Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chó Sủa Nhầm Cây - Tại Sao Những Gì Ta Biết Về Thành Công Có Khi Lại Sai

Bạn có biết:

- Các thủ khoa hiếm khi trở thành triệu phú, và nhược điểm lớn nhất có khi lại là ưu điểm tuyệt vời nhất mà ai ai cũng khao khát sở hữu.

- Ở công ty, sự chăm chỉ đang bị thổi phồng quá mức, còn những trò nịnh bợ lại thường mang đến kết quả tốt, và liệu đề cao chính nghĩa hay sa vào tà đạo mới là con đường dẫn đến thành công?

- Những người lính Navy SEAL và những nhân viên bán bảo hiểm có một điểm chung quan trọng, và cách sử dụng nguyên tắc WNGF trong thiết kế trò chơi để biến đống bài tập chán ngắt thành những trò chơi hấp dẫn.

Rất nhiều lời khuyên về thành công rất logic, đầy cảm hứng, và sai bét. Bằng cách nhìn qua lăng kính khoa học để xem những người cực kỳ thành công khác với mình ở những điểm nào, ta học được cách để trở nên giống họ—và nhận ra trong vài trường hợp, không được như họ hóa ra lại tốt hơn.

CHÓ SỦA NHẦM CÂY - BARKING UP THE WRONG TREE - là quyển sách gây tiếng vang, liên tục nằm trong danh sách bestseller Amazon của tác giả kiêm chủ trang blog Barking up the wrong tree - Eric Barker. Xuyên suốt nội dung sách, Eric sẽ cùng chúng ta lý giải một cách đầy hóm hỉnh nhưng không kém phần chặt chẽ những quan niệm khác nhau về thành công từ trước đến nay. Và ở cuối con đường đó, mỗi người chúng ta sẽ tự tìm thấy ngưỡng cửa thành công cho riêng mình.

***

GIỚI THIỆU

Đâu là mấu chốt tạo nên thành công?

Bằng cách nhìn qua lăng kính khoa học để xem điều gì khiến những người cực kỳ thành công khác biệt với phần còn lại, ta học được cách để trở nên giống họ — và nhận ra trong vài trường hợp, không được như họ hóa ra lại tốt.

Hai người đã bỏ mạng khi cố làm điều này.

Tạp chí Outside Magazine từng tuyên bố không có giải đấu nào có thể vượt mặt Race Across America (Cuộc đua xe đạp dọc nước Mỹ) về độ khắc nghiệt trong việc thử thách sức chịu đựng của con người. Các cua-rơ phải chinh phục đoạn đường 3.000 dặm từ San Diego đến Atlantic City trong vòng chưa đầy 12 ngày. Một số người nghĩ “Ờ, nó giống như giải Tour de France thôi mà”. Nhưng không, họ đã lầm. Các giải đấu dạng "Tour" thường có nhiều chặng đua, cứ sau mỗi chặng các tay đua sẽ được nghỉ dưỡng sức. Còn giải Race Across America (RAAM) không cho phép các cua-rơ dừng lại. Mỗi một phút dừng để nghỉ ngơi, chợp mắt, hay làm bất cứ điều gì khác ngoài việc đạp xe đều có thể trở thành cơ hội cho đối thủ đánh bại họ. Những tay đua chỉ được ngủ trung bình 3 giờ mỗi đêm.

Khi cuộc đua bước vào ngày thứ tư, nhóm dẫn đầu sẽ phải dằn vặt giữa nghỉ ngơi hay đi tiếp. Các tay đua cứ bám đuổi sát sao nhau (họ chỉ cách nhau khoảng 1 giờ đồng hồ), nên đó quả là một quyết định nặng nề, nhất là khi ai cũng biết rõ sẽ bị vượt mặt và phải cố giành lại vị trí nếu dừng lại. Và cứ thế họ yếu dần qua từng chặng đua. Không có thời gian nghỉ. Cái cảm giác kiệt sức, đau đớn, và thiếu ngủ cứ dồn lại trong suốt chặng đường xuyên nước Mỹ.

