Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ký Giả Chuyên Nghiệp: Lý thuyết và Thực hành trong các ngành Truyền Thông Đại Chúng

LỜI DỊCH GIẢ

KÝ GIẢ CHUYÊN NGHIỆP là bản dịch cuốn THE PROFESSIONAL JOURNALIST của John Hohenherg, một cuốn sách đang được sinh viên báo chí học và các giới trong các ngành truyền thông đại chúng tìm đọc.

Tác giả là giáo sư Báo Chí Học tại Trường Cao Học Báo Chí, Viện Đại Học Columbia, New York từ 1950, và từ 1954 đến nay, Ông là Thư Ký Ủy Ban Cố Vấn các giải thưởng Pulitzer do Viện Đại Học này quản trị.

Trước khi đảm nhiệm những chức vụ kể trên, John Hohenherg đã từng là ký giả, trong 25 năm, hoạt động ở Hoa Kỳ cũng như ở ngoại quốc. Năm 1963, ông đã thực hiện một cuộc hành trình qua nhiều thành phố ở Viễn Đông và Nam Á với tư cách một chuyên viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhờ cuộc hành trình này, ông đã viết được cuốn Between Two Worlds (Giữa Hai Thế Giới) trong đó ông trình bày những liên lạc giữa Á Châu và Hoa Kỳ qua các chính sách, báo chí và dư luận quần chúng. Ngoài ra, ông còn là chuyên viên nghiên cứu báo chí của Trung Tâm Đông Tây (East-West Center) ở Honolulu, Hawaii.

Ông viết nhiều cuốn sách chuyên về báo chí học trong số đó có những cuốn: Foreign Correspondence: The Great Reporters and Their Times; The News Media: A Journalist Looks at His Profession; The Pulitzer Prize Story, vân vân.

Nhờ những công trình đặc biệt đóng góp cho bộ môn báo chí học, John Hohenherg đã được hai lần giải thưởng Sigma Delta Chi trong những năm 1965 và 1968.

Cuốn sách mà chúng tôi phiên dịch đây là nhuận bản lần thứ ba của cuốn THE PROEESSIONAL JOURNALIST do nhà xuất bản Holt, Rinehart và Winston ở Hoa Kỳ phát hành trong năm 1973. Ấn bản thứ nhất đã được ra mắt từ 1960 và được coi như là một tài liêu giáo khoa căn bản cho những ai muốn theo học ngành báo chí. Nhuận bản năm 1969 với nhiều sửa chữa và nhiều tài liệu mới cũng rất được hoan nghênh.

So với những bản trước, bản này phong phú hơn nhiều vì trong lời tựa tác giả cho biết có đưa thêm vào rất nhiều tài liệu được cập nhật hóa và thí dụ mới, đề cập nhiều hơn đến các bộ môn truyền thanh, truyền hình, quảng cáo, giao tế quần chúng cũng như các vấn đề mới trong xã hội (tiêu thụ, sinh thái học, vân vân), nghiên cứu sâu rộng hơn các vấn đề xâm phạm đời tư, tự do thông tin và nhất là công việc thâu thập và soạn thảo tin tức, công việc chính yếu của người làm báo.

Chúng tôi nhận thấy trong tác phẩm của John Hohenherg, của một người từng lăn lóc nhiều năm trong nghề và hiện đang giữ một địa vị quan trọng trong ngành giáo dục báo chí Mỹ, có nhiều điều hữu ích cho những người muốn tìm hiểu nghề làm báo và làm tin tức trong các bộ môn truyền thông đại chúng nên cố gắng phiên dịch ra Việt ngữ. Tuy nhiên, trong cuốn THE PROFESSIONAL JOURNALIST, vì được soạn thảo cho những người làm báo Anh ngữ nên có một số chi tiết không thích hợp với giới làm báo Việt ngữ ở đây, nhất là những đoạn nói về việc sử dụng Anh ngữ. Bởi vậy, chúng tôi đã bỏ hẳn một số đoạn văn không dịch hoặc chỉ lược dịch một số đoạn văn khác. Dĩ nhiên, đó là công việc giản lược duy nhất và tối thiểu đối với tác phẩm giá trị này.

Chúng tôi ước mong cuốn sách dịch này sẽ giúp ích được phần nào cho những ai muốn tìm hiểu kỹ thuật làm báo của nước người đề đem ứng dụng vào nghề này của nước ta ngõ hầu mang lại vài cải tiến nghề nghiệp trong làng báo Việt Nam.

