Tập truyện Sáu giang hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác gồm 22 truyện ngắn đặc sắc của Mường Mán. Tập truyện viết về những thân phận, cuộc đời của những con người phiêu dạt, nay đây mai đó ở Huế, Cần Thơ và Sài Gòn trước và sau năm 1975.
Mỗi truyện ngắn viết về một nhân vật khác nhau với những cảnh đời cơ cực, đấu tranh với sự sống, miếng cơm manh áo hàng ngày, bầm dập vì cuộc đời ngang trái… nhưng vẫn mang bên mình những trái tim mang tình yêu, khát vọng cuộc sống phiêu dạt khắp nơi…
***
Tập truyện gồm 22 truyện ngắn có chung chủ đề phiêu dạt được nhà văn Mường Mán viết trước và sau năm 1975 ở Huế, Cần Thơ, Sài Gòn… Những trang văn theo bước đời của một nhà văn đi nhiều, sống ở nhiều miền khác nhau, vốn sống được chuyển tải vào văn chương có độ dày thời gian từ chiến tranh đến hòa bình và sự trải nghiệm về đời, về người được chắt lọc qua ngòi bút lúc điềm tĩnh đến lạnh lùng, khi đằm thắm yêu thương đến xót xa…
Những mảnh đời long đong, bầm dập của Sáu Giang Hồ, của Hãn và Ngà, của Chanti… nóng hổi máu thịt đời thường muôn mặt quanh đây, mang lại lắm cảm xúc cả đắng lẫn ngọt rất thực, ngân lâu trong lòng người đọc. Hạnh phúc và đớn đau của kiếp người được soi rọi không chỉ qua góc độ trần trụi mà còn qua lăng kính thăng hoa kỳ thú.
Mỗi truyện đều được tác giả đề từ bằng những câu thơ trữ tình như: Đôi khi nó bỗng là ta/Yêu tinh hóa Bụt và hoa hóa Người (truyện Thầy và trò và…); Yêu người mặn cả chiêm bao/Lìa nhau nắng ngọt mưa ngào bỗng chua (truyện Chớp mắt trăm năm); Mù sương hai phía chiêm bao/Phía hư phía ảo phía nào vui hơn (truyện Mùa sương trên vai)…
“Đi lung tung lang tang, sống rày đây mai đó đã đành, có khi ở yên một nơi, thậm chí neo mình trong bốn bức tường kín vẫn thấy đời phiêu dạt. Lạ lắm thay!”. Bạn đã từng có cảm giác lạ lùng như thế chưa? Hãy đọc Sáu Giang Hồ và những mảnh đời phiêu dạt khác bạn sẽ thấy…
***
Thu trong thu xanh
Ngày chị đi thu chợt trắng.
CHỊ TỊNH HOA ỐM NGHÉN, CHỊ ĐỜ ĐẪN như con cá ươn. Hết nằm lại ngồi, hết ngồi, chị đi lui tới. Suốt ngày chị ăn ít nhất vài quả ổi, hai ba trái chanh, chưa kể những trái mận còn xanh đắng nghét chát ngầm treo lủng lẳng trên cây. Chị ăn nhiều trái cây quá mẹ đâm ngại, mẹ cấm. Mẹ nói ăn vừa thôi, ăn nhiều độc lắm. Mẹ cấm chị ăn ổi, chỉ cho ăn cam hoặc quýt. Cây mận ngoài vườn vì thế đã bí mật mất đi một số trái xanh, mẹ sinh nghi bèn kiếm dây kẽm gai rào gốc mận lại, cất hết sào tre que gỗ sợ chị Tịnh Hoa lén hái, lén chọc. Chị thèm những thứ của chua của chát đó. Chị nói chị thèm ổi như ăn mày thèm chả, như người tù thèm ngoạm một miếng trời tự do, như người mù thèm ánh sáng…
Hồi mới lấy nhau, anh Thuyên còn làm việc trong Cần Thơ nên sau lễ cưới chị Tịnh Hoa gạt đôi dòng lệ mừng ca thầm bài “xuất giá tòng phu” lên máy bay DC6 theo anh vào trong đó. Chị Tịnh Hoa bước một bước lớn xa khuất mẹ và em tới hơn ngàn dặm, mẹ buồn rầu mất nửa tháng. 28 năm chị làm con gái kể cũng quá lâu; lâu quá có lúc mẹ đâm sốt ruột. Bây giờ chị quay lưng lại 28 năm trống trải hoang vu ấy để sầu cho người ở lại. Mẹ chẳng an tâm với chuyến đi xa của chị chút nào.
