ĐỘC GIẢ sẽ thấy trong bộ sách này lời phê bình của chúng tôi về những tác phẩm của các nhà văn cùng thời với chúng ta. Trong số ấy, có một vài nhà văn đã quá cố, nhưng họ vẫn rất gần ta ; còn phần đông là những người đang tìm tòi, đang sáng tác để đi đến sự tận thiện tận mỹ.
Theo nhan đề bộ sách, tôi có thể nói đến thân thế của các nhà văn để đặt họ vào những tác phẩm của họ, đem cuộc đời của họ mà đọ với những ý nghĩ của họ, nhưng như tôi vừa nói trên, phần đông hiện còn sống. Người ta thường nói : « Cái quan luận định ». Vậy xét về thân thế các ông, tôi xin dành phần cho các nhà phê bình lớp sau.
Viết bộ sách này, tôi đã định chia ra từng nhóm, rồi những nhà văn không thuộc nhóm nào, tôi sẽ đặt vào số những « nhà văn độc lập », nhưng xét ra không thể nào chia cả như thế được : số các « nhà văn độc lập » sẽ đông quá, làm cho sự chia thành nhóm hoá ra vô nghĩa.
Tôi đành tuỳ tiện, vừa chia ra từng nhóm, vừa chia ra từng loại văn. Từng nhóm đối với những nhà văn lớp đầu và từng loại văn đối với những nhà văn lớp sau. Tôi chia ra như thế vì những lẽ sau này :
Những nhà văn lớp đầu phần nhiều đều là những nhà biên tập, dịch thuật hay khảo cứu : phần sáng tác tuy cũng có, nhưng rất ít, bị phần kia át hẳn đi. Một điều ta nên chú ý là các nhà văn lớp đầu viết vào một thời mà nghề xuất bản chưa phát đạt, nên những bài biên tập, dịch thuật hay khảo cứu của các ông một phần lớn chỉ thấy trong các báo chí. Như vậy, nếu chia các ông ra từng nhóm theo những báo chí các ông biên tập thì rất tiện, vì có nhiều nhà văn chỉ chuyên viết cho một tờ báo hay một tạp chí thôi. Còn đối với những nhà văn viết cho nhiều tờ báo hay nhiều tạp chí, ta có thể coi là những « nhà văn độc lập », nghĩa là những nhà văn không thuộc nhóm nào.
Đó là đối với lớp các nhà văn mà tác phẩm chưa có một tính chất gì rõ rệt, vì những bài họ viết phần nhiều do ở những môn học ngoại lai.
Đến các nhà văn lớp sau, điều đặc biệt là những cái họ viết đều là những sáng tác, đều xuất bản thành sách, và thường thường người nào đã sở trường về loại văn nào thì theo đuổi luôn luôn loại văn ấy, không như mấy nhà văn lớp đầu, lúc thì khảo cứu về triết lý, lúc thì bàn về khoa học, lúc thì luận về văn chương, về chính trị, rồi có lúc lại làm thơ, làm phú, gần như loại văn nào cũng sở trường cả, thật là linh tinh phức tạp.
Đối với những nhà văn lớp sau, nếu theo các loại văn mà xếp đặt nhà văn, như các loại : lịch sử, lịch sử ký sự, bút ký, ký ức, trào phúng, phóng sự, kịch, thơ, tiểu thuyết, v.v… người ta sẽ thấy nhiều nhà văn có tên trong nhiều mục, có khi có rải rác trong khắp cả bộ sách. Nếu bộ sách lại gồm bốn năm quyển, thì thật bất tiện cho người tra cứu. Vì một nhà văn có thể vừa là một tiểu thuyết gia, vừa là một thi sĩ, hay kịch sĩ.
Vậy muốn cho những người hiểu văn tiện việc tra cứu, và nhất là muốn cho có thể xét tất cả các tác phẩm của một nhà văn trong một mục, để đoán định về sự tiến hoá và bước đường tương lai của nhà văn ấy, tôi sẽ xếp đặt các nhà văn lớp sau theo một loại văn trội nhất của họ. Thí dụ như Thế Lữ, tôi sẽ xếp vào thiên các thi gia mà không xếp vào thiên các tiểu thuyết gia ; nhưng sau khi phê bình thơ của Thế Lữ, tôi sẽ không quên phê bình những truyện ngắn và truyện dài của Thế Lữ. Nguyễn Tuân tôi sẽ đặt vào thiên các nhà viết bút ký và không quên tiểu thuyết của Nguyễn Tuân. Rồi trong mục tiểu thuyết tôi sẽ chia ra nhiều loại nhỏ, như truyền kỳ, trinh thám, luân lý, tình cảm, phong tục, xã hội , v.v… và đặt những tiểu thuyết gia vào loại mà họ trội hơn cả, nhưng cũng không quên nói đến các loại văn khác của họ.
