Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Ở Đây Sửa Kỷ Niệm Xưa - Tập 4

Nơi con phố mua sắm đường Thần Xã Tsukumo như đang say giấc trong dòng thời gian của riêng mình, tấm biển kỳ lạ “Ở đây sửa kỷ niệm xưa” vẫn lẳng lặng góp nhặt biết bao kỷ niệm cho tiệm đồng hồ Iida.

Để rồi chính hành trình tìm về quá khứ, gỡ rối tơ lòng cho những vị khách cả vô tình lẫn hữu ý tìm đến tiệm đồng hồ của Shuji và Akari, với sự giúp sức từ Taiichi, đã thổi bừng sức sống cho con phố. Cũng như xóa tan lớp mây mù những bất an, hoài nghi, trăn trở về tương lai đang giăng kín trong lòng hai người, giúp họ dũng cảm bước tới tương lai với những kỷ niệm mới.

“Dù sao chăng nữa, nếu nhân gian vật đổi sao dời, thì chỉ bản thân ta mới có thể lựa chọn thứ nào bất biến.”

***

Tani Mizue sinh tại tỉnh Mie, Nhật Bản. Năm 1997 bà ra mắt với tác phẩm Paradise Renaissance và nhận giải thưởng Romance. Ở đây sửa kỷ niệm xưa là một trong nhiều tác phẩm của Tani Mizue đã giúp bà ghi dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả Nhật Bản.

***

Một bé gái đang ngồi thu lu dưới hiên nhà xã vụ. Cô bé khoác chiếc cặp đi học màu đỏ, hai má rúc sau tấm khăn quàng cổ. Cô đưa mắt dõi theo những bông tuyết lác đác rơi cho đỡ buồn, vì hiện tại đền thờ chẳng còn ai khác.

Thi thoảng cô bé vẫn đến ngôi đền này, nhưng cô tự hỏi trước giờ ở đây vẫn cô liêu như vậy sao? Trên mái đền chính và cành cây cao ngay cạnh, tuyết tích lại từ đêm qua vẫn chưa tan hết. Bầu trời mây giăng u ám nhuộm xám cả cảnh vật xung quanh lẫn tâm trạng cô bé. Khoảnh sân lát đá ẩm ướt trông đen đúa hơn so với bình thường.

Cô bé biết chốn này, vậy mà khung cảnh trước mắt tưởng chừng đang ngoảnh mặt đi, xem cô như người xa lạ. Nỗi đơn côi ấy cứ thế bủa vây lấy cô bé.

Chợt một con mèo hoang dạn người tiến lại gần chân cô. Cô bé không rõ mèo ta đang cố tìm một chút hơi ấm, hay vì trong mắt nó, cô cũng chẳng khác nào một con mèo không chốn nương thân.

Ngồi còn chưa ấm chỗ, đột nhiên con mèo chạy vụt đi, đúng lúc ấy, cô bé nghe thấy có tiếng người hỏi vọng xuống.

“Em làm gì ở đây vậy?”

Cô bé vội vàng ngước lên. Một anh thanh niên mặc đồ tu đang đứng ngay trước mặt, cúi đầu nhìn cô.

“Đừng nói em tính trộm tiền cúng đấy nhé.”

“… Em không!”

Cô bé lắc đầu thật mạnh. Những sợi tóc xoăn tinh nghịch vờn lấy má cô.

“Em chỉ đang ngồi đợi thôi ạ.”

“Đợi gì thế?”

Có phải anh ta là người của đền thờ không nhỉ. Nhưng tóc tai nhuộm nâu thế kia, lại còn đeo cả đống khuyên trên tai. Nhìn rõ là phường bất hảo.

“Em đợi tiệm đồng hồ mở cửa.”

“À à, hóa ra em định đến tiệm đồng hồ hả? Em muốn sửa kỷ niệm à?”

“Dạ?”

“Ủa thế không phải à? Thế em muốn sửa gì?”

