Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Gunslinger Girl

Bối cảnh "Gunslinger Girl" là nước Ý cuối thế kỉ 20 với những thành phố Rome, Napoli, Venice tráng lệ đẹp đẽ. Trong các thành phố ấy luôn có các băng nhóm khủng bố, tội phạm và Mafia quấy phá sự yên bình của xã hội. Một tổ chức chính phủ đã được thành lập và duy trì, nhằm mục đích tiêu diệt, ngăn cản những kẻ tội phạm nguy hiểm. Tổ chức đặc biệt này núp bóng dưới danh nghĩa tổ chức phúc lợi xã hội, nhận cứu giúp những bé gái mồ côi bất hạnh hoặc bị tàn tật, thực chất là biến chúng thành sát thủ nửa người nửa máy bằng cách phẫu thuật. Sau khi bị tẩy não, biến đổi cơ thể, thay đổi tên họ, những đứa trẻ này đều sở hữu sức mạnh phi thường cùng với tuổi thọ ngắn ngủi. Mỗi cô bé đều có một người đàn ông làm giám hộ, các giám hộ đều dạy dỗ, quản lý sát thủ của mình theo cách riêng, có người dùng tình yêu thương, có người dùng sự khắc nghiệt. Tuy nhiên, bất chấp cách đối xử của người giám hộ như thế nào, mọi cô bé đều được lập trình phải trung thành với họ đến cùng. Mối quan hệ giữa giám hộ và sát thủ trẻ em được gọi là "Fratello" (anh em).

Nội dung truyện có thể chia làm hai phần. Phần đầu kể về năm cô bé sát thủ thế hệ đầu tiên: Henrietta, Triela, Rico, Claes, Angelica. Sau này, tổ chức đào tạo sát thủ quyết định tạo ra các thành viên mới, được coi là thế hệ sát thủ nửa người nửa máy thứ hai. Sang phần hai (từ tập 6 trở đi), nét vẽ của tác giả đã thay đổi đáng kể, cốt truyện vẫn chú trọng vào các cô bé ở thế hệ đầu, cộng thêm một cặp Fratello mới thuộc thế hệ sát thủ thứ hai. Sát thủ thế hệ hai đầu tiên là Petra (Petruska), một vũ công ballet người Nga 16 tuổi bị nhiễm phóng xạ do sự kiện Chernobyl, sau khi tự sát đã được phẫu thuật chỉnh hình và cấy ghép các bộ phận máy móc. Sau Petruska, nhiều sát thủ mới cũng lần lượt ra đời, nhưng đóng vai trò rất mờ nhạt đối với diễn biến truyện.

Các cuộc đấu đá giữa chính phủ Ý và các băng nhóm tội phạm ngày càng gay cấn, đỉnh điểm là cuộc vây bắt trùm mafia kiêm kẻ khủng bố Giacomo. Sau khi tiêu diệt được Giacomo và vây cánh của hắn, tổ chức đào tạo sát thủ trẻ em chính thức bị giải thể. Hầu hết các cô bé sát thủ đều hi sinh trong trận chiến cuối cùng, chỉ còn một số người sống lay lắt thêm vài năm rồi chết do tuổi thọ ngắn ngủi của họ.

***

REVIEW X ANALYSE
GUNSLINGER GIRL- TIẾNG GỌI CỦA LƯƠNG TRI VÀ HÒA BÌNH
Manga: Gunslinger girl.
Author: Yuu Aida.
Genres: Action, Tragedy, Sci-fi, Millitary, Psychological.
“Chúng ta thật sự đã chiến đấu vì cái gì?
Không có gì được sinh ra từ thù hận.”
(Atom from Pluto)
Đối với bạn, một tác phẩm như thế nào được xem là có giá trị? Hỏi vậy có vẻ hơi mông lung. Vì mọi tác phẩm, dù hay hay dở, dù là kiệt tác hay rác phẩm, chỉ cần nó thỏa mãn một nhu cầu nào đó, thì bản thân nó đã có một giá trị nhất định.
