Này! Bí mật nhé!
Lão Armand sống dưới chân cầu ở Paris ấy mà, lão có một trái tim đấy. Nhưng lão phải giấu kỹ lắm, kẻo cái bọn trẻ con láu lỉnh mà biết thì sẽ thó mất trái tim của lão liền lập tức
Ấy thế mà lão lại gặp ngay phải những đứa trẻ vốn chẳng có mong ước gì hơn một mái nhà để cả gia đình chúng cùng được sống với nhau. Chúng mới khôn làm sao chứ!
Gay go quá, lão có giấu nổi trái tim của mình không đây?
***
Ngay từ cái tên “Gia đình dưới chân cầu” đã khiến cho người đọc tò mò lúc mở những trang đầu của cuốn sách nhỏ. Đó không phải là câu chuyện về mùa giáng sinh tráng lệ ở châu Âu, mà là cuộc sống của tầng lớp vô gia cư ở Paris dưới những chân cầu trong tiết trời buốt giá. Nơi đó, khi dõi theo chuyện kể về ông già lang thang Armand và 3 đứa trẻ nhỏ, trái tim ta như được hâm nóng dần lên, lấp lánh yêu thương. Đã lâu lắm rồi sống với trái tim giấu kĩ, lão Armand chẳng muốn ai “thó mất” nó, nhất là bọn trẻ mà lão thường gọi là “sáo đá” hay “chim con ngốc nghếch” suốt ngày chỉ biết ríu rít. Hóa ra, trong tâm thức của ông già lang bạt này luôn ngự trị một nỗi sợ “Trẻ con đồng nghĩa với nhà cửa, trách nhiệm cùng một công việc ổn định”. Lão muốn phiêu lưu với chiếc xe nôi cũ kĩ không mui, đi xuyên qua Paris, dưới những chân cầu và tận hưởng mùi thơm của những bữa ăn tỏa ra từ những nhà hàng sang trọng trên phố. Rồi cuộc phiêu lưu của lão đã xuất hiện sự mới mẻ đầy háo hức như lời dự báo của bà bạn thầy bói Mireli khi lão bắt gặp 3 đứa trẻ dưới chỗ cũ như mọi năm của lão ở dưới chân cầu. Thêm một con chó nhỏ “chắc vốn có màu trắng”, 3 đứa trẻ nhỏ ngây ngô và dễ thương đã dần dần cảm hóa tâm hồn lão, đánh thức những gì mà lão luôn chối bỏ, lảng tránh. Lão nhận ra rằng khi đem niềm vui đến cho người khác, chính bản thân lão cũng hạnh phúc và yêu đời hơn. Sự quan tâm lo lắng mà lão dành cho 3 đứa trẻ nhỏ đã giúp lão chiến thắng cuộc đấu tranh nội tâm để mong ước trở thành một người lao động Paris có căn nhà nhỏ ấm cúng. Và rồi lão hiểu rằng “không phải các bức tường và đồ đạc làm nên một ngôi nhà”, mà phải là “một gia đình”, mà “gia đình thì phải gắn bó với nhau”.
Mạch kể câu chuyện rất nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh và lôi cuốn. Natalie Savage Carlson đã khéo lẽo dẫn dắt người đọc đi xuyên suốt câu chuyện với những tình tiết khá xúc động về bối cảnh của những người nghèo cơ nhỡ trong xã hội hiện đại của châu Âu. Nơi tận cùng những con phố nhỏ hẹp và dưới chân cầu ấy có biết bao số phận người bần cùng, những người vô gia cư và những người du cư. Tuy cuộc sống phải rày đây mai đó và bữa ăn eo hẹp phải chạy vạy từng ngày, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ là những ước mơ bình dị, trái tim của họ có lúc khép lại vì khốn khó nhưng lại ấm áp và mở rộng trở lại khi yêu thương chạm đến.
Dù được viết cách đây hơn 50 năm,“Gia đình dưới chân cầu” vẫn không mất đi tính hiện thực và lòng nhân ái. Tập truyện từng đoạt giải thưởng Newbery cho văn học thiếu nhi năm 1959 này gửi rất nhiều thông điệp đến cho người đọc, và là một món quà ý nghĩa nhất trong mùa giáng sinh. Những tâm hồn giá lạnh, khô khan và vô cảm sẽ được sưởi ấm bằng sự ngây thơ hồn nhiên của trẻ nhỏ, những ước mơ sẽ trở thành hiện thực một cách diệu kỳ như lời cầu nguyện của lão Armand trong buổi lễ Giáng sinh ở ngoài trời gió lạnh. Cuốn sách giúp chúng ta nhận ra rằng: Hãy cứ cho đi, hãy cứ tin yêu, và hạnh phúc sẽ mỉm cười với những ai không ngừng hy vọng.
(Đọc Gia đình dưới chân cầu, Natalie Savage Carlson, NXB Thời đại, Cty sách Phương Nam ấn hành, Trịnh Huy Ninh dịch, 2009).
Thanh Tâm
***
Ước mơ có được món quà trong ngày Noel, là ước mơ chính đáng của những đứa trẻ trong truyện, cũng như hàng ngàn những đứa trẻ khác ngoài đời thực. Còn gì quý giá hơn khi món quà ấy khiến những đứa trẻ cảm thấy quý trọng gia đình mà trẻ đang có. Gia đình dưới chân cầu có thể làm được điều đó.
Không ai có thể cầm lòng trước cảnh ngộ của những đứa trẻ đáng yêu trong truyện, kể cả ông già Armand “đã cất kĩ trái tim”, đang sống dưới chân cầu. Ba chị em nhà Calcet cùng con chó nhỏ phải sống dưới chân cầu vì cha mất, mẹ làm không đủ ăn và trả tiền nhà. Từng ngày, từng ngày, những đứa trẻ đùm bọc, dạy dỗ lẫn nhau và mơ ước được đi học trở lại. Nhưng ước mơ lớn nhất của các em là một ngôi nhà “thật”. Ngôi nhà mà họ có thể sống cùng với nhau.
Những chi tiết bé bỏng, đáng yêu và vô cùng xúc động trong cuốn sách mỏng này có thể khiến bạn bật cười hoặc rơi nước mắt. Cuốn sách đề cao tình cảm gia đình, đặc biệt là trong những ngày lễ lớn như Noel và Tết, người ta cảm thấy cần nhau hơn, và cuộc sống của mỗi cá nhân được trân trọng hơn.
Lễ hội Noel của Gia đình dưới chân cầu được tổ chức tưng bừng gần nhà thờ Đức Bà Paris với tình yêu thương và dung dị của ông già Armand.
***
Natalie Savage Carlson (1906 - 1997): là tác giả gốc Mỹ, sống ở Pháp nhiều năm cùng chồng và viết nhiều về thiếu nhi nước Pháp. Quyển sách được yêu thích nhất của bà là Gia đình dưới chân cầu, xuất bản tại Pháp năm 1958, và được giải thưởng Newbery Honor năm 1959. Năm 1966, bà được chọn trao giải thưởng Quốc tế Hans Christian Andersen - giải thưởng danh giá cho sách viết về thiếu nhi. 15 quyển sách văn học thiếu nhi của bà được sưu tầm để nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota ở bang Minneapolis, Minnesota.
Mời các bạn đón đọc Gia Đình Dưới Chân Cầu của tác giả Natalie Savage Carlson.