Đến tiệm đồng hồ thì dĩ nhiên là sửa đồng hồ rồi. Lòng nghĩ vậy, nhưng cô bé không dám lỡ lời vì sợ làm phật ý anh thanh niên mặc đồ tu kia.

“Em định nhờ sửa đồng hồ đôi của bố mẹ em.”

“Hừm.”

Anh này đáp lại, nét mặt xem chừng chẳng còn hứng thú.

“Anh thợ đồng hồ ở đó tay nghề xuất sắc lắm, không chỉ sửa đồng hồ mà còn sửa được cả quá khứ nữa cơ. Ấy là người ta đồn thổi vậy.”

Làm sao có chuyện đó được, cô bé nghĩ thầm nhưng cũng chỉ im lặng.

“Nói vậy nhưng không phải đồng hồ nào anh ấy cũng sửa được đâu, vẫn có ngoại lệ đấy. Đến lúc ấy em phải đến đền thờ mà cầu nguyện thôi. Em cúng càng nhiều tiền, ước nguyện của em càng dễ thành hiện thực.”

“… Nhưng em không muốn cầu nguyện gì cả.”

“Ồ, thật sao? Chứ cặp đồng hồ đôi của bố mẹ em bị hỏng không phải là do hai người ấy cơm không lành, canh không ngọt à?”

Cô bé giật mình đánh thót, đoạn chột dạ đứng bật dậy. Cô quyết định sẽ đến tiệm đồng hồ kiểm tra lần nữa.

“Gượm đã. Để anh dắt em đến tiệm đồng hồ luôn. Anh sẽ giục chủ tiệm mở cửa cho.”

Anh này có nói thật không đây? Gì chứ cô thừa tuổi để biết không được đi theo người lạ rồi. Nhỡ anh ta muốn bắt cóc cô thì sao.

Nghĩ đến đấy, cô bé vùng bỏ chạy.

“Đúng rồi, hôm nay là ngày nghỉ của tiệm, em có đợi cũng tốn công vô ích thôi.”

Giọng anh thanh niên trong bộ đồ tu vẳng lại từ sau lưng cô bé.

Nishina Akari đang băng qua đền thờ đi làm như mọi khi, đúng lúc vừa bước vào cổng torii, đột nhiên một bé gái lao ra từ phía bên kia bụi rậm khiến cô hốt hoảng dừng chân. Cô bé đeo ba lô học sinh khựng lại, chừng như cũng ngạc nhiên không kém. Bé gái khẽ cúi đầu xin lỗi, những sợi tóc xoăn buông xuống trông thật đáng yêu. Sau đó, cô bé lại vội vàng chạy biến đi.

Akari chợt phát hiện một vật trông nhịt chiếc nhẫn rơi dưới chân mình, song lúc ấy cô bé kia đã đi mất dạng. Cô bèn nhặt lên xem thì thấy chiếc nhẫn được luồn vào một sợi dây da. Cô đoán nó là móc chìa khóa hay điện thoại gì đó.

Bé gái ban nãy chắc chỉ cỡ học sinh tiểu học nên có lẽ sống gần khu này. Nếu cô dán giấy thông báo ở khu phố mua sắm và đền thờ, có lẽ sẽ trả lại được món đồ khi cô bé quay lại đây chăng. Akari ngẫm nghĩ, nhưng sắp muộn giờ nên cô đành nhét món đồ vào túi rồi cất bước đi tiếp.

Akari bước đi trên những viên sỏi nhẵn thín, cứ thế băng qua khu đền.

Akari vốn là chuyên viên thẩm mỹ, làm việc ở một tiệm cắt tóc cách khu phố mua sắm tầm vài nhà ga. Một năm rưỡi đã trôi qua kể từ lúc cô đến sống ở con phố này, đâm quãng đường hai mươi phút từ nhà ra ga đã trở nên quá quen thuộc, ngay cả những buổi sáng trời lạnh thấu xương, cô vẫn đủ hăng hái để ra khỏi nhà.

