“… “Đây là một người hùng,” nhà báo nói. “Trái đất rung chuyển khi ông bước, đàn ông yêu ông và sợ ông, đàn bà run rẩy trước sức mạnh nơi bắp vế ông, người ta tìm kiếm sự chiếu cố của ông. Mà giờ không một ai ở đây để tưởng nhớ ông.” Nhà báo quay đi. “Ông nói đúng. Người chết là cô đơn.”
Ông cai lại nắm tay áo ông. Nhà báo quay lại, đối diện ông ta, cảm thấy mệt mỏi rã rời. Ông mong giá mình không thấy mấy dòng thông cáo, đã không đi dưới mặt trời kinh khủng để đến nơi nẻo hãi hùng này, đến cáci thế giới không ký ức này.
“Thưa ông, không”, ông cai nói nhỏ. “Tôi nhầm. Ông ta không cô đơn. Ông ta đã ở đây mà…”
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời nhân vật chính Diogenes Alejandro Xenos (hay còn gọi là Dax). Lớn lên với một tuổi thơ đầy ám ảnh về cái chết bi thảm của mẹ và người chị gái, cuộc đời Dax trải qua rất nhiều sóng gió nhưng cũng không kém phần oanh liệt. Thông qua cuộc đời nhân vật Dax, độc giả sẽ được chứng kiến nhiều sự kiện, biến động của xã hội phương Tây trong những năm trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai. Những sự kiện liên tiếp diễn ra khiến người đọc bị hấp dẫn và lôi cuốn không thể nào dừng lại được.
Xung quanh nhân vật chính, tác giả cũng xây dựng nên nhiều tuyến nhân vật với đủ loại thân phận thuộc các giai tầng khác nhau, rất phong phú và đa dạng. Một xã hội phương Tây như được thu nhỏ trong mỗi trang văn của Harold Robbins.
Những kẻ phiêu lưu vừa mang yếu tố hiện thực sâu sắc vừa mang tính lãng mạn với những khát khao, đam mê cháy bỏng của tình yêu.
Harold Robbins (1916 – 1997) là một trong những nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại của Mỹ. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 25 cuốn sách, được dịch sang 32 ngôn ngữ và bán được hơn 750 triệu bản.
***
Mười năm sau cuộc bạo động, trong đó anh đã chết. Thời của anh trên trái đất này đã qua. Hạn tro của anh trong chiếc hộp bé tẹo cuối cùng để ẩn náu này cùng đã hết. Giờ đây, quy trình đã được hoàn tất. Anh đã trở về với tro bụi của trái đất, là nơi anh đã sinh ra.
Mặt trời xứ nhiệt đới phả những đợt sóng ẩm nóng chói chang xuống những cây thập tự sơn đen bên những bức tường sét trắng của nghĩa trang khi nhà báo Mỹ bước ra khỏi taxi bên những cánh cổng sắt hoen gỉ. Ông đưa cho người lái xe tờ năm peso rồi quay đi trước khi anh ta kịp nói lời cám ơn.
Các quầy bán hoa đã tấp nập. Những người đàn bà vận đồ đen đang mua những bó hoa nhỏ. Những tấm mạng đen dầy cộp của họ như che chắn cho họ khỏi sức nóng và ngăn niềm thương đau của họ với cuộc đời. Đám ăn mày cũng ở đấy, những đứa trẻ nhỏ với những cặp mắt thẫm mầu thô lố nằm trong những quầng đen trũng, bụng chúng trương lên vì đói. Khi ông đi qua, chúng giơ những bàn tay bé nhỏ dơ dáy ra đón những đồng xu ông lơ đễnh buông xuống.
Khi đã qua cổng thì chỉ còn ắng lặng. Cứ như thể có một cầu dao chính nào đó đã ngắt hẳn thế giới bên ngoài. Một người đàn ông vận đồng phục đang ngồi trong chiếc chòi để hở. Nhà báo đi về phía ông ta. "Làm ơi chỉ giùm, senior?". Và thấy một thoáng ngạc nhiên trên mặt khi người đàn ông trả lời "Phố Sáu, nhà hai mươi".
