Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trên Đỉnh Phố Wall

Peter Lynch là nhà quản lý tài chính số 1 ở Mỹ. Quan điểm của ông là: Tất cả các nhà đầu tư trung bình đều có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ và họ có thể chọn được những cổ phiếu hời nhất không kém gì các chuyên gia đầu tư trên Phố Wall chỉ bằng việc thực hiện một cuộc điều tra nhỏ.

Trong cuốn sách, Lynch đề cập đến cách thức mà ông đã đạt được thành tích đầu tư vĩ đại của mình khi là cựu giám đốc xuất sắc của quỹ đầu tư hàng tỷ đô-la Magellan. Viết cùng Joghn Rothchild, Trên đỉnh Phố Wall đưa ra những chỉ dẫn dễ dàng áp dụng để có thể lựa chọn được những danh mục từ việc đánh giá các báo cáo tài chính của công ty và nhận ra những con số thực sự có giá trị. Ông giải thích và đưa ra những chỉ dẫn để đầu tư theo chu kỳ, hay thay đổi hoàn toàn danh mục đầu tư để theo đuổi những công ty đang phát triển nhanh.

Lynch khẳng định rằng, nếu bạn không bị chi phối bởi sự thất thường của thị trường sự ham muốn tức thời về lợi nhuận, bạn sẽ được đền đáp bởi danh mục đầu tư của mình, (sau khoảng từ 5 đến 15 năm). Lời khuyên này đã được chứng minh là sống mãi với thời gian và đã biến Trên đỉnh Phố Wall trở thành tác phẩm bán chạy số 1 ở Mỹ. Và cho đến bây giờ, cuốn sách kinh điển này vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu của nó.

***

Cho Ấn phẩm thiên niên kỷ

Cuốn sách này viết ra nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản cũng như khuyến khích các nhà đầu tư cá nhân. Ai có thể biết trước rằng nó sẽ được xuất bản tới 30 lần và bán được hơn một triệu bản? Ấn phẩm mới nhất này ra đời 11 năm sau lần xuất bản đầu tiên. Do vậy tôi thực sự tin tưởng rằng những nguyên tắc đã từng giúp tôi thành công ở Fidelity Magellan vẫn có thể áp dụng trong đầu tư cổ phiếu ngày nay.

Đã qua một thời gian dài kể từ lần đầu tiên Trên đỉnh phố Wall xuất hiện tại các cửa hàng sách vào năm 1989. Tôi rời khỏi Magellan vào tháng 5 năm 1990 và các chuyên gia ở đây nói đây quả thực là một bước đi trí tuệ. Họ chúc mừng tôi vì đã ra đi đúng thời điểm - ngay trước khi thị trường đầu cơ giá lên sụp đổ. Vào thời điểm đó, những người bi quan trông có vẻ hợp với thời cuộc hơn. Các ngân hàng lớn trên khắp nước Mỹ hầu hết đều rơi vào tình trạng vỡ nợ, chỉ có một số ít là vẫn đứng vững và phát triển. Đầu mùa thu năm đó, một cuộc chiến chống Iraq đang được chuẩn bị. Thị trường chứng khoán trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay. Nhưng không lâu sau, khi cuộc chiến với Iraq giành thắng lợi, hệ thống ngân hàng lại hồi sinh và thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn phục hưng.

Phục hưng thật sự! Chỉ số Dow Jones tăng gấp hơn bốn lần kể từ tháng 10 năm 1990, từ 2.400 điểm lên 11.000 điểm và vẫn tiếp tục tăng - đây là thập kỷ huy hoàng nhất của cổ phiếu trong thế kỷ XX. Số lượng các hộ gia đình Mỹ nắm giữ các cổ phiếu hay chứng chỉ của các quỹ đầu tư đã tăng đáng kể từ 32% năm 1989 lên gần 50%. Toàn bộ thị trường đã tạo ra 25 nghìn tỷ đô la giá trị của cải mới, được biểu hiện ở mọi thành phố và thị trấn.

Hơn bốn nghìn tỷ đô la của cải mới đã được đầu tư vào các quỹ đầu tư, tăng gấp nhiều lần so với số lượng 275 tỷ năm 1989. Vì tôi cũng quản lý một quỹ nên tôi rất hài lòng khi các quỹ này thịnh vượng. Song điều đó cũng đồng nghĩa với việc có nhiều nhà đầu tư chứng khoán nghiệp dư hoạt động không hiệu quả. Nếu họ đã hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực sản sinh ra các thị trường đầu cơ giá lên này, thì hẳn họ đã không phải chuyển vốn đầu tư sang các quỹ với qui mô như họ đã làm. Có lẽ những thông tin chứa đựng trong cuốn sách này sẽ giúp các nhà đầu tư sai lầm tìm ra hướng đi mới có ích hơn cho họ.

Kể từ khi rời khỏi Magellan, tôi trở thành một nhà đầu tư cá nhân hoạt động tự do. Trong lĩnh vực từ thiện tôi đã kêu gọi đóng góp học bổng giúp các trẻ em trong thành phố thuộc mọi đức tin đến học tập tại các trường công giáo ở Boston. Mặt khác tôi còn làm việc bán thời gian ở Fidelity với tư cách uỷ viên quản trị, đồng thời là người tư vấn/đào tạo các nhà phân tích nghiên cứu trẻ tuổi. Gần đây, thời gian nghỉ ngơi giải trí của tôi đã tăng ít nhất 30 lần do tôi dành nhiều thời gian cùng gia đình mình hơn.

