“Shirley” bắt đầu bằng một tình huống rất đời thường với Cranry Bennet – bà chủ một quán cà phê nhỏ, sống một mình, đang muốn thuê một người hầu để giúp đỡ công việc. Và Shirley – một cô bé mới 13 tuổi, tìm đến Cranry để xin việc vì chỉ duy nhất mẩu tin tìm hầu gái của cô là không có yêu cầu về tuổi tác (do Cranry quên điền vào). Shirley được nhận với lý do làm bánh ngon hay đúng hơn là Cranry không nỡ lòng nào từ chối một cô bé không còn ai thân thích, đã ngồi đợi trước cửa nhà mình từ lúc trưa đến tối mịch. Và khi câu chuyện tiếp diễn, nó vẫn cứ thật đời thường. Mỗi chương truyện chỉ đơn giản là một ngày đã qua giữa cuộc sống của một cô bé hầu gái và bà chủ của mình với những tình huống mà ai cũng có thể gặp, cũng có thể cảm thấy rất quen thuộc với bản thân mình ngoài đời dù rằng câu chuyện lấy bối cảnh ở Anh vào khoảng thế kỉ XIX, XX. Câu chuyện hoàn toàn không có những tình huống gay gấn, không có những plot twist khiến người xem bất ngờ, nhưng cũng nhờ thế mà “Shirley” lại trở nên thu hút đối với mình.
Mối quan hệ chủ và tớ rất hay được Mori Kaoru mang ra khai thác và được đề cập đến nó trong hầu hết mọi manga của bà. Không bao giờ, bà xây mối quan hệ này kiểu người này quyền lực, lấn át người kia, mà nó có thể giống tình mẹ – con như trong “Emma”, hay kiểu là người truyền cảm hứng, ước mơ như “Otoyomegatari”. Trong “Shirley” cũng thế, Cranry và Shirley như là một người chị và một cô em gái nhỏ đang sống cùng nhau chứ không phải là bà chủ và cô hầu của mình, nó mang lại sự dễ thương, ấm áp trong từng trang truyện “Shirley”.
Cranry xuất thân từ một gia đình quý tộc và lễ giáo, nhưng với mẫu người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập luôn thích thể hiện rõ những gì mình ghét, mình yêu thì sự gò ép, thúc giục cô lấy chồng, sống trong một khuôn khổ nhất định luôn làm cô thấy khó chịu. Cô muốn có thể tự nuôi sống bản thân mình, không cần phải chịu lệ thuộc vào “người chồng”, nên Cranry duy trì quán cà phê nhỏ của mình làm nguồn tài chính cho mình. Với Shirley, kể từ lúc cô bé đặt chân vô nhà, Cranry luôn hết lòng quan tâm và yêu thương bé. Cô mua cho Shirley con búp bê làm quà, khen ngợi cô bé có năng lực thiết kế, luôn để mắt coi cô bé cần gì, muốn gì để giúp đỡ. Nếu có đều gì khuất tất giữa hai người, Cranry luôn là người hòa giải, thật lòng nói ra những điều mình nghĩ của mình cho cô bé để em không phải lo nghĩ, cô luôn đặt cô bé ngang hàng với mình, dành cho cô bé sự tôn trọng tuyệt đối.
Còn Shirley, cô bé được miêu tả khá chững chạc so với lứa tuổi 13 – trầm tính, chững chạc, có thể một mình thu xếp hết mọi công việc nhà, khi có lương thay vì một món đồ cho bản thân (nón, quần áo, bánh kẹo…)cô bé lại chọn công việc (xô, chổi, đồ cọ sàn…). Dù thế, qua một vài điểm, em vẫn bộc lộ tính trẻ con của mình – thích mái tóc vàng của cô chủ hơn mái tóc đen của mình, lén đi thử giày cao gót, sợ cô chủ lấy chồng bỏ rơi mình… Chính những đặc điểm khác biệt đan xen này, khiến nhân vật Shirley có chiều sâu, lấy được cảm tình từ người đọc, cho ta cảm giác tin là đang xem về một cô bé 13 tuổi thực sự, chứ không phải là một nhân vật trưởng thành gán cái mác 13. Đối với Cranry, Shirley dường như dành tất cả mọi tin tưởng, cảm mến của mình cho cô. Cô bé coi cô như một hình mẩu để trưởng thành – tóc vàng dài óng ánh, mặc chiếc cooc-xê trong bộ váy dạ hội và đôi giày cao gót – Shirley ước mơ được như vậy, nó thể hiện qua việc em may rất nhiều váy áo cho búp bê của mình để búp bê có thể giống với Cranry. Shirley luôn cư xử hiền hòa, nhưng đối với những ai gây khó khăn cho Cranry, cô bé cư xử rất gay gắt như khi người cô già nói châm chọc về việc cô chủ chưa chịu lấy chồng, cô bé không suy nghĩ gì liền quát lại ngay, lúc nào em cũng như một người bảo vệ tí hon ^^ , luôn quan sát dáng vẻ, điệu bộ của cô chủ xem cô có gì buồn, không hài lòng gì hay không, và nếu có, em sẽ có thể bỏ ra hàng giờ đồng hồ để ngồi bên, nghe Cranry tâm sự. Trong một căn biệt thự lớn chỉ hai người, nhưng không bao giờ có sự cô đơn tồn tại vì người này luôn biết lắng nghe, trải lòng với người kia và ngược lại.
