Nếu có một tấm bia kỷ-niệm ghi tên các bậc đại văn hào nước ta đã sống vào khoảng Minh-Mệnh, Thiệu-Trị, Tự-Đức, thì giữa đó ta sẽ thấy lòe vàng mấy chữ : Đinh-Nhật-Thận, Nguyễn-Công-Trứ, Nguyễn-Văn-Siêu, Cao-Bá-Quát, Tùng-Thiện-Vương và Tuy-Lý-Vương… à quên, tôi còn kể sót một người !… Người ấy chưa biết nên để đứng xen vào hàng nào trong mấy hàng đó ? Vì người ấy đã từng đem văn tài sang khoe tận bên nước « con Trời », vì người ấy đã làm cho dân « con Trời » – cũng như « con Rồng » « cháu Tiên » ta – đều phải kính phục, tôn xưng lên bậc trạng, tặng cho cái « danh-dự trạng-nguyên » 1 Người ấy là ai ? Há không phải là cụ Nhâm-Sơn Nguyễn-Hàm-Ninh mà ông Đẩu-Tiếp Nguyễn-Văn-Đề đã có công nêu lên ở trong tập « Đời tài-hoa » này ư ?
Tôi biết ông Đẩu-Tiếp từ ngày còn chủ-trương tờ Văn-học tạp-chí : ông là người rất sốt sắng về sự sưu tầm các văn thơ của các cụ nước ta ngày xưa.
Nếu tập « Đời tài hoa » của ông nhờ tôi duyệt và xuất bản đây mà được các nhà trí thức trong nước biết đến thì cái công của ông không phải uổng vậy.
Hanoi, ngày 7 Février 1938
KHÁI-SINH
DƯƠNG-TỤ-QUÁN
***
Cụ húy Hàm-Ninh, tự Thuận-Chi, biệt-hiệu Tịnh-Trai, Anh-toàn-tử, nguyên người làng Phù-Kinh, sau thiên-cư qua Trung-Ái (Trung-Thuần), phủ Quảng-Trạch, tỉnh Quảng-Bình (Trung-Kỳ).
Người ta đồn rằng cụ là một bậc thần-đồng. Khi cụ chưa sinh, những lúc canh khuya đêm vắng, trên hòn lèn Bảng, người ta thường thấy một ngọn đèn leo-lét thắp dưới một gốc cây, xa nghe văng vẳng có tiếng người đọc sách. Khi cụ đã lọt lòng rồi, tiếng đọc sách ấy, cũng như ngọn đèn kia, không còn nghe thấy đâu nữa, họa chăng ở nhà cụ… Nhưng kịp lúc cụ đã trở về cõi suối làng mây, trên lèn Bảng tự-nhiên ngọn đèn khuya lại thấy, tiếng đọc sách lại nghe, nhưng ít lâu lại im-lặng. Đồng-thời, cụ Lê-chí-Tuân (Tấn-sĩ, người Lâm-Xuân) ra đời, nên có kẻ ức-đoán rằng : Người tiên trên lèn Bảng hai lần thác-sinh xuống cõi trần, sau là cụ Lê-chí-Tuân mà trước là cụ Nguyễn-hàm-Ninh đó vậy.
Lạ nhỉ ? Không biết lấy gì để làm chứng cho cái thông-minh xuất-chúng của cụ, sao người ta phải bịa ra những chuyện dị-đoan ấy làm gì ?
Theo chúng tôi, thì cụ chỉ là một đứa con yêu-quí của hai vợ-chồng nhà nông nọ, ở dưới chân núi Chóp-Chài, bên ngọn nước Khe Dang kia.
Không tiền, thủa nhỏ cụ thân-sinh định không cho đi học. Một hôm, có người bà con đem đến cho cái bánh, ngài đùa rằng trong nhà hễ ai lớn hơn cả thì được. Cụ hỏi : « Thế thầy tuổi gì ? »
- Tuổi Mùi.
- Thế mẹ tuổi gì ?
- Tuổi Thân !
Cụ cười : « Thế thì cái bánh về phần con, con tuổi Thìn, Thìn đã, rồi mới đến Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Mậu, Dậu, chứ ? »
Biết con là bậc thông-tuệ phi-thường, cụ thân mới cho cắp sách đến trường học phóng. Song cửa nhà đơn bần quá chừng, chưa được mấy tháng, cụ lại phải bỏ học trở về giúp đỡ việc nhà. Mãi đến năm 15 tuổi, nhờ có người cô ruột là bà Nguyễn-Húc, một tay cự phú trong làng, không con nên mới xin cụ đem về nuôi cho ăn học. Cụ mới được chuyên-nghiệp tàng-tu từ đó. « Một nét chữ, một câu thơ, chỉ suy học một đã dư biết mười », một câu thơ ấy, không biết đã đủ để diễn-tả tài học của cụ được chưa ?
Các ngài đã từng nghiệm thấy chăng ? Những người như cụ, thuở bé đều là những tay tinh nghịch cả đấy ! Người ta thường thuật rằng : một hôm, trong một quán rượu ở chợ Ba-Đồn, một cô kỹ-nữ người Thổ-Ngọa, cô Bình, đương cùng thầy cử người Di-Luân, bên lời tâm-phúc, bên lời hàn-huyên. Thoạt thấy cụ ở đâu vào, thầy cử muốn làm cách tảng lờ để chữa thẹn, liền đón hỏi : « Thế nào ? Mấy lâu anh có bài gì hay ? Đọc nghe ! »
Cụ Nguyễn : « Thưa không, song nếu tiên-sanh hạ-cố đến, muốn nghe văn tôi, thì xin đọc ngay một bài phú tức-cảnh để hầu Tiên-sinh ».
Thầy cử : « Được, tốt lắm, anh cứ đọc ».
