Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trong Chiến Hào Stalingrad

Vích-to Nê-cơ-ra-xốp sinh năm 1911 ở thành phố Ki-ép, trong một gia đình bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp khoa kiến trúc của Học viện Kiến thiết và trường diễn viên sân khấu năm 1936 ở thành phố Ki-ép, Nê-cơ-ra-xốp đã làm diễn viên và họa sĩ ở nhiều thành phố trong nước.

Từ năm 1941, nhà văn tương lai, trung đội trưởng trung đội công binh, đã chiến đấu trên mặt trận chống bọn phát-xít xâm lược, trong cuộc Chiến tranh Ái quốc vĩ đại và đã bị thương nặng. Nê-cơ-ra-xốp được tặng thưởng huân chương Sao Đỏ và nhiều huy chương.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Nê-cơ-ra-xốp đi vào con đường sáng tác văn nghệ. Cuốn Trong chiến hào Xta-lin-gơ-rát của ông, xuất bản năm 1946, được tặng Giải thưởng Quốc gia. Nhà văn - chiến sĩ Xê-vô-lốt Vít-snhép-xki, tác giả cuốn Bi kịch lạc quan đã viết: «Đến nay, tác phẩm đó có giá trị nhất và chính xác nhất viết về những sự kiện ở Xta-lin-gơ-rát». Những năm tiếp sau, Nê-cơ-ra-xốp đã viết nhiều truyện ngắn về đề tài chiến tranh, truyện vừa Trong thành phố quê hương, Kia-ra Ghê-oóc-ghi-ép-na, truyện phim và bút ký đi đường.

Hầu hết các tác phẩm của V. Nê-cơ-ra-xốp đều đã được dịch ra tiếng các dân tộc ở Liên Xô và tiếng nước ngoài.

***

Việc chiếm được thành phố Stalingrad có tầm quan trọng rất lớn đối với Hitler và cả Mussolini vì hai lý do chính. Thứ nhất, đây là một thành phố công nghiệp lớn nằm trên sông Volga - con đường giao thông vận tải mang tầm quan trọng chiến lược nối liền Biển Caspi và miền Bắc nước Nga. Vì vậy việc để mất Stalingrad vào tay phát xít Đức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận chuyển hàng hóa đến phía Bắc của đất nước. Thứ hai, việc đánh chiếm Stalingrad sẽ củng cố sườn phía Đông của quân Đức vốn đang tiến nhanh về vựa dầu tại vùng Kavkaz với mục tiêu cắt đứt nguồn cung ứng dầu hỏa cho Hồng quân Xô Viết.[23] Thêm nữa, thành phố này mang tên của lãnh tụ I. V. Stalin, việc đánh chiếm thành phố này cũng sẽ là một thắng lợi quan trọng về mặt tinh thần và tư tưởng.

Hồng quân Xô Viết nhận ra rằng họ đang chịu một sức ép nghiêm trọng về thời gian và nhân lực, vật lực, vì vậy tất cả những ai có thể cầm súng chiến đấu đều được điều về bảo vệ Stalingrad.[24] Vào thời kỳ này của chiến tranh, khả năng tác chiến cơ động cao của Hồng quân vẫn còn kém hơn so với phát xít Đức, tuy nhiên việc chiến đấu trong thành phố đã giúp giảm thiểu những thiệt thòi của Hồng quân vì nơi đây là địa bàn của việc giao tranh bằng vũ khí cầm tay của bộ binh chiếm ưu thế chứ không phải là nơi dành cho việc giao chiến giữa các lực lượng tăng thiết giáp.

***

Lệnh rút lui đến rất đột ngột, Chỉ mới hôm qua thôi, từ sư đoàn bộ đã gửi đến một bản kế hoạch chi tiết về các công tác phòng ngự: lập tuyến thứ hai, chữa đường sá, làm cầu con. Các đồng chí bảo tôi cho ba công binh để bố trí câu lạc bộ sư đoàn. Buổi sáng sư đoàn bộ gọi điện bảo phải chuẩn bị đón đoàn văn công ca múa của mặt trận. Thật không còn gì bình tĩnh hơn nữa! Nhân dịp đó, thậm chí tôi và I-go đã cạo râu, cắt tóc và gội đầu, đồng thời giặt áo mai-ô, quần đùi nữa, Và trong lúc chờ áo quần khô, chúng tôi nằm dài trên bờ sông con đã cạn, nhìn xem các chiến sĩ công binh của tôi đang làm những chiếc bè con cho trinh sát viên.

