Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Giai Thoại Văn Học Trung Quốc

Việc ghi lại những điển tích, giai thoại (văn chương, lịch sử, chính trị , v.v…) đã có nhiều người tiến hành. Ở Trung Quốc, những bộ sách hàng trăm quyển như Bội văn vận phủ, Uyên giám loại hàm rất đồ sộ và công phu, ít người đọc hết. Các sách khác như Cố sự quỳnh lâm, Quảng sự loại, Thế thuyết, Thuyết uyển, rồi Lịch đại tiếu thoại, Tiểu đắc hảo,v.v… cũng rất dồi dào. Những nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, đều có những tập sách riêng, tập hợp các « thi thoại »… Nhiều quyển rất được các nhà Nho Việt Nam trân trọng như bộ Tùy viên thi thoại. Tóm lại, ở lĩnh vực này, chỉ tìm đọc để biết qua, hoặc để tích lấy kiến thức không thôi, cũng đã là một việc chưa mấy ai dám tự nhận là có khả năng làm cho đầy đủ.

Giới thiệu với bạn đọc Việt Nam một phần nào trong kho tàng rộng lớn ấy, lâu nay chúng ta cũng đã có một số công trình. Các nhà học giả xưa hay soạn những bộ loại ngữ, kiến văn lục , v.v… chính là đã làm công việc này, song họ đều viết bằng chữ Hán cả. Các sách quốc ngữ cũng đã ra đời. Loại sách như Cổ học tinh hoa, thường thiên về các mặt đạo đức tư tưởng. Những cuốn như Tầm Nguyên từ điển, Điển cố văn học, v.v… đều có tính cách tra cứu theo lối biên soạn từ điển. Các sách phiên âm chú giải văn học cổ Việt Nam, cũng phải làm công việc này để giúp cho bạn đọc dễ tiếp thu và thưởng thức. Gần đây nhất, lẻ tẻ đã có những sách thi ngoại, hay sách chuyện làng văn ra đời, song đều không chuyên nhất. Một cuốn sách tập hợp chung các mẫu giai thoại, giai phẩm ở Trung Quốc có lẽ cũng đang là một sự chờ đợi của nhiều người. Văn hóa hai nước Việt Trung có những quan hệ mật thiết với nhau, đó là điều không cần phải nhắc lại.

Biên soạn sách này, chúng tôi muốn góp đôi phần khiêm tốn để ứng đáp sự đợi chờ ấy. Nói khiêm tốn, là nói sự thực. Trên kia chúng tôi đã nêu rõ kho tàng sách Trung Quốc đồ sộ mênh mông, không dễ gì thu thập và gạn lọc. Trong khối lượng tư liệu ấy, càng không dễ dàng vạch ra một hệ thống sắp xếp phân loại nào cho phù hợp với yêu cầu phổ cập và tiện dụng (nếu đi riêng từng chuyên đề thì có thuận lợi hơn). Lại cũng dễ phạm vào điều trùng lặp, nói lại những sự tích, điển tích nhiều người đều biết, hoặc đã in đi in lại nhiều lần. Cuối cùng, cuộc sống hiện nay đang có nhiều đổi mới, trở lại với chuyện cũ nước người, liệu có lợi ích gì không ? v.v… Chính vì vậy, mà cuốn sách nhỏ này tự khuôn trong một phạm vi hạn chế :

- Chỉ kể một số chuyện, một số sự kiện xét ra có thể giúp ích cho chúng ta những thu hoạch nào đó về giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mỹ. Những mẩu chuyện của các anh hùng, liệt nữ, các nhà văn nhà thơ, các học giả , v.v… thường hấp dẫn chúng ta về tài năng xuất sắc, đạo đức thanh cao, phong cách tài hoa và lao động nghiêm túc của họ. Những vẻ đẹp này, thời nào cũng đều có khả năng gợi ý sâu xa. Rồi những nụ cười ý vị, những khuynh hướng đấu tranh chống cường quyền, chống thói hư tật xấu, cũng vẫn là những kiến văn mà bất cứ ai, ở môi trường thời gian, không gian nào, cũng có thể gặp được những điều mách bảo ích lợi hoặc những kinh nghiệm thiết thực.