Thú thật, tôi rất ghét những tác phẩm thể hiện bạo lực một cách thái quá, vô nghĩa. Tôi không chịu nổi những nhân vật “ngầu lòi boi” giết người không gớm tay, những câu chuyện cổ súy cho tư tưởng “xem thường sinh mệnh”. Nó rất ghê tởm và tầm thường. Đó là lý do tôi thường tìm về những tác phẩm đậm tính nhân văn của Osamu Tezuka, Fujiko F Fujio hay Naoki Urasawa.
Một Astroboy dằn vặt bởi tội lỗi khi giết 1 con robot, dù đó chỉ là hành động tự vệ. Một Black Jack dành cả đời để báo thù cho mẹ mình, nhưng lại không thể xuống tay vì lòng thương người. Hay một Tenma truy lùng con quái vật không tên suốt nhiều năm trời với niềm hi vọng rằng, con quái vật ấy vẫn còn có thể cứu chữa được. Sau thời đại của Tezuka và 3F, có vẻ như những manga như thế ngày càng ít đi, ngày càng lép vế trước những “siêu phẩm” đầy tính bạo lực nông cạn. Người trẻ thời này có vẻ thích những cậu main có sức mạnh bá đạo, thích dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn thay cho lời lẽ.
Đó là lý do mà tôi cực kì trân trọng những tác phẩm như Gunslinger girl của Yuu Aida.
NỘI DUNG:
Nước Ý thời hiện đại trải qua vô số biến loạn. Do kinh tế gặp khó khăn, chính phủ cánh tả Ý chi tiền thuế của miền Bắc giàu có để “gánh” cho miền Nam nghèo khó và kém phát triển. Phản ứng với chính sách của chính phủ, một phong trào đòi quyền tự trị do các tài phiệt miền Bắc tài trợ ra đời, gọi là 5 phái Cộng Hòa Padania. Đáp trả, chính phủ Ý tiến hành thanh trừng chính trị, thanh lọc, loại bỏ vô số những nhân viên, quan chức, tướng lĩnh có tư tưởng cánh hữu. Điều này tạo nên bất đồng sâu sắc và hận thù giữa 2 phe tả và hữu. Khủng bố, phiến loạn, ám sát diễn ra khắp nơi. Để lập lại trật tự, chính phủ Ý thành lập một cơ quan tình báo đặc biệt, tập hợp những phần tử cực đoan nhất để thanh toán phái Padania nói riêng và các đảng phái chống đối khác nói chung, gọi là Sở Phúc Lợi Xã Hội (The Social Welfare Agency). Ở nơi đó, sự kì diệu của khoa học cùng cái ác vô biên của con người đã tạo nên những “siêu chiến binh” có thể chất phi thường và khả năng học hỏi trong thời gian ngắn. Thế là những bé gái bị Chúa trời ruồng bỏ, nay được “tái sinh” với một cơ thể nhân tạo, mang trên mình sứ mạng giết chóc. Họ gọi các em là Gunslinger girls.
NHÂN VẬT:
Gunslinger girl sở hữu dàn main char cực kì hùng hậu và được phát triển rất tốt. Mỗi người máy đi kèm với một giám hộ, được “tẩy não” để nghe lệnh giám hộ và trung thành tuyệt đối với Sở, gọi là Fratello (anh em), được xếp cặp như sau:
+Henrietta (người máy) - Jose Croce (giám hộ)
Cha mẹ và em gái bị bọn khủng bố phái Padania sát hại, Jose cùng anh trai mình đầu quân cho Sở Phúc Lợi Xã Hội để tìm kiếm sự trả thù. Tại đây, anh chọn Henrietta, một cô bé chứng kiến cha mẹ mình bị kẻ cướp giết hại, kẻ thủ ác chặt tay chân và hiếp dâm em suốt đêm ngay trước mặt xác của bố mẹ em, làm người máy của mình. Được coi là giám hộ cưng chiều người máy nhất, bề ngoài, Jose luôn đối xử tốt và dễ dãi với Henrietta. Nhưng bên trong anh, luôn phải dằn vặt bởi đạo đức và lòng thù hận. Jose tìm thấy trong Henrietta hình ảnh đứa em gái bé bỏng đã bị tử thần cướp đi, anh vừa muốn bù đắp cho Henrietta, vừa muốn dùng em để phục vụ cho mục đích trả thù của mình.
