Kui Tan (Vua ăn phá án) - (Full End)
***
Kuitan: Câu chuyện về một gã thám tử bố láo…
ăn như hổ như báo
Phải nói rằng lâu lắm rồi bản thân mình không viết một bài review cho manga hay anime nào cả. Căn bản vì không có cảm hứng, cũng không còn là kẻ đọc manga để mà yêu thích như những ngày nào. Cách viết review xưng tôi và mở đầu bằng những dòng chia sẻ như thế này thật sự chỉ còn là quá khứ. Bắt một kẻ đã mai một võ công phải múa bút lại cần rất nhiều thời gian và nghị lực. Ấy thế cho nên, khi nhận đề tài review manga, lại còn về một chủ đề rõ ràng là mình không yêu thích, cảm giác như vừa hóc phải xương dù mình yêu vị thịt cá ngòn ngọt ấy.
Nói mình không yêu thích đề tài này, có lẽ vì mình ít đọc manga liên quan đến ẩm thực, bởi vì chúng quá “đẹp”. Bản thân mình yêu thích những tạo vật không hoàn hảo, mà nhiệm vụ của người thưởng thức là phải tìm ra điểm sáng, nét đáng yêu ẩn trong bề ngoài méo mó ấy. Thế nên cái chuyện một món ăn tỏa sáng lấp lánh, cắn một miếng có thể thấy thiên đường là tối kị đối với mình. Chẳng biết có phải do số mình xui không mà từng đọc và nhớ đến tên chỉ có những bộ như vậy. Khi tiếp nhận đề tài này, việc lựa chọn manga nào để review với mình trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nếu để tìm trong ký ức mấy năm trời một bộ đã từng đọc và cảm nhận được, chỉ có Tiểu đầu bếp cung đình (Chuukan Ichiban) là manga ẩm thực duy nhất mình từng đọc hết và từng hứng thú (mặc dù nó cũng đẹp long lanh, nhưng mình vốn sợ ẩm thực Trung Quốc, nên chuyện này lại có thể chấp nhận được). Lựa chọn thứ 2 khả dĩ hơn là tìm đọc một bộ manga mới. Điều hãi hùng tiếp theo khiến mình hiếm khi đọc manga ẩm thực là ở đây: Chúng quá dài! Một bộ truyện dài mấy chục chap và hoàn toàn không có dấu hiệu sẽ kết thúc dưới số 100 là con đường mình không muốn bước chân lên đó. Thành ra, những bộ truyện ẩm thực hay ở CTD chắc chắn mình không chạm tay đến. Vậy là hành trình tìm kiếm một manga-có-món-chính của mình lưu lạc sang mảng truyện dịch tiếng Anh. Và mình đã gặp Kuitan.
Phải biết rằng niềm đam mê vô tận của mình trong mọi thể loại từ truyện tranh tới phim ảnh đều là đấu trí, trinh thám. Vậy nên khi kéo đến những dòng cuối cùng của 1 bảng xếp hạng những manga ẩm thực nên đọc, nhìn thấy Kuitan chính thức là một manga trinh thám dùng ẩm thực để phá án, mình gần như đã quyết định ngay phải review cho tác phẩm này. Thật tuyệt vời là manga còn xuất sắc hơn nhưng gì mình trông đợi.
Kuitan xoay quanh nhân vật chính là vị thám tử tư Seiya Takano, một gã với biệt danh “ăn như hạm”. Trong cuộc đời Takano, không có chuyện gì quan trọng hơn thưởng thức các món ăn, con người tồn tại là để nốc những thứ ngon lành vào miệng. Kuitan ngay phút mở đầu đã là bài diễn văn “sống để ăn chứ không phải ăn để sống” của gã thám tử này. Chính vì châm ngôn “trời đánh tránh miếng ăn” đó mà Takano sẵn sàng… sống chết mặc bây, ông phải no bụng cái đã! Sự cuồng mộ ăn uống ấy của Takano, không ngạc nhiên, làm cho bất kỳ ai cũng phát hoảng đến mức muốn nổi sùng. Một khi anh đang ăn, dù có người chết ngay bên cạnh anh cũng thây kệ, hay bất kể đồ ăn có là vật chứng quan trọng, chúng cứ phải… vào bụng anh cái đã. Đây không phải là ví von so sánh, mà là chuyện thực xảy ra trong Kuitan. Cá tính ngông cuồng này của Seiya Takano cũng chính là lý do anh không được lòng nhiều nhân vật khác trong truyện. Dĩ nhiên, mình cũng chẳng đỡ được cái thói bất chấp tất cả, cá nhân là trên hết đó (nghĩ đến chuyện gặp phải một tay na ná vậy ngoài đời chắc mình cũng bốc khói như mấy gã cảnh sát ngay trong chương đầu tiên). Thế mà vô cùng tự nhiên, mình cứ bị cái gã bố láo này thu hút. Ẩn đằng sau vẻ ngoài bát nháo đó là ánh sáng của một tài năng phi thường.
