Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ Văn Trung, là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930.
Tiểu thuyết của ông bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam bộ vào những thập niên đầu thế kỷ 20. Đó là sự tha hóa của con người trước sự lớn lên vùn vụt của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới…
Lối viết bình dị, ngôn ngữ gần với lời nói thường ngày là một ưu thế khiến tác phẩm của Hồ Biểu Chánh chiếm được cảm tình đặc biệt của người dân Nam Bộ.
***
Trái đất vần xây, tối rồi kế sáng, sáng rồi tối lại.
Nước sông luân-chuyển, hết ròng rồi lớn, lớn rồi lại ròng.
Việc nhà hễ hết thạnh rồi tới suy cũng như vận nước hễ mất trị thì phải loạn.
Đó là định-luật dĩ-nhiên xưa nay thường-lệ mà Đông Tây cũng thường-lệ.
Thử lật Việt-Nam Quốc-Sử mà xem, chúng ta sẽ nhận thấy rõ-ràng cuộc thạnh-trị với cuộc loạn ly cứ tiếp mà diễn ra hoài hoài. Nếu người cầm-quyền hẫng-hờ để thất chánh thì tự-nhiên rối-rắm khắp mọi nơi. Nếu muốn non-nước được thanh-bình thì phải nhờ bực anh-hùng chí-sĩ có đại đức đại tài, thâu-phục dân tâm, hướng-dẫn quần-chúng, mới có thể đánh dẹp trong ngoài mà xây dựng an-ninh lại bá-tánh.
Kìa như thuở xưa, sau một cơn bị trị kéo dài đến trót một ngàn năm, nước non nghiêng-ngửa, quốc-hồn lu-lờ, dân-chúng khóc than, cỏ cây khô héo. Trong thời-gian đau khổ ấy tuy có Trưng Nữ Vương, có Bà Tiệu-Ẩu, có Lý Nam-Đế, có Triệu Việt-Vương có Mai Hắc-Đế, có Khúc-Thừa Dũ lần-lượt nổi lên quyết ra tay bình-định sơn-hà và đem chủ-quyền quốc-gia về cho dân-tộc. Rất tiếc thay các đứng tiền-nhơn ấy có hào-khí chói-lòa, có hùng-tâm mãnh-liệt, nhưng chưa phải là người lật ngược thời-cuộc, bởi vậy công-nghiệp không thành-tựu được hoàn-toàn, chỉ lưu lại danh thơm chí cả cho hậu nhơn sùng-bái muôn đời mà thôi.
Mãi đến thế-kỷ thứ 10, mới có Ngô-Quyền xuất-hiện, quét sạch ở trong, đánh dẹp ở ngoài, xây nền quốc-gia tự-chủ cho Việt-Nam rạng-rỡ ở góc trời Đông-Á. Non nước được hưởng thanh bình có 5 năm rồi Ngô-Vương lại băng. Người sau nối nghiệp lại không đủ tài đủ đức, để cho thất chánh đi, nên mới sanh phản loạn Thập-Nhị Sứ-Quân, làm lung-tung một lúc.
May có Đinh Tiên-Hoàng ra đời bình-loạn trấn-an, lập ra nhà Đinh, sau liên-tiếp truyền ngôi quốc-vương cho các nhà Tiền Lê, nhà Lý rồi qua nhà Trần.
Đến thế-kỷ 13, nhà Trần gặp nạn ngoại-xâm, Nguơn-Triều bên Trung-Quốc, ỷ binh đông tướng mạnh nên toan nuốt luôn đất nước Việt-Nam. Chẳng dè bên ta, trên vua hiền-đức, dưới tướng hùng-cường, lại thêm muôn dân nhứt tâm, nhứt trí, đoàn-kết cùng nhau quyết đổ máu phơi xương để bảo-vệ sơn-hà, bởi vậy binh tướng của Nguơn-Triều luôn luôn đại-bại, phải cầu hòa cho khỏi bị tiêu-diệt.
Trong đời chẳng có vật chi trường-tồn vĩnh-viễn được. Đá lâu năm phải hao mòn, sắt lâu năm phải mục sét. Tinh-thần lâu năm cũng phải suy giảm, đạo-đức lâu năm cũng phải lu mờ. Trước kia đời nhà Lý là đời thạnh-trị nhưng giữ ngôi vua được 215 năm rồi phải sang lại cho nhà Trần. Mà đời nhà Trần là đời vừa xán-lạng vừa hùng-cường, song trị-vì được 175 năm rồi cũng bị nhà Hồ soán đoạt.
