Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nguyễn Trãi Ở Đông Quan

"… Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, vào đầu năm 1980, trong dịp lễ kỷ niệm 500 ngày sinh Nguyễn Trãi, được Đoàn kịch Trung ương dựng, anh Nguyễn Đình Nghi đạo diễn. Cũng có những eo xèo chê bai, cả những đe nẹt trong quá trình dựng vở, nhưng nhà đạo diễn và các anh chị diễn viên đều làm việc quên mình. Anh Thế Lữ xem kịch bản, từ trong Nam, nhắn ra ủng hộ và góp ý dàn dựng, Anh Trần Tiến, đóng vai Nguyễn Trãi, một buổi chiều rét, gặp tôi ở vườn hoa Chí Linh, ngồi trên ghế đá tâm sự với tôi về việc kịch, việc đời, đến xẩm tối còn chưa muốn ra về. Cuối cùng vở kịch được ra mắt trên sân khấu Nhà hát Lớn, gây ra sóng gió dư luận. Vở kịch được diễn thêm ít buổi rồi phải thôi, không được phép tiếp tục…". (Nguyễn Đình Thi)

Nguyễn Trãi ở Đông Quan mang đậm chất bi kịch và huyền thoại của câu chuyện chính sử hoặc dân dã đời thường. Tác giả không khai thác tỉ mỉ chuyện xưa mà tiếp cận ở hai góc độ, một là ý nghĩa xã hội và nhân bản của xung đột kịch, hai là mối liên hệ giữa cuộc sống hôm nay với những vấn đề của ngày qua.

***

Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới ra mắt bạn đọc là công sức của nhiều thế hệ Sân khấu nối tiếp sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua, có ảnh hưởng lớn không chỉ về Sân khấu mà có tầm ảnh hưởng đến phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Tất nhiên tiếp nhận và giao lưu văn hoá nghệ thuật không diễn ra một chiều mà tác động qua lại.

Bắt đầu từ các tác phẩm cổ đại Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ với các tên tuổi hàng đầu về bi kịch và hài kịch như : Exkhin, Ơripít, Xôphốc, Vương Thừa Phủ, Kaliđáx… bộ sách trải rộng qua nhiều thời kỳ rực rỡ của Sân khấu thế giới như thời đại Phục Hưng, Lãng mạn và Hiện đại… giới thiệu những kiệt tác chói sáng có sức sống xuyên qua nhiều thế kỷ của những nhà viết kịch kiệt xuất như Sếchxpia, Sinlơ, Môlie, Coócnây, J.Gớt, Gôgôn, Ípxen, Muyxê, Ghenman, B.Brếch, Sêkhốp, Bếckét, Raxin, Jăng Anui, Camuy, Tào Ngu… Nhiều tác phẩm ra đời từ hàng ngàn năm trước nhưng tư tưởng và nghệ thuật vẫn đồng hành với bạn đọc và khán giả hôm nay.

Tác phẩm của ba tác giả Sân khấu Việt Nam: Đào Tấn, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi có mặt trong Tủ sách Kiệt tác Sân khấu thế giới đã đáp ứng đòi hỏi của đông đảo bạn đọc.

Nhà xuất bản Sân khấu cảm ơn Hội đồng tuyển chọn gồm các nhà Sân khấu học tiêu biểu và Công ty Minh Thành: Bộ Chỉ huy Quân sự TP Hồ Chí Minh đã giúp đỡ tận tình, trách nhiệm cao để Tủ sách kiệt tác kịp thời ra mắt bạn đọc trọn vẹn 100 cuốn trong năm 2006, chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

***

Sinh vào những năm 20 của TK XX, Nguyễn Đình Thi không trải qua hành trình triết học-mỹ học nhọc nhằn, khổ ải như Chế Lan Viên từng nghiệm sinh "Ta là ai như ngọn gió siêu hình/ Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt"… Ông đến với Cách mạng Tháng Tám bằng tấm tình trong trắng của một thanh niên "Tây học", yêu nước như yêu tình đầu. Cuộc lột xác của ông theo kháng chiến cũng là một cuộc lột xác lãng mạn, dù cho "rớm máu".

Với những lý do lịch sử - thẩm mỹ đặc trưng ấy, đường văn nghệ của ông không ngẫu nhiên, khởi đi từ thơ tự do, mối tình đầu, và không tình cờ, khép lại ở thể loại kịch, như mối tình cuối…

Theo một chỉ định triết học về tự do thơ, Nguyễn Đình Thi đã dõi theo ánh sáng xanh của ngôi sao thơ tự do, từng lấp lánh suốt thời trai trẻ, "soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây" mà dò tìm tới kịch. Ông lại nhọc nhằn một mình phát quang con đường chông gai, có lúc đổ cả máu, theo nghĩa bóng, mới gắn được mấy cột mốc chói lọi trên đường kịch nghệ của ông, của thời đại, mà đằng sau cái hào quang ấy, không gì khác, chính là bi kịch riêng của sự đơn độc "một mình tôi trên đường".

