Edogawa Ranpo là bút danh của Hirai Tarou, một tác giả, nhà phê bình nổi tiếng người Nhật. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của tiểu thuyết bí ẩn tại Nhật Bản, rất nhiều những tác giả hiện đại đã lấy cảm hứng sáng tác từ những tác phẩm của Hirai Tarou. Ví dụ như cái tên của Thám tử nhí Edogawa Conan chính là được lấy từ bút danh Edogawa Ranpo, hay chi tiết kinh dị “Cái ghế người” của họa sĩ manga kinh dị nổi tiếng Junji Itou cũng bắt nguồn từ tiểu thuyết của Hirai Tarou, vân vân… Điểm thú vị của các tác phẩm do Hirai Tarou tạo ra không phải ở những yếu tố kinh dị hay ma quỷ, chúng thường đi sâu vào tâm lý, mặt tối của con người và lý do thúc đẩy họ thực hiện hành vi tội ác. Edogawa Ranpo Dị Nhân Quán là bộ truyện tranh được minh họa bởi Yamaguchi Masakazu, nội dung dựa theo những câu chuyện của Hirai Tarou với nhân vật chính là một tiểu thuyết gia tên là Edogawa Ranpo.
***
Nếu bạn là tín đồ của thể loại Kinh dị và Trinh thám, nhất định đừng bỏ qua sự rùng rợn và quái gở của Edogawa Ranpo Ijinkan – Dị Nhân Quán Của Edogawa Ranpo.
Lấy bối cảnh với nhân vật chính là tác giả Edogawa Ranpo, truyện Edogawa Ranpo Ijinkan – Dị nhân quán là câu chuyện kể về một chuỗi vụ án rùng rợn xoay quanh các “Dị Nhân”, những tên tội phạm giết người bằng phương thức ghê rợn.
Điều đặc biệt ở những vụ án này không phải là logic phá án mà là những câu chuyện kinh dị táo bạo với một sự thật được nêu ra rất rõ ràng: Ma quỷ không đáng sợ, lòng người mới đáng sợ.
Mặc dù thuộc thể loại trinh thám, Edogawa Ranpo Ijinkan hay còn gọi là Dị Nhân Quán lại là một tác phẩm lấy sự kinh dị và bí ẩn làm chủ đạo. Thủ pháp giết người được diễn giải đơn giản, nhưng những câu chuyện có nội dung vô cùng ấn tượng.
Điều tạo nên sức hút cho Edogawa Ranpo Ijinkan có lẽ là phong cách vẽ cổ điển đã tôn lên độ rùng rợn cho những tội ác đến từ tính tham lam, dâm dục của con người. Yếu tố máu me được đưa vào xuyên suốt tạo cảm giác rất “hardcore”.
Motif câu chuyện thì vô cùng… “drama 3 xu”. Tuy nhiên, truyện chẳng những không nhàm chán mà còn mang đến cảm giác thú vị, táo bạo, thay vì chìm trong những tính toán logic đôi khi chỉ… “gây mê” cho người đọc.
Một tiểu thuyết gia trinh thám thường vô ý bị cuốn vào những vụ án kỳ quặc. Edogawa của thời hiện tại đã là một người đàn ông trưởng thành có vẻ ngoài lãng tử với cách nói chuyện nhã nhặn, lôi cuốn nhưng cũng chứa một chút tự phụ của kẻ thấu hiểu sự đời.
Xuất hiện ngay từ tập 1 với câu nói không thể ấn tượng hơn: “Khi đối diện với con quái vật tội lỗi, ai cũng phải cẩn trọng để mình không bị biến trở thành chúng. Cậu phải giữ lấy lương tri của mình.”
Ngoài đời, tác giả Edogawa Ranpo cũng là một tiểu thuyết gia trinh thám. Ông là cái tên hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc nếu nói đến thể loại văn học Trinh thám và Bí ẩn.
