NHỮNG NGƯỜI HÁI RONG BIỂN
Tác giả: ANATOLY KIM
Nguyên tác: СОБИРАТЕЛИ ТРАВ (1976)
Dịch giả: Thái Hà
Thể loại: Tập truyện
NHÀ XUẤT BẢN TÁC PHẨM MỚI - 1984
(Nguồn text: từ bản đánh máy và OCR từ bản chụp của chủ blog arral.wordpress.com)
Ghi chú: so với bản gốc, bản ebook được sửa phiên âm lại các tên riêng tiếng Nga, tên gọi một số người gốc Triều Tiên và Nhật cho chính xác. Bản ebook này không phải bản đầy đủ và chỉ gồm các truyện trong tập Những người hái rong biển mà thôi. Các truyện khác trong sách gốc sẽ được cập nhật ở một phiên bản khác.
***
Những người hái rong biển là một câu chuyện nhẹ nhàng, dìu dịu và buồn rầu.
Nhân vật của Kim bất hạnh một cách bình thường, những nỗi bất hạnh ta có thể thấy ở khắp mọi nơi trên trái đất : vì cuộc sống gia đình không như mong đợi, vì bệnh tật, vì dốt nát, cổ lỗ, già yếu, vì tình yêu không được đền đáp, vì nghèo hèn, quê mùa, vì người thân đối xử lạnh nhạt … Mỗi người một lý do, nhưng tại một thời điểm nào đó, họ bỗng nhận ra mình đã bị đẩy ra khỏi dòng chảy chung của cuộc đời. Những nhân vật như thế rất thật, có lẽ chúng ta vẫn nhìn thấy họ hằng ngày, và đấy là chuyện thường không có gì đáng nói. Mỗi người đều có mặt tốt mặt xấu, mỗi nhà đều có những chuyện riêng, không ai giống ai. Hàng ngày, con người ta vẫn chết đi, điều đó không làm xáo động dòng đời chút nào. Vì thế, cái đáng nói là cách nhìn nhận của tác giả, Anatoli Kim cho rằng “thời gian là sự bồi đắp và tích tụ, thời gian như đoàn tàu chắc chắn sẽ đưa con người tới một ga nào đó, trong khi cứ trôi qua và bay đi hết giây phút này đến giây phút khác, cuối cùng nó cũng phải tụ lại ở một nơi nào đó. Không gian cũng thế. Xung quanh trái đất không phải chỉ có không khí và ánh mặt trời. Trên mặt đất này còn tích tụ một khối năng lượng khổng lồ do những người tốt chết đi tích lại ngày một nhiều. Vậy là không có một cuộc đời người tốt nào, dầu bất hạnh, lại trôi qua vô ích, không một đóng góp nào, dầu nhỏ bé, cho cuộc sống tinh thần con người lại không tích lũy cho một ngày mai hạnh phúc, và do đó, không một nơi nào lại không chứa đựng những cái chính yếu nhất của đời sống…”
(theo Những người hái rong biển – Anatoli Kim | Agrael's words (wordpress.com))
Nhà văn, nhà viết kịch, dịch giả Nga Anatoly Kim sinh năm 1939 tại Kazakhstan. Tổ tiên của ông vốn là người Triều Tiên di cư đến Nga từ thế kỷ XIX. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kim vào học Trường trung cấp nghệ thuật Moskva.
Năm 1971, Kim tốt nghiệp tại chức Trường viết văn mang tên M. Gorky, những truyện ngắn đầu tiên của ông được xuất bản năm 1973. Một thời gian, Kim phụ trách xeminar văn xuôi tại Trường viết văn; từ năm 1996, ông là đồng Tổng biên tập tạp chí “Yasnaya Polyana”. Ông là tác giả của 7 tập truyện ngắn, 6 tập truyện vừa, 2 vở kịch và 7 tiểu thuyết. Tập truyện ngắn “Những người hái rong biển” của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày sinh của nhà văn (1939-2019), xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Vladimir Li về ông.
Tôi làm quen với tác phẩm của Anatoly Kim vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi được đọc tập truyện ngắn đầu tay của ông “Đảo màu xanh da trời” (1976). Những năm tiếp theo, tôi được đọc hai cuốn sách của ông “Dây lưng màu ngọc bích” và “Tiếng hót chim họa mi”.
Tôi quan tâm tới Anatoly Kim trước hết vì ông là nhà văn Liên Xô gốc Triều Tiên đầu tiên mà tôi đã từng mua sách tại các hiệu sách ở Uzbekistan, còn sau khi Liên Xô sụp đổ, tôi không thấy ở đấy một cuốn sách nào của ông nữa. Cách đây 10 năm, khi chuyển đến Moskva, tôi mới biết rằng Kim viết nhiều truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết và kịch, đã trở thành nhà văn "cổ điển sống" của văn học Nga đương đại.
