Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bà Chúa Hòn

Cuốn tiểu thuyết Bà Chúa Hòn mang màu sắc lịch sử và không khí miệt vườn
Lối dẫn dắt tự nhiên, ngôn ngữ mộc mạc đậm chất Nam Bộ
Không chỉ mang giá trị nghệ thuật, tác phẩm còn là những bài học sâu sắc về tình người

***

Buổi chiều đầu mùa mưa, cảnh vật buồn bã làm sao! Ếch nhái kêu vang bên chòi, trong bóng tối chập chờn, xa lắm qua rặng cây tràm mới thấy vài ánh đèn. Ở trên hòn là đói, khó cày cấy trồng tỉa. Bởi vậy Tư Thính đến tận vùng sình lầy mà chịu đựng muỗi mòng.

- Ngày mai cho con ra ruộng nghe ba!

Tư Thính day lại. Đứa con gái vừa lên tám tuổi bưng chén cơm đến gần. Chú vuốt tóc con, bùi ngùi thương xót. Mẹ nó mất hồi năm ngoái. Ngày nào cũng vậy, trước khi ra ruộng, chú bới sẵn chén cơm, gắp khứa cá để trong cái đĩa nhỏ. Khi thức dậy, đứa con ăn cơm một mình rồi ra ngồi ở góc sân, trông ra ruộng.

Cuốn tiểu thuyết "Bà chúa hòn" bắt đầu như thế với nhân vật cô bé tên Huôi. Số phận đã sắp đặt cho cô, khi lớn lên, sẽ trở thành bà chúa Hòn.

Hòn Chông là dãy đồi thấy, sát mé biển vịnh Xiêm La. Dân chúng sống bằng nghề chái lưới ở mé biển nhưng nguồn lợi lớn nhất vẫn là nghề trồng hồ tiêu. Ông Xìn Phóc là người Triều Châu lai Cao Miên, trở thành ông Chúa Hòn đầu tiên, sau khi ông chết, người kế vị là con trai ông, Hai Minh. Bá Vạn là người nắm giữ sổ sách thu chi cho Hai Minh. Ông này là người Triều Châu lai Việt Nam, tuổi chừng 60, lắm mưu nhiều kế, có ý định giết ông Chúa Hòn, lật con bà cả để dành tất cả tài sản về tay mình.

Mười mấy năm trôi qua, nay Huôi đã trở thành hoa khôi trong vùng, xinh đẹp tuyệt trần, vóc dáng cao ráo, nước da trắng mịn, trán cao, môi đỏ như thoa son… Bá Vạn muốn mượn sắc đẹp của Huôi để lung lạc ông Chúa Hòn…

***

Sơn Nam (1926 - 2008) là một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng với nhiều tác phẩm có giá trị.

Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, ông là người thành công ở nhiều lĩnh vực: lĩnh vực nghiên cứu, ông có nhiều biên khảo công phu, khoa học, khoảng 20 tác phẩm. Có những tác phẩm rất có giá trị cho việc tìm hiểu về vùng đất Nam Bộ, như: “Ấn tượng 300 năm, Bến Nghé xưa, Cá tính miền Nam, Danh thắng miền Nam, Đất Gia Định xưa, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa, Giới thiệu Sài Gòn xưa, Lịch sử An Giang, Lịch sự khẩn hoang miền Nam, Người Sài Gòn…

“Sơn Nam là một trong số những nhà văn từng sống ở đô thị miền Nam nhưng tác phẩm vẫn được in liền mạch sau giải phóng, điều đó không phải dễ. Trước hết, tác phẩm của Sơn Nam không thuộc dạng a dua. Sống dưới chế độ ấy mà tránh được lối viết ấy quả là rất cao tay. Có lần người viết bài này hỏi vậy, Sơn Nam cười nhẹ, cũng chẳng giỏi giang gì đâu mà tôi chủ yếu viết về phong tục, về lịch sử khai khẩn đất đai Nam Bộ, và nếu là truyện thì đi vào tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị.

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghiệp sáng tác, những trang viết của ông không đơn thuần là sự giải trí cho độc giả mà còn là những khảo cứu, khám phá về mảnh đất phương Nam. Là người Nam Bộ chính gốc nên nhà văn Sơn Nam là người am hiểu quá trình hình thành dải đất này. Những sáng tác của ông mang hơi thở của thiên nhiên, của văn hóa và con người Nam Bộ được thể hiện qua giọng văn giản dị, mộc mạc…”

***

HÀ TIÊN LÀ TỈNH XA XUÔI NHỨT của miền Nam thời xưa cũng như thời nay nếu ta lấy Huế hoặc Saigon làm tiêu chuẩn. Khác với vùng sình lầy mũi Cà Mau, Hà Tiên có khung cảnh khá ngoạn mục, trong đất liền là đồi núi trùng điệp, ngoài biển là năm bảy chu4c hải đảo lớn nhỏ, Hà Tiên còn là nơi ‘‘ba biên giới’’ :Việt Nam, Cao Miên và vượt qua eo biển là đến Thái Lan . Mỗi ngọn đồi, mỗi hải đảo đều có một ông Chúa hay bà Chúa thống trị, khi chết, các ông bà này được tôn thờ trong miếu nhỏ, giống như trường hợp mấy ông Thành Hoàng. Lẽ dĩ nhiên các ông bà đều là người phàm mắt thịt, nhờ mưu mô, nhờ tài kinh doanh mà gây được thế lực với đám dân chúng ở xung quanh. Vài ông bà Chúa nếu còn sống đến năm nay chỉ độ non trăm tuổi, bởi vậy thành tích của họ còn được nhắc nhở tỉ mỉ với bao nhiêu tánh tốt và thói xấu.

