Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Một Câu Chọi Vạn Câu

Lưu Chấn Vân đã phải ấp ủ, thai nghén ba năm mới cho ra đời tiểu thuyết này. Đây cũng là tác phẩm chín nhất, hay nhất của ông từ trước đến nay. Phong cách kể chuyện của tác giả giống với nhật ký dã sử thời Minh, Thanh. Câu chữ chắt lọc, tình tiết rõ ràng, giọng kể mạch lạc, văn phong có dáng dấp như những bậc tiền bối lớn như: Uông Tăng Kỳ, Tôn Lê… Chỉ với ngôn ngữ như vậy, tác giả mới có thể đối ứng và thể hiện được nội hàm tác phẩm: nền văn hóa phương Tây đối thoại với Thánh Thần và nền sinh thái của nhân loại. Để thoát khỏi sự cô độc và mệt mỏi, những nhân vật trong tác phẩm đã cố gắng tạo ra thanh âm và niềm vui riêng. Đọc cuốn tiểu thuyết, chúng ta cảm nhận được sự bền bỉ và ngoan cường của sự sống.

Nhận định

"Rũ bỏ vẻ hào nhoáng bên ngoài quay về với bản chất mộc mạc bên trong. Ngòi bút tác giả luôn theo sát mảnh đất khổ nạn cùng những con người phận cái rơm cây cỏ thuộc tầng lớp đáy xã hội. Kết cấu chuyện đơn giản mà phong phú, hồi hộp căng thẳng mà xúc động lòng người. Nhân vật chính thường rơi vào bước đường cùng, nhưng vẫn dũng cảm tiến về phía trước. Đây là cuốn tiểu thuyết chính nhất, hay nhất của Lưu chấn Vân kể từ trước tời nay."

(Nhà phê bình nổi tiếng Ma La)

"Cuốn tiểu thuyết dùng hai câu chuyện ở các thời khác nhau và số phận những con người bình thường có quan hệ máu mủ ở các thời khác nhau để nói về hai chủ đề lớn của đời người. Đó là “Ra Đi” và “Quay Về”…

(Nhà phê bình nổi tiếng Trương Di Vũ)

"Tác phẩm này của Lưu Chấn Vân vừa là một lời giải thích cá nhân hóa, vừa là một mẫu mực điển hình hóa cho câu hỏi “Vì sao tiểu thuyết lại được coi là nghệ thuật ngôn ngữ.”

(Nhà phê bình văn học nổi tiếng Bạch Diệp)

***

Một câu hơn cả nghìn năm

Lưu Chấn Vân đã phải ấp ủ, thai nghén ba năm mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết này. Đây cũng là tác phẩm chín nhất, hay nhất của ông kể từ trước đến nay..

Phong cách kể chuyện của tác giả giống với nhật ký dã sử thời Minh, Thanh. Câu chữ chắt lọc, tình tiết rõ ràng, giọng kể mạch lạc, văn phong có dáng dấp của những bậc tác gia tiền bối như: Uông Tăng Kỳ, Tôn Lê1… Bởi vậy từng câu, từng chữ trong tác phẩm đều mang nghệ thuật biểu đạt, thấm đẫm mồ hôi tác giả. Quan trọng hơn, chỉ với ngôn ngữ như vậy, tác giả mới có thể đối ứng và thể hiện được nội hàm của tác phẩm: nền văn hóa phương Tây đối thoại với Thánh Thần và nền sinh thái của nhân loại, bởi sự hiện hữu mọi nơi của Thánh Thần mà người ta vui vẻ, tự tại. Người với người tuy quan hệ, qua lại không nhiều, nhưng không bị cô độc. Tiếp nữa, văn hóa Trung Quốc đối thoại với con người và kiếp người phù du lại vì sự chú trọng cực đoan đến hiện thực và truyền thống Nho gia, vì sự khác nhau về quần xã, địa vị và lợi ích, vì sự trắc trở, khó đoán của lòng người và mất mát niềm tin, nên những người bạn có thể dốc bầu tâm sự, sưởi ấm tâm hồn mình không nhiều, vậy nên phải sống trong nỗi cô độc nghìn năm.

