Với Chỉ cần mẩu khăn giấy, Dan Roam đã thật sự mang đến cho độc giả một cách quan sát mới mẻ đối với thế giới. Ông chứng minh rằng tư duy bằng hình ảnh có thể giúp bất cứ ai phát triển ý tưởng, giải quyết vấn đề theo những cách thức mang tính đột phá, và truyền đạt hiểu biết của mình thật hiệu quả. Còn với Hình vẽ thông minh, phương pháp tư duy bằng hình ảnh sẽ được Dan đi sâu vào hướng dẫn chi tiết thông qua hàng loạt bài tập và ví dụ minh họa vui nhộn như thương vụ giữa Microsoft và Yahoo!
Từng bước của quá trình xem xét vấn đề, hình dung giải pháp mới và phối hợp mọi người cùng tham gia đều hiện lên rất sinh động và dễ hiểu, khiến chúng ta có thể yên tâm bỏ qua máy tính và những bài Powerpoint rắc rối. Thứ bạn cần chỉ là một mẩu giấy giản đơn, hoặc một tấm bảng trắng, và vài cây bút, để đương đầu với MỌI VẤN ĐỀ!
***
Giải quyết VẤN ĐỀ PHỨC TẠP bằng HÌNH VẼ ĐƠN GIẢN.
"Hình vẽ thông minh" là cuốn sách, là khoá học tự học kéo dài 4 ngày về cách tư duy giải quyết vấn đề bằng hình ảnh được Dan Roam thiết kế. Dan Roam là tác giả của cuốn sách "Chỉ cần mẩu khăn giấy: Giải quyết vấn đề và bán mọi ý tưởng bằng hình vẽ".
---
Theo cảm nhận của cá nhân mình, cuốn sách thúc mình thực hành rất là nhiều và có các ví dụ thực tế để áp dụng chứ không đơn giản chỉ là lý thuyết.
Dan Roam đưa ra các mô hình 6x6 và S.Q.V.I.D để giải quyết vấn đề bằng một công cụ mà ông gọi là con dao Thuỵ Sỹ.
1. Công cụ sẵn có của bản thân: Mắt, Trí tưởng tượng và sự kết hợp giữa Mắt và Tay.
2. Quy trình tư duy hình ảnh: Nhìn, Thấy, Hình dung và Trình bày.
Ở phần này, Dan Roam đưa ra các bước cần thiết để nhìn một cách chủ động:
i. Thu thập tất cả các dữ liệu trong khả năng có thể;
ii. Bố trí tất cả ở vị trí mà bạn có thể nhìn chúng;
iii. Thiết lập các yếu tố phối hợp cơ bản;
iv. Vẽ bản đồ dữ liệu;
v. Rút ra kết luận.
3. Hệ thống phối hợp 6W giúp dễ dàng thấy vấn đề: Who/What?, How much?, Where?, When?, How? và Why?
4. Cái mở nút chai và xòng xoắn S.Q.V.I.D - công cụ mở cửa trí tưởng tượng: các kịch bản và cách trình bày.
Dan Roam trình bày 5 câu hỏi SQVID:
i. Tôi thích một hình ảnh đơn giản hay tỉ mỉ?
ii. Tôi thích nhận biết về định tính hay định lượng?
iii. Viễn cảnh hay Việc thực thi là quan trọng nhất với tôi lúc này?
iv. Với tôi, điều quan trọng là nhìn nhận ý kiến của mình một cách riêng biệt hay trong mối quan hệ so sánh?
v. Ý tưởng của tôi có thể được tạo nên nhờ thay đổi hay vẫn duy trì nguyên trạng (đúng như hiện tại)?
Tuy nhiên, khi trình bày, chúng ta có khán giả chính vì vậy cần tuỳ vào đối tượng lắng nghe chúng ta là ai để có thể lựa chọn phương thức "mở chai" một cách phù hợp. Ví dụ: để trình bày về một lĩnh vực phức tạp hay nhạy cảm như tình dục; đối với trẻ nhỏ cấp 1 ta cần sự đơn giản nhưng với người trưởng thành hay các chuyên gia, sự tỉ mỉ là cần thiết và phù hợp hơn.
Kết thúc 4 ngày học, mình chưa thực sự thấy khả năng vẽ lên tay, có điều cách nhìn nhận vấn đề và tư duy có thay đổi tích cực, đáng kể.
Tự nhận bản thân cũng như kết hợp với bài test của Dan trong cuốn sách, mình là tuýp người "bút đỏ" - tức có suy nghĩ "Tôi không giỏi về hình ảnh". Hai tuýp người còn lại là "Bút đen" - "Đưa cho tôi cây bút" và "Bút vàng" - "Tôi không biết vẽ nhưng…" Ấy vậy mà trong quá trình đọc sách mình cũng nguyệch ngoạc được vài nét gọi là nhìn cũng hiểu được ý định đang vẽ cái gì. Hy vọng sẽ cải thiện sớm sớm ^^
Tuy nhiên do được thiết kế 4 ngày nên các bạn chú ý đọc liền mạch kẻo bị quên. Ngày thứ 2 kiến thức nhiều và nặng nên có thể chia đôi ra nhé :))
Mời các bạn đón đọc Hình Vẽ Thông Minh của tác giả Dan Roam.