Chúng tôi xin thuật lại những giai đoạn gay cấn và thơ mộng nhứt của bà chúa hòn Me, một ngọn đồi nhỏ dính vào đất liền sát mé biển phía Bắc chợ Rạch Giá. Trước kia, bà là con gái một nông dân nghèo tên là Tư Thính, có lẽ họ Huỳnh ; Tư Thính cất căn nhà nhỏ ở chân đồi, giữa tư bề rừng rậm. Như đã nói, hòn Me xưa kia là hải đảo, đất phù sa lấn ra biển, nối hòn vào đất liền. Vùng chung quanh hòn quá ẩm thấp chịu ảnh hưởng nước mặn ngoài biển tràn vào nên cây cối mọc xơ rơ. Hằng năm, Tư Thính cày chừng một mẫu ruộng, kiếm chút ít lúa gạo đủ ăn trong gia đình.

Buổi chiều đầu mùa mưa, cảnh vật buồn bã làm sao! Ếch nhái kêu vang bên chòi, trong bóng tối chập chờn, xa lắm qua rặng cây tràm mới thấy vài ánh đèn. Ở trên hòn là đói, khó cày cấy trồng tỉa. Bởi vậy Tư Thính đến tận vùng sình lầy mà chịu đựng muỗi mòng.

– Ngày mai, cho con ra ruộng nghe ba!

Tư Thính day lại. Đứa con gái vừa lên tám tuổi bưng chén cơm đến gần. Chú vuốt tóc con, bùi ngùi thương xót. Mẹ nó mất hồi năm ngoái. Ngày nào cũng, vậy, trước khi ra ruộng, chú bới sẵn chén cơm, gắp khứa cá để trong cái dĩa nhỏ. Khi thức dậy, đứa con ăn cơm một mình rồi ra ngồi ở góc sân, trông ra ruộng. Chú từ chối khéo léo:

– Con ở nhà, ra ruộng nắng lắm.

Nhưng bé Huôi vịn vai chú, nói thật nhanh:

– Ngoài ruộng có cây thị, bóng mát.

Nghe qua, chú Tư Thính giựt mình. Đành rằng đến tám chín tuổi thì đứa bé có chút ít trí khôn, ghi nhớ những gì mà người lớn thường nói nhiều lần. Tại sao bé Huôi biết ở ngoài ruộng có một cây thị, cây ấy to lắm, ở xa nhà, bé Huôi chưa ra tới đó lần nào? Hồi năm ngoái trái thị sai quằn, chú với tay hái năm sáu trái đem về nhà cho bé Huôi, trái thị mầu vàng da láng tỏa ra mùi thơm kỳ diệu mà nhiều người cho rằng có thể quyến rủ ma quỉ hoặc thần thánh.

Chú Tư Thính hơi e ngại:

– Mùa nầy thị chưa có trái. Ra đó, làm sao con ngủ trưa?

Bé Huôi nói rành rọt như người lớn.

– Con đội nón, ngồi dựa vô gốc cây.

Vì không muốn quở mắng vô lý đứa con thân yêu, Tư Thính tìm cách từ chối:

– Bữa nào rảnh, ba cho con ra ruộng. Ngoài đó muỗi mòng, đủ thứ kiến lửa, kiến vàng. Lâu lâu, vài con rắn bò ra…

Bé Huôi cười dòn:

– Con đâu sợ rắn. Ba hứa lâu rồi. Ngày mai, con ra ruộng mới được. Ba không bồng con thì con đi một mình.

Gương mặt bé Huôi lúc bấy giờ trông thật dễ thương, mà cũng dễ sợ. Mắt nó sáng lên, hai tròng mắt đen lánh, hàm răng đều đặn, chói màu trắng ngà.

Tư Thính ngỡ rằng người khuất mặt đã thúc giục bé Huôi nói những câu quá khôn ngoan, dành riêng cho mấy đứa bé ít lắm là mười bốn, mười lăm tuổi. Chú đốt đèn lên. Bé Huôi nghiêm nét mặt, đôi môi ửng đỏ như tô son. Chú Tư Thính nhìn kỹ đứa con gái rồi tự trấn an: “Lớn lên, nó xinh đẹp nhứt làng nầy. Con nít khôn trước tuổi là sự thường”.

Bé Huôi ngáp dài:

– Con muốn đi ngủ, sáng mai con ra ngoài gốc cây thị để coi ba cày ruộng. Ngoài đó vui lắm.

Hôm sau, Tư Thính cố ý thức thật trể. Chú vác cày trên vai, cho đôi trâu đi trước, bé Huôi lững thững theo sau, đến gốc cây thị, nó ngồi xuống. Mặt trời lên cao, chưa chi, chú đã đổ mồ hôi lưng, bao nhiêu ý nghĩ đen tối hồi chiều hôm qua đều tan biến. Chú được yên tâm vì bé Huôi đã dựa lưng vào gốc cây thị. Nó nằm yên, như đã ngủ. Đôi trâu đi tới rồi đi lui, được ba rồi đến bốn, năm, sáu, bảy luống cày.

Trong khi đó, từ dưới hang sâu bên gốc cây thị, một con rắn hổ to tướng bò lên. Rắn quấn mình chung quanh bụng bé Huôi, quấn một vòng, hai vòng, ba vòng rồi đến bốn vòng. Sau rốt, rắn ngẫng cổ lên, cao khỏi đầu bé Huôi.

