Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Vợ Nhặt

Vợ nhặt là một tác phẩm văn học của nhà văn Kim Lân viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. In trong tập Con chó xấu xí (truyện ngắn 1962). Tiền thân của truyện là tiểu thuyết Xóm ngụ cư (1946). Tác phẩm được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tuy nhiên tác phẩm còn dang dở và bị mất bản thảo. Về sau (1954), tác giả đã dựa vào cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này. Tác phẩm được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 12.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như ngả rạ, người sống cũng vật vờ như những bóng ma. Tràng là một người xấu xí, thô kệch, ế vợ, sống ở xóm ngụ cư. Tràng làm nghề kéo xe bò thuê và sống với một mẹ già. Một lần kéo xe thóc Liên đoàn lên tỉnh, Tràng đã quen với một cô gái(Thị). Vài ngày sau gặp lại, Tràng không còn nhận ra cô gái ấy, bởi vẻ tiều tụy, đói rách làm cô đã khác đi rất nhiều. Tràng đã mời cô gái một bữa ăn, cô gái liền ăn một lúc bốn bát bánh đúc. Sau một câu nói nửa thật, nửa đùa, cô gái đã theo anh về nhà làm vợ. Việc Tràng nhặt được vợ đã làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, nhất là bà cụ Tứ (mẹ Tràng) đón nhận người con dâu trong tâm trạng vừa buồn vừa mừng, vừa lo âu, vừa hi vọng nhưng không hề tỏ ra rẻ rúng người phụ nữ đã theo không con mình. Đêm tân hôn của họ diễn ra trong không khí chết chóc, tủi sầu từ xóm ngụ cư vọng tới. Sáng hôm sau, một buổi sáng mùa hạ, nắng chói lóa. Bà cụ Tứ và cô dâu mới xăm xắn dọn dẹp, quét tước trong ngoài. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với cái nhà của mình và thấy mình nên người, trông người vợ đúng là một người phụ nữ hiền hậu đúng mực, không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như lần đầu gặp nhau. Bà cụ Tứ hồ hởi đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ(Thị), Tràng dần dần hiểu được Việt Minh và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói kéo nhau đi phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.

Nhà văn đã dựng lên hiện thực đau lòng của nạn đói năm 1945: con người phải vật vờ sống qua ngày bằng thức ăn của loài vật bên trong một căn nhà lụp xụp đổ nát với xung quanh là cái đói đang bao trùm ám ảnh. Tuy vậy ông đã phản ánh hiện thực ấy bằng tất cả nỗi niềm day dứt, trăn trở. Phải có một tình cảm gắn bó thực sự với người nông dân như vậy, Kim Lân mới có để hiểu đến từng ngóc ngách trong cuộc đời đói khổ của họ, để từ đó mà phát hiện ra những nét đẹp ngời sáng đang ẩn sâu trong sự tăm tối đó. Mặc dù bị đẩy đến đường cùng, bị cái đói làm cho biến dạng méo mó nhân cách, nhưng người nông dân vẫn sẵn sàng chia sẻ nhau từng miếng cơm manh áo, vẫn sẵn sàng cưu mang nhau, và quan trọng hơn là cùng mơ về một tương lai tươi sáng. Đồng thời Kim Lân cũng thể hiện sự trân trọng và đặt niềm tin vào khao khát và ước mơ mở đường của các nhân vật. Mặc dù cơ hội đó rất mong manh, nhưng nhà văn vẫn hé mở cho họ một tương lai tươi sáng.

***

Trước kia mỗi chiều, cứ vào lúc chạng vạng mặt người(1) thì Tràng đi làm về. Hắn bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư(2) vào trong bến.

Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mất nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạch ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhính những ý nghĩ gì vừa lí thú vừa dữ tợn. Hắn có tật vừa đi vừa nói. Hắn lảm

nhảm than thở những điều hắn nghĩ.

Trẻ con trong xóm, cứ thấy cái thân hình to lớn, vập vạp của hắn từ dốc chợ đi xuống là ùa cả ra vây lấy hắn, reo cười váng lên:

- A a a… Anh Tràng ! Anh Tràng đã về chúng mày ơi !

- Anh Tràng ơi bế em mấy…

- Anh Tràng ơi đã uống rượu chưa?

- Anh Tràng ơi !…

Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch.

Cái xóm ngụ cư tồi tàn ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một lúc.

Nhưng độ này thì trẻ con không đứa nào buồn ra đón Tràng nữa, chúng nó ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích. Trong bóng chiều nhá nhem, Tràng đi từng bước mệt mỏi, chiếc áo nâu tàng(3) vắt sang một bên cánh tay, cái đầu trọc

nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn.

Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu(4) lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người.

Giữa cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy, một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Mặt hắn có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Người đàn bà đi sau

hắn chừng ba bốn bước. Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt. Thị có vẻ rón rén, e thẹn. Mấy đứa trẻ con thấy lạ vội chạy ra đón xem. Sợ chúng nó đùa như trước, Tràng vội vàng nghiêm

nét mặt, lắc đầu ra hiệu không bằng lòng.

Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào

lên:

- Anh Tràng ơi ! - Tràng quay đầu lại. Nó cong cổ gào lên lần nữa

- Chông vợ hài.

Tràng bật cười:

- Bố ranh !

Người đàn bà có vẻ khó chịu lắm. Thị nhíu đôi lông mày lại, đưa tay lên xóc xóc lại tà áo. Ngã tư xóm chợ về chiều càng xác xơ, heo hút. Từng trận gió từ cánh đồng thổi vào, ngăn ngắt. Hai

bên dãy phố, úp súp, tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa. Dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma. Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết.

Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Họ đứng cả trong ngưỡng cửa nhìn ra bàn tán. Hình như họ cũng hiểu được đôi phần. Những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên. Có cái gì

lạ lùng và tươi mát thổi vào cuộc sống đói khát, tăm tối ấy của họ. Một người thở dài. Người khác khẽ thì thầm hỏi:

- Ai đấy nhỉ? … Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?

- Chả phải, từ ngày còn mồ ma ông cụ Tứ(5) có thấy họ mạc nào lên thăm đâu.

- Quái nhỉ?

Mời các bạn đón đọc Vợ Nhặt của tác giả Kim Lân.