Thế nhưng, những điều này chẳng hề ảnh hưởng đến nhà vô địch năm 2009. Anh cán đích sớm hơn người về nhì tận nửa ngày, theo đúng nghĩa đen. Jure Robic dường như bất khả chiến bại. Anh đã vô địch giải RAAM đến 5 lần, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào và thường về đích chỉ trong vòng 9 ngày. Vào năm 2004, anh đã đánh bại tay đua số 2 với cách biệt 11 giờ. Bạn có tưởng tượng được không: Đây là giải đấu mà sau khi chứng kiến người về nhất cán đích, mọi người còn phải chờ thêm nửa ngày nữa mới biết vị trí á quân!

Lẽ dĩ nhiên, chúng ta sẽ thắc mắc điều gì đã khiến Robic chiếm ưu thế và thành công trong một cuộc thi khắc nghiệt như thế. Là do năng khiếu bẩm sinh? Không hề. Trong các bài kiểm tra, anh ta cũng không quá nổi trội so với những vận động viên có sức bền hàng đầu khác.

Hay anh có huấn luyện viên giỏi? Không luôn. Qua mô tả của bạn anh — Ruoc Ve Apec — thì Robic là một kẻ "bất khả huấn luyện."

Trong một bài báo trên tờ New York Times, Dan Coyle đã tiết lộ khía cạnh vượt trội của Robic so với các đối thủ cạnh tranh đã khiến cho anh trở thành tay đua vĩ đại nhất trong cuộc đua Race Across America:

Sự điên rồ.

Không hề quá khi nói rằng anh ta là một gã quá khích. Đúng là khi Robic đặt chân lên bàn đạp, anh ta hoàn toàn bị mất kiểm soát.

Anh trở nên hoang tưởng; dễ xúc động và suy sụp; và cứ như nhìn thấy một thứ ý nghĩa quái đản nào đó trong các vết nứt trên con đường phía dưới. Robic sẽ ném chiếc xe đạp của mình xuống rồi đi về phía chiếc xe hơi theo sau của đồng đội với nắm đấm siết chặt cùng đôi mắt rực lửa. (Rất khôn ngoan, bọn họ đã khóa hết cửa xe lại.) Anh ta có thể đột ngột nhảy khỏi xe giữa cuộc đua chỉ để chiến với… mấy cái hộp thư. Trong cơn ảo giác, có lần anh còn nhìn thấy quân du kích Hồi giáo Mujahideen cầm súng đuổi theo mình. Vợ cũ của Robic Lo lắng về hành vi của anh đến nỗi phải tự nhốt mình trong chiếc xe di động hỗ trợ đoàn đua.

Coyle cho hay Robic cũng biết sự điên rồ của mình là "khó xử và đáng xấu hổ nhưng không thể sống mà thiếu nó được." Thú vị là đặc điểm này của Robic không phải chưa từng được xem là một lợi thế trong thể thao. Từ những năm 1800, các nhà khoa học như Philippe Tissé và August Bier đã ghi nhận rằng tâm trí thiếu ổn định có thể giúp vận động viên lờ đi nỗi đau và thúc đẩy cơ thể mình vượt quá giới hạn tự nhiên.

Không biết bạn thế nào, nhưng các thầy dạy tôi hồi trung học chưa bao giờ nói với tôi rằng cơn ảo giác, hành động tấn công hộp thư, hay sự điên loạn nói chung lại là mấu chốt dẫn đến thành công tầm cỡ quốc tế ở bất kỳ lĩnh vực nào. Tôi thường được dặn dò phải làm bài tập về nhà, tuân theo quy định, và cư xử tử tế.

Tất cả những điều này đặt ra một câu hỏi: Mấu chốt tạo nên thành công là gì?

Quyển sách này sẽ khám phá những thứ mang lại thành công ngoài đời thực. Và tôi đang ám chỉ thành công trong cuộc sống, chứ không đơn thuần chỉ là kiếm tiền. Thái độ và hành vi gì sẽ giúp ta đạt được mục tiêu trong bất kỳ lĩnh vực nào, dù là trên phương diện sự nghiệp hay cá nhân? Rất nhiều cuốn sách chỉ toàn đề cập đến khía cạnh đẹp đẽ của thành công hoặc những khái niệm không hề khả thi. Chúng ta sẽ xem xét những thứ đã hiệu quả, sau đó sẽ học theo từng bước để có thể ứng dụng và đạt được thứ mình hằng mong muốn.