Theo phương pháp như tôi vừa nói, bộ sách « NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI » này sẽ gồm tất cả bốn quyển : các nhà văn lớp đầu, tức là các nhà văn đi tiên phong, sẽ chia làm hai quyển, và các nhà văn lớp sau cũng chia làm hai quyển, gồm những chương như sau này.
Trước hết, các nhà văn lớp đầu chia làm hai quyển (quyển nhất và quyển hai) :
a) Quyển nhất gồm ba chương :
1) Những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ.
2) Nhóm « Đông Dương Tạp Chí ».
3) Nhóm « Nam Phong Tạp Chí ».
b) Quyển hai nói về những nhà văn độc lập, tức là những nhà văn không thuộc hai nhóm trên này, gồm ba chương :
1) Các nhà biên khảo và dịch thuật.
2)Các tiểu thuyết gia.
3) Các thi gia.
Đến các nhà văn lớp sau, cũng chia làm hai quyển (quyển ba và quyển tư) :
c) Quyển ba gồm sáu chương :
1) Các nhà viết bút ký.
2) Các nhà viết lịch sử ký sự và truyện ký.
3) Các nhà viết phóng sự.
4) Các nhà phê bình và biên khảo.
5) Các kịch sĩ.
6) Các thi sĩ.
d) Quyển tư nói về các tiểu thuyết gia, chia làm tám chương theo các loại tiểu thuyết :
1) Truyền kỳ.
2) Trinh thám.
3) Luân lý.
4) Lý thuyết.
5) Tình cảm.
6) Hoạt kê.
7) Phong tục.
8) Xã hội.
Viết về hơn bẩy mươi nhà văn sau khi đã đọc những tác phẩm của họ, đã chọn lọc và định nghĩa thế nào là một nhà văn, mà chỉ thu vào bốn quyển sách, mỗi quyển trên dưới vài trăm trang, không nói độc giả cũng biết rằng chỉ mới tóm tắt được những điều cốt yếu trong những văn phẩm sản xuất trong khoảng ba bốn mươi năm gần đây, để những người lưu tâm đến văn chương nước nhà tiện việc tra cứu và có thể biết qua về sự tiến hóa của văn học hiện đại, còn như viết cho thật tỷ mỷ, thì kể ra về mỗi nhà văn, cũng có thể viết thành một quyển sách rồi.
Còn điều này nữa, tôi cũng cần phải nói, vì tuy nó cũ ở nước người, nhưng còn rất mới ở nước Việt Nam ta : đó là cái tiếng xưng hô đối với nhà văn. Đối với các nhà văn, tôi sẽ gọi tên không, không gọi bằng cụ, bằng ông, gì cả. Theo ý tôi, đó là một sự tôn trọng đệ nhất ; vì viết về các nhà văn, tôi muốn đối với thiên thu mà viết, tôi hy vọng tên các ông sẽ tồn tại với các văn phẩm của các ông. Không ai viết : cụ Tagore, ông Lương Khải Siêu, cụ Valéry, mà chỉ viết tên không. Vậy ta cũng cần phải hiểu cái sự tôn trọng đặc biệt đó mà thế giới đã dành từ lâu cho văn nhân, thi sĩ.
Viết tại Vũ Gia Trang, ấp Thái Hà
ngày Trùng thập, năm Tân Tỵ (1941).
VŨ NGỌC PHAN
***
KẺ VIẾT BÀI NÀY đã được hân hạnh sống giữa một thời đặc biệt trong văn học sử nước nhà. Mới hiểu biết đã ham đọc Nguyễn Văn Vĩnh, rồi kế đấy lớn lên đã say sưa với các tác phẩm của những Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Lan Khai, Thiết Can, và rung động với những Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ. Đến lúc ngó lại thời xa xưa, đem văn chương cổ ra mà so sánh, lòng những cảm thấy đã có một cuộc đổi mới phi thường trong nền văn học.
