Dịch giả: Mạnh Tường
Nietzsche: "Một tâm hồn lớn nhất mà nước Đức và cả châu Âu đã sinh sản được từ sau Goethe đến nay." Đó là lời của một trong những nhà văn nổi tiếng nhất hiện nay của Đức, ông Emil Ludwig.
Trước tiên, chúng ta tìm hiểu cuộc đời của Nietzsche, điều hết sức quan trọng nếu ta muốn làm quen với tâm hồn vĩ đại kia. Bởi con người nọ không phải là nhà triết học lạnh lùng khô khan, ở trong phòng kín lo kết hợp toàn những ý niệm theo quy luật của một thứ lý luận trừu tượng, mà là một người suy tư cuồng nhiệt, kẻ đi tìm chân lý với tất cả tâm hồn, coi cuộc đời như một kinh nghiệm diệu kỳ, kẻ mong làm lắng dịu nỗi khủng hoảng nội tâm của mình bằng suy tưởng và đưa vào trong cái nhìn về vũ trụ của mình những mặc khải xuất thần.
Cũng trong chương này, ta sẽ lần lượt xét qua các tác phẩm đánh dấu những biến cố trọng đại trong cuộc đời của Nietzsche theo từng thời kỳ.
Ta cũng sẽ thử rút ra những nét thật chính yếu của cuộc đời dữ dội, đầy dao động và lôi cuốn kia.
Sau đó là phần trình bày học thuyết Nietzsche, với vấn đề quan trọng đầu tiên là tìm biết có một hay nhiều triết học Nietzsche. Vì những lý do giải thích sau, chúng ta tuần tự nghiên cứu:
-Những bước khởi đầu của tư tưởng Nietzsche, giai đoạn chịu ảnh hưởng Schopenhauer và Wagner.
-Phê bình của Nietzsche về mọi quan niệm đã có, siêu hình, luân lý, tôn giáo, chính trị, xã hội, nghệ thuật và khoa học.
-Sau hết là những mặc khải của Nietzsche về Ý chí Hùng Tráng, Lật đổ các Giá Trị, Siêu Nhân và Trở về Vĩnh Cửu.
Người ta sẽ hướng dẫn nghiên cứu đó theo tinh thần quy tập của cuốn sách này-gạt bỏ cái thuần uyên bác và những tìm kiếm nguồn gốc, không lẫn lộn vào phần trình bày những xung đột học thuyết, những thẩm định riêng tư, và nhất là giữ lại hệ thống những phần sống động nhất, những phần mà tương lai phải bảo tồn hay ít nữa, phải thảo luận riêng biệt.
Người ta hy vọng nghiên cứu này sẽ đưa một số người đọc đến việc đọc các tác phẩm, hay cũng đôi ba tác phẩm của chính bậc thầy; đọc chúng theo cách thích đáng, nghĩa là không vội vã và từng mục nhỏ, từng phần một, với một hỗn hợp -mà Nietzsche rất ưa thích- giữa thiện cảm ngưỡng mộ và phê phán độc lập.
Ta cũng mong ước rằng, ở mọi trường hợp, tác phẩm phổ thông khiêm tốn này sẽ giúp đánh tan vài thành kiến, ngày nay vẫn còn bành trướng về triết lý cao quý, táo bạo, hùng tráng và trữ tình đó.
Trong một trang sách ở cuốn Bình Minh, Nietzsche đã trách vài triết gia trước mình (Kant và Schopenhauer) đã không tạo nên một "tiểu sử vô ý của tâm hồn" nào rút từ tư tưởng của họ. Lời phê phán này không nhằm vào Nietzsche được, vì giữa cuộc đời và tác phẩm của ông có một tương quan vô cùng chặt chẽ. Khi đề cập đến tác phẩm Nietzsche, nên coi nó như một thứ "nhật ký nội tâm" hay là lời thú nhận thành khẩn và thiết tha của "một tâm hồn mang tư chất hiếm có" như lời của một trong những nhà phê bình nổi tiếng nhất của Pháp về Nietzsche, Henri Lichtenberger, giáo sư đại học ở Sorbonne.