Nhà báo Mỹ mỉm cười, quay đi. Hầu như trong cái chết họ vẫn bám lấy dòng đời. Những lối mòn được gọi là đường phố và nơi họ an nghỉ sau bốn bức tường được gọi là khu nhà. Rồi ông lấy làm lạ về nét ngạc nhiên trên khuôn mặt người đàn ông.
Ông đã đọc thấy mấy dòng thông báo mà ông hằng tìm kiếm khi ngồi trong hành lang một khách sạn mới, lật qua các báo chí địa phương, như ông vẫn làm mỗi khi đến một thành phố mới. Đó là bốn dòng nhỏ xíu vùi giữa các trang cuối, hầu như mất hút trong mớ hỗn độn các thông cáo khác lớn hơn.
Ông đang thả bộ xuôi con đường mòn với những lăng mộ cá nhân trau chuốt. Một cách trễ nải, ông quan sát các tên người: Ramirez, Santos, Oberon, Lopez… Dù dưới sức nóng mặt trời, ông vẫn thấy giá lạnh phả ra từ những tấm cẩm thạch trắng và cảm thấy mồ hôi ẩm lạnh nơi cổ áo.
Giờ đây lối mòn đã rộng hơn. Phía trái ông là những bãi trống lô nhô những bia mộ nhỏ. Bé nhỏ, không được coi sóc, bị quên lãng. Đó là những nấm mồ của kẻ nghèo. Bị ném vào lòng đất trong những hộp gỗ mỏng dính và mặc cho tan biến vào thiên nhiên mà chẳng hề có sự trông nom hay tưởng nhớ. Bên phải ông là các "dãy nhà". Khu chung cư của người chết.
Đó là những toà nhà lớn mái lợp ngói Tây Ban Nha đỏ và xám, cao hai mươi, rộng bốn mươi, dài tám mươi foot, gồm những khối xi măng trắng, từng cụm ba khối. Mỗi ô vuông ba foot, đều mang tên kẻ ngụ cư, một thập tự nhỏ khắc chìm vào xi măng ở bên trên tên người, còn ngày qua đời thì ở bên dưới.
Ông nhìn lên toà nhà đầu tiên. Có một biển kim loại nhỏ gắn trên mái hiên. Phố 3, nhà 1. Ông còn phải đi xa. Cái nóng bắt đầu đổ xuống. Ông nới rộng cổ áo và rảo bước. Đến giờ rồi, mà ông thì không muốn trễ.
Thoạt tiên ông tưởng mình đến nhầm chỗ. Không một ai ở đấy. Ngay cả những người phu đám cũng không. Ông kiểm tra tấm biển kim loại trên toà nhà, rồi kim thời gian trên chiếc đồng hồ đeo tay. Cả hai đều đúng. Ông mở tờ báo xem thử mình có nhầm ngày chăng, nhưng ngày cũng đúng. Ông thở dài nhẹ nhõm và châm điếu thuốc. Đây là Mỹ La tinh. Ở đấy thời giờ chẳng chính xác như ở nhà.
Ông chậm rãi dạo quanh, đọc tên người trên các ô vuông. Cuối cùng, ông có được điều ông tìm kiếm đang ẩn trong một góc tối dưới mái hiên phía tây nam của toà nhà. Bản năng khiến ông vứt điếu thuốc đi, ngả mũ và chằm chằm nhìn lên văn bia.
D.A.X
10 tháng Năm 1955
Ông nghe thấy tiếng xe ngựa lọc xọc trên đá cuội phía sau. Đấy là chiếc xe trần do con lừa mệt mỏi kéo đi, hai tai dán chặt vào đầu để phản đối việc bị cưỡng bức làm việc trong nóng bức. Xà ích mặc bộ đồ kaki đã bạc. Ngồi bên gã là người đàn ông mặc complê đen, đội mũ đen, chiếc cổ áo trắng hồ bột đã ngả vàng vì mồ hôi và bụi bặm. Đi bên xe là một gã phu với chiếc cuốc chim trên vai.