Vào Cần Thơ được mấy tháng, anh Thuyên xin đổi ra làm việc ngoài này. Anh làm nghề cầm phấn viết lên bảng đen, nói rõ ra, anh Thuyên dạy học, bi quan một tí thì bảo anh ấy làm nghề bán cháo phổi.
Về Huế, chị Tịnh Hoa nhất định đòi về ở nhà mẹ, bên nhà anh Thuyên không cho. Anh Thuyên đứng giữa làm một “dung dịch bão hòa” giữa gia đình và vợ. Hai nhà ở cách nhau một chuyến xe đò: Vỹ Dạ – Kim Long. Mỗi tuần chị Tịnh Hoa lên thăm chúng tôi đôi ba bận, lần nào cũng nằn nì xin mẹ nói với bên chồng cho chị được về ở đây, trong nhà này. Vì muốn tránh tiếng nên mẹ không chịu, mẹ nói:
– Có chồng thì phải ở nhà chồng, bộ người ta cưới dâu về để mi ở nễ[1] rứa à? Con đầu dâu cả phải chu tất mọi việc, từ cái kỵ nhỏ chút chun tới các việc đại sự.
Nói quá, nói hoài chị Tịnh Hoa không nghe, có lúc mẹ giận mẹ giả bộ đuổi: Mi không được thấp thoáng vãng lai về đây nữa.
Bên nhà anh Thuyên ai cũng tử tế vui vẻ cả nhưng chị Tịnh Hoa một mực ưng ở trong căn nhà thân yêu mình đã sống từ thuở oa oa, đái dầm tới lúc biết kẹp tóc làm dáng hơn. Nói cách khác, chị ưng ở giữa khoảng không gian êm đềm của những ngày còn con gái với một lô kỷ niệm màu lục màu hồng. Van vỉ mãi mẹ không cho về, kịp đến bữa nay chị ấy ốm nghén, mẹ cầm lòng không đậu. Sớm mai, khi sương mù còn ngái ngủ biếng bay trên hàng cây chim chim trước nhà, mẹ đã mau mắn cắp nón ra đón xe đò về Vỹ Dạ nói với ông cụ bà cụ anh Thuyên cho chị được về nhà ít tháng đợi kỳ sinh nở. Mẹ lấy cớ, cái cớ xưa như cổ tích, cái cớ gần in một tiền lệ lưu truyền qua ngàn đời đâu từ ông tằng ông tổ. Cái cớ ấy nằm gọn trong câu tục ngữ ngắn hơn đuôi thằn lằn: con so về nhà ma. Về nhà mạ? Phải rồi, con so phải về nhà mạ, vì con so tợ tác phẩm đầu tay, phải chăm nom săn sóc kỹ lưỡng mới được. Xét rằng trong cõi người ta, có ai biết tính ý rõ ràng chi ly con gái mình cho bằng mẹ đẻ không? Giữa bà nhạc và nàng dâu dẫu có thương nhau tận tình cũng chẳng bì mẹ ruột; dẫu có chiều chuộng vì nể nhau, hai người vẫn đứng trên hai phòng tuyến riêng rẽ, chia cách một lằn ranh giới mơ hồ mà khó xóa. Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng, câu phát biểu chí lý của tác giả vô danh nào đó thăm thẳm tận chiều sâu lịch sử mấy ngàn năm bây giờ vọng tới. Bây giờ hiện hình trên môi mẹ thành một lời vàng; lời vàng ấy mẹ đã hài hòa vui vẻ nói với ông bà cụ anh Thuyên. Hai cụ ưng chịu để chị Tịnh Hoa về ở với chúng tôi.
Chị Tịnh Hoa về nhà mẹ thôi thì tha hồ, thích chi cứ nói thẳng tuột ra cái đó. Nội việc chị khoái ăn ổi, nếu còn ở nhà anh Thuyên chỉ nghe bà nhạc la rầy ngăn cản một tiếng nửa lời tức tốc hết ham; ở đây thì chị còn làm nũng được, giả lẫy giả hờn để mẹ cầm lòng không đậu chiều ý chị, nhưng cũng phần nào thôi, do đó mẹ chưa đủ, chị phải cần đến tôi, phải thỉnh thoảng xuống nước năn nỉ đại để: “Cẩm Các chờ khi mô mạ đi chùa, chịu khó ra vườn leo lên cây hái giùm chị vài chục trái ổi, giấu đừng cho mạ biết, thấy ổi treo lủng lẳng từng chùm mà không ăn được chị tức lắm lắm”…
Mời các bạn đón đọc Sáu Giang Hồ Và Những Mảnh Đời Phiêu Dạt Khác của tác giả Mường Mán.