“Chàng thợ săn Orion là tình nhân của nữ thần Artemis. Nhưng nữ thần đã sơ ý bắn chết người yêu. Quá đau lòng, Artemis mang xác người yêu đặt giữa dãy ngân hà để được nhìn thấy chàng mỗi khi nàng lướt qua những vì sao. Thật là một câu chuyện buồn…”
+Rico (người máy) – Jean Croce (giám hộ)
Anh trai của Jose, không những mất đi gia đình và cô em gái, Jean còn phải chứng kiến hình hài méo mó của chính người phụ nữ anh yêu trong vụ khủng bố. Thù hận trong Jean biến thành sự cuồng nộ. Anh chọn người máy không phải vì lòng thương hại. Công cụ không cần lòng thương hại. Công cụ báo thù lại càng không. Thế nên anh chọn Rico, một cô bé bị tật nguyền bẩm sinh, sinh ra đã nằm trên giường bệnh, bị chính cha mẹ mình chối bỏ vì sự “vô dụng”.
“Mỗi sáng thức dậy. Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là… Không biết mình còn cử động được không? Thật tuyệt vời. Cơ thể tôi vẫn còn nguyên. Có thể đứng dậy khỏi giường mỗi sáng là niềm hạnh phúc mà không ngôn từ nào diễn tả nỗi. Tôi yêu cuộc sống mà Sở Phúc Lợi đã ban cho.”
+Triela (người máy) – Victor Hilshire (giám hộ)
Hilshire là một thanh tra của Europol, đầy nhiệt huyết nhưng lại khá mềm yếu. Trong một lần thực địa, anh cùng bác sĩ Rachelle Belleut tiến sâu vào sào huyệt của bọn buôn bán trẻ em ở Amsterdam. Tại đây, bác sĩ Rachalle hi sinh mạng sống của mình để cứu về một sinh mạng thoi thóp, một đứa trẻ trải qua địa ngục của thứ gọi là “Snuff film” (và vì Chúa, đừng có google cái này, đã cảnh báo rồi đấy nhé). Hilshire từ bỏ cả sự nghiệp để đưa cô bé qua Ý, với hi vọng rằng những tiến bộ y học ở đây sẽ chữa lành cho em. Nhưng anh không ngờ rằng lũ khốn ở Sở Phúc Lợi lại biến em thành một cỗ máy giết chóc. Hilshire đành chấp nhận làm giám hộ cho Triela, vừa để chuộc lại lỗi lầm, vừa để bảo vệ mầm sống mà vị bác sĩ nhân hậu kia đã đánh đổi cả tính mạng để vun đắp.
“Em là đóa hoa nở ra từ lòng nhân ái của Rachelle, nghĩa vụ của tôi là vun trồng và bảo vệ em. Ngày em được thay một cơ thể mới, tôi đã nghĩ đó hẳn là một phép màu của Chúa. Đứa trẻ từng mang thân thể và trái tim chằng chịt sẹo. Nhìn lên tôi bằng đôi mắt trong veo.”
+Angelica (người máy) – Marco Toni (giám hộ)
Là một cựu quân cảnh, Marco bị buộc xuất ngũ do mắt anh ngày càng kém đi. Nghe lời bạn thân, Marco đầu quân cho Sở. Anh chọn Angelica, một cô bé bị chính cha ruột mưu sát để lấy tiền bảo hiểm, làm bạn đồng hành của mình. Mối quan hệ giữa Marco và Angelica vốn rất tốt, anh cùng các đồng nghiệp hay sáng tác truyện cổ tích cho cô bé nghe. Tuy nhiên, do là người máy đầu tiên của Sở, Angelica nhanh chóng bị hội chứng suy giảm trí nhớ (một căn bệnh đặc trưng của người máy do hậu quả từ quá trình “tái quy định”). Việc Angelica cứ liên tục quên đi những kí ức khiến Marco ngày càng xa lánh em, vì ông cho rằng thân thiết với người máy chỉ là một việc làm vô ích.