Cụ Nguyễn :
« Thầy cử Di-luân,
Cô Bình Thổ-ngọa ;
Hai bên gặp-gỡ thờ-ơ,
Một quán chuyện-trò thong-thả… »
Thầy cử gượng cười : « Hay, rất hay ! »
Cụ Nguyễn : « Trầu đầy đạy, nhai-nhai nhả-nhả, trỏ bà già « chi » lấy chìa vôi. Thuốc đầy bao, nút-nút châm-châm, quát thằng bé « chi » đem chút lả (lửa) ».
Thầy cử vuốt râu : « Hay, rất hay !
Cụ Nguyễn : « Khăn tay hồng đỏ-chói, vắt lên che đen kịt « chi » hàm râu ; Quần lãnh bưởi láng-xầy, thả xuống phủ trắng bong « chi » cổ vả !… »
Thầy cử đỏ mặt : « Khăn tay sao lại đối quần lãnh, hàm râu sao lại đối cổ-vả ? À ra thằng này xấc thật ! »
Sau câu nói ấy, sẽ xẩy ra sự gì, bạn đọc thử đoán, mà bài phú kia làm đến nửa chừng cụ đành phải bỏ dở !
Lại một lần, cụ lên chơi ở tỉnh lỵ cùng mấy người bạn, bên đường thấy một mỹ-nữ đi qua, cụ liền đọc luôn mấy câu : « Con nhà ai ? Đi đâu đó ? Gò má hồng-hồng ; dây lưng đỏ-đỏ. Nhìn qua phong-dạng, ước mười bảy, mười tám mô chừng ; Ngó lại hình-dung, e cô hai cô ba chi nỏ. Ước chỉ được như vầy… như vầy… ; Mà rứa… mà rứa… « giả tai » ! »
Lại một lần, có người quen biết trong làng đi cưới vợ ở Tượng-Sơn, cụ cũng được mời đi. Qua bến Kênh-Kịa, cụ đi sau, thoạt thấy cả đoàn đứng lại, rồi tin từ phía trước đem đến : « Câu đối, họ ra câu đối ! » Cụ liền chạy lên trước đoàn, thấy các bực đàn anh đương đứng ngơ-ngẩn trước một mảnh giấy hồng, trải-trên một cái hương-án mà người ta đặt chắn ngang đường để đòi nộp cheo. Cụ vội-vàng cầm mảnh giấy lên xem : « Chân giậm tay mò bơn hói Kịa » 2. Biết câu đối ra lỡm, cụ cũng đối lỡm lại : « Má kề miệng ngậm bống khe Dang ». 3
Tài mẫn-tiệp, sức thông-minh của cụ như thế, thảo nào mới sau 6 năm nghiên-bút dùi-mài, mà đến năm 1829 (Kỷ-Sửu) vừa 22 tuổi, cụ đã giật được cái Tú-tài và qua năm 1831 (Tân-Mão) cụ đậu giải-nguyên ! Năm ấy cụ vào Giám. Năm sau cụ đi Hậu-bổ Nghệ. Cách mấy tháng, cụ đổi ra Tri-huyện Lục-Ngạn (Bắc-Giang). Năm 1833, Quí-Tị, ông thân qui-tiên, cụ phải về đinh-gian 4. Quan huyện Đường-Hào là bạn đồng khoa, đồng liêu, lại tình đồng châu đồng quận, có tiễn cụ bài thơ :
客秋君我相擕往
今秋君向別吾歸
德水廿江天若遠
他郷故郡月分輝
陪顏昨夜知多苦
屈指來秋未可期
忠孝古來男子事
可堪初度遇相知
Khách thu quân ngã tương hòe vãng
Kim thu quân hướng biệt ngô qui
Đức thủy Cam giang thiên nhược viễn
Tha hương cố quận nguyệt phân huy
Bồi nhan tạc dạ tri đa khổ
Khuất chỉ lai thu vị khả kỳ
Trung hiếu cổ lai nam tử sự
Khả kham sơ độ ngộ tương tri.
Dịch : (Các bản dịch trong tập này, đều do ông Nguyễn-Văn-Đề phiên-dịch)
Cùng nhau thu trước cắp tay đi, 5
Sao vội thu nay dứt áo về ?
Dường ngái sông Cam trời bến Đức, 6
Chung soi đất khách nguyệt làng quê.
Lời trao hôm diếp âu thêm bận,
Tiệc hẹn năm sau đã dễ gì ?
Trung-hiếu đạo trai đành phải thế,
Buổi đầu may gặp bạn tương-tri.
Ở nhà cư-tang được ít lâu, vì sinh-kế cụ đã phải tìm vào Thanh-Toàn (Huế) hỏi nơi dạy học. Bấy giờ gặp khoa Giáp-Ngọ (1834), trong quán nước, cụ ngồi một mình trên bộ ngựa (ván), các thí sinh, những ai đã tầng biết cụ, đều khúm núm đứng chực hai bên. Một anh chàng lạ mặt, từ đâu đến, thấy thế liền cười : « Chào thầy tú ! », vì có tú-tài mới đến kinh-đô để hòng giựt cái cử-nhân, chớ cử-nhân hay tấn-sĩ mấy ai qua đó, quanh quẩn ở ngoài trường thi làm gì ? « Ngư mục hộn châu » là thế ! Không lẽ cụ đành lặng thinh để cho người ta xem thường hay sao ? Cụ liền đáp lại :
我爲尋師萬里來
嶺南先占百花魁
蓬萍客地誰青眼
幸得君今說秀才
Ngã vị « tầm sư » vạn lý lai
Lãnh-nam tiên chiếm bách hoa khôi
Bồng bềnh khách-địa thùy thanh nhạn
Hạnh đắc quân kim thuyết tú-tài
Dịch :
Vì kẻ tìm thầy đến đấy chơi,7
Non Nam tầng tỏ mặt hoa khôi.
Bơ-vơ đất khách ai tri-kỷ,
May được nhà ông nói tú-tài !