Cho nên đối với Nietzsche, hơn bất cứ nhà tư tưởng nào, điều cần thiết là phải biết rõ cuộc đời ông, trước khi đi vào triết lý.
Cuộc đời đó thật lại vô cùng lôi cuốn. Cũng trong một trang khác của cuốn Bình Minh, Nietzsche hỏi những người tự nhận là người hiểu biết: "Anh đã sống với tận cùng tâm hồn của anh chưa, với những nỗi xao xuyến, dao động, với buồn thảm mênh mông dài đăng đẳng, với niềm vui phút chốc bùng cháy lên không?" Nếu có ai đặt ra với Nietzsche câu hỏi này, hẳn nhiên Nietzsche sẽ trả lời quyết liệt: có.
Bệnh họan, khổ đau tình cảm, niềm vui bất chợt; những lúc lao mình với tình yêu mà không được đền bù: những tình bạn đam mê, đôi khi đưa đến đoạn tuyệt; những trầm tư cô độc, những cuộc du hành, đổi chỗ ở càng lúc càng thường xuyên. Những ngày diễm ảo ở các thành phố đẹp đẽ, trong nơi trú ngụ huy hoàng, những hy vọng rồi tuyệt vọng, những cuộc khảo sát thường xuyên của ý thức, những hiếu kỳ, những mơ mộng, ái ngại, chán nản, ngờ vực: bao nhiêu là biến chuyển nội tâm, rất nhiều các phiêu lưu tình ý!
Cuộc đời đó, trong cách thế của nó, là tuyệt phẩm của nghệ thuật. Nietzsche đã thực hiện đúng hình ảnh lý tưởng ông đã khẳng định trong cuốn Hiểu Biết Hài Hòa: "Chúng ta muốn là thi sĩ của cuộc đời chúng ta."
Friedrich Wilhelm Nietzsche sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 ở Roecken, tỉnh Thuringe. Thuringe là nơi có dân số nửa gốc Đức nửa gốc xờ-la-vờ vẫn thường là trung tâm của tư tưởng tự do, tinh thần phê phán, đối nghịch với các lý tưởng cựu truyền. Chính Thuringe là nơi sinh của Luther, nơi phát xuất phong trào cải cách.
Tổ tiên của Nietzsche phần nhiều đều là những nhà thần học tin lành, đó chính là môi trường kết hợp một nền văn hóa rộng rãi với một thứ luân lý khắt khe và một lòng tôn trọng các đức tin công giáo. Cha của ông Karl Ludwig Nietzsche là mục sư. Ông quản nhậm địa phận Roecken, gần sát mặt trận Lutzen, và kết hôn với một trong những người con gái của vị mục sư đồng nghiệp sống ở giáo khu bên cạnh, Franciska Œhler.
Trong một trang của cuốn Sự Vật Nhân Bản, Friedrich Nietzsche viết: "Những xung khắc không giải quyết giữa đức tính và lòng tin ở cha mẹ đã tồn tại nơi đứa con và tạo ra lịch sử cả cuộc đau khổ nội tâm của nó."
Trang sách này được ông Charles Andler, giáo sư trường quốc học Pháp chú giải rất hay trong cuốn sách nổi tiếng của ông về Nietzsche, cuốn Nietzsche, cuộc đời và tư tưởng, (ở đây chúng tôi dựa nhiều vào tác phẩm quan trọng đó, tưởng cũng không thừa khi khuyên người đọc nên tìm đọc tác phẩm này, nếu muốn biết rõ Nietzsche).
Charles Andler viết: "Giòng họ Œhler có rất nhiều lòng tin Ky tô và cả tính phỉ báng thánh thần. Còn giòng họ Nietzsche thì toàn là các nhà tu khổ hạnh nhưng cũng là phần tử tinh hoa của tư tưởng tự do. Người nào cũng hách dịch và bằng nhiều cách thường tỏ ra muốn thống trị kẻ khác. Nỗi xung khắc kéo dài nọ tạo ra đau khổ nội tâm ở Nietzsche. Truyền thống gia đình đã dạy cho Nietzsche biết tổ tiên của mình là những quý tộc Ba Lan, những bá tước dòng họ Nietzki, bị ngược đãi phải trốn khỏi quê hương và sau cùng chấp nhận phong trào cải cách. Một ngày nọ cậu bé Nietzsche nói với người em: "Một bá tước dòng Nietzki không bao giờ được nói dối."
