Bạn có một ý tưởng rất hay nhưng không thể trình bày với sếp của mình? Bạn rất yêu một cô gái nhưng không biết tỏ tình làm sao? Bạn muốn xin một sự giúp đỡ? Rất nhiều tình huống trong cuộc sống mà khả năng trình bày của bạn có thể cứu sống chính bạn.
Theo nghiên cứu thì con người ta còn sợ thuyết trình trước đám đông hơn là sợ chết? Người ta thà chết con hơn phải là đứng trước đám đông. Đơn giản vì bạn có thể nghĩ mọi người đang dò xét bạn. Bạn không tốt chỗ này, không tốt chỗ kia. Một tỉ câu chuyện cổ tích mà bạn có thể tự vẽ ra. Mà bạn quên mất một điều rằng mọi thứ đều có chiến lược, phương pháp để làm nó.
Trong cuốn sách này tác giả sẽ chỉ cho bạn các bước chi tiết để có thể tạo ra một bài thuyết trình ấn tượng, mở ra nhiều cơ hội cho bạn. Giúp bạn quy phục lòng người, chinh phục thành công.
Dale Carnegie sẽ chỉ cho bạn cách làm thế nào để:
- Phát huy tính tự chủ
- Lấy lại tự tin
- Tăng cường trí nhớ
- Bắt đầu và kết thúc một bài nói
- Hấp dẫn và lôi cuốn người nghe
- Hoàn thiện phong cách diễn đạt
Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng: Đưa ra nhiều cách có giá trị thực tiễn trong việc cảm hóa những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của bạn như: Bạn bè, khách hàng, đồng nghiệp và cấp trên của bạn… Những kiến thức trong cuốn sách này đã được hơn một triệu học sinh các khóa học Dale Carnegie nổi tiếng thế giới đào tạo "nghệ thuật nói trước công chúng" và đã sử dụng thành công.
Đây là cuốn sách cho tất cả những ai muốn tiến lên phía trước. Như những gì tác giả đã thể hiện trong cuốn sách, các kỹ xảo giúp bạn vượt qua sự e ngại khán giả, sẽ giúp bạn trong mọi tình huống trong cuộc sống.
***
Trong rất nhiều năm. Dale Carnegie là tác giả nổi tiếng với những cuốn sách viết về cách có thêm bạn bè và thuyết phục người khác. “Cách có thêm bạn bè và thuyết phục người khác” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong mọi thời đại và đã khiến Dale nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng đó chưa phải cuốn sách được phát hành đầu tiên của ông.
Năm 1926, Dale Carnegie viết cuốn sách có tựa đề “Diễn thuyết trước công chúng” và “Thuyết phục người khác trong kinh doanh”. Đây là cuốn sách về diễn thuyết trước công chúng, và đến nay vẫn được coi là giáo trình chính thức của những khóa học nổi tiếng do Dale Carnegie tổ chức về Diễn thuyết trước công chúng và Các mối quan hệ của con người. Đây cũng được coi như cuốn giáo trình cho khóa học diễn thuyết Y.M.C.A. Trong vòng mười năm, cuốn sách này đã bán được 600.000 bản và tổng số bản sách bìa cứng đã bán được trên toàn thế giới là 1.000.000 bản. Cuốn sách đã được xuất bản bằng khoảng hai mươi thứ tiếng trên thế giới và đã bán được hàng nghìn bản dưới các ngôn ngữ này. Tuy nhiên, đó vẫn chưa là cuốn sách được đa số công chúng độc giả biết đến.
Các khóa học của Dale Carnegie đã diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới và đã có hơn 1.000.000 người đã hoàn thành các khóa học này. Những khóa học đã giúp con người ta trở nên dũng cảm hơn, hạnh phúc hơn và thành công hơn trong cuộc sống do chúng đã giúp họ phát huy được khả năng của bản thân mình.
“Diễn thuyết trước công chúng - cách giúp tăng sự tự tin và thuyết phục người khác” chứa đựng rất nhiều những lời khuyên khôn ngoan giúp người đọc đạt được các mục tiêu mà mình đề ra. Sau khi đọc kỹ lại cuốn sách, tôi đã biết được có bao nhiêu quy luật khôn ngoan để vượt qua nỗi sợ hãi và giành lấy sự tự tin trong cuốn sách này. Những phương pháp mang tính lý thuyết và những gợi ý đã bổ sung thêm những quy luật giúp mọi người gặp nhau, dù là cá nhân hay theo nhóm, và nói chuyện một cách thật hiệu quả.
