NHỮNG KHUYNH HƯỚNG CHÍNH TRỊ TIÊN TRI
THỜI HIỆN TẠI Ở VIỆT NAM
Đầu đề trên được ghi ngay từ bản thảo đầu tiên, viết xong khoảng tháng 9-1992 ở Sài Gòn, gởi qua Mĩ khoảng đầu năm 1994 (hay cuối 1993 gì đó) và được đăng trong một số Văn Lang tháng 6-1994 với tựa đề Việt Nam nhìn từ bên trong và bên ngoài. Theo lời người xuất bản thì việc phối hợp với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, người viết phần “Việt Nam nhìn từ bên ngoài” chỉ là sự tình cờ. Những người chủ trương tờ Văn Lang vốn có ý xuất bản một tạp chí nghiên cứu bằng tiếng Việt ở ngoài nước nhưng gặp những khó khăn về bài vở cho kịp hạn kì. Vì thế khi nhận được bài của chúng tôi, ngắn, không đủ cho một lần ra mắt, họ nảy ý mời ông Nguyễn Xuân Nghĩa viết phần “bên ngoài” nối tiếp ý “bên trong”. Thế là có một sự hợp tác tình cờ của hai người không ai biết ai cả, ngạc nhiên nhất là chúng tôi, khi biết ông Nguyễn Xuân Nghĩa là cháu Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đương thời, và do đó, bản sách đưa về Việt Nam được “xin” thêm mươi cuốn cho Bộ Chính trị đọc !
Phần của chúng tôi được in ra đã mắc phải lỗi sai sót của chính bản thân cũng như vì trường hợp xa cách của hai đầu mối viết và in. Bản thảo cũ cũng không còn, nhưng chúng tôi có sửa lại chút ít khi ra ngoài tiếp xúc với vài tài liệu mới, đăng trong Những bài văn sử, Văn học xb. 1999. Vẫn còn sai sót, nhưng thôi! cứ chép lại nơi đây để đánh dấu một giai đoạn. Lại cũng nhân dịp được đi ra ngoài, chúng tôi thấy vấn đề đang bàn vẫn tiếp tục xảy ra ở lớp người di tản nên chép lại một tài liệu như dẫn chứng của một giai đoạn “Việt Nam Cộng hoà nối dài”.
Westminster tháng 7-2004.
Quên thực tế để mơ mộng, phủ nhận hiện tại để hướng về tương lai, điều ấy đành rằng chỉ hiện rõ nét theo với một mức độ phát triển cá nhân và tập thể nào đó nhưng ở con người nói chung, tính chất ấy đã tiềm tàng từ thời xa xưa dưới nhiều hình thức không mang tính tập đoàn có tổ chức và không đậm nét tục thế. Và vì nó nằm trung gian giữa cái có và cái không có – hay chưa có, mà sự thúc đẩy thực hiện phải đồng thời và đậm nhạt đi qua vừa những biểu hiện tôn giáo vừa những quyền lực trần gian. Tuỳ nơi tuỳ lúc, với sự thăng trầm qua lịch sử loài người kết tập thành quần thể, ta gặp những con người tiên tri viện dẫn đến quá khứ để kêu gào tập đoàn mình đi đến một tương tai xán lạn hơn, quá khứ đó hoặc đã có thật, hoặc chỉ là hình ảnh của trí tưởng tượng được ném về phía trước của bước thời gian. Và những con người nảy sinh các ý tưởng vượt thời gian, không gian như thế không phải không có sự đồng cảm nào với tập đoàn dân tộc họ xuất phát.