Đi hết đền thờ là tới con đường chạy dọc sông. Một lớp tuyết mỏng phủ đám cỏ dại trên triền đê, nhưng sáng ra trời đã hửng nên nắng chiếu vào đó càng chói mắt hơn. Giờ cô mới cảm nhận rõ nét tiết trời đang từ từ chuyển sang xuân.

Được tắm mình trong ánh nắng mặt trời ló ra từ những đám mây kia, có lẽ cây cối cũng đang dành dụm chút sức mạnh nội tại để xuân tới sẽ đâm chồi nảy lộc.

Và không riêng gì cỏ cây, ngày hôm ấy, mọi người xung quanh Akari cũng rôm rả không kém với những chủ đề vui tươi, khiến cái lạnh se sắt chẳng còn là nỗi lo.

Những cô gái sắp sửa bước lên xe hoa dường như rạng ngời hơn bình thường, tựa hồ niềm hạnh phúc trào dâng trong lòng đang tràn cả ra ngoài. Akari thấy cả làn da lẫn mái tóc của họ đều trở nên bóng mượt, nụ cười cũng như lấp lánh hon; và cô không nghĩ đó chỉ là cảm giác chủ quan của mình. Như hôm nọ có một vị khách đến tiệm cắt tóc với vẻ ngoài giống hệt thế, cô thầm đoán già đoán non hẳn cô gái này đang có chuyện vui đây, y như rằng sau đó cô ấy thổ lộ mình sắp kết hôn nên muốn nuôi tóc dài.

Cô gái ấy tên là Kohara Wakako, vốn là khách quen của tiệm, lần nào đến cũng đề nghị Akari cắt tóc. Tuy ít tuổi hơn Akari, song cô ấy cư xử rất tinh tế. Quan hệ giữa hai người cũng vô cùng thân thiết, không chỉ dừng lại ở chuyên viên thẩm mỹ và khách hàng. Thậm chí sau giờ làm việc, họ còn rủ nhau uống trà. Do vậy, Akari thật lòng mừng cho Wakako.

“Đúng là Wakako vẫn bảo với chị muốn nhanh chóng lên xe hoa nhỉ. Chúc mừng em nhé.”

Ngoài kia, hàng cây bên vệ đường vẫn trơ trụi lá trước những cơn gió lạnh căm căm thổi qua, nhưng trong lòng cô lúc này đã phơi phới sắc xuân.

“Anh ấy cứ lừng khừng nên em có cảm giác mình như cọc đi tìm trâu ấy chị ạ. Được cái anh ấy cũng đã quyết ý với em rồi. Còn bảo sẽ về chào bố mẹ em nữa.”

“Ý, vậy Wakako là người cầu hôn luôn hả?”

“Em can đảm thật đấy,” một nhân viên trong tiệm nhận xét.

“Tại bọn em từng có thời gian làm bạn trước khi yêu đấy, cộng thêm bình thường em cũng hay kể với mọi người chuyện thích lên xe hoa sớm, chứ thật ra em chẳng can đảm gì đâu. Chuyện đến đâu, em xuôi đến đấy thôi.”

“Tốt quá rồi, thuận theo tự nhiên là hay nhất đấy.”

Hôm nay Wakako đến tiệm tỉa lại phần đuôi tóc đang dài ra. Tóc Wakako vốn xoăn tít đâm cô khá đau đầu vì chuyện này. Để che đi khuyết điểm ấy, cô để tóc ngang vai duỗi cúp, và hiện vẫn đang cân nhắc xem sẽ nuôi kiểu nào. Wakako nở nụ cười khi bắt gặp ánh mắt Akari trong gương.

“Nhân duyên nào giúp hai người từ bạn thành người yêu vậy?”

“Đợt anh ấy chạy xe máy gặp tai nạn phải nhập viện, em hay đến thăm, rồi chẳng biết từ lúc nào hai đứa trở nên khăng khít chị ạ.”

