Một nhóm đầu bếp hiện đại bị luồng sức mạnh bí ẩn đưa về thời chiến quốc loạn lạc của Nhật Bản. Trong khi đồng nghiệp bị binh lính bản địa sát hại, Ken - nhân vật chính đã may mắn sống sót, nhưng bị mất đi hết ký ức. Tuy mất ký ức nhưng anh vẫn nhớ hết các công thức nấu ăn thời hiện đại, Nhờ tài nấu ăn tài hoa, anh được người dân trong vùng cưu mang.
Ngay sau đó, tiếng tăm của Ken đã lan truyền đi khắp kinh thành và tới tai lãnh chúa Oda Nobunaga. Ngay lập tức ông ta thân chinh tới mời anh về làm đầu bếp riêng. Điều gì sẽ xảy ra với Ken khi anh không thuộc về thời đại này? Liệu anh ta có thể tìm cách trở về tương lai hay trở thành một nhân vật kỳ tích để lại nhiều chiến công trong sử sách?
***
Ken - một đầu bếp ở thời hiện tại - cũng chẳng hiểu nguyên do gì tự dưng ngơ ngơ ngác ngác thấy mình đang ở thế kỉ 16. Rồi anh được Natsu - một thợ rèn - cứu giúp và cho ở nhờ. Dù mất hết ký ức về truyện trước đó của mình, nhưng anh vẫn giữ được tài nghệ nấu bếp siêu đẳng cũng như những kiến thức lịch sử cần biết trong thời đại này nên sau khi được Nobunaga thu về làm đầu bếp riêng, Ken đã giúp ích rất nhiều cho Nobunaga trong công cuộc chinh chiến của ông ta và dần trở thành một mắt xích không thể thiếu trong cái giai đoạn lịch sử này.
Đây là một bộ truyện theo hướng ẩm thực xen lẫn với lịch sử, và nó thật đã đánh gục mình ngay lần đầu tiên xem, từ cốt truyện đến nhân vật, tất cả điều được xây dựng theo cái cách chỉn chu, hấp dẫn. Đầu tiên là Ken, có thể vì đây một bộ seinen, anh được xây dựng là kiểu người rất trưởng thành, chín chắn; dù đôi lúc tỏ ra ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhưng anh vẫn luôn biết đánh giá phân tích bản thân, tình hình hiện tại thế nào để đưa ra những quyết định chính xác nhất chứ không theo kiểu nhân vật để cảm xúc dẫn đường rồi tới đâu hay tới đó. Tính cả những thể loại khác ngoài manga, kiểu nhân vật xuyên không mình hay thấy là sẽ loạn lên lúc đầu, sau đó là thích thú rồi làm gì cũng phải bộc lộ ra kiểu “này tui đến từ tương lai đó”… còn Ken thì điềm tĩnh từ đầu tới cuối, anh không thể hiện kiểu quá lố như thế mà chỉ dùng những kiến thức “tương lai” của mình để giúp ích cho công việc hiện tại, chỉ như thế thôi là Ken ghi điểm lớn trong mắt mình rồi.
Cái cách mà tác giả đưa Ken vào các dòng sự kiện lịch sử cũng thế, nó không phải kiểu đưa ra các dấu hiệu “anh là người được chọn” dồn dập nào đó, rồi quăng anh thẳng vào một sứ mệnh cao cả gì, mà là cách để anh từ từ quen với thế giới này và tự xây dựng nên mục tiêu của riêng mình: Đầu tiên là tìm cách sống ở thời chiến quốc thế nào, sau chấp nhận làm đầu bếp cho Nobunaga để giữ cái mạng, rồi tìm thấy những điểm vĩ đại của con người này ra sao để cuối cùng quyết định bản thân sẽ toàn tâm toàn ý đi theo vị lãnh chúa này vì muốn thấy được cái thế giới mà ông ta hướng đến. Những chi tiết ấy được xây dựng với nhịp điệu vừa phải, hợp lý và có nhấn nhá tốt ở mỗi bước ngoặt trong tâm lý Ken nên chẳng thấy có chút gượng ép nào trong mạch truyện (hoặc có lẽ vì mình đã ngán cái kiểu thân phận “đặc biệt” mà nhân vật xuyên không hay có rồi nên cái cách dung dị từng chút một trong “Nobunaga no Chef” làm mình thấy ổn với nó hơn)
Đến nghề nghiệp của Ken, mình thấy cũng là một sáng tạo hay của tác giả. Vì thường thì: xuyên không vào chiến quốc ư? Nếu thế thì không giỏi võ thuật thì phải hiểu chiến thuật mới làm nên dấu ấn nào cho câu chuyện, đúng chứ? Nhưng Ken thì chẳng có cái nào trong hai cái trên, và anh cũng chẳng có ý định học tập, rèn luyện gì về nó, cái anh có chỉ là tay nghề đầu bếp giỏi, mà đầu bếp thì làm được cái gì trong thời buổi loạn lạc này? Vậy mà càng ngày, tên đầu bếp này càng đóng vai trò mấu chốt cho các thắng lợi của Nobunaga, thú vị thật. Cách tác giả sắp xếp để Ken góp mặt vào các tình huống vô cùng khéo, nó là những tình tiết nhỏ nhưng gây tác động mạnh: như món canh cá thu gợi người Cha truyền đạo nhớ về quê hương mình, là món ăn đặc sản nơi Nobunaga muốn đánh để ép Shogun ăn như ám chỉ việc Shogun sẽ đồng ý việc chinh phạt, hay món cháo bơ giúp đứa trẻ nông dân khiến cha mẹ nó bao che cho Nobunaga,… thức ăn đóng đúng những vai trò tuyệt vời của nó như là nơi để chia sẻ, mở lòng; là năng lượng cho mỗi con người, là bài thuốc dân dã hiệu quả… Từ xưa tới giờ, thức ăn đã luôn có những giá trị đó, chỉ là lúc loạn lạc người ta quên mất đi, và Ken là người làm sáng, đánh bóng lên những điều mà con người lúc ấy không để ý, điều này khiến việc thấy một tên đầu bếp có thể góp mặt nhiều vào việc chiến sự cũng không quá vô lý.
