Ngô Văn Phú sinh ngày 8 tháng 4 năm 1937, quê quán xã Nam Viêm, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (ngành ngữ văn), là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1970). Nhà thơ Ngô Văn Phú vào đời văn khá sớm, ngay từ khi còn là học sinh Trường trung học Hùng Vương, ông đã có thơ in báo. Ông có sở trường về đề tài nông thôn và lịch sử. Ngoài sáng tác ông còn dịch sách. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông về làm biên tập viên báo Văn học, (1961-1963); báo Văn nghệ (1963-1966); biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Năm 1972 ông giải ngũ; Từ 1972 đến 1976 phụ trách tổ thơ và tổ văn xuôi, tuần báo Văn nghệ. Từ 1976 đến 1989 là Trưởng ban thơ, Phó giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Hiện là Tổng biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Nhà thơ đã nhận Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ năm 1961, Giải thưởng văn xuôi báo Văn học, Giải thưởng ca dao của báo Văn học 1962, Giải thưởng văn học 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1980-1985), Giải thưởng 5 năm Văn học Hùng Vương của Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (1975-1980).
• Tác phẩm đã xuất bản:
- Về thơ: Tháng năm mùa gặt (1978); Ngọn giáp búp đa (1978); Đi ngang đồi cọ (1986); Cỏ bùa mê (1988); Đừng khóc (1991); Âm thầm (1992); Mặt trái xoan (1986); Mắt mùa thu (1994);.Hoa trắng tình yêu (1995).
- Về văn xuôi: Ngõ trúc (1986); Bụi và lốc (1988); Ngôi vua và những chuyện tình (1990); Người đẹp ngậm oan (1990); Nợ đời phải trả (1990); Gươm thần Vạn kiếp (1991); Trần Hoàng làng (1993); Quán trọ giữa đời (1992); Dạo chơi núi Dục Thúy (1993); Ngang trái Phủ Tây Hồ (1993); Giấc mơ hoàng hậu (1994); Đêm rừng (1994); Quá trời (1994); Tuyên Phi họ Đặng (1996); Sao không là tình yêu? (1996).
***
Nguyễn Trãi lại được triệu về kinh đô. Vua Lê vừa mất. Ngài mất đúng năm tuổi bốn chín, còn minh mẫn lắm. Nghe nói, sau khi triệu Lê Sát, Lê Ngân vào, ở bên giường, Lê Thái Tổ dặn dò:
- Ta cùng các ông dấy nghĩa ở Lam Sơn. Ta thương mình thương người mà được làm vua, các ông theo ta mà được làm tướng. Lộc trời cho mà không biết…
Vua mệt, nghỉ một lúc, nói tiếp:
- Nay đất nước đã sạch bóng thù, muôn dân vất vả chưa được hưởng cảnh thái bình là bao nhiêu. Các ông nên giúp rập Vua trẻ mà làm rạng rỡ huân nghiệp của mình…
Lê Sát, Lê Ngân dập đầu, lạy tạ lui ra… Vua mệt thiêm thiếp ngủ. Thái giám Đinh Thắng hầu hạ bên cạnh. Ánh đèn chập chờn để Vua ngủ, càng làm cho những người gần vua, phút chót, đều lo sợ… Vua khó qua khỏi được.
Đức Vua trở mình. Đinh Thắng vội đến bên giường, vua hỏi:
- Nguyễn Trãi đã đến chưa?
- Dạ, hình như sắp đến!
- Sao lại hình như?
- Tâu, quân kỵ đi từ sớm tinh mơ, chắc đến Côn Sơn đã lâu, cũng sắp về rồi…
- Lê Sát, Lê Ngân có còn ngồi chờ ngoài ấy không?
- Dạ quan đại tư đồ, tư khấu đều về cả rồi…
Chợt có người hầu ở phòng ngoài vào báo:
- Hàn lâm viện thừa chỉ đã đến!
Đinh Thắng thưa:
- Tâu Hoàng thượng, Nguyễn Trãi đã về.
- Vời vào ngay!
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Nguyễn Trãi vừa từ Côn Sơn đến, đường xa rong ruổi, ông rất mệt. Song biết vua cho gọi trong lúc bệnh nặng, không phải chuyện thường, nên vừa đến hoàng thành, chưa kịp tắm gội, liền sửa khăn mũ, vào hầu ngay.
Vua quay mặt ra, hơi thở khó khăn, mắt lờ đờ, ngước nhìn lên, thân mật hỏi:
- Ông Trãi đấy à, ta chờ ông mãi!
