Peter Lynch là nhà quản lý tài chính số 1 ở Mỹ. Quan điểm của ông là: Tất cả các nhà đầu tư trung bình đều có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ và họ có thể chọn được những cổ phiếu hời nhất không kém gì các chuyên gia đầu tư trên Phố Wall chỉ bằng việc thực hiện một cuộc điều tra nhỏ.
Trong cuốn sách, Lynch đề cập đến cách thức mà ông đã đạt được thành tích đầu tư vĩ đại của mình khi là cựu giám đốc xuất sắc của quỹ đầu tư hàng tỷ đô-la Magellan. Viết cùng Joghn Rothchild, Trên đỉnh Phố Wall đưa ra những chỉ dẫn dễ dàng áp dụng để có thể lựa chọn được những danh mục từ việc đánh giá các báo cáo tài chính của công ty và nhận ra những con số thực sự có giá trị. Ông giải thích và đưa ra những chỉ dẫn để đầu tư theo chu kỳ, hay thay đổi hoàn toàn danh mục đầu tư để theo đuổi những công ty đang phát triển nhanh.
Lynch khẳng định rằng, nếu bạn không bị chi phối bởi sự thất thường của thị trường sự ham muốn tức thời về lợi nhuận, bạn sẽ được đền đáp bởi danh mục đầu tư của mình, (sau khoảng từ 5 đến 15 năm). Lời khuyên này đã được chứng minh là sống mãi với thời gian và đã biến Trên đỉnh Phố Wall trở thành tác phẩm bán chạy số 1 ở Mỹ. Và cho đến bây giờ, cuốn sách kinh điển này vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu của nó.
***
Peter Lynch được mệnh danh là “nhà quản lý tiền số một trên thế giới”. Là giám đốc Quỹ Fidelity Magellan từ năm 1977, ông đã phát triển Fidelity Magellan từ 20 triệu đô-la lên đến 14 tỷ đô-la năm 1990. Trong 13 năm đó, ông không thua lỗ năm nào, và tới 11 năm thắng chỉ số S P 500 Index.
Dựa trên 13 năm kinh nghiệm quản lý thành công quỹ đầu tư Fidelity Magellan và từng lựa chọn hàng nghìn cổ phiếu, Lynch đã đúc kết nên tác phẩm Đánh bại Phố Wall.
Trong cuốn sách này, Peter Lynch tổng kết lại quá trình làm việc tại quỹ đầu tư của mình để rút ra những kinh nghiệm quý báu cho độc giả. Đồng thời, ông tổng kết cách thức lựa chọn 21 cổ phiếu được khuyến nghị mua trong năm 1991, các cổ phiếu này thuộc những ngành và lĩnh vực khác nhau, từ đó đưa ra cách thức hữu hiệu cho các nhà đầu tư tham khảo.
Peter Lynch so sánh việc đầu tư chứng khoán với các loại đầu tư khác, ví dụ trái phiếu, và ông đi đến kết luận là đầu tư vào chứng khoán mang lại lợi nhuận hơn hẳn những hình thức đầu tư khác.
Theo ông, trong đầu tư chứng khoán, thông minh chưa phải là yếu tố quyết định hàng đầu, vấn đề là nhà đầu tư phải kiên tâm, vững vàng. Sẽ có rất nhiều đợt trồi sụt của giá cổ phiếu, nhiều khủng hoảng, vì thế nhà đầu tư giỏi phải là người có khả năng vững vàng nắm giữ cổ phiếu và không bán tháo chúng.
Lynch khuyên rằng, khi mua cổ phiếu cần tìm hiểu kỹ công ty mình đầu tư, ví dụ thường xuyên gọi điện lấy thông tin và đích thân đi đến từng công ty để tìm hiểu, điều tra. Đầu tư mà không tìm hiểu sẽ là liều lĩnh. Một nhà đầu tư nghiệp dư chịu khó nghiên cứu tìm hiểu sẽ đạt được thành tích không thua kém gì các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Ngoài ra nhà đầu tư phải luôn quan tâm kiểm tra định kỳ các cổ phiếu mình đang đầu tư.
Điểm đặc sắc nhất trong cuốn sách này là 21 quy tắc đầu tư mà Lynch đã đúc rút từ thực tiễn hoạt động của bản thân được ông đặt tên là những “Quy tắc vàng của Peter”. Những lời khuyên của Lynch sẽ khiến các nhà đầu tư thấy kỳ lạ bởi nó thật sự rất đơn giản, đến mức hầu hết những nhà đầu tư không chuyên cũng có thể vận dụng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu bạn làm theo những “Quy tắc vàng của Peter”, chắc chắn bạn sẽ thu được lợi nhuận cao khi đầu tư chứng khoán.
