Tôi phải nói ngay là đọc Tru Sa không dễ một chút nào. Tác giả này, tuy còn trẻ, nhưng quyết tâm chọn con đường độc đạo, quyết tâm bắt người khác phải nhọc nhằn bước theo mình. Những ai quen thưởng thức văn chương như tìm trong đó một bài học về đạo đức rõ ràng, có thể vận dụng ngay vào thành thứ kinh nghiệm sống, có lẽ khó mà không nản lòng khi bập vào tập sách này. Từng biên tập cho tác giả hơn hai tập truyện ngắn, vậy mà nhiều chỗ chính bản thân tôi cũng chới với không tin vào khả năng thẩm định của mình. Trước hết, hiện thực mà tác giả dùng để thể hiện cuộc sống trong tác phẩm, nơi nhân vật đi lại, ăn nói, hành xử, hiện diện trước bạn đọc, hoàn toàn không giống tí gì với những thứ vẫn trôi chảy ngày ngày trước mắt. Ngay cả trong truyện ngắn gần với “hiện thực” nhất, đời thường nhất là Đôi mắt màu xanh dương, thì vẫn thấy lấp ló bóng dáng của một “thế giới khác”, thế giới không hiện diện ở ngay chính tiểu sử và hành xử dị thường của nhân vật Moon. Ta bắt đầu nghĩ đến Moon thiên sứ, thay vì Moon chỉ là một cô bé lai đang tuổi học trò. Cô xuất hiện như một thoáng chốc không phải để tìm kiếm một đời sống ngọt ngào, như cô hoàn toàn có quyền và nên làm thế. Có vẻ như cô đến, do sai bảo của tác giả, để truyền một thông điệp. Bằng cái chết đầy mầu sắc thiên mệnh của mình, đám học trò không chỉ mất đi một người bạn, mà còn thấy bản thân mình hóa ra cũng chẳng phải đang sống đúng nghĩa, đang mất đi chính mình, từ từ nhưng không thể dối lòng. Nỗi ám ảnh này sẽ theo các bạn của Moon mãi mãi, như lời hối lỗi muộn của nhân vật chính: “Tôi đã bỏ lỡ nụ hôn đầu đời. Mất đi nụ hôn, tôi mất luôn trái chín, bỏ viết tên em, tôi gây ô uế bầu trời xanh, làm hỏng màu mắt, tôi giết em rồi, Moon ơi…”.
Bỏ viết tên em, một kiểu nói rất Tru Sa mà ta sẽ gặp nhiều trong cả tập sách dưới những thể hiện khác về câu chữ, không chỉ là từ nay không có em, từ nay không có bên cạnh một trái tim thanh sạch, một nhân cách đĩnh đạc, một người yêu tự do để hướng tới trong mỗi hành động sống. Bỏ viết tên em (tác giả chủ ý nhấn mạnh) là từ bỏ sự ghi nhớ ngày ngày về cõi thanh sạch, bao gồm cả ý chí sống và tự do. Và khi đó thì mọi thứ khác đều nhiễm bẩn, đều mù mịt, đều có nguy cơ dẫn lối đến tội ác?
Tại sao tôi phải nói dài về truyện ngắn đầu, chỉ là một trong 15 tác phẩm trong tập sách? Bởi vì đó là truyện ngắn dễ hiểu nhất, cung cấp cho bạn đọc chút chỉ dẫn đến cái hộp chứa chìa khóa không dễ tìm một chút nào nhưng nhất định phải có để giải mã những tác phẩm tiếp theo.
Người đứng cổng, Bức tượng, Giếng, Khải tri, Kẻ không nương náu… bắt đầu khiến bạn đọc đối mặt với chút ít bối rối? Bạn đọc chắc chắn cũng như tôi, liên tục tự hỏi: “Tác giả muốn nói điều gì với mình ở những tác phẩm này?”. Bạn hãy cứ hỏi như vậy, cả khi đã gấp sách lại, bởi chỉ cần bị ám ảnh về câu hỏi ấy, là bạn đã xong nhiệm vụ của một người đọc! Nhưng còn bởi, câu hỏi đó, dù không dễ trả lời, vẫn còn bớt khó chịu hơn nhiều với câu hỏi khác: “Hiện thực cuộc sống nào đây?”, khi đọc cả một xê-ri những truyện ngắn ở phía sau, mà cái tên truyện, cụt lủn, có vẻ như chính là chìa khóa để bạn đọc có thể mở vào thế giới của tác giả, tìm lấy trong đó những thông điệp không dễ lộ diện ngay. Đó là Thầm, Đâu, Dột, Nóc… Khi chạm vào những đoản thiên này, tôi phải lần giở lại đọc truyện Kẻ không nương náu, cố gắng tìm kiếm quan niệm của tác giả về nghề viết. Và nó đây:
“Văn chương cũng có luật. Như cái vòng kim cô của Tề Thiên Đại Thánh.”
“Viết là tự do. Luật của viết là tìm tự do.”
“Nói với tôi, luật về tự do trong đầu mấy người là gì?”
“Cậu đang phá luật, phá tiền đồ của mình đấy, Khiếm Thư!” (Khiếm Thư là một nhà văn)
“… Hỡi các bạn, đến một con rùa còn muốn bay trên bầu trời.”
“Chết vì khát vọng không bao giờ là xuẩn ngốc. Trả lời tôi xem nhà văn viết tự do hay luật viết về tự do viết cả nhà văn.”
Tạm chỉ ngần ấy thôi, ta có thể tự tin đưa ra những suy đoán. Tác giả này từ đầu đến cuối, quyết bước đi, nhìn thế giới, phán định về nó bằng tư cách của người tự do, kiên quyết tự do. Thứ hiện thực kỳ lạ, thậm chí kỳ quái mà bạn đọc thấy, dưới mắt tác giả hóa ra là bình thường, bởi anh muốn, giống như một triết gia ngỗ ngược nhất, hướng tới và đòi hỏi phải có một nhân loại mới, đầy sức mạnh để có thể chạm tay tới bầu trời, trong khát vọng tự do, một thứ siêu nhân tinh thần.
Một nhà văn trẻ dám đương đầu với tuyệt đối, luôn là một sự đáng nể nhưng cũng đáng ngờ?
Bởi vì, mọi sự sáng tạo vượt khỏi những quy ước thông thường, luôn có một hố thẳm (tác giả có vẻ rất thích thuật ngữ triết học này, cả trong phát ngôn và trong việc thể hiện nó bằng hình tượng nghệ thuật) rất dễ sa chân, đó chính là sự vô nghĩa.
Tru Sa cần phải cảnh giác về khả năng này. Nguy hiểm nhất là nó luôn nằm ngoài mọi ý đồ, mọi ý hướng của tác giả. Đôi khi là cả ngoài khả năng nhận biết.
Nhưng, xin nhắc lại, dám đưa mình đối mặt với trở ngại chết người ấy trong sáng tạo, đã đáng là một nhân cách cầm bút khiến ta phải ngưỡng vọng. Được, mất còn do số phận!
“Sau cánh cổng là một cánh cổng” – chính Tru Sa đã viết và biết như vậy, trong một truyện ngắn khá hay. Chắc chắn khi đó anh là một người tỉnh táo. Và nó chính là hy vọng mà bạn đọc sẽ kiên nhẫn chờ ở anh.
Hà Nội, 16-4-2017
Tạ Duy Anh
Mời các bạn đón đọc Trăng Tang của tác giả Tru Sa.