Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Những Câu Chuyện Về Khu Phố Nhỏ Ven Sông

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” (Povídky malostranské) từ lâu đã trở thành một bộ phận của truyền thuyết về Praha, trở thành một phần quen thuộc trong chương trình của điểm đến du lịch hấp dẫn. Các nhân vật và tích truyện của Neruda được đặt vào các địa điểm trên bản đồ thành phố. Có thể nói, hầu như trong tâm hồn người Séc nào cũng vang tiếng vọng của Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông cả qua tên gọi của một bến tàu điện ngầm. Đó là bến tàu điện ngầm mang tên Malostranská, được đặt bên dưới một trong những dinh thự kiểu Baroque trên địa phận khu phố Malá Strana.

“Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông” không chỉ gợi lại cái nhớ nhung man mác về một thế giới xa xưa và tốt đẹp đã qua, mà còn gợi lên một cuộc sống đầy nghịch lý thô bạo, còn nói về cái tàn nhẫn nhật thường, về sự ích kỉ và đồng thời cả về lòng cảm thông của con người. Các truyện có khi không có tích truyện rõ ràng, chúng nhấp nháy như từng hình ảnh nối tiếp nhau của cuốn phim về cuộc đời. Con mắt nhà báo của Neruda nhìn thấy hết từng chi tiết nhỏ và để ý đến những hành động cư xử bình thường mà - dưới góc độ không muốn lý tưởng hóa, cũng không đánh giá - có thể biểu hiện như những hành động cư xử thô bạo, lạ lùng và kì dị. Nhà văn và nhà báo Neruda không hề có ảo tưởng về mọi người, nhưng đã bị quyến rũ bởi những gì có thể xảy ra trong quan hệ của họ, bởi những điều không ngờ tới trong cư xử của họ. Neruda không đánh giá và cũng không giải thích - ông chỉ ghi chép lại, và có thể vì thế mà ông vẫn luôn luôn là người của hiện tại, đồng thời sáng tác của ông không chỉ gắn liền với Praha. Độc giả nào cũng có lần biết cái lạ lùng của cuộc sống bình thường. Những câu chuyện kì dị của hàng xóm láng giềng thường là bộ phận của cuộc sống chung giữa các thành viên của các cộng đồng, bất kể những cộng đồng ấy sống tại trung tâm châu Âu, hay một nơi nào đó ở châu Á.

"Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông" mang trong mình con mắt nhìn hai chiều về sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau, về sự nhẫn tâm và lòng thương cảm, cái thờ ơ và sự sẻ chia, hồi ức ngây thơ của đứa trẻ và con mắt tinh tường của nhà báo. Đó là nhà báo muốn nhìn thấy những người dân chất phác, nghèo khó, không địa vị của thành phố mình, muốn viết về những cái bình thường có thật của cuộc sống, kể cả khi những cái đó không phải là điều dễ chịu. Khuynh hướng hiện thực và sự thiếu thốn về chủ nghĩa lý tưởng trong sáng tác làm giới phê bình thời đó phần nào có chỉ trích Neruda. Khi xuất bản "Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông" (1878), ông đã muốn phản ứng lại sự phê bình đó và tự bình luận tác phẩm của mình một cách hài hước trong tiểu phẩm đăng ở nhật báo Dân tộc như sau: “Neruda chỉ viết về tầng lớp dưới, về tầng lớp xã hội, nơi mà tình cảm không bao giờ được thể hiện nhẹ nhàng và sự thật vẫn còn có giá trị hơn cái dối trá, cho dù nó có khôn khéo đến đâu… Các ý tưởng trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông gập ghềnh nhấp nhô như con đường lát đá ở Constantinople, tản mạn phân tán như con chó con nhắng nhít, gai góc hung dữ như kẻ đi thu thuế…” Cái hương vị ngọt đắng trong mô tả hiện thực về con người ở Malá Strana cũng được thể hiện trong cách sử dụng ngôn ngữ.

