Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Gánh Xiếc Quái Dị

Karakuri Circus - Gánh xiếc quái dị (Full End)

  • Truyện của tác giả Fujita Kazuhiro nổi tiếng với các bộ từng được phát hành tại VN như Ushio to Tora (Cậu bé thần giáo), Gekkou Jourei (Sắc lệnh ánh trăng), Bakegamon…
  • Tác giả này còn có bộ Souboutei Kowasu Beshi vừa được NXB Trẻ mua bản quyền để phát hành tại VN năm sau (25 tập) Câu chuyện về “Karakuri Circus” bắt đầu từ việc cậu nhóc Saiga Masaru bị truy đuổi do được thừa kế một khối lượng tài sản khổng lồ từ người cha quá cố, từng là chủ tịch tập đoàn Saiga hùng mạnh.
    Thế nhưng, đằng sau đó lại là một âm mưu vô cùng đen tối cùng nhiều bí mật khác liên quan đến những con rối dần được tiết lộ. Trong lúc bị truy đuổi, cậu bé may mắn gặp được hai người bạn, mà sau này có ảnh hưởng rất lớn tới cậu cũng như toàn bộ mạch truyện, là Kato Narumi và Shirogane.

***

Câu chuyện về “Karakuri Circus” (tên tiếng Việt là “Gánh xiếc quái dị”) bắt đầu từ việc cậu nhóc Saiga Masaru bị truy đuổi do được thừa kế một khối lượng tài sản khổng lồ từ người cha quá cố, từng là chủ tịch tập đoàn Saiga hùng mạnh. Thế nhưng, đằng sau đó lại là một âm mưu vô cùng đen tối cùng nhiều bí mật khác liên quan đến những con rối dần được tiết lộ. Trong lúc bị truy đuổi, cậu bé may mắn gặp được hai người bạn, mà sau này có ảnh hưởng rất lớn tới cậu cũng như toàn bộ mạch truyện, là Kato Narumi và Shirogane (tên thật là Eleonore), để rồi “tiếng chuông khai màn” bắt đầu.

Có thể công nhận một điều, anime đã làm tương đối tròn trịa nhưng khi xem xong lại cứ cảm thấy ấm ức cồn cào. Kịch bản bám khá sát nguyên gốc, song lại lược bỏ rất nhiều tình tiết của 43 tập truyện chỉ để tập trung vào phần chính, trong khi đó những chi tiết phụ ấy lại là thứ mấu chốt để hiểu thêm về từng nhân vật. Vì vậy mà mặc dù có thể chúng ta vẫn hồi hộp với những phân đoạn kịch tính, rưng rưng với những khung cảnh xúc động, nhưng lại không hiểu rõ được về đặc trưng trong tính cách của các nhân vật theo như cách mà tác giả Kazuhiro Fujita truyền tải trong manga.

Anime đi theo hai hướng, dõi theo bước chân của hai nhân vật là Narumi và Masaru trên chặng đường vô tình mà như cố ý nhằm vén lại bức màn quá khứ và “giải cứu” mọi người. Tuy nhiên, lý tưởng “giải cứu” của họ lại hoàn toàn khác nhau.

Trước tiên hãy nói về Narumi.

