Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Bởi Vì Chúng Ta Đều Là Những Ngôi Sao

Beastars
Tên Khác: Bởi vì chúng ta đều là những ngôi sao
Truyện đoạt giải thưởng Manga Taisho 2018 (Giải manga mới hay nhất của năm)Beastars là một bộ Slice of Life mang bối cảnh xã hội mới: một xã hội mà tất cả loài vật ăn thịt và ăn cỏ đều sống chung với nhau - dưới phương tiện tăm tối hơn rất nhiều.Bộ truyện theo chân cậu sói xám Legosi, thành viên CLB Nhạc Kịch của trường Cherryton. Dù có ngoại hình đáng sợ nhưng bên trong cậu có một trái tim nhân hậu, buộc phải quen bị mọi người sợ hãi và xa lánh. Tuy nhiên, cuộc sống học đường của cậu bắt đầu rẽ nhánh khi cậu lâm vào những vấn đề xoay quanh bạn cùng trường của mình, và cả những vấn nạn xã hội bên ngoài, bắt nguồn từ một vụ giết người ăn thịt ở trường…

***

[ Manga Review ] Beastars

+++ Đánh giá tổng thể: (các bạn có thể skip thẳng xuống phần phân tích luôn nếu muốn)
Bắt đầu xuất bản từ ngày 8/9/2016 (sau khi Zootopia công chiếu được vài tháng), Beastars của nữ tác giả Paru Itagaki nhanh chóng nhận được sự quan tâm, khen ngợi, và thậm chí giành được nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải New Creator của Tezuka Osamu Cultural Prizes cao quý (Tháng 4, 2018).
Lấy đề tài tương tự như Zootopia, khi thế giới loài người nay được thay thế bởi các loài động vật tinh khôn ( Cá, Lưỡng Cư, Bò Sát, Chim, Thú,…). Muôn loài đều có thể đứng thẳng, biết sinh hoạt xã hội, có ngôn ngữ chung,… chỉ riêng côn trùng vẫn là loài bậc thấp và con người thì không tồn tại. Beastars vẽ nên một thế giới siêu thực, giống mà không giống với thế giới của chúng ta, với muôn vàn vấn đề và xung đột mà Zootopia vẫn chưa thể khai thác.
(Vì không có “nhân” nào trong tác phẩm, nên mình sẽ chỉ dùng từ “động vật” để chỉ… các bạn biết đó, các “nhân vật”)
Nét vẽ khá đơn giản, ban đầu sẽ hơi khó nhìn, nhưng vẫn đảm bảo thể hiện được những điểm cần thiết của mỗi động vật. Thiết kế động vật của Paru-sensei khá ổn, nó bộc lộ được đặc tính giống loài, đồng thời pha lẫn tính cách riêng biệt của động vật đó. Ví như động vật chính Legoshi, là một chú sói xám cao lêu nghêu, nhưng lúc nào cũng thu mình và cẩn trọng. Hoặc như động vật Rouis là một chú hươu đỏ cao quý, sở hữu cử chỉ và thần thái vượt trên mọi động vật khác, khiến không ít kẻ vừa căm ghét vừa tôn trọng. Sau chap 28, nét vẽ được chau chuốt và dễ nhìn hơn rất nhiều.
Beastars có cách dẫn truyện nhẹ nhàng, thông thường nhưng cuốn hút. Tác phẩm dẫn chúng ta vào thẳng những vấn đề, xung đột chính trong thế giới Beastars, qua đó giới thiệu động vật chính. Rồi từ những tương tác của các động vật, bầu không khí xung quanh các sự kiện, tác giả nhanh chóng giúp người đọc hiểu được hoàn cảnh của Legosi và thế giới cậu đang sống.
Xây dựng tâm lí và phát triển nội tâm động vật trong Beastars là một điểm cộng lớn. Bởi thế giới Beastars vô cùng rối rem và mong manh, không phải bởi chiến tranh hay đấu đá, mà bởi sự đa dạng và quá nhiều điều khác biệt cùng hiện hữu. Những vấn đề xã hội luôn ở đó và đè nặng lên vai mỗi động vật. Các động vật trong Beastars, vừa phải là chính mình mà không phải là chính mình, vừa phải sống hòa hợp với xã hội vừa hòa hợp với bản thân. Họ luôn tự gò mình lại, mỗi loài động vật lại phải chịu một loại áp lực khác nhau. Chỉ bằng cách gò ép bản thân như thế, họ mới được chấp nhận và chung sống với các động vật khác. Các động vật chính của chúng ta: Sói Legoshi, Hươu Rouis, Thỏ Hal và Sói Juno, đều phải tự gò ép bản thân như thế. Thêm nữa, họ đều rất trẻ, mà: “Tuổi trẻ thì bồng bột”. Các động vật chính của chúng ta hoặc muốn chứng minh bản thân, hoặc muốn sống vì điều bản thân yêu quý, mà phấn đấu, mà vươn lên, bất chấp việc những điều ấy là điên rồ, là ngu ngốc. Từ đấy, họ dần trưởng thành.