1. Uông Tăng Kỳ: sinh năm 1920 tại tỉnh Tô Giang. Là nhân vật tiêu biểu cho thế hệ nhà văn đương đại, nhà viết kịch, tản văn… Cuộc đời ông trải qua nhiều sóng gió, trắc trở, phải chịu đựng nhiều sự đối đãi bất công. Nhưng dù vậy ông vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh, khoáng đạt và sáng tác ra rất nhiều những tác phẩm văn học theo chủ nghĩa lạc quan tích cực.

Tôn Lê: sinh năm 1913 tại tỉnh Hà Bắc. Là người đi đầu trong tầng lớp những nhà văn đương đại Trung Quốc. Các tác phẩm của ông nhận được sự đánh giá rất cao của mọi người. Sau khi đọc xong tác phẩm của ông, Mao Trạch Đông từng viết: “Đây là một tác giả rất có phong cách.”

Mỗi một người Trung Quốc đều có trải nghiệm về niềm cô độc như vậy. Thế nhưng, kể từ Ngũ Tứ đến nay, đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên nhìn thẳng vào người dân thường, quan tâm đến tâm hồn họ và ca ngợi họ như thế.

Nửa đầu cuốn tiểu thuyết nói về quá khứ: Ngô Mô-sê cô độc đánh mất cô con gái nuôi - người duy nhất “nói chuyện được” với gã. Vì sự tìm, gã rời khỏi Diên Tân. Nửa cuối tiểu thuyết nói về hiện tại: Con trai con gái nuôi của Ngô Mô-sê là Ngưu Ái Gia cũng vì để thoát khỏi sự cô độc, muốn tìm một người bạn “nói chuyện được”, mà đi tới Diên Tân. Rời và Tới ròng rã mất trăm năm. Trong tác phẩm này, mọi mối quan hệ tình tiết và kết cấu nhân vật, mọi sự hài hòa trong tổ chức quần xã và gia đình, thậm chí đến ngay cả nhục dục và tình yêu cũng đều liên quan đến chuyện người với người có nói chuyện được với nhau hay không; liên quan đến chuyện lời nói ra có thể chạm đến tâm hồn, mang lại hơi ấm, hóa giải xung đột, kích thích đam mê hay không. Lời nói, một khi đã trở thành thứ duy nhất để tương thông giữa con người với con người, thì sự tìm kiếm và cô độc liền đi kèm theo nhau suốt đời. Sự đuối sức của tâm hồn và sự rệu rã của sự sống, và cả sự mịt mù, mệt mỏi vô bờ bến liền sản sinh, gắn với nhau như hình với bóng.

Từ đó, chúng ta chợt nhận ra, người Trung Quốc sao lại phải sống mệt mỏi đến vậy!

Sự mệt mỏi ấy, giống như đêm dài đằng đẵng, mài cứa vào thần kinh chúng ta, hết đời này sang đời khác.

Để thoát khỏi sự cô độc và mệt mỏi ấy, những con người trong tác phẩm đã cố gắng tạo ra những thanh âm và niềm vui riêng. Thế là, hô tang liền trở thành nghề mà nhân vật chính Dương Bách Thuận tôn thờ. Thủ đàm với con hát trở thành sở thích cá nhân của huyện trưởng… Nhưng điều ấy vẫn không thể thay đổi được số phận của nhân vật trong truyện. Bởi vậy, đọc cuốn tiểu thuyết này, ta thấy nặng nề, đau đớn. Tâm trạng ấy khiến chúng ta không ngừng bị quẩn quanh giữa “Luận Ngữ” và “Kinh Thánh”, quanh quẩn trong mối trăn trở nghìn năm là đối thoại với Thánh Thần hay đối thoại với con người…

Đương nhiên, đọc cuốn tiểu thuyết này, chúng ta cũng cảm nhận được sự bền bỉ và ngoan cường của sự sống. Để có được một chỗ dựa và an ủi về tinh thần, con người bất giác lại theo đuổi bóng dáng trong “Một câu chọi vạn câu”, rất giống với tấm lưng còng của tổ tiên và vòm trời được ghép bởi vô vàn những tấm lưng ấy.

