Vi Tam Đắc là một tên ác bá ở làng Thượng Lĩnh, hắn đã làm tan nát biết bao gia đình trong làng từ dân thường đến quan chức. Người dân đều căm hận hắn nhưng không thể làm gì được hắn, kể cả cảnh sát, vì hắn biết luật, hiểu luật, và lợi dụng sự hiểu biết đó để lách luật và liên tiếp phạm pháp. Đột nhiên vào ngày giáp Tết, hắn treo cổ tự tử trên cái cây cao nhất làng với một bức di thư để lại. Và cảnh sát nhận được một tin mật báo rằng hắn bị mưu sát. Khi cảnh sát càng tiến sâu vào điều tra, sự việc lại càng thêm bế tắc, dân làng Thượng Lĩnh nhất mực bao che cho nhau…Và từ cái chết của Vi Tam Đắc lại liên tiếp xẩy ra các án mạng khác.
***
Cái thây của Vi Tam Đắc bị treo lên cây đa trước cổng làng.
Hơn trăm thôn dân của làng Thượng Lĩnh kéo nhau đến xem chẳng khác nào như đi xem kịch. Trong số bọn họ, không ít kẻ trống ngực đập thình thịch, cứ y như tay thần, tay quỷ đang khua chiêng gõ mõ.
Đúng lúc ấy thì gió lạnh như con chó đánh hơi thấy mùi phân thối, hối hả lao tới cắn người, chẳng chừa một ai. Chỉ có điều trong cái bộ dạng lập cập, run rẩy ấy lại không phải là những người dân quê ăn mặc phong phanh, rách rưới; mà lại là một số ít những người mặc áo dày sụ, sạch sẽ mà chỉn chu. Đám người này thoáng nhìn liền biết ngay là những cán bộ, công chức thu nhập cao mới về quê ăn Tết. Còn phần đông số còn lại là đám dân quê quanh năm suốt tháng bám rễ ở làng. Số này nhìn Vi Tam Đắc chết trơ thây cứ y như khán giả đã đoán được kết cục của vở kịch, bởi vậy mà tỏ ra bình tĩnh hơn hẳn.
Bỗng từ trong đám đông có hai người phụ nữ lao ra, một già, một trẻ. Hai người này lao về phía Vi Tam Đắc, tóm lấy cẳng chân của y cách mặt đất chừng hai mét. Người thiếu phụ nhón chân với tay, bắt lấy một chân Vi Tam Đắc, chực muốn đẩy thân thể y lên. Chỉ có điều chiều cao và sức lực của chị ta rõ là đã tới giới hạn, cái thây của Vi Tam Đắc vẫn không chút dịch chuyển. Chị ta chực chờ sự giúp đỡ để đẩy thân thể Vi Tam Đắc lên phía trên, giảm bớt lực siết của sợi dây buộc quanh cổ y. Song lúc này chị ta cũng chỉ trông cậy được vào bà lão đang ở bên cạnh mình mà thôi. Bà lão ắt hẳn là muốn giúp chị ta, song muốn giúp cũng chẳng dễ gì, bởi lẽ bà lão vừa thấp vừa còng lưng ấy phải nhảy lên thì may ra mới chạm được tới người Vi Tam Đắc. Lần thứ nhất cẫng chân nhảy, bà lão bắt được chiếc giày xỏ ở một bên chân, nhưng khi bà lão hạ mình và cánh tay xuống thì chiếc giày ấy cũng rơi xuống theo. Bà lão lại nhảy lên lần nữa thì túm được ống quần của Vi Tam Đắc, lần này thì chiếc quần của Vi Tam Đắc đã bị tụt xuống. Từ xa nhìn lại, cặp đùi trắng hếu mà thuôn dài kia giống như hai thớ thịt tươi treo trên gác bếp, còn cái vật mềm nhũn, lông mọc tua tủa nằm giữa cặp đùi khiến ai nhìn gần lại thấy như cái dái dê. Kẻ ngó xa nghía gần, người há mồm trợn mắt, kẻ cúi đầu ngượng nghịu, có kẻ lại vênh mặt cười mỉa.
Bà lão và thiếu phụ kia đâu ngờ lại bị rơi vào tình cảnh trớ trêu ấy. Bọn họ cũng chỉ muốn cứu Vi Tam Đắc thôi mà, bởi nghĩ y còn sống. Song từ hành động và hậu quả gây ra, lại chẳng giống như đang cứu người, trái lại, còn như là bêu riếu, sỉ nhục Vi Tam Đắc thì đúng hơn. Bởi vì sự thực là quần của Vi Tam Đắc đã bị tuột mất.
