cho ba má vui lòng, con cũng chịu.
Ba má vội thay quần áo, đón xe đưa em đi nhà thương. Con đã sợ bây giờ lại càng sợ thêm. Mà giận nữa. Con chui xuống gầm bàn mà trốn, không muốn thấy ai hết. Khi đi ra, ba dặn với lại : « Ở nhà đó coi nhà. Đợi tao về rồi biết ! »
Ba má đi khỏi hết rồi, con ở nhà càng khóc to hơn nữa. Mồ hôi ra ướt hết mình mẩy, con không cần lau chùi bớt đi. Con muốn khóc cho sụp bể nhà hết để bày tỏ nỗi oan ức của con. Chắc ba tưởng một đứa bé lên sáu, bảy tuổi đầu như con không hiểu biết gì hết ? Chính vì muốn giúp ba, con mới tìm cách đỡ em xuống. Chính vì ba không chịu lại bên em khi em kêu la vì đã quá sợ, nên mới ra nông nỗi nầy. Nhưng ai hiểu con bây giờ ? Ai hiểu con ? Ai hiểu ?
Sau đó, thím Ba ở nhà bên cạnh mới qua tìm con. Chắc tại thím nghe con khóc hoài, không nín. Thím ôm con vào lòng, vuốt tóc và lau nước mắt cho con. Ôi ! Êm dịu biết chừng nào ! Con nói to lên trong tiếng nấc với thím là con muốn giúp ba nhưng ba không hiểu. Thím dắt con ra hàng ba, bắt con kể lại đầu đuôi câu chuyện. Con cố kể lại qua tiếng khóc. Xong, thím vuốt dịu con, nói : « A, thì ra vậy đó à ? Thôi cháu nín đi ». Chừng đó con mới nín được vì có người đã hiểu con dầu người ấy không phải là ba má. Thím Ba ở lại chơi với con cho tới khi ba má về.
Nhìn thấy em con nằm thiêm thiếp trên hai tay của ba và đầu băng trắng toát, khi ba má ở nhà thương về, con sợ quá. Đến khi nghe má nói với thím Ba là bác sĩ cho biết không sao, vì bị thương nhẹ, chỉ cần may vết đứt lại thôi, con vui mừng biết bao nhiêu. Con sợ em con phải nằm nhà thương lâu ngày.
Con tự cảm thấy như là đứa con tội lỗi nên không dám nhìn thẳng vào mặt ba má, không dám mở miệng hỏi thăm em con, mặc dầu con không có tội chi hết. Giúp ba, giúp em là tội sao ?
Đặt em nằm xuống xong, ba chỉ vào mặt con, nói : « Mầy mà còn làm hại em nữa, tao giết mầy chết ! » Con đã rưng rưng nước mắt từ khi ba má về, bây giờ nghe ba nói vậy, con vụt khóc òa lên trong uất ức. Má đứng gần bên, tiện tay cú mạnh vào đầu con mấy cái và đuổi : « Mầy còn khóc nữa hả ? Đi đâu đi cho khuất mắt tao đi ! Ở đó mà khóc thì chết với tao. Nghe chưa ? Đồ khốn kiếp ! »
Bây giờ con chỉ biết khóc ngoài hè, trong bóng tối đen. Ba má ơi ! Con yêu ba má lắm ! Nhưng chừng nào ba má mới hiểu con ? !
Đó chỉ là một trong hằng ngàn sự việc tương tự xảy ra hằng ngày quanh ta. Có thể ngay trong gia đình ta.
Có những người chống lại việc đánh đập con vô lý như thế. Ý định của họ rất tốt, nhưng rủi thay, họ tại tạo một cực đoan không kém nguy hại. Họ sống với con cái trong tư cách đứa trẻ thơ chớ không phải là một người cha.
Có một phiên tòa ở Hoa kỳ đáng cho ta suy ngẫm : Một người cha đứng giữa tòa, mặt ngơ ngác, nói :
- Tôi thật không hiểu gì cả. Tôi có làm gì bậy đâu ? Tôi chỉ cố trở thành trẻ thơ để làm một người bạn với con tôi mà thôi.
Ông tòa trả lời :
- Phải lắm. Ông có thể làm một người bạn với con ông. Nhưng ông có thử làm một người cha của nó hay không ? Nó cũng cần một người cha như cần bạn vậy !
Trong mọi sự ở đời, việc đào luyện một người phải được coi là quan trọng hơn hết. Daniel Webster đã từng nói :
« Nếu ta khắc vào cẩm thạch, nó sẽ tan biến đi. Nếu ta khắc vào bản đồng, thời gian sẽ xóa nhòa. Nếu ta cất nhà thờ, nó sẽ thành tro bụi. Nhưng nếu chạm vào hồn người, ghi khắc vào đó những nguyên tắc căn bản : Kính sợ Đức Chúa Trời và yêu thương đồng loại, tức là ta đã chạm trổ vào tấm bản sẽ rạng chiếu đời đời ».
Việc nầy khởi đầu từ gia đình, quanh bàn ăn, trong trò chơi, những buổi du ngoạn, trong giờ lễ bái, ngay bên giường ngủ… Ta không thể hoàn toàn trông cậy vào học đường để dạy bảo con em ta, mà phải tự mình đích thân dự vào sự uốn-nắn đứa bé, vì học đường chỉ nhấn mạnh hoặc tái xác những nguyên tắc đã áp dụng tại gia đình.
Tuy không cố ý phá vỡ cái vòng thiêng liêng của gia đình, nhưng ngày nay nhiều khi người ta không còn coi trọng chức vụ làm cha mẹ trong gia đình nữa. Một số sách, báo, kịch vui, tuồng hát, v.v… đã đem chức vụ cha mẹ để làm ra mục tiêu chế giễu. Vô tình họ đã làm mất lần ảnh hưởng của cha mẹ trong gia đình, và nhiều khi con cái lại thành công trong việc đứng lên tước đoạt quyền hạn của cha mẹ. Vì vậy những bậc làm cha mẹ cần phải luôn luôn cảnh giác, không phải để bảo vệ quyền thế của cha mẹ ở trong nhà, nhưng để tạo ảnh hưởng trung trực, can đảm, kỷ luật và mọi đức tính cao quí khác cho con cái mình. Có thể chúng ta không để ý, nhưng chính trong gia đình mà con trẻ nếm trước không khí của thiên đàng hay địa ngục vậy.
Mời các bạn đón đọc Giáo Dục Nhi Đồng của tác giả Lê Văn Khoa.