Nietzsche được năm tuổi thì cha mất, và mẹ phải dọn về ở nơi thành phố Naumburg. Cậu bé trịnh trọng, mộ đạo, thông minh, thường thao thức đó, khi được 6 tuổi người ta đã đặt là ông mục sư con. Ông mục sư con tự nhủ thầm: "Năm 12 tuổi, tôi đã thấy thượng đế trong vẻ rực rỡ của ngài." Ngay từ nhỏ và suốt đời niên thiếu, Nietzsche đã làm thơ và sáng tác nhạc, những vũ khúc, những giai khúc ca ngợi tổ tiên Ba Lan mình.
Tháng 10 năm 1858, Nietzsche vào trường trung học Schulpforta. Ở đây ông học viết tiếng Đức cho hay hơn, học rất chăm tiếng Hy lạp, La tinh và rất say mê lịch sử.
Năm 1864, ông rời Schulpforta và vào Đại học Bonn. Ông chỉ học ở đây một năm rồi qua Đại học Leipzig, theo người thầy ông thích nhất, giáo sư ngữ học Ritschl.
Ban đầu ông vẫn tìm cách giữ nguyên lòng tin như ở thời thơ ấu, nhưng vô ích. Những nỗi hòai nghi dần dần nảy nở trong lòng ông. Ông không dứt bỏ đột ngột đạo Ky tô như thể vài người công giáo khác đột nhiên không tìm thấy trong tôn giáo của mình chân lý tuyệt đối mà họ đã tin theo. Bởi là người tin lành, Nietzsche tự xét mình có quyền sáng tạo một niềm tin riêng tư, dựa trên căn bản tự do phê phán. Nhưng khi tinh thần phê phán càng mạnh mẽ, niềm tin càng yếu dần rồi mất hẳn.
Một lần ông viết thư về cho em gái: "Ở đây có hai con đường cho chúng ta: nếu em muốn hạnh phúc và muốn tâm hồn an nghỉ thì hãy tin, còn nếu em muốn suốt đời là kẻ theo đuổi chân lý thì hãy tìm kiếm…"
Ông từ bỏ thần học là môn ông đã chọn trước kia. Ông quyết định theo đuổi phụng sự ngữ học dưới sự chỉ dẫn của giáo sư Ritschl, người tin rằng ngữ học không giản lược vào một khoa học lịch sử về các hình thái văn chương, nhưng là một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn của tư tưởng của định chế.
Nietzsche hy vọng được thỏa mãn lòng đam mê học hỏi của mình trên khắp các lĩnh vực mà không rơi vào lối học tài tử, ông làm đủ điều cần thiết cho một môn học chuyên biệt đứng đắn của mình.
Từ năm 1865 đến 1868, ông học được vài năm ở đại học Leipzig, bị ngắt quãng vì nghĩa vụ quân sự nhưng cũng gián đoạn vì tai nạn té ngựa phải mất một thời gian điều trị.
Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ritschl ông đã làm được nhiều công tác tốt đẹp về ngữ học, nhất là về các tác phẩm của Diogène Laoerce, người chuyên viết tiểu sử các nhà triết học Hy Lạp.
Tình cờ một bữa ông lật cuốn sách của Schopenhauer, triết gia lớn theo chủ nghĩa bi quan, và say mê đọc. Cha Andler viết: "Ánh sáng đột nhiên bùng lên không khác chi như khi Malebranche khám phá ra Descartes".
Nietzsche mua ngay một số sách mang về nhà để ra hai tuần liên tiếp đọc không ngừng, trừ vài giờ ngủ. Bỗng chốc ông rời bỏ ngữ học để sang triết học và đệ trình một luận án- bị từ chối- về vài khía cạnh của học thuyết Schopenhauer. Ông hướng dẫn bạn bè nhất là Erwin Rohde vào triết lý bi quan vĩ đại đó.