Rắn quơ đầu, hất mạnh cái nón lá trên đầu con bé rồi nghiêng cổ tới, im lìm.

Đột nhiên Tư Thính giựt mình. Đôi trâu đứng lại, không chịu bước tới. Chú quơ roi quất mạnh:

– Xe! Pháo!

Hai con trâu Xe và Pháo rống lên quậy chân sau xuống bùn. Cả hai day mặt về phía Tư Thính, mắt trợn tròn như giận dữ. Tư Thính hỏi:

– Điên rồi sao chớ? Cái gì?

Nhưng đôi trâu dường như nhìn xéo về gốc cây thị. Tư Thính chợt nhớ tới bé Huôi. Chú trố mắt:

– Trời ơi! Rắn quấn con tôi!

Rồi bỏ đôi trâu, chú cố gắng chạy đến gò đất. Chú lê lết như có sức mạnh nào níu đôi chân trở lại. Bé Huôi vẫn ngồi yên, con rắn hổ quá to, nào kém gì con trăn. Kỳ dị nhứt là cái đầu rắn, cái đầu vươn lên nghiêng tới như cố ý che nắng cho bé Huôi. Vì sợ con rắn nọ siết chặt khiến bé Huôi nghẹt thở hoặc gãy xương ngực, chú đành liều bước đến gần với dụng ý xua đuổi con rắn, nếu cần, chú sẵn sàng chịu chết thay con.

Con rắn nọ day mỏ về phía Tư Thính. Dưới ánh nắng tỏ rõ buổi trưa, chú thấy nó trợn mắt, mớ vảy lấp lánh như hàng trăm miếng kiếng màu xanh đậm.

Nó hạ cái đầu xuống rồi từ từ tháo ra. Trong lúc ấy, Bé Huôi vẫn ngồi xếp bằng, xuôi tay. Khi rắn tháo mình đến vòng chót, Tư Thính chẳng còn kiên nhẫn được nữa. Chú la lớn:

– Con ơi, chạy cho mau!

Nhưng Tư Thính không đủ can đảm và không còn đường nào để chạy. Nhanh như cơn gió lốc, con rắn to tướng nó phóng ngang mặt chú, như để chận đường. Chú té quị xuống bùn rồi lồm cồm đứng dậy, vuốt mặt. Bé Huôi từ từ cựa quậy:

– Ba! Sao ba té?

Chú mừng quýnh vì đứa con thân yêu vẫn mạnh khỏe và tỉnh táo. Để vững bụng hơn, chú hỏi đôi ba lượt:

– Con! Biết ba đây là ai không?

Tay chú véo mạnh vào lưng bé Huôi, miệng nói lia lia:

– Con có đau không? Con thức hay ngủ?

Bé từ từ đứng dậy, đôi môi đỏ thắm hé nụ cười:

– Ba nói, con tức cười quá…

Nhưng Tư Thính cứ tiếp tục mở nút áo đứa con gái, xem kỹ làn da. Bấy lâu chú nghe đồn đãi rằng rắn hổ có hơi độc từ trong miệng phun ra.

Bé Huôi nói:

– Đói bụng rồi, về nhà ba nấu cơm cho con ăn nghe ba.

Lập lức chú cõng đứa bé sau lưng, bước nhanh về căn chòi, hai con trâu rống lên, kéo mạnh cái cày vô chủ.

Mâm cơm dọn ra, chú ăn sơ sài vài miếng rồi tháo ách cho đôi trâu vào chuồng. Con rắn to tướng ấy là điềm lạ, chưa biết lành dữ thế nào. Chú muốn gặp ông đạo Đất ở trong cốc phía Đông hòn Me để nhờ giải đáp.

Bé Huôi lại đòi ngủ. Chú khuyên lơn:

– Con đi xóm với ba, nghe con?

– Con muốn ở nhà.

– Rủi con rắn tới đây thì ai cứu con? Ba cõng trên vai, con cứ ngủ. Phải con ở nhà thì nãy giờ ba cày xong công ruộng rồi. Từ rày về sau, con đừng đòi ra gốc cây thị nữa.

Bé Huôi trả lời:

– Hồi nãy đâu phải con rắn!

Cốc của ông đạo Đất hiện ra. Đó là cái chòi nhỏ bé lợp bằng tranh. Theo chữ nho, cốc là hang đá. Vùng Hòn Me thiếu những hang đá thiên nhiên. Đá xanh mọc nhô ra từng tảng lớn chỉ vừa cho đôi người ngồi núp mưa nắng mà thôi. Mùa mưa đến, nước chảy tuôn tràn, thỉnh thoảng mấy tảng đá sụp xuống, mang theo mấy giề đất sỏi. Mấy ông lên non tầm đạo vì không tìm được cái hang thiên tạo nên cất tạm căn chòi nhỏ bằng cây. Gọi cốc cho có vẻ huyền bí của một đạo sĩ tu tiên.

Ông đạo Đất gây được khá nhiều uy tín nhờ tài trị bịnh. Bất cứ bịnh nhân nào đến, ông cũng hốt cho một mớ đất để làm thuốc: bỏ cục đất trong một cái túi nhỏ, đeo dưới ngực để trị bịnh tà ma, đem cục đất nướng cho dòn rồi tán nhỏ, uống với nước nóng để trị bịnh ăn uống khó tiêu, đau bao tử. Gặp trường hợp trặc chân gãy tay, ông đạo vẫn dùng đất sét mà bó rịt vết thương.