Chiếc xe hộc lên rồi dừng lại. Người vận đồ đen tụt xuống, rút từ trong túi áo ra tờ giấy, liếc qua, rồi nhìn vào những bia mộ dọc theo các bức tường. Mãi tới lúc ông ta dừng lại trước mặt nhà báo Mỹ mới nhận ra rằng người ta đến để mở căn hầm mộ.
Người vận đồ đen, cũng là ông cai, vẫy gã xà ích đến bên rồi nhìn chăm chăm vào căn hầm, khẽ lầu bầu gì đó bằng tiếng Tây Ban Nha trong khi gã xà ích trễ nải kéo lê theo chiếc thang nhỏ chắp bằng nhiều mảnh gỗ. Gã dựng thang vào tường rồi trèo lên, nhìn sát vào khối xi măng hầm mộ.
"Dax", gã nói, giọng khàn đặc.
"Dax", ông cai gật đầu, nhắc lại bằng giọng thoả mãn.
Gã phu mang ra cuốc chim cũng gật đầu. Có một âm hưởng thích thú trong giọng của gã. "Dax".
Gã xà ích đứng trên thang đưa tay ra. "Cuốc".
Rồi với một cú bổ thiện nghệ, gã choảng mạnh lưỡi cuốc vào giữa khối bê tông. Nó bắn toé chùm tia, rạch qua dòng chữ đục, toả ra tứ phía, đúng vào lúc mặt trời đi ngang góc mái hiên. Gã chửi đổng mặt trời bỗng dưng xuất hiện và kéo mũ sụp xuống che mắt, rồi lại choảng mũi cuốc chim vào xi măng. Lần này phiến đá vỡ toang, mảnh bay rào rào trên nền cuội.
Nhà báo nhìn ông cai. Ông ta có vẻ đang theo dõi hai người phu, nhưng rõ ràng là chẳng quan tâm gì tới công việc họ đang làm. Ông ta như chán nản với tất cả. Đây chỉ là công việc muôn thuở mà thôi. Ông ta quay lại khi nhà báo bước tới.
"Những người khác đâu cả?" Nhà báo hỏi bằng thứ tiếng Tây Ban Nha ngập ngừng của mình.
Người đàn ông nhún vai. "Chẳng có ai khác nữa".
"Nhưng trong báo… " Nhà báo ngừng lại. Ông hầu đã cạn vốn tiếng Tây Ban Nha "Nói tiếng Anh chứ?"
Ông cai mỉm cười kiêu hãnh "Vâng, vâng". Ông ta ré lên. "Xin hầu ông".
"Tôi thấy thông cáo trên báo", nhà báo nói với cảm giác nhẹ nhõm, "nên tưởng sẽ có những người khác nữa".
"Không có ai cả", ông cai nói.
"Nhưng ai đã đăng thông cáo? Chắc chắn phải có ai đó chứ. Ông ta là một người nổi tiếng. Rất nổi tiếng".
"Văn phòng đăng thông cáo. Thời gian đã qua khá lâu để ai đó đến mà nhận thi thể. Còn bao kẻ đang chờ chỗ này. Thành phố cứ liên tục phình ra mà. Chúng tôi đã quá chật chội rồi. Ông thấy đấy".
"Tôi thấy rồi" nhà báo nói, ngập ngừng. "Thế không còn ai nữa à? Gia đình. Hoặc bạn bè. Ông ta có rất nhiều bạn bè".
Một nét u ám thoáng nơi cặp mắt người đàn ông. "Người chết là cô đơn".
Một tiếng kêu làu bàu phát ra từ gã xà ích trên thang. Họ quay nhìn lên. Gã đã phá thủng mặt ngoài, và qua đó có thể thấy chiếc quan tài gỗ đã bị mối đã ăn luỗng và bạc màu. Giờ gã đang dùng lưỡi cuốc chim để nậy những mảnh xi măng còn lại rồi nhoai người vào trong hầm mộ kéo chiếc quan tài ra.
Nhà báo quay lại ông cai. "Bây giờ sẽ làm gì tiếp?"
"Ông ta sẽ được đưa lên dàn hoả".
"Rồi sau đó?"
Ông cai nhún vai. "Vì chẳng có ai đến nhận nên tro sẽ đổ chung với tro người khác rồi đổ vào bãi đất mà chúng tôi đang lấn ra đầm lầy".
