Trong phần "Tự ngôn" nhà văn hóa Vương Hồng Sển đã viết (Trích):
“Tôi bình sanh thích những gì đẹp: giò lan hàm tiếu, đóa hoa mãn khai. Một cuốn sách đóng bìa khéo đủ làm tôi vui cũng như trên sân quần vợt, tôi lại thích những đường banh tuyệt vời, không đỡ gạt nổi. Càng thêm tuổi, tôi chuyên tâm về thẩm mỹ và văn hóa. Tôi trồng lan và nghiên cứu về lan, nhưng chỉ trồng chơi trong sân nhà, âm thầm ngắm nghía, săm soi lấy mình. Cụ Tú Hải Văn viết và Nguyễn Tuân nhắc lại trong Vang bóng một thời, chuyện những chiếc ấm đất:
“Họ lịch sự như tiên, phú quí như trời,
quất con ngựa rong chơi ngoài ngõ liễu;
“Ta trồng cỏ đầy vườn, vãi hoa đầy đất,
gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.”
Tôi thấy rất hay, nhưng thầm hỏi: đời nay dễ gì “quất con ngựa rong chơi”! Ngoài ngõ chẳng là tấp nập nhiều xe trên mười bánh! Cũng không thể “gọi hề đồng pha nước”! Đời bình dân, tự mình pha nước chắc ăn hơn. Họa chăng cỏ thì ai trồng cũng được, gặp cỏ lan “vương giả chi hương” thì càng quí."
***
Tác giả viết sách từ hơn nửa thế kỷ trước. Phong lưu cũ mới đã qua nhiều lần xuất bản, tái bản. Văn phong của Vương Hồng Sển có phần xưa cũ, nhiều từ ngữ thường dùng từ đầu thế kỷ trước nhưng bây giờ vẫn hiểu được.
"Phong lưu" nghĩa gốc theo Từ điển Đào Duy Anh là cái đức tốt như ngọn gió chỗ này bay đến chỗ khác, như dòng nước nơi nọ chảy đến nơi kia. Có một định nghĩa khác: Thú phong lưu là những thú tiêu khiển của con người trong lúc nhàn hạ. “ Phong lưu là cạm trên đời. Hồng nhan đánh bả con người phong lưu” (Ca dao). Còn theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn thì phong lưu là nghi biểu, thái độ, phẩm cách. Là chỗ đặc biệt khác lạ của tinh thần, còn là sự chơi bời hoa nguyệt. Dáng dấp và thái độ cũng gọi là phong lưu. Phong lưu là đủ ăn, đủ tiêu
không phải phiền lụy ai ( Dạo này cụ sống phong lưu quá! - Lời khen). Phong lưu là sự sang trọng, là người sang. Là thái độ nhàn nhã, tính người thích phong lưu. Là sự thong thả, vô sự cuộc ăn chơi. Phong lưu tình bạn. “Chơi được” cũng gọi là phong lưu. Phong lưu tài tử.
Thú chơi tao nhã sẽ góp phần nâng cao tâm hồn, phẩm cách con người. Không sa vào mục đích thực dụng, sát phạt lẫn nhau, vi phạm pháp luật. Thú chơi đẹp, thiên về thẩm mỹ, văn hóa, di dưỡng tinh thần, rèn luyện khí phách, yêu cái đẹp, có tính giáo dục.
Xuất thân gia cảnh cũng vào hàng phong lưu, lại ham chơi từ nhỏ, vào độ trung tuổi khi sa sút thì bỏ công tìm hiểu, nghiên cứu, truy vấn gần xa, góp nhặt cổ kim đặng viết thành sách vở làm kế sinh nhai nên cụ Vương Hồng Sển đã tập hợp và tổng hợp thành kho kiến thức khá dày dặn, trình bày, cắt nghĩa, diễn giải lớp lang về các thú vui chơi, giải trí này qua cuốn sách Phong lưu cũ mới. Ở đây xin được không bàn đến mặt tiêu cực của các thú chơi, lợi dụng các thú chơi để cá độ dẫn đến nhiều người phải khuynh gia bại sản.