Còn cách đây mấy năm, tôi được trực tiếp gặp ông thông qua người bạn chung của chúng tôi là Moisey Kim, hiện là Chủ tịch Hội những người Triều Tiên ở Nga. Lúc bấy giờ, tôi đã kể về cuốn sách đầu tiên của Kim mà tôi đã đọc.
Số là về sau tôi phát hiện ra cuốn sách này trong một vali sách mà bố tôi muốn mang theo khi sang thế giới bên kia, nói rằng “ở đấy” ông sẽ đọc những cuốn sách này. Không một người thân nào dám phản đối ý nguyện cuối cùng của bố chúng tôi. Người đã qua đời ngày 2 tháng 8 năm 1980. Dưới quan tài của bố, chúng tôi đặt hai vali sách, trên cùng là cuốn “Cánh đồng mẹ” của Chingiz Aymatov và “Đảo màu xanh da trời” của Anatoly Kim.
Sau khi chăm chú lắng nghe câu chuyện của tôi, Kim thốt lên: “Lần đầu tiên tôi được nghe một câu chuyện như vậy. Có nghĩa là từ thế giới bên kia, bố anh đã xui chúng ta gặp nhau và cần phải nâng cốc vì điều này”.
Sau đó, thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau, năm 2014 tôi được mời tới dự lễ kỷ niệm nhân 75 năm Ngày sinh của nhà văn và được ông ký tặng ba cuốn tiểu thuyết. Tháng 5 năm 2015, tôi cùng với Moisey Kim đến thăm nhà văn tại biệt thự của ông ở làng Peredelkino, Moskva. Và mấy năm gần đây, tôi đã nhiều lần được gặp nhà văn tại những sự kiện chính trị-xã hội khác nhau.
Bàn về không gian và thời gian diễn ra câu chuyện trong tiểu thuyết, Anatoly Kim nói nguyên văn như sau: “Con chim, chiếc máy bay và, có thể, cả thiên thần nữa, cần cánh để bay, nhưng con người hoàn toàn không cần cánh để bay tới nơi tôi mời họ đến. Trong tiểu thuyết của tôi, có những chuyến bay không cần cánh, những cuộc di chuyển tự do trong không gian của những thế giới và thời đại khác nhau…”.
Đề tài tình yêu chiếm vị trí chủ đạo trong toàn bộ sáng tác của Kim. Tình yêu - sự bảo đảm của hạnh phúc và sự tiếp tục nòi giống của con người. Ông nghiêng mình trước sức mạnh của tình yêu. Tình yêu là cơ sở của sự hài hòa của thế giới, sự hồi sinh của nhân loại và tương lai của nó. Hạnh phúc của Kim có dung lượng không gian và thời gian rõ rệt, bởi vì tình yêu là mặt trời với cuộc đời con người quay quanh nó. Nhưng khi mặt trời lùi xa và biến mất, tất cả trở nên bất động, giống như thiên nhiên ngủ thiếp đi trước mùa đông.
Kim coi con người là một phần của vũ trụ, còn cuộc đời con người chỉ là khoảnh khắc, là ánh chớp lóe lên trong thời gian và không gian của vũ trụ nói chung. Trong khoảnh khắc đó, mỗi con người để lại dấu vết của mình trong không gian vô cùng tận, bởi Trái đất phản ứng rất nhanh trước tất cả những vận động của tâm hồn con người; khi con người làm điều ác thì không gian bao quanh nó chìm vào bóng tối, thời gian ngừng lại; còn khi con người làm điều thiện thì thế giới bừng sáng. Vấn đề hạnh phúc là một trong những đề tài sáng tác chính của Kim. Chỉ người biết yêu mới giành được hạnh phúc chân chính, bởi tình yêu là sức mạnh vĩ đại có thể hồi sinh con người.
Sách của Kim không dành cho sự đọc dễ dãi, để kích thích giấc ngủ hay đơn giản là giết thời gian. Tác phẩm của ông mang đậm tính triết lý, nhiều tầng ý nghĩa, đa dạng, phổ quát, đầy biến hóa, không dễ gì nhận thức được. Nó ẩn giấu đạo lý thường tình ngàn đời nay của các dân tộc trên thế giới.
Nói về tác phẩm văn học của mình, Kim giải thích rằng, ông cảm thấy mình là một nghệ sĩ hoàn toàn tự do và không bao giờ viết theo đơn đặt hàng của những kẻ cầm quyền. Ông làm việc theo ý thích và cảm hứng, chứ không phải hàng ngày. Không bao giờ nháp trước, không thu thập tài liệu hay thông tin bổ sung về điều gì đấy.
Ông viết một mạch, hàng giờ liền, không nghỉ, dường như có ai đó từ “trên” đọc cho ông chép. Nhà văn khẳng định rằng, trong những ngôi làng Nga, nơi ông đã có dịp sống vào những năm khác nhau, người ta đánh giá con người ngắn gọn và đơn giản: “người tốt” hay “người xấu”. Anatoly Kim nói rằng, ông viết cho “người tốt”.