Tôi thật sự hy vọng rằng người đọc sẽ học được nhiều điều từ cuốn sách, giống như hàng ngàn học viên của các khóa học Dale Carnegie trên toàn thế giới trong nhiều năm qua.
DOROTHY CARNEGIE.
***
Từ năm 1912 đến nay, đã có hơn năm trăm nghìn người, cả nam lẫn nữ đã tham gia những khoá học diễn thuyết trước công chúng sử dụng phương pháp dạy của tôi. Rất nhiều người trong số họ đã từng viết thư cho tôi giải thích lý do họ tham gia khoá học đó và những gì họ mong đợi đạt được từ khoá học đó. Theo lẽ thường tình, mỗi người có cách diễn đạt khác nhau, nhưng đáng ngạc nhiên là, trong hầu hết các lá thư đó đều thể hiện một mong muốn như nhau. Người nào cũng viết đại ý: “Khi tôi bị gọi lên phát biểu, tôi bỗng cảm thấy rất lúng lúng, rất sợ hãi. Do đó tôi không thể suy nghĩ mạch lạc, không thể tập trung, không thể nhớ những gì tôi đã dự định sẽ nói từ trước. Tôi muốn trở nên tự tin, điềm tĩnh và có khả năng tự suy nghĩ. Tôi muốn sắp xếp các suy nghĩ của tôi theo một trình tự hợp lý và tôi muốn tôi có thể phát biểu ý kiến của mình một cách rõ ràng và thuyết phục trước công ty, câu lạc bộ hay trước rất nhiều người nghe”. Hàng nghìn người có ý kiến tương tự như vậy.
Sau đây tôi sẽ kể cho các bạn nghe một trường hợp điển hình. Nhiều năm trước đây, đã có một quý ông trung niên tên là D. W. Ghent tham dự khoá học thuyết trình trước công chúng của tôi tại Philadenphia. Đây là người có một cuộc sống khá năng động. Ông đã thành lập và làm chủ một cơ sở sản xuất riêng, là người lãnh đạo trong các hoạt động quần chúng và trong các công việc của nhà thờ. Chỉ ít lâu sau buổi học đầu tiên, ông ta đã mời tôi cùng ăn trưa tại câu lạc bộ Manufacturer. Trong bữa ăn, ông ta ngồi dựa vào bàn và nói: “Đã rất nhiều lần tôi được đề nghị phát biểu trước đám đông, nhưng chưa bao giờ tôi có đủ khả năng làm được điều đó. Những lúc đó, tôi bỗng trở nên cuống quýt, đầu óc tôi trở nên trống rỗng và tôi luôn phải lẩn tránh việc này. Nhưng bây giờ, tôi đang giữ cương vị chủ tịch một hội đồng gồm ủy ban quản trị các trường đại học. Tôi phải làm chủ tọa các buổi họp của hội đồng. Và đương nhiên là tôi sẽ phải nói đôi điều gì đó trong các cuộc họp đó… Liệu ông có nghĩ tôi có thể học cách nói khi đã vào tuổi này rồi hay không?” “Ông hỏi tôi sẽ nghĩ như thế nào ư, ông Ghent?”, tôi đáp, “Vấn đề không phải là tôi nghĩ ra sao. Vấn đề là tôi biết ông có thể làm được điều đó, và tôi biết ông sẽ làm được, chỉ cần ông luyện tập và làm theo những chỉ dẫn của tôi mà thôi.”
Ông ta rất muốn tin những gì tôi nói, nhưng dường như điều đó quá lạc quan, quá tốt đẹp. “Tôi e là ông chỉ nói như thế vì lòng tốt mà thôi”, ông ta trả lời, “và ông nói thế chỉ cố để khích lệ tôi mà thôi”.
Sau khi kết thúc khoá học đó, chúng tôi mất liên lạc một thời gian. Sau đó, chúng tôi có dịp gặp lại và cùng ăn trưa với nhau tại câu lạc bộ Manufacturer. Hai chúng tôi lại ngồi ở góc cũ, đúng chiếc bàn mà chúng tôi đã ngồi trong lần đầu tiên đến đây cùng nhau. Nhắc lại câu chuyện trước đây, tôi có hỏi liệu tôi có đã quá lạc quan hay không. Để trả lời, ông ta lôi từ trong túi áo ra một cuốn vở có gáy màu đỏ và cho tôi xem một danh sách các ngày và buổi nói chuyện mà ông được mời tới diễn thuyết. Ông ta thừa nhận: “Và khả năng để thực hiện những điều này, niềm vui của tôi khi được làm những việc này, cùng những đóng góp của tôi đối với cộng đồng là một trong những gì khiến tôi cảm thấy hài lòng nhất trong cuộc đời tôi”.