Tư Thính giữ thái độ im lặng kính cẩn khi đến cốc. Ông đạo nằm dài trên nền đất, không trải chiếu đắp mền gì cả. Khi Tư Thính lên tiếng:

– Kinh chào thầy….

Ông đạo vẫn lim dim, hồi lâu mới chịu gật đầu. Bé Huôi nói khá to, phá rối sư yên tĩnh:

– Ở đây buồn quá, ba ơi! Con muốn về nhà.

Ông đạo Đất lồm cồm ngồi dậy, nhìn bé Huôi. Tư Thính bèn lên tiếng như để biện hộ cho đứa con:

– Nó còn nhỏ, thầy tha thứ cho. Mấy ngày rày nó nói bậy bạ, lại xảy ra vài điều lạ. Bởi vậy tôi tới đây nhờ thầy giúp giùm.

Sau khi sờ tay lên trán bé Huôi, ông Đạo nói:

– Cháu nó vui chơi nhưng mà cặp mắt hơi khác thường.

Không đợi Tư Thính trả lời, ông Đạo nói giọng bí mật:

– Chắc là vừa xẩy ra chuyện gì xúc phạm tới…đất!

‘‘ Xúc phạm tới đất’’ là lời nói mà ông Đạo thốt ra trước tiên, khi gặp bất cứ bệnh nhân nào. Vì quá tin tưởng nên ai nấy đều nhìn nhận rằng ông nói đúng: đau bụng, trúng thực đều do sự ăn uống, thức ăn vẫn là cơm gạo, thịt cá, những món từ đất mọc lên, hoặc đứng trên đất, cảm mạo là do hơi đất ẩm ướt gây ra…

Tư Thính nói:

– Thầy ở trong cốc mà nói chuyện ngoài đời quá đúng. Vậy thì điềm lúc nãy tốt hay xấu đối với gia đình tôi? Con gái tôi sau nầy ra sao?

– Điềm gì? Cứ nói đầu đuôi tự sự. Tôi thấy nó… ngồi trên đất, thiệt là lạ lùng, chú nói trước, tôi nói sau.

– Dạ, nó ngồi trên mô đất cao, ỏ gốc cây thị ngoài ruộng. Tôi lo cày nên không chú ý, dè đâu…

Thế là Tư Thính thuật lại tất cả chi tiết với sự tưởng tượng khá dồi dào của chú. Chú cho rằng con rắn nọ to bằng cây cột nhà, vảy lấp lánh ngũ sắc, khi biến mất thì gió thổi rung chuyển mấy gốc cây cổ thụ. Lúc rắn quấn vào bé Huôi, gió như ngừng thổi, chim trên trời như ngừng bay và hai con trâu như chết đứng trên mặt đất.

Ông đạo Đất chắp tay xá bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc rồi nói:

– Mô Phật! Cháu bé ngồi trên đất gặp con rắn hổ đất. Tất cả đều là đất. Nhưng con rắn hổ đất to lớn ấy là thuộc vào loại phi thường, tên nó là gì chú biết không?

Tư Thính chắp tay thưa:

– Dạ… chắc là mãng xà vương!

Ông đạo lắc đầu:

– Đó là con rồng đất! Trên mặt đất nầy nó là vua. Vua của đất phù hộ, chầu chực cháu bé chẳng khác nào con rồng vàng chầu chực ông vua ở chốn đế đô. Rồng đất là vua của đất. Rồng đến tìm cháu bé, đó là điềm mai sau có ông vua ông chúa nào đó đến ra mắt. Rồng quấn chung quanh cháu bé để che chở phò hộ, đó là sau nầy cháu bé trở thành một bà hoàng, bà chúa. Chú nên vui mừng đi, ráng chịu cực chừng năm bảy năm nữa.

Tư Thính chắp tay lạy ông đạo Đất:

– Thiệt vậy hả ông? Trời Phật giúp tôi, làm sao tôi tạ ơn? Dè đâu con tôi tốt phước như vậy? Ông vua nào, ông chúa nào tới đây cưới con tôi?

– Ông chúa hòn hoặc ông chúa đảo, hoặc ông chúa tàu, tàu buôn Hải Nam. Tôi chưa biết rõ. Mai chiều, chú đưa cháu bé trở lại.

Nghĩ một lát, ông đạo hỏi:

– Cháu tên gì, năm nay mấy tuổi?

Bé Huôi cất tiếng sỗ sàng:

– Tên Huôi. Hỏi bao nhiêu tuổi để làm gì? Bộ tôi ngu dại phải không? Nãy giờ, tôi đâu làm điều gì sai quấy với thầy.

Ông đạo càng tin tưởng nơi tài đoán điềm giải mộng của mình. Lập tức ông khều Tư Thính ra sân mà nói khẽ:

– Thấy chưa? Nó là đứa khôn trước tuổi, ăn nói lanh lợi đâu thua gì người hai ba chục tuổi. Chú nên nuôi dưỡng tử tế. Nó có trí khôn, có nhan sắc. Tôi xem không lầm đâu. Năm bảy chục năm, con Rồng đất mới xuất hiện một lần. Rồng đất mà phò hộ che nắng che mưa cho con Huôi thì phải biết.

Tư Thính chắp tay xá ông đạo;

– Cám ơn ông, về sau nầy nếu may ra con tôi nên danh nên phận thì tôi chẳng bao giờ dám quên ơn lớn.

– Kìa!