Nền tảng văn chương và tư tưởng Việt Nam đã nhờ được một phương tiện mới mà bành trướng mạnh mẽ : phương tiện ấy là : chữ Quốc Ngữ, viết bằng mẫu tự La Tinh. Thực dân dự định dùng chữ Quốc Ngữ ấy để bành trướng văn hóa và tư tưởng của kẻ thống trị. Họ lại đồng thời dựa vào sự xử dụng chữ Quốc Ngữ để làm lan truyền ngôn ngữ Pháp và mở mang nền tảng học vấn hoàn toàn Pháp. Nhưng những nhà văn Việt Nam đã quay ngược được mũi giáo, và lợi dụng chính phương tiện của địch thủ để tạo ra một con đường văn hóa mới.
Nhà văn Việt Nam đã biết tùy thời, lọc lựa những cái hay của người, để hấp thụ lấy.
Nhà văn Việt Nam đã lấy tâm hồn Việt Nam để rung cảm trước sự vật.
Nhà văn Việt Nam đã tranh đấu cho tinh thần, cho tư tưởng Việt Nam, cho dân tộc và cho xứ sở Việt Nam.
Chúng tôi nói chắc như vậy, đối với rất nhiều nhà văn trong nửa đầu thế kỷ 20, là vì người ta không thể bảo rằng những Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phan Khôi, Nguyễn Văn Ngọc, đã không làm cái việc phát huy những cái hay, cái đẹp trong văn hóa và tư tưởng thuần túy của người Việt ; người ta cũng không thể bảo rằng những Đông Hồ, Nguyễn Tuân, Vũ Hoàng Chương, đã không rung cảm với tâm hồn của con người Việt ; người ta cũng không thể bảo rằng những Hoàng Đạo, Nhất Linh, Khái Hưng đã không tranh đấu, bằng văn chương, để chống kẻ thống trị, ở ngay trong khu vực thuộc quyền thực dân, chưa nói, ngay ở giữa thủ đô đất Bắc hồi 1945-1946, họ đã triệt để chống đối với chính quyền Việt Nam.
Vả chăng các nhà văn đều cố bảo tồn và phát huy tinh hoa của dân tộc, thế là tranh đấu rồi.
Trong khoảng vài ba chục năm ấy, văn chương Việt Nam đã nẩy nở mạnh mẽ. Các nhà văn thi đua sáng tác. Mọi thể văn được vận dụng : thi ca, bút ký, truyện ký, phóng sự, kịch, biên khảo, phê bình. Tư tưởng mới của người Việt được phóng ra thao thao bất tuyệt trên ngọn bút. Cuộc chiến tranh thế giới 1939 cũng không làm ngừng được sức phát triển ấy. Nhưng đến 1945, thì đà tiến bị chận đứng thật sự bởi thời cuộc. Rồi gần mười năm qua đi, cuộc chiến tranh khốc liệt mới tạm chấm dứt. Đến bây giờ, với hòa bình trở lại, đất nước Việt Nam bị qua phân, thì chỉ riêng ở miền Nam mà tinh thần dân tộc có thể phát triển, người ta mới lại nối tiếp đà tiến cũ.
Một phong trào mới đã chớm nở : những nhà văn lại bắt đầu sáng tác và người ta lại quay đầu về những thời tiền chiến tìm lại các tác phẩm cũ để thưởng thức. Và đặc biệt thay trong chương trình các bậc Trung học, Đại học Việt Nam những thời tiền chiến ngay liền đây được chú trọng tới ; những Nhất Linh, Hoàng Đạo, và nói chung, hầu hết các nhà văn khác, đều đã trở nên những đầu đề mà thanh niên nam nữ ngày nay say mê tìm hiểu, thưởng thức, học hỏi.
Trong ý nghĩ thô thiển của chúng tôi, người Việt Nam ta hiển nhiên đã có một nền tảng văn chương mới, với Quốc ngữ là phương tiện vận chuyển tư tưởng, và những thể văn mới (tiểu thuyết, thi ca, kịch, phóng sự, v.v…) là những khung cảnh đặc biệt mới mẻ để cho các ngọn bút tung hoành. Nền tảng văn chương mới ấy khai mào với Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, nẩy nở với những Trần Trọng Kim, Phan Khôi, Đào Duy Anh, Trần Tuấn Khải, phừng lên mạnh mẽ với những Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Phan Trần Chúc, Nguyễn Triệu Luật, Vũ Trọng Phụng, Vi Huyền Đắc, v.v… Trào tiến triển có bị chiến tranh 1945-1954 chận đứng lại, nhưng không phải là nền tảng văn học mới đã mất. Đó chỉ là một trở lực nhất thời, và cuộc tiến triển lại tiếp tục ngay. Giờ là lúc mà những bước tiến mới sắp thành hình. Không bao lâu, tất nhiên phải có một cuộc phục hưng trong nền tảng văn chương Việt.