Nghe xong mấy vần thơ ấy, biết là một bậc kỳ-tài, người kia liền theo xin lỗi, sụp xuống lạy và ngỏ ý muốn, tôn cụ làm thầy, rước về nhà ngồi dạy !…
Đóng vai ông đồ mãi đến năm 1836 (Bính-Thân) cụ mới được đức Minh-Mạng vời ra làm quốc-học độc-thư. Năm 1838 (Mậu-Tuất) đổi qua Tôn-nhơn-phủ Chủ-sự. Chính trong lúc lên giữ chức ấy, cụ được thấy trên điện Thái-Hòa sáng rực hai câu đối sơn son thiếp vàng :
子能承父業
臣可報君恩
Tử năng thừa phụ-nghiệp
Thần khả báo quân-ân
Dịch : Con thừa được nghiệp cha, tôi trả tròn ơn chúa.
Cụ liền lấy bút phê vào bên cạnh : « Tối hảo ! Tối hảo ! Cương thường điên-đảo. Thần Nguyễn-hàm-Ninh phụng khảo ». Nghĩa là : « Hay tuyệt ! Hay tuyệt ! Song cương-thường-ngược hết ! Thần : Nguyễn-hàm-Ninh phụng-duyệt ».
Sau Vua Minh-Mạng nhìn thấy, triệu cụ vào, hỏi sao dám bảo « cương thường điên đảo » ? thì cụ tâu rằng vì chữ tử đứng trước chữ phụ, chữ quân nằm sau chữ thần. Ngài bắt cụ chữa lại, thì cụ đọc :
父業子能承
君恩臣可報
Phụ nghiệp, tử năng thừa
Quân ân, thần khả báo
Dịch : Nghiệp cha, con thừa được ; ơn chúa, tôi trả tròn.
Ấy, chỉ đem lên đem xuống mấy chữ, mà câu văn rõ già hẳn lên, làm cho Đức Minh-Mạng, đã sẵn lòng phục cụ, lại càng phục thêm ! Nhưng càng được Vua sủng-hạnh, cụ lại càng « quá lắm », coi các « ông lớn » trong triều không ra gì. Có một « ông lớn » nào đó, người lùn, sinh được cậu giai, cụ cả gan đi mừng bài thơ mà hiện nay còn nghe truyền-tụng hai câu :
不願吾兒大過人
但願吾兒如父親
Bất nguyện ngô nghi đại quá nhân
Đãn nguyện ngô nhi như phụ thân…
Dịch :
Con ta lọ ước lớn hơn ai.
Ước được bằng, cha đã chán chơi…
Chòi người ta tận đến xương tủy như thế, bảo họ không ghét sao được ? Bảo họ không tìm cách mà làm hại mình sao được ? Há chẳng phải vì vậy mà năm 1840 (Canh-Tí) tức là năm Minh-Mạng 21, không rõ người ta đã nhân cớ gì mà mời cụ lui về đó ư ?
Cất xong một cái thảo-đường ở Khe Cừ, chỗ Vua Chiêm-Thành đóng đô thủa trước, cụ có 3 bài thơ tức-sự :
I.
山外寒溪溪外山
百城富貴草三間
開窗清曉看雲起
出郭斜陽羨鳥還
園樹池魚縈活計
藜羹樣飲駐韶顏
旁人莫訝歸來早
一日歸來一日閒
San ngoại hàn khê, khê ngoại san
Bách thành phú quí thảo tam gian
Khai song thanh hiểu khan vân khởi
Xuất quách tà dương tiện điểu hoài
Viên thụ trì ngư oanh hoạt kế
Lê canh tượng phạn trú thiều nhan
Bàng nhân mạc nhạ qui lai tảo
Nhứt nhật qui lai nhứt nhật nhàn.
Dịch :
Đồi bên kia suối, suối bên đồi,
Phú-quí nền xưa cỏ một chòi.
Mây sớm dậy trời bay cửa trước,
Chim hôm về tổ ruổi thành ngoài.
Quả vườn cá ruộng nhờ lộc đất,
Cơm tượng canh lê trẻ dáng người.
Lui được ngày nào, ngày ấy khỏe,
Cùng ai, ai hỡi chớ cười ai !
II.
古壘平雨四面山
村煙藹藹翠微間
草肥牧笛吹風去
禾長農策簑帶霧還
吟到園林無俗韻
醉同親故足歡顏
歲寒早結松筠侶
飲谷棲邱自在閒
Cổ lũy bình vũ tứ diện san
Thôn yên ái ái thúy vi gian
Thảo phì mục địch xuy phong khứ
Hòa trưởng nông soa đái vụ hoàn
Ngâm đáo viên lâm vô tục vận
Túy đồng thân cố túc hoan nhan
Tuế hàn tảo kết tùng nhuân lự
Ẩm cốc thê khâu tự tại nhàn
Dịch :
Bằng ri lụy cũ núi tư bề, 8
Đỉnh núi xanh xanh ngọn khói quê
Đồng cỏ hơi xuân còi thổi rảo,
Ruộng chiêm mùa ngọc nảy mang về, 9
Ngâm cùng chim suối, nghe tao nhỉ !
Say bởi người nhà rõ thú ghê !
Trời lạnh, bạn « tùng » đi lại sớm,
Mặc dòng khe núc, đỉnh non kê !
III.
把却初衣托故山
北窗數酌誦人閒
不緣世路多疎拙
未必園慮數往還
野鳥無機辰對語
溪花有主爲開顔
百年通塞何須問
一枕薰風午夢閒
Bả khước sơ y thác cố san
Bắc song sổ chước tụng nhân gian
Bất duyên thế lộ đa sơ chuyết
Vị tất viên lô sác vãng hoàn
Dã điểu vô cơ thời đối ngữ
Khê hoa hữu chủ vị khai nhan
Bách niên thông tắc hà tu vấn
Nhứt chẩm huân-phong ngọ mộng nhàn
Dịch :
Áo mũ trả đi, núi cũ về,
« Say nằm song bắc » chuyện còn nghe 10
Phải vì đường thế nhiều sơ-sót ?
Nào chắc vườn tiên mãi tiếng ve !
Chim nội biết ai « mồm » mách lẻo ?
Hoa khe thấy chủ mặt tươi lòe !