Có lẽ bấy nhiêu điều đã đủ nói về tôi. Vậy chúng ta hãy cùng quay lại chủ đề mà tôi quan tâm: chứng khoán. Kể từ khi thị trường đầu cơ giá lên hình thành vào tháng 8 năm 1982, chúng ta đã chứng kiến cổ phiếu tăng giá ở mức kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ, với chỉ số Dow tăng gấp 15 lần. Theo cách nói riêng của Lynch, sự gia tăng này được gọi là “fifteenbagger” (tạm dịch là “túi 15 gang” - “fifteenbagger”: một loại chứng khoán mà giá trị của nó tăng tới 15 lần - thuật ngữ này do Peter Lynch, một nhà đầu tư lớn nhất mọi thời đại, sáng tạo ra). Tôi không lạ gì khi thấy những chiếc túi 15 gang ở một số công ty thành công, tuy nhiên một chiếc túi 15 gang ở toàn bộ thị trường thì quả là một phần thưởng giá trị. Hãy xem xét điều này: từ năm 1929 đến năm 1982, chỉ số Dow mức cao nhất chỉ tăng gấp bốn lần: từ 248 điểm lên 1.046 điểm trong nửa thế kỷ. Gần đây, tốc độ tăng giá cổ phiếu nhanh hơn mức độ tăng của chỉ số Dow Jones. Để chỉ số Dow Jones tăng gấp đôi từ 2.500 điểm lên 5.000 điểm, phải mất 8 năm 4 tháng, nhưng chỉ trong vòng 3 năm rưỡi chỉ số này cũng đã tăng gấp đôi từ 5.000 điểm lên 10.000 điểm. Từ năm 1995 - 1999, lần đầu tiên lãi cổ phiếu đạt 20% trong năm năm liên tiếp. Chưa bao giờ thị trường chứng khoán lại đạt mức lãi cổ phiếu 20% đến hai lần như khoảng thời gian này.

Thị trường đầu cơ giá lên lớn nhất của Phố Wall đã trọng đãi những người tin tưởng và làm kinh ngạc những người hoài nghi ở mức độ mà không ai có thể tưởng tượng được trong thời kì đình trệ đầu thập kỷ 1970, khi tôi mới giữ cương vị lãnh đạo tại Magellan. Ngay trước thời điểm đó, các nhà đầu tư thoái chí đã phải tự nhắc nhở mình rằng thị trường đầu cơ giá xuống không thể duy trì mãi mãi. Và những người kiên nhẫn thì cố giữ các cổ phiếu cũng như các chứng chỉ quỹ đầu tư của họ trong suốt 15 năm - khoảng thời gian mà chỉ số Dow Jones và các chỉ số trung bình khác tăng trở lại mức độ giữa thập niên 1960. Giờ đây chúng ta cũng cần tự nhắc nhở mình rằng các thị trường đầu cơ giá lên không duy trì mãi mãi, và rằng kiên nhẫn là đức tính cần thiết không chỉ ở những người tin tưởng mà cả những người hoài nghi.

Ở phần sau của cuốn sách này, tôi có nói rằng sự sụp đổ của ATT vào năm 1984 có lẽ là bước phát triển quan trọng của thị trường chứng khoán trong thời kì đó. Ngày nay, chính là Internet và đến nay cũng chỉ có Internet đã phớt lờ tôi. Chỉ vì từ trước đến nay tôi vốn là người “ác cảm với công nghệ”. Những kinh nghiệm của tôi cho thấy để trở thành một nhà đầu tư thành công, bạn không nhất thiết phải là người thức thời. Thực tế thì hầu hết những nhà đầu tư lớn nhất mà tôi biết (đứng đầu danh sách này là Warren Buffet) đều là những người “ác cảm với công nghệ”. Họ không sở hữu những gì mà họ không hiểu rõ, và tôi cũng vậy. Tôi hiểu rõ các hãng Dunkin’ Donuts và Chrysler, đó là lý do hai loại cổ phiếu này đều xuất hiện trong danh mục đầu tư của tôi. Tôi hiểu về ngân hàng, các khoản tiết kiệm và nợ, thân thích của chúng là Fannie Mae (một ngân hàng tín dụng nhà ở của Mỹ). Tôi không bao giờ ghé thăm các trang web. Tôi cũng chưa từng truy cập hay chat trên đó. Nếu không có sự hỗ trợ chuyên môn (của vợ tôi hay các con tôi chẳng hạn), thì chắc hẳn tôi sẽ chẳng thể tìm được các trang web.

Vào dịp Lễ Tạ ơn năm 1997, tôi cùng uống cocktail trứng sữa với một người bạn rất sành về web tại New York. Tôi có nói rằng Carolyn - vợ tôi rất thích tiểu thuyết gia thần bí Dorothy Sayers. Bạn tôi bèn ngồi xuống một chiếc máy tính gần đó, và chỉ sau vài cái nhấp chuột ông đã kéo lên một danh sách đầy đủ các tác phẩm của Sayers, ngoài ra còn có các lời bình của độc giả và một bảng xếp hạng từ một đến năm sao cho các tác giả (trên các trang web văn học, các tác giả cũng được xếp hạng giống như các giám đốc quản lý quỹ). Tôi mua bốn cuốn tiểu thuyết của Sayers cho Carolyn, chọn kiểu gói quà, đánh địa chỉ gia đình tôi vào, và sau đó loại một món quà ra khỏi danh sách quà tặng Giáng sinh của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi mua hàng trên Amazon.com.

Sau đây bạn sẽ đọc về cách mà tôi phát hiện được một số cổ phiếu lãi nhất của mình khi đang ăn uống hay đi mua sắm, đôi khi sớm hơn các chuyên gia săn tìm chứng khoán nhiều. Vì Amazon tồn tại ở không gian điện tử chứ không phải không gian buôn bán ngoại ô, nên tôi đã phớt lờ nó. Amazon nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi - đối với tôi nó cũng khó hiểu như thể một hiệu giặt khô vậy. Tuy nhiên, đến năm 1997, Amazon đã được định giá tương xứng với những triển vọng của mình và đã được hỗ trợ vốn thích đáng. Nhưng tôi không đủ linh hoạt để có thể thấy ngay được cơ hội mà lĩnh vực này đem lại. Nếu tôi không ngại nghiên cứu hẳn tôi đã thấy thị trường khổng lồ cho loại hình mua bán này, cũng như khả năng của Amazon để có thể nắm bắt thời cơ. Hỡi ôi, tôi đã không làm thế! Và kết quả là Cổ phiếu Amazon đã tăng gấp 10 lần (một chiếc “túi 10 gang” theo cách nói của Lynch) chỉ trong có một năm 1998.