- Trong kho tàng văn học Trung Quốc, có khá nhiều tác phẩm, nhất là loại tạp kịch, ký, truyện, thoại bản , v.v… Nhiều sự kiện hay tình tiết đây đó rất quen thuộc với chúng ta, song cốt truyện thì ít ai có điều kiện đọc và theo dõi sự phát triển chủ đề. Chúng tôi cho rằng nên thuật lại những tác phẩm ấy để giúp ích cho việc hiểu biết lẫn nhau. Phần lớn loại giai phẩm có liên hệ với văn học nước ta, sẽ được chú ý hơn mà không ngại rơi vào phong cách nghiên cứu. So sánh, đối chiếu, tìm nguồn gốc sự xuất xứ hay ảnh hưởng cũng là một cách gây niềm vui, đi sâu vào cái hay cái đẹp. Tiện dịp, cũng xin thể hiện thêm một dụng ý góp phần chỉnh lý những điều ngộ nhận. Có nhiều giai thoại rất phổ biến, lâu nay được ghép cho các nhân vật Việt Nam, thực ra cần tham khảo những xuất xứ khác để thẩm tra lại.

Về cách thể hiện, chúng tôi không tiếp cận tác phẩm hay các mẩu chuyện theo phương pháp chú giải điển tích, mà chủ yếu theo cách tiếp cận giai thoại. Những gì có khả năng trùng lặp với những tri thức quá quen thuộc thì cố gắng dựng lại, tạo cảnh cho được sinh động hơn. Những bản dịch thơ, nếu không chừa tên người dịch, đều là của người soạn, và cũng chỉ là thoát dịch, nhằm giữ lấy bản ý, mà cốt cho vui, cho linh hoạt hơn là đúng theo nghiêm cách của văn dịch.

Sách này hoàn toàn không phải là một sáng kiến. Song mục đích và phương pháp vẫn mong có phần nào xuất nhập với những công trình đồng dạng trước đây. Hy vọng được sự phê bình và góp ý của bạn đọc.

VŨ NGỌC KHÁNH

***

1) CÂU THƠ GẶP RỦI

Đời Chính Đức nhà Minh (đầu thế kỷ XVI), nhà vua đi tuần du ở phương Nam, quan Hàn lâm là Tạ Chính ra tận sông Tây Giang nghênh giá. Đoàn thuyền tấp nập, lũ lượt trôi xuôi, thuyền nào cũng trang hoàng lộng lẫy. Tạ Chính không sao nhận ra được thuyền nào là thuyền vua ngự, cứ quỳ bên sông mà tung hô vạn tuế. Một chiếc thuyền lướt qua, có bà phi hay cung nữ nào đó, vén rèm hắt chén nước thừa, để lộ nửa thân hình mỹ nhân vô cùng kiều diễm. Cô nàng nhìn thấy vị quan chỉnh tề áo mão, quỳ lạy thì thụp giữa bến sông chẳng biết lạy ai, thì bất giác phá lên cười. Càng cười, mỹ nhân càng xinh tươi rực rỡ hơn. Tạ Chính tuy không được thấy vua, song lại được người đẹp cười với mình, thì cảm thấy như tiếp nhận một phần thưởng tuyệt vời, người đời không ai có.

Trở về nhà riêng, ông luôn luôn trầm trồ ca ngợi người đẹp, làm ngay một bài thơ, có câu :

« Thiên thượng quả nhiên hoa tuyệt đại

Nhân gian cánh hữu tiếu nhân duyên » .

Nghĩa là :

Mới biết trên trời hoa đẹp thực

Người trần may thấy nụ cười duyên.

Nhà thơ khoe tác phẩm của mình với bạn bè, kể câu chuyện bất ngờ được mỹ nhân ban cười, một cách đắc ý. Không ngờ chuyện đồn đại vào đến cung cấm. Vua đọc bài thơ, cho rằng viên quan Hàn lâm này đã phạm thượng. Quan ở ngoài mà dám nhìn mặt các vợ vua, cười với phi tần, lại nói đến chuyện duyên tình hả hê như thế, thật là ngông cuồng hỗn láo ! Chỉ dụ của vua đưa xuống, lập tức cách tuột cái Hàn lâm của Tạ Chính, đuổi cổ về vườn !

Mời các bạn đón đọc Giai Thoại Văn Học Trung Quốc của tác giả Vũ Ngọc Khánh.