“Tôi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Còn Angelica thì sao chứ? Đứa trẻ mà tôi chỉ coi là một gánh nặng. Đã hi sinh tính mạng… để cứu lấy một thằng cặn bã.”
+Claes (người máy) – Claudio Raballo (giám hộ)
Chỉ huy trung đoàn binh dù số 1 Tuscania, đặc nhiệm GIS của Quân cảnh, chân của Raballo bị tật do lạc đạn nên phải giải ngũ. Sở Phúc Lợi hứa nếu ông chịu huấn luyện cho Claes thì sẽ làm chân máy và tạo điều kiện cho ông trở lại đội GIS. Trước khi rời Sở, Raballo tặng cho Claes cặp kính của mình cùng lời nhắn gửi “hãy luôn hiền hòa khi mang cặp kính này”. Raballo gặp tai nạn (hoặc bị Sở thủ tiêu), do đó mà Claes trở thành người máy duy nhất không có giám hộ đi kèm. Sở chuyển Claes từ bộ phận chiến đấu sang bộ phận kĩ thuật để làm thí nghiệm, phục vụ cho nghiên cứu y học.
“Xin đừng tấn công nơi này! Trong đó chẳng có gì cho các anh cả! Chỉ có một khu vườn. Sách và nhạc cụ. Cuộc sống của tôi chỉ đơn sơ có thế. Các người nhân danh ai mà đến cướp chúng đi?”
Ờm, còn nhiều cặp khác nữa nhưng người viết xin liệt kê ra bấy nhiêu đây thôi.
CẢM NHẬN
Có thể dùng một câu ngắn gọn để nói về Gunslinger girl. Đó là… “vịt hóa thiên nga”. Bộ này có pacing khá chậm rãi ở đầu truyện. Yu Aida dành hẳn 1/3 truyện chỉ để giới thiệu các cặp “Fratello” cùng các mối quan hệ của họ. Xen lẫn trong đó là những phi vụ tiêu diệt khủng bố. Cái hay của Yu Aida là cách ông khéo léo lồng ghép các chi tiết rất nhỏ vào từng vụ việc. Mỗi phi vụ diễn ra, người đọc lại vô tình khám phá ra thêm những bí mật của các nhân vật. Ví dụ như câu nói đùa của Triela ở chap 3 “Tôi chỉ biết Sở tìm thấy tôi ở Amsterdam. Có khi tôi từng là ngôi sao trong mấy cái phim đen mà ông nói cũng nên.”. Đó là một cái foreshadow về quá khứ của Triela cũng như lí do mà Hilshire không hề coi người máy của mình là một công cụ. Hay chi tiết Rico bắn cậu bé phục vụ ở chap 2. Chỉ bằng một nụ cười buồn bã cùng câu nói “Emilio, mi dispiace”, tác giả không những dội gáo nước lạnh vào mặt người đọc, mà còn làm họ lần đầu tiên nhận ra sự tàn bạo của thứ gọi là “tái quy định”. Đây là một chi tiết rất quan trọng (sẽ phân tích sau).