Ông mơ, với Rohde và vài người bạn khác sau khi học xong năm cuối, cùng đi Paris và sẽ trình bày "lông bông trên các đại lộ đặc ngữ Đức và triết lý Schopenhauer." Nhưng rồi ông không thực hiện dự tính đó.
Tháng 11 năm 1868, một biến cố tình cảm xáo trộn đời sống của Nietzsche. Từ lâu ông rất ngưỡng mộ Richard Wagner, và rất thích nghe nhạc Wagner ở các buổi hòa tấu, ông còn chơi nhạc Wagner lúc một mình, lúc ở nhà bạn bè. Khi Wagner đến Leipzig và lại thăm người em gái, vợ của nhà Đông phương học Brockhaus, ông ngạc nhiên khi thấy bà Brockhaus và bạn của bà này, bà Ritschl, đã biết đến một trong những giai khúc của ông trong bài Maitres-Chanteurs; Wagner rất mong muốn được làm quen với kẻ ngưỡng mộ vô danh đã góp phần phát hiện tác phẩm của ông và làm danh tiếng ông lan khắp nơi. Một tối mưa và đầy tuyết, Nietzsche lại nhà ông bà Brockhaus, e thẹn xấu hổ trong chiếc áo mưa đen cũ, nhưng sung sướng ngập lòng vì được gặp bậc thầy đó. Nietzsche bày tỏ lòng tôn sùng của mình. Cả hai cùng nói chuyện, nhất là nói về Schopenhauer. Người nghệ sỹ lớn và kẻ ngưỡng mộ trẻ tuổi kia tỏ ra hòa hợp, đồng ý với nhau rất sâu xa.
Vào dịp này trường đại học của hạt Bâle đang tìm một giáo sư dạy tiếng Hy lạp và La tinh. Ritschl khuyên nên mời Nietzsche, dù bấ giờ Nietzsche mới 24 tuổi, nhưng ông viết: "Đó là một thiên tài." Chàng trẻ tuổi được phong giáo sư ngữ học cổ điển tại Đại học Bâle.
Ông đến Bâle ngày 19 tháng 4 năm 1869. Ông giảng dạy rất lương tâm với các sinh viên ở đây. Đồng thời tại đó ông cũng gặp Jacob Burkhardt nhà sử học văn minh, sau là giáo sư sử ký giáo hội Overbeck, ông kết bạn rất lâu với vị này.
Điều ông sung sướng hơn cả là được Wagner mời đến chơi tại nhà ở Tribschen, lân cận Lucerne. Ông đến đó lần đầu vào tháng 5 năm 1869, và sống tại đó những ngày đầy vui vẻ, những ngày đẹp nhất trong đời của ông (theo thư viết về cho em gái.) Với ông, "Wagner là thiên tài vĩ đại nhất và là nhân vật lớn nhất của thời đại chúng ta." Lần đầu tiên Wagner thấy mình được hiểu, được ngưỡng mộ như chính ông muốn.
Sống với Wagner là Cosima, mà sau này Wagner kết hôn với nàng, người con gái của Liszt, vợ đã ly dị của nhạc trưởng Haus von Bulow. Người thiếu phụ thông minh và say đắm đó gây cho Nietzsche một ngưỡng vọng đam mê, nàng chính là người đàn bà cao quý độc nhất mà ông đã biết. Andler cho biết, nàng còn trẻ nên cảm thấy gần gũi với Nietzsche hơn là Wagner, lúc đó đã gần sáu mươi. Ông Andler viết: "Từ đây khởi đầu một thiên tình sử cao đẹp nhất của thế kỷ 19, thiên tình sử câm nín và đau xót mà mãi đến ngày nay vẫn chưa một ai biết rõ. Sau này Cosima sẽ là Ariane trong giấc mơ của Nietzsche. Chỉ đọc một lần vào năm 1888, khi rơi vào tình trạng điên lọan, ông mới dám viết cho người thiếu phụ đó: "Ariane ta yêu em."