Ngón tay ông đạo Đất chỉ ra ngoài sân. Lần nầy chú Tư Thính không khỏi kinh ngạc vì bé Huôi đứng xớ rớ bên bụi cây quỳnh hoa. Nó nâng niu từng lá dài rồi đột nhiên nói to:

– Cây gì mà trồng hoài không trổ bông?

Ông đạo giải thích:

– Cháu ơi! Nhiều khi đôi ba năm nó mới trổ một lần.

– Ông cho cháu vài lá, đem về trồng vài tháng thì nó trổ hàng chục cái bông cho ông coi.

Để chiều theo ý bé Huôi và để biết thêm về tương lai của đứa con gái kỳ lạ nọ, ông đạo Đất hái một lá dài trao cho Tư Thính.

Hai cha con lững thững về nhà theo con đường mòn sình lầy. Tư Thính nghe tim đập mạnh trong lồng ngực. Chú muốn kêu to:

– Con tôi trở thành bà chúa! Thiệt vậy sao? Trời đất xui khiến hay ma quỷ xúi giục? Nhiều đứa bé khôn ngoan nhưng chết yểu hoặc là trở thành điên khùng, lên đồng lên bóng.

Chú nắm tay con. Căn chòi hiện ra. Trong phút giây chú ngỡ là cung vàng điện ngọc. Chắc còn nhiều năm nữa bé Huôi mới trở thành bà chúa. Chừng đó chú già nua rồi. Chú chỉ muốn có căn nhà cao ráo để dưỡng già…

Hòn Chông là dẫy đồi thấp, sát mé biển vịnh Xiêm La. Dân chúng sống bằng nghề chài lưới ở mé biển nhưng nguồn lợi to nhứt vẫn là nghề trồng tiêu (hồ tiêu). Với mười lăm hay hai chục dây chăm bón kỹ lưỡng là một gia đình sống dễ dàng. Bao nhiêu đất tốt để trồng tiêu đều thuộc về ông Thần Phước cai quản, vì là người Triều Châu lai Cao Miên rồi lai Việt Nam nên tên ông được đọc là Xìn Phóc.

Mấy người kỳ lão ở địa phương, nhứt là người tá điền, đều kiêng nể, gọi ông là ông Chúa Hòn, ông vua nho nhỏ giàu có và sang trọng nhứt của vùng Hòn Chông. Với số vốn tích trữ từ mấy đời trước, ông thuê nhân công để khai thác mấy ngọn đồi ở vùng kế cận: núi Còm, núi Mo So.

Khi bán hồ tiêu cho bọn thương gia Mã Lai, ông chỉ lấy vàng, không dùng hình thức tiền bạc nào khác. Bọn gia nhân đồn đãi ông dùng số vàng ấy để trấn ếm một vài “linh huyệt” trên Hòn Chông, nơi có phủ thờ của tiên nhân – một người từ Triều Châu qua lập nghiệp ở Hà Tiên, theo chân họ Mạc vào thế kỷ thứ XVIII.

Năm được 86 tuổi, ông Thần Phước giao cho đứa con trai đầu lòng là cậu Hai Minh cai quản tài sản. Cậu Hai chưa được bốn mươi tuổi nhưng đã có một vợ chánh và hàng chục tì thiếp. Ở vùng hẻo lánh, thú vui duy nhất của cậu Hai vẫn là uống rượu và tìm gái đẹp. Vợ chánh sanh đứa con trai duy nhất là cậu Hai Điền. Ăn ở với khá đông tì thiếp từ mười năm qua, cậu Hai Minh không hài lòng cho lắm, vì chẳng nàng nào sanh được con trai.

Một buổi chiều, cậu Hai Minh ra lịnh cho gia nhân:

– Đưa tao qua núi Mo So.

Bọn gia nhân dạ rân lên, đem chiếu bông trải xuống chiếc ghe mui vuông sơn son thếp vàng. Bấy giờ là mùa hạn, sông rạch đều cạn ráo. Bọn gia nhân buộc bốn sợi dây luộc trước mũi và sau lái ghe, mỗi sợi dây chắc chắn ấy nối liền vào một con trâu đực to tướng, gọi là trâu cổ.

Đáy sông quá cạn phơi lớp bùn sình. Ấy thế, mà chiếc ghe vẫn lướt nhanh. Bốn đứa bé mặc áo xanh cỡi trên lưng trâu, quất roi thật mạnh.

Cậu Hai Minh nằm dài, dựa tay vào cái gối thêu:

– Chừng nầy, ở núi Mo So…mình làm cái gì cho vui?

Hai Ú trả lời:

– Dạ, chừng nầy con gái trong xóm tới bờ mới gánh nước và tắm…

– Hay quá!

Vừa cười, cậu Hai vừa vỗ tay lia lịa. Lát sau, cậu gật đầu nhòm Hai Ú:

– Mầy giỏi quá. Mầy chưa dở lần nào hết. Lát nữa tao tới đó bất ngờ. Mầy làm thế nào cho mấy cô gái cứ gánh nước tự nhiên, đừng chào đón.

– Thưa cậu, vậy thì tôi phải đi trước mới được.

– Họ biết trước thì mất vui. Phải tình cờ mới vui.

Hai Ú chắp tay thưa:

– Dạ, đón rước long trọng là chuyện dễ, đón rước tự nhiên là chuyện khó, cần sắp đặt trước. Không khéo mấy cô gái e lệ rồi hoảng chạy thì sao? Cậu cứ tin lời tôi.