Do được dành thời lượng khá nhiều nên các nhân vật trong Gunslinger girl được xây dựng khá đồng đều. Các cặp Fratello chính đều có những điểm thú vị khiến người đọc bị cuốn theo những câu chuyện của họ. Điểm yếu của nhiều bộ mang motif “bé gái cầm súng đi kèm giám hộ” là đa số chỉ tập trung vào… các bé gái mà bỏ quên người giám hộ. Hoặc tệ hơn, chỉ tập trung “nâng bi” cho 1 cặp chính. Cặp này thì người giám hộ sẽ như thiên thần, đối xử, cưng chiều bé gái đi kèm với mình, còn các cặp còn lại, tức không phải chính, thì người giám hộ sẽ cư xử như 1 thằng asshole, các bé gái thì ngoan ngoãn nghe lời như cún con. Những bộ nửa mùa kiểu vậy chỉ khắc họa được sự đau khổ của các bé gái một cách hời hợt, thiếu thực tế. Nhưng Gunslinger girl đã xuất sắc tránh được cái sai lầm chết người đó. Nó không những khắc họa được sự đau khổ của các bé gái, mà còn cả sự đau khổ của những người giám hộ. Hãy thử tưởng tượng. Bạn là một con người với tâm lí bình thường, bị buộc phải ra lệnh cho các bé gái làm những chuyện dơ bẩn, mạo hiểm tính mạng thay cho bạn. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Đúng rồi đấy. Từ đó đấy. “Kinh tởm bản thân”
“Tôi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình. Còn Angelica thì sao chứ? Đứa trẻ mà tôi chỉ coi là một gánh nặng. Đã hi sinh tính mạng… để cứu lấy một thằng cặn bã”
Chính việc khắc họa tâm lí cả 2 chiều, người máy và giám hộ, đã khiến việc sử dụng những đứa trẻ cho việc giết chóc không đơn thuần chỉ là sự đau khổ, mà còn là sự dằn xé về mặt đạo đức. Cặp Jose – Henrietta là một ví dụ. Jose muốn bù đắp cho Henrietta vì quá khứ đau khổ của em, vì anh ta nhìn thấy hình ảnh đứa em gái đã mất trong người máy này. Nhưng cũng vì tình yêu dành cho đứa em gái quá lớn, lòng hận thù khiến Jose đôi khi đánh mất cả lương tri. Trong trận đụng độ với Giacomo Dante ở tháp chuông St. Marco, dù chỉ trong thoáng chốc, Jose đã xem Henrietta chỉ là một công cụ báo thù, không hơn, cũng không kém.
(Fun fact: Không biết vô tình hay hữu ý mà những thằng giám hộ từng đối xử tệ với người máy đều lãnh hậu quả là nhẹ thì bị chính người máy tương phát vào người, nặng thì kẹo đồng ngay sọ…)
Cốt truyện của Gunslinger girl ban đầu khá đơn giản và trông có vẻ lộn xộn. Motif thường là hết cặp này đi diệt khủng bố thì cặp kia đi ám sát chính khách, những vụ lớn thì sẽ có sự phối hợp của nhiều cặp Fratello. Qua mỗi vụ thì quá khứ cũng như động cơ của các nhân vật sẽ ngày càng sáng tỏ. Các manh mối thu được từ các vụ nhỏ sẽ dần trở các liên kết đến các vụ lớn hơn. Yu Aida đã xuất sắc khi có thể tạo ra 1 điểm chung để nối tất cả những mảnh vỡ rời rạc này thành một thể thống nhất. Vậy điểm chung đó là gì?
“60 % những người gia nhập quân cảnh với lí do báo thù cho người thân. Cũng con số đó là người ta trở thành mafia để báo thù quân cảnh”
THÙ HẬN
Không ai biết được sự thù hận đầu tiên trên thế giới bắt đầu từ đâu và nơi đâu sẽ là mồ chôn của lòng oán hận cuối cùng. Chỉ biết rằng nó là một cái vòng luẩn quẩn. “Thù hận sinh ra thù hận”, người ta thường nói như thế.
Chính bởi lòng thù hận với chính phủ cánh tả, Cristano Savonarola đã thuê gã sát thủ khát máu Giacomo Dante ám sát gia đình Croce. Chính sự kiện này dẫn tới sự thành lập của Sở Phúc Lợi Xã Hội. Và sau đó, như một sự báo ứng, đứa con yêu quý của Cristano là Pinocchio bị người máy của Sở giết chết. Nhưng thù hận chưa dừng lại ở đó vì Cristano đã dùng tất cả tài sản của mình để thuê Giacomo tiêu diệt Sở Phúc Lợi, dẫn đến 2 trận chiến đẫm máu ở tháp chuông St. Marco và nhà máy điện nguyên tử New Trino.