Chúng tôi tin rằng Đánh bại Phố Wall cùng với các cuốn sách đầu tư chứng khoán khác mà Alpha Books tái bản trong dịp này sẽ mang lại cho độc giả nhiều thông tin có giá trị.
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách này!
Tháng 5/2015
CÔNG TY CỔ PHẦN SÁCH ALPHA
***
Ngày 31/5/1990, sau 13 năm chính thức làm việc ở Fidelity Magellan, tôi nghỉ việc tại quỹ. Sau đó, Jimmy Carter đã thay tôi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch quỹ, và ông cũng thừa nhận rằng trong thâm tâm, ông đã rất khao khát vị trí này. Trong thâm tâm tôi cũng có một niềm khao khát – khao khát cổ phiếu. Tính tổng cộng, tôi đã mua hơn 15.000 cổ phiếu cho các nhà đầu tư của Magellan. Không có gì đáng ngạc nhiên khi tôi có tiếng là chưa bao giờ gặp phải một cổ phiếu mà tôi không thích.
Sự thay đổi này khá đột ngột, chứ không nằm trong tính toán của tôi. Công việc theo dõi quá nhiều công ty của tôi đã dần bộc lộ hạn chế từ giữa thập niên 1980, khi chỉ số Dow đạt mức 2000 và tôi đến tuổi 43. Cũng vì sa đà vào hoạt động quản lý danh mục đầu tư mà tôi không thường xuyên ở nhà để chứng kiến bọn trẻ trưởng thành ra sao. Chúng thay đổi thật nhanh. Cứ vào cuối tuần, chúng lại tự liên lạc với tôi, còn tôi thì lại dành nhiều thời gian với Fannie Mae (Quỹ Thế chấp nhà ở Liên bang), Freddie Mac (Công ty thế chấp cho vay mua nhà Liên bang) và Tập đoàn cho vay Sallie Mae, hơn là với các con mình.
Khi bạn bắt đầu cảm thấy lẫn lộn giữa Freddie Mac, Sallie Mae và Fannie Mae với các thành viên trong gia đình, và bạn nhớ mã của 2.000 loại cổ phiếu nhưng lại quên ngày sinh nhật của con mình, có nghĩa là bạn đang dành quá nhiều thời gian cho công việc.
Năm 1989, khi Cuộc khủng hoảng năm 1987 đã lùi vào quá khứ và con tàu thị trường chứng khoán vẫn chèo lái một cách êm ả, tôi tổ chức sinh nhật lần thứ 46 cùng với vợ tôi, Carolyn, và các con gái tôi là Mary, Annie và Beth. Đến giữa buổi tiệc, bất chợt tôi nhớ ra là cha tôi đã qua đời khi 46 tuổi. Trong tôi lúc đó là cảm giác của một người bắt đầu thấy ghê sợ khi nhận ra mình đã sống lâu hơn bố mẹ. Con người ấy cũng bắt đầu nhận ra mình sẽ chỉ sống trong chốc lát, trong khi lại chết trong khoảng thời gian rất dài. Con người ấy bắt đầu ước giá mình đã xem được nhiều vở kịch trường học, trò chơi trượt tuyết và đá bóng buổi chiều của các con hơn. Con người ấy tự nhắc nhở bản thân rằng chưa từng có ai vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời lại nói rằng: “Ước gì tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho công việc”.
Tôi cố gắng tự thuyết phục mình rằng các con không còn cần tôi quan tâm tới chúng nhiều như khi còn nhỏ. Nhưng trong thâm tâm, tôi biết thực tế hoàn toàn ngược lại. Khi còn là những đứa trẻ lên ba, chúng chạy quanh nhà, đập phá mọi thứ, và bố mẹ phải chạy theo để thu dọn đồ đạc. Nhưng thu dọn đồ đạc cho một đứa trẻ mới biết đi mất ít thời gian và công sức hơn là khi chúng đến tuổi thiếu niên với những bài tập ngoại ngữ hoặc toán học hóc búa cần ta giúp, hoặc những lần đưa chúng đến sân tập thể thao hay đi mua sắm, hoặc trấn an chúng mỗi khi chúng vấp ngã.
Vào những ngày cuối tuần, muốn hiểu được con mình và suy nghĩ của chúng, các bậc cha mẹ sẽ phải lắng nghe loại nhạc chúng nghe, cố nhớ tên của các nhóm nhạc rock và cùng chúng xem những bộ phim mà bản thân người lớn không ai muốn xem. Tôi đã từng làm tất cả những điều đó, nhưng rất hãn hữu. Thường vào thứ Bảy, tôi hay ngồi lì ở bàn làm việc, trước một đống công việc giấy tờ cao ngập đầu. Trong những dịp hiếm hoi đưa bọn trẻ đi xem phim hoặc đi ăn ấy, tôi đã dành thời gian để tìm kiếm một quan điểm về đầu tư. Chính vào những dịp như vậy, tôi biết đến Pizza Time Theater, một loại cổ phiếu mà tôi ước gì mình đã không mua, và Chi-Chi’s, loại cổ phiếu tôi ao ước mình từng sở hữu.