Cách dẫn truyện tốt, thể hiện tâm lý ổn, song, mình lại không đánh giá cao khoản pacing của truyện. Truyện còn có chút rối ở vài phân đoạn cần đẩy nhanh tình tiết, các đoạn cao trào chưa thật sự tạo được không khí, cảnh hành động còn hạn chế. Có lẽ vì đây không phải một bộ truyện hành động. Beastars là một bộ truyện tình cảm, tâm lý, xã hội, và những mảng này đều được chăm chút cẩn thận. Những cảnh đấu đá, hành động, âu cũng chỉ là bàn đạp để thể hiện và phát triển nhân vật, cũng như diễn biến truyện mà thôi.
+++ Và đó là đánh giá sơ bộ của mình về Beastars, phần bên dưới sẽ bắt đầu đi vào phân tích sâu hơn, và ít kiêng dè hơn. Khả năng cao sẽ có Spoil, nên các bạn cân nhắc trước khi đọc tiếp
Một giáo viên dạy môn Lịch Sử Nghệ Thuật của mình từng nói: “Các bạn biết càng nhiều, các bạn sẽ càng khó tận hưởng những tác phẩm văn học, phim ảnh ngày nay”. Nói cho dễ hiểu thì, khi các bạn biết về những điều mà một nhà văn, hay đạo diễn phim đang dựa trên để sáng tác. Bạn thấy họ xuyên tạc hoặc không sử dụng những điều ấy đúng cách, bạn sẽ cảm thấy thất vọng và không thể tận hưởng thành quả của họ nữa.
Ví dụ: Các bạn là một fan cứng của truyện Thần Thoại Hy Lạp, các bạn kể tên được hết mấy ông bà thần và đám drama quanh họ. Các bạn hiểu được Hades là ông thần dễ ưa nhất nếu so với Zeus và Poseidon. Rồi các bạn xem một bộ phim nào đấy, Clash of Titan chẳng hạn. Bộ phim kể về vị anh hùng Perseus nổi danh của Hy Lạp, người đã chặt được đầu con quái vật Medusa, cưỡi ngựa có cánh, hóa đá cha vợ,… mọi chuyện có vẻ khá ổn nếu nhân vật phản diện trong phim không phải Hades. Hades, Vua chốn Âm Gian, một người cả đời chung thủy với vợ, thực hiện nghiêm túc chế độ 1 vợ 1 chồng, không (xém) lăng nhăng gái gú, lại còn tốt bụng cho Perseus mượn bảo vật để xài. Thì nay lên phim lại thành vai phản diện, chỉ vì ông tượng trưng cho cái chết (nhưng sự thực lại không phải…), là chúa tể địa ngục và (đoán xem) tương đương với quỷ Satan trong kinh thánh.
Khi các bạn biết về những thứ tác giả đang dựa trên để xây dựng tác phẩm (dù không nhiều), các bạn sẽ thấy hứng thú, sẽ chăm chút soi mói xem cách tác giả khai thác những kiến thức ấy như thế nào. Để rồi vỡ lẽ ra tác giả không đi theo hướng bạn mong đợi, khi ấy các bạn sẽ phải đối mặt với nhiều loại cảm xúc, từ tích cực tới tiêu cực. Mà trong trường hợp này của mình, đối với Beastars, là cả hai.
Paru-sensei xây dựng Beastars dựa trên thế giới động vật, dựa trên những đặc tính vốn có của muôn loài, thêm thắc và nhân hóa chúng. Trong Beastars, chúng ta thấy rõ sự phân hóa giữa loài ăn cỏ và loài ăn thịt. Loài ăn thịt luôn mạnh hơn, khỏe hơn, nguy hiểm hơn, sống không sợ hãi. Loài ăn cỏ luôn yếu ớt, sợ sệt, lúc nào cũng kiêng dè loài ăn thịt (trừ một vài động vật như voi). Việc phân hóa thế này, không hề dở, nhưng nó lại không hoàn toàn đúng. Cách mà Paru-sensei nhìn nhận về vị trí của các loài trong xã hội động vật là cách nhìn phổ thông, qua sách vở và 1 vài chương trình tivi. Sự phân hóa của thế giới động vật không rạch ròi được như thế. Loài ăn cỏ không hề yếu ớt, loài ăn thịt cũng chẳng mạnh đến độ dùng sức chút là bứt đứt tay bạn ra.
