Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mưa Nhã Nam

Mưa Nhã Nam một tác phẩm dã sử của Nguyễn Huy Thiệp, kể "một câu chuyện nhỏ về Hoàng Hoa Thám" - một vị anh hùng trong chính sử, nhưng qua ngòi bút của tác giả những góc rất đời thường của vị anh hùng ấy lại hiển hiệnsw sự nhu nhược, bất lực và có giới hạn của một con người.

"Còn ông Đề Thám như tôi biết (tôi biết rõ ông ta): ông ta là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược."

"Mưa quất vào mặt ông bỏng rát. Ông bỗng òa khóc. Ông òa khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người. Đề Thám sụt sùi như một người thường: một anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, một viên công chức quèn, một chàng thợ bạc vụng về, một ông giáo nghèo… Ông khóc như một người nhu nhược nhất đời, một người suốt đời thỏa hiệp, không bao giờ dám bước qua lằn ranh bổn phận, nghĩa vụ, cương tỏa. Ông khóc như chưa bao giờ là một anh hùng, một người khởi nghĩa."

Đề tài lịch sử ở Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một sự nghi ngờ gợi mở và sáng tạo, qua tác phẩm, ông đưa bạn đọc về lại với vùng đất Nhã Nam nơi tháng tư có mưa, nơi có vị anh hùng vừa đáng trọng, vừa đáng thương – Đề Thám.

***

## “Mưa Nhã Nam” là tác phẩm đặc sắc của Nguyễn Huy Thiệp, lấy lịch sử làm chất liệu để xây dựng những khía cạnh rất đời thường, rất trần tục của Hoàng Hoa Thám – một vị tướng lĩnh trong lịch sử Việt Nam.

Ngắm mưa kể chuyện Hùm thiêng Yên Thế!

“Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa.”

Mưa tháng Tư ở Nhã Nam là thứ mưa đầu mùa vùng nhiệt đới, nhoằng một ánh chớp, một làn gió thoảng qua là mưa liền, không sao lường được, bỗng thoắt là mưa đá, sấm rền, sét nổ. Mưa tháng Tư đặc trưng ấy gợi cho nhân vật “tôi” nhớ và kể chuyện về một cơn mưa ở Nhã Nam, từ rất lâu rồi.

Khoảng năm nào đó trong hơn mười năm hòa hoãn giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Yên Thế, người Pháp thỉnh thoảng có mời Đề Thám về Hà Nội hoặc Bắc Giang chơi. Một kiểu mời đùa nhả trong chính trị. Từ chối thì bị xem là hèn nhát, có mặt thì bị xem là lố bịch. Thôi thì lố bịch còn hơn hèn nhát! Thế là Đề Thám quyết định đi, đi một mình, đi ngựa.

Trên đường đi, Đề Thám có ghé vào nhà cụ đồ Hoạt, và được nhờ vả làm sao để thằng Hoạt nhà cụ giữ được Xoan – người con gái mà trước đó được hứa gả cho Hoạt nhưng cha cô thì muốn trở mặt. Đề Thám nhận lời và thực sự cố gắng hoàn thành lời hứa, lại vô tình gieo đóa hoa đào.

Khi Đề Thám trở về sau bữa tiệc tiếp tân ở dinh công sứ Bắc Giang, ông gặp lại Xoan. Xoan níu kéo muốn đi theo Đề Thám, giữa đường họ gặp một cơn mưa. Mưa tháng Tư sấm rền sét nổ. Cơn mưa khiến Đề Thám không thể đi về Phồn Xương mà đành phải quay ngựa về Kế, chỗ ở của đồ Hoạt.

Xoan ở lại làm dâu cụ đồ, Đề Thám trở về Phồn Xương trong cơn mưa rền rĩ, bất lực và òa khóc, khóc cho mình, cho người, cho tất cả những hữu hạn của chính mình, của mỗi người.

Đề Thám trong “Mưa Nhã Nam”.

Đó là một anh hùng, cũng là một người nhu nhược.

Là một anh hùng. Dĩ nhiên Đề Thám là một anh hùng, dù ngoài hay trong văn chương, dù trước hay sau khi gặp Xoan.

“Đề Thám đi suốt đêm mưa trong rừng. Người ta kể rằng sáng sớm hôm sau ông cầm đầu một toán quân đánh dồn binh Pháp ở Kép, tất cả binh sĩ trong đồn đều bị giết sạch. Từ đấy chấm dứt thời kỳ hòa hoãn giữa ông và người Pháp.”

Là một người nhu nhược. Dẫu cảm nhận tình yêu của Xoan, cũng cảm nhận được tình cảm của mình, nhưng Đề Thám kiên quyết chối từ hết thảy, vì lời hứa với anh con trai bị tật của cụ Đồ Hoạt. Sự hữu hạn của cá nhân bởi trách nhiệm và bổn phận phải gánh trên đôi vai khi sống giữa cộng đồng và xã hội, đó là cách con người vươn tới điều thiện, là điều khiến con người trở nên cao cả.

