Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Chiến Trường Vinh Quang

Bản dịch khác của Phạm Văn Ba: Chiến Trận
Chiến trận là tác phẩm mở đầu cho một loạt tiểu thuyết tiếp theo: Danh nhân (chân dung người cha), Thế giới rất gần (về đám tang người cha) và Quà tặng (chân dung người mẹ), kết thúc bằng Như ở trên trời (về cảnh chia li), tất cả hợp thành một bộ sách về gốc gác con người.

Khi viết về chiến tranh người ta thường nhắc nhiều tới máu, súng đạn và nước mắt. Tác giả người Pháp nhìn chiến tranh từ một góc khác, không trực diện nhưng xuyên thấu nỗi đau.

Giải Goncourt năm 1990 đã vinh danh tiểu thuyết Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) của Jean Rouaud để cổ vũ cho nỗ lực làm mới một đề tài tưởng như đã sáo mòn. Tác phẩm như một làn gió mới trong các sáng tác về đề tài chiến tranh của văn đàn Pháp lúc bấy giờ. Nỗi đau của cả nhân loại được cảm nhận từ khung cửa sổ của một gia đình trung lưu ở vùng ngoại ô theo cách riêng.

Khi cuộc Đại chiến Thế giới lần thứ nhất đang trong giai đoạn khốc liệt cho đến cuối những năm 80 của thế kỉ 20 đã có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc binh lửa tàn khốc này. Với những tác giả là người lính từ chiến trường trở về, họ mang cái nhìn trực diện về chiến tranh vào trong tác phẩm. Đôi khi hiện thực được lột tả sát tới mức chúng ta tưởng chừng có thể ngửi thấy mùi thuốc súng trên trang giấy.

Là một nhà văn sinh ra khi cả hai cuộc Đại chiến Thế giới đã trở thành quá khứ, Jean Rouaud không cố tình đóng vai là “người trong cuộc” để viết về cuộc chiến như cách mà một số nhà văn ở thế hệ ông đã làm. Tác giả viết về chiến tranh bằng tâm thế và góc nhìn của một con người sinh ra sau chiến trận. Những trang văn không nồng nặc mùi thuốc súng nhưng vẫn khiến người ta day dứt.

Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, mang âm hưởng của một cuốn hồi ký gia đình. Từ chính câu chuyện của gia đình mình, tác giả đã khắc họa sâu sắc nỗi đau dai dẳng của chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ trước, dưới mái nhà mà ông đang sống, đã diễn ra những cuộc tiễn đưa khiến người ta hoảng sợ.

Những người đàn ông và có cả những chàng trai trẻ khoác lên mình bộ quân phục và đi về phía bom đạn. Sự khốc liệt của chiến tranh đã vĩnh viễn cướp họ khỏi vòng tay người thân. Nhưng những người lính ấy không bao giờ chết. Họ vẫn sống trong ký ức của người thân. Một thứ ký ức buồn và dai dẳng như màn mưa dai dẳng của vùng Loire-Inferieure.

Đọc những trang đầu của Chiến Trận (Chiến trường vinh quang), nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: “Liệu đây có phải là một cuốn tiểu thuyết chiến tranh hay chỉ đơn thuần là một cuốn hồi ký về gia đình?”. Trong những chương đầu, tác giả tập trung miêu tả các thành viên trong gia đình với một bút pháp tỉ mỉ và tinh tế đến lạ lùng, làm cho người đọc có cảm giác như đang xem một cuốn phim tư liệu.

Nhà văn dành một tình cảm đặc biệt cho bà cô Marie, một con người sùng đạo, cả đời không kết hôn và nguyện phụng sự cho Chúa. Đây cũng chính là nhân vật mở nút cho cuốn tiểu thuyết tưởng chừng không có kịch tính này.

Trước lúc lâm chung, bà Marie liên tục nhắc đến cái tên Joseph. Cái tên gợi cho tác giả nhớ đến người cha tội nghiệp của mình, người ra đi vì bệnh tật khi chỉ mới 40 tuổi. Nhưng không, ông đã nhầm, trong đại gia đình còn một thành viên khác cũng mang tên Joseph. Đó là người anh trai tội nghiệp của bà Marie, người đã tử trận năm 1914, khi mới 26 tuổi. Một chàng trai chưa nếm vị ngọt của hôn nhân và còn nhiều hoài bão.

Vì đau lòng, vì không muốn những người lính thoát chết trong trận can qua cảm thấy tội lỗi, mọi người tránh không nhắc tới ông. Nhưng ông vẫn tồn tại theo cách của riêng mình. Cả đại gia đình đã thực hiện một cuộc hành trình về lại chiến trường xưa để tìm di cốt những người đã ngã xuống. Những người chiến đấu vì đất nước nhưng giờ đây không còn một nắm xương tàn.

Với Chiến Trận (Chiến trường vinh quang) Jean Rouaud đã chọn một lối kể chậm rãi, chi tiết và tinh tế, tạo nên một văn phong không lẫn lộn. Nhà văn giống như một nhà điêu khắc đang tỉ mẩn đục đẽo từng con chữ. Càng về cuối tác phẩm, sự khốc liệt và tàn nhẫn của chiến tranh mới lộ rõ. Ở đó, không chỉ có súng đạn, máu và nước mắt. Bom hóa học và những quyết sách lạnh lùng của nhà cầm quyền còn khiến chúng ta ghê sợ hơn nhiều.

Bằng một cách dẫn dắt rất riêng, nhà văn người Pháp không phơi bày tất cả hiện thực ra trước mắt người đọc. Ông kín đáo giấu nó vào sâu trong những câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan. Đó là cách Jean Rouaud định vị bản thân và làm mới những đề tài tưởng chừng đã cũ. Lịch sử của một quốc gia là một thứ rất vĩ đại, nhưng đôi khi nó được xây nên từ chính hồi ức của từng gia đình.

***

Jean Rouaud sinh ngày 12/12/1952, ông nghiên cứu văn học hiện đại tại trường Đại học Nantes. Sau khi lấy bằng thạc sĩ, Jean Rouaud làm nhiều công việc khác nhau như bơm khí hay bán bách khoa thư y tế. Năm 1978, ông cộng tác với tòa soạn Presse – Océan. Sau khi chuyển đến Paris ông làm việc trong một hiệu sách rồi bán báo. Năm 1988, Jean Rouaud gặp Jérôme Lindon, giám đốc cũng là tổng biên tập của NXB Minuit, người đã phát hiện ra tài năng văn chương của ông.

Mời các bạn đón đọc Chiến Trường Vinh Quang của tác giả Jean Rouaud & Phạm Duy Thiện (dịch).