Trong văn học truyền thống Séc, Neruda được coi là người đưa thứ tiếng Séc “không tắm rửa, không chải chuốt, từ đường phố” vào ngôn ngữ văn học, theo lời của F.X. Šalda, một trong những nhà lý luận và phê bình nổi tiếng nhất của văn học Séc hiện đại. Nhờ Neruda mà tiếng Séc phổ thông được đưa vào văn học. Nhưng ngôn ngữ trong Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông không chỉ là tiếng Séc dân gian, mà ngược lại. Theo một chuyên gia về sáng tác của Neruda, thì Neruda cũng là người triệt để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Séc. Ông là người cố gắng tạo ra một phong cách viết đặc biệt nhằm đưa tiếng Séc tách xa tiếng Đức hơn, bởi trong thế kỉ 19, ngay cả ở Séc, tiếng Đức là ngôn ngữ chiếm ưu thế về mặt văn hóa và có truyền thống văn học phong phú hơn, mạnh hơn nhiều. Mục đích là để giới thiệu tiếng Séc như một ngôn ngữ có nhiều mức độ, phong phú về khả năng diễn đạt, là ngôn ngữ sinh động sâu sắc, giàu tính biểu cảm, gợi cảm tinh tế, đồng thời là ngôn ngữ đầy nghịch lý. Ở đây, ngôn ngữ không chỉ là phương tiện chuyển tải tích truyện, mà chính bản thân ngôn ngữ là tích truyện của Malá Strana. Vì những điều đó mà Neruda là tác giả của ngày nay, vì những điều đó mà Neruda luôn mang đến cho người đọc nhiều niềm vui và hứng thú, nhưng đồng thời cũng làm cho người dịch sách trăn trở đắn đo bội phần khi chuyển ngữ.

Neruda không chỉ là nhà văn, ông còn là nhà thơ quan trọng nhất của thời đại mình. Nền thơ ca Séc không thể đi đến đỉnh cao ở thế kỉ thứ 20, nếu không có những cách tân trong thơ ca của ông. Nền báo chí Séc không thể có phong cách viết riêng trong thể loại tiểu phẩm sắc bén và hóm hỉnh về cuộc sống bình thường, về văn hóa và chính trị, nếu không có phong cách viết báo của ông. Neruda cũng là một trong những người tiêu biểu nhất trong cuộc chiến vì bản sắc dân tộc của văn hóa Séc và vì độc lập về văn hóa trong phạm vi nhà nước quân chủ Áo - Hung đa dân tộc đa ngôn ngữ ngày đó. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông vì vậy có thể là cuốn sách hướng dẫn tham quan Praha, là cánh cửa mở dẫn đến nền văn hóa Séc, nói cách khác là dẫn đến cả khu vực. Đến khu vực có một quá khứ vừa tàn bạo vừa lạc quan đầy kịch tính. Đến khu vực có cái vẻ vang trong quá khứ và cái vinh quang mới trong hiện tại, một khu vực bao giờ cũng đẹp, nơi có những con người có tính nết cư xử hoặc cộc cằn, hoặc thân thiện, giống như ở mọi nơi khác trên thế giới.

***

"Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông" của Neruda, được coi là cánh cửa dẫn đến nền văn hóa Czech tập hợp những mẩu chuyện được viết trong khoảng những năm 1860 và 1870.

Trong khuôn khổ Ngày hội sách châu Âu tại Việt Nam, sự kiện “Một cuộc đối thoại giữa hai dân tộc” được tổ chức ở cà phê sách Tổ chim xanh diễn ra vào chủ nhật ngày 12/5/2019.

Dịch giả chuyển ngữ Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông Bình Slavická có nhận xét: “Nền thơ ca Czech không thể được như ngày hôm nay nếu như không có cách tân của Jan Neruda, nền báo chí Czech cũng không thể có phong cách riêng trong thể loại tiểu phẩm sắc bén và hóm hỉnh về cuộc sống bình thường nếu như không có phong cách viết báo của ông".

Thế mà trước khi Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông được xuất bản, độc giả Việt hầu như không biết đến Jan Neruda, thiểu số chỉ biết đến ông qua một vài bài thơ do dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng chuyển ngữ.

Jan Neruda là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật người Czech; một trong những đại diện nổi bật nhất của Chủ nghĩa hiện thực Czech và là thành viên của “Trường phái Tháng Năm”.

Nhắc đến văn học Czech, độc giả Việt Nam thường nhớ đến những tên tuổi lớn như Franz Kafka - một tượng đài văn chương được ưu ái bởi cả giới học thuật và đại chúng, Milan Kundera với tiểu thuyết trứ danh Đời nhẹ khôn kham. Ít ai biết rằng Jan Neruda cũng là một nhân vật có tầm quan trọng bậc nhất trong đời sống văn hóa của Praha nói riêng và Cộng hòa Czech nói chung.