“Chiến thắng đã thuộc về 5 phái Cộng Hòa! Cứ giết tiếp đi! ĐỂ THÙ HẬN TUÔN TRÀO! Đúng những gì ta muốn thấy!”
Giacomo Dante không phải là một phản diện quá xuất sắc. Hắn không thể so được với Johan hay Griffin. Hắn không có một nguyên nhân sâu xa nào khiến người đọc đồng cảm. Động cơ của Giacomo rất đơn giản. Đó là giết chóc. Đó là tạo ra thù hận. Đó là khiến thế giới này phải chịu đau khổ. Nghe có vẻ nhàm chán nhưng đó là nguyên nhân khiến hắn trở thành kẻ phù hợp nhất đế đóng vai phản diện trong Gunslinger girl.
Thù hận thì không cần lý do sâu xa. Thù hận không cần một động cơ đặc biệt. Bởi vì… nó không sinh ra để người ta cảm thông. Thù hận sinh ra chỉ có một mục đích: Cuốn phăng tất cả. Người tốt lẫn kẻ xấu, dũng cảm lẫn hèn nhát, vô tội lẫn có tội.
Cái xã hội mà Yu Aida tạo ra trong Gunslinger girl thật quá sức khốc liệt, quá sức tàn bạo. Hãy nhớ lại vụ Rico bắn cậu bé trong khách sạn, hãy nhớ lại cái cảm giác phẫn nộ của bạn khi đó. Để rồi sau từng chap truyện, cứ mỗi chap trôi qua, cái cảm giác phẫn nộ dần bị mất đi. Logic và vị lợi dần thắng thế.
“Những bé gái đó dù gì cũng từng chết một lần rồi. Giờ đây chúng chỉ là những cỗ máy chiến tranh. Cảm xúc ư? Đó là từ dành cho con người, còn chúng thì không phải là người. Hi sinh số ít để cứu sinh mạng cho hàng triệu người, còn gì đạo đức hơn thế?”
Những lý lẽ này không hoàn toàn vô lý. Ngược lại, nó rất thuyết phục. Ừ thì, gần cả cái Sở Phúc Lợi đã chôn thây trong 2 trận chiến với Giacomo nhưng chẳng phải vì thế mà vô số sinh mạng được cứu hay sao? Ừ đúng, Claes hằng ngày phải chịu đựng sự đau đớn vì những thí nghiệm, đến mức bong cả cơ, trật cả khớp tay nhưng chả phải nhờ có sự hi sinh này mà y học ngày càng phát triển vượt bậc hay sao?
Dần dần, người đọc đã chấp nhận sự tàn nhẫn đó như một lẽ đương nhiên. Rằng “đời là thế”. Thật kì lạ. Khi con người ta sống chung với cái ác quá thường xuyên thì thay vì chống lại nó, họ lại buông xuôi. Tự thuyết phục bản thân rằng, cái ác đó là tất yếu. Đọc Gunslinger girl, đôi lúc ta thường tự hỏi rằng, liệu cái thiện có còn tồn tại giữa chốn địa ngục này hay không? Liệu có nên phản kháng tiếp hay buông xuôi, để cho thù hận chiến thắng? Giacomo quá mạnh mẽ. Không phải bởi kĩ thuật hay đầu óc. Mà là thứ mà hắn đại diện: Sự thù hận. Nhưng Yu Aida đã có lời đáp trả đanh thép.
TÌNH YÊU
Một kẻ nào đó từng nói: “Tình yêu sinh ra thù hận”. Vì yêu nhau nên con người bất chấp tất cả để bảo vệ người mình yêu, kể cả phải hủy diệt tình yêu của kẻ khác. Thù hận nối tiếp thù hận. Còn yêu là còn thù hận. Vậy phải làm sao cho đúng? Tiếp nối theo truyền thống của những mangaka vĩ đại đi trước như Tezuka hay 3F, Yu Aida đã trả lời đó chính là “yêu”.