-An Ba Thuấn

***

Bố Dương Bách Thuận bán đậu phụ, người ta gọi lão là lão Dương bán đậu phụ. Ngoài đậu phụ, mùa hè, lão còn bán cả mỳ nguội. Lão Dương bán đậu phụ và lão Mã đánh xe ngựa ơ Mã Gia Trang là bạn thân với nhau. Thật ra hai người vốn không nên là bạn, bởi lão Mã thường bắt nạt lão Dương. Bắt nạt ở đây không phải ý bảo lão ta đánh, hay mắng chửi, hay bắt chẹt lão Dương về khoản tiền bạc, mà là coi khinh từ trong trứng nước. Khi đã coi khinh một ai đó thì có thể không cần phải đi lại, quan hệ với người ấy, nhưng lão Mã hễ nói chuyện tếu táo là lại không thể thiếu được lão Dương. Lão Dương khi kể với mọi người về bạn mình, người đầu tiên lão nhắc đến là lão Mã. Còn lão Mã khi kể về bạn mình, kể đây là kể sau lưng, thì cấm có lần nào lão ta đả động đến lão Dương bán đậu phụ và mỳ nguội ở Dương Gia Trang. Nhưng người ngoài không biết nội tình bên trong lại cứ tưởng hai người là bạn thân.

Năm Dương Bách Thuận 11 tuổi, lão Lý thợ rèn ngoài thị trấn làm tiệc mừng thọ mẹ. Lò rèn của lão Lý tên là “Lò rèn Đới Vượng”, chuyên làm mấy thứ như: thìa, dao thái, lưỡi rìu, lưỡi cuốc, lưỡi liềm, răng bừa, lưỡi xẻng, chốt cửa… Cánh thợ rèn, mười người thì có đến tám chín người tính tình nôn nóng. Nhưng lão Lý lại đủng đỉnh. Một cái đinh bừa thôi mà lão ta cũng phải làm hai canh giờ mới xong. Chậm đây, nhưng là chậm chắc, chậm tinh xảo, cái đinh bừa ấy thể nào cũng góc cạnh sắc nét. Trước khi đem tôi, những thứ: thìa, dao thái, lưỡi rìu, lưỡi cuốc, lưỡi liềm, lưỡi dao, chốt cửa… đều được lão in lên hai chữ “Đới Vượng”. Trong bán kính vài chục dặm, tuyệt nhiên không có một gã thợ rèn nào hành nghề. Không phải vì tay nghề họ kém lão Lý, mà vì chẳng ai có thế lọ mọ, tẩn mẩn được như lão. Người đủng đỉnh thường kỹ tính. Người kỹ tính dễ thù dai. Lão Lý là dần làm ăn, lò rèn ngày nào cũng có người qua lại, chắc chắn không tránh khỏi có câu này câu kia đắc tội với lão. Ấy thế nhưng lão không thù người ngoài, chỉ thù mỗi mẹ. Mẹ lão là người nóng tính, cái tính đủng đỉnh của lão là do bị tính nóng nảy của bà mẹ đè nén mà ra. Hồi tám tuổi, Lý ăn vụng một miếng bánh táo, liền bị mẹ giơ chiếc muôi sắt lên giáng thẳng vào đầu. Chậc… một hố sâu hoắm hiện ra, máu chảy ròng ròng. Người khác, khi vết thương đã lành thường quên đau, còn lão bắt đầu từ tám tuổi đã thù mẹ. Cái sự thù của lão không phải vì vết thương sâu hoắm, mà vì bà mẹ lão, sau khi làm ra vết thương ấy vẫn cười cười nói nói, tung tẩy đi cùng mọi người tới phố huyện xem tuồng. Cũng chẳng phải vì thù cái sự xem tuồng, mà vì sau khi lão trưởng thành, một người tính đủng đỉnh, một người tính nôn nóng, cách nhìn nhận về mỗi sự việc đều khác nhau. Mẹ lão bị viêm vành mắt. Năm lão 40 tuổi, bố lão mất. Năm lão 45 tuổi, mẹ lão bị mù. Sau khi bà mẹ bị mù, lão Lý trở thành ông chủ của Lò rèn Đới Vượng . Sau khi thành ông chủ rồi, lão Lý cũng vẫn chẳng hề này kia với bà mẹ. Chuyện ăn, chuyện mặc của bà vẫn giống như lúc trước, có điều bà mẹ nói gì, lão đều bỏ ngoài tai. Làm nghề rèn, bữa ăn ngày thường rất đạm bạc, nhưng bà mẹ lão vẫn lớn tiếng:

- Nhạt miệng quá đi mất! Mau đi làm miếng thịt bò về đây cho tôi nhai tạm.

