Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đóa Mạn Đà La Của Cô Dâu Xứ Lâu Lan

Thể loại: ngôn tình, tiểu thuyết

Đóa Mạn đà la của cô dâu xứ Lâu Lan

Truyện có đan xen yếu tố kinh dị, Phật giáo,hoàn hồn mượn xác,tình yêu qua vài kiếp,…

Giới thiệu về bối cảnh và các địa điểm trong câu chuyện

Bối cảnh của câu chuyện xảy ra ở vùng Đôn Hoàng và Tân Cương. Vì vậy, trước khi vào truyện, Phạm sẽ giới thiệu sơ qua về hai vùng đất này.

1. Đôn Hoàng

Là một thị xã thuộc đại cấp thị Cửu Tuyền, tỉnh Cam Túc, nằm trong một ốc đảo sa mạc. Đôn Hoàng nổi tiếng với các tượng Phật được khắc trong hang đá (trong truyện gọi là bích hoạ). Còn trong thực tế, Đôn Hoàng còn mang trong mình nhiều di sản văn hóa cổ đại rất quý giá.

Nói đến Đôn Hoàng, không thể không nhắc tới núi Minh Sa nằm ở phía Nam ngoại ô cách thành phố Đôn Hoàng khoảng 5km, rặng núi này được hình thành bởi những hạt cát vàng to bằng hạt tấm chạy dài 40 km dọc “Con đường tơ lụa”.

Giữa những cồn cát núi Minh Sa là một nguồn nước trong vắt có tên là Nguyệt Nha Tuyền dài 218 mét. Một điều rất lạ, Nguyệt Nha Tuyền bốn bề là những dải cát mênh mông mà chẳng bao giờ bị phủ lấp. Cạnh bên, một thành lầu có tên là Ngọc Môn Quan đứng sừng sững trên mỏm đồi sỏi đá (cách thành phố Đôn Hoàng chừng 90 km về phía Tây Bắc). Từ nơi đây có thể phóng tầm mắt về phía những cồn cát, lăng tẩm cổ còn sót lại cùng những thiên nhiên kì thú tiềm ẩn vẻ hoang sơ ở Đôn Hoàng. Đây cũng là một địa điểm được nói đến trong câu chuyện.

Lịch sử lâu đời đã ươm ủ nên nền văn hóa cổ rực rỡ cho Đôn Hoàng, nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ một khối lượng lớn các văn hiến ghi chép cùng hành lang tranh họa Mạc Cao dài tới 25 km.

Hang Mạc Cao là trung tâm văn hóa và nghệ thuật của xứ Đôn Hoàng, đây là cụm hang đá lớn nhất Trung Quốc. Khi khai quật hang động, vô số thợ thuộc các triều đại của các thế hệ đã điêu khắc trên vách rất nhiều tượng Phật, vẽ rất nhiều bích họa. Mặt khác, do hang Mạc Cao Đôn Hoàng nằm trên nút “con đường tơ lụa”, nên nó cũng là nơi gặp gỡ của tôn giáo, văn hóa, kiến thức giữa phương đông và phương tây. Những bức bích hoạ này và vị trí đặc biệt của hang Mạc Cao và vùng đất Đôn Hoàng trở thành cảm hứng cho tác giả viết “Đoá mạn đà la của cô dâu xứ Lâu Lan”.

2. Vùng Tân Cương

Tân Cương nghĩa là ‘biên cương mới’, tên gọi này được đặt từ thời nhà Thanh. Tân Cương chiếm khoảng một phần sáu diện tích toàn Trung Quốc và một phần tư chiều dài đường biên giới quốc gia. Tân Cương được chia thành Bồn địa Dzungarian ở phía bắc và Bồn địa Tarim ở phía nam (nơi xảy ra câu chuyện giữa hai nhân vật chính).

Vùng trung lưu vực sông Tarim thuộc nam Tân Cương, nằm trên tuyến giữa của con đường tơ lụa.

Tân Cương vào thế kỉ thứ năm bị chia ra làm hai Đông Đột Quyết và Tây Đột Quyết. Nhưng Tây Đột Quyết lại dùng quân cát cứ, đôi khi làm loạn, thậm chí còn đem quân đánh lại Trung Nguyên.

