Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Marion Mãi Mãi Tuổi 13

Marion, Mãi Mãi Tuổi 13

Cuốn sách gây chấn động nước Pháp về nạn Quấy rối học đường.

Quấy rối học đường hay còn đươc gọi là bắt nạt học đường, là một sản phẩm kém văn minh của xã hội. Tháng 5. 2014, Nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực giới trường học tại Hà Nội với 3.000 học sinh ở 30 trường học ở Hà Nội đã công bố con số 19% học sinh cho rằng đã từng bị quấy rối hoặc bắt nạt. Vấn nạn này được nói đến nhiều trong vài năm gần đây nhưng thực tế đã có từ vài thập kỉ trước. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, chúng ta đã xem nhẹ những hành vi này và không thực sự lưu tâm đến các biểu hiện của con trẻ.

Khi nhắc tới những vấn nạn học đường, người ta thường nghĩ ngay tới những trận ẩu đả, đánh đấm của lũ học sinh. Tuy nhiên, thực chất đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Quấy rối học đường còn là các hành vi bạo lực về thể xác, tinh thần, tình dục, ngôn ngữ và còn vô vàn hình thức khác mà chúng ta chưa biết hết.

Dựa trên một câu chuyện có thật tại Pháp, hơn 200 trang sách “Marion, mãi mãi tuổi 13” đã tái hiện lại một câu chuyện đầy hoang mang và phẫn uất về cái chết của một học sinh 13 tuổi trong một vụ án quấy rối học đường. “Marion, mãi mãi tuổi 13” khiến tất cả chúng ta không thể thờ ơ trước vấn nạn này được nữa.

***

Gửi Marion

Marion, con gái yêu của mẹ, con đã tự vẫn1[*] ở tuổi 13, vào ngày 13 tháng Hai năm 2013, bằng cách dùng chiếc khăn quàng để tự treo cổ mình ngay trong phòng ngủ.

Bên dưới giường, người ta cũng đã tìm thấy chiếc điện thoại di động của con bị treo lơ lửng vào một đầu sợi dây để tượng trưng cho việc cắt đứt mọi lời chửi rủa và đe dọa của những kẻ đã từng tra tấn con ở trường học.

Mẹ viết cuốn sách này để tưởng nhớ con, để giãi bày nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng đời trong tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ cùng nhau nữa.

Mẹ viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nổ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn.

Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm.

Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa.

***

1

Thứ Tư ngày 13 tháng Hai năm 2013

"Chúng ta vậy là đã nhận cái án chung thân rồi"

Con khi ấy đang nằm trên giường ở trên lầu, mẹ đến sờ trán con thì thấy hình như cơn sốt đã hạ rồi. “Có vẻ khá hơn rồi đấy!” - mẹ đã nói thế. Nhưng không, chẳng có gì khá hơn cả.

Hôm trước, con cảm thấy không khỏe nên đã xin nghỉ học để về nhà sớm. Bà đã đón con vào tầm 13 giờ 15. Con kêu bị đau họng, mẹ đoán là con bị cảm cúm. Mẹ đã khuyên con nghỉ ngơi trong phòng bố mẹ cho yên tĩnh và uống hai viên thuốc. Buổi tối, hai má con nóng bừng, mẹ lại cho con thêm một viên thuốc nữa. Sau khi dùng bữa tối với cả nhà thì con quay vào giường đi ngủ. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả khi ta bị mệt. Sáng hôm sau con đã không dậy đúng giờ đi học, mẹ gọi điện đến trường để thông báo với các thầy cô là con bị ốm. Vào tầm 11 giờ, con xuống dưới nhà ăn trưa như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Chẳng ồn ã gì, hệt như thường lệ khi con ngủ dậy. Mẹ sẽ chẳng bao giờ quên được ánh mắt con khi ấy, chiếc áo đen xinh xắn mà con đã mặc hôm ấy, khuôn mặt đáng yêu của con chẳng hé lộ chút nào về những gì con đã trải qua. Các bậc cha mẹ luôn rất ngây thơ khi họ yêu con cái mình. Họ thiếu trí tưởng tượng.

Thứ Tư, mẹ nghỉ làm ở cơ quan để ở nhà chăm sóc ba chị em con. Con đã 13 tuổi rồi nên tự xoay xở lấy. Con nghĩ thế và mẹ cũng tin là như vậy. Nhưng còn em gái Clarisse của con, nó mới lên chín tuổi và em trai con, Baptiste, vừa chớm 18 tháng. Mẹ phải đem những túi rác đến khu lọc rác, nhân tiện đem một số quần áo đã quá chật đối với các con đến cho Zahia. Số đồ cũ ấy bao giờ cũng hữu dụng với một người có bốn đứa con như cô ấy. Mẹ lên phòng con để thông báo mẹ sẽ vắng nhà trong khoảng thời gian làm tất cả những công việc ấy và sẽ quay về sớm thôi.