Lão Lý:

- Hẵng cứ đợi đấy.

Đợi cũng chỉ là đợi suông thế. Mẹ lão:

- Buồn quá đi mất. Mau dắt con lừa ra đây để tôi ra phố huyện chơi một lát.

- Hẵng cứ đợi đấy.

Đợi cũng chỉ là đợi suông thế. Không phải lão cố ý chọc giận mẹ, mà là để hãm dần cái tính nôn nóng của bà. Mẹ lão nôn nóng đã nửa đời người, giờ đã đến lúc phải thong thả lại. Nhưng lão cũng sợ, làm như thế phiền phức e sẽ ngày càng nhiều. Năm mẹ lão 70 tuổi, lão Lý muốn làm lễ mừng thọ cho mẹ. Bà mẹ:

- Sắp xuống lỗ đến nơi rồi, khỏi phải thọ thiếc gì cả. Ngày thường, cứ tử tế với tôi thêm một chút là được.

Rồi lại gõ chiếc gậy xuống đất:

- Anh định làm lễ mừng thọ cho tôi à? Hay lại âm mưu gì cũng không biết chừng.

Lão Lý:

- Bà chỉ nghĩ lẩn thẩn.

Nhưng lão Lý vẫn làm lễ mừng thọ cho mẹ, thật ra không phải vì mẹ lão. Tháng trước, có một thợ rèn họ Đoàn, người An Huy, đến thị trấn và cũng mở một lò rèn. Lão Đoàn béo mập. Lò rèn của lão có tên là “Lò rèn Đoàn béo”. Nếu lão Đoàn cũng tính tình nôn nóng, thì lão Lý chẳng sợ. Ai dè, lão Đoàn béo cũng là một tay đủng đỉnh. Một chiếc đinh bừa mà cũng phải làm mất hai canh giờ đồng hồ. Lão Lý phát hoảng. Muốn nhân dịp mừng thọ mẹ tổ chức một bữa tiệc thật linh đình để dằn mặt lão béo. Mượn cái sự đông khách khứa để lão béo phải hiểu rằng: đất có thổ công, sông có hà bá. Nhưng mọi người chẳng ai hiểu cái nội tình ấy. Chỉ biết, trước đầy, lão Lý chẳng hiếu đễ gì với mẹ, giờ đột nhiên lại có hiếu, bèn đoán chắc lão ta đã hiểu ra bổn phận làm con. Trưa hôm ấy, mọi người đều mang quà đến dự tiệc mừng thọ mẹ lão Lý. Lão Dương và lão Mã đều là bạn của lão Lý, nên hôm ấy cũng đến. Lão Dương phải dậy sớm đi bán đậu phụ ở xa, nên đến hơi muộn. Mã Gia Trang gần thị trấn, nên lão Mã có mặt rất chuẩn giờ. Lão Lý biết lão Dương bán đậu phụ và lão Mã đánh xe ngựa chơi thân với nhau, nên dành một chỗ cho lão Dương ngay cạnh lão Mã. Lão Lý những tưởng mình sắp đặt thế là chu toàn lắm, nào ngờ lão Mă có vẻ bực mình:

- Ấy chớ! Bác đổi lão ta ra chỗ khác ngồi đi.

Lão Lý:

- Hai bác ngồi cạnh nhau nói chuyện tếu cho không khí nó rôm rả.

Lão Mã hỏi:

- Hôm nay có chất cay không?

Lão Lý:

- Mỗi bàn ba chai. Không chơi rượu can, nhá.

Lão Mã:

- Thì thế. Không uống rượu, nói chuyện vui với lão ta còn được. Chứ hễ cứ nốc rượu vào, là lão ta toàn móc ruột móc gan. Móc xong, hể hả lắm, nhưng lại khổ cái thân tôi.