Việc đời thua được chi thèm kể !
Một giấc ngơi trưa, ngọn gió hè ! 11
Trong bài thơ vừa đọc, thấy có câu cụ tỏ rằng biết đâu cụ cứ lẩn khuất mãi trong cõi yên hà, chẳng có ngày lại ra lo việc nước. Mà thật thế, buổi cụ treo ấn ra về, Đức Minh-Mạng đã bảo thầm cụ rằng : Khanh cứ về thăm nhà trong ít lúc, Trẫm sẽ chiêu dụng lại !… Không dè chẳng bao lâu ngài đã không còn nữa. May nhờ có Đức Thiệu-Trị là học trò của cụ, nên một khi trò lên giữ ngôi báu, ngày 20 tháng Giêng năm Tân-Sửu (1841), thì chiều ngày ấy, liền chạnh nghĩ đến thầy, lập tức hạ chỉ cho bộ Lại : « Tra Nguyễn-hàm-Ninh quán chỉ hà tại, tức hành khởi phục nhập các » (xét ông Nguyễn-hàm-Ninh ở đâu, lập tức cho khởi phục mà triệu vào các). Giấy bộ tư về làng, thì bấy giờ cụ đã đi chơi đâu ngoài Bắc rồi. Bộ phải tư cho các tỉnh từ Hà-Tịnh trở ra, hễ đâu có cụ thì phải « lập tức lai kinh hậu-chỉ ». Cụ ở Hà-Nội được tin ấy, lại nghe Đức Thiệu-Trị đi Bắc tuần, cụ liền chạy vào đón ngài tại Vinh, và về triều theo ngài, sung chức nội-các hành-tẩu :
野外秀才齊天大聖
部中行走陸地神仙
Dã ngoại Tú-tài, Tề-thiên Đại-thánh
Bộ trung Hành-tẩu, lục địa Thần-tiên
Tú-tài ở làng, to như Tề-thiên Đại-thánh, Hành-tẩu trong bộ, khỏe như lục-địa Thần-Tiên. Đó là lời ngự-phê trong tờ chỉ bổ cụ vào Nội-các vậy. Cụ được phép vào ra tự-do trong Các. Vì Đức Thiệu-Trị là bậc hiểu-văn, ông nào không có văn-danh thì đã dễ được gần-gũi ngài ! Song cụ Nhâm-Sơn ta càng năng được gần-gũi ngài, thì lại dễ sinh ra lờn mặt. Lấy thi-văn mà làm cho ngài kính-phục còn chưa đủ sướng, cụ lại còn tìm cách mà trêu-ghẹo ngài nữa ! Chứng cớ ? Thì một hôm, Vua Thiệu-Trị vi-hành qua miền bến Ngự, gặp trận mưa to, ngài phải chạy vào một nhà thợ nhuộm bên đường. Mưa ngớt, ngài ra về, có tặng lại chủ nhà một câu đối. Cụ Nguyễn-hàm-Ninh há không biết rằng câu đối ấy là của Vua mình ? Tuy vậy : khi vào trực, làm ra bộ nghiêm-nghị lắm, cụ vẫn kêu : Hạ-thần đi qua nhà tên kia… ở xứ nọ… trước cửa thấy có dán câu đối :
天地玄黃都我手
朝廷朱紫總吾門
Thiên địa huyền-hoàng đô ngã thủ,
Triều-đình chu-tử tổng ngô môn.
Dịch :
Đen trời vàng đất nhờ tay mỗ, 12
Mũ tía xiêm điều chật cửa ông.
Hỏi câu đối của ai làm, chủ nhà bẩm rằng của một thằng lạc-phách nào ở phương xa đến. Kẻ hạ-thần này cứ như khẩu-khí trong câu đối ấy mà xét, thì phải quyết rằng tác-giả nó là một tay ghê-gớm, nếu mạng ấy không làm Vua được thì cũng làm giặc. Vậy ngửa trông thánh-thượng lập tức hạ-lịnh cho truy-nã hắn về mà giết ngay đi, đề phòng hậu-hoạn, chẳng thế, thì chỉ còn một cách này là đành nhường ngôi báu lại cho nó ; mới mong giữ vẹn cuộc thái-bình cho muôn dân !… Lời tâu ấy, buộc nhà Vua phải thú thật với cụ : « Thị Trẫm chỉ sở tác, Khâm thử ! » (của Trẫm làm đó ! Kinh lấy !).
Tuy ngài vẫn thừa biết rằng cụ muốn chọc tức mình chơi, nhưng trong chỗ văn tự, ngài không lấy đó làm đều. Đoạn này phải khen Đức Thiệu-Trị là người có óc mới : Vua cũng là người, đối với kẻ làm tôi phải xem như anh em ruột, khi buồn cùng toan lo chống đỡ, khi vui cùng giỡn-cợt nô-đùa, mối tình thân-ái có thế mới thêm khăng-khít bền chặt. Ở Âu-tây, kẻ thiết-cốt thường « tao-mi » với nhau, cũng bởi lẽ ấy. Vậy đức Thiệu-Trị không giận cụ Thuận-Chi ta là phải. Nếu có, thì sao cụ ở Nội-các chưa bao lâu, mà qua năm 1845 (Ất-Tị), cụ được thăng Hình-bộ Phó-lang, rồi đổi sang cẩn-tín ti Viên-ngoại, và năm sau lại thiên Lại-Lệ nhị bộ Lang-Trung ? Như thế, mà chừng như đức Thiệu-Trị vẫn nghĩ rằng chưa đủ để tỏ tấm lòng ân-cần quyến-chú của ngài đối với một bậc danh-nho ; ngài lại phải vội vàng trỏ dường chỉ nẻo cho cụ lập công, để sau ngài sẽ bạt dụng, trao cho cụ cái chức gì cho xứng đáng với tài : Cụ ngồi vào ghế Lang-Trung chưa được yên chỗ, thì mùa đông năm ấy (1846) ngài đã bổ cụ vào làm Án-sát tại tỉnh Khánh-Hòa !