Nhưng chuyện này xảy ra thì cũng không lấy gì làm lạ. Lúc Vi Tam Đắc còn sống, y đã làm tổn thương hai người phụ nữ này không biết bao nhiêu lần, bất kể họ, một người là mẹ y, một người là vợ y. Tội lỗi mà y gây ra cho họ, tội lỗi mà y gây ra cho cả cái làng này, dù có chết cả chục lần cũng chẳng thể chuộc hết được. Vậy thì sao mà bảo giống như đang sỉ nhục được.
Hai người phụ nữ một già một trẻ ấy vẫn nôn nóng muốn đẩy thân thể Vi Tam Đắc lên, song mọi cố gắng đều vô ích. Việc Vi Tam Đắc bị treo lên cây như thể đã được tính toán từ đầu, gót chân cách mặt đất chừng hai mét, ai muốn cứu y thì cũng đừng hòng với tay tới, chết là cái chắc. Hai người phụ nữ hình như đã nhận ra được điều này, quan trọng hơn là hai người còn phát hiện ra Vi Tam Đắc đã chết, đã tắt thở trước đó lâu rồi, đã hết đường cứu mạng. Vậy là đành từ bỏ.
Mẹ của Vi Tam Đắc quỳ bệt dưới mặt đất, lay lóc gào khóc. Còn vợ của Vi Tam Đắc lại không quỳ, cũng chẳng khóc, chị ta thẫn thờ đứng đó, mình mẩy hơi lay động, run rẩy, cứ như người bị trúng phong. Đó là một buổi sớm gió lộng tê tái. Nhưng có điều, hình như chị ta không phải run rẩy vì gió lạnh, mà đúng hơn là vì sự lạnh nhạt của những kẻ xung quanh.
Trong số đó có một người đàn ông lớn tuổi nhìn sự việc không lọt mắt, vậy là tiến lên phía trước, đoạn hô hào thêm vài thanh niên nữa. Bọn họ tháo nút dây buộc trên cành cây đa, siết chặt một đầu dây, rồi từ từ thả ra. Vi Tam Đắc dần hạ xuống, rồi được hai thanh niên đỡ lấy, đặt nằm trên mặt đất.
Trước đó, người đàn ông lớn tuổi đã kéo chiếc quần bị tuột lên cho Vi Tam Đắc. Xong rồi, ông ta nhìn vào cặp mắt trố trơ trơ của Vi Tam Đắc mà than rằng:
“Tam Đắc ơi là Tam Đắc, dái chim của mày đã hại đời bao nhiêu đàn bà con gái ở cái làng này thì giờ cũng đã đến lúc nghỉ ngơi được rồi. Hoàng đế chẳng qua cũng sung sướng giống mày thôi, đừng có chết rồi mà vẫn không nhắm mắt. Hừ, nhắm mắt lại đi.”
Người đàn ông lớn tuổi vừa nói vừa đưa tay vuốt mắt cho Vi Tam Đắc. Chắc là do người đàn ông này ăn nói có lòng thành, đức cao vọng trọng, Vi Tam Đắc quả là đã nghe lời mà nhắm mắt.
Người đàn ông này còn tìm thấy một bức di thư trong túi áo của Vi Tam Đắc.
Nội dung bức di thư như sau: “Vi Tam Đắc tôi đã gây ra nhiều tội lỗi, nay lấy cái chết để đền tội, mong sao mọi người được vui vẻ ăn Tết! Vi Tam Đắc.”
Bức di thư viết sai chính tả được nhiều người truyền tay nhau đọc, xong chẳng ai muốn giữ lại, nên lại nhét vào trong túi áo y. Ai nấy như đều tìm thấy chút lương tri trong con người y, bởi vậy mà ánh mắt thù hận cũng nguôi ngoai.
Vợ của Vi Tam Đắc nãy giờ vẫn đứng đấy, chẳng khóc chẳng rằng. Chị ta không ngờ lại nhận được sự cảm thông, thương hại của mọi người, lúc này bỗng như kẻ mù lòa trông thấy ánh sáng. Chị ta chợt quay người lại quỳ xuống trước mặt đám đông, khấu đầu, vừa khóc vừa tạ ơn, thay chồng tạ tội.
“Hoàng Nguyệt Thu tôi xin cảm tạ mọi người trong làng!” Người đàn bà tự xưng là Hoàng Nguyệt Thu nói.
