Quan ở kinh thành có tiền có thịt sao? Đừng có mà giỡn, bổng lộc một năm 40 lượng, chỉ vừa đủ ấm no thôi.
Hoàng thượng khai ân cho thuê phòng giá rẻ, gọi là quan xá, giá một lượng một tháng, ở một năm hết 12 lượng bạc.
Thật sự là một ít tiền dư cũng không có.
Bằng hữu cùng khoa thi nói, hàng xóm cách vách của ta được nhận bổng lộc ba nghìn sáu trăm lượng một năm, có thể qua đó tống tiền ăn cơm chùa!
Ta nói, mơ à, cũng không nhìn xem hàng xóm của ta là ai, có thể để cho một tiểu bối như ta lợi dụng bừa bãi hay sao?
***
Review bởi: Candy từ Hội Nhiều Chữ
-----
Nữ chính Mạnh Cảnh Xuân từ nhỏ được nuôi dưỡng như nam nhi, vì muốn tìm hiểu cái chết không rõ ràng của cha nàng vốn là Mạnh thái y trong cung mà ra sức học hành thi cử để có thể làm quan được ở kinh thành. Thi đậu Thám hoa với mức bổng lộc 40 lượng một năm, trả tiền trọ ở quan xá một lượng một tháng thì còn lại chẳng được bao nhiêu nên lúc nào cũng dòm ngó lương bổng 3600 của vị tướng gia trẻ tuổi ở sát vách. Đó chính là nam chính Thẩm Anh.
Thẩm Anh xưa nay quen ở một mình, kiệm lời, có chức vị cao thứ hai trong triều vì tránh nghi kỵ của hoàng thượng nên gần 30 tuổi mà chưa thành thân cũng chẳng có mảnh tình vắt vai lại không thích giao du với ai. Hàng xóm mới Mạnh Cảnh Xuân dọn đến không những khuấy động không gian yên tĩnh mà còn khuấy động cả lòng Thẩm Anh. Biết được Mạnh Cảnh Xuân là nữ thì tránh nàng, không muốn dính dáng đến nàng nữa, thậm chí dọn về phủ mới nhưng lại không nhịn được âm thầm quan tâm bảo vệ nàng. Khi nàng bị người ta đánh trọng thương thì âm mưu dọn hết đồ của người ta về nhà mình luôn, ở gần cho tiện bề thể hiện tình cảm.
Người ta nói có duyên thì sẽ gặp lại mà, Thẩm Anh chính là phụ quan cùng tham gia vào vụ án của Mạnh thái y. Đọc đến đây mình sẽ nghĩ thế nào Mạnh Cảnh Xuân vì cha mà hận thù Thẩm Anh rồi hai người xa nhau, ngược Thẩm Anh các kiểu nhưng truyện này không hề như vậy. Có ngược cũng chỉ là Thẩm Anh tự ngược mình thôi. Mười một năm trước Thẩm Anh bỏ nhà ra đi vì lý tưởng của mình, bước chân vào quan trường với bao nhiêu nhiệt huyết thì khi tham gia vào vụ án đó càng thất vọng bấy nhiêu. Thẩm Anh đấu tranh cuối cùng cũng chỉ thả được vợ con của Mạnh thái y ra ngoài và khuyên họ sống tốt. Mười một năm trôi qua biết bao thay đổi, không ngờ cô bé 8 tuổi năm xưa giờ lại cùng làm quan với mình. Vụ án kia cùng cái chết của Mạnh thái y là nỗi day dứt theo Thẩm Anh trong từng giấc ngủ. Giờ đây trước tình cảm của mình lại càng sợ hãi hơn, sợ nàng rời bỏ mình.
Điều mình thích nhất ở truyện này có lẽ chính là tính cách và cách suy nghĩ của nữ chính. Lúc nào cần vui vẻ thì vui vẻ, đứng trước mặt tướng gia Thẩm Anh thì cung kính còn sau lưng thì chửi xéo, dòm ngó tiền bạc nhà người ta. Lúc biết sự thật về vụ án của cha mình thì nàng phân tính kỹ càng, không đổ lỗi cho Thẩm Anh, hiểu được sự bất lực và day dứt của Thẩm Anh trong thời gian qua nên càng quý trọng tình cảm của nhau hơn.
“Ta đã đồng ý với Tướng gia là không đi, chắc chắn sẽ không nuốt lời.” Câu nói này như lệnh đặc xá đối với Thẩm Anh, cởi bỏ nút thắt trong lòng hơn mười năm qua.
Hai người họ cô đơn một mình nhiều năm nên càng trân trọng thời gian ở bên nhau hơn. Đấu tranh cam kết với hoàng thượng dùng thêm mười năm nữa cống hiến cho triều đình đổi lấy kết quả nữ nhân được đi học, được vào triều làm quan, để có thể quang minh chính đại thành hôn với Mạnh Cảnh Xuân là việc làm có ý nghĩa nhất trong cuộc đời của Thẩm Anh.
Trước cảnh quan trường đấu đá như vậy thì bối cảnh cùng người thân trong gia đình Thẩm Anh làm cho người ta thấy yên bình hơn. Một đứa con trai vì ngày xưa gia đình buôn bán không được trong sạch mà dứt áo ra đi hơn mười năm không một lá thư gửi về nhưng khi trở về lại có cảm giác như chưa hề đi xa. Nhờ Mạnh Cảnh Xuân mà Thẩm Anh có thêm dũng khí quay về thăm nhà, nhận lỗi với cha mẹ. Thẩm Anh trong triều làm quan to thế nào không cần biết còn về nhà thì không hề có tiếng nói nào, luôn bị mẹ và chị gái bắt nạt, trêu chọc mà không dám cãi lại. Người cha thì thấy mặt con trai là la mắng nhưng hàng năm lại âm thầm gửi tiền vào tài khoản của con trai tại kinh thành vì sợ con mình đói thiếu.
Truyện có nhiều tuyến nhân vật nhưng được tác giả xây dựng rõ ràng, mỗi người có cuộc đời, có hướng đi riêng của mình như Đổng Tiêu Dật cũng là nữ phẫn nam trang vào triều làm quan, có tình cảm với tân Đế được phong làm hoàng hậu nhưng hậu cung đâu chỉ một giai nhân, từng ôm con rời cung tìm cho mình một chốn bình yên nhưng lòng lại không yên nên cuối cùng cũng trở về hoàng cung. Như Trần Đình Phương đỗ trạng nguyên cùng khoa với Mạnh Cảnh Xuân, được xem là con ông cháu cha trong triều nhưng chán cảnh triều đình quyết xuất gia tìm nơi thanh tịnh cho mình….
Đọc hết 95 chương với ngoại truyện mà cứ muốn đọc thêm về cuộc sống của gia đình Tướng gia. Có vợ con ngày càng lớn tuổi mà lại ấu trĩ, biết nói lời ngọt ngào hơn xưa. Có nhiều đoạn đọc mà cứ thấy buồn cười, thích cách thể hiện tình cảm của hai người. Mạnh Cảnh Xuân tuy là phụ nữ cổ đại nhưng không hề ngại ngùng gì nên thịt thà rải rác vừa đủ.
Mời các bạn đón đọc Ai Bảo Quan Kinh Thành Có Tiền Có Thịt của tác giả Triệu Hi Chi.