Amazon là một trong ít nhất là 500 loại cổ phiếu “dot.com” đã tăng giá cực kỳ ngoạn mục. Trong giới công nghệ cao và “dot.com”, không có gì lạ khi một cổ phiếu lần đầu tiên chào bán ra công chúng tăng giá gấp mười lần trong thời gian ngắn hơn cả thời gian cần thiết để Stephen King viết một truyện kinh dị. Những sự đầu tư này không đòi hỏi nhiều tính kiên nhẫn. Trước khi Internet phát triển, các công ty đã phải nỗ lực tăng trưởng để lọt vào bảng xếp hạng các công ty có tài sản hàng tỷ đô la. Nhưng giờ đây, họ đã có thể đạt được giá trị một tỷ đô la trước khi họ thu được lợi nhuận, và trong nhiều trường hợp còn trước cả khi họ kiếm được bất kỳ khoản doanh thu nào. Ngài Thị trường (một đại diện giả tưởng cho cổ phiếu nói chung) không chờ đợi sự ra đời của một trang web mới để tự chứng tỏ mình trong cuộc sống thực tại, giống như cách mà Wal-Mart và Home Depot tự chứng tỏ với thế hệ trước.

Đối với những cổ phiếu Internet đang nóng hiện nay, các yếu tố cơ bản dường như không còn hợp thời. Sự xuất hiện đơn giản của một dấu chấm bên cạnh một chữ “com” và khái niệm lý thú ẩn sau nó đã đủ để thuyết phục những người lạc quan trả tiền trước cho giá trị tăng trưởng và thịnh vượng của cả một thập kỷ về sau. Và những người mua hàng kế tiếp thì trả giá cao hơn lên trên cơ sở “những nguyên tắc cơ bản” vị lai, một mức giá tăng lên từng thời khắc.

Xét theo doanh số của Maserati ở thung lũng Silicon, thì các cổ phiếu “dot.com” đem lại những phần thưởng xứng đáng cho các doanh nghiệp đã đưa chúng ra thị trường hay những người mua sớm và biết bán ra đúng lúc. Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra một lời nhắc nhở đối với những người mua cổ phiếu sau khi giá của chúng tăng vọt. Có nghĩa lý gì khi đầu tư vào một cổ phiếu dot.com với những mức giá tương ứng với nhiều năm gia tăng thu nhập chóng mặt, mà sự gia tăng đó lại chưa có gì là chắc chắn? Khi tôi trình bày vấn đề này, hẳn độc giả đều dễ dàng nhận thấy câu trả lời của tôi là: “Không”. Với hàng loạt vấn đề mới này, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí là gấp bốn trong ngày giao dịch đầu tiên. Nếu người môi giới của bạn không thể khoanh vùng bạn vào một nhóm cổ phiếu hợp lý ở giá chào bán ban đầu - một viễn cảnh khó xảy ra bởi những lời chào bán trên Internet còn hấp dẫn hơn cả những chiếc vé Super Bowl - bạn sẽ mất đi một số phần trăm lãi đáng kể. Thậm chí bạn có thể mất toàn bộ tiền lãi, bởi một vài loại cổ phiếu dot.com đạt những mức giá cao kỷ lục trong một vài phiên giao dịch đầu tiên mà không bao giờ tăng trở lại mức giá ấy.

Nếu bạn cảm thấy mình bị loại ra khỏi cuộc chơi mang tên dot.com thì hãy tự an ủi mình rằng có rất ít nhà đầu tư dot.com đã thành công từ đầu chí cuối. Thật sai lầm khi đánh giá cả quá trình biến động của những cổ phiếu này qua mức giá chào bán ban đầu mà hầu như không ai mua được. Những người được chia cổ phiếu là những người may mắn vì họ nhận được nhiều hơn “một chút”.

Mặc dù xung quanh tôi có vô số điều hấp dẫn tức thời, tôi vẫn tiếp tục đầu tư theo cách cổ truyền. Tôi sở hữu những cổ phiếu mà lãi phụ thuộc vào những nhân tố cơ bản lâu đời: một công ty thành công gia nhập các thị trường mới, lợi nhuận tăng, và giá cổ phiếu cũng tăng theo. Hay một công ty hoạt động tồi thay đổi thành một công ty hoạt động tốt. Một cổ phiếu thắng đậm điển hình trong danh mục đầu tư của Lynch nhìn chung phải mất từ ba đến mười năm, thậm chí hơn thế, để giành thế thượng phong.

Do thiếu yếu tố lợi nhuận trong lĩnh vực dot.com, nên hầu hết các cổ phiếu dot.com không thể xếp hạng theo tiêu chuẩn so sánh giá cả/thu nhập (price/earnings). Nói cách khác không có “e” trong chỉ số “P/E” - trong đó cả hai yếu tố “p, e” đều đóng vai trò quan trọng. Không có chỉ số “P/E” nên các nhà đầu tư tập trung vào một loại dữ liệu duy nhất rất phổ biến - đó là giá cổ phiếu! Theo tôi nghĩ, giá cổ phiếu là thông tin ít có ích nhất mà bạn nên dựa vào, song trên thực tế nó lại được sử dụng rộng rãi nhất. Vào năm 1989, khi cuốn Trên đỉnh phố Wall này được viết, thì băng tin điện báo giá cổ phiếu chỉ xuất hiện ở cuối trang của mạng Tin tức Tài chính. Ngày nay, bạn có thể thấy băng tin điện báo ở rất nhiều phương tiện thông tin, trong khi rất nhiều phương tiện khác trưng bày những chiếc hộp thoại nhỏ thể hiện chỉ số Dow, chỉ số tổng hợp của 500 loại cổ phiếu S&P 500… Những người truy cập các kênh thông tin này tự nhiên phải biết các thông tin như thị trường nào đã đóng cửa. Trên những cổng Internet phổ biến, bạn có thể nhấn chuột vào danh mục đầu tư do bạn lập ra và tìm thấy những thông tin mới nhất về mỗi cổ phiếu. Hoặc bạn có thể thu thập thông tin về giá cả của trên 800 loại cổ phiếu, máy nhắn tin hay hộp thư thoại.