Lập tức, Hai Ú đến trước mũi ghe, nhảy lên bờ rất nhẹ nhàng. Anh ta giành lấy một con trâu cổ, cởi sợi dây ra rồi quất mạnh cho trâu chạy nhanh đến núi Mo So. Vì chỉ có ba con trâu kéo nên chiếc ghe tiến chậm. Cậu Hai khen ngợi:

– Thằng Ú giỏi quá, nó biết lo trước lo sau. À! Cái gì mà chộn rộn ở chân núi?

Bọn gia nhân phía sau reo lên:

– Cậu Hai ơi, họ đốt đuốc…

Xóm nhỏ ở chân núi Mo So hiện ra, náo nhiệt như buổi chợ phiên. Khi đến chân núi, cậu Hai Minh gặp ngay Hai Ú. Anh ta cầm bó đuốc đứng sẵn:

– Thưa cậu, mời cậu đến bờ suối…

– Ủa! Tại sao xóm giềng im lặng quá vậy?

– Dạ, tôi ra lịnh cho ai nấy đóng cửa lại ngủ sớm để một mình cậu tới bờ suối, mặc tình nói chuyện với các cô. Tôi đã khuyên các cô cứ gánh nước tự nhiên. Các cô cười giỡn kìa! Cậu nghe không?

Trong phút giây, cậu Hai ngỡ mình sống trong khung cảnh thần tiên nơi thượng giới. Ánh đuốc rọi chập chờn vào vách đá hai bên con đường dốc.

Đêm mười bốn, trăng khá sáng tỏ.

Lúc cao hứng, cậu Hai Minh ra lịnh:

– Hai Ú cứ đi trước, thật xa. Tao đi dưới bóng trăng vui hơn. Cần gì qua bên Tàu mới hưởng được vui thú.

Nhưng Hai Ú như còn ngập ngừng. Anh ta khoát tay đôi ba lần như làm dấu hiệu riêng với người phía sau. Cậu Hai Minh chẳng mảy may chú ý đến chi tiết đó, cứ hỏi đồn dập:

– Tới chưa? Chà! Mấy cô cười nghe dòn quá. Còn ở phía sau, ai mà đông dữ vậy?

Hai Ú đáp:

– Cậu coi thử! Đó là mấy người khiêng rượu cho cậu uống.

– Thằng nầy giỏi thiệt.

Thật ra Hai Ú đã dàn cảnh khéo léo từ lúc nãy với Mười Hấu – người có khá nhiều quyền thế ở vùng núi Mo So. Mười Hấu rất tinh thông võ nghệ, con gái ông ta thuộc vào hàng đẹp nhứt trong vùng. Khi gặp Mười Hấu, Hai Ú đưa ra ý kiến:

– Ông Mười muốn làm giàu không? Đây là dịp may hiếm có. Cậu Hai Minh tới để tìm gái đẹp. Nếu ông Mười vui lòng, làm thế nào cho cậu Hai được thỏa mãn thì…

Mười Hấu nhớ đến đứa con gái tên là Ngó:

– Con gái tôi chắc hạp nhãn với cậu Hai Minh.

Hai Ú đáp:

– Cậu Hai chỉ thích như vậy thôi! Ông Xìn Phóc già khú rồi. Bây giờ, cậu Hai Minh là ông Chúa Hòn chớ còn ai đâu xa lạ.

Ngọn suối ở núi Mo So quá nhỏ hẹp. So với vùng cao nguvên thì đó là nơi dơ bẩn kém thơ mộng, nhưng ở chốn sình lầy nước mặn đồng chua thì quả là mạch nước tiên ngọt ngào và tinh khiết. Hai Ú dừng lại báo tin trước:

– Mấy cô nên vui vẻ… bởi vì cậu Hai thương mấy cô, chịu khó lặn lội tới đây. Cậu tới kìa. Đừng làm cho cậu giận. Ngày mai các cô sẽ được ban thưởng, mỗi cô ít nhất được một lượng vàng. Đó là chưa nói sau nầy hễ túng thiếu tiền bạc thì các cô tới gặp tôi, tôi nói giùm một tiếng với cậu Hai là xong.

Câu Hai Minh cười dòn:

– A ha ha! Đêm nay là đêm vui sướng nhất của đời tôi! Mấy cô cứ tự nhién, đẹp quá. Hai Ú đâu rồi? Đốt thêm vài ngọn đuốc.

Mười Hấu và đứa gia nhân để cần xé đựng hàng chục hũ rượu trên tảng đá rồi nói nhanh:

– Thưa cậu, tôi có đuốc…

Cậu Hai vỗ vai Mười Hấu:

– Chú ở đâu? Tôi nhớ gặp mặt vài lần rồi. Đuốc ở đâu? Đốt lên.

Ba ngọn đuốc cháy chập chờn. Trong đám thôn nữ rõ ràng cô Ngó là hoa khôi.

Nàng mặc áo ngắn tay, đứng bỡ ngỡ trong dòng suối, nước ngập lên tận gối. Ánh sáng chói chang làm nàng giựt mình:

– Ai làm chi vậy? Chỗ này… của người ta gánh nước.

Mười Hấu hơi e ngại, nói khéo cho con nghe:

– Ngó ơi! Cậu Hai tới thăm là vinh hạnh cho con. Con cứ vui cười.

Cậu Hai Minh hơi xúc động. Mấy tháng qua, cậu chỉ lân la với mấy nàng hầu thiếp ở trong phòng kín đáo, toàn là những cô gái ăn mặc sạch sẽ và ốm yếu mảnh khảnh. Cô Ngó đúng là một pho tượng, căng đầy nhựa sống. Cậu Hai cầm ngọn đuốc, đến gần. Cô lính quýnh, bước ra giữa dòng. Cậu vói tới, nắm tay cô mà kéo lại:

– Lên bờ cho vui. Tôi đã nói là cứ tự nhiên. Tôi tới đây để tìm cái… tự nhiên mà.