Lịch sử của loài người đã như thế thì lịch sử Việt Nam cũng không khác trên đại thể. Đã có những sấm kí viện dẫn để đưa các thần tử lên ngôi hoặc đành chịu là giặc, chưa kể những người chết khuất lấp trong xóm làng, buôn rẫy vừa vặn với tầm mức của mình và với cả tình thế vây quanh. Cơn biến động chính trị xã hội ở Việt Nam trong thế kỉ XIX, XX đưa đất nước vào quỹ đạo của thế giới khiến các ước vọng trở thành to rộng hơn. Những nhà chính trị tiên tri đã không chịu dừng lại ở việc đặt một kế hoạch hướng đến một tương lai cho là gần mà còn có thể nói là họ muốn mở đầu thời đại: nguyên/nguơn – không phải triều đại, để lặp lại dấu vết của quá khứ. Họ muốn mở đầu một thế giới mới to rộng hơn địa vực Việt Nam trước mắt. Ước vọng này rõ ràng là vượt quá khả năng của họ, ít nhiều gì cũng cho thấy không nằm ở cuộc đời này tuy nó đã hiện diện trong đầu óc những con người cụ thể dính liền với địa phương, chịu ảnh hưởng khu vực văn hoá rõ rệt. Tuy nhiên với hoàn cảnh lịch sử như đã nói, thời hiện đại Việt Nam phát sinh và nuôi dưỡng không phải chỉ những lãnh tụ mà còn cả những người mang sắc thái ít nhiều lệch lạc với thực tế bình thường, đông đảo hơn, phức tạp hơn, tạo thành một sức mạnh nâng đỡ lãnh tụ, đưa đẩy trào lưu lịch sử đến những bến bờ không nằm trong khuôn khổ ước mơ lúc ban đầu. Nhưng rồi bóng cây nấm nguyên tử chập chờn, tiếng ầm ầm của cơ khí, xấp vải nilông, miếng kẹo thơm bọc giấy bóng… những gì cụ thể đó sẽ làm tàn ước mơ, lệch mơ ước nhiều lúc đến mức tàn nhẫn, gây “bức xúc”, “nhức nhối”… như bây giờ người ta vẫn thường nói tự an ủi để khỏi phủ nhận bản thân trước nền độc lập không như ý muốn, trước tình trạng xã hội tàn tệ diễn ra trước mắt mà không đủ dũng khí ra tay lần nữa.
Thật ra tất cả cũng đều bị cuốn hút trong đổi thay: Lãnh tụ tiên tri đi tìm quần chúng, kẻ không người có, kẻ ít người nhiều, gây tác động mạnh đến đám quần chúng ngóng chờ đổi thay, lúc cuồng nhiệt đi theo, khi ơ hờ thất vọng, tất cả đã góp phần làm nên một dáng mặt của thời hiện đại Việt Nam.
***
Tạ Chí Đại Trường là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam người Mỹ gốc Việt. Bắt đầu nghiên cứu sử học, văn hóa từ đầu thập niên 1960 tại Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời tác phẩm đáng chú ý của ông, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, vào năm 1964. Tác phẩm này đã đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, nhiều tác phẩm sau này của ông cũng có được cách lập luận và quan điểm độc đáo như vậy. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, ông bắt đầu cho in nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị, cho tới thập niên 2000 thì các tác phẩm này mới dần được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt.
Với phương thức nghiên cứu nghiêm túc và lối viết sử gần gũi nhưng cuốn hút, Tạ Chí Đại Trường đem tới cho bạn đọc những tiếp cận thú vị về lịch sử đất nước.
Những tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường được xuất bản tại Việt Nam gần đây đem lại một góc tiếp cận mới thú vị cho giới nghiên cứu lịch sử cũng như bạn đọc đại chúng.
Tác phẩm:
Ngoài ra có thể thấy bài rải rác trên Tạp chí Hợp Lưu, Văn Học, Hoa Kì, báo mạng Talawas, kể cả một bài tình cờ ở Văn Nghệ Công nhân, Tạp chí văn học của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam số 40 (4-2006), tt. 71-79.
Mời các bạn đón đọc Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong Và Bên Ngoài của tác giả Tạ Chí Đại Trường.