Chính vì hướng đến một tương lai tốt đẹp rất gần đây – những hiệu báo trước là sự cố gắng của một số những nhà văn mới – chính vì thế mà chúng ta lại càng cần nhìn về cái quá khứ gần đây, tức là nghiên cứu lại, học hỏi lại về văn học của thời kỳ nửa đầu thế kỷ 20.
Vì đâu nữa mà nền văn học của nửa đầu thế kỷ 20 ấy trở nên quan trọng ?
Như trên đã nói, nó quan trọng vì bản chất Việt Nam bàng bạc trong thơ văn thời ấy. Nó cũng quan trọng vì vừa bột khởi, nó đã vững chắc và đồ sộ.
Bây giờ, nó càng quan trọng hơn, vì những chương trình giáo khoa đã coi văn học thời ấy là một phần chính yếu. Người học sinh phải biết về các trào Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong, Tự Lực Văn Đoàn và các văn gia trong đó, về những trào tiểu thuyết, thơ mới, kịch, phê bình, v.v… Người sinh viên văn khoa còn phải nghiên cứu và tìm hiểu tường tận từng trào văn học trong thời kỳ đó, từng tác giả, từng văn phẩm… Trên một bậc nữa, lại có những bạn thanh niên nhiệt thành lao mình vào con đường văn chương, càng cần tìm hiểu một cách thật sâu sắc tư tưởng và lời văn, cùng là kỹ thuật của các văn gia của nền tảng văn học mới, những văn gia đã nổi tiếng một thời và rồi gần đây, phần đông trong số ấy sẽ còn được truyền tụng.
« Viết văn » là một nghề cao quý có nhiều tương lai. Chắc chắn rằng các bạn trẻ yêu nghề viết văn không thể nào bỏ qua công việc nghiên cứu văn học thuộc nửa đầu thế kỷ.
Đã nhận định về giá trị của văn học nửa đầu thế kỷ, chúng ta lại càng thấy cần đến những tài liệu để khảo cứu và thưởng thức. Mười năm chiến tranh đã như muốn chôn chặt tất cả vào dĩ vãng. Biết bao nhiêu văn phẩm cũ đã thất lạc, đã bị tiêu hủy. Hiện nay, lại còn cả một phong trào lan tràn, trên một phần nửa đất đai xứ sở, nhằm vào việc tiêu hủy tất cả những di tích của nền tảng văn hóa dân tộc từ trước 1945. Ở miền Nam, một số những tác phẩm cũ đã được in lại, nhưng còn nhiều tác phẩm khác, mặc dầu được nhắc nhở đến, mặc dầu cần được nghiên cứu, vẫn còn vắng bóng trên các giá sách. Thiếu thốn nhất là loại sách khảo cứu văn học cho thời đó, một loại sách viết bao quát, có những chi tiết khá đầy đủ, với những nhận xét tinh vi để cho thanh niên thời nay có thể lấy ở đấy những tài liệu chân xác để tìm học. Tại sao loại sách khảo cứu văn học này lại cần ? Là vì, dù với tất cả thiện chí và hy sinh của các nhà xuất bản ở đây, chắc chắn không thể nào tái bản lại các tác phẩm cũ được, bởi lẽ các tác phẩm này quá nhiều, không ai đủ vốn in lại cho hết, và thời cuộc đã làm phân tán tất cả, không còn cách nào tìm lại được những người giữ bản quyền hay những người thừa kế.
Đến đây, chúng tôi lớn tiếng nói ngay đến cuốn « Nhà Văn Hiện Đại» của nhà phê bình nổi tiếng Vũ Ngọc Phan. « Nhà Văn Hiện Đại » là một tác phẩm biên khảo và phê bình đồ sộ, gồm 5 cuốn sách dày, tổng cộng trên ngàn trang, nghiên cứu đủ mặt các nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam – cố nhiên những nhà văn nổi tiếng đã tạo được một chỗ ngồi xứng đáng trên văn đàn – từ thuở bắt đầu Đông Dương Tạp Chí với các ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính cho đến 1942 là năm bộ sách được xuất bản.