Seiya Takano nổi danh là thám tử tài ba xuất chúng, khiến cả những người không ưa gã cũng phải nể phục đôi phần. Theo đó, Kuitan được xây dựng với motif chính thống - nhân vật chính phá án bằng thực tài (motif quen thuộc còn lại là thánh nhân đãi kẻ khù khờ). Nhưng không giống như nhiều manga khác cùng motif như Meitantei Conan là Shinichi có tài suy luận, Kindaichi của manga giống tên có năng lực cùng dòng máu nhà nòi, Q từ Tantei Gakuen là trực giác và tình yêu với nghề thám tử… Seiya Takano phá án chỉ bằng hiểu biết kinh hồn về một lĩnh vực duy nhất: ẩm thực. Chính bởi vì anh ta yêu các món ăn, anh ta biết mọi thứ về chúng từ nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến, sự khác biệt trong từng vị nhỏ nhất của nó. Chi tiết này khiến mình liên tưởng tới một câu chuyện ẩm thực nổi tiếng vừa được nhắc đến ở trên: Tiểu đầu bếp cung đình và cậu bé A Ngang. Trong con mắt của mình, chỉ nhờ vào việc ăn mà cảm nhận được nguồn gốc sâu xa của món ăn từ khi hạt gạo còn là cây mầm thì thật sự quá thần thánh rồi. Nhưng Takano của Kuitan lại không cho người ta thấy anh là một thiên tài ẩm thực kiểu có thể trở thành một đầu bếp thiên tài, mà sự hiểu biết đó đến từ việc ăn hổ ăn báo, ăn quá nhiều nên biết quá rành. Điều này có chút gì đó ‘con người’ hơn các tác phẩm ẩm thực truyền thống. Có điều, cũng vì tập trung vào phá án thông qua những manh mối là đồ ăn và thể hiện kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực ẩm thực, Kuitan gần gũi với dòng “cooking manga” hơn là “detective manga” (bảo sao mình chưa từng nghe tiếng bộ này trước đây). Một bất lợi nữa là phá án nhờ việc ăn uống thường khó mang đến những vụ giết người hàng loạt, mà không có những vụ như vậy thì manga trinh thám thiếu kịch tính đi rất nhiều.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là Kuitan là một bộ truyện trinh thám đơn giản từ đầu đến cuối. Tuy rằng các vụ án trong manga không quá phức tạp và đối tượng tình nghi bị thu hẹp khá nhanh. Cách thức gây án lại là yếu tố gây bất ngờ, chính bởi việc sử dụng ý tưởng dùng ẩm thực để phá án, hay nói đúng hơn chính là việc gã thám tử ăn thùng ăn thúng kia nốc bằng sạch đồ ăn để rồi nhận ra những yếu tố khác biệt vô cùng nhỏ nhặt mà dẫn đến bại lộ cả một kế hoạch hoàn mỹ. Tỉ như trong một chương truyện nói về cái chết của một đầu bếp bị vật cứng đánh vào đầu. Nếu bạn là một người hay xem truyện/phim trinh thám thì có thể liên tưởng ngay đến chuyện hung khí biến mất này bị làm cứng - quen thuộc nhất là đông đá, rồi được dùng để tấn công giết chết nạn nhân, rồi lại được xử lý bay biến trong không khí. Ở Kuitan, dĩ nhiên lúc đầu mình cũng suy luận theo hướng đó, dù rằng bản thân vẫn cảm giác có cái gì đó không đúng. Những câu hỏi cứ liên tiếp đặt ra: chẳng lẽ mọi chuyện lại dễ đoán như vậy ư?, kiến thức ẩm thực cao siêu nếu như vậy sẽ được áp dụng ở chỗ nào. Ngoài dự kiến của mình, một nhà văn