Chúng tôi nằm hút thuốc, đánh cho nhau những con ruồi trâu chậm chạp và béo quay bám trên lưng chúng tôi và nhìn xem anh trung đội phó của tôi đang lặn hụp trong nước, nhô cái mông trắng trẻo và những gót chân đen đủi để thử xem chiếc bè có chắc không,

Ngay lúc đó, La-da-ren-cô, liên lạc viên của ban chỉ huy, đã hiện ra. Từ xa tôi đã nhận ra anh đang ba chân bốn cẳng phóng qua vườn rau, một tay giữ khẩu súng trường lúc la lúc lắc vỗ vào lưng, Cứ xem cách chạy đó, tôi hiểu ngay là bây giờ chẳng còn có hòa nhạc hòa nhiếc gì nữa rồi. Chắc là lại có phái viên kiểm tra nào đấy từ quân đoàn hay mặt trận đến… Lại phải đi đến tiền duyên, phải trình bày kế hoạch phòng ngự, phải nghe những lời phê bình nhận xét. Thế là mất một đêm. Và người kỹ sư công binh phải chịu trách nhiệm về tất cả.

Nằm ở thế phòng ngự, thật chẳng có gì tệ hơn nữa. Đêm nào cũng có phái viên kiểm tra đến. Mà mỗi ông một tính. Cái đó thì nhất định là như thế rồi. Ông này thì bảo là chiến hào quá chật, khó khiêng thương binh, khó vác súng máy. Ông kia thì kêu là chiến hào quá rộng, mảnh bom sẽ rơi vào. Ông thứ ba thì nói là ụ đất phía ngoài công sự thấp: đáng lẽ phải bốn tấc thế mà các ụ của anh, có thấy không, chưa đến hai tấc. Ông thứ tư thì ra lệnh hoàn toàn san phẳng những ụ ấy đi, vì chúng chỉ làm hỏng ngụy trang. Thế thì làm thế nào để vừa lòng mọi người được. Còn kỹ sư công binh của sư đoàn thì chẳng chú ý gì đến cả. Hai tuần ông ta mới đến một lần, nhưng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa suốt tiền duyên mà thôi và chẳng nói được điều gì có ích cả. Còn tôi thì lần nào cũng phải bắt đầu làm lại và phải đứng nghiêm nghe những lời quở trách của trung đoàn trưởng: «Này, đồng chí kỹ sư kính mến ơi, đến bao giờ đồng chí mới học đào chiến hào cho ra hồn được, hở?…»

La-da-ren-cô phóc qua hàng giậu.

- Việc gì thế, hở cậu?

Anh vừa lấy mũ ca-lô lau trán ướt đẫm mồ hôi, vừa há mồm răng trắng hếu đáp lại:

- Tham mưu trưởng gọi.

- Gọi ai? Gọi tôi à?

- Gọi cả đồng chí lẫn trưởng ban hóa chất. Tham mưu trưởng bảo là sau năm phút phải có mặt.

Không, thế nghĩa là không phải phái viên kiểm tra.

- Thế cậu có biết gọi để làm gì không, hở.

- Có trời mà biết được. - La-da-ren-cô nhún vai ướt đẫm mồ hôi đáp. - Làm sao mà hiểu được… Tất cả liên lạc đều phái đi hết. Đại úy vừa nằm xuống ngủ, thì ngay lúc đó sĩ quan thông tin đến.

Thế là đành phải mặc quần đùi, áo mai ô còn ẩm và đi đến sở chỉ huy. Các trung đội trưởng đều cũng được gọi đến cả.

Tham mưu trưởng Mác-xi-mốp không có ở đây. Anh ta đang ở chỗ trung đoàn trưởng. Ở nhà hầm sở chỉ huy có cán bộ chỉ huy các đơn vị đặc biệt và những nhân viên tham mưu. Trong số tiểu đoàn trưởng chỉ có Xéc-ghi-en-cô, chỉ huy tiểu đoàn ba. Chẳng ai hiểu rõ đầu đuôi gì cả. Trung sĩ Dơ-vê-rép, sĩ quan thông tin, cao lêu nghêu đang loay hoay với chiếc yên ngựa. Anh ta vừa thở ì ạch, vừa gắt gỏng, nhưng chẳng tài nào kéo nổi sợi dây chằng.

- Sư đoàn bộ đang chuẩn bị rút. Chỉ có thế thôi…

Ngoài ra, anh không còn biết gì thêm nữa.

Xéc-ghi-en-cô nằm sấp, đang gọt mảnh gỗ gì đấy và lầu bầu như mọi khi:

- Chỉ vừa mới thu xếp xong buồng khử trùng, thì đã phải rút. Mẹ kiếp, đời lính chó má thật! Các chiến sĩ thì quào đến bật máu đầu, mà chẳng làm thể nào giết sạch chấy được…

Xa-mu-xép, chỉ huy tổ súng chống tăng, có mái tóc vàng và cặp mắt xanh, nhoẻn miệng cười khinh bỉ:

- Hừ, buồng khử trùng của cậu thì quan trọng quái gì… Chỗ tớ một nửa quân số sau khi tiêm thuốc xong, lưng bị sưng lên như thế này. Người ta tiêm vào xuýt nữa thì đến một cốc thuốc quỷ quái gì đấy. Bây giờ thì mặc sức mà rên rỉ, kêu ca…

Mời các bạn đón đọc Trong Chiến Hào Stalingrad của tác giả V. Nê-cơ-ra-xốp.