“Chị nhớ em kể cậu ấy chạy xe máy và còn hay tụ tập chơi bóng chày với bạn bè nhỉ. Những người thích hoạt động ngoài trời mà phải nằm một chỗ như thế sẽ cuồng chân hơn bình thường nhiều, cậu ấy nảy sinh tình cảm với em cũng dễ hiểu.”

“Anh ấy có nhiều bạn bè lắm chị ạ, cứ có người ới một tiếng là anh ấy đến ngay. Em cứ tưởng kiểu người như thế sẽ không thích bị chuyện cưới xin trói buộc, không ngờ anh ấy lại suy nghĩ nghiêm túc lắm.”

Rốt cuộc câu chuyện của họ chỉ xoay quanh tình yêu tình báo, cũng may toàn chủ đề tươi vui thành ra nói bao nhiêu cũng không chán.

“Chị Akari thì sao ạ? Anh chị sắp tính đến chuyện đó chưa?”

“Hả, ừm… Chắc là chưa em ạ.”

“Em thấy chị cứ chủ động tiến tới luôn cho rồi.”

“Ừ nói thế nào nhỉ, ngày nào chị và anh ấy cũng gặp nhau, nhà sát vách nên qua lại suốt, đâm bọn chị hài lòng với tình trạng hiện giờ.”

Nửa kia của Akari là Iida Shuji, chủ một tiệm đồng hồ. Cửa tiệm anh thừa hưởng từ ông nội nằm trong con phố mua sắm cũ, hiện giờ chỉ tập trung vào mảng sửa chữa.

Anh là một nghệ nhân đồng hồ với tay nghề vô cùng xuất sắc, nhưng khiến cô tôn trọng hơn cả lại là điểm anh luôn dồn tình cảm vào từng chi tiết nhỏ xíu. Thú thật, cô không thể tưởng tượng nổi cảnh sau này mình sẽ kết hôn với ai đó khác chứ không phải anh. Tuy vậy, cô không thấy có gì phải sốt ruột, cứ chậm mà chắc như bây giờ là được rồi.

“Lúc nãy ở phòng trong, Akari cứ nhìn chằm chằm vào chiếc nhẫn còn gì. Mọi người đang kháo nhau đó là quà của người yêu tặng cậu đấy.”

Cô bạn đồng nghiệp Miki lúc này đang cắt tóc cho khách đột nhiên chêm vào. Akari vội vàng đính chính.

“Không phải đâu. Đó là đồ tớ nhặt được, thấy hơi lạ nên nhìn thôi. Với lại nó không phải nhẫn, mà là khoen móc dây.”

“Gì chứ… Thế mà tớ cứ tưởng Akari sắp báo tin vui.”

Thứ Miki đang nói tới chính là món đồ cô bé học sinh tiểu học hồi sáng đánh rơi. Với lại cô nghĩ bé gái kia lấy nó làm nhẫn thì kích thước e hơi quá khổ.

“Cậu bảo lạ là lạ ở chỗ nào cơ?”

“Tớ thấy ở trên có khắc số và mấy chữ cái alphabet, hình như là bùa chú gì đó thì phải.”

“Hừm, vậy sao.”

“Ơ thế Wakako đã được tặng nhẫn đính hôn chưa?”

“Dạ không, thật ra em đang tính hai đứa dùng đồng hồ đôi chị ạ. Em không phải tip thích đeo nhẫn, mua về chỉ tổ xếp xó phủ bụi. Em nghĩ đằng nào cũng tốn tiền, thà chọn một thứ thiết thực mà cả hai có thể sử dụng lâu dài còn hơn.”

“Ồ, đồng hồ đôi à. Nghe hay quá.”

“Thật ra bố mẹ em cũng có một bộ đồng hồ kỷ niệm ngày cưới. Bố mẹ em hay cực chị ạ, vợ chồng mà như bạn tri kỷ ấy, em ngưỡng mộ lắm. Thành ra em luôn nghĩ khi nào kết hôn, nhất định em sẽ cùng người ấy đeo đồng hồ đôi.”