Đây là nhân vật đem lại nhiệt huyết và ý chí cho rất nhiều người, trong đó bao gồm cả Masaru. Xuất hiện đầy ấn tượng với màn giải cứu Masaru, luôn tươi cười, biết hi sinh vì người khác, thay đổi Shirogane… anh thực sự đã để lại một cảm xúc khó quên ngay từ những tập đầu. Sau này, khi biết được căn nguyên của hội chứng Zonapha (một căn bệnh mà nếu không làm người khác cười sẽ bị thắt cơ, co giật đến chết), chứng kiến cảnh những đứa trẻ khổ sở chống lại căn bệnh, nhiều đồng đội ngã xuống khi đi tìm cách cứu chữa… Narumi dần trở nên căm hận những kẻ đã gây ra tình cảnh này và quyết tâm tiêu diệt đến cùng. Thậm chí anh còn hận cả Eleonore, vì anh cho rằng cô là nguyên nhân gây ra tất cả, dù cho cô hoàn toàn vô tội. Với ý chí và sức mạnh phi thường, Narumi là nơi gửi gắm hi vọng của hàng ngàn người. Họ tin rằng anh là người duy nhất có thể cứu thế giới khỏi ách diệt vong và sẵn sàng hi sinh để anh được sống. Chính vì vậy, Narumi lúc nào cũng mang trong mình tư tưởng “giải cứu nhân loại” và căm ghét bọn người máy.

Đương nhiên, sức mạnh của Narumi tuyệt vời là điều không thể phủ nhận. Nhưng có vẻ trong anime nó đang được đề cao “hơi quá”. Việc Narumi hiện diện mọi lúc mọi nơi trong tâm thức nhiều người khiến tôi hơi khó chịu. Narumi thực sự có sức ảnh hưởng lớn đến vậy sao? Và có cần thiết phải tung hô anh như vậy? Không phải tôi không thích Narumi, nhưng việc thay đổi cảm xúc trong anh khiến tôi có chút dè chừng. Từ một chàng trai vui tính, năng nổ, anh trở nên đáng sợ, tựa một con thú dữ sẵn sàng cấu xé lũ người máy. Hay việc anh lạnh nhạt với Eleonore ngay cả khi đã khôi phục lại trí nhớ làm tôi thấy thật bất công… Có thể anh vẫn giữ được nét dịu dàng khi ở cùng lũ trẻ, song Narumi sau khi “tái sinh” đã khác hoàn toàn so với Narumi trước kia. Anh như vậy liệu có xứng đáng với tình cảm của Eleonore? Cũng bởi coi anh như “đấng cứu thế” và yêu mến Eleonore nên những người ở gánh xiếc Nakamachi đã tạo điều kiện để cho hai người ở bên nhau. Vậy mà anh lại không biết nắm lấy, vẫn cứ lạnh lùng như thế. Việc giải cứu thế giới có thực sự cao cả khi mà ngay cả người gần anh nhất, yêu anh nhất, anh cũng không thể đối xử với cô ấy một cách trọn vẹn?

Đối nghịch với Narumi danh tiếng lẫy lừng, ở một góc khác lại có một cậu bé 11 tuổi vẫn đang cố gắng chiến đấu thay đổi bản thân và cứu giúp những người em yêu quý.

Nhóc con ấy mít ướt vô cùng, sau này vẫn mít ướt… nhưng cái mít ướt của sau này đã đổi khác rất nhiều. Có lẽ trong anime, nhân vật theo tôi đã giữ được cái hồn của nguyên tác nhất, hay nói cách khác là được khắc họa tính cách thành công nhất chính là cậu bé này, Saiga Masaru. Những thay đổi trong nhận thức, tại sao cần phải trưởng thành… đều được các nhà làm phim lý giải đầy đủ. Song điều đó không đồng nghĩa với việc không có uẩn khúc. Chẳng hạn như nguyên nhân tại sao Masaru lại có thể mạnh đến vậy, em thậm chí có thể song hành cùng Narumi tiêu diệt hàng ngàn tên người máy. Nếu như trong manga, đó là kết quả của sự khổ luyện cùng Gyu, thì anime lại khiến người xem hiểu rằng đó hoàn toàn dựa vào bản năng và trí thông minh sẵn có. Ký ức của những người đi trước trong em đã giúp em lĩnh hội cả những chiêu thức và kỹ năng của người đó. Nhưng kể cả như vậy thì suy cho cùng vẫn là quá sức đối với một đứa trẻ. Hơi đáng tiếc nhưng đây chính là hệ quả của việc cắt bỏ đi những phần phụ trong truyện.