trinh thám xuất hiện tại hiện trường án mạng đã chỉ ra cách thức gây án như trên: đùi thịt bò đông cứng chính là hung khí (dĩ nhiên là cùng với lão Takano lúc này vẫn còn không hay biết trời trăng gì sất và một mình ngồi ngoài đại sảnh chén tì tì món bít-tết quá sức ngon lành). Đương nhiên, anh Takano (sau khi bị lôi xềnh xệch vào trong phòng bếp) đã đập tan luận điệu này của vị nhà văn đạo mạo, luận chứng phản bác dĩ nhiên đi ra từ cái mồm anh (tức là thứ anh đã ăn đẫy dạ dày). Đọc đến khúc đó, mình chẳng còn cách nào khác là nể phục hoàn toàn và xác nhận: yếu tố trinh thám không phải là tâm điểm của Kuitan. Vậy thì đó là…
Nếu dẹp bỏ yếu tố trinh thám có vẻ lạ lùng sang một bên, Kuitan mang màu sắc và hương vị hấp dẫn của một manga về ẩm thực, như mình đã nói ở phía trên. Manga này là một tuyển tập thú vị của những kiến thức sâu rộng về ẩm thực ở đủ mọi góc cạnh: từ các món Nhật như sushi, mì sợi truyền thống, tới đồ ăn Tây như thịt bò bít-tết, rồi thậm chí cả món khai vị hay bánh ngọt tráng miệng như tiramisu… đều được tác giả Terasawa Daisuke đưa vào truyện một cách duyên dáng, tỉ mỉ. Vì ngay như đôi lời đề tựa đầu tiên mà tác giả nói ở bìa rời của tập 1, Kuitan là thử thách mới của vị họa sĩ này khi đưa yếu tố trinh thám vào một bộ truyện về ẩm thực. Trước Kuitan, Terasawa Daisuke từng ra mắt một manga ẩm thực khác cũng vô cùng thành công là Mister Ajikko (Đầu Bếp Tí Hon) từ năm 1986. Đến 2002, Kuitan mới ra mắt, vậy nên nghi ngờ sức hút của yếu tố ẩm thực trong bộ truyện này là không cần thiết. Sự tinh tế của các món ăn, ngoài câu chuyện chế biến được kể tỉ mỉ qua lời thoại của nhân vật, còn thể hiện qua nét vẽ của tác giả. Để cho một độc giả bình thường còn không bị hấp dẫn bởi những hình ảnh 3D sống động về đồ ăn phải thầm thán phục, và dường như thực sự cảm nhận được món ăn này ‘ngon’ chỉ bằng hình ảnh đen trắng - như mình - thì thực sự là rất đáng sợ. Đây là lần đầu tiên mà mình không thể ghét được những trang vẽ món ăn mà sao sáng nổ lấp lánh, quyến rũ và giá trị như một viên kim cương thật lớn. Có lẽ đó là bởi vì những món ăn này phản chiếu ánh mắt thèm muốn đến thộn ra của Takano mỗi khi gã nhìn thấy hoặc được thưởng thức miếng cắn ngon lành. Đó là một cảm giác hạnh phúc rất con người mà ai cũng muốn được trải nghiệm trong đời, không phải là một thiên đường xa xôi ảo giác nào đó giống Yakitate! Japan (Vua Bánh Mì).
Nhưng có lẽ vì tác giả quá tập trung vào việc thể hiện hình ảnh của các món ăn, nhân vật người trong Kuitan lại cho mình cảm giác khô khan về mặt biểu cảm. Những đường nét trên khuôn mặt và ánh mắt của họ không khác biệt nhiều giữa các khung thoại và cũng chẳng mấy khác nhau. Tính ra, chỉ những khi Takano mắt híp mơ màng vì đồ ăn mới cho người ta cảm nhận chân thực về mặt cảm xúc. Mặc dù là như thế, cuối cùng Kuitan lại vẫn chinh phục được mình bởi một vẻ đẹp ẩn bên trong ẩn sau vẻ mặt tượng sáp đó.