Cô Ngó mỉm cười, để lộ hai hàm răng đều đặn:

– Dạ, mắc cỡ lắm, cậu Hai! Mình mẩy ướt mem như vầy khó coi quá, thành ra vô lễ với cậu.

Hai Ú nói:

– Cô Ngó cứ lên bờ, ngồi bên tảng đá để nghe cậu Hai dạy việc.

Cậu Hai dìu người đẹp lên bờ, Mười Hấu bèn đem bầu rượu trao tận tay:

– Xin mời cậu…

– Ngon lắm! Ngon Iắm. Tôi uống rượu một mình coi sao được? Xưa nay vua đâu uống ruợu một mình. Vua uống thì các quan đại thần và hoàng hậu đều uống. Đem rượu ra, uống không hết thì đổ bỏ xuống dòng suối tiên nầy.

Hai ba cô gái gánh nước đứng gần cô Ngó cũng hưởng được chút ân huệ, nhưng làm sao các cô nuốt được thứ rượu đế quá cay, quá nồng! Hai Ú nhắc nhở từng chập:

– Cứ uống. Uống không nổi thì cứ làm bộ đưa lên môi.

Bầu rượu được cậu Hai đưa sát môi cô Ngó. Cô nhăn mặt liếc qua Mười Hấu như để hỏi ý kiến. Mười Hấu nói:

– Uống đi con. Cậu Hai đoái tưởng tới con đó.

Cậu Hai lim dim đôi mắt, một tay vuốt mái tóc người đẹp, một tay nghiêng bầu rượu. Rượu đổ tràn xuống ngực người đẹp. Cậu đưa tay ra phía sau:

– Rượu nữa! Rượu nữa! Cô tên gì? Uống rượu không được thì chắc là tắm bằng rượu được…

Cô Ngó ôm ngực van nài:

– Lạnh lắm… Cho tôi về.

– Tôi cho cô về… chiếc ghe của tôi. Hai Ú đâu rồi? Sửa soạn về. Nãy giờ tao cũng hơi lạnh. Muỗi cắn quá. Xứ nầy nhiều muỗi. Bây giờ cô Ngó cầm đuốc dẫn đường cho tôi xuống bến.

Hai Ú đi sát bên cô Ngó mà nói khẽ:

– Nên hầu hạ khéo léo cho cậu Hai vui. Tài sản của ông Chúa Hòn để lại cho cậu Hai, nghĩa là để cho cô. Cậu Hai nhiều khi khờ dại, cô nên hy sinh để cho cha mẹ và chòm xóm được nhờ.

Dân chúng hai bên đường ngồi nép mình bên cánh cửa mà trông ra. Họ vừa mừng vừa sợ. Nếu cô Ngó được cậu Hai đem về Hòn Chông làm tì thiếp thì cha cô là Mười Hấu trở nên hách dịch, ai chịu cho nổi.

Cô Ngó vào nhà, thay quần áo mới, trong khi cậu Hai Minh nằm trên ghe, thúc hối từng chập:

– Trốn rồi sao chớ! Muỗi cắn chết. Tụi bây lo cho tao chớ.Tao hơi mệt rồi đó. Đắp mền cho tao. Con nhỏ đó sao chưa xuống đây quạt muỗi cho tao!

Lát sau, chiếc ghe hầu trở về Hòn Chông, bốn con trâu kéo hì hục. Tội nghiệp cho mấy thằng bé cỡi trâu. Chúng nó ngủ gục từng chập, bị Hai Ú chửi rủa không ngớt mồm.

Cô Ngó ngồi bên gối của cậu Hai, cầm cây quạt lông mà phe phẩy, cậu Hai khen ngợi từng chập:

– Giỏi quá, khỏe quá! Quạt mạnh tay cho muỗi bay bớt thì ta mới ngủ được. Về Hòn Chông ít muỗi mòng hơn. Mỗi ngày, cô em cứ ở không mà quạt cho ta ngủ, khỏi gánh nước.

Cậu Hai Minh đến Hòn Chông vào lúc hừng sáng. Hai Ú cõng cậu lên nhà. Cô Ngó hơi sợ vì lần đầu tiên trong đời, cô bước vào căn nhà sang trọng, đúng ra là ba bốn căn nhà cất chung trong vòng rào kiên cố.

Năm sau cô Ngó hạ sanh một đứa con trai. Mấy nàng tì thiếp khác lấy làm bất mãn và ganh tị. Bà chánh thất lo ngại hơn ai cả, vì đứa bé nọ có thể tranh giành gia tài và ngôi vị với đứa con của bà. Bà đến gặp cậu Hai để cằn nhằn:

– Ông làm như vầy còn gì thể diện!

Cậu Hai đáp:

– Tôi là… ông Chúa Hòn. Ba tôi đã trao quyền hạn cho tôi. Hằng ngày, nếu không đùa giỡn thì tôi làm gì bây giờ? Tôi thích đi đó đi đây, lâu lâu uống rượu say một lần.

Bà chánh thất nói khẽ:

– Con Ngó là đứa mà tôi không ưa. Nó làm mất thể diện dòng họ.