So sánh đơn giản, bạn nghĩ giữa 1 con bò tót và 1 con sư tử, con nào mạnh hơn? Câu trả lời phổ thông sẽ là sư tử, vì nó có nanh vuốt, vì nó ăn thịt, etc etc… nếu cả 2 phân hóa sức mạnh rạch ròi như vậy, tại sao sư tử phải săn theo bầy và chỉ lựa những con yếu, bị bỏ lại sau đàn để bắt? Có phải là vì xác suất săn được sẽ cao hơn? Hay là vì những con bò tót với đầy đủ thể trạng sức khỏe có thể gây thương tích cho lũ sư tử, nặng đến nổi chúng không thể đi săn nữa? Đúng, bò tót chỉ có cặp sừng và bộ móng guốc, nhưng hơn thế, nó còn có cơ bắp cuồn cuộn và lớp da dày, một cú dẫm hoặc vung sừng của bò tót trưởng thành đủ để khiến sư tử phải suy nghĩ về cuộc đời mình. Giả sử chúng ta có trận chiến sinh tồn giữa 1 con bò tót trưởng thành và 1 con sư tử trưởng thành xem, các bạn đoán sư tử cần bao nhiêu nhát cắn để hạ được “con mồi”? Và cắn trong bao lâu? Liệu nó có cơ hội để cắn nhát thứ 2 hay 3 không? Có rất ít trường hợp sư tử có thể hạ gục ngay bò tót, thậm chí phương pháp săn chính của chúng còn là tìm cách làm kiệt sức con mồi (dù con mồi vốn đã yếu sẵn, do già, do bệnh, do còn non,…). Vậy cơ thể hay lớp da của động vật ăn cỏ có mong manh đến độ dễ dàng bị nanh vuốt tổn hại không?
Sự thật là, cơ thể của động vật ăn thịt có khi còn mong manh như hơn động vật ăn cỏ. Mỗi khi báo Cheetah săn mồi, chúng luôn phải đặt sinh mạng của mình vào để đánh cược, dẫu có chạy nhanh thì chúng cũng không dai sức, nếu không bắt được con mồi, hoặc bắt được nhưng không đủ sức kết liễu (vết cắn không đủ sâu, không giữ được con mồi…), thì chúng phải chịu việc mất sức, đói, rồi yếu đi. Tệ hơn, nếu trong quá trình rượt đuổi mà vấp té, chúng có thể bị chấn thương nghiêm trọng và mất mạng. Cơ thể mỏng manh là thế, vậy nên chúng mới phải học cách rình mò, kiên nhẫn.
Nói đến mật độ cơ bắp ở động vật, chúng cũng như con người vậy. Những con hay vận động sẽ có cơ bắp khỏe hơn những con nuôi nhốt. Một con dê núi hay hươu rừng có dư khả năng húc chết 1 người trưởng thành. Lượng cơ bắp chúng có được thông qua việc di chuyển, chạy và húc liên tục khiến cho cơ thể chúng mạnh hơn những gì chúng ta tưởng… tầm vài chục đến vài trăm lần. Các bạn từng thấy 1 con hươu sừng tấm chạy băng băng qua lớp tuyết dày ngang ngực nó chưa? Cái lớp tuyết có thể khiến 1 người leo núi chuyên nghiệp kiệt sức sau vài dặm ấy. Các loài động vật hoang dã thông qua việc vận động liên tục mà rèn luyện được cơ bắp, đủ để chúng sống sót trước những cuộc săn của thú ăn thịt. Vậy còn những động vật trong Beastars thì sao? Hẳn nhiên chúng giống người nên có con siêng tập thể dục, có con nằm nhà cày anime cả ngày. Nhưng điều đó có áp dụng với cả loài ăn thịt và ăn cỏ không, hay chỉ riêng loài ăn cỏ là chẳng có tí cơ bắp nào? Ngoài nanh và vuốt, loài ăn thịt trong Beastars cũng rất siêng đi gym, nên con nào cũng khỏe hơn cả những loài như hươu hay trâu. Sự thật là, cơ thể của động vật ăn thịt cũng như động vật ăn cỏ, đều dễ bị tổn thương và mong manh như nhau.
Chưa kể tỉ lệ cơ thể cũng có vấn đề, khi mà một Hươu Đỏ là Rouis (loài hươu lớn nhất) lại nhỏ người hơn một con hổ rất nhiều (rất nhiều đấy). Việc nhân hóa và thay đổi tỉ lệ cơ thể động vật để phù hợp với thế giới trong truyện là một sáng tạo hay và độc đáo của tác giả, song việc thiết kế những động vật ăn cỏ luôn nhỏ bé và yếu đuối hơn những loài ăn thịt lại không hoàn toàn đúng với thực tế. Những loài đáng ra to thì lại nhỏ, những loài đáng ra nhỏ thì lại to, những loài cỡ vừa vừa thì… cũng to nhỏ thất thường. Không thể phủ định việc thay đổi tỉ lệ cơ thể này giúp ích khá nhiều trong việc xây dựng thế giới và cốt truyện, mà như mình đã nói rồi đấy, khi bạn nghĩ bạn biết cái gì đó, nhưng tác giả lại không làm theo ý bạn thì bạn sẽ thấy khó chịu.
