Nhà văn Nguyễn Đông Thức không có ý định gọi đứa con tinh thần này là Hồi ký, vì theo ông, “đây chỉ là những trang ghi chép về mảng đời đã qua của mình, có số phần riêng nằm trong cả một thời chung của bao bạn bè đồng trang lứa”.
Nơi đó có tiếng bút bi chạy loạt soạt trên trang giấy của người mẹ vào buổi sớm tinh sương hay giữa đêm tĩnh mịch; có tiếng gõ máy đánh chữ của người cha khi viết báo, viết văn, dịch sách; có giọng ngâm thơ chúc Tết đầm ấm trong gia đình mà chất văn chương tựa hồ tuôn chảy như mạch nước ngầm.
“Gia đình thầy mẹ tôi là một gia đình nhà báo – nhà văn – nhà thơ chuyên nghiệp. Cho nên…
Ngoài oxy, không khí trong nhà tôi còn có chất gì?
Tôi nghĩ chắc là chất văn chương.”
Bằng văn phong gần gũi tự nhiên, cả một thời tuổi trẻ đã qua dàn trải dung dị từ quãng thời gian “nhất quỷ nhì ma” thuở còn ngồi trên ghế trường Trung học Võ Trường Toản, những rung động đầu đời của “hai… mối tình đầu”; đến giai đoạn cuộc đời riêng hòa cùng hơi thở chung của thời cuộc khi nước nhà thống nhất.
“24 tuổi, tôi dừng việc học, đi Thanh niên xung phong, đi bộ đội, về làm báo, viết văn… Số phận run rủi trải qua nhiều hoạt động. Loáng cái đã hơn 40 năm, gần hết đời người.
Cả một thời vun vút đi qua, có sôi nổi hào hứng mà cũng có ngỡ ngàng thất vọng… Giờ ngồi nhìn lại thấy có làm được nhiều điều không phải hổ thẹn, nhưng cũng không ít điều cứ tiếc nuối, giá như…”
Có lẽ, khi đã đủ đầy trải nghiệm trong cuộc sống, thì từng chặng đường đời, nhất là những tháng năm tuổi thơ và tuổi trẻ, lại theo dòng hồi tưởng trở về sống động, để nhớ, để yêu…
***
Đến một độ tuổi nào đó, những người cầm bút lại thích viết hồi ký, viết lại năm tháng của mình đã trải qua. Nhà văn Nguyễn Đông Thức với "Đi qua nước mắt nụ cười" (NXB Hội Nhà văn) cũng bằng tâm thế này. Tuy nhiên, anh gọi hồi ức, thật ra ranh giới giữa hồi ức, hồi ký, kể cả tự truyện, cũng mong manh, chỉ tùy theo cách gọi. Với Sơn Nam, là một cách viết kéo dài những suy nghĩ của ông về Nam Bộ, trong đó dấu vết cá nhân, quá trình sáng tác hầu như không có nhiều chi tiết. Ngược lại, Nguyễn Hiến Lê chọn cách viết lồng cái tôi vào trong thời cuộc, qua đó, dù nói về cá nhân cũng là lúc ông trình bày quan điểm, suy nghĩ về các sự kiện quan trọng của lịch sử.
Xét ra, Nguyễn Đông Thức đã chọn cách viết như Nguyễn Hiến Lê. Anh bộc bạch: "Cả một thời vun vút đi qua, có sôi nổi hào hứng mà cũng có ngỡ ngàng thất vọng… Giờ ngồi nhìn lại thấy cũng làm được nhiều điều không phải hổ thẹn nhưng cũng không ít điều cứ tiếc nuối, giá như…".
Đọc "Đi qua nước mắt nụ cười", thỉnh thoảng người đọc phải tủm tỉm cười, gật gù thú vị. Bởi có những chuyện đã qua, anh đã chọn cách viết pha lẫn chút dí dỏm, hài hước như bản tính vốn có. Phải thừa nhận rằng anh có trí nhớ tốt hoặc ít ra anh phải tra cứu kỹ càng đến từng chi tiết, nhất là những gì liên quan đến thời cuộc. Chính nhờ vậy, qua chuyện kể của một người, bạn đọc có thể hình dung ra năm tháng mà họ từng trải qua; nếu chưa, cũng là một cách hiểu về thế hệ đi trước.