Có một chi tiết mà Yu Aida đã cài cắm ngay từ đầu truyện mà tôi vô cùng tâm đắc: Cặp kính của Claes.
Raballo vốn dĩ ban đầu chỉ coi Claes như một công cụ, ông huấn luyện cho cố bé trở thành cỗ máy giết chóc, Sở cho ông trở lại Quân cảnh, đó là giao kèo. Nhưng trong quá trình huấn luyện, ông trở nên yêu Claes. Yêu ở đây không chỉ mang ý nghĩa là tình cảm nam nữ, mà rộng hơn, đó là sự thương cảm, sự trân trọng trước một sinh mệnh. Chính vì thế mà Raballo đã bắt Claes hứa với ông rằng, sẽ luôn hiền hòa khi mang cặp kính đó. Sau khi Raballo ra đí, Sở liền xóa sạch kí ức của cô bé một lần nữa. Tuy quên đi sự hiện diện của người lính đáng kính đó, Claes vẫn giữ vững lời hứa đó. Kí ức có thể bị xóa đi, nhưng những gì bên trong tiềm thức, sẽ bất biến.
Cao trào là sau trận chiến ở nhà máy nguyên tử, khi đã hạ được Giacomo và tàn dư phái Padania, chính phủ quyết định tấn công vào trụ sở Sở Phúc Lợi (lúc này chỉ còn các bác sĩ và kĩ thuật viên) để diệt trừ hậu họa. Bên Sở quyết ở lại sống mái trận cuối cùng. Đây là một cảnh phải nói là vô cùng epic. Cô bé người máy tên Claes đó, một thân một mình ra chống lại cả một đội quân. Claes hiền hòa ngày nào nay đã trở nên bạo lực. Có lẽ là do thuốc tái quy định ép buộc cô bé? Hay do tình cảm mà cô bé dành cho các bác sĩ đã khiến cô trở thành như vậy? Không ai biết được. Họ chỉ thấy một cô bé tình nguyện hi sinh thân mình vì kẻ khác, lần này, không phải bởi mệnh lệnh, mà bởi những người mà cô yêu thương.
Bà ủy viên gọi cô bé là “ác quỷ đội lốt người”. Nhưng những gì tôi nhìn thấy, lại là một thiên thần xinh đẹp nhất, cao thượng nhất.
“Kẻ thù với chả mệnh lệnh. Mình không muốn sát hại một cô bé!”
Vị chỉ huy gào to. Là một người lính, bất tuân mệnh lệnh là điều không thể tha thứ. Nhưng liệu lương tri có cho phép ông lấy đi mạng sống của một cô bé vô tội? Ông hỏi cô bé rằng liệu cô có biết Raballo hay không?
Những hình ảnh về một lời hứa với người đó bỗng lùa về. Claes bỗng dưng buông súng.
“Đột nhiên tôi khóc. Nước mắt cứ thế trào ra. Vì một nỗi đau tôi không tài nào nhớ nỗi…”
Nếu Claes tiếp tục chiến đấu, Sở Phúc Lợi sẽ bị thảm sát. Và đó sẽ là chiến thắng cho Giacomo. Nhưng Yu Aida không chấp nhận điều đó. Chỉ bằng một chi tiết nhỏ thôi, ông đã xoay chuyển cả một cuộc chiến vô vọng.
“Tôi phải cứu Claes. Mọi người hãy nghe tôi nói! Tất cả bác sĩ, tất cả kĩ sư… Chúng ta đều mắc nợ cô bé này! Hãy ra đó với tôi! Claes cần chúng ta!”
“Đừng bắn! Cô bé này không phải chiến binh! Em chỉ sống bình yên, không làm hại ai bao giờ!”