Ngoài tỉ lệ cơ thể và sức mạnh giữa các loài, Pura-sensei còn phạm một sai lầm phổ thông khác nữa, đó là việc phân biệt rạch ròi giữa 2 loài ăn thịt và ăn cỏ. Các bạn có thể nghĩ mình đang chém gió để bash tác giả vì dìm hàng động vật ăn cỏ, nhưng các bạn có biết rằng, những loài như ngựa và hươu (bộ móng guốc nói chung), cũng sẽ ăn thịt nếu chúng có cơ hội không? Những con ngựa sẵn sàng dẫm chết mấy con chim hay gà nhỏ và nuốt chửng chúng. Đúng vậy, loài ăn cỏ thật ra không chỉ ăn cỏ nhỉ? Và Rouis thật ra có thể thưởng thức món bít tết ngon lành mà chẳng ảnh hưởng mấy đến sức khỏe (oops, Spoiler). Các bạn đã nghe đến cụm từ “loài ăn tạp” chưa? Những con như khỉ đầu chó, gấu và hà mã (yep, Hà Mã ăn tạp, chúng táp cả thịt nếu thích), những loài này trong beastars đều được đẩy hẳn sang mảng ăn thịt, bất chấp đặc tính chỉ cần no thì chúng không quan tâm thứ gì khác.
Hơn thế nữa, việc chỉ xây dựng chỉ loài ăn cỏ mới phải sống trong lo sợ bị ăn thịt là chưa đủ. Các loài ăn thịt cũng có thể bị săn và ăn như bao loài ăn cỏ khác. Nói cho dễ hiểu, động vật ăn thịt luôn nhắm đến những con mồi dễ săn, như những con non hoặc già yếu, chỉ trừ trường hợp chúng đang rất đói, khi ấy chúng mới chọn những con khỏe mạnh nhưng bị lạc bầy. Và các bạn đoán xem, những con báo con hay cá sấu chưa đủ lớn có thể nhởn nhơ đi giữa đồng trống mà chẳng phải sợ ai không? Những con báo và sư tử con luôn là mồi ngon cho lũ linh cẩu, nếu báo mẹ không thể giấu hoặc đàn sư tử không thể bảo vệ những con non. Mà nếu chúng lớn hơn một chút thì chẳng còn gì phải lo nữa rồi đúng không? Sai! Báo đốm mỹ còn có thể gắp cổ một con cá sấu to bằng người nó thì các bạn nghĩ làm động vật ăn thịt sẽ an toàn sao? Ăn hoặc bị ăn, đó là luật thép của thế giới động vật, bất kể là ăn thịt hay ăn cỏ, nếu yếu hơn thì sẽ bị ăn, không có ngoại lệ. Một con sư tử đực cũng có thể thành mồi cho lũ linh cẩu, vậy tại sao chỉ có loài ăn cỏ mới phải sống trong sợ hãi khi đi cạnh thú ăn thịt? Mà đáng ra động vật ăn thịt cũng phải kiêng dè và sợ hãi lẫn nhau?
Việc cố gắng chăm chút những chi tiết về môi trường và đa dạng sinh học trong thế giới của Beastars rất đáng ngưỡng mộ. Song, nếu đem so nó với những kiến thức và thực tế chuyên sâu (trên bậc phổ thông) thì rõ ràng còn rất nhiều thiếu sót. Mà, đây là 1 bộ Manga, một tác phẩm văn học. Nếu chỉ đè khía cạnh kiến thức ra mà nói thì thật sai lầm (đến đám Ninja trong Naruto còn không ra dáng ninja nữa mà). Nên bây giờ mình sẽ phân tích Beastars theo khía cạnh nghệ thuật, và lí do nhờ đâu Beastars lại giành được nhiều giải thưởng như vậy.
Khen hoài khen mãi về việc xây dựng thế giới và xung đột giữa hai loài, nhưng chúng ta vẫn chưa đi sâu vào những vấn đề của thế giới này. Thế giới trong Beastars rất mong manh và rối rắm (điều này mình đã nói ở trên), tại sao lại vậy? Không chỉ như thế giới loài người chúng ta, chỉ có khác biệt về ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo, quốc gia, văn hóa, quê quán,… thế giới của Beastars có rất nhiều khác biệt về loài, giữa loài ăn cỏ và ăn thịt, giữa loài to lớn và nhỏ bé, giữa loài có tuổi thọ dài và ngắn, giữa loài có độc và không có độc,… mỗi loài lại có tập quán, lối sống riêng, nay lại bị nhét chung vào một thành phố, một xã hội khép kín. Mâu thuẫn xảy ra là điều tất yếu.