Tác giả trình bày một các hệ thống, lớp lang các thú chơi của người xưa, của đất Nam Bộ xưa như: thú chơi chim, thú chọi gà, thú chơi cá thia lia; bàn về loài sâu bọ và thú đá dế. Thú chơi đồ cổ, chơi sách, thích nghe hát bội, cầm chầu. Thú chơi non bộ và uốn kiểng, thú chơi ấm chén và nghệ thuật uống trà, thú nuôi chim, thú, xem tuồng Tàu và các điển tích,…Từ các loại chim, gà, cá, dế ưa được chọn chơi, nơi sinh trưởng, đặc tính của từng loài, lịch sử của nghề, kỹ thuật chăm sóc, những giai thoại, tích xưa truyền lại và cả những “ngón nghề” (mánh lới giảo trá) trong nghề chơi nuôi chim, gà, cá, dế.
Vương Hồng Sển có hiểu biết rộng và sâu, quan sát tinh tế. Phát hiện ngoài tự nhiên, chim cũng có tổ chức, có thủ lĩnh, có xã hội của loài chim. Chim cũng có tình cảm với người, cũng khao khát tự do. Hiểu bệnh tật của chim. Kể về nghề nuôi nhồng, sáo sành, sáo sậu, chim bạc má, chim họa mi… Theo cụ, công phu và thanh nhã hơn hết là nuôi chim bạch yến. Cụ dành cả một chương trong Phong lưu cũ mới để nói về loài chim Phụng (Phượng) Hoàng huyền thoại và cung cấp một phát hiện thú vị: “chim Trĩ Việt Nam chính là loài chim Phụng Hoàng mà người Tàu hoang đường hóa lên”. Có nuôi chim mới biết thương chim. Tác giả “bật mí” những mánh lới giả trá trong nghề bán chim cảnh. Kể về nghề nuôi chim để bắt cá bên Tứ Xuyên ( Trung Quốc) và buông lời bình: “ Cái nghề nhẫn tâm nuôi chim (để) tập bắt cá (cho chủ nuôi) làm kế sinh nhai bên nước chúng ta chưa ai bắt chước”.
Về thú nuôi và đá gà nòi, trong cuốn sách Phong lưu cũ mới, Vương Hồng Sển rào đón rất chặt chẽ: “ Cá, gà, bài bạc nay đều là đồ quốc cấm. Còn chăng là chút dư vị năm xưa”; “ là thuật lại chuyện cũ, thói cũ để đánh dấu một thời xứ”. Cụ cho biết gà nòi, gà đá, gà chọi tánh tình dữ tợn, hung hăng “ chánh thị anh hùng”, nhưng không bao giờ hiếp đáp kẻ yếu và mỗi khi đá lộn tỏ ra vô cùng gan dạ “ thà nằm chết giữa trận tiền chứ không chạy bậy”. Tác giả đã nhân cách hóa những liều lĩnh bản năng của “ võ sĩ gà chọi” thành một tính cách anh hùng. Đã từng là một ‘tay chơi” gà chọi nên tác giả đồng cảm “ không thú chơi nào sung sướng và thể thao bằng tự mình chăm sóc con gà nòi: ôm nó trum trủm vào lòng, khi cho ăn, khi tắm, khi làm cựa, khi bồng nước”. Các giống gà chọi (gà nòi) nổi tiếng của miền Nam: gà Bà Rịa, gà Bà Điểm, gà Hốc Môn, gà Cần Đước, gà Trảng Bàng, gà Cao Lãnh, gà Kế Sách (Sóc Trăng), gà Bến Tre, gà Trà Vinh, gà Rạch Giá, gà Rạch Gầm (Mỹ Tho)…
Cá Thia thia (có nơi gọi là Thia lia): “ Thia Thia là thứ cá đất bưng, nhỏ con mà có nhiều sắc, đến khi nó đá nhau thì giương vi sè đuôi, coi xinh lắm” (Đại Nam quốc âm tự vị Huỳnh Tịnh Của). Loại cá này có lẽ ở Nam Bộ là nhiều nhất, không đồng bưng nào không có. Đá cá Thia thia là một thú vui của trẻ thơ và cũng là của người lớn với những ai có máu mê cờ bạc. Tác giả chỉ thẳng: “ Bạn nhỏ đá cá chơi, không ăn tiền, cũng không có tiền mà