"Phàm là người từng trải, nào có ai tránh được đôi chút nuối tiếc, có ai không ôm nuối tiếc mà tiếp tục sống (…) Những điều nuối tiếc này, giống như từng bậc thang, người sáng suốt sẽ giẫm lên đó, tìm con đường tốt đẹp hơn phía trước. Còn như đôi mắt thiển cận, chỉ chăm chăm phóng đại nuối tiếc cỏn con này, thì đừng mong có thể nhấc chân bước qua được nó."
Đây là câu chuyện về một cô gái sau khi gặp ác mộng tỉnh dậy thấy mình bị treo cổ ở nơi hoang vu, cùng một chàng trai gánh trên lưng 18 sinh mạng, về hai kẻ vốn phải là hai đường thẳng song song, lại vì cõi u minh an bài mà gặp gỡ. Đây cũng là câu chuyện xoay quanh sa mạc mênh mông cát vàng, quanh Ngọc Môn quan cô quạnh trong truyền thuyết, là câu chuyện nồng ấm tiếng cười, cũng thấm đẫm nước mắt, mỗi sinh vật ở đó đều phải vật lộn với số mệnh của riêng mình. Một nam, một nữ, cùng một tòa thành, tưởng chừng hoàn toàn xa lạ, lại tựa như có ngàn vạn ràng buộc vào nhau.
***
Lần này A Tử quay về với các với một bộ truyện vô cùng đặc sắc mang màu sắc huyền bí. Nếu như bạn là một mọt truyện, đặc biệt là một fan của thể loại huyền bí linh dị thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua Vĩ Ngư và các tác phẩm của cô. Và đặc biệt là Tây Xuất Ngọc Môn này đây.
Câu chuyện lần này Vĩ Ngư mang đến cho chúng là một câu chuyện về một chàng trai gánh trên vai 18 mạng người và một cô gái bị mất đi kí ức và tỉnh dậy lúc đang bị treo cổ trên một thân cây. Câu chuyện bắt đầu từ một rạp hát múa rối bóng trong một con hẻm nhỏ ở Tây An tấp nập khách tứ phương.
Đó là một chàng trai trẻ trung phải ẩn mình sau lốt già nua yếu ớt của ông cậu mình, tiếp nối nghề múa rối bóng truyền thống của gia đình và tiếp tục chuỗi ngày sống chán ngán buồn thương và cô độc. Có lẽ mọi người đều thắc mắc, tại sao một người con trai đang ở độ tuổi nhiệt huyết nhất của trẻ, đáng lẽ phải sống rực rỡ chói chong đầy năng lượng như ánh mặt trời lại giả trang thành ông cậu gần đất xa trời của mình rồi chui vào góc tối tăm sau sân khấu để làm người điều khiển rối bóng. Đã từng, Xương Đông đã từng chói chang rực rỡ và nóng bỏng như ánh mặt trời trên các vùng đất sa mạc đầy nắng gió và cát vàng mênh mông. Trước kia người ta gọi anh là “Nanh Sa”, chiếc răng nanh cắm xuyên qua sa mạc, nhưng thú thật mình thích gọi anh ấy là “Vua Sa Mạc” hơn, bởi vì không vùng sa mạc nguy hiểm nào anh ấy không vượt qua, với sự hiểu biết sâu rộng về sa mạc, cường tráng bản lĩnh, cộng thêm máu liều táo bạo của tuổi trẻ anh trở thành một người dẫn đường hàng đầu mà bất cứ một đoàn thám hiểm sa mạc nào cũng mong được anh là người dẫn đường. Nhưng cái danh Nanh Sa hẳn như 1 cái răng nanh xuyên qua tim anh, giết chết 19 mạng người, 17 người là đoàn thám hiểm cuối cùng mà anh nhận dẫn đoàn, 1 người là người vợ sắp cưới mà anh yêu thương nhất, và người còn lại chính là bản thân Xương Đông, sau biến cố này, anh giống như một cái xác không hồn, chỉ vì quyết định hướng đi bị lệch, dẫn đến một kết cục thảm cảnh, cả đoàn không một ai sống sót, người yêu mất, sự nghiệp của tan thành mây khói, bị người đời sỉ vả. Sau khi bán hết gia sản của mình, bồi thường cho gia đình của các nạn nhân, anh đến Tây An nương nhờ người cậu của mình, sau khi ông mất, anh tiếp tục chui vào góc tối dẫn dắt các linh hồn rối bóng như một cách cho bản thân một động lực để sống tiếp, sống không phải vì tương lai tốt đẹp hơn đang chờ anh, mà là sống để chuộc tội, sống để tự trừng phạt chính mình. Cho đến một ngày, một cô gái xinh đẹp bí ẩn mang theo 1 tấm hình chụp lại thi thể của người yêu anh, đến xé tan cái bức màn đêm tối và lô anh đi tìm kiếm sự thật về thảm án 2 năm về trước.