Với tôi hàng loạt những thông tin về giá cả này đều đưa tới những thông điệp sai lầm. Nếu công ty Internet tôi yêu thích bán một cổ phiếu với giá 30 đô la và công ty yêu thích của bạn chỉ bán với giá 10 đô la, thì hẳn những người chỉ quan tâm đến giá cả sẽ nói rằng công ty của tôi đang chiếm thế thượng phong. Đây là một ảo tưởng nguy hiểm. Cái giá mà ngài Thị trường trả cho một cổ phiếu hôm nay hay tuần sau không hề nói cho bạn biết công ty nào có cơ hội thành công lớn nhất sau hai hay ba năm trên siêu xa lộ công nghệ thông tin. Nếu bạn chỉ có thể bám theo một loại dữ liệu, hãy bám sát dữ liệu về thu nhập - giả định rằng công ty đang đề cập có thu nhập. Tôi tán thành một quan điểm dễ gây nổi giận rằng chẳng chóng thì chày, thu nhập sẽ tạo nên thành công hay thất bại của một quyết định đầu tư vào chứng khoán vốn. Giá cổ phiếu hôm nay, ngày mai, hay tuần sau chỉ làm chúng ta sao nhãng mà thôi.

Internet khác xa so với tiến bộ đầu tiên làm thay đổi thế giới. Đường sắt, điện thoại, xe lửa, máy bay và ti vi “đòi quyền sở hữu” những ảnh hưởng mang tính cách mạng đối với đời sống bình thường, hay ít nhất là đối với 1/4 dân số thế giới giàu có nhất. Những ngành mới này đã dẫn đến sự ra đời của nhiều công ty mới, nhưng rất ít trong số chúng có thể sống sót và đạt vị trí thống trị trong ngành. Có lẽ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với Internet. Một hoặc hai tên tuổi lớn sẽ thống trị lãnh địa này, cũng giống như McDonald’s trong lĩnh vực đồ ăn nhanh (cụ thể là Hamburger) hay Schlumberger trong ngành dịch vụ dầu khí. Các cổ đông trong những công ty thành công sẽ trở nên giàu có, trong khi đó, các cổ đông của những công ty chậm tiến, hết thời, hay tụt hậu sẽ mất hết tiền. Có lẽ bạn sẽ đủ thông minh để đầu tư vào những công ty thành công góp mặt trong một nhóm riêng biệt các công ty có doanh thu một tỷ đô la hàng năm.

Mặc dù một công ty dot.com điển hình không hề có thu nhập nhưng bạn vẫn có thể tiến hành một phân tích ngắn gọn để đưa ra một ý niệm chung về doanh thu mà công ty cần đạt được trong tương lai để điều chỉnh giá cổ phiếu hiện hành. Hãy cùng đưa ra một giả thiết: dot.com. Trước tiên bạn tìm được “giá trị kinh doanh” bằng cách nhân số lượng cổ phiếu nợ (ví dụ 100 triệu) với giá cổ phiếu hiện hành (ví dụ 100 đô la/cổ phiếu). 100 triệu lần của 100 đô la tương đương 10 tỷ đô la, và đó chính là giá trị kinh doanh của dot.com.

Khi bạn đầu tư vào bất kỳ công ty nào, bạn đều kỳ vọng giá trị kinh doanh của công ty đó sẽ tăng. Điều này không thể xảy ra nếu người mua không trả những mức giá cao hơn cho các cổ phiếu để nâng cao giá trị đầu tư. Với suy nghĩ này, trước khi cổ phiếu dot.com tăng gấp 10 lần, giá trị kinh doanh của công ty phải tăng 10 lần từ 10 tỷ lên 100 tỷ đô la. Khi bạn đã đạt được những giá trị kinh doanh mục tiêu, bạn sẽ phải tự hỏi chính mình: dot.com sẽ phải kiếm được bao nhiêu để đạt được giá trị 100 tỷ đô la? Để có một câu trả lời gần đúng, bạn có thể áp dụng phương pháp chỉ số giá cả/thu nhập riêng đối với hoạt động tăng trưởng nhanh - ở các thị trường đang nóng hiện nay, chỉ số này có thể đạt mức 40 lần thu nhập.

Cho phép tôi được lạc đề một chút ở đây, ở phần sau của cuốn sách này, tôi có đề cập đến phép màu có thể biến các công ty trở thành những tài sản đầu tư mạo hiểm khi người ta trả quá nhiều tiền cho chúng, sử dụng McDonald’s làm ví dụ A. Vào năm 1972, cổ phiếu của công ty này được đặt giá cao hơn 50 lần thu nhập rất bất thường. Không như kỳ vọng, giá cổ phiếu đã giảm từ 75 đô la xuống 25 đô la, một cơ hội tuyệt vời để mua ở mức giá thực tế hơn - mức giá cao gấp 13 lần so với thu nhập.

Trong trang kế tiếp, tôi cũng nói tới mức giá cao đặc biệt gấp 500 lần thu nhập mà các cổ đông trả cho cổ phiếu của “Các hệ thống dữ liệu điện tử của Ross Perot (Ross Perot’s Electronic Data Systems). Ở mức giá 500 lần so với thu nhập, tôi đã ghi chú rằng “sẽ mất 5 thế kỷ để bạn có thể đầu tư lại, với giả định là thu nhập của EDS vẫn giữ mức ổn định”. Nhờ có Internet mà mức giá gấp 500 lần thu nhập đã giảm xuống dưới điểm gây sốc, và cả mức giá 50 lần, 40 lần trong ví dụ lý thuyết của tôi về dot.com cũng vậy.

Trong bất kỳ tình huống nào, để có thể trở thành một doanh nghiệp 100 tỷ đô la, chúng ta có thể dự đoán rằng dot.com cuối cùng sẽ phải kiếm được 2,5 tỷ đô la mỗi năm. Chỉ có ba tập đoàn của Hoa Kỳ có mức doanh thu trên 2,5 tỷ trong năm 1999, vậy để điều này xảy ra với dot.com, công ty sẽ phải gia nhập nhóm độc nhất của các công ty thành công vĩ đại, tương tự như Microsoft. Tuy nhiên, trên thực tế, đây quả là một kỳ tích hiếm có.