Lại tiếp:

- Cũng chẳng phải một đôi bận đâu.

Lúc ấy, lão Lý mới biết, đôi bạn này không phải là tri kỷ. Hoặc giả, lão Dương coi lão Mã là tri kỷ, nhưng lão Mã lại không thế. Lão Lý đành bèn chuyển chỗ lão Dương tới bàn khác, cạnh lão Đỗ làm nghề môi giới buôn bán gia súc. Dương Bách Thuận bị bố sai sang quẩy nước giúp nhà lão Lý từ hôm trước, nên đã nghe hết câu chuyện. Ngay sau hôm tiệc mừng thọ, lão Dương bán đậu phụ ngồi nhà ca cẩm cỗ nhà lão Lý ăn chán quá, mất quà oan. Chán ở đây không phải vì cỗ bàn không thịnh soạn, mà vì nói chuyện với cái tay Đỗ không hợp. Đầu tay Đỗ đã hói, lại còn bốc mùi, gàu rụng đầy vai. Lão Dương tưởng vì mình tới muộn, nên chẳng may phải ngồi cạnh lão Đỗ. Dương Bách Thuận liên đem câu chuyện nghe được hôm qua kể với bố. Nghe xong, lão Dương giáng ngay cho thằng con một cái bạt tai:

- Bác Mã đời nào nói thế. Mày chỉ tầm bậy tầm bạ!

Dương Bách Thuận tức tưởi. Còn bố nó ôm đầu ngồi sụp xuống cửa quầy đậu phụ, chẳng nói chẳng rằng. Suốt nửa tháng sau đó, lão Dương cũng chẳng hề đả động đến lão Mã nữa. Thê nhưng, sau nửa tháng, lão Dương lại qua lại với lão Mã, lại nói chuyện tếu táo, có việc lại tìm đến lão Mã trao đổi, bàn bạc.

Bán hàng thường phải rao, nhưng lão Dương lại chẳng thích rao gì cả. Rao hàng chia làm hai loại: thô và tinh. Rao thô nghĩa là: bán gì rao nấy, chẳng hạn đã là đậu phụ thì cứ đậu phụ mà rao “Đậu phụ đêêêê…” “Đậu phụ Dương Gia Trang đêêêê..” Còn rao tinh nghĩa là rao có nhạc có điệu hẳn hoi, tâng đậu phụ của mình lên mấy bậc: “Bạn rằng là, đậu phụ này ý a, có phải là đậu phụ? Xin thưa rằng là, đậu phụ này ý a, là đậu phụ. Nhưng không thể ý a coi là đậu phụ…” Thế thì coi là gì? Là bạch ngọc, là mã não chứ còn gì nữa! Lão Dương mồm miệng vụng về, không biết ngân nga thành giai điệu, nhưng lại không muốn rao thô. Thật ra, lão đã từng rao thô, nhưng cũng đặc sắc đáo đế ra phết: “Đậu phụ mới làm, không phải lăn tăn về chất lượng đâyyyyy…” Lão biết đánh trống, dùi trống nện vào mặt trống, gõ vào thành trống, tạo ra nhiều âm thanh khác nhau, vui tai đáo để. Lão ta liến chơi độc , lúc bán đậu phụ, không rao, mà gõ trống. Đánh trống bán đậu phụ, mới mẻ, sáng tạo quá còn gì! Người trong làng hễ nghe tiếng trống là biết ngay lão Dương bán đậu phụ ở Dương Gia Trang đã tới. Ngoài những lúc bán đậu phụ ở làng, vào dịp chợ phiên trên thị trấn, lão cũng lên đó bán. Vừa bán đậu phụ, vừa bán mỳ nguội. Lão ta lấy nan tre cắt mỳ nguội thành từng sợi, cho vào bát, rắc hành, cho thêm mấy nhánh kinh giới, rồi trộn với tương vừng. Bán bát nào, làm bát ấy. Bên trái hàng lão Dương là lão Khổng ở Khổng Gia Trang bán bánh nướng nhân thịt lừa. Bên phải là lão Đậu ở Đậu Gia Trang bán súp cay và thuốc lá sợi. Ở làng, lão Dương đánh trống để bán đậu phụ và mỳ nguội. Ở chợ phiên trên thị trấn, lão cũng giở chiêu ấy. Tiếng trống liên hồi kỳ trận, suốt từ sáng đến tối. Lúc đầu, mọi người thấy mới lạ, nhưng sau độ một tháng, đám lão Khổng, lão Đậu đều phát ngấy. Lão Khổng:

- Chốc lại “tùng tùng”, chốc lại “cắc cắc”. Bác Dương này, cái đầu tôi bị bác gõ thành mỳ nguội nhà bác rồi đấy. Buôn bán cỏn con mà cứ làm như xuất quân đánh trận không bằng. Có cần phải ầm ĩ đến thế không?

Lão Đậu tính nóng. Chẳng nói chẳng rằng, mặt hằm hằm sấn đến, đá một phát rách trống của lão Dương.

40 năm sau, lão Dương bị trúng gió, nằm liệt giường. Mọi việc trong nhà giao cho con trai cả là Dương Bách Nghiệp cầm trịch. Người khác hễ bị trúng gió là không điều khiển được trí não, mồm miệng cũng vượt khỏi tầm kiểm soát, lắp ba lắp bắp không thành câu. Nhưng lão Dương lại khác, chỉ bị liệt người, trí não và mồm miệng đều không sao. Hồi chưa bị liệt, mồm miệng vụng về, nói chuyện nọ xọ chuyện kia, hoặc gộp hai chuyện thành một. Nhưng sau khi bị liệt, đầu óc tự dưng minh mẫn, mồm miệng lại hóa trôi chảy. Gặp chuyện đều xử lý rất bình tĩnh, đâu ra đấy. Sau khi bị liệt, cả ngày phải nằm trên giường, hơi tí lại phải nhờ vả người khác. Về khoản này, rõ là không bằng lúc trước được, đã thế lại còn thiệt mắt, thiệt mồm. Hễ có bóng người vào, là lão vội đánh ánh mắt nghênh đón, lấy lòng. Sau đấy, người ta hỏi gì, lão đáp nấy. Hồi chưa bị liệt, lão thường nói dối, nhưng sau khi bị liệt, câu nào cũng móc ruột móc gan. Uống nước nhiều, đêm cũng sẽ trở dậy nhiều, nên bắt đầu từ chiều là lão không uống nữa. Sau 40 năm, bạn bè trước của lão, người thì mất, người còn sống thì mỗi người một việc. Sau khi lão bị liệt, chẳng có ma nào đến thăm lão. Ngày Rằm tháng Tám năm ấy, lão Đoàn khi đó bán hành ở chợ xách hai phong bánh đến thăm lão. Lâu không gặp cố nhân, lão Dương cầm tay lão Đoàn rưng rưng. Thấy người nhà đi vào, lão vội lấy tay áo lau nước mắt. Lão Đoàn:

- Ông còn liệt kê được những người buôn bán ở chợ phiên năm xưa, từ đầu đông sang đầu tây không?

Đành rằng đầu óc lão Dượng còn tỉnh táo, nhưng đã 40 năm trôi qua, lão cũng đã quên hơn nửa những người bạn cùng buôn bán với lão dạo ấy. Lão xòe bàn tay đếm, đến người thứ năm là chịu. Nhưng lão vẫn nhớ đến lão Khổng bản bánh nướng nhân thịt lừa và lão Đậu bán súp cay và thuốc lá sợi lắm, bèn nhảy cóc qua rất nhiều người, đến thẳng đến hai lão ấy.

- Lão Khổng nói năng nhỏ nhẹ. Lão Đậu thì tính tình nóng nảy. Hồi ấy, lão ta còn đá rách cả trống của tôi. Nhưng đời nào tôi chịu thua, tôi cũng đạp một phát vào quầy hàng của lão, làm súp cay đổ lênh láng xuống đất.

Lão Đoàn:

- Ông còn nhớ lão Đổng ở Đổng Gia Trang làm nghề thiến lợn không? Ngoài thiến lợn ra, lão ta còn vá nồi thuê ấy.