Nhắc đến ẩm thực, vì Ken là một đầu bếp Pháp, nên các món anh làm điều mang hơi hướng và cách trang trí tây phương, truyện cũng theo hướng này nhiều nên lúc nào các món ăn cũng được vẽ cận cảnh, tỉ mỉ với vô số các món từ mặn tới ngọt, dù chỉ là trang truyện đen trắng, nhưng nhìn món ăn luôn có sự hấp dẫn lớn. Lâu lâu còn có thêm các cảnh chế biến nữa, cái cách tác giả vẽ cũng làm bức hình nhìn hấp dẫn và thu hút vô cùng, với mình, thích nhất là cái cảnh lúc anh làm món ngọt ở cuộc thi nấu ăn: lửa và khói quyện vào lớp vỏ trái cây, nhìn như bức vẽ vừa tĩnh vừa động, rất hút mắt (thấy xem mấy cảnh chế biến như thế còn hấp dẫn hơn lúc xem người thật ấy vì những khoảnh khắc như thế ngoài đời diễn ra rất nhanh, chưa kịp đã con mắt thì nó xong rồi, còn truyện thì có thể giữ lại nó được, nhìn no con mắt luôn). Và thường truyện về ẩm thực, cái mà tác giả hay nhấn mạnh là quá trình nấu và phản ứng sau khi ăn (thấy rõ nhất ở “Vua bánh mì”, hay “Đầu bếp Soma” ấy), những con người trong đây khi ăn món của Ken không phản ứng một cách cường điệu như thế nhưng cái cách mà món ăn tác động mạnh đến họ, hiệu quả của nó trong mỗi câu chuyện thì ấn tượng khỏi bàn cãi. Ngoài ra ở mỗi cuối trang truyện còn có phần chú thích về món ăn nữa để mọi người có cái nhìn rõ hơn về chúng nữa.
Còn về phần lịch sử, như mình nói trên truyện làm rất tốt trong việc chèn nhân vật Ken vào các bối cảnh lịch sử thật, cũng như cách xây dựng các nhân vật trong đây cũng rất đa chiều. Nổi bật nhất, dĩ nhiên là Oda Nobunaga: “Tôi không biết gọi ngài ấy tàn nhẫn hay tốt bụng nữa”, “Tôi muốn tin vào cái con người mà tôi biết, chứ không phải cái hình tượng trong sách giáo khoa” … theo góc nhìn của Ken, ta chứng kiến được nhiều khía cạnh khác nhau của vị lãnh chúa này: từ con quỷ tàn bạo như lời đồn thổi của người dân cũng như ghi chép sách vở, tới con người với cái tầm nhìn vĩ đại, rộng lớn khiến không phải ai cũng theo kịp được những suy nghĩ của ông. Như việc ông hay dùng cách nói ngắn gọn, nhát gừng để ra những chỉ thị khiến người khác tá hỏa vì hiểu lầm chúng quá tàn nhẫn, nhưng rồi cứ qua mỗi chap truyện, qua từng hành động phía sau mỗi lời nói ấy, nó lại chứng minh ngược lại rằng Nobunaga là người trọng tình trọng lý, mỗi hành động của ông đều có lý do ở phía sau nên dù đôi lúc hành xử thô bạo nhưng đây vẫn là nhân vật khó mà ghét được. Các nhân vật cận thần khác ở bên cạnh Oda cũng muôn màu muôn vẻ, như: Mori hiền lành, bộc trực; Hideyoshi nhanh nhẩu với cách suy nghĩ hơi trẻ con; Akechi điềm đạm,… Sự xây dựng này khiến mỗi nhân vật đều có một dấu ấn riêng với người đọc, đồng thời tạo ra những điểm khó hiểu vì như theo đúng lịch sử: Akechi sẽ là kẻ phản trắc, tập kích Nobunaga để giành quyền,nhưng khi xem truyện, mình vẫn không thể nào tin được cái con người nhìn lúc nào cũng đáng tin như vậy lại có thể làm thế, hay việc một Hideyoshi lóc cha lóc chóc có thể đánh bại lại Akechi giành quyền thống trị… Nói chung là với những tính cách mà tác giả tạo nên, khó mà tưởng tượng được họ sẽ hành động giống như những sự kiện lịch sử sau này, nhưng đây không phải là lỗi trong việc xây dựng nhân vật mà là cách để tác giả thoải mái sáng tạo, dẫn dắt câu chuyện theo hướng của mình, ví dụ trong sự kiện chùa Hiei, Oda cho di tản hết phụ nữ và trẻ con, rồi đốt cháy hết toàn bộ làng mạc trên núi ấy để mọi người hiểu lầm rằng Oda tàn sát hết tất cả, tạo ra cái thông điệp đe dọa đến mọi kẻ thù của ông. Điều này làm dù có biết trước hết các sự kiện đã xảy ra, mình vẫn không đánh mất được sự kỳ vọng và tò mò trong việc tác giả làm sao đưa ra và giải quyết các tình huống sao cho vừa khớp với lịch sử ghi chép vừa khớp với tính cách nhân vật.