Là một bộ lạc du mục, nên sự thống trị của Tây Đột Quyết ở Tây Vực cực kì dã man. Họ cướp bóc lương thực, súc vật của các nước nhỏ, đốt phá làng mạc, thành quách, bắt bớ tù binh, nô lệ. Thương khách lai vãng trên con đường to lụa đôi khi cũng bị uy hiếp, cướp đoạt. Tây Đột Quyết còn mưu đồ lũng đoạn việc buôn bán tơ lụa của Trung Quốc với phương Tây.

Sau khi nhà Đường thống nhất Trung Nguyên, các tiểu quốc ở Tây Vực và các quốc gia Tây Á tấp nập cử sứ thần về triều yêu cầu nghiêm trị bọn Tây Đột Quyết để khôi phục con đường tơ lụa. Trong đó có Lâu Lan, Vu Quốc, Quy Tư… Thế là trước hết nhà Đường đem quân tiểu trừ lực lượng Tây Đột Quyết ở nam Thiên Sơn, vào năm 658 CN, nhà Đường đặt An tây Đô hộ phủ tại Quy Tư, xác lập vị trí vững chắc của chính quyền trung ương tại đây.

Và câu chuyện của chúng ta nói về chuyện một thái tử của Vu Quốc sang nhà Đường làm con tin trong thời điểm này.

3. Quốc gia Lâu Lan

Lâu Lan là một quốc gia cổ, tồn tại vào thế kỉ thứ II Trước Công nguyên nằm ở vùng Đông Bắc sa mạc La Bố ở vùng Tân Cương (nay thuộc Trung Quốc). Lâu Lan được biết đến với cái tên tiếng Nga là Krorayina. Lâu Lan quốc nằm trên con đường tơ lụa và lãnh thổ phần lớn bao quanh bởi sa mạc. Để khơi thông con đường tơ lụa, vào năm 108 Trước Công nguyên, nhà Hán ở Trung Quốc đã tiêu diệt quốc gia này và biết nơi đây thành một chư hầu của Đại Hán và biến vương triều Lâu Lan trở thành bù nhìn của nhà Hán. Ngày nay, di chỉ còn lại của vương quốc Lâu Lan chỉ còn là các tòa thành bị vùi lấp ở sa mạc Tân Cương.

4. Lịch sử Của “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA” Trung Quốc

- Về địa lí: Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng còn đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 7 nghìn cây số.

- Về lịch sử: Trung Quốc là nước đầu tiên tìm ra cách trồng dâu nuôi tằm, lấy kén ươm tơ, dệt lụa sớm nhất trên thế giới vào thế kỉ 3 TCN. Tơ lụa thời đó được dành riêng cho vua chúa và hàng quí tộc, sau này lụa tơ tằm được đưa đi các vùng. Con đường tơ lụa dần dần được hình thành từ đó. Thế kỉ 2 TCN, Trương Khiên nhận lệnh từ Hán Vũ Đế đi về phía Tây tìm người Nguyệt Chi nhằm kết đồng minh chống lại quân Hung Nô. Trải qua nhiều gian khổ, Trương Khiên đã tìm được người Nguyệt Chi ở nơi là miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Trên đường về ông cùng tùy tùng đã mang theo nhiều sản vật mà triều đình rất quan tâm. Nhờ đó những tuyến đường nhỏ trước đây đã được kết nối lại với nhau, nhiều tuyến mới được khai phá và an toàn hơn do được sự bảo vệ của triều đình. Tuyến đường mà Trương Khiên đã khai phá được người đời sau gọi là Con đường tơ lụa.

-Về giao lưu văn hóa: Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á kì bí, nó gắn liền với hàng ngàn câu chuyện truyền thuyết xa xưa. Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những “thương nhân lạc đà”, Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.

( Đó là một vài thông tin cơ bản trước khi chúng ta bước vào câu chuyện.

***

Nguyện lòng kiếp sau, luôn vì thê quân, tốt xấu không phân li.

Nay ta yếu nhược, không thể như trước, thỉnh gửi hai bông hoa, lấy dâng cho Phật.

(Ứng lời thái tử Thụy theo lời kinh Phật).