“Người xấu” sẽ không đọc sách của ông, hắn không hiểu, ngay cả khi đọc. Vì vậy, sau khi đọc sách của Kim, hắn cũng sẽ không trở thành “người tốt”. Kim không trách mình vì trên đời có “những người xấu”. Khi được hỏi vì sao viết sách và viết như thế nào, ông nói:
- Tôi viết sách cho “người tốt”.
- Tôi không quan tâm người ta hiểu hay không hiểu tôi.
- Tôi không viết cho đám đông và cho những người trên quảng trường gào lên: hoan hô Kim!
- Tôi không muốn viết cho những người coi sách như ly cà phê hay ly rượu;
- Tôi không thể chịu nổi thái độ tiêu thụ đối với sách.
- Tôi không viết sách để về sau nó trở thành hàng hóa, vì vậy tôi phản đối thương mại hóa văn học.
Anatoly Kim cho rằng, nhà văn không tồn tại thiếu độc giả. Nếu còn lại dù chỉ một độc giả thì đó là nhà văn. Nói về sự phản hồi của độc giả, Kim có thể dẫn chứng hàng chục bức thư, các cuộc gặp gỡ, lời nhắn nhủ của nhiều người đối với ông. Sau đây là một số ví dụ:
…Vào một ngày đẹp trời, có một người quen gọi điện thoại cho nhà văn Kim nói rằng vợ ông ta ốm nặng. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư dạ dày và trả về nhà vì chẳng còn sống được bao lâu nữa.
Trước đó, người chồng đã đưa cho vợ đọc tiểu thuyết “Con sóc” của Anatoly Kim, và bây giờ nguyện vọng cuối cùng của bà là được gặp tác giả cuốn sách. Vào ngày hẹn, Kim đến nhà. Người phụ nữ cố ngồi dậy để chào khách. Anatoly Kim bảo bà đừng ngại, ông bước tới nắm bàn tay bà và ngồi đối diện với bà. Bà chân thành cảm ơn nhà văn về tiểu thuyết “Con sóc” và nói rằng, sau khi đọc cuốn sách, bà không còn sợ chết nữa. Những lời của độc giả nói với nhà văn trong giờ phút thập tử nhất sinh như vậy thật vô cùng giá trị - không thể không tin con người như vậy.
Một ví dụ khác:
…Một lần, Anatoly Kim được nhà thờ Tin lành ở thành phố Voronezh mời đến dự hội nghị bàn về đấu tranh chống nạn ma túy trẻ em. Từ trên diễn đàn hội nghị, nhà văn nói rằng cuộc đấu tranh chống ma túy cực kỳ gay go và kém hiệu quả. Cách chống ma túy tốt và hiệu quả nhất là dự phòng và cảnh báo trước về tất cả sự nguy hại của việc sử dụng chất ma túy. Không bao giờ cho phép trẻ em thử dùng chất độc chết người này.
Trong lúc nhà văn phát biểu trên hội nghị, có một phụ nữ mặc ào choàng trắng lặng lẽ bước vào phòng và ngồi vào một chỗ trống ở phía sau. Mấy phút sau, bà xin được phát biểu ý kiến. Bà là một nữ y tá, làm việc tại bệnh viên thành phố. Khi nghe tin nhà văn Anatoly Kim đến thành phố Voronezh và đang ở nhà thờ, bà xin phép bác sĩ trưởng đến đây. Bà nói rằng đã từ lâu mơ ước được gặp nhà văn và đến để cảm ơn ông về cuốn tiểu thuyết tuyệt vời “Onlirya”.
Cuốn sách kỳ diệu này mang lại cho độc giả niềm hy vọng lớn và niềm tin vào một cuộc sống tốt đẹp. Sau khi đọc tiểu thuyết này, bà có cảm giác như được tắm mình trong một dòng nước nguồn tinh khiết, và muốn sống cuộc đời mới. Và bây giờ cuộc sống khó khăn của bà đã được cải thiện. Bà chân thành cảm ơn nhà văn và vái chào ông. Rồi bà vội vã ra đi trong tiếng vỗ tay của các đại biểu. Trong giờ giải lao, nhà văn muốn nói chuyện với người phụ nữ này, nhưng bà đã trở về bệnh viện.
Nhớ lại những câu chuyện đó, Anatoly Kim trầm ngâm nói: “Những lời tâm sự đó của độc giả đem lại cho tôi sức mạnh và niềm cảm hứng đích thực, và tôi sẽ sáng tác cho những con người như vậy. Đó cũng có thể là câu trả lời: tôi viết cho ai”.
(Theo Anatoly Kim - người đương thời của tôi | Báo Công an nhân dân điện tử (cand.com.vn))
Mời các bạn đón đọc Những Người Hái Rong Biển của tác giả Anatoly Kim.