– Trời ơi! Bà đừng vu cáo mà tội nghiệp nó. Nó là gái quê, là tì thiếp, hằng đêm cầm quạt đuổi muỗi cho tôi ngủ. Nhờ nó mà bà được rảnh rang, vả lại, hễ gặp bà là nó chắp tay xá…

– Nó sanh đứa con trai. Nó là con của thằng Mười Hấu quê mùa dốt nát ở núi Mo So. Mười Hấu trở thành… cha vợ của ông Chúa Hòn, thiên hạ đàm tiếu nhiều lắm rồi.

Cậu Hai bị chạm tự ái nên quát to:

– Bà đừng nói vậy. Muốn tôi đuổi con Ngó sao? Tôi chưa đuổi nó được trong năm nay, nhưng tôi hứa là vài năm nữa nó không còn ở nhà nầy.

– Nhưng thằng con của con Ngó! Nay mai nó tranh quyền hạn với con tôi thì sao? Ông nên suy nghĩ lại…

Câu nói ấy khiến cậu Hai Minh bâng khuâng. Lập tức, ông vào phòng riêng nằm dài, vỗ trán cho bớt nhức đầu. Nãy giờ, cô Ngó đã nghe ngóng được câu chuyện. Chờ khi cậu Hai ngồi dậy uống chén trà, cô mới than thở;

– Tội nghiệp em, nếu ở đây hoài, chắc có ngày em chết vì bà lớn. Tốt hơn, ông cho em bồng con về núi Mo So để rồi xin vô chùa, đi tu.

– Đâu được!

Đôi mắt đen huyền và làn da trắng mịn của cô Ngó khiến cậu Hai ngây ngất. Cậu vuốt ve cô nhưng cô ngồi lui ra, cầm cây quạt mà phe phẩy, cánh tay với tới. Những cảnh ghen tương giận hờn và tranh chấp quyền lợi đã xảy ra quá nhiều lần, nào riêng gì trong năm nay. Tin rằng thời gian trôi qua thì mọi việc đều tự dàn xếp êm thấm, cậu Hai uống thêm vài chén rượu rồi ngủ khò. Cô Ngó ngưng tay, không quạt nữa. Đến trưa, khi cậu mở mắt thức dậy thì cô lanh tay cầm cây quạt đứng thẳng người phía sau lưng. Đột nhiên cô buông tay. Cây quạt rơi xuống nền gạch, cán bằng ngà gây tiếng động vừa khô khan, vừa tức tối.

Cậu day lại.

Cô Ngó giả vờ như giựt mình, vội cúi mình lượm cây quạt đem lên, xem kỹ rồi run rẩy đến quì bên cạnh cậu Hai:

– Ông tha cho tôi. Cán quạt nứt bể rồi. Cây quạt nầy quý giá lắm.

Nói xong, nàng ngả người, quơ tay lên trời, kêu lên ú ớ mấy tiếng rồi nằm dài trên gạch. Cậu Hai đứng dậy quì bên cạnh đỡ nàng lên:

– Em! Sao vậy? Tôi ở đây thì em cứ ở đây. Tôi chưa nói điều gì mất lòng em mà. Làm vậy tôi buồn…

Cô mở mắt ra, nói khẽ:

– Em chưa đủ sức để hầu hạ ông, ông nên tìm người khác. Em đâu dám hờn giận ai. Chẳng qua là em thức quá nhiều. Nãy giờ, em đứng mà quạt không nghỉ tay. Mấy ngón tay tê cóng, phần thì hồi sáng đến giờ em chưa rảnh để ăn món gì ráo…

Lần đầu tiên trong đời, cậu Hai để rơi hai giọt nước mắt. Suốt đêm rồi, Ngó ngồi ngoài mùng mà quạt cho cậu được mát mẻ, đến canh ba, khi giật mình thức dậy, cậu vẫn thấy cô ngồi lì một chỗ, bảo đi ngủ thì cô trả lời rằng còn đủ sức quạt hầu. Rồi đến trưa nay, cô Ngó lại đứng quạt. Đúng là một cực hình mà cô chịu đựng không một lời than thở.

Cậu Hai nói:

– Mệt thì em lên giường tôi.

Cô Ngó lắc đầu:

– Em đâu dám. Rủị bà chánh thất bắt gặp, chắc em bị giết…

– Tôi gọi đứa khác vô đây để em nghỉ tay. Từ rày về sau, em khỏi làm công việc cực nhọc nầy.

– Thôi, cho em về mà nuôi con. Nó là con trai, em thương nó lắm.

Hai tiếng ‘‘con trai’’ khiến cậu Hai thêm kiêu hãnh. Đây là đứa con trai thứ nhì của cậu, phải nuôi nó bằng được để dự phòng trường hợp đứa con trai của bà vợ lớn chết thình lình. Cậu đáp:

– Em ở đây. Người chánh thất giận vì em có con trai, tôi biết. Bây giờ, em tìm cách gởi đứa con đó đi xa, đặt tên xấu xí. Hễ mang tên xấu thì làm sao nó trở về đây chia gia tài được?

Thế là hôm sau, mọi sự thắc mắc trong gia đình cậu Hai Minh đều được giải quyết êm ái. Đứa con mới sanh phải mang tên là thằng Cẩu – nghĩa là con chó. Mười Hấu được mời đến Hòn Chông để lãnh đứa cháu ngoại đem về, nuôi tại núi Mo So. Cậu Hai ban cho Mười Hấu mười lượng vàng. Cô Ngó bị đày xuống nhà bếp, lo cơm nước cho cậu Hai.

Mời các bạn đón đọc Bà Chúa Hòn của tác giả Sơn Nam.