Cụ vừa đáo-nhậm được đâu trong vòng một tháng thì một hôm nọ thấy có hai người Tàu xin vào yết kiến. Người đi trước, tự xưng là một vị hưu-quan, đi du-lịch, nghe tiếng cụ là một nhà học-giả trứ danh, nên ghé vào thăm, còn người đi sau, tuy đến bây giờ cụ mới biết là bà con của người kia, nhưng hắn là ai, làm nghề gì thì cụ đã thừa biết từ lâu. Chính gã này buổi cụ còn ở Nội các, hắn có đem sang bán một ghe sách, nghe đâu toàn là sách quí lạ, có bộ dày đến mấy trăm chương, giá những 30 lạng bạc, Đức Thiệu-Trị bèn bảo cụ ra xem thử hay dở thế nào. Với chủ bán, cụ hẹn rằng chờ xem xong rồi sẽ mặc-cả (đánh giá). Chủ bán bằng lòng. Vậy là từ đó, ngày nào cụ cũng ra thuyền khách, vếch chân chữ ngũ mà nằm xem, một tập, hai tập, ba tập… dần dần cả bộ cụ đã để mắt qua một lượt cả rồi. Chú Chệch thật thà nọ hỏi cụ có thuận mua không thì cụ cười rằng : Tôi tưởng là sách gì mới, té ra thứ sách ấy thì trong Nội-các rày mới lục ra đã thấy có rồi. Đoạn cụ đem cho hẳn xem một bộ chữ viết, bảo rằng đấy là của người ta mới chép lại. Cụ tin rằng vắn tắt bấy nhiêu lời, cũng đủ cho người đồng-chủng của tên thù Mã-Viện biết cụ là một bậc thông minh cái thế, có sức ký ức khác thường, cả một bộ sách dày thế mà ngay xem đến đâu là thuộc làu đến đấy, rồi đêm về đọc lại cho mấy tên Thừa-phái viết, không hề sót lấy một chữ nào ! Vì vậy, cụ không cần bỏ tiền ra mua sách ai ; nhà vua muốn mua, cụ cũng xin đừng, làm cho chú Khách kia đã bị ế hàng lại bẽ. Phen này trở lại An-nam, hỏi thăm biết cụ vào làm Án-sát ở đây, tưởng nó sẽ lừa rằng lại có bộ sách quí muốn bán, để cụ ăn quen, lại xuống ghe nó mà xem, rồi thừa lúc cụ xuất kỳ bất ý mà kéo neo trương buồm chạy thẳng ra khơi, thả cụ xuống nước để rửa giận ; Không ngờ nó lại biết phục tài cụ, món lợi lớn mất đi, nó không thèm nghĩ đến, lại chạy về nước, kêu rầm lên rằng cụ là một quan Trạng đâu đấy hẳn khiến cho trong đồng bào của hắn, có kẻ trí thức, sẵn bụng hiếu hiền, phải băng vời vượt bể, tìm đến cõi Lãnh-Nam này mà xem cho biết con người của cụ ra thế nào lại có được một khối óc thông minh như thế ấy ?
Nghĩ rằng nhà thế-phiệt kia là một người tri-kỷ đáng tin, mà chú Khách này cũng là một bậc quân-tử nên trọng, nên cụ tiếp-đãi rất mực tử-tế. Lúc ra về, chúng lại trân-trọng ngỏ lời mời cụ xuống thuyền nhấp chén rượu lạt. Vui-vẻ, cụ nhận lời ngay. Đúng giờ hẹn, chúng đem kiệu tới công-đường, rước cụ ra bến, rồi bơi xuồng vào, rước thẳng ra ghe, neo ngoài cửa bể. Cùng khách chén rượu ngà-ngà say, cụ ngủ quên khuấy lúc nào không biết. Chợt bừng mắt dậy, thì sóng đâu vỗ ầm ầm, thuyền sao chạy róc róc ? Kìa những lão Chệch kia lúc nào mới đằng-đãi mình một cách rụt rè e-sợ, mà nay sao vội thấy mình ngơ ngác chưa rõ chuyện trước mắt là sự thực hay chiêm bao, thì lại chẳng nói chẳng rằng, dám nhăn nanh trông mình mà cười rộ ? Hay là hùm thiêng đã mắc phải bẫy mọi đấy rồi ? Ôi, quả thế ! « biển sâu dùng thước mà đo, lòng người gian hiểm dễ dò được sao ? » (Tục-ngữ). Bây giờ nghĩ ra rồi cụ mới biết : té ra thằng lái buôn nham-hiểm kia, sở dĩ đem người thân thuộc của hắn sang nước ta lần này là cốt để cho có người xứng chuyện trò với cụ, mà tìm phương trả thù ! Ngồi trong tàu với bọn nó biết bao nhiêu người, mà cụ vẫn cảm thấy mình như riêng lạc lối vào trong một chốn thâm lâm cùng cốc nào đây ? Song nếu ai hỏi cụ có biết sợ không, thì cụ vẫn trông vào giữa bầu trời nước mà lặng ngâm :
海浪雲輕送客船
帆歸北向若飛箭
辰看月照波心處
空畏詩題夜不眠
Hải lạng vân khinh tống khách thuyền
Phàm qui bắc hướng nhược phi tiên
Thời khan nguyệt chiếu ba tâm xứ
Không úy thi đề dạ bất miên
Dịch :
Sóng biển un mây trước mũi thuyền,
Buồm bay về Bắc chóng như tên.
Kìa xem lòng nước mặt trăng giọi,
E rộn bài thơ ngủ chẳng yên.
Thuyền đến Thượng-Hải, chúng đem cụ lên nhà. Trông lên bàn thờ, cụ thấy lõng-thõng hai câu liễn trắng :
結髮訂吾缘誰謂今朝鴻北去
芒心憑客地吁嗟何日鴈南歸
Kết phát đính ngô duyên, thùy vị kim triêu hồng bắc khứ ;
Mang tâm bằng khách địa, hu ta hà nhật nhạn nam qui !