Đêm mưa Nhã Nam ấy, một mình một ngựa quay về Yên Thế, Đề Thám oà khóc. Ông khóc sụt sùi như anh bán bánh đa mật ở chợ Kế, chứ không phải của một tướng lĩnh “hùm xám” khiến kẻ thù sợ hãi.

Một cuộc chuyện trò.

Nhân vật “tôi” – người kể chuyện trong “Mưa Nhã Nam”, đặt bản thân trong một cuộc đối thoại, một cuộc chuyện trò với nhiều người, khác nhau về độ tuổi và giới tính, đại diện cho nhiều đối tượng mang tiếng nói riêng, tiếng nói đó vọng lại trong âm hưởng của người kể chuyện. Đây là một cuộc đối thoại hai chiều.

“Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến bốn mươi tuổi chị sẽ trở thành bà lão.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu câm miệng, cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc.

Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả.”

Nhân vật “tôi” và người nghe trong “Mưa Nhã Nam”, cũng như vai trò của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và độc giả của ông. Nhà văn không áp đặt chân lý và người đọc cũng không bị động về tư tưởng, họ cùng nhau đối thoại một cách dân chủ với những tư tưởng ngang quyền.

Cũng giống như quan điểm của Shakespeare, trong lòng một ngàn người có một ngàn Hamlet, Nguyễn Huy Thiệp chỉ đóng vai trò là người kể chuyện, còn chân lý thuộc về mỗi độc giả.

Sự sáng tạo trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp.

Réne Descartes (1596 – 1650) – triết gia, nhà toán học, nhà khoa học Pháp – người nổi tiếng với câu nói:

“Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.”

Bằng cách bác bỏ phương pháp của phái Kinh viện, Descartes bắt đầu với sự hoài nghi mọi thứ, kể cả những gì ông trải nghiệm. Chỉ duy một điều Descartes không hề hoài nghi, đó là chính sự hoài nghi.

Descartes đặt nền móng cho chủ nghĩa duy lý hiện đại, cho tinh thần hoài nghi vạn vật, đã mở ra nhiều bước đột phá, đổi mới và cải cách. Đổi mới để tiến bộ là một quy luật tất yếu cho sự sống, khoa học hay nghệ thuật cũng vậy. Đặc biệt trong mảnh đất văn chương, sáng tạo là điều cốt lõi duy trì sự trù phú.

Nguyễn Huy Thiệp là một ngòi bút đầy tính sáng tạo, tác phẩm của ông đặt góc nhìn ở vị trí mới lạ, bởi vậy mà gây nhiều tranh cãi trong các vấn đề: văn – sử, hư cấu – phi hư cấu. Lịch sử trong tác phẩm của ông là một kiểu lịch sử không sử sách nào nhắc đến, một kiểu lịch sử “như tôi biết”.

“Mưa Nhã Nam” là một tác phẩm như thế. Đề Thám trong chính sử là một anh hùng, Đề Thám trong văn chương của Nguyễn Huy Thiệp cũng là một anh hùng, nhưng đồng thời cũng là một con người bình thường, cũng mang một mặt rất trần tục hóa, và cũng khóc cho những hữu hạn của chính mình.

Nguyễn Huy Thiệp không viết sử, vì vậy ông không quy chụp lịch sử. Nhà văn sử dụng lịch sử như một trong những chất liệu để xây dựng tác phẩm, ông chia sẻ với người đọc những giả thiết của lịch sử, những cái “có thể” bên cạnh những dữ kiện lịch sử khô khan gói gọn trong con số và sự kiện. Góc nhìn mới mẻ này truyền tải sự cảm thông và cảm giác gần gũi với những khía cạnh rất đời của những anh hùng – những con người vốn luôn được thần thánh hóa.

Cần phải nhắc lại rằng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1970, bởi vậy những phóng tác từ lịch sử của ông xuất phát từ sự hiểu biết thấu triệt lịch sử, rồi mới từ lịch sử bước sang văn chương, và từ văn chương bước vào đời sống với một tư duy sáng tạo như thế.

Có lẽ bởi vậy mà, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Bình Phương đánh giá Nguyễn Huy Thiệp:

“Là một trong những nhà văn gần như là quan trọng số một từ sau Đổi Mới, người đã gợi lại dũng khí cho tất cả các nhà văn, cho họ thấy thế nào là quyền năng một người viết, quyền thay đổi, quyền khám phá, phản biện xã hội, khiến ta nhìn thấy lại giá trị của nhà văn.”

Mời các bạn đón đọc Mưa Nhã Nam của tác giả Nguyễn Huy Thiệp.