Nhà Minh, bên Trung-Quốc, mượn cớ soán đoạt nầy mới xua binh qua đánh dẹp họ Hồ rồi chiếm trị cả đất nước Việt-Nam trót 13 năm.
Thấy cha con Hồ-Quí-Ly vì tham quyền cố-vị để cho ngoại-bang cướp mất chủ-quyền quốc-gia, người Việt-Nam từ trẻ chí già, từ bực sĩ-phu cho đến hàng dân-giả, ai ai cũng phẫn-uất, quyết hy-sinh tánh mạng đặng cứu nước, cứu dân. Nghe ông Lê-Lợi phất cờ mộ nghĩa ở Lam-Sơn, người trong nước thảy đều hưởng ứng. Trong 10 năm chinh-chiến, ban đầu sức kém nên thất bại, nhưng nhờ đem tinh-thần cứu quốc cao vòi vọi mà đấu với lòng cướp giựt thấp hèn của giặc, bởi vậy tướng-sĩ ta lần-lần đánh rã quân xâm-lăng, đuổi chúng chạy về Tàu, tôn Lê Thái-Tổ lên ngôi báu, rồi bố-cáo cuộc bình Ngô đạt định.
Miêu-Duệ của Lê Thái-Tổ tiếp nối trị-vì được 99 năm rồi bị quyền thần Mạc-Đăng-Dung cướp ngôi, may nhờ có hai trung-thần là ông Nguyễn-Kim với rể là ông Trịnh-Kiểm cứu giá đưa con của vua Lê Chiêu-Tôn qua Cam-Châu thuộc xứ Lèo, tôn lên làm vua rồi rước về Thanh-Hóa để chiêu binh mãi mã đánh dẹp họ Mạc.
Từ đó nhà Lê đóng đô ở Thanh-Hóa, nhà Mạc đóng đô ở Thăng-Long. Trong nước có tới hai vua, hai triều, lòng dân phải chia rẽ, người phò Lê, kẻ phò Mạc, Nam Bắc cứ đánh nhau trót 65 năm, dân gian hết sức đồ-khổ. Mãi đến năm 1592, Trịnh-Tùng con của Trịnh-Kiểm mới đánh bắt được vua Mạc-Mậu-Hiệp mà giết rồi gom hết đất nước đem về một mối đưới quyền thống-trị của vua Lê.
Nhưng đã dứt cái nạn một nước hai vua rồi thì tới cái họa một triều hai chúa nữa. Tuy nhà Lê đã thống nhứt sơn-hà song quyền-bính tại triều đều ở trong tay Trịnh-Tùng cả. Ông Nguyễn-Hoàng là con ông Nguyễn-Kim tức là cậu của Trịnh-Tùng trước kia đã được vào trấn đất Thuận-Hóa, chừng thấy Trịnh-Tùng lộng quyền xưng chúa, ông e quyền thần ám-hại nên ông không chịu ra Bắc chầu vua nhà Lê nữa, thành thử gây phân tranh. Chúa Trịnh chiếm cứ cả miền Bắc vô tới Linh-Giang, còn chúa Nguyễn thống-trị miền Nam từ Linh-Giang vô Quảng-Nam.
Trong khoảng 45 năm, chúa Trịnh với chúa Nguyễn phải đánh nhau đến bảy lần, gây tai hại cho đất Hà-Tĩnh và đất Quảng-Bình không biết bao nhiêu, lại làm tổn-hao sanh-mạng của nhơn-dân không kể xiết.
Tuy luôn luôn phải lo chống với chúa Trịnh ở phía Bắc, song chúa Nguyễn cũng chăm nom mở rộng bờ cõi ở phia Nam, lần lần chiếm hết đất Chiêm-thành từ Quảng-Nam vô Bình-Thuận rồi phân huyện, phân phủ mà cai-trị. Đến giữa thế-kỷ 18, tất cả vùng đất Nam-Việt bây giờ cũng thuộc luôn về chúa Nguyễn thống-trị nữa.
Cuộc nam-tiến của các đời chúa Nguyễn được thành-công rất vẻ-vang chỉ nhờ sức cố-gắng của thần-dân từ tỉnh Quảng-Bình trở vô mà thôi. Từ Hà-Tỉnh trở ra Bắc, nhơn-dân là phe đảng của chúa Trịnh, nghịch hẳn với chúa Nguyễn nên không có tham-dự cuộc nam-tiến rực-rỡ đó.
Đến năm 1765 chúa Nguyễn Võ-Vương mất. Quyền thần Trương-phước-Loan đổi tờ di-chiếu lập người con thứ 16 của Võ-Vương lên ngôi Chúa gọi là Định-Vương. Vả Định-Vương mới được 12 tuổi nên Phước-Loan đoạt hết quyền-hành tác oai tác phước, tham-lam, khắc-khổ, làm nhiều điều tàn ác, khiến cho cả nước quan dân thảy đều oán ghét.