L.T.B. và L.Đ.Đ.

***

Trong những năm gần đây, ngành báo chí đã phát triển với quá nhiều chủ đề, vấn đề, thái độ và phương pháp mới khiến cho tôi phải hiệu đính phần lớn cuốn sách THE PROFESSIONAL JOURNALIST trong lần nhuận bản thứ ba này. Cuộc tranh đấu về “quyền được biết” (right to know) của nhân dân đã trở nên gay cấn. Tư thế của nền báo chí tự do và của nhà báo độc lập đã trở thành khó khăn hơn. Kỹ thuật tiến triển mạnh làm cho các phương pháp sản xuất báo chí thay đổi nhanh chóng, nhất là với phong trào bành trướng mạnh ra ngoài trung tâm thành phố và vài ba “tá” băng tần trên đài truyền hình không còn là một ước mơ nữa.

Tất nhiên, tinh thần thay đổi trong kỷ nguyên hỗn loạn này đã có ảnh hưởng đến công cuộc giáo dục báo chí ở Hoa Kỳ. Nó sẽ được phản ánh qua những trang sau đây. Trong nhuận bản kỳ này, tôi đã thực hiện hàng trăm sự thay đổi, kèm nhiều thí dụ mới và nhiều trường hợp lịch sử. Những phần về phóng sự điều tra (investigative reporting) và dịch vụ công cộng của báo chí đã được mở rộng thêm cũng như phần nói về luật lệ báo chí bởi vì có sự thay đổi thái độ của tòa án và những phán quyết mới được để lại. Thêm vào đó, có những tài liệu mới về những phần chuyên biệt như giới tiêu thụ hàng hóa, sinh thái học, hội đồng báo chí (press councils) và việc sử dụng những văn kiện “mật”, cùng với những cuộc thảo luận về công việc của các “ký giả mới” (new journalists) và những vấn đề của báo chí truyền thanh và truyền hình. Cuộc phóng người lên cung trăng, những cuộc bang giao mới giữa Hoa Kỳ, Trung Hoa (lục địa) và Nga Sô cùng việc chú tâm đến một lối sống khả quan hơn cho tất cả mọi người Mỹ đã đem đến những kích thước mới cho công việc của ký giả như đã thấy qua vài thành tích mới đây trong công việc của cả báo in lẫn báo phát thanh. Sau hết, trong lần nhuận bản này, tôi dựa nhiều hơn vào những tài liệu của các giải thưởng Pulitzer, đặc biệt là những tài liệu mới với cố gắng là nâng cao những tiêu chuẩn nghề nghiệp của ký giả.

Hiệu đính cuốn sách này là công việc thích thú, trước hết bởi vì ấn bản đầu tiên đã được nhiều trường cũng như nhiều tổ chức nghề nghiệp chấp nhận trong chương trình giảng huấn. Về thực chất và các kỹ thuật của nghề báo, trọng điểm vẫn được đặt vào những tiêu chuẩn nghề nghiệp được đem ứng dụng cho các báo ngoại ô và báo tỉnh nhỏ (suburban and small city newspapers) và báo chí phát thanh (broadcast journalism) trong tất cả các giai đoạn. Từ khi đề tài phê bình xã hội (social crititism) đã được trình bày trong cuốn Các Phương Tiện Truyền Thông (The Mass Media), một cuốn sách dùng kèm với cuốn này, đề tài đó thật ra ít được đề cập đến ở đây nhưng không phải là gạt bỏ hẳn.

Trong nhuận bản lần này, trách nhiệm báo chí phục vụ quần chúng, tường thuật dư luận, làm tin ở thủ đô Washington và làm thông tín viên hải ngoại, cùng sự quan tâm liên tục về tự do báo chí và xử án công bằng. Nhuận bản mới cũng đề cập nhiều hơn đến sự thực hành và nội dung công việc của báo chí và hãng thông tấn rất ích lợi cho báo đô thị lẫn báo tỉnh và báo ngoại ô. Làm tin về những cuộc xáo trộn trong dân chúng là một trường hợp thích đáng trong lúc này. Cuộc tranh đấu cho bình đẳng là một trường hợp thích đáng khác. Còn nhiều trường hợp nữa mà phần lớn là những vấn đề xã hội to tát của thời đại chúng ta.

