Nhà xuất bản Tri thức trân trọng giới thiệu cuốn Friedrich Nietzsche và những suy niệm Bên kia thiện ác của tác giả Phạm Văn Chung. Chúng tôi cũng xin lưu ý bạn đọc rằng đây là sách tham khảo, phản ánh hoàn toàn quan điểm của tác giả, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Để đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng tôi xin được giới thiệu đầy đủ đến bạn đọc.
Chúng tôi tôn trọng, nhưng không nhất thiết đồng tình với quan điểm, cách tiếp cận và lí giải riêng của tác giả về các vấn đề được đề cập đến trong cuốn sách.
Chúng tôi mong độc giả đọc cuốn sách này như một tài liệu tham khảo với tinh thần phê phán và khai phóng.
Xin chân thành cảm ơn!
***
Lời nói đầu
Friedrich Nietzsche là một nhà triết học, nhà văn, nhà tư tưởng hiện đại nổi tiếng của nước Đức. Mặc dù các tác phẩm mà ông để lại không nhiều và không đồ sộ về số lượng và dung lượng như của nhiều nhà triết học, nhà tư tưởng lớn khác, nhưng cũng đã gây một tiếng vang lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần xã hội hiện đại trước hết là ở châu Âu - phương Tây, kéo dài cho đến hiện thời và có thể sẽ còn tiếp tục. Theo F. Challaye - tác giả của bài “Nietzsche - Cuộc đời và triết lí” thì nhà bình chú hay nhất của Pháp về F. Nietzsche là Charles Andler đã đưa F. Nietzsche lên hàng triết gia nổi tiếng nhất của chúng ta ngày nay khi ông viết: “Nietzsche đã chứng tỏ, cùng với Henn Bergson, một hệ thống triết học có thể có của thời đại chúng ta”. Nhưng theo nhận xét của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (tiếng Việt) thì F. Nietzsche là một trong số các nhà triết học quan trọng mà các tác phẩm của ông có lẽ đã tạo ra ít sự nhất trí nhất giữa những người giải nghĩa, mặc dù các khái niệm quan trọng ở ông được xác định dễ dàng, nhưng người ta đã phải tranh cãi quyết hệt về ý nghĩa của mỗi khái niệm ấy, chưa nói gì đến tầm quan trọng tương đối của chúng”. Có lẽ chính vì những lí do này mà theo Tổng quan Triết lí của Nietzsche trên trang F. Nietzsche của Google, “gần như mỗi tháng đều xuất hiện một hay vài ba sách vở của các học giả về Nietzsche, đặc biệt trong thế giới Anh ngữ. Việc viết sách về Nietzsche đã trở thành một kỹ nghệ thương mại”. Từ những nhận xét trên có thể thấy đề tài về F. Nietzsche không chỉ có sức lôi cuốn mà còn rất khó khăn, không đơn giản, nhất là khi ta muốn đạt đến một hiểu biết mang tính toàn thể về ông. Tuy nhiên, nghiên cứu, nhất là đánh giá F. Nietzsche vẫn là yêu cầu tất nhiên không chỉ của nghiên cứu lịch sử triết học, mà còn vì yêu cầu của nhận thức, tinh thần và cả thực tiễn của mỗi giai đoạn lịch sử. Do đó, theo dòng thời gian ta có thêm hi vọng là sẽ có được những tiếng nói khả dĩ hơn về F. Nietzsche nhằm khắc phục được cái mâu thuẫn “không thể chấp nhận được” vẫn đang tồn tại là thừa nhận ông như một nhà tư tưởng, một triết gia vĩ đại nhưng lại không, lại chưa xác định được chính cái sự thật vĩ đại ấy là gì. Và đối với tác giả của cuốn sách này thì niềm hi vọng nói trên trước hết nằm ở chỗ xây dựng được sự tiếp cận, các phương pháp mới không chỉ trong nghiên cứu F. Nietzsche nói chung mà còn đối với từng tác phẩm của ông nói riêng.
Với cách đặt vấn đề như thế tác giả lựa chọn tìm hiểu một tác phẩm được xem là rất tiêu biểu và quan trọng của F. Nietzsche, tác phẩm Bên kia thiện ác. Phải nói rằng việc nghiên cứu F. Nietzsche chỉ trong phạm vi một tác phẩm này thôi, tình hình cũng không hề đơn giản. Sau một thời gian khá lâu, có lẽ đến gần hai năm tác giả mới đạt được kết quả nghiên cứu này, để giờ đây mới có thể nói được một câu tưởng rất dễ dàng rằng thực ra vấn đề là ở chỗ phải thay thế những quan điểm, phương pháp nghiên cứu cũ bằng việc xây dựng những quan điểm, phương pháp, nhất là tiếp cận mới. Có thể nói đối với tác giả, chưa bao giờ vấn đề phương pháp, cụ thể hơn vấn đề tiếp cận hay nói khác đi, vấn đề xác lập một quan điểm, một nguyên tắc có tính chất bao quát, hướng dẫn toàn bộ công việc nghiên cứu lại được đặt ra một cách hết sức rốt ráo như vậy. Và sau nhiều nỗ lực thì gần như là đồng thời mục đích, đối tượng, phương pháp nghiên cứu, nhất là tiếp cận mới, tiếp cận giả định và chủ đề nghiên cứu “những suy niệm bên kia thiện ác” đã được xác định.
Chính từ sự thực hiện yêu cầu trên một ý nghĩa hay bài học rất sâu sắc, quan trọng đã được rút ra cho tác giả là phương pháp, những phương pháp trong đó bao gồm cả quan điểm, nguyên tắc, tiếp cận, không phải là cái có sẵn mà ta có thể lựa chọn, trái lại nó là cái cần phải được sáng tạo ra trong quá trình nghiên cứu, hoạt động nói chung. Trong quá trình nghiên cứu những phương pháp có sẵn, nhất là về lí thuyết, nói chung chỉ được lựa chọn để đối chiếu, thử nghiệm, nhằm xây dựng phương pháp cụ thể, phù hợp và có thể là mới. Cho nên, ý nghĩa của sự sáng tạo trước hết nằm ở sự sáng tạo phương pháp hay nói cách khác, sự sáng tạo về thực chất là sáng tạo phương pháp. Đồng thời, một khía cạnh ý nghĩa, bài học khác cũng rất quan trọng đối với tác giả ở đây là thấy rõ phương pháp là quá trình. Nghĩa là ở đây vấn đề không phải là xây dựng, xác lập xong phương pháp rồi mới thực hiện sự nghiên cứu. Phải nói rằng mặc dù tôi đã “thuộc làu” câu nói nổi tiếng của W.G. Hegel khi còn là sinh viên rằng “phương pháp là ý thức về hình thức của sự tự vận động nội tại của bản thân nội dung”, nhưng cho đến bây giờ cái lí thuyết về phương pháp ấy mới có chỗ đứng thực sự vững chắc trong thực tế nghiên cứu của tôi. Sự thực là trong nghiên cứu tác phẩm Bên kia thiện ác tôi đã không “thủ sẵn” những quan điểm, phương pháp, nhất là tiếp cận giả định như đã được nói đến trong “Phần mở đầu” của sách này, để tiến hành khám phá, mổ xẻ nội dung tác phẩm Bên kia thiện ác, trái lại sự ý thức ra được cái logic của tác phẩm của F. Nietzsche, của những suy niệm bên kia thiện ác (mà W.G. Hegel hiểu là “sự ý thức về hình thức của sự tự vận động nội tại của bản thân nội dung”), chỉ có thể là khi toàn bộ nội dung chuyên khảo Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác đã được viết ra hay ít ra là được phác họa-cấu trúc trên những nét cơ bản. Như thế, với tư cách là sự ý thức về cái logic của tác phẩm Bên kia thiện ác, của những suy niệm bên kia thiện ác, phương pháp là cái nằm trong tiến trình xây dựng nội dung của cuốn sách này, là quá trình vừa hình thành vừa hướng dẫn và không ngừng hòa nhập, hóa thân vào nội dung của cuốn sách khi tạo nên logic của nó.