Càng đa dạng thì càng nhiều khác biệt, và khác biệt càng nhiều thì càng dễ có xung đột. Thế giới Beastars tràn ngập những luật lệ, từ chính thức đến không chính thức, từ nhắc nhở đến thành văn. Chúng ta có những luật đơn giản như: loài nhỏ bé phải đi trong phần đường cho mình, hoặc đi sát các bức tường, loài to lớn phải luôn để ý dưới chân, loài to lớn nên luôn sẵn sàng giúp đỡ loài nhỏ hơn,… Rồi ta lại có những luật bất thành văn như: Loài ăn thịt phải tự biết giấu đi nanh vuốt, loài ăn cỏ không được tỏ ra kì thị và xa lánh loài ăn thịt,… Đến những luật thành văn như: ủng hộ việc kết hôn theo loài (đặc biệt là những loài hiếm), 2 loài khác biệt kết hôn với nhau phải thỏa các điều kiện pháp luật,… Và những luật nghe rất mất thú tính như: loài gấu nếu cao hơn 2 mét phải uống thuốc ức chế cơ bắp và khả năng phát triển cơ thể, mặc cho việc thuốc ấy có hàng tá tác dụng phụ, hay ông không được nhận quyền bảo hộ cháu vì khác loài… Có thể thấy, những loài càng to lớn, càng mạnh mẽ thì càng phải chịu nhiều bất lợi, bất công, bất cập hơn những loài yếu thế. Nghe qua thì công bằng đấy, tất cả đều là để đảm bảo những loài yếu thế hơn yên tâm mà sống, song, liệu động vật ăn thịt có hoàn toàn thoải mái với cách sống này?
Dĩ nhiên là không rồi, đời nào mà thoải mái được? Sống trong cảnh bị áp bức về cả thể xác lẫn tinh thần. Nhiều động vật ăn thịt thậm chí còn bị biến thành mục tiêu bắt nạt của những động vật ăn cỏ. Chỉ vì: “tao đụng mày được nhưng mày đụng tao thì cả nhà mày ra gầm cầu”, hoặc “mày thử đi méc động vật khác xem, ai tin là mày lại bị loài ăn cỏ bắt nạt chứ? Có biết nhục không?”,… vân vân và mây mây,… Mà như mình đã nói, đừng nhìn động vật ăn cỏ (có vẻ nhỏ hơn) mà nghĩ rằng chúng yếu hơn, con đà điểu đạp chơi chơi cũng toét đầu sư tử, hoặc mấy con dê dậm yêu vài cái vào người cũng đủ nhập viện (có ai con nhớ lí do Mufasa, cha của Simba chết không nào?).
Mặt khác, trái ngược với cuộc sống bị gò ép, tù túng, tương lai mịt mờ của loài ăn thịt. Những loài được xếp vào hàng ăn cỏ của Beastars, nhờ những ưu ái về mặt luật pháp, xã hội, và khả năng làm việc tập thể cao, mà nhanh chóng chiếm được quyền lực, tiền bạc, của cải và địa vị. Những tập đoàn lớn, lắm tiền trong Beastars đều do loài ăn cỏ đứng đầu, ví như tập đoàn của gia đình Rouis sở hữu chẳng hạn. Trong khi đó, nhiều động vật ăn thịt do luôn bị ác cảm, lại ngại việc đấu tranh, nhanh chóng bị vùi dập, chẳng được tiện nghi, và phải chấp nhận cuộc sống luồn cúi… Từ những bất cập và chênh lệch trên, chúng ta hiểu được nỗi khổ và áp lực khi sinh ra là loài ăn thịt trong thế giới Beastars. Họ có thật sự hạnh phúc? Có thật sự vô lo, chẳng phải sợ thứ gì?
Cũng bởi sự đa dạng và nhiều xung đột như vậy, thế giới ấy mới cần một biểu tượng, một kẻ dẫn dắt, một kẻ định hướng cho xã hội luôn bên bờ hỗn loạn. Kẻ đó chính là Beastar. Mà dĩ nhiên đâu chỉ có 1 Beastar, đến Kage còn có 5 người cơ mà. Các Beastars được chỉ định và bầu chọn nhờ sự xuất chúng của mình. Rồi từ những Beastars ấy, các loài mới chọn ra 1 Beastar đứng trên tất cả, một Sublime Beastars. Cũng bởi sự sàng lọc kỹ càng và khắc nghiệt này, các Beastars đều được hứa hẹn những vị trí, địa vị cao trong xã hội. Một địa vị cao quý mà ai cũng nhắm đến, chẳng lạ gì nếu sau này Legoshi của chúng ta trở thành 1 Beastar và tạo nên sự thay đổi lớn trong xã hội. Chỉ là, khác với các động vật thường thấy, Legoshi hoàn toàn chẳng có vẻ gì là mặn mà với danh hiệu ấy, thậm chí chẳng mơ đến việc mình sẽ trở thành một Beastar. Cậu sống đủ lâu để biết vị trí của mình trong xã hội, nên cũng chẳng thèm kêu gào la hét về việc mình sẽ được mọi người công nhận. Nhờ vậy, hành trình trở thành một Beastar của Legoshi càng trở nên hấp dẫn và khó đoán hơn, khi cậu liên tục đi ngược lại với những gì sẽ giúp cậu có được danh hiệu ấy.
Sẵn nói về Legoshi thì cũng phải nói về Rouis, cả hai như mặt trăng và mặt trời, là 2 cực trái ngược, bổ khuyết cho nhau. Khi Legoshi làm điều đúng đắn thì Rouis lại phạm sai lầm. Khi Rouis tràn ngập trong ánh sáng thì Legoshi lại đứng trong bóng tối (để chỉnh đèn, dĩ nhiên). Khi Legoshi tìm ra con đường cho chính mình, thì Rouis lại lạc lối. Rồi khi Rouis trở về với ánh hào quang, thì Legoshi lại phải ra đi. Sự phát triển và trưởng thành của 2 động vật này được xây dựng rất tốt. Dẫu vẫn còn vài chỗ bất hợp lý, song, sự bất hợp lý ấy mới là cuộc sống. Bởi những điều đó xuất phát từ sự bồng bột và vô lý của tuổi trẻ, thứ mà cả Legoshi và Rouis đều ngập tràn. Đôi khi chúng ta phải tự hỏi Legoshi đang nghĩ cái quái gì, rồi thì Rouis có phải do thay sừng nhiều quá mà chấn thương não không,… nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, vị trí của họ liên tục hoán đổi cho nhau, và mối quan hệ của họ nhờ vậy mà gắn kết hơn.
Quay lại với việc xây dựng thế giới, mình cảm thấy thích việc tác giả nhắc đến và hình tượng hóa Biển. Biển, so với nơi mà những động vật chính của chúng ta đang sinh sống, vô cùng huyền bí. Nó như một đất nước xa xôi mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ đặt chân tới. Nơi có những ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Chỉ có một vài loài vật đặc biệt là có thể tận hưởng cuộc sống ở hai nơi, và những động vật này nhận được sự tôn trọng đặc biệt (ở Biển). Vậy Biển trong Beastars là một nơi thế nào? Nếu để diễn tả trong một câu, mình xin nói rằng: Biển là nơi gần nhất với thế giới động vật thực tế. Đó là nơi kẻ mạnh ăn kẻ yếu, cái chết hoàn toàn bị xem nhẹ. Ở Biển trong Beastars, thứ thật sự quan trọng là cuộc đời, là những điều mà động vật đã, đang và sẽ làm được. Khi một động vật bị ăn thịt, những đồng bạn của nó sẽ chẳng rơi giọt nước mắt nào (là do đang ở dưới nước chăng?). Mặc khác, những điều chúng làm khi còn sống sẽ được nhớ đến và tôn vinh. Muốn sống lâu hơn ở Biển ư? Hãy sống một cuộc đời kỳ thú và đắt giá, kể về cuộc đời mình và có thể bạn sẽ tránh được việc trở thành bữa tối cho động vật nào đó. Vì cuộc sống của bạn đáng giá, bạn được quyền sống tiếp, và bạn phải sống tiếp.
Cuối cùng, hãy nói về khu chợ đen của Beastars. Thật thì mình chưa từng thấy ai nuôi một con chó hay mèo ăn chay hoàn toàn, nên cũng chẳng biết liệu chúng có lâu lâu lên cơn thèm thịt, cuồng sát không. Dầu vậy, không thể bàn cãi việc máu và thịt là một chất kích thích quý giá cho loài ăn thịt. Sống trong một xã hội luôn bị dồn ép và tù túng, việc tìm cách thoát ra, giành lấy chút thoải mái cho bản thân là điều dễ hiểu. Đến con người chúng ta còn tìm đến chất kích thích, gây nghiện như cần sa, ma túy để trốn tránh thực tế, để cho vài giây phút thư giản ít ỏi, thì những động vật ăn thịt kia có khác gì? Cách mà khu chợ đen tồn tại và vận hành, giống như những gì các động vật ăn thịt nói: là cần thiết, để đảm bảo họ có thể thoải mái sống mà không nghĩ đến việc gặm đầu sếp hoặc khách hàng của mình. Khu chợ đen là một nơi phạm pháp mà cả động vật ăn thịt lẫn ăn cỏ đều chấp nhận, vậy nên nó mới ở đó, và luôn ở đó. Dĩ nhiên cái gì cũng có mặt tối của nó, mà mặt tối của khu chợ đen thì luôn rõ ràng và chăm chỉ.
Và đó là những gì mình muốn chia sẻ với các bạn về Beastars. Mình vẫn còn nhiều điều muốn nói, song, như vậy lại quá dong dài. Mình muốn nói thêm về Hal và Juno, nói thêm về lối sống và sinh hoạt của các động vật, nói thêm về những vấn đề như tình dục và phẩm giá trong truyện, nói thêm về chính trị trong Beastars, về ông thị trưởng đập banh mặt làm lại, nói thêm về Gouhin và giống loài gấu trúc của lão, nói thêm về đám Shishigumin hung hăn mà quy cũ,… còn quá nhiều thứ để nói về Beastars, nhưng tạm thời hãy dừng lại đây. Nếu các bạn đồng ý, phản đối hay muốn bổ sung gì về những điều mình nói bên trên, đừng ngại để lại ý kiến bên dưới. Rồi nếu sau này có thêm thời gian, mình sẽ làm thêm 1 bài nói về những vấn đề khác trong Beastars.

Lamp

PS1: phải đổi hết “Nhân Vật” sang “Động Vật” thật sự khó hơn mình tưởng, cứ quen tai viết nhầm mãi.
PS2: hình như bài này mình khịa Naruto hơi nhiều.
PS3: cảm ơn bạn Ngan Le đã giúp mình confirm lại tên của Rouis (chứ không phải Louis), từ nay không sợ nhầm với Legoshi nữa :?
PS4: Truyện này giúp mình nhận ra fetish của bản thân, mình không phải furries, mình chỉ thích cái đẹp thôi.
PS5: hết PS.

***

Với câu chuyện về thế giới động vật giống với phim hoạt hình Zootopia, Beastars hiện là manga/anime được đánh giá cực kì cao tại Nhật Bản. Truyện này có gì hay mà thu hút đến vậy?

Beastars là gì? Sơ yếu lý lịch Beastars

Beastars là manga Nhật Bản được sáng tác bởi Paru itagaki, con gái của Keisuke Itagaki (Baki). Truyện phát hành vào tháng 9 năm 2016 trên Weekly Shonen Champion và vừa kết thúc vào cuối năm 2020.

Beastars được lấy tên dựa trên danh hiệu Beastar, danh hiệu dành cho những động vật có sức ảnh hưởng nhất trong thế giới động vật. Bên cạnh đó, Beastars còn có nghĩa là Be-a-stars, tức nhấn mạnh khao khát vươn lên thay đổi xã hội của các nhân vật.

Trong thời gian phát hành, Beastars đã nhận về vô số lời khen ngợi bởi câu chuyện đặc biệt thu hút cùng phần hình ảnh đậm chất nghệ thuật. Truyện đã giành được vô số giải thưởng văn học uy tín, trong số đó nổi bật nhất là giải thưởng Manga Taishou. Truyện cũng góp mặt trong Bảng xếp hạng 50 manga được yêu thích nhất năm 2020.

Ở chương Beastars cuối cùng, tác giả Paru đã hứa hẹn rằng một phần truyện khác có tên Beast Complex lấy bối cảnh thế giới động vật sẽ sớm ra mắt trong năm 2021. Hiện tại, Beastars có tất cả 22 tập truyện và có điểm số 8.44 trên MyAnimeList. Manga cũng được chuyển thể thành anime và phần thứ hai sẽ sớm lên sóng vào tháng 1 năm sau trên Netflix.

Tương tự tựa phim hoạt hình Zootopia của Walt Disney, Beastars lấy bối cảnh tại một thế giới nơi động vật nói chuyện, sinh hoạt, làm việc như con người. trong thế giới này loài ăn thịt không được ăn thịt và họ phải tập cách sống hòa thuận với loài ăn cỏ.