Mặc dầu một cuộc kê khai có dài giòng, chúng tôi cũng xin kể ra đây những nhà văn, nhà thơ mà ông Vũ Ngọc Phan đã nghiên cứu và phê bình. Ông Phan đã phân loại :
A) Những nhà văn khởi thủy : Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật, thi sĩ Đông Hồ, Tương Phố.
B) Những nhà văn tiền phong, gồm có :
1) các nhà văn biên khảo Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Lê Dư, Phan Khôi, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang Oánh, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh.
2) các tiểu thuyết gia, Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh.
3) các thi gia Nguyễn Khắc Hiếu, Đoàn Như Khuê, Dương Bá Trạc, Á Nam Trần Tuấn Khải.
C) Rồi đến các nhà văn đương thời (vào lúc ông Phan biên soạn tập sách) gồm có :
1) các nhà văn chuyên về Bút Ký : Nguyễn Tuân, Phùng Tất Đắc.
2) các nhà văn chuyên về truyện ký : Phan Trần Chúc, Đào Trinh Nhất, Trần Thanh Mại, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê Ngô Văn Triện.
3) các nhà phóng sự : Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, Ngô Tất Tố.
4) các nhà phê bình, biên khảo : Thiếu Sơn, Trương Chính, Hoài Thanh.
5) các nhà viết kịch : Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc, Đoàn Phú Tứ.
6) các thi gia : Nguyễn Giang, Quách Tấn, Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ, Bùi Huy Cường.
7) các tiểu thuyết gia : Khái Hưng, Trần Tiêu, Mạnh Phú Tư, Bùi Hiển, Thiết Can, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Lê Văn Trương, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, Chu Thiên, Đồ Phồn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Lập, Tô Hoài, Trương Tửu, Nguyên Hồng, Thạch Lam, Đỗ Đức Thu, Nhượng Tống, Thanh Tịnh, Thụy An, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao…
Chúng tôi nhận được nhiều thư từ của đủ các giới thăm hỏi về bộ sách này. Có các giáo sư, sinh viên, học sinh, các nhà báo thường đến hỏi chúng tôi, muốn có một bộ mà không sao tìm được. Tái bản bộ sách này, chúng tôi nhận thấy là đáp đúng lòng mong mỏi của nhiều bạn.
Đọc lại cuốn Nhà Văn Hiện Đại, chúng tôi vẫn cảm thấy thích thú như những buổi đầu. Và chúng tôi đã nhận thấy giá trị của cuốn đó đã tăng hơn lên đối với hiện tại.
Thật thế, trong lúc chúng ta cần nghiên cứu lại văn chương thời tiền bán thế kỷ 20, nhưng lại thiếu thốn các tác phẩm và thiếu thốn các tài liệu về các nhà văn thời đó thì chúng ta nhờ có cuốn Nhà Văn Hiện Đại mà có được khá đầy đủ những chi tiết cần biết.
Ông Phan đã bình phẩm rất vô tư từng tác giả, không có một thiên kiến nào. Ở mỗi tác giả, ông nêu ra đồng thời những điểm hay và những điểm dở. Nói lên một nhận xét nào, ông lại có công trình dẫn chứng, làm cho chúng ta hiểu rõ ràng.
Những chứng ngôn mà ông nêu ra, những văn liệu, để dẫn chứng cho những nhận xét của ông, ngày nay thành ra những tư liệu văn chương quý báu, trong lúc các tác phẩm cũ chưa được tái bản. Người ta được đọc lại những câu bất hủ và tiêu biểu của Nguyễn Khắc Hiếu, của Thế Lữ, của Vũ Hoàng Chương, của Hàn Mặc Tử, của mỗi nhà văn, nhà thơ. Những câu dẫn chứng của ông khá nhiều, để cho ta có thể hiểu được các nhà văn nhà thơ ấy bằng chính những câu của họ.
Đối với các nhà phê bình, các nhà viết kịch, các tiểu thuyết gia, ông còn phẩm bình về kỹ thuật, về nghệ thuật cấu tạo những tác phẩm, do đấy, những bạn trẻ muốn học hỏi về thuật làm văn có thể thâu nhận được nhiều kinh nghiệm.