- Tâu Hoàng thượng, thần được triệu, sửng sốt lên đường ngay, không được biết thánh thể bất an nhường này, thật là đắc tội.
Vua lấy sức, khẽ nói:
- Ngồi lại gần đây với ta, ông Trãi.
Nguyễn Trãi ngồi xích lại. Vua giơ tay ra, cầm lấy tay Nguyễn:
- Ông Trãi, ông có nhớ hồi ông về Lam Sơn, ta hồi hộp chờ ông thế nào không?
- Dạ, thần nhớ!
- Hôm nay, ta chờ ông cũng như thế!
Trãi cảm động lắm, giọng líu ríu:
- Thần không bao giờ quên đặc ân mà Hoàng thượng ban cho thần.
- Ông Trãi, ta được ông ở Lam Sơn như được người bạn lớn… Ta có những lúc sai sót, nghe quyền thần, xa người ngay thẳng thực bụng. Thông hiểu trời đất, lòng người, không ai bằng ông. Ta mong ông giúp rập con ta, nối chí lớn của ta ngày trước.
Vua mệt, trở mình, nằm nghỉ, Đinh Thắng, đưa nhân sâm vua dùng, vua gạt tay ra, rồi thiêm thiếp trong phút phiêu du nhất của đời người. Người lẩm bẩm:
- Con ta… làm vua… còn nhỏ quá!
Vua thiếp dần đi. Nguyễn Trãi ràn rụa nước mắt, lui ra…
*
Tin Nguyễn Trãi được vua vời đến bên màn trướng, trút những lời tâm huyết cuối cùng, khiến quan đại thần Lê Sát bực bội lắm, ông ngồi đứng vào ra, không yên. Đêm ấy, cho người hầu lui, uống rượu một mình, lại cho gọi con gái nuôi đến bảo:
- Con vào Hoàng cung, ngay bây giờ, được không?
- Chẳng hay có việc gì gấp vậy, thưa cha?
- Con hãy gặp Hoàng hậu và hỏi cho ta, khi Nguyễn Trãi gào gặp Hoàng thượng, ngài dặn dò ông ta những điều gì.
- Con biết hỏi ai được!
- Hỏi chị con, xem ai có mặt với Nguyễn Trãi trong lúc vua sắp mất ấy!
- Dạ, con xin đi ngay…
Đêm ấy, Lê sát hầu như mất ngủ. Ông cáu gắt, thất thường. Bọn hầu cận đưa mắt nhìn nhau, len lét sợ hãi, mờ sáng Lê Ngân đến, Lê Sát mời ngay vào phủ đệ, đến tận chỗ xét việc cơ mật, pha trà Long tỉnh, nói:
- Ông có biết chuyện hệ trọng tối qua không?
- Tôi chưa được biết!
- Hoàng thượng đã cho vời Nguyễn Trãi về, dặn dò gì không biết. Làm quan tể tướng, lúc vua chết, không được nghe lời dặn dò, ủy thác, tôi và ông phải cẩn thận đấy!
Lê Ngân ngồi thừ ra không nói!
Lê Sát, bỏ chén trà, đứng dậy, đi đi lại lại, thổ lộ:
- Vua là người từ đất hoang dã, làm nên nghiệp lớn, về kinh thành, rất sợ sự tráo trở. Do đó bọn võ biền chúng ta mới được dùng. Trần Nguyên Hãn bị sơ rồi bức tử mà chết. Phạm Văn Xảo, chỉ là người kinh kỳ cũng bị loại trừ… Đức vua là người lõi đời, biết được việc xa, việc gần. Nguyễn Trãi là một danh sĩ của Bắc Hà, mọi người đều kính nể. Bọn nho sĩ, văn thần ở kinh đô rất nể phục, vây cánh triền miên, không sao lục tìm diệt hết được. Lúc Trần Nguyên Hãn bị hạch tội, Nguyễn Trãi từng bị hạ ngục, ta muốn giết, nhưng Hoàng thượng sợ chấn động lòng người mà không giết, tha cho về, hưởng những ngày tàn ở Côn Sơn… Bây giờ, hắn lại mò về đây. Kinh đô là đất dụng võ của hắn. Vua mới nay mai còn nhỏ quá, lòng người lại càng phân tán thêm, ta và ông không biết có giữ được ngôi tể tướng nữa không.
Mời các bạn đón đọc Ngang Trái Phủ Tây Hồ của tác giả Ngô Văn Phú.