Quyển “Thú chơi sách” của nhà văn – học giả Vương Hồng Sển được in năm 1960 và cái tên sách đó đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhiều thế hệ. Ngày hôm nay, tức đúng 50 năm sau lần in đầu của “Thú chơi sách” - khi mà cụ Vương cũng đã ra người thiên cổ từ lâu - một di cảo đặc biệt của ông được xem như “Thú chơi sách, quyển 2”, với nhan đề Cuốn sách và tôi được xuất bản. Có lẽ điều này cũng gây nên một cảm xúc đặc biệt đối những độc giả mong đợi nó từ lâu. Còn với những bạn đọc trẻ, cuốn sách này chắc hẳn là một “món ăn tinh thần” mới lạ, bổ ích.
Cụ Vương Hồng Sển viết Cuốn sách và tôi trong năm 1984, như là một sự “tỏ bày cảm tình riêng với sách” - trút hết nỗi lòng, kinh nghiệm viết và đọc sách; một chút tiếc nuối cho những cuốn sách có số phận long đong, cũng như cho bản thân ông không còn nhiều thời giờ để lang thang trong thế giới bao la khôn cùng của sách… Những ghi chép của ông về thú chơi sách bao giờ cũng gắn với một kỷ niệm nào đó trong quá khứ, chuyện riêng tư lẫn câu chuyện chung của thời cuộc (như chuyện “thu gom sách” vốn gây tranh luận một thời), dẫu đã xa xôi nhưng khi đọc lại vẫn khiến chúng ta bâng khuâng không ít…
Với cụ Vương Hồng Sển, chơi sách cũng như những thú chơi khác, vẫn thường có những lúc thăng trầm, và người chơi tùy cảnh tùy thời phải biết cách giữ cho lửa say mê không tắt, và với một người chơi có lòng đam mê thực thụ thì cho dù hoàn cảnh nào họ vẫn tìm thấy được lạc thú.
Cũng vì cái tình yêu sâu đậm đó, mà qua thời gian, thú chơi sách của cụ Vương đã được nâng lên thành một nghệ thuật, với tất cả sự sâu thẳm của nó. Trong nghệ thuật chơi sách của ông, có thể thấy được sự hòa trộn của tính tài tử (chơi sách) và tính bác học (đọc sách). Ông thường đánh máy những đoạn văn, những sử liệu từ nhiều loại sách đông tây kim cổ, lưu lại phòng khi sách bị mất hay thất lạc; lúc rỗi rảnh, ông lại dịch ra tiếng Việt, vừa thỏa cái thú văn chương, vừa để nhẩn nha thưởng thức…; nhờ vậy mà chúng ta lại có cơ hội đọc được những bài tuyệt hay chứng tỏ trong lĩnh vực dịch thuật ông cũng là một bậc thầy.
Với Cuốn sách và tôi, cụ Vương Hồng Sển không chỉ dâng hiến sự hiểu biết của mình về nhiều mặt của đời sống, mà còn mang theo những hương xưa độc đáo, tràn trề xúc cảm qua từng trang viết - văn chương của ông giản dị, tự nhiên mà lôi cuốn vô cùng, - một lối hành văn duyên dáng lạ lùng và luôn luôn gây bất ngờ.
Trước khi xuất bản tác phẩm này, chúng tôi đã làm việc rất cẩn trọng nhằm giữ lại hầu như nguyên văn di cảo của cụ Vương, từ văn phong rất riêng biệt cho tới những từ ngữ xưa mà ngày nay ít người dùng đến, thiết nghĩ đó cũng là một cách để bảo tồn những vốn quý (phong vị cũ) của tiếng nói Việt Nam.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập di cảo Cuốn sách và tôi với mong ước chia sẻ cùng bạn đọc một phần nhỏ di sản tinh thần mà cụ Vương Hồng Sển để lại.
Tháng 3 năm 2010
***
Vương Hồng Sển (1902 - 1996), tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh (khi làm giấy khai sinh bị viết nhầm là Sển, vì đọc theo cách phát âm tiếng Triều Châu của người Quảng Đông, Trung Quốc). Ông sinh tại Sóc Trăng, mang dòng máu Việt, Hoa, Khmer, là một nhà văn, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng; được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.
Thuở nhỏ ông thích tìm hiểu về đồ cổ. Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm. Những ai muốn nghiên cứu về lịch sử miền Nam thế kỷ XX chắc hẳn sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông những nguồn tài liệu bổ ích.
Một số tác phẩm có giá trị của ông có thể kể đến: