Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Mạt Lộ

Đó là lần đầu tiên tôi rời thành phố vào chiến khu. Trước năm 1975 ở Nam Việt Nam chuyện ấy chẳng có gì lạ, vì hàng ngàn phụ nữ trẻ như tôi cũng từng làm như vậy. Họ đã chiến đấu, đã bị thương, đã chết, đã bị bắt làm tù binh hay đã chiến thắng trở về trong chiến dịch Hồ Chí Minh như trường hợp của tôi.

Vì thế câu chuyện của tôi sẽ không có gì đáng nói nếu lúc ở chiến khu tôi không gặp ông già ấy. Ông không phải là một người bình thường. Ông là một nhân vật đầy quyền lực của "R".

"R", một cái tên huyền thoại, một thánh địa cách mạng, vừa là nỗi ám ảnh vừa là món nợ của nước Mỹ. Nhưng "R" là gì? Có thể nó được viết tắt từ chữ "Rừng". Nhưng khu rừng mà tôi đến cũng không có gì ghế gớm, không có gì bí ẩn. Nó chỉ là một vùng cây cối rậm rạp, bằng phẳng, hoang sơ và thầm lặng.

Nhưng ở đó có một căn nhà đặc biệt.

Đó là căn nhà của ông già ấy. Tuy nó cũng đơn sơ như những căn nhà khác nhưng nó vừa là Tử cấm thành vừa là Hậu cung của ông ta. Nó nằm giữa một khu vực cực kỳ bí mật và vô cùng quan trọng mà người ta quen gọi là Trung Ương Cục Miền Nam, tức "R".

Và người đàn ông năm mươi tuổi ấy, tuy không là hoàng đế nhưng quyền lực của ông bao trùm thiên hạ. Người ta quen gọi ông là "vương gia".

Việc tôi lọt vào hậu cung của ông không phải là vận may mà là một tai họa. Về sau này nó đã dồn tôi vào những bi kịch liên tiếp mà tôi không biết phải chống đỡ như thế nào.

Ít ai được thấy mặt vương gia. Ông như cái bóng chập chờn sau tấm vách nylon mờ đục. Rừng thì đen kịt, ngửa bàn tay không thấy, nhưng trong căn lều của ông, ngọn đèn dầu vẫn in rõ cái bóng lên vách. Ông đi lại. Ông nghe đài. Ông đọc báo cáo. Ông uống trà. Và ông chờ tôi.

Lúc ấy tôi đang ở mé rừng. Trời mới chạng vạng. Giao liên bàn giao tôi cho "người dẫn đường".

Đó là một người đàn ông lạnh lùng. Một chiếc quần kaki sờn rách. Áo bà ba đen và một cái khăn rằn quấn quanh cổ. Khẩu AK mang sau lưng, mũi súng chĩa xuống đất. Anh ta ngồi đợi trên doi đất nhỏ cạnh mé nước.

- Chào đồng chí, tôi nói. Nhưng anh ta làm thinh, ra hiệu cho tôi đi theo. Hai người băng qua những vườn xoài thấp. Trong bóng tối, lối mòn châu thổ vẫn ánh lên một màu trắng đục vì thế chúng tôi đi khá nhanh. Tới một cái chốt kiểm soát, người dẫn đường nói mật khẩu rồi đi qua cây cầu khỉ.

Thấy người đàn ông lầm lì quá, tôi bắt chuyện:

- Đồng chí là người ở đây?

- Không. Tôi là bắc kỳ.

- Bộ đội?

- Không phải bộ đội. Bắc kỳ di cư.

Câu trả lời lạ quá làm tôi không dám hỏi nữa. Đột nhiên có tiếng động cơ rất lớn từ sông cái tràn vô. Người dẫn đường ra hiệu dừng lại, nghe ngóng. Tiếp theo là tiếng loa phóng thanh vang trên mặt sông:

- Hỡi các cán binh cộng sản. Các anh đã bị bao vây. Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sắp tấn công càn quét khu căn cứ này. Hãy ra hàng, nếu không các anh sẽ bị tiêu diệt.

Lập tức trực thăng quần đảo ngay trên đầu. Người dẫn đường nắm tay tôi chạy nhanh đến một chốt vũ trang.

- Cho cô này xuống HBM.

Tổ trưởng vũ trang nói:

- Còn một cái cuối cùng. Hai đồng chí xuống đi.

Anh ta đỡ tôi xuống rồi nhảy theo. Kéo nắp hầm đậy lại. Hơi đất ẩm và bóng tối làm tôi ngộp thở. Người dẫn đường nói:

- Bây giờ không phải lúc ngại ngùng đâu. Đừng đứng sát vách đất. Hãy nép vào tôi đi. Sẽ thấy dễ thở hơn.

Đó là kinh nghiệm chiến trường. Bao giờ một nam một nữ ở chung hầm bí mật cũng có nhiều hy vọng sống sót hơn là hai người đồng giới tính. Quả nhiên hơi ấm của tấm lưng người đàn ông làm tôi thấy dễ chịu hơn. Trên mặt đất súng nổ lẻ tẻ. Chỉ một lúc sau đại liên từ trên trực thăng bắn xuống áp đảo. Cành xoài gãy răng rắc. Tiếng chân chạy nặng nề ngang qua miệng hầm. Cũng may, căn cứ này đóng trên một địa hình sông nước nên xe tăng không vào được.

Có tiếng chân nhiều người khuấy động mặt đất bên trên. Người dẫn đường rút chốt lựu đạn cầm ngay trước ngực. Anh nói nhỏ vào tai tôi:

- Nếu tụi nó "xăm" trúng miệng hầm thì tôi sẽ bung nắp hầm lên, ném lựu đạn và dzọt lẹ ra bờ sông nhé. Cô biết bơi không?

Nhưng những bàn chân mang giày "xô" đã đi xa dần. Một đợt trực thăng nữa đảo tới. Đạn M60 lại trút xuống như sấm sét. Nắp hầm rung chuyển. Tôi co rúm lại.

Không biết trận càn kéo dài bao lâu vì sự gầm thét của bom đạn đã làm lu mờ mọi khả năng phán đoán. Khi chiến trường im tiếng súng, người dẫn đường hé nắp hầm nhìn lên thì thấy trời đã sáng.

Chúng tôi lại lên đường. Người đàn ông lấy lương khô đưa cho tôi. Lúc hai người đối mặt nhau tôi ngạc nhiên khi nhận ra một chàng trai đẹp đẽ, nho nhã. Tôi hỏi:

- Anh tên gì?

- Trần Vũ.

- Sao buồn quá vậy?

- Không sao.

Lại cắt rừng mà đi. Rừng sáng. Thưa thớt.

°

Sau bữa cơm chiều, nhà văn Đức Hải đến gặp tôi:

- Sao? Ở luôn đây được không?

- Mọi người ở được thì em ở được.

- Vậy mà có người muốn chiêu hồi đấy. Cô phải cẩn thận chớ nên tiếp xúc nhiều.

- Ai vậy?

Ông nhà văn liếc nhìn về phía Trần Vũ lúc đó đang nằm trên võng hút thuốc lá. Tôi nói:

- Đồng chí ấy có vẻ bí ẩn.

Đức Hải cười khô một tiếng rồi quay lưng đi. Mười Thảo tiến lại chỗ tôi.

- Em cho chị cây đèn dầu. Ở trong rừng phải có 3 chữ Đ. Đó là Đèn, Đài và Đùng.

- Đùng là gì?

- Là súng. Rồi chị cũng sẽ có một khẩu.

Tôi hỏi:

- Anh Trần Vũ là nhà văn hả?

- Ảnh là trung úy ngụy đấy. Tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt nhưng ghét Mỹ ngụy nên bỏ vô đây. Ban đầu ảnh viết văn, viết báo hăng lắm. Rất phong độ.

- Sao thấy ảnh buồn?

- Người ta không tin ảnh. Bị theo dõi. Bị ông Đức Hải bắt khai lý lịch hoài.

- Tại sao?

- Không biết. Ảnh nói với em là lúc đầu ảnh rất tự hào về sự chọn lựa. Bây giờ thì tấn thoái lưỡng nan. Em thấy ảnh như bị thất chí, bị trầm cảm. Em nghĩ tại sao người ta lại đối xử với ảnh như vậy? Người bình thường theo cách mạng thì "tốt" có một lần. Người bên kia chiến tuyến mà theo cách mạng thì phải "tốt đến hai lần". Chị có đồng ý với em không?

- Chị chưa hiểu nhiều về ảnh.

°

Đèn trong căn nhà lợp lá trung quân ấy được thắp sáng đầu tiên. Vương gia đang ngồi uống trà. Hình như trên tay có cầm một cuốn sách. Theo lịch làm việc, tối nay tám giờ tôi phải đi gặp ông.

Tôi nghĩ nếu mình bước vô căn phòng ấy thì mình cũng sẽ là một cái bóng. Những người đứng bên ngoài cũng sẽ nhìn thấy bóng tôi in trên bức vách làm bằng tấm nylon xám đục. Tuy nhiên khi tôi bước vô thì ngọn đèn dầu đã được dịch ra sát của sổ, vì thế ở ngoài nhìn vào chỉ thấy có vùng sáng của ngọn đèn.

Vương gia ngồi trên cái ghế tre, ra hiệu cho tôi ngồi đối diện. Ông hỏi tôi về công tác thanh niên ở đô thị, và đặc biệt chú ý đến những cán bộ Đoàn đang hoạt động dưới danh nghĩa Phật giáo. Tuyệt nhiên ông không đả động gì đến chồng tôi hiện bị tù Côn Đảo. Ông chỉ nói:

- Rất tiếc là cháu đã bị lộ. Chú đã bố trí một đồng chí khác về thay chỗ của cháu. Cháu sẽ đảm nhiệm công tác khác, quan trọng hơn. Còn bây giờ đã đến đây thì mọi việc có chú lo. Chú coi cháu như con nuôi vậy.

Ông đứng lên, đưa tay ra. Tôi bắt tay ông.

Ông vuốt tóc tôi bằng những ngón tay dịu dàng. Tôi không dám cưỡng lại. Tôi để yên một lúc rồi bước ra ngoài đêm.

Lúc ấy ngoài mé rừng nhà văn Đức Hải xách đèn pin đi rảo một vòng khu lán trại. Bao giờ ông ta cũng dừng lại chỗ gốc cây bằng lăng cách võng của Trần Vũ chừng bốn mét. Và lắng nghe.

Mọi tối, giờ này, Trần Vũ thường nghe đài BBC nhưng bữa nay hắn nghe cái đài quái gì lạ hoắc. Đức Hải nhích tới mấy bước, cũng không nghe được, bèn tới sát võng.

- Ông nghe cái gì vậy?

***

Đào Hiếu (sinh năm 1946), tên khai sinh: Đào Chí Hiếu. Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy. Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Đào Hiếu, sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946 tại Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

Ông sớm gia nhập phong trào sinh viên cách mạng tại Quy Nhơn.

Năm 1968 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1970 ông bị bắt quân dịch và trở thành binh nhì sư đoàn 22 Quân lực Việt Nam Cộng hoà.

Sau sáu tháng, ông trốn vào Sài Gòn bắt liên lạc với Tổng hội sinh viên hoc sinh để tiếp tục hoạt động chống Mỹ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông tốt nghiệp cử nhân văn chương trước 1975 tại Sài Gòn. Từng làm phóng viên báo Tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ.

Hiện Đào Hiếu sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.

Truyện dài

  • Giữa cơn lốc, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1978.
  • Một chuyến đi xa, Nhà xuất bản Măng Non, 1984, nxb Trẻ 1994.
  • Qua sông, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 1986.
  • Vùng biển mất tích, Nhà xuất bản Đồng Nai 1987.
  • Vượt biển, Nhà xuất bản Trẻ 1988, 1995.
  • Vua Mèo, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Người tình cũ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1989.
  • Kẻ tử đạo cuối cùng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Thung lũng ảo vọng, Nhà xuất bản Trẻ 1989.
  • Hoa dại lang thang, Nhà xuất bản Văn Học 1990.
  • Trong vòng tay người khác, Nhà xuất bản Tác phẩm Mới 1990.
  • Kỷ niệm đàn bà, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1990.
  • Nổi loạn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1993.
  • Lạc Đường (tự truyện), Nhà xuất bản Giấy Vụn 2008, Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 2008.
  • Tuyển tập Đào Hiếu (tập 1 và tập 2) Nhà xuất bản Kim Thư Production USA 12. 2009.
  • Mạt lộ, Nhà xuất bản Lề Bên Trái (tự xuất bản)[1], 03. 2009. Truyện ngắn và tạp văn
  • Bầy chim sẻ, Nhà xuất bản Văn Nghệ 1982.
  • Những bông hồng muộn, Nhà xuất bản Trẻ 1999.
  • Tình địch, Nhà xuất bản Trẻ 2003. Thơ
  • Đường phố và thềm nhà, Nhà xuất bản Trẻ 2004.

Mời các bạn đón đọc Mạt Lộ của tác giả Đào Hiếu.