Dù thế thì cái mà “Nobunaga no Chef” tập trung nhiều là ở khía cạnh ẩm thực, nên nó đi sâu vào nội tâm của Ken và cái cách anh suy nghĩ các món ăn để lan truyền các thông điệp của Nobunaga hoặc chính anh hơn là diễn tả các lối chiến thuật hay các trận đánh gay go, nghẹt thở. Nói vậy để bạn khỏi mong chờ những pha xáp lá cà quyết liệt của quân đội hai bên; hay màn căng não, tính toán từng đường đi nước bước của kẻ thù; bởi chúng và chi tiết những trận chinh chiến của Nobunaga chỉ được diễn ra theo lối kể tường thuật ngắn gọn kèm một vài hình ảnh minh họa thôi. Lúc đầu thì mình khá tiếc về vụ này vì bản thân thích đọc các bộ lịch sử khác như “Chú bé rồng”, “Kingdom” hay “Hanzou No Mon” (cũng lấy bối cảnh thời Nobunaga nhưng xoay quanh về Ieyasu và Hideyoshi nhiều hơn) nên đọc “Nobunaga no Chef” cứ thấy thiếu thiếu, nhưng sau nghĩ lại thì thấy tác giả làm vậy là hợp lý rồi, không thì mạch truyện sẽ loạn hết lên, và còn tranh chấp nhau nữa. Vẫn hơi tiếc nhưng ok vậy.
Chung lại thì “Nobunaga No Chef” rất đáng để bỏ thời gian ra đọc, đặc biệt là với những ai thích ẩm thực và lịch sử (đặc biệt hơn nữa là chúng được hòa trộn với nhau - một điều mà trước giờ mình chưa thấy bộ nào theo hướng đi này hết), vừa được ngắm đồ ăn vừa thưởng thức các sự kiện lịch sử lớn. Lúc nào, những ảnh hưởng, ý nghĩa của các món ăn hiện đại của Ken cũng làm mình ngạc nhiên, cũng như những sự kiện đi kèm với nó luôn được xây dựng với một nhịp độ vừa phải, không quá dài thê lê tạo cảm giác căng thẳng, mệt mỏi khi đọc, cũng không quá ngắn khiến các tình tiết bị rush; hơn nữa, dù mỗi sự kiện luôn có cùng motip “Ken sẽ nấu món gì đó để giải quyết vấn đề” nhưng các tình tiết thì luôn tiếp chuyển, đa dạng nên không bị cảm giác lặp lại, nhàm chán. Mình thích tất cả mọi thứ ở bộ này luôn ấy, tiếc cái là tiến độ hơi bị lâu, chờ mòn mỏi :’< Và hi vọng qua bài này các bạn có thêm được một bộ hợp ý để xem :>
Ps: “Nobunaga No Chef” cũng đã được chuyển thể sang LA, nhưng mình không đánh giá cao phiên bản này cho lắm. Không nói về ngoại hình nhân vật vì đương nhiên là phim sẽ phải khác manga, nhưng những cái tính mà mình thích ở các nhân vật truyện gần như bị lược bỏ, hoặc làm đối lập lại ở phim: Ken lúc nào cũng sốt sắng quá mức, Akechi cũng tỏ ra nguy hiểm quá mức cần thiết, Nobunaga thì quá dựa dẫm vào Ken… mấy cái thay đổi này làm phim chỉ dừng ở mức coi chơi chơi để ngắm đồ ăn với mình thôi. Nên xem hết truyện trước khi coi phim.
Mời các bạn đón đọc Đầu Bếp Của Nobunaga của tác giả Konno Azure.