Năm 1990, Mary, Annie và Beth lần lượt lên 15, 11 và 7 tuổi. Mary vào học tại một trường nội trú và chỉ về nhà vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi. Đến mùa thu, con bé tham gia chơi tới bảy trận bóng đá nhưng tôi chỉ xem được một trận. Đó cũng chính là năm thiếp mừng lễ Giáng sinh của gia đình Lynch bị chậm mất ba tháng.
Những đêm không làm việc muộn tại công ty, tôi lại tham dự cuộc họp của một trong số các tổ chức từ thiện và tổ chức công dân mà tôi tình nguyện tham gia ban quản trị. Thông thường, các tổ chức này sắp xếp cho tôi làm việc tại các uỷ ban đầu tư của họ. Lựa chọn cổ phiếu vì những động cơ có ý nghĩa là điều tốt đẹp nhất trong tất cả những điều có thể, thế nhưng nhu cầu hoạt động công ích của tôi không ngừng tăng nhanh, song song với nhu cầu của Quỹ Magellan Fund, và tất nhiên, cũng như của các con gái tôi với lượng bài tập về nhà ngày càng khó hơn và hàng ngày phải tham gia nhiều hoạt động hơn.
Khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm, tôi đã phải thú nhận với bác sĩ rằng bài tập thể dục duy nhất mà tôi thực hiện là đánh răng. Tôi cũng nhận thức được là trong vòng 18 tháng trước đó, tôi không hề đọc cuốn sách nào. Trong hai năm, tôi đã xem ba vở kịch opera, The Flying Dutchman, La Bo-hème, và Faust, mà không hề xem một trận đấu bóng đá nào. Chính điều này đã giúp tôi nghiệm ra Quy tắc thứ nhất của mình:
Khi số vở kịch opera nhiều hơn số trận đấu bóng đá với tỷ lệ 3 - 0, bạn cần biết rằng đã có điều gì đó bất hợp lý trong cuộc sống của mình.
Đến giữa thập niên 1990, một ý nghĩ lóe ra trong đầu tôi. Tôi nhớ rằng người có họ giống với tên quỹ của tôi, Ferdinand Magellan, cũng đã nghỉ hưu sớm và chuyển đến một vùng đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, mặc dù những gì xảy ra với ông ấy sau này (bị những người bản xứ bất đồng xua đuổi) cũng đủ để tôi dừng lại. Với hy vọng tránh được số mệnh tương tự khi đối mặt với sự tức giận của các cổ đông, tôi đã gặp gỡ Ned Johnson, là sếp của tôi ở Fidelity, và Gary Burkhead, giám đốc nghiệp vụ, để thảo luận về một giải pháp tối ưu.
Cuộc gặp mặt giữa chúng tôi diễn ra thẳng thắn và cởi mở. Ned Johnson đề nghị tôi tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo nhóm của toàn bộ quỹ cổ phần của Fidelity. Ông đề nghị cấp cho tôi một phần vốn nhỏ hơn để thực hiện công việc kinh doanh với một số tài sản trị giá 100 triệu đô-la thay vì số tiền 12 tỷ đô-la mà tôi từng phải xử lý. Thế nhưng, ngay cả khi số tiền này đã giảm đi hai con số thì với tôi, dường như nguồn vốn mới vẫn đòi hỏi một khối lượng công việc ngang với nguồn vốn cũ, và như thế tôi lại tiếp tục phải làm việc vào thứ Bảy. Tôi từ chối lời mời hấp dẫn của Ned.
Có một điều mà không mấy ai biết, đó là tôi cũng từng điều hành một quỹ lương hưu quy mô 1 tỷ đô-la cho nhiều tập đoàn lớn, bao gồm Kodak, Ford và Eaton, trong đó Kodak chiếm tỷ lệ lớn hơn cả. Quỹ lương hưu này đạt được thành tích tốt hơn so với Magellan bởi tôi có thể đầu tư vốn mà không bị nhiều hạn chế. Ví dụ, quỹ lương hưu được phép chuyển đổi trên 5% tài sản của mình thành một cổ phiếu đơn, trong khi quỹ tương hỗ thì không thể.
Mọi người ở Kodak, Ford và Eaton muốn tôi tiếp tục quản lý quỹ lương hưu của họ, nhưng tôi cũng từ chối lời mời hấp dẫn này. Ngoài Fidelity, tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị để bắt đầu quản lý Quỹ Lynch Fund, một loại quỹ tương hỗ đóng được niêm yết trên thị Sàn giao dịch chứng khoán New York. Những người có tiềm năng trở thành người sáng lập cho rằng họ có thể bán cổ phần trị giá hàng tỷ đô-la của Lynch Fund chỉ trong một giao dịch lưu động nhanh chóng ở một số thành phố.