Những nét riêng của từng văn gia được nêu ra, thì cuộc tiến triển của thơ văn Việt Nam trong giai đoạn cũng sẽ được chúng ta nhận định thấy. Trải qua các tác giả, và những văn liệu đem trình bày, chúng ta sẽ nhận thấy văn chương đã biến chuyển như thế nào, từ lối văn còn gượng của Nguyễn Văn Vĩnh đến lối văn nhẹ nhàng của Khái Hưng, từ lối văn tràng giang của Phạm Quỳnh đến lối văn ngắn ngủi và giản dị của Hoàng Tích Chu.
Tập phê bình nghiên cứu của ông Phan lại rất đầy đủ để cho các bạn đọc có được ý niệm trọn vẹn về một thời văn học, về các trào lưu tư tưởng, về các công trình khảo cứu trong thời đó. Nhờ có được ý niệm đầy đủ mà các bạn thanh niên lao mình vào văn nghiệp sẽ nhận định thấy còn sót lại những công cuộc nào phải làm, và còn có thể phát minh được những cái mới lạ nào nữa trong điệu văn và trong kỹ thuật văn chương. Nhất là trong công cuộc khảo cứu lịch sử, văn minh, các bạn nhận xét những công trình cũ, sẽ thấy rõ những công trình mới phải làm.
Chúng tôi không dám nói thêm gì nữa ; các bạn đọc sẽ còn nhận định nhiều hơn thế, và còn tìm thấy những điều cần ích khác. Do đấy, chúng tôi xin phép các bạn, nói đến một câu chuyện khác trước khi chấm dứt.
Đọc lại bộ « Nhà Văn Hiện Đại» của Vũ Ngọc Phan, chúng tôi bỗng hồi tưởng lại bao nhiêu bộ mặt quen thuộc một thời. Có những nhà văn mà chúng tôi hân hạnh được quen biết, có những nhà văn mà chúng tôi không được cái hân hạnh đó. Nhưng, đối với tất cả các nhà văn mà mình đã đọc, mà mình đã mến, những nhà văn đã từng làm mình vui thích hay buồn khóc, những nhà văn mà mình thuộc từng câu thơ, từng tư tưởng, đối với những nhà văn ấy, có những gì ràng buộc mình vào như ràng buộc những người thân với nhau. Bởi thế, sau mười năm khói lửa, nay hồi tưởng lại những nhà văn thân thiết cũ, lòng bỗng thấy nao nao, tự hỏi không biết họ nay ở đâu ? vận mệnh nay ra sao ? Thời cuộc và định mệnh khắt khe có buông tha những con người tài hoa ấy, hay đã chôn vùi họ ở nơi góc biển chân trời nào ?
Chút hồi tưởng và thắc mắc ấy có thể là đoạn kết của bộ sách của ông Vũ Ngọc Phan. Chắc hẳn các bạn cũng đồng một ý ấy, cũng đồng muốn biết nhà văn của mình nay đã ra sao. Tuy nói thế, mà chúng tôi không dám lạm viết gì nhiều.
Chúng tôi xin thành thật nghiêng mình tỏ lòng tưởng nhớ tới một số lớn các nhà văn đã quá cố. Phần lớn các nhà văn lão thành và tiền phong nay không còn nữa. Than ôi ! cả đến những nhà văn trẻ tuổi hơn, một số khá lớn nay cũng không còn. Chúng ta sẽ cảm thông với các nhà văn ấy, một khi chúng ta thấy có người đã mang một mối hận mà chết, và nhiều người lại vì một lý tưởng mà chết. Nguyễn Văn Tố chết hồi 1947 ở Bắc Kạn. Thạch Lam cũng không còn. Phan Trần Chúc chết trong thời Nhật. Đào Trinh Nhất cũng đã không còn trên thế giới này. Ngô Tất Tố, Trúc Khê Ngô Văn Triện cũng đã mất khá lâu. Nguyễn Triệu Luật, một chiến sĩ Quốc Gia, đã bị giết từ nơi chiến khu Quốc gia chống thực dân. Mạnh Phú Tư ôm mối hận trong một chế độ bó buộc tư tưởng con người, đã chết đau khổ nơi đất Bắc, và có lẽ tự coi rằng chết là được giải thoát. Lan Khai chết từ trước năm 1945, Khái Hưng nhà văn rất quen biết, chính là một chiến sĩ của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã chết thảm vào năm 1946, Trương Tửu với tư tưởng của một người Đệ Tứ đã mất tích. Cho hay nhà văn cũng đã góp phần xương máu của mình vào công cuộc đấu tranh lý tưởng.