Có lẽ một trong những trang viết hay nhất mà Nguyễn Đông Thức thổ lộ: "không có ý định gọi đây là một hồi ký, nghe lớn lao quá", tôi vẫn thích các chương viết về nếp nhà. Thì ra sự hình thành nhân cách, đam mê ở một đứa trẻ trước hết phải từ ngôi nhà của chính mình. Các nhà sư phạm, đạo đức đã từng nói đến vấn đề này, tôi không dám bàn sâu. Chỉ dám nói rằng nếu không là "quý tử" của nhà văn Hồng Tiêu - Bà Tùng Long, liệu hôm nay bạn đọc có được một Nguyễn Đông Thức?
Anh bảo: "Ngoài ôxy, trong nhà tôi có chất gì? Tôi nghĩ chắc là chất văn chương". Cái chất văn chương ấy rất độc đáo, chẳng hạn "chất văn chương có trong những sáng mùng Một Tết, khi thầy tôi gọi từng đứa con lên chúc Tết thầy mẹ bằng… thơ (con gái có thể được tha, nhưng con trai thì bắt buộc!). Tôi không bao giờ quên cảnh những tối Ba mươi cả đám anh chị em ngồi bóp trán nghĩ những câu thơ thể hiện tình yêu của mình dành cho cha mẹ. Ai làm thơ hay sẽ được "giám khảo" thầy lì xì nhiều. Đó chính là những bài thơ đầu tiên vụng dại của anh em tôi, và trong bốn anh em trai thì thơ tôi luôn bị phê là dở nhứt và nịnh thô thiển nhứt".
Lại nữa, còn có một trong những chi tiết khó quên khi nhà thơ, nhà báo Hồng Tiêu dạy con cũng… khác người. Đó là ông quan niệm con cái không cần học giỏi, miễn không ở lại lớp là được. Mà cái cần nhất là phải đọc nhiều, biết nhiều, suy nghĩ nhiều, giao tiếp nhiều và nhất là biết… chơi. Hiện nay, thiên hạ đã và đang than phiền là đứa trẻ quá thiếu hụt kỹ năng sống, có lẽ cũng do phải chúi mũi học ngày học đêm chăng? Nghĩ như thế, tôi nhận ra quan niệm dạy con của thân phụ nhà văn Nguyễn Đông Thức không xa lạ với các bậc phụ huynh thời xa xưa ấy. Có điều là "người trong cuộc" nên anh đã đưa được nhiều chi tiết thú vị. Rằng, lúc hai cha con chơi cờ, người cha bảo: "Bàn cờ cũng như cuộc đời, đã hạ quân xuống thì không thể lấy lên làm lại, nên trước khi làm gì con cũng phải suy nghĩ kỹ…". Ai dám bảo đó không phải là một bài học?
Trải dài theo năm tháng, nhà văn Nguyễn Đông Thức kể lại thời khắc đáng nhớ thay đổi cuộc đời anh, từ lúc gia nhập TNXP, đi bộ đội rồi trở thành nhà báo chuyên nghiệp. Sự thay đổi của một con người, dù nổi tiếng, dù "người của công chúng" đi nữa nhưng rồi liệu công chúng có quan tâm? Với "Đi qua nước mắt nụ cười", tôi tin là có, bởi tác giả đã đứng ở góc độ chung với số phận của hàng triệu con người cùng thế hệ ở miền Nam: Sự thay đổi có tầm vóc lớn lao của lịch sử thời điểm 1975.
Sau đó, anh đã tồn tại thế nào để trở thành nhà văn được bạn đọc yêu mến như hiện nay?
Trả lời câu hỏi này, không chỉ ở "Đi qua nước mắt nụ cười", vì chỉ mới phần 1, sau đó, còn là các tập nối tiếp như "Nghề chọn người", "Người chọn nghề", "Moto học bổng" và "Những người bạn" cũng sẽ lần lượt ra mắt nay mai. Khi tôi hỏi: "Xong bộ hồi ức này, anh "gác bút" nghỉ ngơi chăng?", không nói không rằng, anh mở tủ đưa ra xấp bản thảo vừa viết xong có cái tựa cực "hot": "Trận chiến tình". Ngạc nhiên bèn hỏi: "Viết gì hả anh?". Như bản tính vốn có, anh cười khà khà: "Xem hồi sau sẽ rõ". Thế đấy!
Lê Minh Quốc
Mời các bạn đón đọc Đi Qua Nước Mắt Nụ Cười - Tập 1: Hồi Ức của tác giả Nguyễn Đông Thức.