Vượt lên trên yếu tố thẩm mỹ và nội dung hấp dẫn từ kiến thức ẩm thực, vấn đề mấu chốt nhất được tôn vinh hơn hết thảy lại là một tâm thế làm người. Tất nhiên ở những câu chuyện khác, ít nhiều gì các mangaka cũng nhồi nhét yếu tố này vào tác phẩm, như người đầu bếp phải có mong muốn đem đến ‘hạnh phúc’ cho người thưởng thức món ăn thì mới đạt đến đỉnh cao tinh hoa của ẩm thực, đại loại là mốt đó. Bản thân mình luôn yêu thích và trân trọng mọi sản phẩm được sinh ra từ tình yêu và cái tâm của người làm nó, nhưng chuyện này trong phần lớn các manga ẩm thực lại quá lý tưởng. Ở Kuitan, nó không như thế. Ngay từ chương đầu tiên, tác giả đã vẽ một bi kịch của sự trân trọng, yêu thương. Khi con người ta yêu quý một người, món ăn làm cho họ không phải chỉ là ngon mà còn cần hết sức chú ý đến yếu tố sức khỏe của họ. Một kiệt tác ẩm thực đã ra đời ngay trong chương số 1 ấy. Nhưng, sản phẩm xuất chúng ấy lại là đầu mối cho một kết cục đau buồn trong buổi chiều mưa mà lòng ai cũng trĩu nặng. Con người, chung quy lại cũng chỉ là loài sinh vật đầy thiếu sót, bàn tay một đầu bếp tài hoa tinh tế làm ra những món ăn ngon cũng có thể cầm dao giết người. Vì tình yêu là ích kỷ, nó chỉ dành cho người này mà không phải cho kẻ kia, vì tình yêu là trân quý gắn chặt với đố kị, căm ghét. Hai mặt trắng - đen của một bản thể ấy chính là sự sống, là thế giới thật của chính chúng ta mà Kuitan phản ánh vô cùng chân thật.
Trong 13 chương (trên tổng số 16 tập, tức tương đương… 2/16) đã có bản dịch tiếng Anh của Kuitan, chương số 6 là câu chuyện có phần kết khiến mình yêu thích nhất, cũng là lý do để cuối cùng mình đã hiểu vì sao Seiya Takano lại được yêu quý và tôn trọng đến vậy. Cái giá của một vụ án để lại trên những người còn sống là gánh nặng khủng khiếp, không chỉ là tâm lý mà còn cả ở công cuộc mưu sinh hàng ngày, làm sao để vượt qua những lời qua tiếng lại của hàng xóm láng giềng? Một cửa hàng dẫu có tâm huyết đến đâu với món mỳ sợi độc đắc, mang nguyên liệu về từ nửa bên kia bán cầu chỉ để giữ vị thơm ngon quanh năm suốt tháng, liệu có vượt qua rào cản định kiến xã hội sau một vụ án mạng xảy ra tại đây? Seiya Takano đã dành ra 8 tiếng không ngủ và năng lực tuyệt vời của anh để trả ơn cho người đầu bếp đã mang đến cho anh một hương vị tuyệt vời. Anh ấy đã làm như thế nào?
Xin lỗi, đừng hỏi mình nhé, mình sẽ không tiết lộ câu chuyện hay ho như thế đâu!
Đã ghé chân vào box Ẩm Thực này, ít nhiều bạn cũng có yêu thích với chuyện ăn uống, Kuitan cũng chẳng phải một manga kinh dị (vì mình nói rồi đó, yếu tố trinh thám của manga này là kiểu món ăn thưởng thức xong chả đáng dùng tăm để xỉa răng í), vậy nên, đọc thử đi nhé!
Mời các bạn đón đọc Vua Ăn Phá Án của tác giả Terasawa Daisuke.