Con nằm trên giường, chìm khuất trong bóng tối. Mẹ đã mở cửa cuốn bao ngoài cửa sổ và thở dài nói với con rằng chẳng nên nằm lì trong bóng tối mãi như thế. Đôi mắt con ánh lên vẻ mệt mỏi lẫn buồn ngủ. Mẹ đã đem điện thoại bàn đến bên con và bảo nếu có chuyện gì thì gọi cho mẹ. Và mẹ đã khóa cửa nhà. Thật ngu ngốc! Nỗi lo sợ bị trộm lẻn vào đã choán lấy tâm trí mẹ. Các bà mẹ luôn có thói quen lạ lùng là chỉ nghĩ đến những gì tồi tệ nhất, họ làm mọi việc chỉ để loại bỏ những hoảng loạn ra khỏi đầu. Họ sợ tai nạn trên đường, sợ bệnh tật, sợ đối mặt trực diện với một tên trộm. Nhưng những chuyện ấy vẫn chưa phải là khủng khiếp nhất. Làm sao họ có thể nghĩ đến điều khủng khiếp nhất, đến nỗi đau tóe ra từ sự phi lý nhất trên đời, và sự phi lý ấy đã đẩy con đến chỗ rời khỏi cõi đời này chứ?

Điều khủng khiếp nhất trong sự khủng khiếp đã xảy ra vào ngày hôm đó, thứ Tư ngày 13 tháng Hai năm 2013. Mẹ đã tạt qua khu lọc rác thải như dự kiến, rồi đến nhà Zahia, cô ấy ở cách nhà mình chừng mười phút chạy xe. Do đang ăn trưa cùng với các con nên bạn của mẹ đã lấy thêm hai cái đĩa cho em trai và em gái con. Mẹ và cô ấy đã trò chuyện với nhau vẽ những tác hại của Facebook và sự lan tràn của điện thoại di động. Chỉ riêng tháng Giêng, tài khoản của con báo có đến 3.000 tin nhắn SMS! Mẹ vẫn còn hết sức ngỡ ngàng vì điều đó.

Bỗng nhiên mẹ nghĩ đến con đang nằm một mình trên giường với những dòng tin nhắn khủng khiếp mà bố mẹ đã tìm thấy trong điện thoại của con chín ngày trước. Bố mẹ đã phải ép con đọc mã số mở máy trong lúc con cứ ghì chặt cái điện thoại bằng hai tay với vẻ mặt ngơ ngác.

Bỗng nhiên mẹ cảm thấy cần nói chuyện với con, cần kiểm tra xem mọi chuyện có ổn không. Xem liệu con có bị ngã khi leo từ giường tầng của con xuống? Liệu con có bị trượt chân trong phòng tắm? Điện thoại di động của con không trả lời, điện thoại bàn cũng không. Nỗi kinh hoàng choán lấy mẹ. Lúc ấy vẫn chưa đến 13 giờ, mẹ chạy ào ra xe cùng hai đứa em nhỏ của con. Một linh cảm xấu xâm chiếm tâm trí mẹ. Mẹ vừa lái xe vừa gọi điện thoại như một mụ điên. Mẹ để mặc các em trong chiếc xe vẫn còn đang nổ máy ngay trước nhà và chạy nhanh đến cửa. Cửa vẫn được khóa cẩn thận đúng như lúc mẹ đi, điều ấy đã trấn an mẹ. Mẹ hét lên gọi con ngay khi vừa bước vào nhà. Chỉ có sự yên lặng đáp lại.

Mẹ chạy nhanh lên cầu thang. Con không ở trong nhà tắm. Cửa phòng con đóng chặt, có gì đó chèn cửa ngăn không cho người vào. Mẹ nghĩ là con đang ngồi co quắp đằng sau cánh cửa để không cho mẹ vào lãnh địa của con. Mẹ đẩy mạnh hơn, thì ra là chiếc ghế của con đã chặn cửa lại. Giây phút đó kéo dài như bất tận. Đẩy nữa, đẩy mạnh, khai thông lối vào… Và mẹ đã nhìn thấy con.

