Hôm ngồi chơi cờ ở Câu lạc bộ Người Cao Tuổi, trong sự rì rào của mọi người chung quanh, cái tên "bà cụ Quất" bỗng lọt vào tai ông Hưng một cách tình cờ, nhưng chợt nó sáng loè lên trong đầu óc của ông như sựï thức tỉnh sau một cơn mơ dài.
Cái tên gợi lại cho ông cả một thời son trẻ xa xưa mà trong suốt bao nhiêu năm lăn lộn trong cuộc sống, chưa một lần nó làm ông bận tâm tới. Đất nước ngổn ngang, công tác bộn bề cả trăm thứ việc, đó là lý do mà ông có thể nhẹ nhàng rũ bỏ mọi thứ tình cảm lấn quấn riêng tư, kể cả cái khung trời xưa cũ, nơi mà ông đã từng gửi gấm biết bao nhiêu tâm tình cũng như những sôi sục nhiệt huyết của lớp tuổi thanh niên trong thời kỳ tiền cách mạng.
Ngay chiều hôm ấy ở Câu lạc bộ trở về, ông nói với người con trai :
- Thôi, bố không đi Mai Châu ăn tết Mường nữa đâu. Cả nhà cứ đi theo kế hoạch đi.
Người con nhìn ông hơi một thoáng kinh ngạc, nhưng rồi cũng nhún vai:
- Tuỳ bố thôi. Để con bảo chúng nó sắp sẵn xe riêng cho bố.. Mà bố định đi đâu ?
Ông Hưng giọng quả quyết :
- Tao về Canh-Diễn !
Con trai ông, một Vụ trưởng còn đang tại chức, chợt "à" lên một tiếng rồi cất giọng hơi có vẻ châm biếm:
- Ôi dà, tưởng bố đòi sang Tây sang Mỹ gì, chứ về cái nơi đó thì có gì mà vui, toàn những xóm làng nhếch nháp.
Rồi hắn nhún vai:
- Nhưng bố thích thì cứ việc !
Thế là vào những ngày cận Tết, ông Hưng leo lên chiếc xe bóng lộn do người con trai sắp xếp, với nhiều món quà lỉnh kỉnh mang theo.
Tay tài xế là một cậu khá trẻ, ăn bận bảnh bao, mồm miệng nhanh nhẩu, cử chỉ nhậm lẹ, rõ ra là một người tháo vát. Ông Hưng hỏi :
- Cậu có chắc là xe hơi về tới tận cổng làng không ?
- Ôi, cái chỗ đó con đi mấy lần rồi, ông đừng lo. Đường xá bây giờ mở rộng, nhựa trải phẳng lì.
Như sợ cậu tài chưa hiểu cái chỗ mình sẽ tới, ông cố gặng thêm:
- Cái đó thì tôi cũng biết rồi. Nhưng nhựa chỉ trải trên con đường tới Nhổn thôi. Còn mình phải đi sâu nữa….
- Con biết chứ ! Ở đây mình qua cầu Diễn rồi vào ngã tư Nhổn. Từ ngã tư Nhổn mình rẽ vào con đường đi Canh, đi Sấu, đi Giá theo ngả con đê Phùng chứ gì !
Mặt ông Hưng rạng rỡ hẳn lên khi thấy cái sự thông thuộc đường đi nước bước của chú tài. Ông đáp với giọng thoả mãn :
- Ừ, đúng đấy. Ai mà ngờ nhiều con đường tí teo thế mà bây giờ lại trải cả nhựa để cho ô tô đi. Mà chẳng biết cái chợ Đìa ấy bây giờ còn không ?
Cậu tài hơi nhỉnh mặt lên muốn như chế giễu cái sự lạc hậu của ông, rồi cậu vừa liếc ông qua kính chiếu hậu vừa trả lời :
- Chợ dẹp rồi, ông ơi. Bây giờ nó biến thành cái phố nhỏ, người ta xây cất nhà cửa tràn lan khắp mọi chỗ rồi.
Lòng ông Hưng bỗng thoáng một nét buồn, đồng thời hình ảnh của ngôi chợ cũ ngày xưa bỗng hiện rõ lên trong trí nhớ. Ngày đó, bốn bề là đồng không mông quạnh, gió lồng lộng thổi qua những căn lều lụp sụp, vách thưa, mái xô lệch mà ở đấy, quanh năm, dân làng tụ họp để mua bán, đổi chác những bó rau, những lon gạo, những giỏ tép, những trái cây mới hái xuống từ các vườn cây quanh nhà. Ngôi chợ trở nên ồn ào nhất là vào những dịp giáp tết mà hình ảnh của nó càng trở nên sống động hơn trong trí nhớ của ông qua những câu thơ của Đoàn văn Cừ mà đã có thời gian ông thuộc nằm lòng :
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu
Áo cụ Lý bị người quen sấn kéo
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi….
Bây giờ, chiếc xe hơi chở ông Hưng đang lăn qua khu chợ ấy. Chú tài xế quơ tay ra ngoài kính xe :
- Chợ Đìa là đây. Ông thấy còn có cái gì dính dấp với ngày xưa không ?