Nhân vật chính của Beastars là Legosi, một chàng gấu xám to lớn. Cậu học tại học viện Cherryton và là thành viên của câu lạc bộ kịch nghệ. Đối lập với tính cách nhút nhát của Legosi là chàng nai đỏ Louis. Mang thân phận của một thiếu gia danh giá, Louis là bộ mặt của câu lạc bộ và là ứng cử viên cho vị trí Beastars tương lai.

Đứng giữa hai chàng trai này là Haru, cô thỏ nhỏ nhắn luôn sống đúng với bản chất của mình. Cô luôn bị xa lánh bởi những động vật khác vì nhiều lời đồn không mấy hay ho. Haru là bạn tình của Louis và là “crush” của Legosi.

Mọi biến cố trong Beastars bắt đầu từ việc một cậu lạc đà tên Tem, thành viên câu lạc bộ kịch bị ăn thịt. Sự cố này khiến cả học viện rơi vào hoang mang khi không rõ ai là kẻ thực hiện hành vi này. Từ đây, những câu chuyện xoay quanh Legosi, Louis và Haru bắt đầu.

Mặc dù cũng có mạch truyện chính, Beastars lại không quá tập trung vào nó mà thường thêm vào các câu chuyện đời thường nhằm làm rõ tính nhân văn, tính kịch của thế giới động vật vậy nên đừng bất ngờ nếu bạn cảm thấy Beastars có hơi rườm rà nhé. Mỗi chương truyện đều có nội dung ý nghĩa và lí do của mình đấy.

Beastars – Đầy chiêm nghiệm về xã hội khắc nghiệt nhưng cũng mang đậm màu sắc nghệ thuật bay bổng

Với nội dung phản ánh xã hội đời thực cùng những mảng tối của chúng, Beastars có nét hơi giống với những manga tâm lí như Death Note, Homunculus, Oyasumi Punpun,… Tuy vậy, câu chuyện của Beastars lại có phần khá tươi sáng và đậm chất thơ nhờ phần hình ảnh nhẹ nhàng cùng cách dẫn chuyện vừa chiêm nghiệm vừa hài hước.

Bằng cách sử dụng hình ảnh các loài vật, Beastars tinh tế đề cập đến rất nhiều vấn đề nóng hổi như: phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt tôn giáo,… Các mặt tối như mại dâm, mua bán nô lệ, chợ đen cũng được đưa vào thế giới động vật, từ đó đem lại sự đa dạng góc nhìn. Tính đến hiện tại, có lẽ Beastars là manga duy nhất làm được điều này nhưng lại ngập tràn cảm xúc mà vẫn không đem đến cảm xúc tiêu cực cho độc giả.

Beastars và câu chuyện nhân quyền

Trong Beastars, ngoài những soi chiếu từ xã hội, câu chuyện xoay quanh Legosi, Louis, Haru còn đặt ra nhiều câu hỏi về nhân quyền và về việc “sống thật”. Truyện liên tục khiến ta tự vấn rằng: “Sống với đúng bản chất con người mình mới là điều nên làm hay sống theo quy chuẩn xã hội mới là đúng?”. Chỉ khi đến những chương cuối cùng, câu hỏi này mới có lời giải đồng thời làm người đọc vỡ ra nhiều bài học quý giá mới.

Beastars không thật sự có kẻ xấu, cũng không có ai đúng hoàn toàn. Tất cả thiện – ác, trắng – đen đều có nguồn gốc của nó và ta chỉ được quyền phán xét khi hiểu rõ từ cả hai bên. Đây chắc hẳn là bài học quý giá nhất dành cho giới trẻ ngày nay khi nạn cyberbully (bắt nạt qua mạng) đang ngày càng biến tướng dưới sự lèo lái của nhiều nguồn dư luận khác nhau.

Beastars có thật sự hấp dẫn?

Công bằng mà nói, nếu bạn đang mong đợi Beastars sẽ là manga động vật đánh nhau như trong Đấu Trường Thú – Bloody Roar thì…xin lỗi, bạn sai rồi. Beastars tuy vẫn có nhiều phân cảnh hành động nhưng phần lớn nội dung manga mang thiên hướng tâm lí rất rõ rệt. Điều này sẽ khiến mạch truyện Beastars có chút chậm nhưng hoàn toàn phù hợp để độc giả hòa vào thế giới động vật kì thú kia.

Beastars sẽ đặc biệt KHÔNG HAY với những ai đọc lướt bởi tinh túy của manga nằm trong từng câu thoại và cả thời gian mà ta dành cho nó. Vậy nên với những ai đang có ý định tìm đọc Beastars, hãy đọc thật kĩ nó để thấy truyện hay thế nào nhé.

Lag.vn đánh giá: Beastars đạt 8.5/10.

Mời các bạn đón đọc Bởi Vì Chúng Ta Đều Là Những Ngôi Sao của tác giả Paru Itagaki.