Lão Dương chau mày nghĩ ngợi, không nhớ ra lão Đổng vừa thiến lợn, vừa và nổi thuê. Lão Đoàn:

- Thế còn lão Ngụy ở Ngụy Gia Trang? Ở mé ngoài cùng phía tây chợ phiên, bán gừng tươi, hay cười tủm ấy. Chốc lão ta lại tủm tỉm, chốc lại tủm tỉm. Chẳng biết cười cái gì.

Lão Dương vẫn chẳng nhớ ra nổi. Lão Đoàn:

- Thế còn lão Mã ở Mã Gia Trang làm nghề đánh xe ngựa, chắc ông vẫn nhớ chứ hả?

Lão Dương thở phào:

- Lão ấy thì tôi nhớ chứ sao không. Chết hơn hai năm rồi.

Lão Đoàn cười:

- Năm xưa, lúc nào ông cũng chỉ có lão Mã, chẳng thèm để ý đến ai. Nhưng ông đâu biết rằng, ông coi người ta là bạn, nhưng người ta toàn bỡn cợt ông đằng sau lưng.

Lão Dương vội chuyển đề tài:

- Chuyện bao năm rồi, mà ông vẫn nhớ à.

Lão Đoàn:

- Tôi không nói đến chuyện ấy, mà nói đến cái lý. Kẻ chẳng coi ông là bạn, thì ông cứ săn đón người ta cả đời, còn người coi ông là bạn, thì ông lại chẳng xem vào đầu. Hồi ấy, người trên chợ đều bực mình chuyện ông gõ trống, mỗi tôi là thích nghe. Để được nghe tiếng trống, tôi đã mua không biết bao nhiêu là mỳ nguội của ông. Có bận, muốn lân la đôi ba câu với ông, nhưng ông có thèm bắt chuyện đâu.

Lão Dương vội nói:

- Làm gì có chuyện ấy.

Lão Đoàn phẩy tay:

- Đấy, ông xem. Đến bây giờ ông vẫn còn chưa coi tôi là bạn. Hôm nay tôi đến đây là muốn hỏi ông một câu.

- Ông hỏi gì?

- Sống cả đời rồi. Ông có được một người nào đáng tấm bạn không?

Lại nói:

- Trước đây chưa nghĩ ra. Nhưng bây giờ, nằm trên giường thế này, chắc hẳn ông đã thông rồi chứ hả?

Lúc ấy, lão Dương mới hiểu. Thì ra, sau 40 năm, tay Đoàn thấy mình nằm liệt giường, còn chân tay hắn vẫn nhanh nhẹn, nên tìm đến để trả thù. Lão Dương nhổ nước miếng:

- Ông Đoàn, khi xưa tôi đã không nhìn lầm ông. Ông là đồ tồi.

Lão Đoàn cười, bỏ đi. Lão ta đi rồi, lão Dương vẫn còn nằm trên giường mắng chửi lão. Con trai cả Dương Bách Nghiệp đi vào, ông ta là anh của Dương Bách Thuận, tuổi đã ngoài 50. Hồi nhỏ, Dương Bách Nghiệp đần độn, toàn bị lão Dương đánh. Sau hơn 40 năm, lão Dương nằm liệt giường, ông ta trở thành chủ gia đinh. Lão Dương giờ có muốn động chân động tay, cũng phải nhìn sắc mặt ông con cả. Bách Nghiệp tiếp tục đề tài của lão Đoàn, hỏi:

- Lão Mã đánh xe ngựa. Ông bán đậu phụ. Hai người chẳng dây mơ rễ má gì với nhau. Hồi ấy, người ta chẳng coi ông là người, cớ sao ông lại cứ phải săn đón làm bạn với lão ta? Không hiểu ông có lý do gì?

Lão Dương dám nổi nóng với lão Đoàn, nhưng không dám nổi nóng với Bách Nghiệp. Ông ta hỏi câu gì, lão phải trả lời câu ấy. Đành thôi chửi lão Đoàn, than:

- Có chứ. Nếu không, bố cũng cóc sợ cái lão ấy.

Bách Nghiệp:

- Ông ăn chặn của lão ta thứ gì à? Hay có quả phốt nào bị lão ta bắt thóp?