Từ năm 1869 đến năm 1872 (năm gia đình Wagner ngụ ở Bayreuth) Nietzsche đến Tribschen hai mươi ba lần.
1870… trận tuyên chiến giữa Pháp Đức làm Nietzsche kinh ngạc. Ban đầu ông phẫn uất lên án bọn xâm lược, bọn "thú dữ Pháp". Vì có quốc tịch Thụy sỹ từ khi là giáo sư ở Bâle, Nietzsche không thể thi hành nghĩa vụ quân sự. Ông tình nguyện xung vào đòan cứu thương. Bằng kinh nghiệm thực tiễn ông được biết, không phải cái tàn khốc của chiến tranh, nhưng cái hậu quả kinh sợ theo sau chiến tranh. Trong khi đưa các thương binh về Đức, ông mắc bệnh bạch hầu và kiết lỵ. Ông bị một trận đau rất nặng, và từ đó, không bao giờ ông tìm lại được sức khoẻ hòan tòan.
Vào ngày 12 tháng 2 năm 1870, ông khám phá ra cuộc chiến tranh, bề ngòai là phòng thủ, được người Đức theo đuổi, trên thực tế, là cuộc "chiến tranh chinh phục." Ông sợ hãi cái nguy hiểm của giấc mộng bá chủ của đế quốc Phổ chạy theo nền "văn hóa Đức" thực sự. Ông viết trong những ghi chú để lại sau này: "Điều làm tôi ghê tởm sau chiến tranh là cái hào nhóang, cái khinh miệt người Pháp, cái chủ nghĩa quốc gia. Người ta đã mang lại biết bao nhiêu đằng sau Goethe! và bao nhiêu thú nhục dục đáng tởm."
Chúng ta hãy tạm dừng tiểu sử Nietzsche nơi đây để đi sâu vào việc tìm biệt con người thể chất và tinh thần của ông.
Diện mạo của Nietzsche đập mạnh vào mắt bất cứ người nào khi mới gặp ông: trán rộng bóng ; tóc đen đổ ra sau ; đôi mắt lớn sáng long lanh, khi nhìn đăm đăm, khi xa vắng bất động ; chòm râu mép lớn rũ xuống. Vẻ mặt kiêu ngạo và e dè. Quần áo đôi khi tiều lụy, còn thường thì rất chải chuốt. Những bậc thầy nào đã ảnh hưởng lên tư tưởng của ông? Ông đề cập đến những tâm hồn lớn nhất đã tác động trong suốt cuộc đời của ông: "Khi nói đến Platon, đến Pascal, đến Goethe, tôi nghe như máu họ chảy trong mạch mình."
Ta có thể nhận thấy những ảnh hưởng trí thức ông đã chịu trong vô số trích dẫn ở tác phẩm và thư từ của Nietzsche. Thư mục của tủ sách ông đã được người em, bà Foerster - Nietzsche xuất bản. Danh mục các sách ông mượn ở thư viện Bâle từ năm 1869 đến 1879 cũng đã được Alberl Lévy ấn hành. Và ông Charless Andler đã dành hẳn một cuốn để nghiên cứu những "kẻ tiền phong" của Nietzsche.
Trong quãng đầu của cuộc đời, phần lớn bậc thầy của ông điều là người Đức.
Ở Goethe. mà ông đọc đi đọc lại không ngừng các tác phẩm thi ca, ông yêu cái táo bạo, cái khuynh hướng vượt quá quốc gia và thế kỷ, cái cảm khái đưa đến một "nền nhân bản toàn diện". Charles Andler viết: "Chỗ đứng tăng trưởng mà ông dành cho Goethe trong việc đánh giá là một trong những dấu vết của chủ nghĩa bảo thủ thông minh của Nietzsche trong việc lật đổ các giá trị".
Ở Schiller, người biểu lộ chủ nghĩa anh hùng và việc chấp nhận định mệnh. Ngay từ thời niên thiếu cuốn Kẻ cướp của Schiller đã gợi cho Nietzsche ý thích Siêu nhân. Thơ trữ tình về niềm vui bên cạnh nhạc Beethoven mang lại cho Nietzsche một xúc cảm mãnh liệt.