Thành công được định nghĩa như thế nào, ừ thì, là tuỳ thuộc vào bạn. Đó là những điều cá nhân bạn cần để cảm thấy hạnh phúc ở nơi làm việc lẫn ở nhà. Nhưng điều đó không có nghĩa thành công là thế nào cũng được. Bạn đã biết các chiến lược rất có thể sẽ hiệu quả (như nỗ lực bền bỉ), cũng như rất có thể sẽ không hiệu quả (như ngủ nướng tới trưa), vấn đề là ở cái khoảng rộng lớn nằm giữa hai cực này. Bạn đã từng nghe về tất cả những phẩm chất và chiến thuật sẽ giúp mình đạt được mục đích, nhưng lại không hề có một bằng chứng thực tiễn nào — và có lẽ bạn đã nhìn thấy nhiều ngoại lệ. Đó chính là những thứ chúng ta sẽ cùng xem xét trong quyển sách này.

Trong 8 năm liền, trên trang blog Barking Up the Wrong Tree, tôi đã mổ xẻ các nghiên cứu và phỏng vấn các chuyên gia về những điều tạo nên thành công trong cuộc sống. Và tôi đã tìm ra được nhiều câu trả lời. Nhiều điều trong số đó khiến tôi ngạc nhiên. Một số trông bề ngoài có vẻ mâu thuẫn, nhưng tất cả đều cho ta một cái nhìn sâu sắc về những điều cần làm trong sự nghiệp lẫn cuộc sống để có được lợi thế.

Phần lớn những gì ta được nghe kể về các phẩm chất dẫn đến thành công đều có vẻ hợp lý, nghiêm túc, và… sai bét. Chúng ta sẽ đập tan những câu chuyện huyền bí để đi sâu vào tìm hiểu khoa học đằng sau thứ ngăn cách giữa chúng ta với những người cực kỳ thành công, học cách để có thể tiến tới gần họ hơn, và lý giải tại sao trong một số trường hợp không được như họ hóa ra lại tốt.

Đôi khi thứ tạo nên thành công chỉ đơn thuần là tài năng thiên bẩm, đôi khi đó lại là những điều tốt đẹp mà các bà mẹ thường bảo ta phải làm, hay có khi là những thứ hoàn toàn ngược lại. Những lời khuyên cũ rích nào là đúng, và cái nào chỉ là cổ tích?

Có phải "người tốt luôn cán đích cuối cùng"? Vậy ai cán đích đầu tiên?

Có phải người bỏ cuộc sẽ không bao giờ chiến thắng? Hay sự cứng đầu mới chính là kẻ thù thực sự?

Liệu sự tự tin có quan trọng hơn hết thảy? Và khi nào thì nó chỉ là ảo tưởng?

Trong mỗi chương, chúng ta sẽ xem xét cả hai mặt của câu chuyện. Ta sẽ xét điểm mạnh của từng quan điểm. Thế nên, nếu điều gì đó nghe có vẻ như một phát kiến vĩ đại, hoặc nghe rất mâu thuẫn, xin cứ tiếp tục đi cùng tôi. Cả hai khía cạnh sẽ trình bày vấn đề theo góc độ của mình, gần giống như một phiên tòa vậy. Sau đó, chúng ta sẽ đúc kết ra phương án có lợi nhất và ít khuyết điểm nhất.

Ở Chương 1, ta sẽ phân tích liệu việc thận trọng và làm theo những gì được bảo có thực sự tạo nên thành công hay không. Chúng ta sẽ tìm hiểu về thứ mà giáo sư Gautam Mukunda tại Harvard gọi là tố chất tăng cường (intensifier). Giống như sự điên rồ của Jure Robic, tố chất tăng cường bình thường được xem là phẩm chất tiêu cực, nhưng trong vài trường hợp, nó lại có khả năng tạo ra lợi thế vượt trội và có sức tàn phá đối thủ cạnh tranh. Ta sẽ tìm hiểu tại sao các thủ khoa hiếm khi trở thành triệu phú, tại sao các tổng thống Mỹ tốt nhất (và tệ nhất) là những người phá vỡ hệ thống, và làm thế nào để biến những điểm yếu nhất thành thế mạnh lớn nhất của mình.