Đặc biệt cuốn sách Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông (NXB Văn học phát hành lần đầu tiên tại Việt Nam) được xếp vào hàng kinh điển của văn học Trung Âu, đã đưa Neruda trở thành một nhà hiện thực chủ nghĩa tiêu biểu nhất của Cộng hòa Czech thế kỉ XIX, một Charles Dickens của Praha. Cuốn sách này có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nhà văn Czech, trong đó có tiểu thuyết gia đạt giải Franz Kafka Ivan Klima. Nhà thơ Pablo Neruda của Chile đạt giải Nobel Văn học năm 1971 cũng lấy bút danh theo tên của Jan Neruda.

Neruda là một con người hướng nội, sống trong cô đơn và chưa từng kết hôn. Ông bắt đầu cầm bút với tư cách là nhà thơ nhưng thành danh với tư cách nhà báo. Ông được coi là người định hình nền báo chí hiện đại Czech, viết trên 2000 tiểu luận trong cuộc đời làm báo của mình. Không chỉ là nhà báo, Neruda còn là một nhà văn, nhà thơ quan trọng nhất của thời đại mình.

Những câu chuyện về khu phố nhỏ ven sông, vốn được coi là cánh cửa dẫn đến nền văn hóa Czech, là tập hợp những mẩu chuyện được viết trong khoảng những năm 1860 và 1870, thể hiện phong cách viết giao thoa giữa báo chí và văn học rất đặc trưng của nhà văn. Khu phố nhỏ ven sông Malá Strana cũng có ý nghĩa văn hóa như 36 phố phường Hà Nội, đã được mô tả tinh tế, cụ thể, sống động qua lăng kính của một nhà báo đồng thời là nhà văn, hiện lên tất cả với những thói hư tật xấu của thị dân Praha, đồng thời cũng xuất hiện hình ảnh của tình yêu và sự cảm thông giữa người với người.

Diễn giả khách mời Quyên Nguyễn trong sự kiện cũng chỉ ra một điểm khá bất ngờ: những gì Neruda mô tả có nhiều tương đồng với Praha qua ngòi bút của Franz Kafka - một cuộc sống thị dân có phần ngột ngạt, không gian sống cá nhân dường như biến mất, tất cả như phơi bày, lột trần dưới con mắt phán xét của cộng đồng.

Những lát cắt cuộc sống lần lượt được thể hiện qua cuốn sách, không bao gồm giải thích và đánh giá từ tác giả, ông chỉ thuần túy ghi chép chân thực hiện tại, theo cách gần như là ngẫu nhiên, không trình tự, logic nào. Dịch giả Bình Slavická cũng nói thêm: chính vì chủ đề “thường nhật” và lối viết tự do như vậy, ông bị giới phê bình hoài nghi về văn tài, coi văn chương của ông như văn chương gắn liền với thành phố, cụ thể là thành phố Praha.

Nhưng chính bằng việc đi sâu vào những tiểu tiết cụ thể, ông thực sự đã tái hiện thành công đời sống xã hội Praha, đưa văn chương Czech đến với chủ nghĩa hiện thực lúc bây giờ phổ biến ở châu Âu.

Nói về duyên dịch Neruda, dịch giả Bình Slavická thành thật: “Tôi cảm thấy thôi thúc muốn dịch cuốn này bởi vì Neruda là một tác giả thực sự lớn, không chỉ trong văn học Séc mà còn trong văn học châu Âu. Những câu chuyện về khu phố nhỏ ở ven sông thậm chí còn xuất hiện trong chương trình học phổ thông của Séc. Cá nhân tôi thấy tác phẩm hay vô cùng, được viết từ thế kỉ XIX nhưng rất hiện đại và thời sự”.

Jan Neruda là đại diện tiêu biểu trong nỗ lực đưa tiếng Czech vào văn học, trong bối cảnh ngôn ngữ độc tôn lúc bấy giờ là tiếng Đức và văn học viết bằng tiếng Czech ít nhiều bị o bế. Ông chủ đích đưa tiếng Czech từ ngoài đường phố, chưa được trau chuốt, tắm rửa vào văn học, chấm dứt quá trình Đức hóa ngôn ngữ Czech.

“Jan Neruda là sứ giả muộn màng của văn học Séc đối với người Việt”, dịch giả Bình Slavická nói. Thật đáng mừng vì cuối cùng, sứ giả đó cũng đến với chúng ta, qua tác phẩm tiêu biểu nhất của mình.

Mời các bạn đón đọc Những Câu Chuyện Về Khu Phố Nhỏ Ven Sông của tác giả Jan Neruda.