ăn, cốt tranh nhau giữa nhóm hỷ mũi chưa sạch”; “ Bọn già (những người có máu me cờ bạc) thì “bất chấp điển tích”, lấy đó làm nghề sinh nhai”. Những công đoạn tìm cá, xúc, hớt, bắt cá, luyện cá được tác giả trình bày kỹ lưỡng bằng chính vốn sống tuổi thơ của mình trên đồng ruộng quê hương. Đây là cách luyện cá được Vương Hồng Sển mô tả: “ Cá hớt được rồi, đem về nhà đổ ra thau chậu tuyển lựa theo cỡ. Cỡ trung trung gọi là cá lứa. Cá này sẽ được nuôi thúc và cho ăn kỹ lưỡng, ban đêm tập quần đèn cho thêm dạn, ban ngày đặt chỗ nhiều ánh sáng cho cá quen mắt. Độ chừng một tuần, mươi bữa là có thể đem ra trường cáp độ thử tài”.
Tác giả bàn về “xã hội” loài sâu bọ và thú đá dế cũng cung cấp nhiều hiểu biết thú vị.
Ngôn ngữ trình bày trong tác phẩm là ngôn ngữ báo chí, nhiều đoạn tiếp cận ngôn ngữ văn chương nên cho dù câu chuyện và thông tin đã xưa cũ người đọc vẫn cảm nhận được, khá hấp dẫn. Ta hãy nghe Vương Hồng Sển kể về một cuộc thi chim hót (hồi đó gọi là đấu xảo chim) tại thị xã Sa Đéc, đầu thế kỷ XX trong Phong lưu cũ mới: “ Sáng chủ nhật nào, sau buổi điểm tâm là các nhà chơi chim tay xách lồng, tay xách ô dù, từ miệt Tân Quy, Tân Hưng, Vĩnh Phước tề tựu tại nhà lầu ông Lâm Quang trổ mặt ra con sông Sa Đéc. Trà thuốc vừa xong thì đem chim ra đấu. Ông Lâm Quang giấu kỹ lồng chim của ông trong thư phòng phía trong. Ngoài này, nơi nhà cầu rộng lớn, gió mát hiu hiu từ Mũi Chợ Cồn thổi vào, chung quanh những chậu lan quý lạ, hương xông thoang thoảng. Ông Lâm Quang ngồi giữa như vị chủ khảo trường thi, thong thả xem các tay chơi chim lần lượt xúm nhau tuyển chọn những con chim nào hót hay để riêng từ lồng trên trần nhà cầu, còn những con nào hát còn non thì đem lồng treo chung quanh hành lang xa hơn một tí để tập nghe mà bắt chước. Lần hổi, ông Lâm Quang chấm những con chim lành nghề cho đem vào giữa vòng quan khách ngồi. Khi các con chim ấy hót phỉ tình phỉ sức, thỏa thích thỏa thuê rồi, chừng ấy ông Lâm Quang mới sai trẻ thân tín đem lồng chim cưng của mình ra… Thoạt nghe con bạch yến của ông Lâm Quang cất tiếng chào. Ban đầu chỉ nghe một giọng trong trẻo và và lớn át cả tiếng các chim khác. Kế đâu như tiếng vang thác đổ, khi dồn dập cất bổng lên cao như suối reo đỉnh thượng, thoạt đổi giọng trầm nhẹ như gió tụ trũng sâu, rồi đó thoạt vọt lên cao, thật cao không khác tiếng nước ào ào dồn chưn đá dựng. Líu lo, êm ái khoan nhặt đồng đều, ngọc khua sáo thổi cũng không bì. Khi chim của ông Lâm Quang dứt tiếng hát rồi, là một sự im lặng khắp trong ngoài, (tiếng) ruồi bay cũng nghe (thấy). Các chim khác tự mắc cỡ vì lượng biết tài mình còn kém xa nên im hơi lặng tiếng đã đành, tội nghiệp cho các chủ chim, thua buồn cho công linh từ thuở trôi sông, cũng biếng nói và quên phứt xã giao là dầu chi cũng vỗ tay khen lấy lòng"…
Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu và người viết sách Vương Hồng Sển cũng công phu lắm lắm!