Cuốn sách được chia làm bốn phần. Phần I trình bày một khái niệm về công việc của ký giả và những phương tiện chính của anh như ngôn ngữ, phương pháp và những thủ tục căn bản. Phần II nói về cách thức sử dụng những phương pháp đó trong ngành báo in cũng như trong ngành bá âm. Phần III chuyên chú vào phóng viên, phần tử nòng cốt của mọi bộ môn báo chí, và bàn về những trách nhiệm, lề lối hành nghề, luân lý chức nghiệp của anh cũng như các luật lệ chi phối báo chí. Phần IV nói đến những khía cạnh mới của báo chí Mỹ, tư trào phục vụ công ích trong các ngành truyền thông, các cách dùng tin đào sâu (depth reporting), diễn giải (interpretation) và phân tích (analysis) trong các cột báo dành cho tin tức (news columns), làm tin về các vấn đề của giới tiêu thụ hàng hóa, về sinh thái học (ecology) cũng như các lãnh vực chuyên biệt khác cùng những thái độ luôn luôn biến chuyển và những đòi hỏi của nghề nghiệp. Tóm lại, hơn 75 trang tài liệu mới và thí dụ mới đã được đem vào nhuận bản lần này.

Tôi đặc biệt tri ân Tiến Sĩ Theodore Peterson, Khoa Trưởng Trường Báo Chí và Truyền Thông, Viện Đại Học Illinois, các giáo sư John B. Bremner, thuộc Viện Đại Học Kansas, và Henry F. Schulte, thuộc Viện Đại Học Syracuse, về những lời chỉ dẫn quí báu trong khi làm công việc hiệu đính. Tôi cũng tri ân những vị đã được đề tặng trên cuốn sách này.

Tôi chân thành cảm ơn về sự giúp đỡ tài liệu của những vị sau đây: William Attwood, chủ nhiệm tờ Newsday ở Garden City, New York; Floyd Barger, chủ bút tờ New York Daily News; Barry Bingham Jr., chủ nhiệm và Geoffrey Vincent, chủ bút chủ nhật tờ Louisville Courier JournalTimes; Malcolm A. Borg, phó chủ tịch chấp hành tờ The Record ở New Jersey; Benjamin C. Bradlee, chủ bút tờ Washington Post; Wallace Carroll, Chủ bút tờ Winston-Salem Journal and Sentinel ở Bắc Carolina; Otis Chandler, chủ bút tờ Los Angeles Times;Norman A. Cherniss, chủ bút tờ Riverside Press-Enterprise ở California; Edward R. Cony, chủ bút tờ Wall Street Journal; Reuyen Frank, chủ tịch phân bộ tin tức của hãng NBC; Wes Gallagher, chủ tịch hãng thông tấn The Associated Press, và John O. Koehler, tổng quản trị hãng này; Evarts A. Graham Jr., tổng thư ký tòa soạn tờ Saint Louis Post Dispatch, và David Lipman, phó tổng thư ký tòa soạn báo này; Martin s. Havden, chủ bút tờ Detroit News; James F. Hoge Jr. chủ bút từ Chicago Sun Times; John Hughes, chủ bút tờ Christian Science Monitor; Clayton Kirkpatrick, chủ bút tờ Chicago Tribune; Arthur E. Mayhew, chủ bút tờ Delaware County Times ở Pennsylvania; Bruce H. Mclntyre, chủ bút tờ Pontiac Press ở Michigan; John E. McMullan, chủ bút tờ Philadelphia Inquirer; George Merlis, trong hãng American Broadcasting Company; A.M. Rosenthal, tổng thư ký tòa soạn tờ The New York Times; Richard S. Salant, chủ tịch phân bộ tin tức hãng truyền hình CBS; H.L. Stevenson, chủ bút hãng thông tấn United Press International; Gordon Pates, tổng thư ký tòa soạn tờ San Francisco Chronicle, và Thomas Winship, chủ bút tờ The Boston Globe. Dĩ nhiên, quí vị không phải chịu trách nhiệm về những điều viết trong sách này và tác quyền về những tài liệu được in lại ở đây đã được các tổ chức liên hệ chấp thuận.

Lòng tri ân sâu xa nhất, một lân nữa được gửi đến tiện nội Dorothy Lannuier Hohenherg. Đối với thế hệ ký giả mới, tôi xin chúc các bạn may mắn, mạnh khỏe và đạt nhiều thành tích.

Viện Đại Học Columbia

John Hohenherg

Tháng Tám 1972

Mời các bạn đón đọc Ký Giả Chuyên Nghiệp: Lý thuyết và Thực hành trong các ngành Truyền Thông Đại Chúng của tác giả John Hohenberg.