Lão Dương:

“Giả có ăn chặn hay bị phốt thì lão ấy cũng chẳng bắt thóp được bố. Kiếp sau, không chơi bời, qua lại với lão ấy là được chứ gì. Chẳng là, ngay lần đầu tiên chạm nhau, bố đã bị lão ấy át vía.

Bách Nghiệp:

- Át thế nào?

Lão Dương:

- Lần đầu bố gặp lão ấy là ở phiên chợ bán gia súc. Lão ấy đi chợ mua ngựa, còn bố bán lừa. Cả bọn tán gẫu với nhau. Cùng một câu chuyện, nhưng bố chỉ có thể nhìn được một dặm, còn lão ấy thì nhìn được mười dặm. Bố chỉ nhìn được một tháng, nhưng lão ấy có thể nhìn được tới mười năm. Cuối cùng, bố không bán được lừa. Về khoản lời lẽ, bố bị lão Mã át vía.

Lại lắc đầu:

- Việc không bắt người, nhưng lời bắt người.

Lại nói:

- Sau này, hễ gặp việc gì, bố đều tìm lão ấy để bàn bạc.

Bách Nghiệp:

- Con hiểu rồi, vẫn là ông muốn ăn chặn người khác. Gặp việc, không tự mình quyết định được, muốn mượn thêm đôi mắt của người khác cho tinh tường. Nhưng con vẫn không hiểu, lão ấy đã không coi ông ra gì, nhưng sao vẫn cứ qua lại với ông nhỉ?

Lão Dương:

- Trong chu vi trăm dặm, tìm đâu ra người có thể nhìn được mười dặm, nhìn thấu một năm? Lão Mã cả đời cũng chẳng có bạn.

Lại cảm thán:

- Đời lão Mã không nên đánh xe ngựa.

Bách Nghiệp:

- Không đánh xe ngựa thì làm gì?

Lão Dương:

- Lão Giả mù thầy bói đã xem cho lão ấy, bảo đáng ra lão ấy phải là đám Trần Thắng, Ngô Quảng ấy, nhưng lão không có gan, trời vừa tối là đố dám ra khỏi nhà. Thực ra, cả đời lão ấy đánh xe ngựa, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Đánh xe ngựa mà không dám đánh xe đi ban đêm, để lỡ biết bao nhiêu là việc!

Rồi nổi giận:

- Nhát như chuột nhắt mà dám coi thường tao à? Mẹ kiếp, có tao coi thường lão ấy thì có! Cả đời không coi tao là bạn à? Có mà tao không coi lão ấy là bạn thì có!

Bách Nghiệp gật gù. Gã hiểu rằng, hai lão ấy phải là bạn của nhau suốt đời. Đã đến giờ ăn trưa. Hôm ấy là ngày Rằm tháng Tám, bữa trưa ăn bánh bột mỳ rán, canh rau hầm thịt. Bánh bột mỳ rán là món lão Dương khoái khẩu nhất. Nhưng hơn 60 tuổi, răng rụng quá nửa, không nhai nổi, phải có thêm món canh rau hầm thịt. Rau và thịt được đun lâu, rau nhừ, thịt cũng nhừ, nước canh nóng bỏng. Xé bánh thả vào nước rau hầm thịt, ngâm đến độ bánh vừa cho vào miệng là đã tan ra. Hồi lão Dương còn trẻ, vào dịp lễ tết đều ăn bánh bột mỳ rán. Nhưng sau khi lão bị liệt giường, chuyện có được ăn hay không, lão không quyết được.

Vốn dĩ, Bách Nghiệp đã quyết định bữa trưa sẽ ăn món bánh bột mỳ rán và canh rau hầm thịt. Nhưng lão Dương lại tưởng vì vừa rồi mình nói thật, nên Bách Nghiệp mới cho ăn, coi như phần thưởng. Ăn một bữa bánh mà lão Dương mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Trong hơi nóng của bát canh rau hầm thịt, lão ngẩng mặt lên, cười lấy lòng cậu con cả, ý bảo:

- Lần sau anh hỏi gì, bố cũng sẽ nói thật.

Mời các bạn đón đọc Một Câu Chọi Vạn Câu của tác giả Lưu Chấn Vân.