Chiếc quan tài được đặt trên dải xi măng hẹp bên toà nhà. Ông cai nhìn xuống, kiểm tra dòng chữ viết trên tấm biển kim loại nhỏ trên nắp với tờ giấy trong tay. "Đúng". Ông ta nói, rồi nhìn lên nhà báo. "Ông muốn xem bên trong quan tài?"
"Không", nhà báo lắc đầu.
"Vậy… khi không có gia đình để trả tiền thì những người phu được phép. Chắc ông hiểu?"
Nhà báo gật đầu và quay đi khi hai người phu bắt đầu mở nắp quan tài, lắng nghe tiếng họ thì thầm khi bàn luận về những thứ mà họ tìm được, và chia chác chúng ra sao. Có một lời rủa khẽ. Rồi âm thanh đóng ván thiên.
Ông cai trở lại bên nhà báo. "Hai anh phu đang thất vọng", ông ta nói "Chẳng có gì ngoài mấy chỗ hàn răng bằng vàng, và chiếc nhẫn này".
Nhà báo nhìn xuống chiếc nhẫn trong tay ông ta. Một lớp bụi phủ kín nó.
"Tôi lấy chiếc nhẫn" ông cai nói "còn để họ lấy mấy mối hàn. Chiếc nhẫn có giá trị, phải không?" Ông ta lấy chiếc khăn nhớp nhúa trong túi ra lau nhẫn rồi đặt nó trong lòng bàn tay.
Nhà báo cúi nhìn. Đó là chiếc nhẫn vàng gắn một mặt đá đỏ thẫm. Ông cầm lên và đọc dòng chữ quen thuộc. Đó là nhẫn của trường Harvard, 1939. "Vâng" ông nói "Nó có giá trị đấy".
"Mười đô la Mỹ?" ông cai hỏi.
Phải mất một khoảnh khắc trước khi nhà báo nhận ra mình được mời mua chiếc nhẫn. Ông gật đầu và rút tiền ra.
"Cảm ơn" ông cai nói.
Nhà báo cất nhẫn vào túi. Họ quay về phía các gã phu đòn. Chiếc quan tài đã nằm trên xe.
"Đi thôi. Giờ thì đến giàn hoả" ông cai nói, trèo lên xe và ra hiệu chỗ ghế bên cạnh cho nhà báo.
Trời nóng hơn. Chiếc sơ mi của nhà báo ướt đẫm, thấu sang cả áo ngoài. Mất đến hai mươi phút trước khi họ đến một ngôi nhà mái bằng, xám xịt, tẻ ngắt dùng làm nơi hoả táng.
Trong không khí thoáng có mùi khói khi nhà báo xuống xe đi theo hai gã phu đòn khênh chiếc quan tài vào tiền sảnh rộng.
Vào trong, ông ngạc nhiên thấy nhà không có mái. Thay vào đó là bầu trời nóng bỏng trên cao. Có sáu chiếc lò hở miệng bằng đá đặt thành trời vòng tròn trong bốn bức tường của ngôi nhà. Trên mỗi miệng lò, bầu không khí chập chờn, nhảy múa với sức nóng trong lòng nó. Một người đàn ông mặc chiếc áo khoác ngoài xám phủ đầy tro bụi, tiến đến phía họ. "Đúng chứ?"
Ông cai gật đầu và đưa cho ông ta mẩu giấy trắng. "Đúng".
Ông ta ra hiệu cho các phu đòn. "Lò một".
Hai gã phu bước đến lò đá gần nhất và lao chiếc quan tài vào.
Ông cai cầm cánh tay nhà báo và họ đến bên lò. Chiếc quan tài nằm trên những thanh sắt ám khói đen, bên dưới hình như là một lưới sắt nhỏ mắt. "Lấy tro không?"
Nhà báo gật đầu.
Người đàn ông vận áo khoác xám đứng nhìn.
Ông cai giật tay aó nhà báo. "Hắn chờ năm peso cho công việc này đấy. Lệ thế mà".
Nhà báo thò tay vào túi và đưa ra tờ giấy bạc.