Ông đọc và suy tư rất sớm triết lý của Fichte. Ông khen ngợi siêu hình học của Fichte nhưng chê bai "tính dối trá và bợ đỡ tình tổ quốc" của ông này. Với Schopenhauer, mà ông (như đã nói) là kẻ ngưỡng mộ nhiệt thành. Ngay cả khi không còn tin vào siêu hình học của Schopenhauer, ông vẫn tiếp tục ca ngợi những đặc tính luân lý của vị này.
Ở Hoelderlin, cũng là con vị mục sư như ông cũng không tín ngưỡng như ông, cũng là nhà thơ và nhà tư tưởng như ông, cũng điên và chết như ông. Nietzsche thích những câu thơ đẹp, những dự tính lớn lao trong các bài thơ mênh mông của Hoelderlin.
Trong những ngưới nước ngoài, ở thời kỳ này, ông thích hơn cả là nhà luân lý Mỹ Emerson. Ông gói cuốn Tiểu luận trong va li mình khi đi xa. Ông đặc biệt mến chuộng vị tông đồ của năng lực đó.
Trong tất cả những người đồng thời, cùng với Richard Wagner, Jacob Burckhardt là ngưới gây ở Nietzsche, ảnh hưởng lớn lao nhất. Người bạn và là đồng nghiệp này lớn hơn ông đến hai mươi tuổi. Cùng với Burckhardt, ông tác luyện một giải thích mới về văn minh Hy lạp và tất cả các nền văn minh.
Trong tác phẩm lớn đầu tiên của mình, cuốn Nguồn gốc bi kịch, Nietzsche đã bày tỏ lối giải thích đó. Ông đã trình bày một phần ý tưởng của mình về bi kịch Hi lạp trong nhiều bài diễn thuyết bắt đầu từ năm 1870 và chấm dứt vào cuối năm 1871, sau ấn hành tại nhà xuất bản Fritzsche, Leipzig, với niên hiệu 1872. Chúng ta sẽ tóm tắt chủ đề chính yếu của cuốn sách này trong một phần sau. Tác phẩm bị các nhà phê bình đón tiếp thiếu thuận lợi, một vài người im lặng, còn những kẻ khác lên tiếng chê bai lối giải thích độc đáo văn minh Hy Lạp đó. Nhưng riêng Wagner và Cosima, hai người viết cho ông những bức thư đầy thiện cảm.
Năm 1872, ở Penteco6te, Nietzscbe sung sướng đặt viên đá đầu tiên xây rạp hát Bayreuth. Ngày 22 tháng 6 năm 1872, ở Munich, ông tham dự buổi trình diễn đầu tiên của vở Tristan và lsolde và ông đã bắt gặp một cảm xúc rất mạnh.
Từ năm 1873 đến 1876 ông soạn thảo và xuất bản gồm chung bốn nghiên cứu dưới nhan đề Quan điểm không hiện thời.
Phần đầu của cuốn Quan điểm không hiện thời ra đời năm 1873, tấn công một địch thủ của Wagner, nhà thần học tự do David Strauss. Đối với Nietzsche, David Strauss là kẻ đại diện tiêu biểu, xứng đáng cho bọn "đạo đức giả học thức". Phần thứ hai, xuất bản năm 1874, nhắm đến cái lợi ích và hơn nữa những nguy hại của việc nghiên cứu sử học. Phần ba xuất bản năm 1874, có nhan đề Schopenhauer, nhà giáo dục (trong tác phẩm ông viết riêng cho mình, vào cuối đời suy tưởng, cuốn Ecce Homo, tác giả nói rằng nhan đề thực của nó đúng hơn là Nietzsche nhà giáo dục). Phần bốn in năm 1876, xưng tụng Richard Wagner ở Bayreuth. Sau đây khi nghiên cứu về những bước đầu của tư tưởng Nietzsche, ta sẽ tóm tắt các tư tưởng chính của những bản văn trên. Cũng chính vào lúc tác phẩm ca ngợi người nhạc sĩ thiên tài đó xuất hiện, thì những nghi ngờ, những tình ý đối nghịch, mà từ hai năm nay Wagner đã gây ra ở ông, càng lúc càng rõ rệt hơn càng không cưỡng chống nổi. Giữa hai tâm hồn dữ dội nọ, đã có những xung đột tự ái. Và cả xung đột tình cảm, bởi Nietzsche, tự trong thâm tâm mình, đã yêu Cosima Wagner.