Với việc lưu ý nhấn mạnh vị trí, ý nghĩa của vấn đề phương pháp, nhất là sự tiếp cận giả định trên đây, kết hợp với việc nắm được các phương pháp nghiên cứu cụ thể, nội dung của các thuật ngữ, khái niệm cơ bản trong “Phần mở đầu”, người đọc có thể sẽ dễ dàng hơn khi đọc và hiểu cuốn sách này của tác giả. Ngoài ra xin được giải thích thêm một vài điểm khác. Thứ nhất là về bố cục. Lẽ ra phải trình bày các mục về “siêu hình học”, “phép biện chứng” của F. Nietzsche trước khi trình bày “triết học giá trị” và những quan niệm, tư tưởng khác của ông. Bởi vì, theo truyền thống siêu hình học, phép biện chứng là những quan niệm, quan điểm có tính chất nền tảng của những quan niệm, tư tưởng khác. Nhưng trong trường hợp F. Nietzsche thì vấn đề lại khác hoặc không toàn toàn như vậy. Với việc lựa chọn “tiếp cận giả định” và với chủ đề nghiên cứu là “những suy niệm bên kia thiện ác”, với việc chỉ ra những khả thể siêu hình học và nhất là với việc chứng minh “triết học giá trị” của F. Nietzsche là suy niệm triết học trung tâm của toàn bộ những suy niệm của ông, thì việc thể hiện cấu trúc những tri thức về những suy niệm của F. Nietzsche theo quan niệm truyền thống là không thích hợp. Và không chỉ như thế, bằng tiếp cận giả định việc xây dựng nội dung, kết cấu của cuốn sách của tác giả cũng có tính tương đối, cũng là một, là những khả thể. Thứ hai là về việc sử dụng các từ ngữ “phi duy lí” và “phi lí tính”. Khi thể hiện nội dung tư tưởng của F. Nietzsche tác giả thường sử dụng cả hai từ “phi duy lí” và “phi lí tính” và muốn người đọc hiểu chúng một cách cụ thể. Theo hiểu biết của tác giả khi sử dụng từ “phi duy lí” để biểu đạt quan niệm của F. Nietzsche về những gì thuộc “tinh thần” khác biệt, đối lập với lí tính và ở ngoài lí tính như bản năng, tính phi chủ đích, vô thức v.v., thì xét về mặt “ngữ nghĩa” ta thấy nó có nghĩa là không tuyệt đối (và không tuyệt đối hóa) lí tính, nhưng không có nghĩa loại bỏ hoàn toàn lí tính, nhưng mặt khác nó không nói rõ việc ta có rất coi trọng, thậm chí tuyệt đối (và tuyệt đối hóa) những gì thuộc “tình thần” khác biệt, đối lập với lí tính, ở bên ngoài lí tính, so với lí tính hay không. Như thế, nếu ta chỉ sử dụng từ “phi duy lí” để nói rằng ta đề cao, nhấn mạnh, thậm chí tuyệt đối (và tuyệt đối hóa) những cái thuộc “tinh thần” như đã nói, thì như thế là ta đã “gán nghĩa” cho từ này một cách tùy tiện. Trong khi đó từ “phi lí tính” có thể cho ta thấy rõ việc rất coi trọng, thậm chí tuyệt đối (và tuyệt đối hóa) những gì thuộc “tinh thần” đối lập, khác biệt với lí tính, ở bên ngoài lí tính và đồng thời có nghĩa là loại bỏ lí tính. Trên thực tế với nghĩa này từ “phi lí tính” biểu đạt “sát thực” hơn tư tưởng của F. Nietzsche về nội dung, bản chất của ý chí và ý chí khát vọng quyền lực cái được ông xem là bản chất đời sống mà ta sẽ thấy trong nội dung sách này. Tuy vậy, cần thấy rằng trong khi thể hiện toàn bộ nội dung tư tưởng hay những suy niệm của mình trong tác phẩm Bên kia thiện ác, mặc dù rất đề cao, thậm chí có khi tuyệt đối (và tuyệt đối hóa) cái phi lí tính, nhưng F. Nietzsche vẫn không thể loại bỏ, không thể tránh được phải “nhờ” đến lí tính, tư duy trong nhiều trường hợp. Vì vậy, để thể hiện những suy niệm, tư tưởng của F. Nietzsche, nói chung chúng