Trong Chương 2, ta sẽ tìm hiểu khi nào thì những người tốt về đích đầu tiên cũng như khi nào quan điểm của Machiavelli là đúng. Chúng ta sẽ nói chuyện với một giáo sư trường Wharton, người tin tưởng vào kinh doanh từ bi và lòng vị tha, và một giảng viên tại Stanford với nghiên cứu cho thấy sự chăm chỉ đang bị thổi phồng quá mức còn những trò nịnh bợ lại thường mang đến kết quả tốt. Ta sẽ xem xét qua các luật lệ mà ngay cả những kẻ phá luật như cướp biển và băng nhóm tội phạm cũng đều tuân theo, và học cách cân bằng giữa tham vọng và giấc ngủ an lành vào ban đêm.

Ở Chương 3, ta sẽ đi sâu vào chương trình huấn luyện của Navy SEAL, đồng thời khám phá những phát hiện khoa học mới về lòng can đảm và khả năng phục hồi. Chúng ta sẽ trao đổi với những Tiến sĩ Kinh tế hàng đầu để xác định khi nào thì cần nỗ lực gấp đôi, và khi nào thì nên xõa. Các võ sư Kungfu sẽ dạy chúng ta rằng đôi khi bỏ chạy cũng không hẳn là ý tồi. Và chúng ta cũng sẽ học qua những từ ngữ ngờ nghệch, nhằm giúp quyết định khi nào thì nên gắn bó và khi nào tốt nhất là nên buông bỏ.

Chương 4 sẽ xét "bạn biết gì" hay "bạn biết ai" mới là quan trọng. Chúng ta sẽ thấy hầu hết nhân viên có quan hệ xã hội rộng thường làm việc hiệu quả nhất, trong khi các chuyên gia hàng đầu hầu như luôn xếp mình vào kiểu người hướng nội (ngạc nhiên là nhóm này cũng bao gồm cả 90% vận động viên hàng đầu). Chúng ta cũng sẽ được anh chàng có quan hệ rộng nhất ở Thung lũng Silicon chia sẻ cách tạo mối quan hệ với người khác mà không quá lố lăng.

Chương 5 là những chia sẻ về thái độ. Chúng ta sẽ tìm hiểu xem làm thế nào sự tự tin có thể thúc đẩy ta vượt giới hạn của bản thân, cùng với đó là sự tiết chế cần thiết với tầm nhìn thực tế về những thử thách phía trước. Chúng ta sẽ biết khoa học về "sự tương phản thần kinh" có thể giúp ta quyết định khi nào nên tất tay, và khi nào phải suy nghĩ cho kỹ. Quan trọng nhất, chúng ta cũng sẽ xem qua nghiên cứu mới lý giải tại sao toàn bộ các hình mẫu tự tin có thể phát sinh vấn đề ngay trong bản chất.

Ở Chương 6, ta cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh và cố tìm hiểu thành công trong sự nghiệp gắn kết thành công trong cuộc sống như thế nào — và khi nào thì điều đó không đúng. Liệu có nơi nào cho ta sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong thế giới 24/7 ngày nay? Clayton Christensen từ Đại học Harvard, cùng với Thành Cát Tư Hãn, sẽ cung cấp thêm ví dụ về cách thức dung hoà mọi thứ trong một môi trường làm việc đầy biến động. Chúng ta sẽ nhận được bài học đằng sau những trường hợp bi thương của các huyền thoại, những người dù thành công lẫy lừng nhưng đã phải trả một cái giá quá cao, hy sinh cả gia đình và hạnh phúc của riêng mình.

Thành công không nhất thiết lúc nào cũng là những thứ bạn chỉ nhìn thấy trên truyền hình. Nó không phải là trở nên hoàn hảo, mà đúng hơn là nắm được mình giỏi điều gì nhất, rồi tìm cách hiệu chỉnh nó cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Bạn không cần phải điên rồ theo nghĩa đen như Jure Robic nhưng đôi khi một con vịt con xấu xí cũng có thể hóa thiên nga nếu tìm được đúng cái ao của mình. Những điều khiến bạn khác biệt, những thói quen bạn cố loại bỏ, những điều khiến bạn bị mắng nhiếc trong trường, cuối cùng lại là những thứ có thể mang lại cho bạn lợi thế tuyệt đối.

Và chúng ta sẽ bắt đầu từ đây…

Mời các bạn đón đọc Chó Sủa Nhầm Cây của tác giả Eric Barker.