Nhìn Wakako chân thành thổ lộ, có thể thấy cô đã lớn lên với một trái tim thuần khiết nhường nào. Wakako hiện đang làm giáo viên mầm non, cô rất yêu con nít, tính tình thì dịu dàng, vừa chín chắn lại vừa có nét gì đó ngây thơ, đến cả phái nữ như Akari nhìn vào cũng thấy đáng yêu. Vị hôn phu của Wakako quả là có phước.

“Vậy là bố mẹ em đã cùng nhau đong đếm thời gian từ đó đến giờ ấy nhỉ. Thật lãng mạn quá.”

Vừa gật gù tán đồng với lời nhận xét của Miki, Akari vừa cảm thấy vui vui trong lòng. Từ ngày quen Shuji, dường như cô cũng bị thu hút bởi sự thâm sâu và kỳ lạ của thế giới đồng hồ, thành thử khi thấy người khác hứng thú với thế giới ấy, cô cũng rộn ràng chẳng kém. Những cảm xúc trước nay chưa từng có này chính là bằng chứng cho cô thêm thấm thía mình đang sống những tháng ngày bình dị bên cạnh Shuji.

Khu phố mua sắm đường Thần xã Tsukumo trải dài theo hướng Bắc - Nam, với ngôi đền nằm ở ngay chính giữa. Chỉ có điều, con phố nay đã vô cùng đìu hiu, hầu hết hàng quán với những khung cửa cuốn gỉ sét đều đóng cửa im ỉm. Mấy khung cửa sổ trưng bày cũng như được giấu nhẹm đi bằng những tấm ván đóng kín. Chỉ có cổng vòm màu cầu vồng đặt cách đoạn là đặc điểm duy nhất chứng tỏ nơi đây là một khu phố mua sắm. Song đến chúng cũng đã bạc phếch bạc phơ, thành ra có lẽ trong mắt những người đang rảo bước qua đây, nơi này chỉ là một con đường bình thường, chẳng có gì đặc sắc.

Ngày trước, cái thời chưa xây ga tàu, nơi đây chỉ có xe buýt là phương tiện di chuyển chính. Khu phố mua sắm này giao với rất nhiều con đường dẫn đến đền thờ Tsukumo nên lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ lại người qua. Thế nhưng, kể từ khi khu vực quanh nhà ga được đưa vào khai thác phát triển, các khu chung cư và trung tâm thương mại cỡ lớn thi nhau mọc lên, nơi này ngày càng vắng tanh vắng ngắt.

Akari đến thuê nhà và bắt đầu sinh sống ở đây khi con phố đã bước vào thời quá vãng, thành thử tất cả những gì cô biết về khu phố chỉ gói gọn trong dáng vẻ quạnh hiu này. Vậy nhưng cô lại không hề chán ghét nơi đây. Dù khắp chốn chỉ toàn những cửa cuốn đóng kín, nơi này vẫn duy trì nhịp thở khẽ khàng của riêng mình.

Nhìn qua cứ tưởng các cửa tiệm đều đã đóng cửa, nhưng thật ra, có tiệm vẫn thỉnh thoảng tùy hứng mở, lại có tiệm không bán trực tiếp ở cửa hàng mà phân phối cho trung tâm thương mại dưới phố. Từ khi sinh sống ở đây, cô mới có dịp biết đến những sản phẩm đặc sắc của những cửa tiệm vô cùng độc đáo.

Tiệm đồng hồ Iida cũng không phải ngoại lệ, nói chẳng ngoa chứ cửa tiệm ấy có khi còn tượng trưng cho cả con phố này, tuy không quá nổi bật nhưng lại khiến người ta phải lưu tâm.

Tiệm khá cũ, lại được xây theo lối kiến trúc phương Tây nên nhìn vào khó mà phân biệt được đây là cửa hàng hay nhà ở. Đã vậy tiệm còn chỉ nhận sửa đồng hồ, đâm nhiều người hay nghĩ chắc ở đây chỉ có khách quen. Nhưng thực tế thì ngược lại, những vị khách ghé qua đây đủ muôn hình vạn trạng.