ta không thể sử dụng chỉ một từ “phi duy lí” hoặc “phi lí tính”, mà trái lại phải đồng thời sử dụng cả hai từ này, trong đó cần chú trọng đến từ “phi lí tính” vì nó phù hợp với thực chất tư tưởng của F. Nietzsche hơn. Thứ ba là về sự trình bày. Sở dĩ có nhiều chỗ trích dẫn nguyên văn, khá dài và cả sự lặp lại những đoạn văn của F. Nietzsche trong cuốn sách này, là vì trong các đoạn văn ấy thường thường F. Nietzsche không chỉ nêu các luận điểm mà hơn thế, ông còn trình bày, giải thích rất sáng tỏ, chi tiết và rất hay tư tưởng của mình khiến cho ta nhiều lúc khá lúng túng khi định tóm tắt hoặc bình luận tư tưởng của ông, vì thế “đành” phải lựa chọn là trích nguyên văn, trích dài để “nương” vào ông mà giải thích ông; là vì nội dung tác phẩm của F. Nietzsche đề cập, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thậm chí một đoạn văn của ông có thể đồng thời nói về nhiều lĩnh vực, chẳng hạn trong một đoạn nói về “ý chí khát vọng quyền lực” nhưng có thể bao gồm, liên quan đến những phương diện nội dung khác như triết học giá trị, siêu hình học, phép biện chứng, luân lí học, tôn giáo, cho nên việc trích dẫn “lặp lại” là điều khó tránh được. Tuy nhiên, khi trình bày tác giả cũng cố gắng sao cho tránh khỏi sự gò ép, thiếu tự nhiên hoặc lệch lạc.
Cuốn sách Friedrich Nietzsche và những suy niệm bên kia thiện ác là kết quả nghiên cứu riêng của tác giả về tác phẩm Bên kia thiện ác, một tác phẩm rất quan trọng của F. Nietzsche, của một nhà tư tưởng, một triết gia lớn mà trước đây tác giả còn biết rất ít. Nhưng càng đọc ông, tác giả càng thấy khâm phục và có nhiều thiện cảm đối với những tư tưởng, quan điểm của ông, cả với bản thân ông, càng bị những tư tưởng, quan điểm của ông lôi cuốn, thuyết phục. Cho nên, với sản phẩm nghiên cứu trên tay, mặc dù người đọc sẽ thấy những khiếm khuyết, hạn chế rất đáng nói ở ông (nhưng chưa hẳn đã đồng tình với những đánh giá này của tác giả), nhưng tác giả cho rằng những giá trị, sự ảnh hưởng sâu sắc, rộng lớn của F. Nietzsche không đơn giản ở tầm bao quát rộng lớn các vấn đề của ông, mà căn bản ở chỗ trong ông, trong các tác phẩm của ông chứa đựng, biểu hiện một nội dung tư tưởng, một lối suy niệm sâu sắc, lớn lao, một phong cách, ngôn ngữ độc đáo, đặc sắc và cả một con tim đầy nhiệt huyết, thấm đẫm khát vọng làm người, khát vọng hướng đến một đời sống mới của kiếp người - đời sống bên kia thiện ác mà nhà triết học là kẻ phải đi đầu trong việc minh định đời sống ấy.
Hoàn thành cuốn sách này tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến dịch giả Nguyễn Tường Văn, người đã dịch tác phẩm Bên kia thiện ác từ tiếng Đức sang tiếng Việt Nam để tác giả có cơ hội đọc và có thể hiểu thêm về F. Nietzsche. Đồng thời, tác giả cũng xin chân thành cảm Giáo sư Chu Hảo, Nhà xuất bản Tri thức Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội và Khoa Giáo dục Chính trị của trường đã tổ chức thảo luận một số nội dung quan trọng của cuốn sách này trước khi nó được hoàn thành. Cuối cùng, tác giả mong nhận được sự quan tâm, góp ý kiến phê bình thẳng thắn, tích cực từ phía người đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn.
Hà Nội, 6 - 2017
Mời các bạn đón đọc Friedrich Nietzsche Và Những Suy Niệm Bên Kia Thiện Ác của tác giả Phạm Văn Chung.