Dịch :
Kết tóc hẹn duyên ta ; một phút ai xui hồng về bắc ;
Ôm lòng nương đất khách, bao giờ còn thấy nhạn sang nam ?
Câu đối ấy, nguyên buổi còn ở Bộ, cụ làm hộ cho một người đàn bà ta khóc người chồng khách sang buôn bán ở Kinh, rủi chết đi rồi chở quan-tài và linh-cữu về Tàu trong lúc nàng còn có thai. Bởi vậy, trong Hán-văn cụ đặt « kết, mang, ngô, khách » để cho thiết với sự-tích của vợ chồng nhà hắn. Nay thấy tác-phẩm của mình chưng ở nhà người, cụ biết tên Chệch quá cố kia với kẻ thù mình cùng nghĩa anh em ruột thịt. Cụ than rằng : « Buổi bà con của các ngài chết, chính tôi đã làm một người khóc mướn, không ngờ ngày nay thân này lại chết vào tay các ngài, than ôi ! sau khi tôi đã nhắm mắt rồi ai là người có dư nước mắt mà khóc mướn cho tôi ? » Câu nói văn hoa mà bi-đát ấy đã cảm-động đến quân mặt sắt lòng đá.
Chúng chỉ đòi giữ lại của cụ cái đùm tóc mịn-màng để làm « kỷ-niệm », còn cái tấm thân mảnh-dẻ – tấm mình đặc biệt của con nhà văn, nhà thơ – chúng lại chở về trả cho non sông Hồng-Lạc :
海平萬里送人囘
四望愴茫不見涯
宇宙糢糊靑霧裡
水天縹渺白雲堆
壯心初試波干頃
龜思從甘酒半杯
佇立錯頭看細浪
魚舟處處片帆開
Hải bình vạn lý tống nhân hồi,
Tứ vọng thương mang bất kiến nhai.
Vũ-trụ mô-hồ thanh-vụ lý,
Thủy-thiên phiếu-diếu bạch-vân đôi.
Tráng-tâm sơ thí ba thiên khoảnh,
Qui-tứ tùng cam tửu bán bôi.
Trử lập thuyền đầu khan tế lãng,
Ngư châu xứ-xứ phiến phàm khai.
Dịch :
Đường về muôn dặm biển mông mênh,
Bờ bến đâu đâu trước mắt mình.
Lẫn-lộn bể-trời trong khói bạc,
Mơ-màng non-nước giữa mù xanh.
Sóng đào chí cũ nghìn trùng tỉ,
Rượu ngọt, lòng quê nửa chén đành.
Đứng trước mũi thuyền trời biển lặng,
Buồm chài bốn mặt cánh thênh thênh.
Đến cửa Thuận-An, chúng đem thả cụ ở trên bãi biển rồi quay thuyền về. Còn cụ ? theo dòng sông Hương, cụ tìm lên đỉnh Ngự, xin vào bệ-kiến để chịu tội sơ-phóng. Trong triều, các quan lớn ghét cụ là thằng ngạo mạn, lúc ở Nội-các, đã cậy thế cậy thần mà bài bác họ nhiều điều, nay họ đều ùa lên cho rằng cụ đã làm nhục đến quốc-thể, và thấy cái đầu trọc của cụ thì họ muốn cho cụ về cõi Phật luôn : họ ghép cụ vào tội đại-tịch. Song còn có Đức Thiệu-Trị ! Một vị minh-quân thế ấy, há chịu để cho bọn quyền-thần giết hại một bậc kỳ-tài ? Ngài liền tha cho cụ tội chết, và tạm phạt cụ vào Đà-Nẵng sung quân ở đó. Lúc cụ ra đi, có người em là ông Tú Nguyễn-hàm-Trạch theo tiễn chân. Ông này ở Khánh-Hòa nghe tin cụ về nước, thì vội vàng ra Huế mừng cụ và tin cho cụ biết rằng bà ở nhà đã sinh được một gái. Thế nên cùng ông Hàm-Trạch cụ có bài thơ lưu biệt :
不道今相見
猶疑夢未眞
書來兒有母
獄定我爲人
天地淸秋晚
高堂白髮新
承歡諸弟在
暫別莫沾巾
Bất đạo kim tương kiến
Do nghi mộng vị chân
Thư lai, nhi hữu mẫu
Ngục định ngã vi nhân
Thiên địa thanh thu vãn
Cao đường bạch phát tân
Thừa hoan chư đệ tại,
Tạm biệt, mạc triêm cân
Dịch :
Phải chăng đối mặt bắt tay ngồi,
Hay lại chiêm bao đấy nữa rồi ?
Góc biển thư về con có mẹ,
Phương trời ngục định bác (mỗ) làm người. 13
Màu thu tiết mượn thương thân kẻ, 14
Mái tuyết gương soi tủi phận ai. 15
Thôi chớ dầm khăn khi dứt áo, 16
Thân nhà còn cả các em ngoài !… 17
Con trẻ mặc vợ, mẹ già có em, việc gia-đình tưởng cụ không cần phải nghĩ đến nữa, và đành để cho họ giải đi :
帶得枯遮擧目驚
人人指笑阮咸寕
Đái đắc khô già cử mục kinh
Nhân-nhân chỉ tiếu Nguyễn-hàm-Ninh…
Dịch :
Ai thấu gông-xiềng chẳng phải kinh ?
Vừa cười, chúng trỏ : « Nguyễn-hàm-Ninh ».
Than ôi, mới ngày nào cụ còn đạo-mạo làm một ông quan lớn mà bây giờ đành ủ rũ trong bộ áo xanh ?
Rong-ranh xiềng sắt ngờ đeo ngọc,
Ràng-rịt thừng mây tựa thắt đai.
