Anh cho rằng nếu có thể hợp nhất từng nguyên tử của hai linh hồn vốn đã gắn kết sâu xa thì sẽ xuất hiện một trạng thái ưu việt hơn. Dưới bề ngoài châm biếm, James là người đa cảm. Anh hết lòng tin tưởng vào tình bạn, và tình yêu. Lần thí nghiệm duy nhất còn lại mà anh đã nói sẽ phụ thuộc vào cơ may cho anh gặp được hai con người, ngay lúc họ lâm chung, mà trong cuộc đời họ vốn đã có sự gắn kết hoàn hảo: anh sẽ cố hợp nhất họ một lần nữa khi họ chết.
---
Tôi tắt đèn và không nén được tiếng kêu thảng thốt. Một khối cầu ánh sáng đang rực lên trên bệ lò sưởi với ánh hào quang phi thường. Không thể so sánh nó với bất cứ thứ gì ngoài vầng trăng rằm trên bầu trời đêm hè trong vắt, ở Hy Lạp hay phương Đông. Đó là một viên ngọc sáng ngời và trong lòng sâu là những luồng chuyển động còn rạng rỡ hơn, một thứ kim cương lỏng bốc cháy quay cuồng như một tinh vân lấp lánh.
Tôi đã viết khá nhiều sách, một số là sách tiểu sử, một số là tiểu thuyết. Lạ thay, ở Pháp tôi lại có tiếng là tiểu thuyết gia trong khi ở Anh và Mỹ thì sáng tác của tôi lại ít thành công, còn sách tiểu sử lại được đón nhận tốt. Ngoại lệ duy nhất là một truyện đã xuất bản từ năm 1931 – NGƯỜI CÂN LINH HỒN. Ý tưởng của câu chuyện này, hoàn toàn hư cấu, đã nảy sinh trong Đệ nhất Thế chiến. Nhiều bằng hữu và người thân của tôi đã thiệt mạng vì chiến tranh nên việc tôi hay nghĩ đến cái chết có lẽ là điều tự nhiên. Giai đoạn ấy tôi có đọc trên một nhật báo có hai dòng tin tức về một bác sĩ điên nào đó đã cân tử thi của những người vừa lìa đời, nhưng phải rất lâu (bảy hay tám năm sau) ý tưởng truyện này mới hình thành. Rồi một hôm, ở London, tôi gặp một bác sĩ người Anh đúng ngay mẫu nhân vật mà tôi cần đến, và nhờ động lực này mà truyện được viết xong trong vòng hai tuần. Nhiều độc giả cứ tin là chuyện có thật. Ngay cả bây giờ, sau hơn 30 năm, tôi thỉnh thoảng vẫn nhận được một bức thư hay điện tín từ một nước xa xôi, hỏi rằng: “NGƯỜI CÂN LINH HỒN có thật không?” Khi viết, tôi đã dốc lòng viết sao cho câu chuyện đáng tin và thậm chí còn nhờ một bác sĩ Pháp danh tiếng thời đó, Jean Perrin, nghĩ ra cho tôi một kiểu thiết bị khoa học, một yêu cầu mà ông ấy đã thực hiện vui vẻ và chu đáo.
(trích tự thuật của André Maurois cho bản dịch tiếng Anh “The Weigher Of Souls” – Macmillan 1963)
***
Với “Người cân linh hồn”, tác giả Andre Maurois đã dẫn dụ người đọc vào thế giới nội tâm kỳ lạ của con người. Thế giới không thể lý giải rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận bằng tình yêu.
Tác phẩm Người cân linh hồn (nguyên tác tiếng Pháp Le peseur d’âmes) của nhà văn Pháp André Maurois, vừa được tái bản tại Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Đăng Thư vào tháng 12/2018.
Người cân linh hồn là một câu chuyện giả tưởng, bắt nguồn từ niềm tin vào sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết của bác sĩ James tại bệnh viện Saint Barnaby. Những thí nghiệm về người chết của ông được tiến hành bí mật cùng với sự theo dõi của người kể chuyện.
“Sự bất tử của linh hồn” là nỗi băn khoăn của con người qua nhiều thời đại. Các ngành khoa học tâm linh đều luôn nỗ lực hết mình để tìm kiếm và lý giải những bí ẩn. Tuy vậy, linh hồn của con người thực sự tồn tại hay không, chưa ai có thể trả lời. Hình dạng của linh hồn ra sao, không ai nhìn thấy được.
Theo các nhà khoa học đã nghiên cứu trước đó, “có tồn tại linh hồn, và linh hồn cân nặng 0,17 miligram”, và James cũng đã bắt đầu tiến hành cân tử thi sau khi cái chết xảy ra. Khi tiến hành cân tử thi, anh đã nhận thấy trọng lượng sụt giảm trong khoảng từ 0,75 tới 0,95 miligam.
Dù tìm cách cân linh hồn, James rõ ràng không hề muốn biến linh hồn thành một thứ vật chất, “vì linh hồn kết nối với cơ thể để diễn đạt những ý nghĩa của nó, cho nên cũng có khả năng là sau khi từ bỏ cơ thể, linh hồn sẽ kết nối với nguồn năng lượng bí ẩn mà chúng ta đã nhận thấy qua hiện tượng lìa khỏi thân xác”.
Sau những thí nghiệm kỳ lạ ấy, James đã thành công khi kết nối được linh hồn của hai người anh em để họ có thể ở bên cạnh nhau lâu hơn nữa sau khi chết. Chiếc lọ thủy tinh chứa đựng thứ ánh sáng lấp lánh phát ra từ việc hai linh hồn hòa quyện với nhau.
Tại sao James lại khao khát muốn làm những thứ nghiệm để chứng minh sự tồn tại của linh hồn con người sau khi chết đến vậy?
Những lớp lang ngữ nghĩa được gợi lên có thể khiến độc giả gật gù nhận ra Andre Maurois đây rồi. Dù được “hóa trang” bằng lớp vỏ giả tưởng, nhưng câu chuyện của Andre Maurois chỉ có mục đích đi sâu vào tâm tư của con người, cho con người cơ hội bộ bạch những bí ẩn của mình.
James hiện ra không còn là một bác sĩ tài năng, say mê khoa học, ông còn là kẻ mị tình. James mang trong mình tình yêu si mê, tôn thờ với Hilda, cô gái Đan Mạch tuyệt đẹp. Nhưng rồi, cô ấy không còn sống trên đời bởi một tai nạn bi đát. James chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi đau đớn ấy.
Anh khao khát điều gì, giá anh có thể cứu sống linh hồn của người yêu, giá anh có thể giữ mãi linh hồn của người yêu ở bên cạnh mình. Nhưng vào giây phút ấy, anh chưa tìm được cách.
James khi đã là người đàn ông lớn tuổi, đã gặp gỡ Philipps xanh xao và thơ ngây. Nàng có khuôn mặt giống với Hilda, nàng là diễn viên sân khấu tài năng, nhưng ở nàng toát lên vẻ ngắn ngủi tàn lụi. Là bác sĩ, James nhận rõ đoạn đời quá ngắn của nàng, và anh đã chọn ở bên cạnh nàng cả đời.
Đám cưới và hạnh phúc quá ngắn ngủi. Giữa những đoạn ấy, James đã từ bỏ nghiên cứu, dành toàn thời gian cho người vợ yếu ớt của mình.
Rồi bí ẩn lại tiếp tục được hé mở khi Philipps chết, và James đã uống thuốc độc để có thể chết cùng với nàng. Tại sao?
Bí ẩn đến tận giây phút cuối cùng, mới được soi tỏ.
Người kể chuyện đồng thời là người bạn tri kỷ, người đã chứng kiến những thí nghiệm kỳ quái của James đã được trao lại một tâm nguyện quan trọng. Andre Maurois đã thể hiện khả năng miêu tả nội tâm sâu thẳm của con người vô cùng xuất sắc bằng ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ mộng u sầu. Đọc Người cân linh hồn, độc giả sẽ vừa ngạc nhiên bởi cốt truyện kỳ lạ, vừa say đắm bởi những ý tứ tinh tế và đẹp đẽ được gợi lên của tâm hồn.
Với Người cân linh hồn, Andre Maurois đã dẫn dụ người đọc vào thế giới nội tâm kỳ lạ của con người. Thế giới không thể lý giải rõ ràng, chỉ có thể cảm nhận bằng tình yêu.
***
Tôi đã do dự rất lâu trước khi đặt bút viết lại câu chuyện này. Tôi biết chuyện sẽ khiến những ai từng thân thiết với tôi sẽ kinh ngạc, và sẽ khiến không chỉ một người khó chịu mà thôi… Một số sẽ hoài nghi thiện ý của tôi, số khác sẽ ngờ vực lương tri người viết. Chính tôi đây cũng sẽ có ý nghĩ như vậy nếu như tôi đã không ngẫu nhiên thành nhân chứng tình cờ và phản kháng những gì mà tôi sắp thuật lại. Tôi ý thức rõ sự phi lý rành rành của chúng tới mức tôi không hề kể lại chuyện đó cho những người thân thiết nhất của mình. Và nếu bây giờ tôi quyết tâm phá bỏ sự im lặng này thì lý do là tôi thấy mình không có quyền phó mặc cho vật duy nhất còn lại làm bằng chứng cho giấc mộng kỳ lạ ấy bị hủy hoại sau khi chính tôi lìa đời.
Trước khi độc giả bác bỏ những lý thuyết của bác sĩ James như là điều hoàn toàn bất khả, tôi xin quý vị đừng quên một điều là tôi vốn tin mình có tâm tính cực kỳ cẩn thận. Như mọi người tôi cũng có nhiều điểm say mê và yếu kém; tôi vẫn luôn cố bảo toàn óc suy xét của mình. Trong khoa học, trong siêu hình học, trong chính trị, và ngay cả trong đời sống tình cảm, tôi luôn coi trọng việc đừng bao giờ nhầm lẫn mong muốn riêng tư với chứng cứ. Không phải lúc nào tôi cũng làm được điều đó, nhưng có lẽ tính thận trọng thường trực ấy sẽ giúp ích cho tôi bất cứ lúc nào tôi cần đến lòng tin của mọi người.
Còn một lý lẽ nữa cũng ủng hộ tôi: những sự việc tôi phải thuật lại đúng là bất ngờ, nhưng bản chất của chúng thì không phải là không thể kiểm chứng. Một vài cuộc thí nghiệm đơn giản mà bất kỳ nhà vật lý, nhà sinh vật hay bác sĩ nào cũng có thể dễ dàng làm lại, sẽ cho thấy rằng các lý thuyết của James - dẫu bị coi là phi lý - cũng đều căn cứ vào quan sát thực tế.
Tại sao tôi không tự mình làm tiếp những thí nghiệm này? Tại sao phải đợi khi mình đã chết rồi mới công bố chúng? Với tôi điều này không dễ giải thích. Yếu tố chính là thói nhút nhát, tôi nghĩ thế, cùng với bản tính ghét vướng bận với những chuyện rắc rối nào đó. Hoàn cảnh đã khiến tôi thành nhà văn, chứ không phải nhà khoa học. Tôi không có điều kiện tiến hành công việc ấy trong một bệnh viện hay phòng thí nghiệm. Tôi ngại tiếp xúc những người mà với họ tôi chỉ là kẻ ngoại đạo, với hy vọng có thể khiến họ quan tâm đến một hiện tượng, như tôi biết, sẽ mâu thuẫn với các quan niệm của họ.
Tôi ân hận vì mình đã nhu nhược, và tôi sẽ vui mừng nếu như việc công bố hồi ký này lại khơi gợi cho những trí tuệ táo bạo một khao khát tiếp bước người bạn bất hạnh của tôi trong việc thăm dò một thế giới mới, vốn hiểu biết thu thập được từ đó biết đâu lại dẫn đến nhiều kết quả có tầm quan trọng lớn lao.
დღდ
Tôi quen bác sĩ James trong thời chiến. Chúng tôi lần đầu gặp nhau trên một cánh đồng bùn sình xứ Flanders, và giữa một nhóm người Anh vui vẻ, mạnh khoẻ, hai gò má cao hốc hác cùng vẻ mặt đau khổ của anh lập tức tạo ấn tượng với tôi. Anh được biệt phái theo đơn vị quân y của sư đoàn mà tôi đang làm sĩ quan liên lạc cho quân Pháp. Chúng tôi lập tức thân nhau ngay, và bất kể nỗi kinh hoàng của thời gian và khung cảnh ấy, những tháng tôi sống ở Ypres Salient làm bạn cùng anh đã để lại trong tôi những kỷ niệm hầu như có thể nói là vui thú.
Giữa hai chiếc giường cá nhân của chúng tôi là một thùng bánh quy dùng làm bàn và tủ sách. Buổi tối, khi tiếng đạn pháo rú trên cao bắn về hướng Poperinghe và tiếng vải lều bạt ướt đẫm quật phành phạch trong gió đã cướp mất giấc ngủ, chúng tôi lại thì thầm trò chuyện về những kẻ điên khùng và những nhà thơ. Tôi thích người bạn ấy. Dưới cái vẻ ngoài hoài nghi đó, tôi đã có lúc thoáng nhìn ra cái tâm hồn can trường và đa cảm bên trong. Anh kín đáo tới mức tôi cùng sống bên anh hàng ngày suốt nhiều tháng liền mà không hề biết anh đã có vợ con gì chưa.
Chiến tranh kết thúc đã chia lìa tình bạn này, cũng như nhiều mối thân quen khác. Suốt một năm chúng tôi thư từ qua lại, và nhờ đó tôi biết James đang làm việc cho một bệnh viện ở London. Sau đó một trong hai chúng tôi (người nào thì bây giờ tôi không nhớ) đã không trả lời thư của người kia. James trở thành một hình ảnh vẫn giăng mắc trong ký ức tôi như một ảo ảnh, như một nhân vật trong tiểu thuyết. Và cuối cùng tôi thôi nghĩ đến anh, ngay cả trong mơ, cho đến mùa xuân năm 1925.
Trong năm ấy tôi có dịp đi London một thời gian dài vì mấy công việc nghiên cứu ở Viện bảo tàng Anh. Tôi ở đó một mình, khá mệt mỏi và ức chế vì công việc liên miên quá nhiều. Một sáng nọ trời nắng rực rỡ tới mức tôi không có can đảm giam mình trong phòng đọc. Suốt một hai phút gì đó tôi đứng ngắm đàn bồ câu dưới hàng cột kiểu La Mã của viện bảo tàng, trông vừa thân thuộc vừa xa cách như hàng cột của Vương cung thánh đường Saint Mark. Tôi cứ đứng trầm ngâm. Thực tế đã buộc tôi phải hiểu ra là sự cô đơn này - dù khá lành mạnh trong một thời gian ngắn - giờ càng lúc càng không thể chịu đựng nổi. Thế nhưng tôi đâu có thiếu bạn bè người Anh - tại sao tôi không thử tìm họ đi? Những buổi tối mà gặp gỡ một anh chàng thông minh như bác sĩ James chẳng phải không thú vị sao? Tôi đã quên mất địa chỉ anh ấy, nhưng dò tìm một bác sĩ thì chẳng khó chi; và khi quay lại phòng đọc, tôi tìm ra trong cuốn danh bạ y tế có tên một ông Tiến sĩ H. B. James, là bác sĩ nội trú ở bệnh viện Saint Barnaby. Tôi quyết định gác lại công việc của sáng hôm đó, và đi tìm bạn.
Bệnh viện Saint Barnaby nằm ở phía nam sông Thames, trong một khu đông dân cư chạy dài đến bên kia cầu Blackfriars. Việc băng qua con sông gần đó luôn là điều khiến tôi thấy lạ lùng và hấp dẫn. Sông Thames ở đoạn này là biên cương của hai thế giới. Ta rời khỏi London kiến trúc thời Phục hưng và Gô-tích, London của những ô vuông bàn cờ, của những bờ đê có hàng cây dưới những đại khách sạn, của dòng xe buýt màu đỏ lũ lượt, để tới một thành phố của nhà máy và kho hàng, những bức tường trần trụi, và những cột ống khói thô lỗ. Và sự tương phản sáng hôm đó càng áp đảo mạnh mẽ hơn khi tôi đang băng qua cầu thì một đám mây lớn bỗng dưng che khuất mặt trời.
Mời các bạn đón đọc Người Cân Linh Hồn của tác giả André Maurois.