Tôi muốn kết thúc cuộc thảo luận ngắn về Internet này bằng một điều lưu ý. Có ba cách để đầu tư vào xu thế này mà không cần mua một niềm hi vọng hay một giá trị kinh doanh quá cao Cách thứ nhất là một phát sinh của chiến thuật “cuốc chim và xẻng” trước kia: Trong suốt thời kỳ sốt vàng, hầu hết những người muốn trở thành thợ đào vàng đều mất tiền, nhưng những người bán hết cuốc chim, xẻng, lều trại thậm chí cả quần áo lao động của họ (như Levis Strauss) đã kiếm được món lợi lớn. Ngày nay bạn có thể tìm thấy các công ty phi Internet hưởng lợi gián tiếp thông qua giao dịch trên Internet (một ví dụ rõ ràng là người giao hàng đồng bộ); hay bạn cũng có thể đầu tư vào các công ty sản xuất công tắc hay các thiết bị liên quan đảm bảo giao dịch được lưu thông.

Cách thứ hai còn được gọi là “trò chơi Internet tự do”. Đó là nơi một doanh nhân Internet gắn bó với một công ty phi Internet có thu nhập thực tế và giá cổ phiếu ổn định. Tôi không đặt tên đó - bạn có thể tự mình tìm hiểu - nhưng một vài trò chơi tự do đầy hiếu kỳ đã thu hút sự chú ý của tôi. Trong một tình huống điển hình, công ty tự do được định giá, ví dụ ở mức 800 triệu đô la trong thị trường hiện tại, trong khi giao dịch về tài chính qua Internet còn thiếu kinh nghiệm của công ty được định giá 1 tỷ đô la, trước khi khả năng đó được chứng minh. Nếu giao dịch tài chính trên Internet diễn ra như hứa hẹn, thì chắc chắn sẽ rất đáng kể - giả sử rằng một bộ phận trong công ty được phân phối cổ phiếu nhanh thì họ sẽ thực hiện các giao dịch trên những cổ phiếu được phân phối đó. Hoặc là nếu công ty Internet hoạt động không hiệu quả thì nó sẽ củng cố thêm ý chí của những nhà đầu tư đề cao sức lao động ở phía đối lập.

Cách thứ ba là tạo ra lợi nhuận đặc biệt, trong đó một doanh nghiệp truyền thống chặt chẽ (như gạch và vữa) hưởng lợi từ việc sử dụng Internet để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, để đạt năng suất cao hơn và nhờ đó thu được lợi nhuận lớn hơn. Ở giai đoạn phát triển trước đó, người ta đã lắp đặt máy quét trong các siêu thị. Việc này đã giúp làm giảm nạn ăn cắp vặt, giúp quản lý hàng tồn kho tốt hơn, và đem lại lợi ích to lớn hơn cho các chuỗi siêu thị.

Lại nói về tương lai, Internet và những lợi ích phụ thêm của nó sẽ tạo ra nhiều thành công vĩ đại hơn, nhưng ở điểm này, hầu hết chúng ta đều kỳ vọng quá nhiều dẫn đến định giá không hiệu quả. Các công ty hiện nay được định giá 500 triệu đô la có thể sẽ thành công, trong khi đó các công ty được định giá 10 tỷ đô la trong tương lai có thể không đáng đến 10 xu. Khi các kỳ vọng trở thành hiện thực, những người chiến thắng sẽ sáng suốt hơn nhiều so với hiện tại. Những nhà đầu tư thấy trước điều này sẽ tận dụng lợi thế của họ tốt hơn.

Trở lại với Microsoft, một loại cổ phiếu tăng giá gấp 100 lần mà tôi đã theo dõi. Cùng với Cisco và Intel, người khổng lồ với sức mạnh tối thượng trong lĩnh vực công nghệ cao này đã đạt được doanh thu bùng nổ hầu như ngay từ những ngày đầu tiên. Microsoft cổ phần hóa vào năm 1986 ở mức giá 15 xu một cổ phiếu. Ba năm sau đó, bạn vẫn có thể mua một cổ phiếu với mức giá dưới 1 đô la, nhưng kể từ đó, giá cổ phiếu đã tăng gấp 80 lần. (cổ phiếu đã “chia nhỏ” vài lần trước khi ra mắt công chúng, do đó cổ phiếu phát hành lần đầu thực sự không bao giờ bán với giá 15 xu 1 cổ phiếu - về chia nhỏ cổ phiếu, xin mời xem chú thích ở những trang sau.) Nếu bạn áp dụng phương thức tiếp cận “hãy thể hiện cho tôi thấy” của Missouri và chờ đợi để mua cổ phiếu của Microsoft cho đến khi hãng này đạt được thành công lớn với Windows 95, thì bạn vẫn có thể kiếm được gấp 7 lần số tiền ban đầu mà bạn có. Bạn không cần phải là một lập trình viên máy tính để có thể nhận ra Microsoft ở bất cứ nơi nào bạn quan sát. Ngoại trừ ở lãnh địa của Apple, thì tất cả các máy tính mới đều được trang bị hệ điều hành Microsoft và Microsoft Windows. Apple đang mất dần sức lôi cuốn của mình. Càng có nhiều máy tính sử dụng hệ điều hành Windows thì càng có nhiều chuyên gia phần mềm viết các chương trình cho Windows, chứ không phải cho Apple. Apple đã bị dồn vào một góc - ở đó, hãng này chỉ bán được 7 - 10% dung lượng thị trường.

Trong khi đó, các hãng máy tính chạy các chương trình của Microsoft (như Dell, HP, Compaq, IBM, v.v…) tiến hành một cuộc chiến giá cả gay gắt để bán được nhiều máy tính. Cuộc chiến không hồi kết này đã làm giảm doanh thu của các hãng máy tính, tuy nhiên Microsoft lại nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Công ty của Bill Gates không thuộc ngành kinh doanh máy tính - công ty này bán “khí” để máy tính hoạt động.