Hơn cả, tiệm đồng hồ Iida còn có một ma lực níu kéo những ai vô tình dừng chân tại đây. Và nếu có nói, sức hút ấy nằm hết ở khung cửa sổ trưng bày bé nhỏ của cửa tiệm thì cũng chẳng sai.

Bên trong khung cửa sổ trưng bày kiểu lồi ấy có đặt một chiếc đồng hồ chạm khắc hình thiên sứ, ở một góc khác lại đặt bảng hiệu bằng kim loại to cỡ cuốn tập đề dòng chữ:

“Ở đây sửa kỷ niệm xưa”.

Nói chẳng đâu xa, như hôm nay đây cũng có một vị khách đã ghé vào tiệm sau khi bắt gặp dòng chữ này. Tất nhiên, chẳng ai nghĩ điều ghi trên tấm biển là thật, làm gì có chuyện sửa được kỷ niệm kia chứ, nhưng những chiếc đồng hồ hỏng họ mang tới tiệm lại luôn gắn liền với kỷ niệm nào đó. Shuji chỉ sửa đồng hồ, khiến cho chúng điểm giờ chính xác như lúc đầu. Riêng việc đó thôi đã đủ khiến chủ nhân những chiếc đồng hồ kia mỉm cười mãn nguyện.

Thế nhưng, lời yêu cầu của vị khách hôm nay lại khiến anh có phần bối rối.

“Hả? Ý anh là đồng hồ không hỏng mà khách vẫn nhờ sửa à?”

Nghe anh kể lại câu chuyện, Akari cũng nghiêng đầu thắc mắc.

Đã thành thói quen, cứ xong việc ở tiệm cắt tóc, trên đường về nhà, cô sẽ ghé vào tiệm đồng hồ Iida, và như một phần trong nếp sống thường nhật, hai người lại cùng nhau chuẩn bị cơm tối. Thực đơn hôm nay là món lẩu gà.

“Ừm. Nếu khách muốn tống bảo trì thì đã đành, đằng này, khách lại khăng khăng muốn anh sửa lại để dùng, còn bảo không thể dùng nó trong tình trạng hiện tại. Khổ nỗi nhìn qua anh thấy đồng hồ vẫn rất bình thường, đến khi hỏi đồng hồ hỏng chỗ nào, người khách cũng chỉ bảo không biết.”

Song nhìn anh vừa xắt cải thảo vừa thở dài ngao ngán thế kia, cô đoán vị khách đã nằn nì giao bằng được cho anh chiếc đồng hồ.

“Hay kiểu chỉ thỉnh thoảng máy móc mới bị chập cheng anh nhỉ? Đồng hồ cũng có khi mệt mỏi, chẳng muốn chạy chứ?”

Đúng là non sông dễ đổi, bản tính khó dời, Akari nói ra tuốt tuồn tuột suy nghĩ kỳ lạ trong đầu, nhưng biết đâu đồng hồ cũng có lúc xuống sức thì sao. Suy nghĩ ấy đến với cô hết sức tự nhiên, kết quả sau bao lần chứng kiến cảnh Shuji trân trọng và nâng niu đồng hồ như thể chúng là những sinh vật chứa đựng linh hồn.

Ấy vậy mà, Shuji không hề gạt phắt đi, ngược lại còn chấp nhận suy nghĩ của cô. Thậm chí, anh còn nghiêm túc suy xét liệu đồng hồ có khi nào mệt mỏi thật không.

“Ra vậy. Hay chủ nhân của chiếc đồng hồ này cũng đang gặp chuyện không vui, hoặc có gì phiền não nhỉ?”

“Mà đồng hồ gì vậy anh?”

“Là một cặp đồng hồ đôi.”

Mời các bạn đón đọc Ở Đây Sửa Kỷ Niệm Xưa - Tập 4 của tác giả Mizue Tani & Đỗ Phan Thu Hà (dịch).