Phần một: Dấu chu sa Phật ấn

Dù ở trong lịch sử của thời kì mông muội - mù mờ - dã man, tàn khốc và đầy rẫy vu thuật, bói toán, tô-tem[1] cũng không thể chống đỡ nổi với quyền thế. Có những nhà sử học so sánh nó với ác ma, ngón tay thô cứng, đốt ngón tay chỉ hơi dùng sức gấp lại sẽ nứt ra một khe hở và có âm thanh truyền ra. Rất nhiều sinh mệnh vô vọng bị nó thao túng đã phải tuẫn táng cùng với nó. Sau mấy ngàn năm tăm tối, văn minh bị xé rách thành từng mảnh, nhưng văn minh đã học được cách bao dung, dệt thành một tấm lưới, lại vô tri giác thay đổi, đồng hóa dã man…

[1] Tô-tem: đồ đằng - vật tổ - vật thể tự nhiên, hay gặp nhất là động vật, được người Anh-Điêng ở Bắc Mỹ coi như biểu tượng của một bộ tộc hoặc gia đình.

Nguyệt Ấn Thần nhớ ra đoạn văn trên này khi đang ngồi trên xe lửa đến cột mốc biên giới tỉnh Cam Túc, nhìn qua cửa sổ xe, có thể thấy những hàng bạch dương hồng nhạt héo rũ phất phơ bay theo từng cơn lốc cát vàng. Chúng khiến không khí hoang vu kéo dài đến tận nền văn minh nhân loại ở ngay bên cạnh, nếu người cũng vì hoàn cảnh mà từng bước dã man như tằm ăn rỗi, vậy văn minh sẽ lấy tư thế gì để đồng hóa nó?

Cô hơi chau mày rồi mở mắt, giữa ấn đường[2] có một vết thương nho nhỏ màu đỏ sậm, phảng phất như dấu chu sa của mĩ nhân.

[2] Ấn đường: điểm giữa hai hàng lông mày.

Khi ghi danh thi vào nghiên cứu sinh, các giảng viên đều nói đùa với cô: Không nên học hội họa, lẽ ra nên vào khoa khảo cổ - diện mạo cô cực kì giống một cô gái thời cổ đại: cằm nhỏ lại nhọn, hai gò má trắng nõn và nốt chu sa giữa hai hàng lông mày. Dù ai nhìn vào cũng cho rằng cô sinh ở thời cổ đại!

Cô luôn mỉm cười thản nhiên, như một cô gái trong bức hoạ thời Tống bước ra, vạt váy nhẹ nhàng phất phơ. Tranh đời Tống chú trọng ở nét bút trau chuốt và thuân mặc[3], thoạt nhìn vết tích trên mặt giấy Tuyên Thành, trong lòng cô cũng choáng váng khi nhìn từng thước tấc gương mặt, hoặc sâu hoặc nông, vì sắc thái trên đó với gương mặt cô như một. Cho nên, bản thân Nguyệt Ấn Thần cũng nghĩ cô giống bức tranh Tống Triều, theo thời gian chậm rãi mai một, nhàn nhạt vui giận, nhàn nhạt sầu thương, phảng phất như Đức Phật phổ độ chúng sinh, khóe miệng hơi nhếch vẻ thận trọng, khiến người khác nhìn vào không thể đoán ra là hờn hay giận, là buồn hay vui.

[3] Thuân mặc: một lối vẽ của Trung Quốc, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt nam mặt bắc của núi, sau khi phác ra đường nét chung.

Những cô gái ít khi, hoặc không bộc lộ tâm tư ra ngoài như thế rất khó đàm luận chuyện tình yêu, cô nghĩ.

Trên tay cô là một chiếc vòng tay anh trai tặng, màu xanh lục đậm, được khắc thành hình bảy đoá hoa sen, chính giữa là năm bông sen, hai hoa còn lại ở hai sườn, không biết dùng loại vật liệu gì màu xanh đen kết lại, mộc mạc, cổ xưa lại xinh đẹp. Chiếc vòng này nằm ở bưu điện hơn một tháng, khi Giang Hòa lấy về giúp cô, anh nói đùa, “Anh trai em thật là kì quái, thứ đồ thế này mà cũng chuyển cho em.” Chưa ai thấy Nguyệt Ấn Thần tức giận như ngày hôm đó, cô lập tức chia tay với anh, cũng là người yêu duy nhất ở đại học. Sau này, cô cũng không thể lí giải tại sao lúc ấy cô lại nổi giận, có lẽ là mơ hồ cảm thấy Giang Hòa không nên châm chọc tấm lòng của người anh trai đang ở xa cô.