Hầu hết các nhà văn còn lại đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thời cuộc. Tuy nhiên, phần lớn đã chủ động, tự tạo lấy cuộc đời và nhất quyết triều mến tự do, yếu tố then chốt để tiếp tục được sáng tác theo ý muốn của mình là không chọi lại với tinh thần dân tộc. Đó là các nhà văn đã bỏ đất Bắc để khỏi bị trói buộc ; tức là phần các nhà văn như Đỗ Đức Thu, Tehya Đái Đức Tuấn, Lê Văn Trương, Nhất Linh, Vũ Hoàng Chương, Vi Huyền Đắc, Trọng Lang, Tam Lang Vũ Đình Chí, Vũ Bằng, v.v… cùng với một số lớn các nhà văn khác đã ở miền Nam từ trước.
Chỉ còn một số nhỏ các nhà văn ở lại đất Bắc. Nhưng chúng ta chớ vội cho rằng tất cả các nhà văn ở lại đất Bắc đều có tư tưởng Mác Xít. Trái lại là khác. Những vụ Nhân Văn, Giai Phẩm, Văn, và những cuộc thanh trừng sôi nổi trong làng văn nghệ ngoài Bắc, đã bộc lộ được rằng phần lớn các nhà văn ở lại đất Bắc, lại chính là những người Quốc Gia say mê tự do, đòi tự do sáng tác, và không chịu chấp nhận một cuộc đè nén tư tưởng nào. Nhà văn lão thành Phan Khôi, nhà ngôn ngữ Đào Duy Anh, tiểu thuyết gia Đồ Phồn, nhà học giả Nguyễn Hữu Đang, nữ sĩ Thụy An, những người đó cùng một số đông văn gia khác đã liều mạng trong một phong trào văn nghệ và đã bị loại, bị bắt, bị giết, bị đưa đi mất tích. Đọc bộ Nhà Văn Hiện Đại này, đến những tên như Phan Khôi, Đào Duy Anh, Thụy An, cũng phải cảm thông với những con người vừa là nhà văn vừa là những con người dám can đảm tranh đấu.
Một phần khác ở lại ngoài Bắc, nhưng nhất định không chịu làm bồi bút. Cũng vì thế mà họ ở trong tình trạng đau khổ, sống nghèo hèn cơ cực, hoặc cuối cùng đành phải chết thảm. Nguyễn Tuân vốn là con người ngang ngạnh, một hồi từng bị chỉnh nên phải cúi đầu. Nhưng thói ngang vẫn còn, nên Tuân đã bị cô lập, không còn được viết nữa. Trần Thanh Mại đã ra mặt bênh vực Phan Khôi trong thời nhà văn lão thành này bị « đấu », vì thế Mại cũng đã bị cô lập. Hoài Thanh chỉ còn là một anh chàng leng beng, viết không trôi mà cũng không buồn viết, và cũng không ai cho viết. Vũ Đình Long thì đã bị loại hẳn. Trần Tiêu không chịu cộng tác đã bị đấu. Chu Thiên thành một anh văn công mạt hạng, chôn vùi cả tên tuổi trong đám văn công. Thanh Tịnh nay cũng chỉ làm ăn lăng nhăng, không viết nữa. Ngọc Giao cũng vậy.
Bên số người đã trở nên ít hay nhiều đối lập với chính quyền, còn phải kể Nguyên Hồng, kẻ bị trút trách nhiệm trong vụ Nhân Văn, Giai Phẩm, vì thế mà bị loại và bị cô lập ; Tô Hoài nay đã trở nên lừng khừng, đứng trong nhóm Văn Cao bất mãn và sẵn sàng để chịu bị loại hẳn ; Thế Lữ, con người từng « gặm căm hờn trong cũi sắt », đã bị uy hiếp đến nỗi phải viết bài phủ nhận tất cả những văn thư của mình đã viết từ trước, nhưng không vì thế mà được lòng, và nay cũng kéo dài một cuộc sống lừng khừng, lăng nhăng. Còn Đoàn Phú Tứ và Nguyễn Giang, thì đã tạo được bảo đảm bằng cách dạy học tại trường Albert Sarraut, Hà-Nội.