Cisco cũng là một công ty đạt được thành công nổi bật. Kể từ khi công ty này cổ phần hóa vào năm 1990, thì giá cổ phiếu của công ty đã tăng gấp 480 lần. Tôi quan sát người thắng cuộc phi thường này vì những lý do rất bình thường, nhưng chắc hẳn rất nhiều người đã chú ý tới Cisco. Các doanh nghiệp tự do thuê Cisco trong việc hỗ trợ liên kết các máy tính thành các hệ thống; rồi các trường đại học thuê Cisco vi tính hóa các ký túc xá sinh viên. Các sinh viên, giáo viên và các bậc phụ huynh đến thăm con cái đều có thể nhận thấy sự phát triển này. Có lẽ một số người trong bọn họ đã trở về nhà, nghiên cứu và mua cổ phiếu.

Tôi đề cập đến Microsoft và Cisco nhằm đưa vào những ví dụ đương thời để minh họa một chủ đề quan trọng trong cuốn sách này. Đó là, một nhà đầu tư nghiệp dư cũng có thể mua được những cổ phiếu sẽ thành công rực rỡ trong tương lai nếu anh ta chú ý đến những tiến bộ ở nơi làm việc, khu buôn bán, các phòng triển lãm xe hơi, các nhà hàng, hay bất cứ nơi nào mà một doanh nghiệp mới đầy hứa hẹn sẽ tiến hành khởi nghiệp. Khi trình bày vấn đề, tôi luôn đề cao tính rõ ràng, thể hiện bằng sự trật tự.

Charles Barkley, một tuyển thủ bóng rổ nổi tiếng với những cú ném xa đã từng tuyên bố rằng, người ta đã trích dẫn sai trong cuốn tự truyện của anh. Tôi không có ý nói mình bị trích dẫn sai trong cuốn sách này, nhưng người ta đã suy luận sai về tôi ở một điểm cơ bản. Và đây là lời biện giải của tôi.

Peter Lynch không khuyên bạn mua cổ phiếu của cửa hàng mà bạn ưa thích chỉ bởi lý do bạn thích mua sắm ở cửa hàng đó. Ông cũng không khuyên bạn mua cổ phiếu của một nhà sản xuất chỉ vì họ làm ra những sản phẩm mà bạn ưa thích, hay một nhà hàng vì bạn thích thức ăn ở đó. Thích một cửa hàng, một sản phẩm hay một nhà hàng là một lý do tốt để bạn quan tâm đến một công ty và đưa nó vào danh sách cần nghiên cứu; nhưng đó chưa phải là lý do đủ thuyết phục để mua cổ phiếu! Đừng bao giờ đầu tư vào bất kỳ một công ty nào trước khi bạn hoàn thành tốt “bài nghiên cứu ở nhà" về các triển vọng thu nhập của công ty, điều kiện tài chính, vị thế cạnh tranh, các kế hoạch bành trướng, v.v…

Nếu bạn sở hữu một công ty bán lẻ, một yếu tố quan trọng trong phân tích là chỉ ra liệu có phải công ty đang tiến dần đến giai đoạn cuối trong thời kỳ bành trướng của mình hay không - tôi gọi đây là “những lượt chơi cuối” trong trò chơi bóng. Khi một cổ phiếu Radio Shack hay Toys “R” US đã tự khẳng định mình trong 10% thị trường cổ phiếu toàn quốc, thì viễn cảnh đó khác xa với việc sở hữu các cửa hàng trên 90% lãnh thổ quốc gia. Bạn cần bắt kịp nơi nào sự tăng trưởng tương lai xuất hiện và khi nào nó có xu hướng giảm sút.

Chưa có điều gì xảy ra làm lay chuyển niềm tin của tôi rằng nhà đầu tư nghiệp dư điển hình có nhiều lợi thế hơn nhà đầu tư chuyên nghiệp điển hình. Vào năm 1999, những nhà đầu tư chuyên nghiệp được tiếp cận nhanh hơn với những thông tin có giá trị hơn, nhưng giờ đây khoảng cách về thông tin đã bị xoá bỏ. Từ một thập kỷ trước những người nghiệp dư đã có thể thu thập thông tin về một công ty theo ba cách: từ chính công ty đó, từ Tạp chí Value Line (Đường Giá trị) hay các bảng nghiên cứu Standard & Poor’s, hay từ những báo cáo của các nhà phân tích trong nhà thuộc các công ty môi giới chứng khoán nơi những người nghiệp dư này nắm giữ một tài khoản. Thông thường các báo cáo này được gửi qua đường bưu điện từ trụ sở chính, và phải mất vài ngày để thông tin đến đích.

Ngày nay hàng loạt các báo cáo của các nhà phân tích tài chính luôn sẵn có trên mạng trực tuyến, ở đó những người truy cập có thể gọi ra các thông tin bất cứ lúc nào. Các thông tin cập nhật về những công ty mà bạn quan tâm được gửi tự động đến địa chỉ email của bạn. Bạn có thể biết được những người trong cuộc đang mua hay bán hoặc các nhà môi giới đang nâng giá hay hạ giá một cổ phiếu. Bạn có thể sử dụng những màn hình có thể căn chỉnh để tìm kiếm các cổ phiếu với những đặc điểm nhất định. Bạn cũng có thể tìm thông tin về các loại quỹ đầu tư khác nhau, so sánh các số liệu của họ, hay tìm thấy những cái tên trong bảng xếp hạng 10 cổ phiếu hàng đầu. Bạn có thể nhấn chuột vào đề mục “sách tóm tắt” đính kèm theo phiên bản trực tuyến của Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) hay Barron’s, và có một cái nhìn nhanh về hầu hết các công ty thương mại phổ biến. Từ đó, bạn có thể truy cập vào “Zacks” và thu được một bản phân loại tóm tắt từ tất cả các nhà phân tích nghiên cứu một loại cổ phiếu riêng.

Cũng nhờ có Internet mà chi phí mua và bán cổ phiếu đã giảm đáng kể đối với các nhà đầu tư nhỏ, cũng như trường hợp chi phí giảm đối với các nhà đầu tư thuộc các tổ chức vào năm 1975. Thương mại trực tuyến đã gây áp lực buộc các nhà môi giới truyền thống giảm tiền hoa hồng và phí giao dịch, tiếp tục một xu hướng đã bắt đầu cùng với sự xuất hiện những nhà môi giới giá rẻ hai thập kỷ trước.