Nietzsche thường tự hỏi có phải lòng ngưỡng mộ của mình về con người và nghệ thuật của Wagner là chính đáng, có đúng nhà nghệ sĩ lớn kia không phải là kẻ ích kỷ, vô liêm, chuyên chế, có đúng là âm nhạc của ông ta là thứ âm nhạc huyên náo, suy đồi, những nhân vật khoa trương, có phải âm nhạc của ông ta thiếu đi cái dung dị, cái ý vị. Nietzsche biết rằng Wagner và Cosima khó chịu vì lý thuyết chống Ki tô và chủ nghĩa thực nghiệm của mình. Ông mơ sẽ cải hóa, sẽ đưa họ đến cái nhìn rộng lớn hơn về vũ trụ.
Tháng 8 năm 1874, ông đến Bayreuth thăm cả hai ở nhà họ tại Wahnfried, rồi ông trở về trong buồn nản và bệnh hoạn. Tháng 7 năm 1876, mặc dù đau thần kinh, Nietzsche cũng tham dự buổi diễn tập vở Vòng khuyên của Niebelung, ở hí viện Bayreuth. Nơi đây ông gặp một Wagner vinh quang đầy hãnh diện và chứng kiến một thành phố toàn bọn giàu sang, thô bỉ, phường xu thời ngu ngốc, giăng mắc cờ xí, đám rước linh đình với quân nhạc rềnh rang nhân dịp hoàng đế Guillaume I đến. Ông viết về cho em gái: "Anh chịu không nổi ở đây." Ông biết Wagner đang soạn vở Parsifal, một vở nhạc kịch diễm tinh ca ngợi tôn giáo, ca ngợi đạo Ky tô, ca ngợi công giáo và lòng trong trắng phép mầu! Ông kinh tởm, chạy trốn, ẩn mình tại một làng lân cận, rồi lại Bayreuth nhưng giữa những người nghe tán dương nồng nhiệt, ông là kẻ độc nhất lặng thinh.
Vài năm sau ông không trả lời đoạn phổ nhạc của vở Parsifal mà Wagner gửi lại, và Wagner cũng im luôn không nói gì đến cuốn Sự Vật Nhân Bản, thậm chí ông đi đến công kích, hay để kẻ khác công kích Nietzsche tuy không gọi tên nhưng chỉ định một cách rõ rệt trong tạp chí của ông Bayreuth Blatter. Thế là cuộc đoạn tuyệt xảy ra…
Vào cuối đời suy tưởng, nhìn về quá khứ, Nietzsche trở lại một phê phán bình thản hơn. Năm 1888, ông viết trong tập Ecce Homo: "Tôi không biết với Wagner điều gì sẽ xảy đến cho người khác; nhưng trên bầu trời của chúng tôi không có một đám mây vẩn đục bay ngang… Tôi vẫn coi Wagner là một ân nhân lớn nhất của đời mình."
°
Với những bản văn đầu tay, Nietzsche bị các nhà học ngữ chính truyền công kích, đến mùa hè 1873, tại đại học Bâle, Nietzsche không còn sinh viên đều đặn nữa, cũng không còn ngay cả người dự nghe. Từ năm 1874, ông càng ngày càng bệnh hoạn. Tháng 6 năm 1875, một trận đau làm ông vắng mặt. Rồi những cơn đau đầu như búa bổ, chứng đau bao tử kinh hồn, những lần nôn mửa cỏ khi kéo dài đến cả vài giờ ; mắt ông trở nên đau đớn mỗi lần gặp ánh sáng hơi chói. Kỳ hè 1876, đại học Bâle chấp thuận cho ông nghỉ một năm.