Nhìn hình ảnh những kĩ sư, bác sĩ tay không tấc sắc, đưa thân mình ra che chở cho thứ mà người ta gọi là “ác quỷ” trước họng súng của cả đội quân, tôi chợt bật khóc. Nó quá đẹp đẽ! Như dòng nước thánh tươi mát tưới lên con tim của những kẻ đi tìm sự cứu rỗi suốt cả cuộc đời. Như một đóa hoa nhân ái mọc giữa chốn địa ngục thảm khốc. Như tia sáng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, xuyên qua màn đêm dài dằng dặc.
Không ai nói một lời nào. Bởi vì…
“Khi lương tâm cất tiếng, mọi họng súng đều nín lặng.”
SPERANZA – HI VỌNG
Quay trở lại câu hỏi ở đầu bài. Đối với bạn, thế nào là một tác phẩm có giá trị? Với tôi, một tác phẩm có giá trị không những phải có giá trị hiện thực mà còn phải hướng người ta đến cái thiện, phải rung động họ bằng những giá trị nhân văn, những cảm xúc sâu lắng. Và trên hết, dù có khắc họa một thực tế đen tối, phũ phàng như thế nào, nó cũng phải hướng, à không, phải tạo cho người đọc một tia hi vọng. Với những tiêu chuẩn trên, Gunslinger girl của Yu Aida xứng đáng là một tác phẩm có giá trị, một tác phẩm nên đọc.
Sự hi sinh của bác sĩ Rachelle đã ươm mầm cho một đóa hoa nhân ái. Đóa hoa ấy, cô bé mang tên Triela, đến lượt mình, lại chiến đấu không ngừng nghĩ, sống một cách can trường để xứng đáng với “người mẹ” đã ban cho cô sự sống. Và sự can trường của Triela đã để lại một “Speranza” cho cả thế giới.
“Giải phim tài liệu xuất sắc nhất thuộc về một tác phẩm với đề tài bảo vệ trẻ em: Bộ phim THE HOPE của đạo diễn Fugo Mueller!”
Đứng giữa sân khấu trao giải, diễn viên chính của bộ phim, một bác sĩ thiên tài mang cái tên vô cùng đẹp đẽ “Speranza Guellfi”, ngước lên trời cao, với tay lên như muốn chạm đến ai đó. Người con gái đó hãnh diện nói to, như muốn cả thế giới nghe thấy câu chuyện đầy đau buồn nhưng vô cùng xinh đẹp đó:
“Tôi sẽ không đánh đổi giải thưởng tuyệt vời này với bất cứ thứ gì. Nhưng tôi muốn dành tặng nó tới những người đã cho tôi tất cả. Tới người mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng, và tới người mẹ trên thiên đường bên người đàn ông mà bà yêu quý. Con xin dâng thành công hôm nay lên người cùng lời nhắn gửi:
SẼ LUÔN CÓ HI VỌNG TRÊN THẾ GIỚI CỦA CHÚNG TA”
Chút lời trước khi kết thúc. Gunslinger girl là một bộ tragedy nặng. Nếu bạn mong chờ vào một show “girl with gun” có những màn fanservice nhảm nhí, tầm thường thì làm ơn đừng đọc bộ này. Còn nếu bạn muốn thưởng thức một show “vịt hóa thiên nga”, một kiệt tác đậm tính nhân văn, tạo cho người ta niềm hi vọng thì Gunslinger girl hoàn toàn xứng đáng với thời gian mà bạn bỏ ra.
P/s: Cách thưởng thức Gunslinger girl chuẩn bài.
1/ Bật 2 bài The light before we land và Tatta Hitotsu no Omoi, để ở chế độ loop.
2/ Chuẩn bị một cuộn khăn giấy bên cạnh. À thôi, 2 cuộn cho chắc.
3/ Viết to chữ VAFFANCULO lên một tờ giấy. Bạn sẽ cần nó đấy.
4/ Bật bản dịch của Mokey king lên và thưởng thức (riêng bộ này thì người viết khuyến khích nên đọc bản dịch thay vì bản eng).

Atom

Mời các bạn đón đọc Gunslinger Girl của tác giả Aida Yu.