Có thể bạn sẽ phân vân điều gì đã xảy ra với những thói quen đầu tư của tôi kể từ khi tôi rời Magellan. Thay vì theo đuổi hàng ngàn công ty, giờ đây tôi chỉ theo đuổi khoảng 50. (Tôi tiếp tục làm việc trong các uỷ ban đầu tư thuộc các định chế hay các tổ chức từ thiện khác nhau, nhưng trong tất cả những trường hợp này, chúng tôi đều thuê các giám đốc quản lý vốn đầu tư và để họ đưa ra những quyết định đầu tư cổ phiếu.)

Các nhà đầu tư thức thời có thể nghĩ rằng danh mục đầu tư của gia đình Lynch thuộc về Hội đồ cổ New England. Danh mục này bao gồm một vài khoản tiết kiệm và khoản nợ mà tôi đã mua được ở những mức giá hời trong suốt thời kỳ mà các khoản tiết kiệm và các khoản nợ được đánh giá cao. Những cổ phiếu này đã đem lại lợi nhuận khổng lồ, và giờ đây, tôi vẫn đang nắm giữ một phần trong số chúng. Tôi cũng nắm giữ cổ phiếu của một vài công ty tăng trưởng từ những năm 1980, và một vài công ty khác từ những năm 1970. Các doanh nghiệp này tiếp tục phát triển thịnh vượng, và giá cổ phiếu vẫn duy trì ở một mức hợp lý. Bên cạnh đó, tôi vẫn giữ cổ phiếu ít tiềm năng của khá nhiều công ty chậm phát triển với mức giá thấp hơn nhiều so với mức giá mà tôi sẵn sàng trả. Tôi không giữ cổ phiếu của các công ty đáng thất vọng này bởi tính cứng đầu hay một niềm hoài niệm quá khứ. Lý do tôi giữ chúng là ở những công ty này, tình hình tài chính đang duy trì ở mức tốt, và đó chính là bằng chứng của một tương lai sáng sủa hơn.

Những cổ phiếu ít tiềm năng của tôi luôn nhắc nhở tôi một điều quan trọng: Bạn không nhất thiết phải kiếm được tiền từ mọi cổ phiếu bạn đầu tư. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, thì 6 trong 10 cổ phiếu đạt được thành công là một kết quả khả quan. Vì sao lại thế? Bởi vì những tổn thất của bạn chỉ giới hạn trong lượng vốn mà bạn đầu tư vào mỗi cổ phiếu (dĩ nhiên là nó không thể nhỏ hơn 0), trong khi lợi nhuận mà bạn thu được hoàn toàn không có giới hạn. Khi bạn đầu tư 1.000 đô la vào một cổ phiếu ít tiềm năng, nếu tình huống xấu nhất xảy ra, có thể bạn sẽ mất 1.000 đô la. Nhưng khi bạn đầu tư 1.000 đô la vào một cổ phiếu tiềm năng, bạn có thể kiếm được 10.000 đô la, 15.000 đô la, 20.000 đô la thậm chí nhiều hơn thế sau vài năm. Tất cả những gì bạn cần để có thể đầu tư thành công trong suốt cuộc đời là nắm giữ một vài cổ phiếu đem lại lợi nhuận cao, và những lợi nhuận mà chúng đem lại sẽ bù trừ và lấn át những tổn thất do những cổ phiếu không hiệu quả gây ra.

Tôi xin phép được đưa ra những thông tin cập nhật về hai công ty mà tôi không nắm cổ phần nhưng đã được tôi viết đến trong cuốn sách này, đó là: Bethlehem Steel và General Electric. Cả hai công ty này đều đã dạy cho tôi những bài học bổ ích. Tôi đã đề cập rằng cổ phiếu của Bethlehem - một công ty sản xuất máy bào một thời được ưa chuộng, đã giảm từ năm 1960. Có vẻ như một công ty đã nổi tiếng lâu đời cũng tỏ ra kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư như một doanh nghiệp mới còn non nớt. Bethlehem, một thời là biểu tượng có tính toàn cầu của Mỹ, đã tiếp tục gây thất vọng. Vào năm 1958, cổ phiếu của Bethlehem được bán ở mức giá 60 đô la một cổ phiếu, nhưng đến năm 1989 đã giảm xuống 17 đô la, giáng một đòn nặng nề vào các cổ đông trung thành cũng như những nhà săn cổ phiếu rẻ - những người nghĩ rằng họ sẽ kiếm được một món hời. Từ năm 1989, giá cổ phiếu lại tiếp tục giảm, từ 70 đô la xuống những mức giá dưới 10 đô la, chứng minh cho tất cả chúng ta thấy rằng một cổ phiếu rẻ luôn luôn có thể rẻ hơn nữa. Một ngày nào đó, cổ phiếu Bethlehem Steel có thể sẽ tăng trở lại. Nhưng cho rằng điều đó sẽ xảy ra chỉ là mơ ước chứ không phải là đầu tư.

Tôi đã từng đề cập đến cổ phiếu General Electric trong một chương trình ti vi phát sóng toàn quốc (vì đây đã từng là một chiếc túi mười gang), nhưng trong cuốn sách của tôi có nói rằng kích thước thị trường của General Electric (giá trị thị trường 39 tỷ đô la; lợi nhuận thường niên 3 tỷ đô la) sẽ khiến công ty này khó có thể tăng lợi nhuận nhanh chóng. Thực tế thì công ty dịch vụ công cộng này đã đem lại cho những cổ đông của mình nhiều hơn những gì mà tôi dự đoán. Sau khi thực hiện một số cải tổ dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Jack Welch, công ty này đã lột xác từ một gã khổng lồ chậm chạp thành một người linh hoạt và hoạt động hiệu quả hơn. Welch, gần đây vừa tuyên bố nghỉ hưu, đã thúc đẩy hoạt động của hàng loạt chi nhánh của General Electric đạt hiệu quả tối đa, sử dụng một lượng lớn tiền mặt để mua các công ty mới và mua lại cổ phiếu. Thành công của General Electric trong thập niên 1990 cho thấy tầm quan trọng của việc theo kịp các sự kiện của một công ty.