Sự nổi tiếng và những cống hiến lớn đã khiến tên tuổi của ông đi vào giải thưởng văn học Trinh thám hàng năm – giải thưởng văn học mang tên Edogawa Ranpo mà sau này được trao cho một trong những tác giả rất được khán giả Việt Nam hâm mộ như Higashino Keigo (tác giả Bạch Dạ Hành, Phía Sau Nghi Can X).
Nói đến đây có lẽ bạn cũng đang…ngờ ngợ, vâng đúng vậy, ông chính là cảm hứng của cái tên Edogawa Conan – chàng thám tử bị teo nhỏ lừng danh đó các bạn!
“Đẹp trai, ngầu lòi” là thương hiệu của một số nhân vật manga mà trong đó có Akechi Kogoro. Vẻ đẹp thời thượng, sắc sảo với trí thông minh thuộc hàng đã…“IQ vô cực” lại còn có số “nam chính” thì độ bá đạo của ngài thám tử Akechi xem như….khỏi bàn cãi!
Motif thuần giải trí: Vẻ đẹp phi giới tính thì phải có…lai lịch đáng gờm!
Akechi Kogoro thực ra là nguyên mẫu một nhân vật trong tiểu thuyết có thật của Edogawa Ranpo, tên của nhân vật này cũng chính là cảm hứng cho ông râu kẽm” Mori Kogoro trong Meitantei Conan. Tuy nhiên, đây có lẽ là phiên bản…Kogoro hữu dụng hơn ông già nhà Ran một tí.
Vì Edogawa Ranpo Ijinkan là một câu chuyện lấy “kinh dị và drama” làm phông nền chủ đạo, cho nên trong truyện nếu anh Akechi có xuất hiện vài màn buff vô lý thì cứ im im gật đầu coi tiếp nhe!
“Một thợ làm ghế vì quá mê mẩn sắc đẹp của cô gái nên đã tự mình làm ra một chiếc ghế bọc người. Một kẻ vì hận thù gia tộc mà lập mưu giết hại cả gia đình nọ bằng những phương thức vô cùng ghê rợn như diễn xiếc chặt người, dùng kim đồng hồ trên tháp chuông để chặt đầu. Một bức chân dung vải sống động như thật được tìm thấy trên chuyến tàu, thật ra đúng là nó được làm da người.”
Có lẽ những câu chuyện ma quái kiểu này dù đã trở nên vô cùng quen thuộc trên bàn tiệc của giới manga kinh dị. Điển hình như câu chuyện Chiếc ghế người đã được “đại tác giả trong làng manga kinh dị” Junji Ito chuyển thể thành công từ lâu, nhưng có vẻ sức hấp dẫn của chúng vẫn không hề giảm nhiệt.
Dù được phát hành mới cách đây vài năm nhưng cách vẽ của Edogawa Ranpo Ijinkan lại từa tựa những manga thời gothic và shoujo lên ngôi ở những năm 90s, tạo ra một bầu không khí rợn ngộp, đen tối. Đến với manga này, câu chuyện là yếu tố được đặt trên mọi yếu tố khác.
Nếu muốn thưởng thức một cách trọn vẹn, người đọc nên chú tâm lắng nghe câu chuyện mà không cần nghĩ ngợi nhiều, bởi logic vụ án và những tính toán đồ sộ vốn không phải là điểm mạnh ở manga này. Có lẽ phần nào đó bởi vì chúng cũng không hề nằm trong dự định của chính tác giả.
Càng dấn thân sâu vào những vũng đen tình tiền, khi lương tri mất đi cũng là lúc con người hóa thân thành quỷ dữ. Hại người để rồi bị chính mình hại chết, những chuyện kể đen tối như tiếp nối nhau trong hành trình tội ác đầy ám ảnh.
Không phải là một manga trinh thám xuất sắc với những màn suy luận phá án đỉnh cao, tuy nhiên tin chắc Edogawa Ranpo Ijinkan sẽ không làm một người mộ điệu truyện kinh dị thất vọng với những câu chuyện đen tối mang hơi thở kinh điển, nơi mà ma quỷ cũng chính là con người.
Deidamia Thụy Hy
Mời các bạn đón đọc Dị Nhân Quán của tác giả Edogawa Ranpo Ijinkan.