Truyện được chia làm hai phần: Shirley và Shirley Maison. Phần hai là nối tiếp phong cách sáng tác và những câu chuyện ngắn như phần một. Chỉ một điểm khác biệt duy nhất là nét vẽ của Mori Kaoru lên tay khá nhiều trong phần hai. Nếu nét vẽ phần một vẫn chưa làm hài lòng bạn lắm, thì phần hai có thể làm được điều đó. Nhân vật được vẽ tả tốt hơn, Cranry nhìn xinh đẹp, sắc xảo hơn; còn Shirley thì trở nên dễ thương hơn gấp bội với khuôn mặt tròn và đôi má hay ửng đỏ. Nếu ở phần một Mori vẻ cảnh vật rất giản đơn, chỉ tả một vài chi tiết nhỏ để gợi nhân vật đang ở đâu hoặc là để khung trắng. Thì ở phần hai, bà đã tập trung hơn vào chúng, mọi thứ xung quanh nhân vật được vẽ rõ ràng, chi tiết hơn rất nhiều với những khung tranh lớn chỉ để dành tả cảnh trí như cảnh ngôi biệt thự, khu phố, quán cà phê… Chính những điều đó khiến các câu chuyện truyền tải được cảm xúc tốt hơn, vì lúc đọc có thể thấy được nơi Cranry và Shirley sống – một căn biệt thự lớn, ngăn nắp với rất nhiều sách, khung ảnh, cây và rèm trang trí; và cả cái không khí trong truyện nữa – như cảnh trong căn biệt thự thì được tô trắng hoặc xám nhẹ nói lên cảnh cuộc sống của hai người họ ở đây rất nhẹ nhàng, yên ả; còn trong quán cà phê “Mona Lisa” của Cranry thì nổi bật là cái quầy gỗ nhỏ (nơi Cranry làm việc, pha chế thức uống, đồ ăn cho khách) với màu xám đậm, tạo cảm giác chắc chắn đây là một cái quán ấm áp, gần gũi với khách hàng.
Như đã nói, “Shirley” là một câu chuyện ngắn dễ thương về một cô bé giúp việc trầm tính và bà chủ tốt bụng (và hơi chút hậu đậu) , sau khi đã đọc một bộ hết sức là drama, thì mình biết đến “Shirley” và nó đã giúp mình bình lại cảm xúc rất tốt, không cần phải căng thẳng với những diễn biến truyện, không cần phải xót xa vì nhân vật hay bất cứ điều gì, chỉ ngồi đọc và để lắng lại trong đầu những gì tươi sáng, nhẹ nhàng nhất, cảm nhận những khía cạnh tốt đẹp của cuộc sống ở cái nơi hai con người sống cùng nhau với không một suy tính, so đo nào. Cũng không hẳn là truyện không có mặt tối khuất sau, qua cách Cranry cư xử, nói chuyện có thể thấy cô không mấy hòa hợp với gia đình, hay nói đúng hơn là tầng lớp của mình, cô luôn căng thẳng trong các buổi gặp mặt và ngồi đăm chiêu lúc trở về, còn Shirley là một đứa bé 13 tuổi nhưng trước đó đã phải một mình bươn trải giữa một thành phố rộng lớn. Nhưng hai con người này không bao giờ để những điều ấy phiền lòng mình, họ mạnh mẽ hơn cái vẻ bên ngoài rất nhiều, bỏ lại nó phía sau và tận hưởng những niềm hạnh phúc giản dị trong cuộc sống của mình. Đây cũng là một trong những điều khiến mình thích “Shirley” hơn nữa, hay đúng hơn hết là thích toàn bộ những manga của Mori Kaoru vì nhân vật bà xây dựng lúc nào cũng mang lại những cảm xúc tích cực cho mình.
Dù “Shirley” khá ngắn, với tổng cộng chỉ 15 chap truyện cho cả hai phần, nhưng đây là một câu chuyện tuyệt vời, từng hơi thở của cuộc sống được truyền tải, lan tỏa qua từng trang truyện rồi đến với người xem, khiến đọc nó xong sẽ ấn tượng và nhớ mãi. Mỗi lần nghĩ về truyện là lập tức hình ảnh hai con người một chủ một tớ ấy liền xuất hiện trong đầu – cảnh họ lỡ vui quá đà rồi nhảy múa xuốt đêm, hay cảnh cùng ngồi bên lò sưởi để tâm sự với nhau về cuộc sống. “Shirley” thắp lên sự ấm áp trong lòng mỗi con người, nếu bạn cần một manga nhẹ nhàng truyền tải, để đọc nó xong thì mọi lo lắng, u sầu đều như dịu bớt lại, thì “Shirley” là một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho bạn.
Mời các bạn đón đọc Shirley của tác giả Mori Kaoru.