Đọc câu thơ ấy, cảm thấy cái cảnh-ngộ ấy của cụ, khiến ta không khỏi ngậm-ngùi !…
Song, những bậc danh-vọng như cụ, mà cũng có lần phải nếm qua thú ngủ ngồi, trường ăn bốc, mới đủ cho thiên-hạ tin rằng : nằm trong nhà đá, ngồi giữa cũi sắt, dẫu toàn là người có tội, cũng chưa hẳn là tụi đáng khinh ! Tuy cụ đã lọt vào vòng lụy-tiết, nhưng nhà vua vẫn còn một lòng quyến-chú ! Nên đày vào Quảng-Nam chưa được mấy hôm, cụ đã được đặc-ân cải phái làm Trai-đàn Hiệu-lực tại chùa Thiên-Mụ ; rồi lại khởi-phục Hàn-lâm-viện trước-tác, đầu đuôi chỉ trong một tháng giời ở trong vòng hình-hiến mà thôi (!)
Bấy giờ cụ vào làm việc tại sở tu-thư.
Nghĩ rằng dần-dà rồi Đức Thiệu-Trị cũng sẽ cho cụ phục lại chức cũ, không ngờ năm ấy (1847-Đinh-vị), Đức Thiệu-Trị thăng hà, rồi Vua Tự-Đức đăng-quang.
Lẽ ra thì ngôi báu phải về phần ông Hồng-Bảo (anh ruột Vua Tự-Đức), vì Đức Thiệu-Trị đã đặt ông làm Thái-tử từ lâu, không rõ tại sao khi gần nhắm mắt, ngài lại muốn truyền vị cho ông em là Hồng-Nhậm, cho nên ông này lên làm vua, thì ông Hồng-Bảo tỏ vẻ bất-bình !… Vì vậy mà cả gia quyến của ông đều bị hại. Đức Tự-Đức đã nhẫn-tâm làm cái việc « nồi da xáo thịt, củi đậu nấu mè » ! Vì cớ ấy mà cụ Nguyễn-hàm-Ninh không lấy làm phục ngài lắm. Bữa nọ, nhân ngài thời cơm, vô-ý răng cắn nhằm lưỡi, ngài bèn lấy đó làm đầu bài, bảo đình thần, mấy ông danh sĩ, làm mỗi ông một bài thơ.
Các quan lớn, bài dâng lên ngự lãm nhiều lắm, nhưng chỉ có bài cụ là xuất-sắc hơn cả, và được truyền tụng đến giờ :
生我之初汝未生
汝生之後我爲兄
珍饈曾幾同甘苦
囓指還忘骨肉情
Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh
Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh
Trân-tu tằng kỷ đồng cam-khổ
Khiết chỉ hoàn vong cốt-nhục tình
Dịch :
Thủa bác (lưỡi) sinh ra, chú (răng) chửa sinh ;
Từ sinh ra chú, bác làm anh.
Tân cam từng lúc cùng san-sẻ,
Cốt-nhục, đang tâm nghiến đứt tình ?
Bạn đọc chắc đã thừa biết, trong bài thơ ấy, ý cụ muốn nói gì rồi. Ôi ! vì một miếng ăn, một chỗ ngồi mà anh trở giận em, em quay giết anh, thế thì trường danh lợi phải chăng là chỗ người ta dễ « đổ » tình « máu mủ », « dứt » nghĩa chân tay, mà kẻ học đạo thánh, sợ lưới trời, phải tìm đường xa tránh, quyết ý tảng lờ ? Nhà thi-sĩ đa-cảm đa-tình đổ ra chán-nản việc đời từ đấy ! Chẳng những cụ buồn nỗi làm tôi mà không can gì được Vua, cụ còn biết xét mình làm quan mà không ích chi đến dân. Viết đến đoạn này, tựa hồ như nghe có tiếng cụ ngâm đọc đâu đây :
梅花燈下影
焦葉雨中聲
獨客難爲夜
端居空憮情
北畿方苦潦
西壤未休兵
經術知何補
深宵看斗橫
Mai-hoa đăng hạ ảnh
Tiêu-diệp vũ trung thanh
Độc khách nan vi dạ
Đoan cư không phủ tình
Bắc kỳ phương khổ lạo
Tây-nhưỡng vị hưu binh
Kinh thuật tri hà bổ
Thâm tiêu khán đẩu hoành
Dịch :
Trong mưa, tàu chuối khóc,
Ngọn nến đóa mai cười. 18
Đêm đố đặt lưng ngủ,
Giường cao ôm bụng ngồi.
Bắc kỳ dân ngập nước,
Tâu nhượng giặc làm trời. 19
Thơ thánh ăn ai tá ?
Vừng Ngưu há miệng gioi !
Xem vậy thì cụ vẫn một lòng ưu-thời mẫn-thế, nào phải tuồng túi cơm giá áo như những ai kia ! Song dầu muốn làm chi, e cũng phải có trời mới được, bằng không thì có hoài-bão thế nào âu cũng bằng thừa. Xem biết tình thế khó-khăn lắm rồi, cụ không còn dám ngồi suông mà hưởng lộc nước ; mới bốn mươi tuổi trời, đương độ trẻ trung, răng còn cứng, sức còn dai, mà cụ đã từ bỏ miếng đỉnh-chung, thác bệnh mà quyết đòi qui-lý cho được. Vua Tự-Đức cố cầm lại không xong đành phải nghiêng tai nghe cụ hát bài qui-hứng :
村外一聲鳩
園林事事幽
鉤簾春醒燕
橫笛晚傳牛
柳惠應三黜
張衡滿四愁
未言歸興樂
安識主恩優
Thôn ngoại nhứt thanh cưu
Viên lâm sự sự u
Câu tiêm xuân tỉnh yến
Hoành địch vãn truyền ngưu
Liễu Huệ ưng tam truất
Trương Hành mãn tứ sầu
Vị ngôn qui hứng lạc
Yên thức chủ ân ưu.
Dịch :
Chim cưu một tiếng giục ngoài cồn, 20
Muôn việc tối-tăm núi một vườn,
Én tảnh giấc xuân, tay sáo cuốn 21
Trâu về ràn cũ, tiiếng còi dồn, 22
Liễu-công đáng mặt ba lần truất.