Miệng hét váng lên, nước mắt đầm đìa, mẹ bám chặt lấy con, cố gắng nâng con lên để cổ con đỡ bị thít chặt. Không thể thế được! Không thể thế! Mẹ không sao tự gỡ cho con được. Mẹ tìm thấy kéo trong phòng tắm, cắt đứt cái khăn quàng cổ đang khiến con nghẹt thở làm con ngã xuống sàn. Mẹ tát mạnh vào má để đánh thức con, con có vẻ vẫn còn ý thức. Hà hơi tiếp sức. Gọi cấp cứu khẩn cấp, số 18, nhanh lên. Các nhân viên cấp cứu nói rằng họ đang đi về hướng Massy. Không, ở Vaugrigneuse cơ – mẹ gào, mẹ khóc, mẹ ngạt thở. Mẹ thực hiện mát-xa tim mạch cho con hệt như họ hướng dẫn qua điện thoại. Con đã nôn được.

Mẹ phải đặt con theo thế nằm nghiêng sang một bên trong vài khắc, rồi lại bắt đầu làm tiếp. Mát-xa, mát-xa nữa, rồi lặp lại lần nữa, tỉnh lại đi con ơi, Marion, mẹ xin con đấy.

Em trai và em gái con vẫn đang ở một mình trong chiếc xe còn nổ máy, những người lính cứu hỏa không tìm thấy đường. Mát-xa, mát-xa, mát-xa. Nhanh lên, báo cho bố con biết, bố vẫn đang đi làm. Nói với bố rằng có chuyện rất nghiêm trọng xảy ra, bố phải về nhà ngay.

Một người lính cứu hỏa ló đầu vào. Ông ta ra lệnh cho mẹ phải đi xích con chó nhà ta lại, con Vanille ấy. Mẹ đã gọi cho gia đình, người thân, gọi cho cô bạn thân nhất của mẹ. Zahia đã rất lo lắng và đến ngay để xem có chuyện gì xảy ra. Cô ấy đón Baptiste còn cô bạn Myriam của mẹ thì dẫn Clarisse đi. “Chị Marion bị choáng một chút” – mẹ đã giải thích cho em gái con như thế. Những hiến binh đã có mặt, cả ông thị trưởng thành phố cũng tới.

Mẹ đã gào thét, nguyền rủa, sỉ vả mình đến hụt hơi. Mẹ lẽ ra không bao giờ nên để con ở nhà một mình. Mẹ lẽ ra không bao giờ nên đến nhà Zahia. Mẹ lẽ ra không nên để cô ấy bày thêm đĩa ăn cho Clarisse và Baptiste. Mẹ lẽ ra không nên ngồi tán phét với cô ấy. Mẹ lẽ ra nên ôm con trong vòng tay mình và ru dỗ con cho đến tận lúc những ý tưởng đen tối trong đầu con bay đi hết.

Sự tự kết tội cứ bủa vây lấy mẹ. Tại sao mẹ lại đi chứ? Tại sao mẹ lại để con một mình? Tại sao mẹ lại không nhìn thây có chuyện gì bất thường chứ? Tại sao con lại không nói gì với mẹ? Tại sao lại là con, tại sao lại là mẹ, tại sao lại là chúng mình chứ?

Bố con đã về đến nhà. Vào lúc 14 giờ 30, người ta thông báo với bố mẹ rằng con đã rời bỏ thế giới này mà đi rồi. “Có lá thư nào không?” Không, chẳng có gì cả, những hiến binh trả lời chắc chắn. Bố mẹ quá choáng váng, bàng hoàng, như thể sợi dây nối buộc chúng ta với nhau trong thực tại đã bị cắt đứt đột ngột vậy. Đây chỉ có thể là một cơn ác mộng, một trong những bộ phim tồi tệ nhất mà trong đó người ta để mặc mình bị nhấn chìm hoặc nuốt chửng. Bạn bè của gia đình đến thăm hỏi, chuẩn bị đồ ăn, giặt giũ quần áo, giúp đỡ mọi việc trong khi bố mẹ vẫn đang mắc kẹt trong trạng thái đờ đẫn không phân định được ranh giới giữa cuộc sống trước đây và cuộc sống hiện tại. Cuộc sống cầm chừng. Cuộc sống bị tản mạn điểm xuyết bởi những nỗi buồn sầu lắng bâng khuâng. Cuộc sống mà không còn có con nữa.

Cuộc sống với bốn người. Cuộc sống phải xây dựng lại. Cuộc sống mà bố mẹ sẽ cố gắng sao cho nó thật xứng đáng với Clarisse, với Baptise. Ừ, đương nhiên phải thế rồi. Nhưng cuộc sống không có con, Marion ạ. Cuộc sống không có con. Bố mẹ và các em vậy là đã nhận cái án chung thân rồi.

Mời các bạn đón đọc Marion Mãi Mãi Tuổi 13 của tác giả Nora Fraisse.