Ông chấp nhận đau đớn thể xác với một hiểu biết nhẫn nhục. Cái lợi đầu tiên của bệnh hoạn đối với ông, là chính nó đã giải thoát cho ông khỏi cái nghề giáo sư và nghề làm nhà học ngữ. Giáo sư học ngữ Lichtenberger viết như trên.
Nietzsche đến Thụy sĩ, nơi thung lũng Rhône, tại Bex, rồi từ đó đến nước Ý mà ông rất ham thích sống, du hành. Ông đi thăm Gêne, Pise, Naples. Sau đó ông sống tại Sorrente vài tháng với người
bạn gái ông rất quyến luyến, cô Malwida von Meysenbug. Sinh trong một gia đình quan liêu bảo thủ, con gái một bộ trưởng, von Meysenbug đã bỏ đạo Ky tô, chấp nhận niềm tin duy lý, nhân bản, xã hội và quốc tế, như cô đã bày tỏ trong tác phẩm của mình, cuốn Hồi ký của một người theo chủ nghĩa duy tâm. Nietzsche, như ông Daniel Halévy viết trong cuốn sách rất lôi cuốn của ông là cuốn Cuộc đời Frédéric Nietzsche: "Rất mến yêu, càng ngày càng mến yêu thêm, người đàn bà năm mươi tuổi đó luôn luôn đau khổ nhưng can đảm, tế nhị và tốt bụng. Cái tinh thần tự tôn của cô ta quả không rực rỡ, nhưng tâm hồn cô rất cao thượng, Nietzs-che quý chuộng vô lường người đàn bà mang thiên tính đích thực là đàn bà đó.
Sống tại Sorrente với Nietzsche và cô là đôi người bạn chọn lọc, trong đó đáng kể nhất là một người Do thái trẻ tuổi tên Paul Rée, tác giả tập Quan sát tâm lý học. Trong một khung cảnh tráng lệ những người khách của cô de Meysenbug sống những chuỗi ngày quí giá, suy nghĩ, thảo luận, dạo chơi và đọc sách, khi một mình, khi tập hợp với nhau. Sáu tháng ở Sorrente là sáu tháng êm ả nhất mà Nietzsche được sống trên cõi đời. Ông lại còn đi thăm Wagner và Cosima ở gần bên cạnh.
Chính tại Sorrente mà Nietzsche ấn định những đường nét lớn lao cho học thuyết mới của mình, học thuyết mà đôi khi được gọi tên là duy trí. Chính vào thời kỳ này mà các nhà tư tưởng Pháp gây ảnh hưởng rất lớn trên ông. Nietzsche khen Montaigne, nhờ Cosima Wagner tặng bản in đẹp vào dịp Noél 1870 là "nhà luân lý tự nhiên" ông thích cái thông minh chói sáng của tác giả tập Tiểu Luận.
Ông nhìn thấy ở Pascal là kẻ "theo Ky tô hợp lẽ", tháng 9 năm 1888, ông viết cho Goerge Brandès: "Chính Pascal, kẻ tôi có nhiều yêu mến, là người đã giáo dục tôi vô hạn."
Với La Rochefoucauld, như Burckhard viết cho Nietzsche vào tháng 4 năm 1879 sau khi xuất bản cuốn Sự Vật Nhân Bản là "người ghen tức hơn một ngạn ngữ của Nỉetzsche".
Và đến "một La Rochefoucauld của thế kỷ 18 nhưng cao cả và mang suy tư hơn nhiều " Chamfort.
Bên cạnh những tên lớn lao đó, phải kể thêm Stendhal mà, vào năm 35 tuổi, Nietzsche vui sướng khám phá ra tác phẩm Đỏ và Đen của ông. Nietzsche thấy ở Stendhal "nhà tâm lý học sau chót", ông thích cái thông minh trong sáng và tinh thần tự do hoàn toàn của Stendhal.
Mời các bạn đón đọc Nietzsche - Cuộc Đời Và Triết Lý của tác giả Félicien Challaye.