Sau đó ít lâu, một hội nghị quan trọng về giải trừ quân bị được tổ chức tại Oasinhtơn. Khi biết Thủ tướng Anh có kế hoạch sẽ tham gia hội nghị này, những người theo Đạo Tin Lành ở Philadelphia đã đánh điện mời Thủ tướng tới nói chuyện trong một cuộc gặp mặt của đông đảo quần chúng sẽ được tổ chức tại đây. Và ông Ghent đã thông báo cho tôi biết rằng, trong số tất cả những người theo Đạo Tin lành ở thành phố này, chính ông đã được chọn làm người giới thiệu Thủ tướng Anh với người nghe trong buổi gặp mặt hôm đó.
Và đó chính là người đàn ông đã ngồi cùng một bàn với tôi gần ba năm về trước mà đã rất nghiêm túc hỏi tôi nghĩ thế nào về việc liệu ông ấy có thể nói trước đám đông được hay không.
Nhưng như vậy có phải tốc độ phát triển kỹ năng nói của ông ta nhanh quá mức bình thuờng không? Không hẳn là như vậy. Đã có hàng trăm tình huống tương tự xảy ra. Câu chuyện tiếp theo đây sẽ là một ví dụ cụ thể khác. Nhiều năm trước đây, một bác sỹ điều trị ở Brooklyn, bác sỹ Curtis, đã nghỉ đông ở Florida, gần bãi tập của câu lạc bộ bóng chày Những người khổng lồ (Giants), vốn là một cổ động viên nhiệt tình của môn thể thao này, ông ta thường đến đây xem các cầu thủ tập luyện. Dần dần, ông trở nên quen thân với đội bóng, và đã được mời tham dự một bữa tiệc thân mật của đội bóng.
Sau khi uống trà, một vài vị khách quan trọng được mời “phát biểu vài lời”. Đột nhiên, giữa lúc ồn ã đó, bác sỹ Curtis bỗng nghe người chủ tiệc bữa tiệc nói: “Hôm nay, trong bữa tiệc này có một bác sỹ điều trị cùng dự với chúng ta. Và sau đây tôi xin mời Bác sỹ Curtis sẽ nói với chúng ta về vấn đề Sức khỏe của các cầu thủ bóng chày”.
Liệu Bác sỹ Curtis có biết về chủ đề đó không? Đương nhiên là có. Ông ấy biết rõ hơn bất cứ ai trên thế giới này: ông đã từng học về vệ sinh, đã thực hiện việc khám bệnh và điều trị đã gần một phần ba thế kỷ. Ông có thể ngồi tại chỗ và nói về chủ đề này suốt đêm cho những người ngồi xung quanh ông cùng nghe. Nhưng phải đứng dậy và nói trước một nhóm các khán giả như trong bữa tiệc này lại là vấn đề khác. Đó là vấn đề do tâm lý sợ hãi gây ra. Lúc đó, tim ông bỗng đập nhanh gấp hai lần bình thường, và cứ thế đập liên tục. Trong cuộc đời mình, ông chưa bao giờ diễn thuyết trước đám đông và tất cả những gì ông nghĩ đến lúc đó chỉ là làm thế nào để mọc cánh bay thoát ra khỏi chỗ đó.
Ông ấy phải làm gì bây giờ? Khản giả vỗ tay ào ào, mọi người đều nhìn về phía ông. Bác sỹ Curtis lắc đầu, nhưng hành động này chỉ càng khiến khán giả vỗ tay to hơn. Mọi người hò reo yêu cầu bác sỹ Curtis phát biểu.
Tiếng hô “Bác sỹ Curtis! Phát biểu đi! Phát biểu đi!” ngày càng to và cương quyết hơn.
Bác sỹ Curtis lúc đó thật sự rất đáng thương. Ông hiểu ràng nếu ông đứng dậy nói, ông sẽ thất bại, vì ông không thể nói được quá sáu câu. Và thế là ông đứng dậy, nhưng không nói một lời nào, quay lưng lại với các bạn của mình và lặng lẽ rời khỏi phòng trong tâm trạng xấu hổ vô cùng và như vừa bị hạ nhục.
Thế cho nên không có gì đáng ngạc nhiên là khi việc đầu tiên bác sỹ Curtis làm sau sự việc trên lúc trở về Brooklyn là tham gia lớp học về diễn thuyết trước công chúng của tôi. Ông không muốn bị xấu hổ ê chề như thế thêm một lần nào nữa.
Mời các bạn đón đọc Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng của tác giả Dale Carnegie.