Cuộc sống của họ đã chứng minh rằng họ đã không được tự do sáng tác nữa, vì chế độ trong đó họ sống đã cấm đoán họ và bắt buộc họ đi theo một chiều hướng, điều mà họ không chấp nhận.
Cuối cùng, còn lại một số nhà văn – có mặt trong bộ Nhà Văn Hiện Đại này – đã thật tình cộng tác, hoặc vì miếng ăn, hoặc vì một lẽ nào khác. Chúng ta kể đích danh họ : Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan… Người miền Nam này, vẫn tự do nhắc đến :
« …Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vang khô »…
Đến : « Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi… »
và thưởng thức những điệu đàn thốt tự đáy lòng, có biết ngày nay những Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu ấy đã ra thế nào rồi, còn bản chất cũ, tươi tắn và nhẹ nhàng của mình không ?
« …Hoan hô Xít-Ta-Lin.
Đời đời cây đại thọ,
Rợp bóng mát hòa bình… »
Hay là : « …Chúng ta có Bác Hồ,
Thế giới : Xít-Ta-Lin,
Đảng ta phải mạnh to,
Thế giới phải đỏ mình,
Chúng ta dù phải hi sinh,
Sắt son vì Đảng đinh ninh lời thề ».
Hay là nữa : « Đồng chí Xít Ta Lin ôi,
Đảng bộ chúng tôi
Bao năm trời vất vả
Dâng lòng trung muôn thuở
Lòng chúng tôi thề theo bước Liên Sô
Đảng chúng tôi, theo mệnh lệnh Bác Hồ,
Và tưởng vọng bên thành trì…
Bao đồng chí, máu say trừ nội phản,
Còn hẹn với anh Hồng Quân yêu quý :
- Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng, lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt » .
Ở cái đất mà chất thơ không còn nữa, chỉ còn có sự quỵ lụy, sự cúi đầu, mùi máu và mùi kẻ ngoại tộc, thì đâu còn có thể tìm thấy một nét nào tươi tắn trong thơ văn của Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư hay Huy Cận được.
Cho nên Xuân Diệu tác giả Thơ Thơ, nhà thơ diễm tình dạo nào, nay theo vết đàn anh Tố Hữu, kêu gọi dân chúng đấu tố :
« …Lôi cổ bọn nó ra đây,
Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi,
Bắt chúng đứng, cấm chúng ngồi,
Bắt chúng ngước mặt, vạch người chúng ra.
Hỡi phường phú địa, thù xưa,
Bầy choa quyết đấu bây chừa mới nghe ».
Lưu Trọng Lư cũng hết rung động rồi – hoặc là chỉ còn biết cố làm ra vẻ rung động vì những kẻ ngoại quốc không quen biết – để cho đúng với chỉ thị của những kẻ cầm đầu. Ta có thể nghe Lưu Trọng Lưu ca ngợi người lính Cộng sản Bắc Hàn.
« Tay dong tay, thét nổ mặt trời,
Lời cất vọng tung cao : Kim Chủ Tịch ».
Khi con người văn nghệ tự khép mình vào một khuôn khổ, và từ chối tất cả bản chất của mình. Nói đến văn nghệ là nói đến tự do. Không còn tự do, văn nghệ không còn nữa. Ở thời thực dân xưa kia, mà con người văn nghệ còn cố xoay xỏa để tạo được chút tự do và viết được những câu văn hay, thì đủ hiểu khi con người văn nghệ được hưởng tự do thực sự, tài ba sẽ còn nẩy nở đến bậc nào.
Ở đây chúng ta sẽ không từ chối, không gạt bỏ Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, khi họ còn là thi sĩ. Dầu mấy người chỉ là những hạt bụi trong khối nhà văn, nhà thơ của nửa đầu thế kỷ, ta cũng cứ tiếp tục ngâm lên những thơ cũ của Diệu và của Lư, ngâm lên để khóc cho những tài ba sớm nở, mà vội bị tàn úa.
Sau hết, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn quý vị đã cho chúng tôi mượn một số hình ảnh để làm các bản kẽm mới, nhưng chúng tôi cũng lại rất tiếc, không in được một ít hình vì mờ quá không làm lại được bản kẽm.
Saigon, tháng Mười Một 1959
XUẤT BẢN THĂNG LONG
Mời các bạn đón đọc Nhà Văn Hiện Đại – Phê Bình Văn Học Quyển 1 của tác giả Vũ Ngọc Phan.