Cái hay trong việc khắc họa nhân vật Masaru chính là ở cách tác giả không cố biến em thành thằng nhóc có suy nghĩ chín chắn, người lớn ngay từ đầu mà để em tự trưởng thành sau những biến cố. Ban đầu, em bám víu lấy một sự giúp đỡ, song em nhận ra vì mình mà người khác gặp nguy hiểm nên đã hành động ngược lại. Vụ bắt cóc đến nhà chú mình cũng là do em tự mình thoát ra và đi giải cứu Narumi cùng Eleonore đang bị giam giữ. Sau này, những việc em làm dù vô tình liên quan đến sự thật về những con rối nhưng tất cả chỉ đơn giản là để cứu Eleonore khỏi bọn nguy hiểm.

Kế hoạch giải cứu thế giới tập trung vào sức mạnh của Narumi ngay từ đầu đã chẳng cần có em, nhưng nếu em không hành động thì 1000/1000 sẽ chẳng thành công được. Nhưng cái uất ức ở đây là rất ít người biết đến sự hiện diện của em. Có chăng cũng chỉ là những người ở đoàn xiếc Nakamachi và người chỉ huy trận chiến này, ông Fou. Người ta ca tụng, để cao Narumi trong khi lại bỏ quên mất một cậu nhóc đang cố hết sức làm lay chuyển “bánh răng” của tất cả.

Trong Masaru tồn tại cả hai yếu tố: cương và nhu. Em cứng rắn với kẻ thù nhưng lại không hề bỏ mặc họ. Cho dù kẻ đó có là người máy, là trùm, vừa đánh em ra bã, hay muốn giết chết em. Em òa khóc khi không thể cứu một ai đó. Từ bỏ cơ hội đoàn tụ với Narumi vì muốn Eleonore được hạnh phúc. Và cũng sẵn sàng hi sinh bản thân để hai người đó đến với nhau… Từ bao giờ, cậu nhóc 11 tuổi ấy đã luôn nhận phần thiệt hơn về phía mình? Và cũng từ bao giờ, lý tưởng “giải cứu” trong em lại gần gũi đến thế? Đó là giúp đỡ những người bên cạnh.

Đến gần cuối, người ta vẫn không thật sự tin tưởng em. Bởi “người ta cho rằng hễ là trẻ con thì phải yếu hơn người lớn, trong khi chúng luôn sôi sục ý nghĩ muốn trở thành người lớn thật nhanh chóng” (“Karakuri Circus”, manga tập 38). Nếu lần đó người lên vũ trụ không phải là em, mà là Narumi, với tính cách của mình và nỗi căm hận sâu sắc, có lẽ Narumi đã tiêu diệt luôn Vô Diện mà chẳng moi được chút thông tin nào. Vô Diện từng nói Masaru chỉ là một bánh răng nhỏ trong kế hoạch quy mô tầm cỡ của hắn, nhưng bánh răng ấy lại làm chệch hướng tất cả những suy tính ban đầu. Thật vậy, có thể hắn nghĩ một bánh răng nhỏ luôn là quá sức để lay động những bánh răng to, nhưng hắn đâu ngờ rằng một khi bánh răng ấy đã gồng mình chuyển động thì sẽ kéo theo bước chuyển mình mạnh mẽ của những bánh răng lớn, sẵn sàng làm thay đổi cả một hệ thống. Vì vậy, với công sức mà em bỏ ra, tôi đã rất muốn được nhìn thấy cảnh em được người khác công nhận, hay ít ra là cảnh em và Narumi cuối cùng đã có thể gặp được nhau, nhìn thấy nhau, ôm chầm lấy nhau hạnh phúc. Nhưng buồn thay, những cảnh đó giờ chỉ tồn tại trong tưởng tượng.

Mời các bạn đón đọc Gánh Xiếc Quái Dị của tác giả Kazuhiro Fujita.