Có lẽ ở trong lòng Ấn Thần, Trục Lỗi là một vị thần linh luôn luôn khiến cho người khác phải tôn kính và ngưỡng mộ, thậm chí khi Trục Lỗi lỡ tay làm cô bị thương, cuối cùng lưu lại một vết sẹo nhỏ giữa trán, cô cũng cảm thấy anh như là một vị thần vì vất vả giải thoát cho cô mà lưu lại một dấu vết, hoà với máu, biến thành ấn kí đỏ sậm kì ảo trên cơ thể cô.

Cũng vì vậy, Giang Hòa nói cô không bình thường. Người học nghệ thuật rất không bình thường, có lẽ.

Nhớ tới Giang Hòa, cô luôn sẽ nhếch khóe miệng, cười nụ.

Anh là một người cởi mở, thích mang sự cởi mở của anh bao phủ những người xung quanh. Nếu không phải anh kiên quyết nói chiếc vòng tay Trục Lỗi tặng thành một bộ xương khô, Ấn Thần có lẽ sẽ không chia tay với anh.

Xương khô? Giang Hòa thật biết nghĩ ra cách làm khó!

Ấn Thần tinh nghịch gẩy móng tay vào giữa vòng tay, nheo mắt nhìn.

Chiếc vòng khá nặng, chủ yếu là bởi vì bảy bông sen kia. Cô không biết loại gỗ nào có thể sinh ra sức nặng lớn như vậy với một vật nhỏ như thế này.

Còn vương một loại hương khí nhàn nhạt của cây hoắc diệp[4]. Nghe anh trai nói loại hương hoắc diệp quý báu này chỉ có ở Tây Vực thời cổ đại, dùng làm cống phẩm cho hoàng đế.

[4] Hoắc diệp: một loại cây có lá rất thơm, dùng làm thuốc.

Vậy cô có thể gọi là nửa quý tộc?

Một cô bé con 7, 8 tuổi ngồi đối diện cô nhìn chằm chằm tay cô, “Oa” một tiếng khóc ré lên, bổ nhào vào lòng một thiếu phụ, rấm rứt: “Mẹ, con sợ…”

Mẹ cô bé âm thầm nén giận, liếc mắt nhìn Ấn Thần một cái, rồi mới quay sang an ủi con gái.

Ấn Thần ngơ ngác ngồi tại chỗ, vẻ mặt xấu hổ. Sao chứ, cô có làm gì dọa con bé ấy sao?

Xe lửa chậm rãi chạy vào trạm dừng Đôn Hoàng. Ấn Thần cười cười tỏ vẻ có lỗi với hai mẹ con, xách hành lí chuẩn bị xuống.p>

Hai mắt cô bé đẫm lệ nhìn nàng, hỏi mẹ: “Mẹ, đó là quỷ sao?”

Mẹ cô lau nước mắt cho cô, ôm cô vào lòng, lẩm bẩm: “Không phải, không phải, làm sao có thể?”

Ấn Thần sửng sốt, nhìn về phía vòng tay, vẫn là màu xanh đen, hoa sen như cũ, bảy đóa.

Đôn Hoàng là một thành phố cổ xưa và thần bí.

Vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, giới tăng lữ dùng bùn đất ở đây, nặn ra cánh tay Quan Âm tròn và nhẵn mịn đầu tiên, bắt đầu từ khi đó, cái tên Đôn Hoàng đã không còn gắn liền với những bánh xe lịch sử của trần gian.p>

Khi Ấn Thần đi ra sân ga, toà thành cổ bị phủ trong ánh tịch dương của bầu trời chiều hôm, hiện lên dưới ánh sáng vàng rực, bóng loáng, cát vàng ở phía sau làm tăng thêm lịch sử phong trần, khiến Đôn Hoàng thoạt nhìn như một vị mĩ nhân tuổi xế chiều, sa mỏng hư vô mịt mờ che khuất mặt nàng, những đường nét như có như không làm cho thâm tâm người khác sinh ra ý niệm muốn trộm ngó toàn cảnh.

Sự huyền bí làm con người khắc khoải.

Mời các bạn đón đọc Đóa Mạn Đà La Của Cô Dâu Xứ Lâu Lan của tác giả Đồng Hoa.