Mua lại cổ phiếu còn đem đến một thay đổi quan trọng khác cho thị trường: cổ tức trở thành thứ “có nguy cơ tuyệt chủng”. Tôi có viết về tầm quan trọng của vấn đề này ở những chương sau, nhưng cách chia lãi của các cổ đông trước kia dường như cũng giống như đường đi của loài chồn chân đen. Điểm bất lợi của việc cổ tức mất đi là những sự kiểm tra thư từ thường xuyên tạo cho các nhà đầu tư một dòng thu nhập và còn cho họ lý do tiếp tục theo đuổi những cổ phiếu trong những giai đoạn mà giá cổ phiếu không đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vào năm 1999, lợi suất cổ tức của 500 công ty trong hệ thống chỉ số S&P 500 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong suốt thời gian kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai: gần 1%.

Thực tế là tỷ lệ lãi suất hiện nay thấp hơn so với năm 1989, vì thế hẳn bạn sẽ kỳ vọng rằng lợi suất của trái phiếu và cổ tức của cổ phiếu sẽ tiếp tục giảm. Khi giá cổ phiếu tăng, thì lợi suất cổ tức cũng tự nhiên giảm. (Nếu một cổ phiếu có giá 50 đô la và mức cổ tức là 5 đô la trên mỗi cổ phiếu, thì lợi suất cổ tức ở đây là 10%; khi giá cổ phiếu tăng lên 100 đô la, thì lợi suất cổ tức giảm xuống còn 5%). Trong khi đó, các công ty sẽ không khuyến khích tăng cổ tức như họ đã từng làm trước kia. Theo quan sát của Thời báo New York (The New York Times) ngày 7 tháng 10 năm 1999 thì “Điều bất bình thường là nền kinh tế vẫn hoạt động tốt cả trong tình huống các công ty đang ngày càng phải miễn cưỡng tăng cổ tức của họ”. Cách đây không lâu, khi một công ty trưởng thành và vững mạnh định kỳ tăng mức cổ tức thì đó là dấu hiệu của sự thịnh vượng. Còn giảm hoặc tăng cổ tức bất thường là dấu hiệu của sự bất ổn. Gần đây, các công ty lớn mạnh đang ngày càng hà tiện hơn với cổ tức của mình và thường dùng tiền để mua lại cổ phiếu đã phát hành của công ty, ví dụ như trường hợp của General Electric. Giảm lượng cung cổ phiếu làm tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu, và cuối cùng đem lại lợi nhuận cho các cổ đông, tuy nhiên lợi nhuận đó chỉ có được khi họ bán các cổ phiếu.

Nếu có ai đó phải chịu trách nhiệm về tình trạng cổ tức biến mất thì đó chính là chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ không những đánh thuế vào lợi nhuận công ty mà còn đánh thuế toàn phần vào cổ tức công ty, do đó cổ tức trở thành thu nhập không kiếm được. Để giúp đỡ các cổ đông tránh phải chịu thuế hai lần, các công ty đã xoá bỏ cổ tức nhằm khuyến khích chiến lược mua lại, giúp làm tăng giá cổ phiếu. Chiến lược này đặt ra cho các cổ đông các loại thuế đánh vào giá trị tài sản tăng thêm nếu họ bán cổ phần của mình, nhưng giá trị tài sản dài hạn chỉ chịu mức thuế 50% so với các loại thuế thu nhập thông thường.

Nói về thu nhập dài hạn trong những bài diễn thuyết vào bữa ăn trưa và bữa ăn tối của tôi suốt 11 năm, tôi đã hỏi một số khán giả: “Bao nhiêu người trong số các bạn là những nhà đầu tư cổ phiếu dài hạn?” Ngày nay, câu trả lời đều thống nhất - mỗi người là một nhà đầu tư dài hạn, bao gồm cả những giao dịch viên ban ngày trong số các khán giả, những người luôn dành 2 giờ để nghỉ ngơi. Đầu tư dài hạn đã trở nên quá phổ biến, đến mức thà bạn thừa nhận mình là một kẻ nghiện bạch phiến mạnh còn dễ dàng hơn việc thừa nhận mình là một nhà đầu tư ngắn hạn.

Tin tức thị trường chứng khoán đã đi từ chỗ khó tìm kiếm (trong thập niên 1970 và đầu thập niên 1980) đến chỗ dễ tìm kiếm (cuối thập niên 1980), và giờ đây là khó có thể tránh được. “Thời tiết tài chính” được theo dõi thường xuyên giống như thời tiết thực: lên, xuống, những vùng áp suất thấp, những biến động, và vô số dự đoán về điều gì sắp xảy ra cũng như cách thức đối phó. Người ta khuyên các nhà đầu tư suy nghĩ cho dài hạn, nhưng những lời bình luận không dứt về mỗi biến động chỉ làm họ thêm bực mình và khiến họ chỉ có thể tập trung vào ngắn hạn. Để có thể suy nghĩ cho dài hạn cũng là một thách thức. Nếu có một cách để tránh khỏi nỗi ám ảnh về những thăng trầm mới nhất, hay tránh được việc kiểm tra cổ phiếu định kỳ sáu tháng như kiểm tra dầu cho xe vậy, thì có lẽ các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thư thái hơn.

Không ai tin vào đầu tư dài hạn mạnh mẽ như tôi, nhưng cũng giống như với “Nguyên tắc vàng” (nguyên tắc đối xử với người khác như mình muốn được người ta đối xử như vậy), việc thuyết giáo dễ hơn là thực hành. Tuy nhiên, thế hệ các nhà đầu tư hiện nay đã giữ vững niềm tin và kiên trì trong cả những tình huống khó khăn mà tôi đã nói ở trên. Đánh giá những cuộc gọi điện xin lỗi từ quỹ Fidelity Magellan, nơi làm việc cũ của tôi, thì các khách hàng đã cảm thấy hoàn toàn tự mãn. Chỉ có một số phần trăm rất nhỏ rút tiền ra khỏi thị trường đầu cơ giá xuống liên quan tới Saddam Hussein vào năm 1990.

Nhờ có những giao dịch viên làm việc ban ngày và những giám đốc quản lý quỹ chuyên nghiệp mà cổ phiếu ngày nay được sang tay với một tốc độ chóng mặt. Vào năm 1989, 300 triệu cổ phiếu được giao dịch được đánh giá