***
Hiếu cổ đặc san số 5 - Cảnh Đức Trấn Đào Lục được học giả Vương Hồng Sển xuất bản vào năm 1972 tại Sài Gòn. Cảnh Đức Trấn Đào Lục được cụ Vương Hồng Sển tập trung vào khảo về gốm cổ, sành xưa, lò CẢNH - ĐỨC - TRẤN
Hiếu cổ đặc san gồm những số sau:
• Hiếu cổ đặc san số 1 - Phong Lưu Cũ Mới
• Hiếu cổ đặc san số 2 - Thú Xem Truyện Tàu
• Hiếu cổ đặc san số 3 - Thú chơi cổ ngoạn
• Hiếu cổ đặc san số 4 - Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa
• Hiếu cổ đặc san số 5 - Cảnh Đức Trấn Đào Lục
• Hiếu cổ đặc san số 6 - Cuốn sổ tay của người chơi cổ ngoạn
• Riêng các quyển 7, 8, 9 trong bộ Hiếu cổ đặc san của Vương Hồng Sển, tác giả tập trung khảo về đồ sành sứ. Thoạt tiên, học giả họ Vương dự định quyển thượng khảo về đồ sứ từ Hậu Lê đến Sơ Nguyễn, quyển trung khảo đồ sứ đi Tàu đem về và quyển hạ khảo về các đồ sành cổ của các đế vương nhà Nguyễn. Tuy nhiên, khi in thành sách thì nhà xuất bản lại in chung quyển thượng là đồ sứ từ Hậu Lê đến Sơ Nguyễn, chung với quyển hạ là đồ sứ đi Tàu đem về! Còn quyển mà tác giả cho là quyển hạ thì một nhà xuất bản khác in riêng trong một cuốn độc lập, khảo về đồ sứ men lam Huế, chuyên về đồ quốc dụng, ngự dụng, quan dụng, dân dụng, đồ phố…
***
Vương Hồng Sển (1902 - 1996), tên thật là Vương Hồng Thạnh hay Vương Hồng Thịnh (khi làm giấy khai sinh bị viết nhầm là Sển, vì đọc theo cách phát âm tiếng Triều Châu của người Quảng Đông, Trung Quốc). Ông sinh tại Sóc Trăng, mang dòng máu Việt, Hoa, Khmer, là một nhà văn, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng; được xem là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam.
Thời học sinh, ông học tại trường Collège Chasseloup Laubat (nay là trường Phổ thông trung học Lê Quý Đôn). Sau khi đậu bằng Brevet Elémentaire, ông làm công chức ngạch thư ký và phục vụ nhiều nơi từ năm 1923 đến năm 1943, trong đó có dinh Thống đốc Nam Kỳ (1939-1943). Từ năm 1948, ông làm Quyền quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn cho đến khi về hưu vào năm 1964.
Thuở nhỏ ông thích tìm hiểu về đồ cổ. Sau khi về hưu, ông chuyên sưu tập các loại sứ gốm cổ, khảo cổ về hát bội, cải lương và cộng tác với đài Phát thanh Sài Gòn. Ngoài ra, ông còn khảo cứu về các trò chơi cổ truyền: đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng kiểng, nghệ thuật chơi cổ ngoạn, nghiên cứu về chuyện tiếu lâm. Những ai muốn nghiên cứu về lịch sử miền Nam thế kỷ XX chắc hẳn sẽ tìm thấy trong các tác phẩm của ông những nguồn tài liệu bổ ích.
Một số tác phẩm có giá trị của ông có thể kể đến: