Sau Tên của đóa hồng và Con lắc Foucault, độc giả văn chương thế giới đã rất sốt ruột chờ đợi một đại tác phẩm nữa của Umberto Eco. Và rốt cuộc, Eco đã xuất bản Nghĩa địa Praha, một tác phẩm không phụ lòng trông đợi của bất kỳ ai say mê những cuốn tiểu thuyết hòa trộn lịch sử với văn chương theo một cách thức độc đáo vô cùng.
Simone Simonini là người Ý sinh ra ở Turin, nhưng hoạt động rộng khắp châu Âu vào nửa sau thế kỷ 19. Simone can dự vào hầu hết vụ việc chính trị quan trọng một thời: Những cuộc hành quân của Garibaldi, vụ án Dreyfus, những cuộc thanh trừng thầy tu dòng Tên và thành viên Hội Tam Điểm… lúc nào Simone cũng ở trong bóng tối, là nhân vật mà cơ quan mật vụ tất cả các nước châu Âu đều thèm muốn.
Nhưng “sứ mệnh” quan trọng nhất của Simone Simonini là đối đầu với người Do Thái. Suốt đời mình, Simone đã thực hiện công việc này một cách không mệt mỏi, có lúc còn sát cánh bên Edouard Drumont, lãnh tụ phong trào bài Do Thái của châu Âu. Với Nghĩa địa Praha, Umberto Eco đã đưa ra một cách lý giải độc đáo, thậm chí thiên tài, về tai họa bài trừ người Do Thái ở châu Âu, mà hậu quả tất yếu là nạn diệt chủng trong Thế chiến thứ hai.
Nghĩa địa Praha là cuốn tiểu thuyết thứ 6 của nhà văn Umberto Eco ra mắt ngày 29 tháng Mười năm 2010 tại nhà xuất bản Bompiani (Ý). Ngay khi vừa xuất hiện, cuốn sách đã bán được 450.000 bản trong vòng chưa đầy hai tuần lễ. Tính tới thời điểm hiện tại, Nghĩa địa Praha đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.
Nhận định
“Umberto Eco đã đánh dấu Nghĩa địa Praha là tác phẩm “quỷ ám” nhất của mình, một bức chân dung xen lẫn giữa hận thù và tài diễn tấu của mình.” (L'Express)
***
Tôi đến với “Nghĩa địa Praha” vì quá mê mẩn chất Umberto Eco qua “Tên của đóa hồng”. Thế nhưng vì vốn từ hạn hẹp không đủ để diễn đạt được cảm xúc của tôi với “Tên của đóa hồng” nên đành dùng thời gian để bày tỏ về một tác phẩm khiến tôi khá ngổn ngang. Tất nhiên đây hoàn toàn là cảm nhận cá nhân, tôi xin phép chia sẻ vài dòng coi như tâm sự hơn là đánh giá, nhận xét về một tác phẩm vĩ mô.
Bối cảnh trong “Nghĩa địa Praha” rộng hơn “Tên của đóa hồng” rất nhiều. Điều đó là một lợi thế vì nó đẩy nhanh nhịp truyện hơn, tạo nhiều tình huống bất ngờ và cao trào được đưa lên mạnh nhất có thể. Một phần khác vì yếu tố nội dung là cuộc hành trình bài Do Thái của Simone Simonini nên cốt truyện cũng gấp khúc và hạn chế hẳn sự tám chuyện đặc trưng của các tác giả Ý. Thế nhưng chính điều đó, với tôi, cũng là điểm yếu chết người cho tác phẩm này. Tất nhiên là vì cảm xúc cá nhân thôi nhưng do bối cảnh rộng (nếu không phải quá rộng), Umberto khó lòng kiểm soát toàn bộ hệ thống nhân vật, sự kiện, chi tiết nên dẫn tới sự thiếu thống nhất, nhất là ở nhân vật Simone.
Ban đầu anh chàng là một gã Ý, như bao gã Ý khác, lãng tử, tự do, cố chấp, điên rồ nhưng rồi có lẽ chuyến hành trình dài đằng đẵng cộng thêm thứ định kiến kiên định đến mức ám ảnh khiến cái chất đẹp đẽ đó, thứ dòng máu chảy trong anh chàng ta thui chột. Cuối cùng chàng ta là ai tôi cũng chẳng biết nữa, thật ngỡ ngàng làm sao! Đó không phải là sự tha hóa dần, một chuyển biến rõ ràng của tính cách, hành xử, quan niệm cũng không phải là cái hình tượng đa nhân cách (tự nói chuyện với chính mình) hay hoang tưởng đến tột cùng, nếu là thế tôi đã chấp nhận con người của anh ta. Ở đây, Umberto ở đây quẳng một Simone này, ở kia quẳng một Simone nọ, như những nhân vật khác nhau bị gán cho cùng một cái tên, và tôi cứ ngỡ đang xem một cuốn tiểu thuyết gộp lại từ các câu chuyện ngắn với các nhân vật chính khác nhau. Tính thống nhất, liên kết từ đó bị vỡ vụn, nhất là khi nó dày đặc những sự kiện lịch sử mà chỉ cần lơi là một tí là chẳng thể hiểu nổi vì sao Umberto đặt chúng cạnh nhau. So với “Tên của đóa hồng” thì đỡ lan man hơn, nhưng thiếu bí ẩn, gay cấy hơn nhưng loãng đi. Umberto chọn lấy nhân vật làm tâm, tất cả xoay vần bên người đó, và còn gì buồn hơn khi bản thân nhân vật ấy đã là tổng hợp những gì vỡ vụn.
Điều tiếp theo là về văn phong, điều này tôi không biết là do người dịch hay do bản thân Umberto. Hồi trước tôi đã từng cãi nhau với một người vì người đó bảo, bỏ đi tình tiết, cốt truyện và lượng tri thức phong phú thì Umberto viết chẳng có gì hay, lan man, dài dòng và quá tỉ mỉ. Tôi thì cho rằng như bao kẻ không hiểu được dòng văn học Ý, người đó không thể hiểu cái việc các bác thích dàn trải một đống chi tiết, lan man tận trời cuối đất, đọc vừa chán vừa ứ liên quan nhưng một khi vào guồng, những thứ tưởng chừng không là gì lại liên kết chặt chẽ với nội dung, hòa hợp đến mức sững sờ. Umberto là một người thích viết câu dài và may thay ông ấy không tiết kiệm dấu phẩy, nhưng thay vì liên miên, mềm mại thì những câu dài của ông ấy lại tạo một ấn tượng ngược lại, nó rắn rỏi, mạnh mẽ và phóng khoáng, như gió trên thảo nguyên bạt ngàn vậy. Nhưng lần này, vẫn là những câu dài miên man nhưng nó cụt quá, kiểu cố ghép thành câu dài, ngắt quãng liên tục và “góp phần” không nhỏ khiến nội dung đã vỡ vụn thêm chấp vá. Đọc, thật sự rất nản và vì lí do không đọc được hàng gốc nên tôi cũng không rõ là do ông hay do dịch giả.
Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại, “Nghĩa địa Praha” phá rõ cái định kiến Umberto Eco thì chỉ có thể viết về Trung cổ và nhấn mạnh thêm Umberto Eco là một tiểu thuyết gia sử học tài ba đến cỡ nào với lượng tri thức hùng vĩ và bạt ngàn, không gò bó mà thổi vào đó những cách nhìn mới và logic. Những sự kiện lịch sử Châu Âu được nối kết tuyệt vời, khó tìm được lỗ hỏng, cộng thêm nói về những bước tiến của nghiên cứu tâm lý và khởi đầu của phân tâm học. Một cuốn sách hay nếu bạn hứng thú với thời kì thế kỉ XIX của Châu Âu.
Tôi hơi hối tiếc khi đọc “Nghĩa địa Praha” sau “Tên của đóa hồng”, nó là một sự hụt hẫng không hề nhẹ với một đứa lỡ lòng tương tư cái bức tranh tranh tối tranh sáng của thánh địa tri thức, tôn giáo và của một William với đầy rẫy mâu thuẫn. Một điều nhận xét đặc biệt là nhân vật của Umberto luôn kiên địch với tư tưởng đến mức nó trở thành một sự ám ảnh điên rồ, với William thì là thông tuệ đến mức lênh đênh giữa sáng tối còn với Simone thì là một bể sâu hoắm, nặng nề.
***
UMBERTO ECO Sinh ngày 5 tháng 1 năm 1932 tại Alessandria, Ý, hiện sống ở Milan. Thiên hướng đã thôi thúc ông làm trái ý cha, từ bỏ khoa Luật, chuyển sang nghiên cứu triết học và văn học Trung cổ tại Đại học Turin. Trong thời gian này UMBERTO ECO trải qua một cuộc khủng hoảng đức tin, trở thành người vô thần và từ bỏ Giáo hội Công giáo. Năm 1954, ông bảo vệ luận văn về Thomas xứ Aquino (Nhà thần học Công giáo nổi tiếng nhất thời Trung cổ), đạt học vị tiến sĩ triết học.
UMBERTO ECO là nhà văn, nhà lý luận, triết gia, nhà ký hiệu học lừng danh - người từng là biên tập viên các chương trình văn hóa của Đài truyền hình quốc gia Ý (RAI), là người viết bình luận của tờ báo lớn nhất nước Ý L’Espresso, là giáo sư ký hiệu học của Đại học Bologne, dạy mỹ học và văn hóa học tại các trường đại học Milan, Florence, Turin, tiến sĩ danh dự của nhiều trường đại học nước ngoài. Tờ Los Angeles Times đánh giá ông là “một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại của chúng ta.” Những tiểu thuyết đã vinh danh cho tên tuổi của ông: Tên của đóa hồng (Il nome della rosa -1980); Con lắc của Foucault (Il pendolo di Foucault - 1988); Hòn đảo ngày xưa (L’isola del giorno prima - 1994); Baudolino (2000); Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana (La misteriosa fiamma della regina Loana - 2004); NGHĨA ĐỊA PRAHA (Il cimitero di Praga - 2010).
***
Truyện: Người Kể chuyện bắt đầu theo dõi cuốn nhật ký của Simonini
(Đây là phần “Một vài giải thích không cần thiết” cho từng chương ở cuối sách. Người làm eBook đã đưa vào làm thành chú thích, để các bạn tiện theo dõi câu chuyện).
Người bộ hành trong buổi sáng âm u đó của tháng Ba năm 1897 hẳn sẽ phải mạo hiểm đi qua quảng trường Maubert, hay còn gọi là quảng trường Maub như cách nói của những kẻ đầu đường xó chợ (nơi đây từng là trung tâm của cuộc sống đại học thời Trung cổ, khi nó còn đón tiếp đám sinh viên đông đúc của Trường Nghệ thuật nằm tại Vicus Stramineus, chính là phố Fouarre ngày nay, và sau đó trở thành nơi hành quyết những vị tông đồ theo tư tưởng tự do như Étienne Dolet). Vị lữ khách sẽ tới một trong số ít các xó xỉnh Paris tránh được những nhát mổ xẻ của nam tước Haussmann*, nằm tại điểm giao thoa chằng chịt những phố xá hôi hám được chia thành hai khu bởi con sông Bièvre đổ ra từ trong lòng thành phố nơi nó vẫn bị kè bờ để rồi ném mình hổn hển, nóng rực sốt ký sinh trùng vào dòng Seine kề cận. Từ quảng trường Maubert, nay đã bị rạch chằng chịt bởi đại lộ Saint- Germain, còn tỏa ra một mạng nhện tạo bởi những con đường nho nhỏ như đường Maître-Albert, đường Saint-Séverin, đường Galande, đường Bûcherie, đường Saint-Julien-le-Pauvre, cho tới tận đường Huchette, các khách sạn bẩn thỉu do đám người vùng Auvergne cai quản nằm rải rác: những tay quản lý khách sạn nổi tiếng tham lam, đòi một franc cho đêm trọ đầu tiên và bốn mươi xu cho những ngày tiếp sau (cộng thêm hai mươi xu nếu muốn có ga trải giường).
Georges-Eugène Haussmann (1809-1891) là tỉnh trưởng tỉnh Seine, người quy hoạch lại Paris vào những năm sáu mươi của thế kỷ 19. (các chú thích trong sách đều của người dịch)
Nếu sau đó rẽ vào đường Sauton (thời ấy còn gọi là đường Amboise) hẳn anh ta sẽ thấy, nằm giữa một nhà thổ cải trang thành quán bia và một lữ quán nơi người ta lấy hai xu một bữa chính với chút rượu tồi tệ (từ thời ấy như thế cũng chẳng đắt đỏ gì, nhưng những sinh viên trường Sorbonne cũng chỉ cho phép mình chi tiêu đến thế thôi), là một ngõ cụt, thuở ấy được gọi Maubert, nhưng trước năm 1865 mang tên cul-de-sac d’Amboise. Tại ngõ cụt ấy, những năm trước đó nữa, có một tapis-franc (trong ngôn ngữ đường phố nó chỉ loại nhà trọ tồi tàn, loại hàng ăn hạ đẳng, thường được một cựu tù nhân trông coi và chỉ những kẻ tù khổ sai chân ướt chân ráo vừa bước ra khỏi vũng lầy tù tội mới hay lai vãng đến đây). Ngõ cụt này trở nên nổi tiếng theo một cách đáng buồn vào thế kỷ 18 khi tại đây mọc lên một phòng thí nghiệm của ba nữ pha chế độc dược lừng danh, một hôm họ được tìm thấy đã chết ngạt vì khí của các chất độc đang chưng cất trên mấy cái lò.
Tận cùng ngõ hẻm này, hầu như rất khó nhận thấy một cửa hiệu có tấm biển đã bợt màu ghi Brocantage de Qualité (Tiệm đồ cổ chất lượng cao) của một tay chuyên mua bán đồ cũ. Phía ngoài cửa hiệu đã mờ đi vì lớp bụi dày phủ kín mấy tấm kính vốn đã chẳng cho ta thấy rõ hàng hóa bên trong cửa hiệu bởi chúng chỉ dài rộng hai mươi xăng ti mét mỗi cạnh, được gắn với nhau bằng một khung gỗ. Bên cạnh cửa kính, người ta có thể nhìn thấy một cánh cửa luôn đóng, và cạnh dây kéo chiếc chuông cửa là tấm biển báo chủ nhân đang đi vắng.
Nếu cánh cửa này mở (điều rất hiếm khi xảy ra), thì ai vào sẽ có thể thấy được, trong ánh sáng rất lờ mờ, một đống lộn xộn những thứ mà mới nhìn qua thì có vẻ ngon nghẻ, nhưng xem kỹ hơn sẽ nhận ra toàn những đồ hoàn toàn không phù hợp với một cuộc trao đổi kinh doanh thành thực, ngay cả nếu như chúng được mời gọi với cái giá giẻ rách tương xứng, được bày biện trên một vài cái giá lung lay và vài chiếc bàn cũng chung chiêng không kém. Ví như vài thanh gác củi sẽ làm hổ thẹn bất cứ cái lò sưởi nào, một cái đồng hồ mạ xanh đã tróc sơn, những chiếc gối dựa ngày trước có lẽ đã được thêu màu sặc sỡ, những chiếc bình gốm cao cổ trang trí bởi những thiên thần bằng sứ nay đã bong tróc vài mảng, những chiếc bàn con lung lay không rõ được thiết kế theo trường phái nào, một chiếc giỏ đựng thư từ đủ loại bằng sắt han gỉ, những chiếc hộp chạm trổ hoa văn không rõ ràng, những chiếc quạt đáng ghê tởm làm bằng ốc xà cừ trang trí với những hình vẽ theo lối Trung Hoa, một chiếc vòng cổ màu hổ phách, hai chiếc giày nhỏ nhắn bằng len trắng, khóa giày gắn những viên đá giả kim tí xíu Ailen, một bức tượng bán thân Napoléon đã sứt mẻ, những con bươm bướm dưới tấm kính đã rạn, hoa quả bằng đá cẩm thạch nhiều màu dưới cái chuông hẳn một thời trong suốt, những quả dừa khô, album ảnh cũ kỹ chứa tranh vẽ hoa bằng chút màu nước khiêm tốn, vài tấm hình in tráng được đóng khung (thời ấy chúng không hề mang vẻ cổ xưa chút nào). Thế cho nên kẻ nào mà say mê cuồng dại một trong những thứ đồ đáng xấu hổ còn sót lại sau những vụ tịch biên tài sản để thế nợ của những gia đình bị lầm vào cảnh bất hạnh này, sẽ thấy mình đứng trước gã chủ tiệm đáng ngờ, sẽ hỏi giá cả và sẽ bị yêu cầu một con số khiến ngay cả kẻ máu mê nhất trong số những gã sưu tầm dị vật cũng phải chùn bước.
Nếu như người khách, nhờ có tấm giấy thông hành nào đó, được bước qua cánh cửa thứ hai ngăn gian trong cửa hàng với các tầng trên của tòa nhà, và trèo lên bậc thang của một trong những cầu thang chung chiêng hình xoáy ốc đặc trưng của những ngôi nhà Paris có mặt tiền rộng ngang bằng cửa ra vào (nơi chúng đứng dựa xiêu vẹo vào nhau), anh ta sẽ tới một căn phòng rộng nơi không trưng bày những thứ đồ tầm phào như ở dưới tầng trệt mà là một bộ sưu tập những món đồ chủng loại hoàn toàn khác: một chiếc bàn nhỏ theo phong cách hoàng đế, ba chân trang trí hình đầu đại bàng, một chiếc bàn chân quỳ được đỡ bởi quái vật Sphinx có cánh, một chiếc từ thế kỷ 17, một chiếc tủ sách bằng gỗ dái ngựa đựng hàng trăm cuốn đóng bìa da dê, một chiếc bàn làm việc theo lối Hoa Kỳ, với nhiều ngăn kéo đóng mở theo ray trượt giống như một cái bàn viết thực thụ. Nếu tiếp tục bước qua căn phòng liền kề, anh ta sẽ thấy một chiếc giường treo màn trướng xa hoa, một chiếc giá kiểu điền viên đựng đồ sứ Sèvres, một ống điếu Thổ Nhĩ Kỳ, một chiếc cốc bằng thạch cao tuyết hoa, một chiếc bình pha lê, và trên bức tường cuối phòng là những tấm tranh to bản với những điển tích thần thoại, hai bức vẽ nữ thần Lịch sử và nữ thần Hài kịch, vài chiếc áo trùm Ả Rập treo trên tường và vài bộ quần áo phương Đông bằng sợi casơmia, một chiếc hũ cổ kiểu của dân hành hương; tiếp đó là một chiếc kệ chất đầy các vật dụng trong buồng tắm bằng chất liệu quý - tóm lại là một đống đồ vật kỳ cục, cầu kỳ và tốn kém, có lẽ không phải là nhân chứng cho khiếu thẩm mỹ đồng nhất và tinh tế, mà hẳn là lòng mong mỏi được khoe mẽ của cải.
Quay trở lại phòng khách gần lối vào, người khách sẽ nhận ra một cụ già trong bộ đồ ở nhà ngồi bên chiếc bàn đối diện cánh cửa sổ duy nhất mà từ đó nguồn ánh sáng ít ỏi chiếu sáng ngõ cụt len lỏi vào đây. Cụ già đó, nếu người khách có thể nhìn thoáng qua vai, đang viết những điều mà chúng ta sắp sửa đọc đến, và đôi khi Người Kể chuyện cũng sẽ tóm tắt lại để không gây mệt mỏi cho Độc giả.
Mời các bạn đón đọc Nghĩa Địa Praha của tác giả Umberto Eco.