“Xin được cảm tạ mọi người đã giúp tôi thu xác. Hoàng Nguyệt Thu tôi bạc mệnh, số khổ, hèn hạ được gả tới làng Thượng Lĩnh làm vợ của Vi Tam Đắc. Vi Tam Đắc là tên xấu xa, đểu cáng vô độ. Không, hắn vốn không phải con người, hắn là tên súc sinh, mà cũng chẳng bằng súc sinh, chẳng bằng cầm thú. Hắn rước đủ mọi tai vạ cho cả làng, rồi còn chà đạp không biết bao nhiêu đàn bà con gái, giờ thì chết quách đi rồi. Tôi biết, hắn ta có chết cũng không đền hết tội. Hắn gây ra quá nhiều nghiệp chướng, có chín cái mạng cũng chẳng chuộc hết, ngàn lưỡi dao xẻo xác hắn cũng không báo hết thù, cũng không giải hết hận. Tôi số khổ, bạc mệnh, hèn hạ nên mới làm vợ của Vi Tam Đắc, Vi Tam Đắc chết rồi, đi rồi, tội lỗi vẫn còn đó. Tôi thay hắn ta chuộc tội với dân làng! Xin được chuộc lỗi! Xin được chuộc lỗi… Bây giờ người cũng đã chết rồi, tội cũng đã chuộc rồi, tôi xin dân làng giúp tôi chôn cất Vi Tam Đắc. Ngày mai chôn, không, hôm nay phải chôn ngay. Tết tới nơi rồi, tôi không muốn ảnh hưởng mọi người đón Tết. Chôn càng sớm càng tốt, như vậy ăn Tết mới ngon. Chỉ mong mọi người trong làng vui vẻ, phấn khởi đón Tết.
Ai nấy đều cảm động trước lời lẽ biết điều, thấu tình đạt lý của người đàn bà mệnh khổ này. Đa phần đã không còn viện được lý do để tiếp tục thù hận Vi Tam Đắc, cũng không có lý do để cự tuyệt lời thỉnh cầu của Hoàng Nguyệt Thu. Vẫn là người đàn ông lớn tuổi có lòng thành, đức cao vọng trọng lúc trước đứng ra hô hào, động viên, bố trí trai tráng, dân làng nghe lệnh mà làm theo. Cả toán người ào ào hành động, mỗi người một việc, nào là nhập liệm, nhập quan, chọn đất, đào mồ, xem giờ, lo liệu đám tang cho Vi Tam Đắc…
Ngôi làng bỗng sôi động hẳn lên.
Dây pháo đốt ra từ nhà Vi Xương Anh có thể xem là âm thanh đầu tiên đánh tan bầu không gian u uất của ngôi làng, khiến cả thôn làng náo nhiệt hẳn.
Ngôi nhà của gia đình Vi Xương Anh nằm tách biệt trên đỉnh dốc, là ngôi nhà rách nát nhất nhưng lại cao nhất làng Thượng Lĩnh. Nói là cao, chẳng qua là vì nó nằm ở trên đỉnh dốc, chứ ngôi nhà ấy thực chất lại thấp lè tè. Nói là rách nát, là bởi nếu so với những ngôi nhà tầng bằng xi măng cốt thép thì nó thực là thảm hại. Ngôi nhà này của Vi Xương Anh vẫn là nhà vách đất từ đời ông cha để lại. Tuy đời nào cũng được tu sửa, cơi nới cho rộng thêm, nhưng cũng không thay đổi được bản chất nhà đất của nó. Cũng giống như Vi Xương Anh, dù anh ta làm bảo vệ hay thợ sửa chữa trong thành phố, thì cũng không thay đổi được bản chất nông dân của mình.
Vi Xương Anh đâu phải không cất nổi nhà tầng, anh ta đi làm thuê làm mướn bên ngoài đã mấy năm nay, chắc hẳn cũng dành dụm được chút ít, muốn xây một ngôi nhà bằng gạch vữa xi măng cũng chẳng khó gì. Song Vi Xương Anh lại không xây nhà. Cớ chi mà anh ta lại làm vậy? Chuyện này thì thằng con sáu tuổi của anh ta là rõ nhất.
Lúc thằng bé mới chỉ lên ba, cha nó đã căn dặn rằng: “Con trai à, khi nào mày lên bảy tuổi, cha sẽ đón mày lên thành phố học, cha sẽ đón cả u mày lên đó ở cùng, rồi cả nhà ta sẽ chuyển sang ở nhà tầng, không phải làm nông dân nữa. Thế nên ngôi nhà chúng ta đang ở không cần phải xây lại làm gì cho phiền…”
Vi Xương Anh lần nào từ tỉnh về cũng đều chuốc vào đầu thằng bé cái cuộc sống lý tưởng ấy. Năm này thằng bé đã sáu tuổi, cũng gần lắm với cuộc sống lý tưởng mà cha nó hứa hẹn rồi. Chỉ có điều năm nay cha nó về nhà lại không thấy nhắc tới chuyện ấy nữa. Cha nó thì cứ tưởng nó đã quên béng đi rồi, nhưng mà nó thì vẫn còn nhớ lắm, bởi lẽ lên thành phố học cũng là giấc mơ của nó.