Ở đất Tây-Sơn, thuộc vùng Qui-Nhơn bây giờ, có ba anh em Nguyễn-Nhạc, Nguyễn-Lữ và Nguyễn-Huệ, vốn là miêu-duệ của một chiến-sĩ gốc ở Nghệ-An, trước kia theo Chúa Trịnh mà đánh giặc, bị tướng-sĩ của chúa Nguyễn bắt làm tù binh rồi đem về quản-thúc tại Qui-nhơn. Ba anh em Nhạc lóng nghe ở Thuận-Hóa Nguyễn-Triều thất chánh, lòng dân ly-tán, hết kể cang-thường, biết rồi đây thế nào cũng phải rối loạn khắp nơi. Nhạc mới hiệp với hai em mà chiêu mộ dân nghèo đặng huấn-luyện cho thành quân-sĩ để đánh giặc.
Được người ta theo càng ngày càng thêm đông, Nhạc mới phân đội ngũ, lập trại đồn rồi kéo nhau ra đánh lấy thành Qui-Nhơn, lần lượt chiếm cả phần đất từ Bình-Thuận ra giáp Quảng-Nam.
Ngoài Bắc Chúa Trịnh-Sâm thấy Nguyễn-Triều đương bối-rối, trong bị quyền thần ngang-ngược, ngoài bị giặc Tây-Sơn hùng-hào. Chúa Trịnh thừa dịp may bèn sai Đại-tướng Hoàng-Ngũ-Phúc đem thủy-bộ hơn ba muôn binh vào chiếm đất Bố-Chánh (Quảng-Bình) rồi lấy luôn đô-thành Phú-Xuân (Huế) mà bắt hết quần-thần của Chúa Nguyễn.
Chúa Nguyễn Định-Vương thấy tình-hình nguy-ngập, trong bị binh Tây-Sơn đánh ra, ngoài bị binh Chúa Trịnh tràn vào, mới nhóm quần-thần mà định kế đối-phó. Đình-thần bèn phân ra một tốp thì hộ-giá đưa Chúa Nguyễn cùng cung-quyến vào Quảng-Nam lánh nạn, còn một tốp thì đề binh khiển tướng bắt giam gian thần Trương-Phước-Loan đem nạp cho Hoàng-Ngũ-Phúc mà cầu hòa. Tướng Trịnh giết Trương-Phước-Loan, nhưng cũng đánh tan binh Nguyễn rồi vào chiếm kinh-thành Phú Xuân.
Chúa Nguyễn Định-Vương vào Quảng-Nam rồi nghe lời khuyên của đình-thần mới lập Nguyễn Phước-Dương là con của cố thế-tử Nguyễn-Phước-Hiền lên ngôi Đông-Cung, chuyên lo sắp-đặt cuộc chống-cự với giặc. Chẳng bao lâu, Định-Vương nghe tin trong thì Tây-Sơn, ngoài thì tướng Trịnh, cả hai đều xua binh đánh ụp Quảng-Nam. Đình-thần bèn khuyên Định-Vương xuống thuyền cùng với cháu là Nguyễn-Phước-Ánh (sau là Gia-Long) vốn là con của người anh thứ hai cho quan hộ-giá đưa vào đất Gia-Định mà lánh nạn để Đông-Cung Dương với chư-tướng ở lại Quảng-Nam lo mưu trừ giặc.
Và lúc Tây-sơn mới khởi binh dấy loạn ở Qui-Nhơn thì triều-đình đã có ban chiếu cho chư-trấn trong đất Gia-Định dạy phải đem binh ra đàng ngoài mà dẹp loạn.
Ông Tống-Phước-Hiệp đương ngồi chức Lưu-Trấn Long-Hồ (Long-Hồ là Vĩnh-Long bây giờ) tiếp được chiếu của Chúa Nguyễn, ông hăng-hái gom binh các trấn, rần-rộ kéo ra Bình-Thuận quyết nghinh địch.
Cuộc chiêu binh tuyển tướng nầy làm xao-xuyến, náo-động cả vùng Gia-Định là lãnh-thổ xứ Nam-Việt ngày nay. Những người trai-tráng tuy không được biết rõ tình-hình chung trong nước rắc-rối thế nào, song nghe nói có giặc thì ai cũng nô-nức toan-tính ra sức đẹp loạn, trị-an, đặng lập công-danh với đất nước.
Mời các bạn đón đọc Đỗ Nương Nương Báo Oán của tác giả Hồ Biểu Chánh.