"Con nai đen" của ông, bị đình diễn sau vài buổi diễn hiếm hoi. "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" rực sáng cũng chỉ vài đêm trên sàn diễn Nhà hát Kịch Việt Nam, dù đó là vở diễn hoành tráng nhất tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980. Và nữa, kịch bản đỉnh cao của ông, "Rừng trúc", viết xong từ 1978, mà mãi tới năm 2000 mới được diễn-và thành công vang dội-trong Hội diễn sân khấu toàn quốc.

Kịch là một thể loại vốn được trình diễn trước đông đảo công chúng. Kịch bản văn học hoàn thành trên văn bản, mới là xong đoạn đầu; sau đó, chuyển sang ngôn ngữ dàn dựng của đạo diễn, ngôn ngữ biểu diễn vai kịch của diễn viên trên sàn diễn,… Tóm lại, phải được một cộng đồng tiếp biến sáng tạo, mới thành vở diễn.

Trong vai trò người viết, với lối thể hiện độc đáo, đong đầy suy tư thế sự, Nguyễn Đình Thi vẫn cứ là kẻ lữ hành đơn chiếc trên đường của một nghệ thuật đông vui: sân khấu. Có lẽ chính lối viết đơn độc, đau đớn khắc khoải nhân tình của ông đã được cái nghệ thuật đông vui này chia sẻ và chính cái nghệ thuật đông vui này, dường như đã là nơi trú ngụ bình an nhất cho nỗi niềm thế sự cô đơn của ông?

Đi đến chặng cuối sáng tạo, thấy nhất thiết phải hẹn cho bằng được cuộc gặp sinh tử với thể loại kịch, Nguyễn Đình Thi đốn ngộ: có một bản thể thơ trong kịch, và ơrêka rằng, thơ đi đến thể thức kịch sẽ đạt "khoái cảm" cao độ, thăng hoa trên đôi cánh lãng mạng cách mạng.

Về triết học, thể loại kịch dường như đã nở tung mãn khai cái bản ngã kín bưng, ém chặt trong nụ hoa hàm tiếu vốn dĩ của thơ. Trong trạng thái hân hoan mãn khai của kịch, Nguyễn Đình Thi phát hiện nhu cầu cảm và nghĩ đau đáu thường trực của ông về thế sự, đã được phóng chiếu đến không… bến bờ.

Là kẻ hậu sinh, không được tận mắt chứng kiến "bi kịch" bị gẫy đổ vở diễn "Con nai đen", vở kịch đầu tay của ông, nhưng là một "ký giả kịch trường" của Tạp chí Sân khấu từ 1977, tôi tận mắt chứng kiến, ít nhiều tham dự vào hai vở đặc hiệu chất Nguyễn Đình Thi, đó là "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" và "Rừng trúc", với số phận ba đào ghềnh thác của cả hai trên sân khấu và trong giới sân khấu, từ 1978 đến năm 2000, vắt sang đầu thế kỷ XXI.

So với văn chương, là cái viết, kịch là loại hình "lưỡng nghi", tổng hòa cả cái viết, cái dàn dựng, để dẫn đến cái diễn. Cặp đôi tác giả quan trọng nhất của "lưỡng nghi" này là tác giả và đạo diễn. Hai kịch bản này của Nguyễn Đình Thi đều do một tay Nguyễn Đình Nghi dàn dựng. Vì thế, đây là một trong vài cuộc hạnh ngộ sang trọng, sáng giá nhất của giới sân khấu Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vận động "hiện đại hóa" của mình.

Từ góc nhìn sân khấu, có thể thấy Nguyễn Đình Thi đã chạm vào một vấn đề cơ bản nhất về cái-viết-sân-khấu: viết về các nhân vật lịch sử trong thì hiện tại. Cái viết độc đáo này của ông đã dựng lên những nhân vật lịch sử sừng sững trên sân khấu Việt hiện đại. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật chính của "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" là Nguyễn Trãi, và nhân vật chính của "Rừng trúc" là bộ ba: Trần Thủ Độ, Trần Cảnh, Lý Chiêu Hoàng.

Mời các bạn đón đọc Nguyễn Trãi Ở Đông Quan của tác giả Nguyễn Đình Thi.