Xế chiều hôm qua, thằng bé đã hỏi Vi Xương Anh:
“Cha ơi, con lại lớn thêm một tuổi rồi, lên sáu rồi đấy, chỉ cần thêm một tuổi nữa là có thể lên thành phố học rồi phải không?”
Vi Xương Anh mới về nhà được hai ngày liền hằn ngay một cái bạt tai lên mặt thằng bé.
Vi Xương Anh cớ sao lại ra tay với thằng bé như vậy? Bởi vì Vi Xương Anh lúc ấy đang điên tiết, đang não ruột, nguyên nhân cũng có thể xem như là liên quan tới chuyện này.
Ấy là lúc đương bữa cơm, Vi Xương Anh đang vùi đầu uống rượu thì bỗng dưng nói với chị vợ Tô Xuân Quỳ rằng:
“Ra Tết tôi không đi làm thuê nữa.”
Chị vợ đang ngậm trong mồm miếng thịt còn chưa kịp nhai, bèn hỏi:
“Sao thế hả?”
Vi Xương Anh chỉ đáp lại rằng: “Đếch muốn đi nữa.”
Tô Xuân Quỳ lại hỏi:
“Sao lại không muốn đi?” Vi Xương Anh đáp:
“Đếch muốn đi thế thôi.” Tô Xuân Quỳ:
“Không muốn là không đi? Anh tưởng anh là hoàng đế à? Anh không đi mà được chắc? Mấy miệng ăn nhà này đều dựa tất vào đồng tiền anh kiếm đấy.”
Vi Xương Anh bảo:
“Tao ở thành phố ngán lắm rồi, thấy ở quê vẫn hơn, vậy đã được chưa?”
Tô Xuân Quỳ có đôi mắt đẹp lại chẳng coi chồng mình ra gì, nói thực trong mắt chị ta, chồng mình là cái hạng chẳng được tích sự gì. Là đàn ông trong nhà, còn hứa hẹn sẽ đưa con cái lên thành phố học, rồi còn đón cả nhà lên thành phố, đúng thật là nói khoác không cần nộp thuế.
Vi Xương Anh liếc mắt nhìn vợ bảo:
“Mày muốn tao ra ngoài, mày lại không muốn tao ở nhà như vậy. Tao không ở nhà, hay ho gì cho mày?”
Tô Xuân Quỳ ngẩn người, đáp lại: “Ý anh là gì?”
“Tao không yên tâm với mày, ý tao là vậy đó.” Vi Xương Anh lại nói tiếp:
“À, tao phải đi khỏi cái nhà này thì mày mới yên tâm phải không?”
“Vi Xương Anh, anh cứ nói thẳng ra, anh nói vậy là có ý gì?”
Vi Xương Anh nốc liền hai chén rượu, mặt đỏ ngầu, trợn mắt chỉ tay vào mặt Tô Xuân Quỳ mà nạt:
“Tô Xuân Quỳ, tao hỏi mày, mày và Vi Tam Đắc đã làm cái chuyện kia chưa?”
Tô Xuân Quỳ hỏi:
“Chuyện kia là chuyện gì?”
“Thì là cái chuyện đó chứ còn chuyện gì.”
Đoạn anh ta còn làm động tác, ngón tay trỏ bên phải chọc vào hốc nắm tay trái, rút ra chọc vào hai lần liền.
Tô Xuân Quỳ hỏi:
“Chuyện đó, chuyện kia là cái gì, tôi không hiểu.” Vi Xương Anh đưa tay vỗ đùi:
“Tô Xuân Quỳ, cái lỗ của mày bị nó chọc nát rồi, còn giả bộ gì nữa, mày tưởng tao là thằng ngu hay sao? Rốt cuộc là mày với Vi Tam Đắc có làm cái chuyện đó hay không, mày nói đi.”
Tô Xuân Quỳ đáp: “Không có.”
Vi Xương Anh vặn hỏi: “Không có?”
“Không có thì là không có chứ sao.”
“Vậy thì sao lại có người mách tao là có?”
Tô Xuân Quỳ quẳng đũa lên mặt bàn, gằn giọng nói: “Đứa nào mách?”
“Đứa nào mách mày không cần biết, mày chỉ cần trả lời tao là có hay không thôi.”
“Tôi bảo không có thì anh không tin. Tôi bảo có thì anh mới tin phải không?”
“Ừ thì đúng vậy đấy.”
Mời các bạn đón đọc Thượng Lĩnh Án của tác giả Phàm Nhất Bình.