Hai hàm răng loé trắng giữa bộ mặt ngăm đen. "Cảm ơn".
Ông ta ra hiệu cho họ và, vẫn tuân theo áp lực trên cánh tay, nhà báo lùi lại cho đến khi họ cùng áp sát bức tường xa. Rồi người đàn ông vận áo khoác xám bắt đầu kéo bễ.
Thoạt tiên là tiếng sôi ùng ục nhẹ trong lò, rồi chuyển nhanh thành tiếng réo ầm ầm. Cứ như thể sấm rền trong chiếc hộp nhỏ, mà vẫn không thấy ngọn lửa. Chiếc quan tài hầu như chỉ ánh lên trong những luồng khí nóng. Bỗng người đàn ông kéo cánh tay đòn và trong khoảnh khắc hầu như toàn bộ lửa của địa ngục chồm lên.
Nhà báo cảm thấy luồng nóng táp vào mặt, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, rồi những ngọn lửa biến mất và chiếc quan tài như tanthành đám bụi xám, xẹp dần trong lò.
Ông cai giật tay áo nhà báo. "Chúng ta ra ngoài hút thuốc đi. Trước khi hút xong, hắn sẽ mang tro đến".
Ông cai nói đúng. Họ chưa hút xong điếu thuốc thì người đàn ông đã ra với chiếc bình nhỏ đựng tro hoả táng bằng sứ xám. Ông ta nhìn ông cai.
"Chiếc bình năm peso đấy" ông cai thì thầm như có lỗi.
Nhà báo lấy tiền trả. Người đàn ông lại gật đầu cám ơn và đưa chiếc bình cho ông cai.
"Giờ chúng ta ra xe" ông cai nói, rồi cho xe quành về phía sau toà nhà. Một chiếc xe nhỏ với con lừa mắt ngái ngủ đang đỗ đấy. Xe đầy rác, bụi và ruồi bay vù vù xung quanh. "Chúng ta đổ tro vào đây".
Nhà báo nhìn chiếc xe chằm chằm. Có điều gì đó bỗng kinh lợm trong ông. "Không còn chỗ nào khác à?"
Ông cai nhìn ông chằmchằm, gật đầu "Có một trang trại ở bên kia đường. Chỉ năm peso là người nông dân sẽ cho chúng ta rắc tro ở đấy".
"Chúng ta đến đó".
Họ đi qua cánh đồng khoai, rồi qua đường. Người nông dân xuất hiện như thể từ trong lòng đất, nơi khoai đã mọc lên. Ông ta biến mất ngay khi nhận đồng năm peso.
Ông cai đưa chiếc bình ra "Mời ông?" Nhà báo lắc đầu. "Ông biết ông ta chứ ạ?" ông cai hỏi.
"Vâng" nhà báo nói. "Tôi biết ông ta".
Ông cai mở nắp bình, rắc tro vào trong gió. Lặng lẽ, họ nhìn gió trải tro bay ngang cánh đồng.
"Nhảm hết" nhà báo chợt nói "Nhảm hết".
"Vì sao, thưa ông?"
"Đây là một người hùng" nhà báo nói. "Trái đất rung chuyển khi ông ta bước. Đàn ông yêu ông ta và sợ ông, đàn bà run rẩy trước sức mạnh nơi bắp vế ông ta, người ta tìm kiếm sự chiếu cố của ông ta. Mà giờ không một ai ở đây để tưởng nhớ ông". Nhà báo quay đi. "Ông nói đúng. Người chết là cô đơn".
Ông cai lại nắm tay áo ông. Nhà báo quay lại, đối diện ông ta, cảm thấy mệt mỏi và rã rời. Ông mong giá mình đã không thấy mấy dòng thông cáo, đã không đi dưới mặt trời kinh khủng để đến nơi nẻo hãi hùng này, đến cái thế giới không ký ức này.
"Thưa ông, không" ông cai nói nhỏ. "Tôi nhầm. Ông ta không cô đơn. Ông ta đã ở đây mà".
Mời các bạn đón đọc Những Kẻ Phiêu Lưu của tác giả Harold Robbins.