Ông Hưng nhìn ra lòng không khỏi bàng hoàng khi thấy hai bên mặt đường, nhà cửa đã cất lên san sát, cái đã lên tầng, cái còn mái tôn, cái thụt vào, cái chìa ra với những hàng hiên bầy bán đủ loại hàng hoá : có nhà bán than, có nhà bán gạo, có nhà bán xi măng, lại cũng có nhà chất từng dẫy những bình ga đun bếp. Rồi quán cà phê, quán cơm phở, quán cho thuê băng hình, quán hát karaôkê, mọi thứ cứ xen kẽ mà mọc liên tiếp nhau trên một chặng đường dài.
Người xưa, cảnh cũ đã tan biến vào dĩ vãng ! Ông Hưng mệt mỏi quay mặt vào trong xe và ngả hẳn người xuống lưng ghế, hai mắt nhắm nghiền như để xua đuổi những hình ảnh vừa hiện ra trước mắt.
***
Ông muốn níu kéo lại ngày xưa ! Cái ngày mà ở nơi chốn làng quê hẻo lánh này tưởng nó cách xa hẳn với đời sống bên ngoài, với những con đường nhỏ luồn lách qua những bụi tre vang tiếng kẽo kẹt theo gió, chui qua cái cổng làng xây gạch để đi vào từng con ngõ nhỏ có những mái nhà tranh nằm im lìm dưới bóng mát của những cây ổi, cây hồng bì, cây na, cây nhãn hay những giàn mướp, giàn thiên lý đang trổ hoa. Con đường làng nhiều chỗ đã được lát gạch dẫn qua nhiều ngả ngóc ngách có những chiếc cầu tre bắc qua từng mương nước mà vào buổi trưa hè với cái nóng nung nấu, không gian im ắng đến có thể nghe thấy tiếng cá quẫy nước trong bờ mương hay tiếng những chim vành khuyên vỗ cánh bay qua đám hoa lựu đỏ lừ. Rồi khi chiều xuống, lúc ánh trăng chưa lên khỏi ngọn cau đã thấy đom đóm lập loè từng đàn, từng tốp bay trên những lùm cây đang yên ả trong vườn. Trẻ con người lớn kéo hết ra sân, trải chiếu ngồi đón gió, ngắm trăng. Trên tầng cao, bầu trời trong vắt không một dải mây có những vì sao mọc lên nom long lanh ướt làm lũ nhỏ chen nhau nằm ngửa, ngước mắt lên trời để thi nhau đếm:
- Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng….(cứ thế mãi cho đến lúc mỏi mồm).
Trong khi ấy, lửa trong gian nhà bếp đun rơm vẫn bập bùng cháy dưới những nồi khoai lang luộc mà khi khoai chín tới, một mùi thơm lừng theo khói bếp lan toả ra tận ngoài sân, làm cho mấy bát cơm lùa chung với cà muối và rau muống chấm tương vừa ăn hồi chiều đã tiêu ngót ngay đi để dạ dầy sẵn sàng đón nhận những củ khoai nghệ sẽ được bưng ra trong cái rổ con còn nghi ngút khói.
Cái đồng quê êm ả ấy, riêng ở chốn này, vào cái thời ông Hưng còn trai trẻ, thế mà cũng đã từng chứng kiến biết bao nhiêu những hoạt động hào hứng, sôi nổi của đám thanh niên nam nữ ở cả địa phương cũng như ở trên tỉnh mò về.
Họ rủ nhau hoạt động cách mạng !
Khi Phong trào Truyền bá Quốc ngữ nở rộ ra tại nhiều nơi, thì cũng chính ở đây, Hưng và nhiều bạn bè đồng lứa tuổi, những thanh niên tràn đầy nhựa sống và dạt dào lòng yêu nước, cũng đã mở ra rất nhiều lớp xoá nạn mù chữ cho mọi người. Đồng quê, xóm làng ngày nào, chỗ nào cũng vang lên những câu hát :
i tờ (t) giống móc cả hai
i ngắn có chấm, tờ (t) dài có ngang…
O tròn như qủa trứng gà
Ô thì đội mũ, Ơ là thêm râu….
Lý tưởng giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đem lại cho mọi người một đời sống ấm no, hạnh phúc như một thôi thúc mãnh liệt thúc đẩy toàn đám thanh niên nam nữ trong làng nhất tề kéo nhau tham gia đủ mọi thứ sinh hoạt : truyền bá quốc ngữ, học múa võ xuống bình tấn, đinh tấn hay múa bài Mai Hoa Quyền, tập bắn súng gỗ , ném lựu đạn giả, tập đánh trận giả qua những lùm cây bụi cỏ hay quanh những bờ ao, bờ chuôm. Thậm chí có người còn muốn học cả Anh văn để có thể hiểu được những câu khẩu hiệu bằng Anh ngữ : Vietnam to the Vietnamse mà lũ nhỏ đã diễn dịch nôm na là Việt nam to thế Việt nam mẹ sề !
Và hàng đêm những tiếng hát cũng ở đâu đó vang lên :
Anh em trong đoàn quân du kích
cùng vác súng lên nào
Đi lên ! Đi lên !
Xuyên qua rừng qua núi
Qua mây mù đêm tối
Vượt suối băng ngàn…..
Rồi có những bài hát rất kích động lòng người như bài "Người Việt Nam Xin Đừng Quên" :
Người Việt Nam xin đừng quên
Hơn sáu mươi niên
Loài lang thú chuyên quyền
Róc xương thịt mình
Người Việt Nam
Khốc tàn..điêu linh
Mời các bạn đón đọc Mưa Xuân của tác giả Nhật Tiến.