Còn về Diệp Lưu Tây, một cô gái bí ẩn, mất trí nhớ, tỉnh dậy trên một cái cây và đang bị treo cổ, trong túi tùy thân chỉ có một vài tấm ảnh, và 1 chiếc cốc Đầu thú mã não là hàng cổ hàng hiếm. Nếu như gọi Xương Đông là nguyên nhân trực tiếp của chuyến hành trình đi vào Ngọc Môn Quan thì Diệp Lưu Tây chính là nguyên nhân sâu xa của chuyến hành trình này và cả thảm án Sơn Trà Đen nữa. Ấn tượng đầu tiên về Diệp Lưu Tây là một cô gái xinh đẹp, tiếp theo là bản lĩnh không thua kém cánh đàn ông, và tổng xuyên suốt bộ truyện, ấn tượng cuối cùng là một Diệp Lưu Tây lòng dạ bao la nhưng tàn nhẫn đến đau nhói lòng. Thực ra nếu mà để nói về Lưu Tây thì không thể nói gì nhiều được, cũng không biết nói nhiều. Diệp Lưu Tây trước và sau khi mất trí nhớ giống như tách ra thành hai phân thân như trong truyện Bán Yêu Tư Đằng cùng tác giả. Diệp Lưu Tây sau khi mất trí nhớ mềm lòng nhẹ dạ hơn rất nhiều so với trước kia, dù cho bản chất tính cách không thay đổi mấy, chẳng hạn như cách cô xử lý tên dê xồm ở Tây An, hay cách cô tự đối với bản thân để tìm lại trí nhớ, thật sự đến đoạn đó, ruột mình quặn thắt lại, tay lạnh toát không cầm nổi quyển sách mà phải đặt xuống bàn để đọc tiếp. Nhưng cô đối xử với đồng đội mình rất khác xưa, những đồng đội bây giờ, cô dành cho họ tình cảm nhiều hơn rất nhiều so với người lúc trước. Dạy võ một cách cực tấu hài cho bạn Đường Mập, chăm sóc tận tình cho cái đầu bé nhỏ bị thương của bạn Đinh Liễu, quan tâm đến tình cảm yêu đương của bạn Liễu và bạn Cao Thâm, và hơn hết tình yêu bỗng dưng nảy nở với Xương Đông, nói thật mọi đừng cười, A Tử đọc hết hai tập truyện không bỏ sót một chữ nhưng không thể nhớ được hai người này bắt đầu yêu nhau từ lúc nào, tình yêu của hai người rất tự nhiên, không màu mè, cũng không gượng gạo, và cũng không mờ nhạt như trong một số truyện khác của Vĩ Ngư, A Tử đọc Bán Yêu Tư Đằng và Chuông gió của Vĩ Ngư rồi, cảm thấy hai truyện trên khá hay nhưng đào sâu các chi tiết kì bí linh di, xen lẫn âm mưu, ân oán cổ kim, thật sự không hề chú ý đến tình cảm nam nữ của hai nhân vật chính như trong Tây Xuất Ngọc Môn. Trong Tây Xuất Ngọc Môn lần này, Vĩ Ngư đã cho người đọc cực kì thỏa mãn khi nêm nếm các gia vị một cách vừa đủ để làm dậy lên mùi hương của tình yêu nhưng vẫn giữ trọn vẹn được vị ngon của nguyên liệu chính là kì bí linh dị và thêm một chút không khí lữ hành, đó là cách nấu rất riêng của Vĩ Ngư mà không ai có thể bắt chước được. Tây Xuất Ngọc Môn lần này thật ra thiên về âm mưu ẩn dấu, đo đếm nhân tâm, cuộc chiến giai cấp nhiều hơn là kinh dị, các yêu quái dù có loài hung ác, có loài hiền lành nhưng trong truyện này chúng hiện lên dưới ngòi bút của Vĩ Ngư một cách rất gần gũi, khi bạn đọc truyện có thể đọc xong về 1 loài yêu quái nào đó và nhìn quanh quất xung quanh mình xem có gì kì lạ không, rất kích thích .
Suýt tí nữa mà quên một điều A Tử hơi bị thích trong Tây Xuất Ngọc Môn, đó là khả năm làm việc teamwork của team Đông Tây cực mạnh, từ khi bước vào trong quan nội, có rất nhiều phe kinh hiểm tưởng suýt chết nhưng với khả năng phối hợp ăn ý đến khó tin giúp cả 5 người trong team thoát chết 1 cách thần kì, có hai cảnh mà A Tử ấn tượng nhất trong truyện, cảnh đầu tiên là lúc mới vào Ngọc Môn Quan, chiến đấu với xác sống ở gò yardang, đó là lần đầu tiên cả đội phối hợp với nhau, tình cảm gắn kết mọi người bắt đầu từ đó, và cảnh thứ 2 là đi trộm tài liệu, đó là đoạn thót tim hồi hộp nhất trong truyện, Đinh Liễu gây chú ý đánh lạc hướng, Cao Thâm một mình đóng 2 vai gây nhiễu địch, Đường Mập dẫn gà đi gây hỗn loạn, và tất nhiên Đông Tây kết hợp một màn trộm đồ gay cấn nghẹt thở như Phi vụ thế kỷ luôn.
Dành một chút xót xa cho người con trai ở ngoại truyện, A Tử không khóc cho anh ấy mà chỉ thấy lòng buồn xót xa, Lưu Tây gặp anh là “đúng người, sai thời điểm”, lúc anh gặp chị ấy là lúc lòng chị ấy lạnh nhất, là lúc cuộc sống khắc nghiệt là tôi ra một Lưu Tây lạnh lùng tàn nhẫn, lòng cao chí xa. Xương Đông là khoảnh khắc “đúng người, đúng thời điểm” của chị ấy, lúc cả tâm lẫn tình của chị ấy như một tờ giấy trắng, giống như chị đang làm lại cuộc đời mới. Cho nên không có gì phải buồn đâu ạ, số phận khắc nghiệt với anh ở kiếp này, nhưng sẽ đối xử dịu dàng hơn với anh ở kiếp sau, rồi anh sẽ có được cô gái của mình, vậy nên hãy cứ chúc phúc cho cô gái anh yêu ở kiếp này tìm được hạnh phúc nhé.
Dành thời gian một chút để nói về chị Hàn Vũ Phi, dịch giả của truyện này, thật tâm mà nói, em chưa đọc truyện chị dịch nhiều lắm, em chỉ đọc vài bộ của Vĩ Ngư và Cửu Nguyệt Hy do chị dịch thôi, và em thấy gu chọn truyện của chị khá tốt, dù các truyện chị chọn chỉ dừng lại ở một vài tác giả, nhưng các cốt truyện không theo lối mòn, mỗi truyện đều có đặc sắc riêng không khiến người đọc nhàm chán. Về văn phong thì em không nhận xét gì nhiều, bởi vì nếu không phải là người hiểu sâu về lĩnh vực ngôn ngữ và văn học thì chẳng dám nhận xét là hay hay dở, chỉ có thể nói là văn phong của chị rất hợp với cách đọc của em.
Nói tóm gọn lại đây là một bộ truyện đáng đọc. Hy vọng các bạn yêu ngôn tình đừng bỏ lỡ.
– A Tử (Ngôn Tình Review Confession)
***
Tây An.
Một dải tường thành cổ bao quanh khu vực trung tâm thành thị, chính giữa khu trung tâm là một cổ lâu, phía sau thành lâu là một khu phố trải dài, cho dù sầm uất hay ế ẩm, bất kể tháng nắng hay ngày mưa, nơi này mỹ thực luôn dồi dào, du khách luôn tụ họp.Read more…
Khu phố này tên gọi phố Hồi Dân, nổi tiếng với danh hiệu “Quảng trường văn hoá mỹ thực”, “Đại biểu cho phong thổ Tây An”, hay là “Nơi nhất định phải đến của Tây An”.
Dân cư đông đúc, tấc đất tấc vàng, các cửa hàng mặt tiền cố gắng chen chúc ra hướng đường chính —— nhưng mặt đường không đủ, đành phải quay mặt vào các hẽm nhỏ, chỉ cần bày ra trên đường mấy tấm biển hiệu, bên trên viết vài chữ như “Đi vào trong 15 mét” là được.
Cách cuối phố khoảng chừng một phần ba chiều dài cả khu phố, có một con hẻm nhỏ, đầu hẻm b*n n**c ô mai, phía trên có treo tấm biểu hiệu “Kịch rối bóng, biểu diễn đúng giờ”
Phía dưới dòng chữ có đính một con rối bóng hình dáng một cô gái, mặt mày yêu mị, vòng eo thon thả, phía sau đầu là mái tóc dài tết đuôi sam, động tác linh hoạt.
Du khách nào hứng thú hay cảm thấy mệt mỏi, liền có thể thuận tay lấy bát ô mai, mua vé biểu diễn 10 đồng, xem được một vở kịch rối 10 phút.
Sân khấu kịch rối không lớn lắm, ở ngoài trời khoảng 10 mét vuông, bày ra 3 cái bàn, trên tường treo các loại con rối đủ sắc màu, khách xem nếu thích, bỏ ra 50 đồng có thể mang về 3 con.
Điều khiển rối bằng tay là một ông lão, tên gọi Đinh Châu, chừng 60 tuổi, tóc hoa râm, đi đứng không tiện lắm, nên không mấy xã giao tiếp khách, phần lớn thời gian lão chỉ ngồi sau bức màn sáng trên sân khấu, hai tay linh hoạt vừa điều khiển mấy con rối, vừa nhịp trống, tưng bừng múa ra vài câu chuyện xưa tích cũ.
Có khi là vở “Kẻ bán hàng rong hý lộng đại tiểu thư”, hoặc là vở “Na Tra ba lần đáo Thuỷ cung”
Đêm nay, kịch đèn chiếu 7 giờ bắt đầu diễn, mới 6h50 phút, dưới khán đài đã đầy người.
Đinh Châu xốc màn sân khấu lên xem.
Người xem đa số là cha mẹ dẫn theo con nhỏ, mấy đứa bé hầu hết đều ngồi không yên, mông nhấp nhổm, nhốn nháo ỏm tỏi: “Khi nào mới diễn phim hoạt hình vậy?”
Đinh Châu có thể đoán được tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì: Sau khi bắt đầu diễn rối, mấy đứa nhóc này sẽ mất hết hào hứng, nhận ra kịch đèn chiếu khác xa so với phim hoạt hình, toàn là hát mấy câu ê a khó hiểu, thể nào cũng làm loạn một trận đòi về, người lớn sẽ quát mắng, bọn chúng sẽ lại vừa khóc vừa làm ầm lên.
Trong lúc “gà bay chó sủa” như vậy, lão đành phải vận dụng giọng hát già nua của lão, cố gắng diễn cho xong vở kịch.
Ngẫm lại đúng là chán, nhưng hầu hết con người ta sống ở trên đời, vốn hay chán như vậy.
Bảy giờ kém hai phút, một cô gái trẻ ghé đến.
Đinh Châu giật mình.
Mời các bạn đón đọc Tây Xuất Ngọc Môn của tác giả Vĩ Ngư.