Theo quan điểm của nhà quản lý, điểm thu hút của một quỹ tương hỗ đóng là quỹ này không bao giờ để mất nguồn khách hàng của mình, cho dù kết quả làm việc của giám đốc quỹ có kém thế nào. Đó là vì cổ phiếu quỹ tương hỗ đóng được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán, cũng như Merk hay Polaroid hay bất kỳ loại cổ phiếu nào khác. Người bán cổ phiếu quỹ mô hình đóng đồng thời phải là người mua, vì vậy số cổ phần không bao giờ thay đổi.
Điều này không giống với một quỹ mở như Magellan. Trong một quỹ mở, khi một cổ đông muốn rút khỏi quỹ thì quỹ sẽ phải thanh toán cho cổ đông đó giá trị bằng tiền mặt của số cổ phần mà cổ đông đó nắm giữ, và quy mô của quỹ bị giảm đi một lượng tương đương với giá trị đó. Một quỹ mở không mấy danh tiếng có thể bị suy yếu nhanh chóng khi khách hàng của quỹ chuyển sang đầu tư vào các quỹ khác có tính cạnh tranh hơn hoặc đầu tư vào thị trường tiền tệ. Đây là lý do vì sao người quản lý của quỹ mở không được “an giấc” như người quản lý của một quỹ đóng.
Một Lynch Fund trị giá 2 tỷ đô-la được niêm yết trên sàn giao dịch New York sẽ vĩnh viễn là một doanh nghiệp trị giá 2 tỷ đô-la (trừ phi tôi đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm nghiêm trọng dẫn đến thua lỗ). Và năm nào cũng vậy, tôi vẫn tiếp tục được nhận khoản phí thường niên là 75 điểm cơ bản (tương đương 15 triệu đô-la).
Xét từ góc độ tài chính thì đó là một gợi ý hấp dẫn. Tôi có thể thuê một nhóm phụ tá để làm công việc lựa chọn cổ phiếu, giảm lượng thời gian cho công việc để nghỉ ngơi, chơi gôn, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và quên đi việc theo dõi các loại cổ phiếu như Red Sox, Celtics và La Bohème. Cho dù tôi chiến thắng thị trường hay không, tôi vẫn thu được một khoản tiền lời rất lớn.
Chỉ có hai vấn đề trong kế hoạch này. Vấn đề thứ nhất đó là khát khao chiến thắng của tôi lại lớn hơn nhiều so với khả năng chịu đựng thất bại trên thị trường của mình. Vấn đề thứ hai là tôi luôn luôn tin rằng các nhà quản lý quỹ nên tự lựa chọn cổ phiếu của riêng mình. Nếu vậy, một lần nữa, tôi lại quay trở lại xuất phát điểm, vùi đầu vào công việc tại văn phòng của Lynch Fund vào những ngày thứ Bảy, say sưa với những chồng báo cáo thường niên, với một nguồn vốn ngày càng lớn nhưng lượng thời gian thì ngày càng ít ỏi hơn bao giờ hết.
Quay lưng lại với một món hời như vậy là một điều xa xỉ mà rất ít người có thể làm được. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn có thể may mắn được cuộc sống ban thưởng giống như tôi, khi đó sẽ nảy sinh một vấn đề là bạn phải quyết định xem có nên trở thành nô lệ của tài sản bằng cách dành hết phần đời còn lại để làm cho số tài sản đó lớn hơn hay để những gì bạn đã tích luỹ được phục vụ bạn.
Có một câu chuyện của Tolstoy kể về một người nông dân nhiều tham vọng. Một vị thần hứa sẽ cho ông ta tất cả khu đất mà ông ta đi hết trong một ngày. Sau khi chạy hết tốc lực vài giờ, ông ta có được một diện tích đất rất lớn, một lượng tài sản mà phải mất cả đời ông cũng không thể có được, một lượng của cải dư thừa để cả ông và gia đình giàu có trong nhiều đời. Người nông dân nghèo ướt đẫm mồ hôi và thở hổn hển. Ông ta nghĩ đến việc dừng lại – đi tiếp để làm gì chứ? – nhưng ông lại không thể vượt qua chính mình. Ông ta lại tiếp tục chạy với tham vọng tận dụng đối ta cơ hội của mình, để đến cuối cùng chết vì kiệt sức.
Đó cũng chính là kết cục mà tôi hy vọng không gặp phải.
Mời các bạn đón đọc Đánh Bại Phố Wall của tác giả Peter Lynch & John Rothchild.