Trương-tử cam tâm bốn nỗi buồn 23
Này thú điền-viên chưa nói đến
Biết đâu mưa-móc nặng mang ơn.
Nhà thơ quen nói vậy, họ thường ca-tụng cái thú điền viên, nhưng dường như cụ chỉ sanh ra để đọc sách ngâm thơ. Trong nhà cụ nuôi ba người, một người chực luôn bên trướng để khi cụ cần xem sách gì thì mở tủ mà tìm cho cụ xem ; lại một người để đọc cho một người nữa biên lại những thơ văn của cụ ngẫu hứng làm ra trong lúc tình cùng bầu rượu, duyên với cô đào, như bài ca trù mà cụ cho hát để nhắc-nhớ đến cái đặc-ân của hai Vua Minh-Mạng, Thiệu-Trị đã từng phen ưu-đãi mình :
Sực nhớ đến Thiên báu Khai nguyên di sự, 24
Tấm bi thu như say như tỉnh lại như mê.
Duyên tam sinh Âu-kiếm Hợp-châu về, 25
Đức tái tạo kể trời cao bể rộng,
瓊樓玉宇三更夢
龍閤珠襦萬古愁
« Quỳnh lâu ngọc vọ tam canh mộng,
Long cáp châu nhu vạn cổ sầu »
Đỉnh-hồ xanh-ngắt một mầu, 26
Trông cung-khuyết biết mấy hàng huyết-lệ.
Số viên-tí lẻ loi là thế, 27
Dẫu cơm săng áo cỏ cũng là ơn. 28
Bùn mây thân cũng là thân, 29
Nhân sinh hồ dễ mấy lần được ru ?
Lênh đênh một mảnh giang-hồ.
Ngoài bài ca-trù ấy, cùng nhiều bài khác nữa, còn có một câu mà khi nào cụ cũng bắt cô đào truyền, cái cô đào đủ cả thanh lẫn sắc ấy hát :
Ma hèm quen thói say sưa,
Đã say rượu Kịa, lại mơ rượu Cầu.
Phải hiểu cái thâm-ý của câu hát ấy. Nguyên bà chánh của cụ là người Tô-Xá (sinh hạ được 3 trai 2 gái), sau khi qui-điền, cụ lại hội thêm một bà nữa người Kẻ-Kịa (Tượng-Sơn) ; cô đào Truyền kia người Kẻ-Cầu (Phú-Mị) ; Kẻ Cầu và Kẻ Kịa là hai làng ở trong phủ có tiếng rượu ngon, nên cụ đặt câu hát ấy để đùa đào Truyền đó !… Ngoài sự dan-díu với cô đào, cụ lại thường tìm chơi các chỗ danh sơn thắng tích. Trên đỉnh Đèo Ngang (Hoành-sơn) cụ tầng vui với cảnh :
Lờn vờn mặt nước cây hòng lội,
Chợn vợn chân non sóng muốn trèo.
Còn cảnh chợ Trời ở Sơn-Tây thì :
Hóa-công xây đắp tự bao đời,
Nọ cảnh Sài-Sơn có chợ trời.
Buổi sớm sương tan, trưa nắng giãi,
Ban chiều mây hợp tối trăng chơi,
Bày hàng, hoa quả tư mùa đủ,
Cứ hiệu, giang-sơn bốn mặt ngồi,
Bán lợi mua danh nào những kẻ,
Thử lên mặc cả một đôi lời. 30
Ở Chợ Trời mà cũng có thơ cụ ? Rõ thực thừa lúc nhàn-tản, cụ đã đi ngao du khắp đây đó.
Một lần ngang qua Nghệ, biết ông Lưu-Lạng người Cao-Lao, làm Án-sát ở đấy, cụ ghé vào thăm. Rủi ông đi việc quan vắng, bà xin cụ để lại một tấm danh-thiếp để khi chồng mình về, đem trình. Cụ liền bảo lấy bút mực, thảo ngay câu thơ :
Bái-Công một họ, không đồng phái,
Gia-Cát trùng tên, có khác tài.
Sau quan án về, ngài thấy câu thơ, tự hỏi : Bái-công một họ, họ gì ? họ Lưu ; Gia-Cát trùng tên, tên gì ? tên Lạng ! Tưởng rằng tác-giả sẽ xưng tên họ của mình, ai nhè lại đem tên họ ông Lưu-Lạng ra mà nhạo ! Quan án đoán ngay rằng : xược đến thế chỉ có Nguyễn-hàm-Ninh, bất đắc ý thôi quan về, rày mới đi lang-thang.
Chính nhờ đi lang thang như vậy, cụ mới tìm ra biết bao nhiêu cái hay cái đẹp của thơ, chìm trong mây giáng, ẩn giữa cỏ cây ? Song tiền lộ-phí ai cung-cấp cho, mà cụ được thong-dong trên đường du-lịch ?
Chỉ trông vào một túi thanh-nang ! Nghe đâu buổi ấy, trong các bọn danh-sĩ, ông Đinh-nhật-Thận với cụ có tiếng hay thuốc nhất.
Nhưng làm thuốc rõ là cái nghề « phản-trắc » làm sao ! Thầy thuốc chỉ khéo cứu được mạng người mà nào cứu được mạng mình ! Sinh ngày rằm tháng Giêng năm Mậu-Thìn (1808), mất ngày rằm tháng Chạp năm Đinh-Mão (1867), có tính tuổi theo phép An-nam, mới có thể nói rằng cụ đã hưởng thọ được 60 tuổi.
Nhưng thôi, như nhà thi-sĩ nào đó ở bên trời Âu đã nói :
Thánh-hiền cũng có ngày vận mạt,
Chỉ câu thơ tuyệt tác mạnh trường.
( Les Dieux eux-mêmes meurent,
Mais les vers souverains demeurent ) .
Mời các bạn đón đọc Đời Tài Hoa của tác giả Nguyễn Văn Đề & Dương Tụ Quán.